Dân Chúa ? | Liên Lạc | RSS Feeds
Tháng 10/2020
Bài Mới
- Hậu quả cuộc bầu cử 2020: Giới truyền thông mất mặt, đảng Dân Chủ thoái trào
- Hậu quả cuộc bầu cử 2020: Những ảnh hưởng với các chính sách Công Giáo
- Nghi Thức Trừ Tà Trên Đà Gia Tăng, Đặc Biệt Là Sau Những Cuộc Biểu Tình
- Tổng thống Trump tuyên bố chiến thắng và cảnh báo trò gian lận
- ĐTC ban hành tự sắc liên quan đến việc lập các hội dòng giáo phận
- Tòa Thánh kêu gọi bảo vệ tính chất thánh thiêng sự sống con người
- Giáo hội Pháp phản đối lệnh hạn chế cử hành Thánh lễ có giáo dân tham dự
- Giáo hội Pakistan vui mừng vì Arzoo, 13 tuổi, bị bắt cóc và ép theo Hồi giáo, được giải cứu
- ĐTC Phanxicô: Cầu nguyện là bánh lái hướng dẫn cuộc đời chúng ta
- ĐTC và các giám mục trên thế giới đau buồn về các vụ tấn công ở Vienna
- Một linh mục California đã được huyền chức sau khi không công nhận Đức Thánh Cha Phanxicô
- Ở đất nước nơi từng được xem là Công Giáo nhất hoàn cầu, linh mục nào cử hành thánh lễ là đi tù
- Không khí cuộc bầu cử ngày 03 tháng 11. Các nước Á Châu hướng về Hoa Kỳ hồi hộp theo dõi kết quả
- Đức cha Mandagi kêu gọi giải quyết vấn đề Paqua bằng đối thoại
- HĐGM Bắc Phi mời gọi các tín hữu xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn
- Các tổ chức tôn giáo Philippines kêu gọi điều tra quốc tế về vi phạm nhân quyền
- ĐHY Schönborn kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân trong các vụ nổ súng ở Vienna
- Sáng kiến lần hạt toàn cầu cầu nguyện cho các thai nhi đã bị phá bỏ
- ĐTC dâng lễ cầu nguyện cho các tín hữu qua đời
- Làn sóng phản đối gia tăng tại Pakistan sau khi Toà án đồng thuận với vụ bắt cóc trẻ vị thành niên Công giáo
- Tuyên bố chung giữa Công giáo và Hồi giáo tại Bỉ bày tỏ mong muốn tôn trọng lẫn nhau
- Tính Thành Hiệu Của Bí Tích Giải Tội Tin Lành
- Thủ đô Vienna của Áo bị khủng bố Hồi Giáo tấn công
- Nguyên văn lá thư của Tòa Thánh giải thích tuyên bố của Đức Phanxicô về việc sống chung đồng tính
- Tòa Bạch Ốc đã bị bao vây bởi những người chống Tổng thống Trump
- Đức Tổng Giám Mục Philadelphia cầu nguyện, kêu gọi hòa bình sau nhiều ngày bất ổn
- Biden chào hàng ‘cảm hứng’ đức tin Công Giáo, mặc dù tiếp tục ủng hộ phá thai và đòi hạn chế tự do tôn giáo
- Tòa án Brazil cấm một tổ chức vận động phá thai dùng tên “Công giáo”
- Một ngàn giáo xứ chầu Thánh Thể trong ngày Hoa Kỳ bầu Tổng thống
- ĐTC bổ nhiệm Đức tổng giám mục Tomasi làm đặc sứ của ngài tại Hội Hiệp sĩ Malta
- Lễ phong chân phước cho cha Michael McGivney, đấng sáng lập Hội Hiệp sĩ Columbus
- Ý Nghĩa Bức Họa Chính Thức Về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
- Ngọn đuốc cho đời - Vì sao cho đạo
- Lễ Các Thánh Nam Nữ khai mạc tháng cầu cho các đẳng linh hồn tại Vatican
- Về Cội
- Tự Tình “Tháng Mười Một Các Đẳng”
- Phép lạ ngoạn mục, Y khoa không thể giải thích dẫn đến lễ Tuyên Chân Phúc cho Cha McGivney hôm 31/10
- Giáo hội và thế giới cần tình mẫu tử và nữ tính của Đức Mẹ Maria
- Phim mới về Cha Thánh Maximilian Kolbe
- Vị Hồng Y tân cử đang trông coi một Giáo phận chỉ có ba linh mục!
Sách Online
Thánh Thể, Hiệp Thông và Liên Đới
§ Vũ Văn An
Tại Hội nghị các giám mục miền Campania tại Benevento (Ý) ngày 2 tháng Sáu năm 2002, để chuẩn bị cho Đại Hội Thánh Thể với chủ đề “Thánh Thể, Hiệp Thông và Liên Đới”, Đức Hồng Y J. Ratzinger (Đức đương kim Giáo Hoàng) đã được mời nói truyện. Ngài đã dựa vào chủ đề trên để trình bầy bài nói truyện hết sức sâu sắc của mình.
“Đức ái, Bình an”, Chính lý, Chính hành
Thời Giáo Hội sơ khai, đôi khi người ta gọi Phép Thánh Thể đơn giản chỉ là “đức ái” (agape) hay đơn giản hơn nữa là “bình an” (pax). Như thế, các Kitô hữu thời đó đã nói lên cách cảm kích mối dây liên kết hết sức chặt chẽ giữa mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện cách bí nhiệm và tập tục (praxis) phục vụ chính nghĩa hòa bình, tập tục Kitô hữu là hòa bình. Đối với các Kitô hữu tiên khởi, không hề có sự khác biệt giữa điều ngày nay ta hay phân biệt thành chính lý và chính hành (orthodoxy & orthopraxis), thường được hiểu là lý thuyết đúng và hành động đúng. Thực thế, khi đưa ra một phân biệt như thế, phần lớn vẫn cho rằng cái chữ chính lý kia cần phải bị khinh miệt: những người chủ trương duy trì lý thuyết đúng bị người ta coi chỉ là những con người hẹp hòi, cứng ngắc và bất khoan dung. Tuy nhiên, phân tích đến cùng, đối với những người có cái nhìn phê phán hơn về chữ chính lý, thì mọi sự đều tùy thuộc ở “hành động đúng” và lý thuyết được coi như một điều gì có đó để được thảo luận thêm. Đối với những ai có cái nhìn như thế, thì việc chủ yếu chính là hoa trái do lý thuyết đem lại, còn đường dẫn tới hành động đúng là điều dửng dưng. Những phân biệt như thế đều là những điều Giáo Hội sơ khai không thể hiểu cũng như chấp nhận được, vì Giáo Hội ấy hiểu đúng đắn rằng “chính lý” không có nghĩa là “lý thuyết đúng” nhưng có nghĩa là thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa cách chân thực. Giáo Hội ấy xác tín rằng mọi sự tùy thuộc vào việc phải nằm trong mối liên hệ đúng đắn với Thiên Chúa, vào việc phải nhận biết điều gì làm Người hài lòng và điều gì người ta có thể làm để đáp trả lại Người một cách đúng đắn. Chính vì thế, mà Israel đã yêu lề luật: nhờ lề luật, họ biết được ý Thiên Chúa, họ biết phải sống công chính ra sao và phải tôn vinh Thiên Chúa cách đúng đắn thế nào: bằng hành động theo ý Người, đem trật tự lại cho trần gian, mở cửa trần gian đón nhận thể siêu việt.
Chúa Kitô dạy cách tôn vinh Thiên Chúa, làm thế giới nên công chính
Niềm vui mới được các Kitô hữu khám phá ra là đây: là từ nay, khởi từ Chúa Kitô, họ hiểu Thiên Chúa cần được tôn vinh ra sao và chính nhờ lối tôn vinh ấy mà thế giới được trở nên công chính như thế nào. Điều khiến cho hai việc trên cần đi đôi với nhau, nghĩa là việc tôn vinh Thiên Chúa và việc thế giới nên công chính, đã được các thiên thần công bố vào đêm cực thánh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2:14). Vinh quang Thiên Chúa và bình an dưới thế là hai điều không thể tách biệt nhau. Nơi đâu Thiên Chúa bị loại bỏ, nơi ấy có gẫy đổ hoà bình trên thế giới; không có Thiên Chúa, không chính hành nào có thể cứu được chúng ta. Thực thế, không có chính hành nào có thể công chính mà lại tách rời khỏi nhận thức về điều đúng. Ý chí mà thiếu nhận thức chỉ là mù quáng và do đó hành động, chính hành chăng nữa, mà thiếu nhận thức cũng chỉ là mù quáng và sẽ dẫn tới hố thẳm. Sự xảo trá vĩ đại của chủ nghĩa Mácxít chính là đã nói với ta rằng ta đã suy tư về thế giới quá lâu rồi, nay đến lúc cần phải thay đổi nó. Nhưng nếu không biết hướng nào để thay đồi nó, nếu không hiểu ý nghĩa và mục đích nội tại của nó, thì thay đổi không thôi sẽ chỉ là hủy diệt, như ta đã thấy và còn tiếp tục được thấy. Tuy nhiên, chiều ngược lại cũng thế thôi: lý thuyết không thôi, không trở thành sức sống và hành động, chỉ là cái thứ tán gẫu lười lĩnh và do đó trống rỗng không hơn không kém. Chân lý hết sức cụ thể. Nhận thức và hành động kết hợp với nhau chặt chẽ, đức tin và sự sống cũng thế.
Đức Hồng Y cho hay chủ đề “Thánh Thể, Hiệp Thông và Liên Đới” sẽ là ba từ ngữ chủ yếu để Ngài khai triển thêm về những điểm vừa nêu.
1. Thánh Thể
Ngày nay, “Lễ Tạ Ơn” (the Eucharist) là tên thông thường nhất để chỉ Bí Tích Mình và Máu Chúa Kitô, một Bí Tích được Chúa Giêsu thiết lập vào đêm trước khi Người chịu khổ nạn, và nên gọi như thế. Thời Giáo Hội sơ khai, có nhiều tên để gọi Bí Tích này: agape (đức ái) và pax (bình an) ta vừa nhắc trên đây. Song song với hai tên ấy, còn các tên khác như synaxis (tụ họp, hội ngộ). Người Thệ Phản thường gọi nó là “Bữa Tối” vì họ muốn hoàn toàn quay về với nguồn gốc Thánh Kinh, theo gương Luther, người chỉ coi Sách Thánh là duy nhất có giá trị. Họ đúng một phần, vì nơi Thánh Phaolô, bí tích này được gọi là “Bữa Ăn Tối của Chúa”. Có điều đáng chú ý là tên gọi ấy đã mau chóng biến mất, và từ thế kỷ thứ hai trở đi, nó không còn được dùng nữa. Tại sao? Có lẽ tại vì người ta muốn tách khỏi Tân Ước, như Luther vốn nghĩ, hay vì một lý do khác?
Chắc chắn Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích này trong bối cảnh một bữa ăn, nói đúng hơn trong bữa ăn tối mừng Lễ Vượt Qua của người Do Thái, và bởi thế, ngay từ đầu, nó cũng đã được liên kết với việc tụ họp nhau để dùng bữa. Nhưng Chúa Giêsu không ra lệnh phải lặp lại bữa tối Vượt Qua, vốn được dùng làm cái khung cho Bí Tích. Vì đó không phải là bí tích của Người, không phải là quà phúc của Người. Dù sao, bữa tối Vượt Qua cũng chỉ được cử hành mỗi năm có một lần mà thôi. Do đó, việc cử hành Lễ Tạ Ơn đã tách biệt khỏi việc tụ họp nhau để dùng bữa, cùng nhịp với việc tách biệt khỏi Lề Luật, một việc lúc ấy cũng đang ló dạng, song song với việc quá độ bước vào một Giáo Hội gồm cả người gốc Do Thái lẫn Dân Ngoại, và nhất là Giáo Hội của Dân Ngoại. Như thế, mối liên kết với bữa ăn tối được coi như chỉ là ngoại thuộc, có khi còn là dịp gây hiểu lầm và lạm dụng nữa, như chính Thánh Phaolô đã mô tả đầy đủ trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô.
Phụng Vụ Lời Chúa, Kinh Tạ Ơn, Lời Truyền Phép
Như thế, khi mặc lấy khuôn hình đặc thù riêng của mình, Giáo Hội đã từ từ giải phóng quà phúc đặc thù của Chúa Kitô, một quà phúc mới mẻ và trường cửu, thoát khỏi bối cảnh cũ và cho nó một hình thức riêng biệt. Việc ấy xẩy ra được là nhờ việc nối kết với phụng vụ Lời Chúa, một phụng vụ vốn dựa theo mẫu mực hội đường; và cũng nhờ sự kiện này nữa là Lời Truyền Phép đã tạo nên cao điểm cho lời kinh tạ ơn vĩ đại, mà việc tạ ơn này vốn cũng đã được dẫn khởi từ các truyền thống hội đường và do đó tối hậu vẫn là từ chính Chúa, Đấng đã rõ ràng dâng lời tạ ơn và ca ngợi lên Thiên Chúa theo truyền thống Do Thái. Nhưng Người đã làm phong phú lời kinh tạ ơn kia một cách sâu xa hơn nhiều nhờ chính hiến lễ bằng thân xác và máu huyết mình.
Qua hành vi ấy, các Kitô hữu tiên khởi hiểu được rằng yếu tính trong biến cố Bữa Tiệc Ly không phải là việc ăn thịt chiên và các món ăn truyền thống khác mà chính là lời kinh ca ngợi vĩ đại mà lúc này đây tại tâm điểm của nó, đang chứa những lời của chính Chúa Giêsu. Với những lời ấy, Người đã biến cái chết của Người thành hiến lễ chính mình, đến nỗi ngày nay ta có thể dâng lời tạ ơn vì cái chết ấy. Vâng, chỉ lúc này ta mới có thể dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa mà không phải e dè chi, vì điều khủng khiếp nhất tức cái chết của Đấng Cứu Chuộc và cái chết của chính chúng ta, đã được hành vi yêu thương kia biến thành của lễ hiến sinh.
Lễ Tạ Ơn, Kinh Nguyện Thánh Thể
Bởi lẽ trên, Lễ Tạ Ơn đã được nhìn nhận là thực tại yếu tính của Bữa Tiệc Ly, điều mà nay ta gọi là Kinh Nguyện Thánh Thể, một kinh nguyện dẫn khởi trực tiếp từ lời kinh chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện vào đêm vọng cuộc khổ nạn của Người và là tâm điểm lễ hy sinh thiêng liêng mới, là động lực do đó nhiều Giáo Phụ đã gọi Lễ Tạ Ơn này là oratio (lời nguyện), là “hy lễ bằng lời”, là hiến lễ thiêng liêng, nhưng cũng đã trở thành vật thể và chất thể biến hình: bánh và rượu trở nên mình và máu Chúa Kitô, của ăn mới, nuôi sống chúng ta chờ ngày phục sinh, chờ cuộc sống trường sinh. Như thế, trọn bộ cơ cấu lời nói và yếu tố vật chất đã trở thành một dự ứng cho bữa tiệc cưới đời đời. Cuối cùng, ta cũng đã lại trở về với sự liên kết này. Ở đây, chỉ quan trọng một điều là hiểu được tại sao các Kitô hữu Công Giáo không gọi bí tích này là “Bữa Ăn Tối” mà là “Lễ Tạ Ơn” (the Eucharist). Giáo Hội sơ khai dần dần đem lại cho bí tích này hình thức đặc thù của nó và chính qua cách đó, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội nhận diện rõ ràng và qua biểu hiệu đã mô tả được yếu tính chân thực của bí tích, một bí tích chính Chúa Giêsu đã thực sự thiết lập vào đêm hôm đó.
Chính nhờ khảo sát diễn trình qua đó bí tích Thánh Thể dần dần lấy được hình thức đặc thù của mình, nên ta hiểu được một cách tốt đẹp mối liên kết sâu xa giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. Thánh Kinh, xét thuần túy theo bối cảnh lịch sử, đã không thông truyền đầy đủ cho ta cái nhìn về yếu tính. Cái nhìn ấy chỉ có được nhờ thực hành sống động của Giáo Hội biết sống Thánh Kinh, biết nắm được ý định sâu xa của nó và làm ta tới gần được nó.
2. "Hiệp Thông” (Communio)
Ngày nay, từ ngữ thứ hai trong chủ đề, tức Hiệp Thông, đã trở thành thời thượng. Thực thế, nó là một trong các từ ngữ sâu sắc nhất và có đặc điểm hơn hết trong truyền thống Kitô giáo. Chính vì lý do này, điều rất quan trọng là phải hiểu nó cách rộng dài hết sức. Ở đây, Đức Hồng Y kể lại một kinh nghiệm bản thân. Hồi cùng một số bạn hữu, nhất là Henri de Lubac, Hans Urs von Balthasar, Louis Bouyer, Jorge Medina, có ý định ra một tạp chí để đào sâu và khai triển gia tài Công Đồng để lại, các ngài loay hoay đi tìm tên thích hợp để đặt cho tờ tạp chí, mà phải là một chữ đơn mà thôi nhưng có thể chuyên chở được mục đích của tờ báo. Năm 1965, năm cuối cùng của Công Đồng, đã có một tập san dùng làm tiếng nói thường trực cho Công Đồng và tinh thần của nó rồi, đó là tập san Concilium. Hans Kung nghĩ: ông đã khám phá ra sự đồng nghĩa giữa hai hạn từ ekklesia (Giáo Hội) và concilium (công đồng). Vì gốc Hy Lạp của hai từ ngữ này đều là kalein (triệu tập). Từ ngữ đầu, tức ekklesia, có nghĩa là triệu tập, mà từ ngữ thứ hai, tức concilium, cũng có nghĩa là cùng triệu tập. Cho nên, xét trong yếu tính, hai từ ngữ ấy chỉ về cùng một sự vật. Căn cứ vào mối liên hệ nguyên ngữ này, ta có thể nói hai hạn từ Giáo Hội và Công Đồng đồng nghĩa với nhau và trong bản chất của mình, Giáo Hội được coi như một Công Đồng liên tục của Thiên Chúa trong trần gian. Cho nên, phải quan niệm Giáo Hội theo nghĩa “công đồng” này và được “thực tại hóa” dưới hình thức một Công Đồng; và ngược lại, Công Đồng cũng phải được quan niệm như một thể hiện sâu sắc nhất của “Giáo Hội”, nghĩa là Giáo Hội trong hình thức cao cả nhất của mình.
Đức Hồng Y cho hay trong những năm tiếp sau Công Đồng, Ngài cũng suy nghĩ theo quan điểm ấy trong một thời gian, nghĩa là coi Giáo Hội như một công đồng thường trực của Thiên Chúa trong trần gian, một quan điểm thoạt mới nhìn hết sức thông sáng. Ngài cho rằng không nên bỏ qua các hậu quả thực tiễn của lối quan niệm này và tính lôi cuốn khá tức khắc của nó. Tuy thế, dù Ngài cho cái nhìn của Hans Kung chắc chắn có đúng và nghiêm chỉnh, nhưng đồng thời Ngài cũng thấy cần phải chỉnh đốn quan điểm ấy một cách đáng kể. Và Ngài trình bầy vắn tắt một số điểm Ngài đã nghiên cứu thấy vào dịp đó. Các tìm tòi triết học và thần học của Ngài về ý nghĩa của hai hạn từ “giáo hội” và “công đồng” thời xưa cho Ngài thấy: công đồng chắc chắn là một thể hiện quan trọng và sinh tử của Giáo Hội, nhưng trên thực tế, Giáo Hội là một cái gì khác, yếu tính Giáo Hội sâu sắc hơn thế nhiều.
“Hiệp Thông” (Koinonia) sống Lời sự sống
Công đồng là điều Giáo Hội chủ trương, nhưng Giáo Hội không phải là một công đồng. Giáo Hội không hiện hữu chủ yếu để mà bàn luận, nhưng để sống Lời từng được ban cho ta. Nên Ngài nghĩ hạn từ diễn tả được quan niệm căn bản ấy, một quan niệm chuyên chở được yếu tính của chính Giáo Hội, chính là koinonia - hiệp thông. Cho nên, không nên miêu tả cơ cấu của Giáo Hội bằng hạn từ “công đồng” mà đúng hơn phải bằng hạn từ “hiệp thông”. Khi Ngài công khai đề nghị các ý niệm ấy trong tác phẩm xuất bản năm 1969, tựa là The New People of God (Dân Mới Của Chúa), thì ý niệm hiệp thông chưa được phổ biến lắm trong các cuộc thảo luận công công về thần học và giáo hội học. Thành thử, các ý niệm của Ngài về chủ đề ấy chỉ được ít người xem sét. Tuy nhiên, đó là những ý niệm quyết định hướng dẫn Ngài trong việc tìm cho ra cái tên thích hợp cho tờ tạp chí mới, và quả chúng đã dẫn Ngài tới việc đặt tên cho tờ tạp chí ấy là Tập San Communio (Hiệp Thông).
Chính ý niệm này thì mãi tới năm 1985 mới được nhìn nhận rộng rãi tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Cho tới lúc đó, thuật ngữ “Dân Chúa” thịnh hành hơn trong tư cách là quan niệm mới chính yếu dùng để mô tả Giáo Hội, và được mọi người tin là có năng lực tổng hợp được các ý định của chính Công Đồng Vatican II. Niềm tin này có thể đúng nếu thuật ngữ này được sử dụng theo nghĩa Thánh Kinh đầy đủ nhất của nó và theo bối cảnh rộng lớn và chính xác trong đó Công Đồng đã dùng nó. Tuy nhiên, khi một từ ngữ chính đã trở thành một khẩu hiệu (slogan), ý nghĩa của nó chắc chắn sẽ giảm đi; và quả thực, nó đã bị tầm phào hóa (trivialized).
Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1985
Do đó, Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1985 đã đi tìm một khởi đầu mới bằng cách tập chú vào từ ngữ “hiệp thông”, một từ ngữ trước nhất đã được dùng để chỉ tâm điểm Thánh Thể của Giáo Hội, và đồng thời cũng đã trở lại với cái hiểu về Giáo Hội như là địa điểm thân mật nhất cho cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô và nhân loại, trong hành vi tự hiến thân Người cho ta.
Không thể tránh được việc từ ngữ có tính nền tảng vĩ đại này của Tân Ước, một khi bị cô lập và được sử dụng làm khẩu hiệu, cũng sẽ mất đi phần nào ý nghĩa và có khi còn bị tầm phào hóa. Quả thế, ngày nay, ta thấy có những người nói tới “một giáo hội học về hiệp thông” (ecclesiology of communion) mà họ thường hiểu như hai điều sau: (1) họ ủng hộ một giáo hội học “đa nguyên”, gần như theo nghĩa liên hiệp “liên bang” đối nghịch với điều họ cho là quan niệm tập quyền về Giáo Hội; (2) trong các trao đổi hỗ tương giữa các giáo hội địa phương, họ muốn nhấn mạnh tới các hình thức thờ phượng đa văn hóa trong phụng vụ, trong kỷ luật và trong tín lý.
Ngay ở những nơi các khuynh hướng chưa được khai triển trong chi tiết, một cách tổng quát, người ta vẫn hiểu “hiệp thông” theo nghĩa bề ngang (horizontal): theo lối này, nó phát sinh từ một hệ thống nhiều cộng đoàn hợp lại. Quan niệm Giáo Hội như một cơ cấu có tính cộng đoàn như thế không khác bao nhiêu so với quan niệm coi Giáo Hội như công đồng đã nói ở trên. Ý niệm hàng ngang là ý niệm trổi vượt. Nó nhấn mạnh tới sự tự quyết của các giáo hội đặc thù trong lòng cộng đồng rộng lớn gồm nhiều giáo hội khác nhau.
Lẽ dĩ nhiên, quan điểm ấy có điểm đúng. Tuy nhiên, xét trong nền tảng, nó không đúng và nếu đi theo quan điểm này, thì các điều sâu sắc thực sự của Tân Ước cũng như Vatican II và cả Thượng Hội Đồng năm 1985 sẽ tiêu tan hết. Để làm sáng tỏ ý nghĩa trung tâm của ý niệm “hiệp thông”, Đức Hồng Y Ratzinger muốn dùng hai đoạn văn lớn nói về hiệp thông trong Tân Ước. Đoạn đầu trích từ Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chương 10, câu 16-17, trong đó Thánh Phaolô nói với ta: “Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần (bản tiếng Ý dùng chữ Communion) vào Máu Ðức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”.
Chiều thẳng của Phép Thánh Thể
Quan niệm hiệp thông trước hết bắt nguồn rất vững chắc trong Bí Tích Thánh Thể. Đó là lý do tại sao ngày nay ta vẫn sử dụng ngôn ngữ của Giáo Hội để gọi rất đúng hành vi tiếp nhận bí tích này là “hiệp lễ” (to communicate). Nhờ thế, cái ý nghĩa thực tiễn xã hội của biến cố bí tích này cũng trở nên tức khắc hiển nhiên và điều ấy, xét một cách triệt để, không tài nào thực hiện được với cái nhìn hoàn toàn chiều ngang. Ở đây, chúng ta được dạy rằng nhờ bí tích này, một cách nào đó, chúng ta bước vào hiệp thông với máu Chúa Giêsu Kitô. Nhưng theo quan niệm Hi-bá-lai, máu tượng trưng cho “sự sống”. Như thế, điều được khẳng định ở đây là sự hoà nhập sự sống của ta vào sựống của Chúa Kitô.
Trong bối cảnh Thánh Thể, “Máu” rõ ràng cũng tượng trưng cho “quà phúc” (gift), cho một hiện hữu tự đổ mình ra, tự hiến mình vì ta và cho ta. Như thế, hiệp thông máu cũng là đi vào sự năng động của sự sống ấy, vào “máu đang đổ ra” kia. Hiện hữu ta “được năng động hóa” đến độ mỗi người chúng ta đều trở nên một hữu thể vì người khác, như đã thấy nơi Trái Tim rộng mở của Chúa Kitô.
Xét theo một khía cạnh, những lời đọc trên bánh lại còn đáng làm ta ngạc nhiên hơn nữa. Những lời này nói tới một “hiệp thông” với xác Chúa Kitô mà Thánh Phaolô vốn ví với sự kếp hợp giữa người đàn ông và người đàn bà (xem 1Cor 6:17ff; Eph 5:26-32). Thánh Phaolô cũng phát biểu điều này từ một cách nhìn khác khi Ngài viết: tất cả chúng ta đều lãnh nhận một tấm bánh và cùng một tấm bánh. Điều ấy đúng một cách lạ lùng: “Bánh”, manna mới mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, quả là một và cùng là một Chúa Kitô, được dành cho mọi người.
Chúa kết hợp ta với chính Người
Quả thật, chúng ta tiếp nhận chỉ một và cùng một Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, hay đúng hơn, chính Chúa Giêsu tiếp nhận ta và làm ta hoà nhập vào trong chính Người. Thánh Augustinô diễn tả điều đó bằng một đoạn văn được Ngài coi như một thị kiến: “hãy ăn bánh người của người mạnh khỏe; con không biến Ta thành ra con, nhưng Ta sẽ biến con thành ra Ta”. Nói cách khác, khi ta tiêu thụ của nuôi thân xác, thì của nuôi ấy được thân xác hấp thụ, trở nên một phần thân xác ta. Nhưng bánh này khác hẳn. Nó lớn lao và cao cả hơn ta. Không phải ta hấp thụ nó mà là nó hấp thụ ta, đến nỗi, một cách nào đó, ta trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”, như lời Thánh Phaolô nói, nghĩa là thành chi thể trong thân xác Người, nên một với Người.
Tất cả chúng ta đều “ăn” cùng một đấng, chứ không phải chỉ là cùng một sự; nhờ thế, tất cả chúng ta đều được bứng ra khỏi những con người cá thể khép kín để được đặt vào trong một người khác, lớn lao hơn. Tất cả chúng ta đều được hấp thụ trong Chúa Kitô và do đó, nhờ hiệp thông với Chúa Kitô, được kết hợp với nhau, trở nên như nhau, một sự vật duy nhất ở trong Người, chi thể lẫn của nhau.
Hiệp thông với Chúa Kitô cũng là hiệp thông với nhau. Chúng ta không còn lẻ loi đối với nhau, không còn người này tách biệt khỏi người kia nữa; mà nay mỗi chúng ta đã trở nên thành phần của người khác; mỗi người tiếp nhận hiệp thông đều là “xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (St 2:23).
Sự kết hợp xã hội có tính phổ quát
Cho nên, nền linh đạo thực sự về hiệp thông, nhìn trong chiều sâu Kitô học của nó, nhất thiết phải có đặc tính xã hội, như Henri de Lubac đã mô tả một cách tuyệt diệu hơn nửa thế kỷ trước đây, trong tác phẩm Catholicism (Đạo Công Giáo) của mình.
Vì lý do này, khi tôi đọc kinh hiệp lễ, tôi phải hoàn toàn hướng về Chúa Kitô, để tôi được Người biến cải, được ngọn lửa ‘hỏa hào’ của Người thiêu đốt tôi. Nhưng cũng chính vì lý do này, tôi phải luôn luôn ý thức rõ ràng rằng qua cách đó, Người kết hợp tôi cách hữu cơ với mọi người khác cũng đang tiếp nhận Người, với người qùy cạnh tôi đây, người mà tôi có thể chắng thích chút nào; mà còn cả với những người ở tận cuối chân trời, mãi tận Á Châu, Phi Châu, Mỹ Châu hay ở chốn xa xăm nào khác.
Trở nên một với họ, tôi phải học để biết cách mở rộng con người mình hướng về họ và để mình tham dự vào các hoàn cảnh của chính họ. Đó là bằng chứng chứng minh tính chân thực của tình yêu tôi dành cho Chúa Kitô. Nếu tôi kết hợp nên một với Chúa Kitô, tôi cũng nên một với người lân cận của tôi, và sự nên một này không chỉ giới hạn vào thời điểm hiệp lễ mà thôi, mà chỉ là bắt đầu ở đấy. Nó trở thành sự sống, trở thành thịt và máu, trong mọi kinh nghiệm hàng ngày của chia sẻ cuộc đời với người lân cận của tôi. Như thế, các thực tại cá biệt trong sự hiệp thông và trong tư cách là thành phần trong đời sống Giáo Hội của tôi đã được liên kết với nhau một cách không thể nào tháo gỡ ra được nữa.
Giáo Hội không được hạ sinh từ việc liên hiệp các cộng đồng. Việc hạ sinh ra Giáo Hội khởi đầu từ một tấm bánh, với một Đức Chúa và từ Người, từ khởi thủy và khắp mọi nơi, một thân xác đã được dẫn khởi từ một tấm bánh. Giáo Hội trở nên một không nhờ một việc cai trị tập quyền mà nhờ một tâm điểm chung mở toang cho mọi người, vì tâm điểm ấy không ngừng rút tỉa nguồn gốc từ một Đức Chúa duy nhất, Đấng nhờ một tấm bánh, đã tượng hình Giáo Hội thành một cơ thể duy nhất. Chính nhờ vậy, sự hợp nhất của Giáo Hội có một chiều sâu lớn lao hơn bất cứ sự hợp nhất nào của con người mọi thời. Chính khi hiểu nó như tình thân mật kết hợp mỗi người với Chúa, mà Phép Thánh Thể cũng trở thành một bí tích có tính xã hội rất cao độ.
Thánh Martin de Porres, á thánh Têrêxa thành Calcutta
Các vị thánh xã hội vĩ đại, trên thực tế, vẫn luôn là những vị thánh vĩ đại của Phép Thánh Thể. Đức Hồng Y Ratzinger muốn nhắc tới hai điển hình được chọn một cách tình cờ.
Trước nhất là Thánh Martin de Porres, sinh tại Lima, Peru, năm 1569, con trai một người mẹ Phi Mỹ (Afro-American) và một nhà qúy tộc Tây Ban Nha. Thánh Martin sống nhờ việc thờ lạy Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, sống trọn nhiều đêm cầu nguyện trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh trong Nhà Tạm, trong khi cả ngày chăm sóc không biết mệt mỏi các người bệnh và trợ giúp những người bị xã hội ruồng bỏ, khinh ghét, những người được Ngài tự đồng hóa với do chính gốc gác thấp hèn của mình. Cuộc gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng hiến mình cho ta trên thánh giá, làm chúng ta trở thành chi thể của cùng một thân thể nhờ cùng một tấm bánh, một biến đổi mà nếu biết đáp ứng đầy đủ, sẽ thúc đẩy ta đến chỗ phục vụ người đau khổ, chăm sóc người yếu ớt và bị lãng quên. Thời ta, có á thánh Têrêxa thành Calcutta. Bất cứ nơi đâu Ngài muốn mở nhà để các nữ tu của mình chăm sóc người sắp chết và người bị bỏ rơi, điều đầu tiên Ngài đòi phải có là chỗ đặt Nhà Tạm, vì Ngài biết rõ chỉ bắt đầu từ đó, ta mới có sức mạnh để phục vụ mà thôi.
Bất cứ ai nhận ra Chúa trong Nhà tạm, đều nhận ra Người trong người đau khổ và thiếu thốn; họ ở trong số những người mà quan tòa trần gian sẽ phán: “Ta đói, các con cho Ta ăn; Ta khát, các con cho Ta uống; Ta trần truồng, các con cho Ta mặc, Ta bệnh, các con đến thăm Ta, Ta ngồi tù, các con đến với Ta” (Mt 25:35).
Đoạn Tân Ước quan trọng thứ hai liên quan tới hạn từ “hiệp thông” là trích từ đầu Thư thứ nhất của Thánh Gioan (1:3-7). Trong đoạn này, Thánh Gioan nói đến cuộc gặp gỡ với Ngôi Lời Nhập Thể, cuộc gặp gỡ mà Thiên Chúa đã ban cho Ngài. Ngài nói rằng Ngài thông truyền điều chính mắt Ngài đã được chứng kiến và chính tay Ngài đã được đụng tới. Cuộc gặp gỡ ấy ban cho Ngài ơn koinonia (hiệp thông) với Chúa Cha và Con của Người là Chúa Giêsu Kitô. Ơn hiệp thông ấy đã trở thành ơn hiệp thông thực sự với Thiên Chúa hằng sống. Theo Thánh GIoan, ơn hiệp thông này đã mở mắt cho Ngài và nhờ thế, Ngài được sống trong ánh sáng, nghĩa là, trong chân lý của Thiên Chúa, một chân lý được phát biểu qua giới răn độc đáo và mới mẻ, một giới răn vượt trên mọi giới răn khác, đó là giới răn yêu thương. Cho nên, hiệp thông với “Lời sự sống” là trở thành sự sống công chính, là trở thành tình yêu. Nhờ thế, nó cũng trở thành hiệp thông qua lại: “Nếu ta đi trong ánh sáng… ta cũng sẽ hiệp thông với nhau” (1Ga 1:7).
Đoạn văn trên cũng cho thấy cùng một luận lý về hiệp thông mà ta đã thấy nơi Thánh Phaolô: hiệp thông với Chúa Giêsu trở thành hiệp thông với chính Thiên Chúa, hiệp thông với ánh sáng và với tình yêu; nhờ cách đó, nó cũng trở thành sự sống công chính, và những điều ấy kết hợp ta với nhau trong chân lý. Chỉ khi nào chịu nhìn hiệp thông dưới khía cạnh sâu rộng này, ta mới nói truyện được với thế gian.
(còn tiếp)
Đọc nhiều nhất Bản in 08.09.2008. 07:50