Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh Thể, Hiệp Thông và Liên Đới (2)

§ Vũ Văn An

(tiếp theo)

3. Liên đới

Hạn từ thứ ba là “liên đới”. Trong khi hai hạn từ trên do Thánh Kinh và Thánh Truyền mà có, thì hạn từ thứ ba này do bên ngoài mà có. Như đức Tổng Giám Mục Paul Cordes từng phát biểu, quan niệm “liên đới” khởi đầu được những nhà xã hội chủ nghĩa đầu tiên như P. Lerou (chết năm 1871) khai triển như một giải đáp mới, hữu lý và hữu hiệu đối với các vấn đề xã hội, ngược lại ý niệm yêu thương của Kitô giáo.

Không có Chúa Kitô, sẽ không có giải pháp nào cả

Karl Marx chủ trương rằng Kitô giáo có đến một thiên niên kỷ rưỡi để chứng tỏ khả năng giải quyết các vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng và bất công của mình, nhưng chỉ thành công trong việc chứng tỏ mình không có khả năng làm việc đó.

Bởi thế, Marx cho rằng cần phải dùng các đường lối mới. Trong nhiều thập niên qua, nhiều người vẫn xác tín rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa Mácxít, dựa trên ý niệm “liên đới”, phải là con đường cuối cùng để thực hiện bình đẳng nhân bản, loại trừ nghèo đói và đem hòa bình lại cho thế giới. Ngày nay, ta thấy rõ cái lý thuyết và chính sách xã hội bất cần tới Thiên Chúa ấy đã để lại sau lưng biết bao khủng khiếp và tàn sát.

Không ai chối cãi rằng mô thức tự do của nền kinh tế thị trường, nhất là nền kinh tế thị trường được các ý niệm xã hội của Kitô Giáo điều hoà và chỉnh đốn, đã có những thành công lớn lao tại một số miền trên thế giới. Nhưng điều buồn là người ta cũng thấy các hiệu quả tai hại của nó, nhất là ở những miền như Phi Châu, nơi có đang có sự tranh chấp giữa các thế lực và quyền lợi kinh tế. Đàng sau những mô thức phát triển mà bề ngoài có vẻ mang lại lợi ích ấy, người ta thấy đôi khi chỉ là những tham vọng dấu mặt nhằm khuếch trương các quyền lực hay ý thức hệ đặc thù hòng thống trị thị trường. Trong hoàn cảnh ấy, các cơ cấu xã hội cũng như các lực lượng tâm linh và luân lý xưa đã và đang bị hủy hoại nặng nề, đem lại không biết bao nhiêu các hậu quả đang vang vọng bên tai ta như những tiếng kêu thống khổ.

Thực ra, không có Thiên Chúa, không có sự việc nào tiến triển được. Và vì Thiên Chúa chỉ mạc khải khuôn mặt cũng như Danh Thánh của Người cho ta và bước vào hiệp thông với ta, trong một mình Chúa Kitô mà thôi, nên nếu không có Chúa Kitô, sẽ không bao giờ có niềm hy vọng tối hậu.

Kitô hữu nêu gương giải pháp, bất chấp các thất bại khủng khiếp

Rõ ràng là trong các thế kỷ qua, người Kitô hữu mắc nhiều tội lỗi nghiêm trọng. Nạn nô lệ và buôn bán nô lệ vẫn còn là một chương đen tối chứng tỏ người Kitô hữu ít là Kitô hữu thực sự xiết bao và nhiều Kitô hữu đã xa rời đức tin và sứ điệp Phúc Âm, xa rời sự hiệp thông chân thực với Chúa Giêsu Kitô biết chừng nào.

Tuy thế, nhìn từ góc độ khác, ta lại thấy thật nhiều gương sáng đầy đức tin và yêu thương, nơi nhiều linh mục và nữ tu, tận tụy sống hy sinh và khiêm nhường. Những cuộc đời ấy đã mang lại những cán cân quân bằng tích cực và để lại một gia sản yêu thương. Gia sản ấy nếu không loại bỏ được cảnh bóc lột khủng khiếp, thì ít nhất cũng đã làm nó giảm bớt khá nhiều. Ta có thể tiếp tục xây dựng trên các chứng tá ấy; ta có thể tiến xa hơn trên nẻo đường của họ.

Trong mấy thập niên qua, nhờ các gương sáng ấy, và nhất là nhờ các nghiên cứu đạo đức học của Đức Gioan Phaolô II, cái hiểu về liên đới dần dần đã được biến đổi và được Kitô hóa, đến độ ngày nay ta có quyền đặt nó cạnh hai hạn từ chủ yếu của Kitô giáo tức hạn từ Thánh Thể và Hiệp Thông. Liên đới, trong bối cảnh mới này, có nghĩa là cảm thấy có trách nhiệm đối với nhau, người khỏe mạnh có trách nhiệm với người đau yếu, người giầu có trách nhiệm với người nghèo, các nước Bắc Bán Cầu có trách nhiệm với các nước Nam Bán Cầu. Liên đới là ý thức cá nhân về trách nhiệm hỗ tương; nó có ý nhắc nhở ta nên ý thức rằng lúc cho đi chính là lúc nhận lãnh. Liên đới có nghĩa: ta chỉ cho đi điều mình đã nhận lãnh và điều cho đi không bao giờ là của riêng một mình mình.

Linh đạo phải đi đôi với đào luyện khoa học và kỹ thuật

Ngày nay ta thấy rõ: chuyển giao kỹ năng, kiến thức, lý thuyếr khoa học và kỹ thuật mà thôi không đủ, cả tập tục trong một số cơ cấu chính trị nữa cũng thế, không đủ. Những điều ấy không những không giúp được chi mà kết cục còn phá hoại nữa, nếu không phục hồi các sức mạnh tâm linh, vốn là những sức mạnh mang lại ý nghĩa cho các kỹ thuật và cơ cấu ấy, làm cho việc sử dụng chúng trở thành có trách nhiệm. Tiêu diệt các tôn giáo truyền thống bằng tính thuần lý là điều dễ dàng. Những tôn giáo này nay bị coi như những nền văn hóa phụ thuộc (subcultures), những tàn dư của mê tín, bị tước hết các yếu tố tốt đẹp và hiện bị coi như những thực hành chỉ làm hại tâm trí và thân xác con người. Tốt hơn, đáng lẽ người ta nên phơi bầy cái cốt lõi lành mạnh của các tôn giáo này ra dưới ánh sáng Chúa Kitô để nhờ đó, cái cốt lõi này thể hiện được đầy đủ các hoài mong nội tại của chúng. Qua diễn trình thanh lọc và khai triển như thế, liên tục tính và sự tiến bộ sẽ được kết hợp một cách có hiệu quả. Việc truyền giáo chỉ thành công tại những nơi người ta biết đi theo con đường như trên trên và nhờ thế, khai triển được các sức mạnh của đức tin, là điều ngày nay hết sức cần.

Trong cuộc khủng hoảng của hai thập niên 1960 và 1970, nhiều nhà truyền giáo bi quan đi đến kết luận này là công việc truyền giáo hay công bố Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô ngày nay không còn thích hợp nữa.

Họ nghĩ điều duy nhất có ý nghĩa là giúp phát triển xã hội. Nhưng làm thế nào tiến hành được việc phát triển tích cực về xã hội, nếu ta dốt nát không hiểu gì về Thiên Chúa?

Phúc âm và tiến bộ xã hội đi đôi với nhau

Ý niệm căn bản được nhiều người lẳng lặng nhất trí hiện là ý niệm cho rằng: nên để các dân tộc hay bộ lạc duy trì tôn giáo riêng của họ, không nên bắt họ phải quan tâm tới tôn giáo của ta,. Ý niệm ấy chỉ chứng tỏ một điều: đức tin trong tâm hồn những người chủ trương như thế đã ra nguội lạnh, dù thiện ý của họ vẫn cao; nó chứng tỏ rằng hiệp thông với Chúa Giêsu không còn là điều sinh tử nữa. Nếu không, tại sao họ lại cho rằng loại bỏ người khác khỏi sự hiệp thông ấy là một điều tốt?

Về căn bản, đây quả là một cách suy nghĩ nghèo nàn về các tôn giáo nói chung và không biết qúy trọng các tôn giáo ấy. Ở đây, xem ra người ta coi tôn giáo của người khác như một thứ tàn dư cổ lỗ cần phải để yên đấy, vì tôn giáo ấy chẳng có gì can hệ tới tiến bộ cả. Những điều các tôn giáo ấy nói và làm xem ra chẳng ăn nhằm gì tới ta; các tôn giáo này vốn không thuộc thế giới hữu lý; xét tới cùng, nội dung của chúng xét chỉ là con số không, không đáng kể.

Đã tới lúc ta phải loại bỏ lối suy nghĩ lầm lẫn ấy. Sở dĩ ta cần lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô chính là vì lòng tin ấy đem lại cho ta cả lý trí lẫn tôn giáo. Nhờ thế, ta nhận ra trách nhiệm chia sẻ của mình. Chia sẻ trên mọi bình diện, tâm linh, đạo đức và tôn giáo, là một phần trong tình liên đới giữa các dân tộc và quốc gia.

Hoàn cầu hóa là phải tìm phúc lợi cho mọi lục địa

Rõ ràng ta phải phát triển kinh tế, không phải chỉ để mang lợi lại cho một quốc gia hay một nhóm quốc gia nào đó, mà là vì phúc lợi của mọi lục địa. Điều ấy là điều khó và chưa bao giờ được thể hiện hoàn toàn. Nó đòi ta phải hy sinh. Nhưng nếu có tinh thần liên đới được đức tin nuôi dưỡng, thì điều đó có thể thực hiện được, dù chỉ là bất toàn.

Chủ đề hoàn cầu hóa xuất hiện trong bối cảnh này. Ngày nay, điều rõ ràng là tất cả chúng ta đều lệ thuộc lẫn nhau. Nhưng hiện đang có thứ hoàn cầu hóa một chiều, nhằm phục vụ quyền lợi bản thân. Cần phải có thứ hoàn cầu hóa đòi buộc các quốc gia phải chịu trách nhiệm đối với nhau và cùng nhau chia sẻ gánh nặng của nhau. Tất cả những điều ấy không thể thực hiện được theo phương cách trung lập, tức là chỉ quan tâm tới các then máy của thị trường. Các quyết định về giá trị thị trường cần được ấn định bởi nhiều yếu tố, trong đó, chân trời tôn giáo và luân lý của ta luôn có tính quyết định. Nếu việc hoàn cầu hóa về kỹ thuật và kinh tế không đi đôi với việc mở lương tâm mình ra cho Thiên Chúa, là Đấng tất cả chúng ta sẽ phải tính sổ trách nhiệm, thì chắc chắn thảm họa sẽ xẩy ra. Đây là một trách nhiệm lớn lao đang đè nặng lên Kitô hữu ngày nay.

Kitô giáo, một tôn giáo vốn từ một Chúa, một tấm bánh mà ra, một tôn giáo tìm cách biến chúng ta thành một cơ thể, ngay từ lúc đầu, đã nhằm mục đích thống nhất nhân loại. Ngay trong lúc này, lúc mà việc thống nhất bề ngoài toàn thể nhân loại đang trở thành một khả thể, một khả thể mà trước đây không ai dám nghĩ tới, nếu ta, trong tư cách Kitô hữu, lại rút chân ra, vì tin rằng mình không thể hay không nên cho đi bất cứ điều gì nữa, thì chắc ta sẽ đặt nặng lên mình một thứ tội trọng khác. Đúng thế, sự thống nhất mà không có Thiên Chúa hay chống lại Thiên Chúa kết cục sẽ giống như cuộc thí nghiệm của Babylon: hoàn toàn hỗn loạn và hủy diệt tan tành, trong hận thù và hỗn mang, mọi người chống chọi lẫn nhau.

Kết luận

Thánh Thể như Bí tích biến đổi

Ta hãy trở lại với Bí Tích Thánh Thể. Điều gì thực sự đã xẩy ra trong đêm Chúa Giêsu bị phản bội? Ta hãy nghe Lễ Quy Rôma, vốn được coi là tâm điểm “Phép Thánh Thể” của Giáo Hội Rôma: “Hôm trước ngày chịu khổ hình, Người cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, ngước mắt lên trời, hướng về Chúa là Cha toàn năng của Người, tạ ơn Chúa, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: ‘Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con’. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm chén qúy trọng này trong tay thánh thiện khả kính, cũng tạ ơn Chúa, dâng lời chúc tụng, và trao cho các môn đệ mà nói: ‘Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy, máu Giao Ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy’”.

Biến thể

Với những lời trên, điều gì sẽ xẩy ra?

Trước nhất, ta gặp hạn từ “biến thể” (transubstantiation). Bánh trở nên thân thể, thân thể của chính Người. Bánh trần gian trở nên bánh Thiên Chúa, “manna” trên trời, được Thiên Chúa dùng nuôi sống con người, không những ở đời này mà còn trong viễn ảnh phục sinh nữa, nghĩa là của nuôi chuẩn bị cho phục sinh hay đúng hơn, của nuôi làm cho phục sinh khởi đầu rồi. Chúa chúng ta, Đấng có thể biến đá thành cơm bánh, Đấng có thể khiến con cái Abraham chỗi dậy từ đất đá, muốn biến đổi bánh thành thân thể, thân thể của chính Người. Điều này có thể thực hiện được chăng? Thực hiện cách nào?

Mình cho đi, Máu đổ ra

Ta không thể không đặt câu hỏi như dân chúng tại hội đường Capernaum. Người ở đó trước mặt các môn đệ, với đầy đủ thân xác; thế thì làm thế nào Người lại đọc trên bánh rằng: này là mình Thầy? Điều quan trọng cần chú ý kỹ ở đây là lời nói thực sự của Chúa Giêsu. Người không nói ngắn ngủi: “Này là mình Thầy”, nhưng nói đầy đủ: “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Thân xác ấy trở thành một tặng phẩm, vì nó được cho đi. Qua hành vi cho đi, thân xác ấy trở nên “có khả năng hiệp thông”, đã tự biến mình thành quà phúc. Ta cũng nên lưu ý đến cùng một điều ấy trong các lời Người nói trên chén thánh. Chúa Kitô không nói: “Này là máu Thầy” nhưng Người nói: “này là máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con”. Vì chẩy ra, đến mức nó chẩy ra, nên nó có thể được cho đi.

Biến đổi bạo lực thành hành vi yêu thương

Nhưng giờ đây, một câu hỏi khác được đặt ra: “bị nộp” và “chẩy ra” có nghĩa gì? Thật sự ra, Chúa Giêsu bị giết; Người bị đóng đinh vào thánh giá và chết vì cực hình. Máu Người đổ ra thật, trước nhất trong Vườn Cây Dầu vì nỗi thống khổ nội tâm đối với sứ mệnh của mình, rồi lúc chịu đánh đòn, chịu đội mão gai, chịu đóng đinh vào thánh giá và sau khi qua đời còn bị đâm thấu Trái Tim. Việc xẩy ra đầu hết là một hành vi bạo lực, hận thù, tra tấn và hủy hoại.

Ở điểm này, ta thấy bình diện biến đổi thứ hai, sâu sắc hơn nhiều: biến đổi từ bên trong, Người biến đổi hành vi của những người bạo hành chống lại Người thành hành vi hiến mình vì chính những người ấy, nghĩa là thành hành vi yêu thương. Điều ấy có thể nhận ra rõ ràng trong hoạt cảnh ở Vườn Cây Dầu. Điều Người dạy trong Bài Giảng Trên Núi, nay Người đem ra thực hành: Người không đề nghị lấy bạo lực chống lại bạo lực, mà đáng lý ra Người có thể làm, nhưng kết liễu bạo lực bằng cách biến đổi nó thành yêu thương. Hành vi giết chóc, chết chóc, được biến đổi thành hành vi yêu thương; bạo lực bị tình yêu đánh bại. Đây là sự biến đổi nền tảng trên đó mọi biến đổi khác phải dựa vào. Đó là sự biến đổi thực sự mà thế giới cần đến, sự biến đổi chỉ một mình nó đủ để cứu chuộc thế gian. Vì qua một hành vi yêu thương, Chúa Kitô đã biến đổi và đánh bại bạo lực từ bên trong, chính cái chết cũng đã được biến đổi: yêu thương mạnh hơn sự chết. Nó tồn tại mãi mãi.

Biến đổi sự chết thành sự sống

Và thế là trong sự biến đổi này, ta thấy có sự biến đổi rộng lớn hơn, tức sự biến đổi từ cái chết đến phục sinh, từ thân xác chết bằm đến thân xác sống lại. Nếu người đầu hết là một hữu thể sống, thì như Thánh Phaolô từng nói, Ađam mới, tức Chúa Kitô, qua biến cố thiêng liêng kia, đã trở thành người ban sự sống (1Cor 15:45). Đấng sống lại là quà phúc cho đi, là thần khí ban chính sự sống mình, đấng “hiệp thông” mà chính lại là chính sự hiệp thông. Điều ấy có nghĩa: ở đây, không có chuyện từ biệt hiện hữu vật chất; đúng hơn, bằng cách ấy, hiện hữu vật chất đã hoàn thành mục tiêu của nó: không có biến cố chết thực sự (với tính siêu việt nội tại của nó) thì trọn bộ việc biến đổi vật chất đầy phức tạp này sẽ không thể có được. Và do đó, trong việc biến đổi phục sinh, trọn sự viên mãn của Chúa Kitô tiếp tục hiện tồn, nhưng giờ đây hiện tồn dưới hình thức biển đổi; giờ đây, việc vừa là thân xác vừa là quà phúc cho đi không còn loại trừ nhau nữa, nhưng mặc nhiên hiện diện trong nhau.

Trước khi tiếp tục, ta hãy tóm tắt một lần nữa để hiểu toàn bộ thực tại phức tạp này. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã dự ứng trước biến cố Canvariô. Người chấp nhận cái chết trên thánh giá và qua việc chấp nhận ấy, Người đã biến đổi hành vi bạo lực thành hành vi cho đi, hành vi hiến đổ mình ra. Thánh Phaolô dựa vào điều trên và trước viễn tượng chính Ngài sắp chịu tử đạo, đã viết như sau trong Thư gửi tín hữu Philíphê (2:17): “Nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em”. Trong Bữa Tiệc Ly, thánh giá đã có mặt rồi, đã được Chúa Giêsu chấp nhận và biến đổi rồi. Sự biến đổi đầu hết và nền tảng này kéo theo nó mọi biến đổi khác: thân xác hay chết được biến đổi thành thân xác phục sinh: đó là “thần khí ban sự sống”.

Biến đổi bánh và rượu

Dựa trên sự biến đổi ấy, sự biến đổi thứ ba có thể thực hiện được: của lễ bánh và rượu, vốn là của lễ trong thiên nhiên và đồng thời là kết quả lao động của con người và là một “biến đổi” thiên nhiên, đã được biến đổi để trong chúng chính Chúa Kitô, Đấng hiến mình đi, trở nên hiện diện, trong chính việc hiến mình ấy. Việc hiến mình của Người, hay chính Người, vì Người vốn là quà phúc cho đi, nên hành vi hiến mình không phải là cái gì của Người, nhưng là chính mình Người.

Và trên căn bản ấy, ta thấy có triển vọng xem sét tới hai biến đổi xa hơn, hai biến đổi rất chủ yếu đối với Phép Thánh Thể, từ giây phúc nó được thiết lập: bánh và rượu được biến đổi.

Qua chúng, chính Chúa Kitô hiến mình như thần khí ban sự sống để biến đổi con người chúng ta trở nên một tấm bánh với Người và sau đó một thân thể với Người. Việc biến đổi của lễ này, vốn chỉ là việc tiếp diễn cuộc biến đổi nền tảng trên thánh giá và cuộc biến đổi phục sinh, không phải là điểm tận cùng mà đến lượt nó chỉ là một bắt đầu.

Biến đổi người hiệp lễ thành một cơ thể

Mục đích của Phép Thánh Thể là biến đổi những ai tiếp nhận nó thành một hiệp thông đúng nghĩa. Và như thế, mục đích là hợp nhất, là thứ bình an mà chúng ta, trong tư cách các cá thể tách biệt sống cạnh nhau hay sống kình chống nhau, trở nên một cơ thể biết cùng Chúa Kitô và trong Chúa Kitô tự cho đi, biết sống chờ ngày phục sinh và chờ một tân thế giới.

Biến đổi tạo dựng thành nơi Thiên Chúa cư ngụ

Biến đổi thứ năm và là biến đổi sau cùng, một biến đổi vốn là đặc điểm của bí tích này, nhờ thế đã trở nên rõ rệt: nhờ chúng ta, những con người đã được biến đổi, đã trở thành một cơ thể, một tinh thần ban sự sống, toàn bộ tạo dựng cũng sẽ phải được biến đổi. Nó phải được biến đổi thành “đô thị mới”, vườn địa đàng mới, nơi cư ngụ sống động của Thiên Chúa: “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cor 15:28), như lời Thánh Phaolô mô tả ngày chung cục của tạo dựng, một miêu tả phải phù hợp với Phép Thánh Thể.

Như thế, Phép Thánh Thể là một diễn trình biến đổi, rút tỉa quyền lực từ Thiên Chúa để biến cải hận thù và bạo lực, dựa vào quyền lực của Người mà biến đổi thế giới. Cho nên ta phải cầu nguyện để Chúa Kitô giúp ta cử hành và sống Phép Thánh Thể cách ấy. Ta cầu xin Người biến cải ta và cùng với ta biến cải thế giới thành một Giêrusalem mới.

Vũ Văn An

Thánh Thể, Hiệp Thông và Liên Đới, bài (1) & (2)

Đọc nhiều nhất Bản in 08.09.2008. 07:54