Trích từ Dân Chúa

7. Tiết nhịp Ngôn Sứ

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

“Ta cất bước theo điệu vũ trong ngày Sabát
Và Ta cứu chữa người què quặt bệnh tật.
Dân tộc thánh thiện cho việc Ta làm là điều ô danh.
Họ quất roi, lột trần và treo Ta lên cao;
và họ để Ta chết nhục nhã trên cây thập tự.”

I- TƯƠNG QUAN THÁNH LỄ VỚI CUỘC SỐNG

Có một câu chuyện thích hợp cách đặc biệt kể từ khi ta đánh giá lại ảnh hưởng việc khám phá tân lục địa của Columbus. Câu chuyện kể về Francisco Pizzaro, một trong những anh hùng đã giúp để chiếm được lục địa Châu Mỹ cho Tây Ban Nha. Dù đã chinh phục được đế quốc Incas, nhưng Pizzaro vẫn sẵn sàng cho Incas một cơ hội. Ông nói với vua Incas là Atahualpa nên tuân phục cả Đức Giáo Hoàng và hoàng đế Tây Ban Nha.

Atahualpa không hài lòng với lựa chọn nào. Theo những gì ông biết về đạo Công Giáo thì những người Kitô hữu tin vào một vị Thiên Chúa đã bị giết bởi chính dân của Người, trong khi đó những vị thần của ông vẫn còn sống và mạnh khỏe, vậy lý do nào để từ bỏ các thần ấy ? Còn đối với hoàngđế Tây Ban Nha, Atahualpa chẳng thấy có lý do nào phảitriều cống hoàng đế cả. Vậy câu trả lời phải tuân phục hoàngđế cũng là không.

Pizzaro và quân lính của ông, những người trước đó đã xưng tội, dự lễ và rước lễ để được Chúa ban thêm sức dũng cảm, liền quay súng bất ngờ tấn công Atahualpa, tiến hành cuộc thảm sát hơn ba ngàn thanh niên không vũ trang, không kể phụ nữ và trẻ em.

Họ đã có một Thánh Lễ như thế đó !

Câu chuyện này có thể là một điển hình kinh khủng, nhưng trong bề dày lịch sử, đã có biết bao nhiêu câu chuyện về Thánh Thể đã được sử dụng để biện minh cho những cách ăn ở hết sức ngoại đạo. Để rõ ràng hơn, chúng ta đưa mắt nhìn lại lịch sử, và thật xấu hổ khi thấy những người chủ nô lệ đã sốt sắng rước Mình Thánh Chúa trước khi đem bán đàn bà và trẻ em như bán đàn gia súc. Chúng ta có thể kể từng chi tiết những người đi chinh phục đất đai, những người đàn áp, và những kẻ bóc lột có hạng đã họp nhau lại nơi bàn tiệc của Chúa để cử hành Thánh Lễ như thế nào !

Trở về với thời đại này, chúng ta có thể vạch mặt những kẻ chiếm dụng đất đai, những người âm mưu làm người khác bị phá sản, bóc lột sức lao động của công nhân, những người làm giàu trên xương máu người khác. Thế mà những hạng người này vẫn thấy lương tâm thanh thản đến nhà thờ tham dự phụng vụ của Giáo Hội. Tại sao vậy ?

Câu trả lời rất đơn giản : chúng ta đã đánh mất quan niệm về Tiết Nhịp Ngôn Sứ của Thánh Lễ. Giản lược phần này vào một nghi thức làm chúng ta cảm thấy an tâm dễ chịu, và nó được sử dụng chính yếu là để vỗ về an ủi chúng ta. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không lập nên bí tích Thánh Thể để xoa dịu con người. Người muốn Thánh Thể trở thành năng lực giúp chúng ta sống tốt lành hơn. Thánh Thể không phải là phần thưởng cho những người công chính, Thánh Thể là lương thực cho kẻ lữ hành.

Tin Mừng có một góc cạnh sắc bén. Cho nên đến với Thánh Thể chúng ta thực sự cảm thấy sợ hãi, run rẩy vì nhận thức được đường hướng của Chúa hoàn toàn khác với chúng ta (Is 55, 8-9). Thánh Thể được cử hành đúng mức phải đem lại một thay đổi toàn diện trong cách suy nghĩ và hành động của chúng ta. Đó là ý nghĩa câu thánh Phaolô nói: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô… ” (Pl 2, 5)

II- TƯƠNG QUAN HAI CHIỀU TRONG THÁNH LỄ

Phần cốt yếu của phụng vụ Lời Chúa là Tiết Nhịp Ngôn Sứ. Lời Chúa thách đố chúng ta dám đặt mình thực sự vào cách sống của Đức Giêsu, cho dù “dân tộc thánh thiện” có cho đó là điều xấu hổ. Lời Chúa không phải chỉ đơn thuần đem lại cho chúng ta sự an toàn, nhưng còn để lay động và giúp chúng ta tạo dựng một thế giới như Chúa đã mong muốn từ lúc bắt đầu việc tạo thành. Ngày nay chúng ta, những người môn đệ Chúa, có bổn phận tiếp tục dấn thân xây dựng Nước Trời mà Đức Giêsu đã sống và chết cho Nước Trời đó.

Trước Công Đồng Vatican II, phụng vụ Thánh Thể được hiểu chủ yếu như một nghi thức do linh mục cử hành. Chúng ta đã đánh mất ý thức vai trò của cộng đoàn, và nhìn linh mục như một người tế lễ theo mẫu các thầy tế lễ trong Cựu Ước. Vai trò hy tế này được sử dụng một cách đặc biệt suốt trong Kinh Nguyện Thánh Thể, nhưng kinh nguyện này thường chỉ được đọc thầm, vì đây là phần riêng của linh mục. Thánh Thể được quan niệm như thế chỉ nhấn mạnh trên tương quan chiều dọc giữa Thiên Chúa với thụ tạo, chỉ chú tâm đến việc phượng thờ mà thụ tạo phải có đối với Đấng Tạo Thành của mình, bỏ quên mất tương quan chiều ngang, tương quan thụ tạo phải có đối với nhau.

Khác với việc nhấn mạnh Thánh Thể như là một hy tế muôn đời, sau Công Đồng Vatican II, thấy chớm nở một hướng nhấn mạnh đặc biệt hơn trên tương quan chiều ngang của Thánh Thể. Trong việc khám phá lại các phương diện liên quan đến bữa ăn của Phụng Vụ, với ý thức về tình liên đới giữa những người đến tụ họp chung quanh một bàn tiệc, Thánh Lễ đã trở thành một buổi cử hành và diễn tả tình huynh đệ.

Sự quá nhấn mạnh trên tương quan hàng ngang, nghĩa là tập trung trên yếu tố con người, có chiều hướng làm cho Thánh Lễ mang tính cách quá bình dị. Dù có tính năng động hơn so với cử hành phụng vụ có thể nói là nặng hình thức của thời gian trước, nhưng việc quá nhấn mạnh tương quan chiều ngang này có thể dẫn đến sự tập trung thái quá trên những hành động của chúng ta hơn là các hành vi của Đức Kitô. Điều này làm cho phụng vụ xa hẳn với tương quan chiều dọc là dâng lên Thiên Chúa một nghi thức thờ phượng. Để dung hoà hai thái cực, một sự hiểu biết về Tiết Nhịp Ngôn Sứ của Thánh Lễ có thể giúp chúng ta nối kết cả hai phương diện đó của phụng vụ để củng cố và hỗ trợ lẫn nhau.

Tiết Nhịp Ngôn Sứ nhắc nhở chúng ta về cả hai phương diện : sự tùy thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa, và trách nhiệm chúng ta phải có đối với anh em. Phương diện này bổ túc cho phương diện kia. Tiết nhịp Ngôn Sứ có thể giúp chúng ta tránh những thái quá của lòng sốt sắng cá nhân chủ nghĩa hoặc lòng đạo đức quá nhân bản, cũng như tránh được đường hướng quá nghiêng về siêu nhiên của chủ thuyết nghi thức hy tế. Thiên Chúa ước mong một sự thờ phượng đích thực được biểu lộ khi chúng ta “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).

Việc thờ phượng “trong Thần Khí” của chúng ta không phải là vấn đề của những thực hành đặc biệt, nhưng là vấn đề lối sống của chúng ta. Đó cũng không phải là một lối sống do tự chúng ta nghĩ ra, nhưng là một lối sống đến từ Thiên Chúa. Do đó Thánh Lễ không phải là một cái gì chúng ta dâng lên Thiên Chúa, nhưng là những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Kitô mà chúng ta phải đón nhận trong tâm tình khiêm nhu, tạ ơn, thờ phượng. Những gì ta đón nhận phải được đáp trả, được phản ánh trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

III- TÍNH NGÔN SỨ TRONG PHỤNG VỤ THÁNH LỄ

Một phụng vụ mang tính Ngôn Sứ giúp tránh khỏi việc tạo nên những vách tường ngăn cách mà chúng ta thường có khuynh hướng dựng lên trong các việc đạo đức của mình. Nếu chúng ta đóng kín Thiên Chúa trong chiếc thùng của siêu việt hoặc siêu nhiên, đức tin của chúng ta bị niêm phong tách khỏi cuộc sống hằng ngày. Chỉ khi nào các mối dây liên hệ bình thường của chúng ta được đức tin và việc thờ phượng diễn tả ra bên ngoài, thì lúc đó chúng ta mới bắt đầu hội nhập phụng vụ vào với cuộc sống một cách sinh động. Phụng vụ cung cấp cho chúng ta năng lực để tiếp tục lớn mạnh theo như cách Đức Giêsu đã lớn mạnh.

Câu chuyện thật của Thánh Thể là câu chuyện của một sự sống được trao ban cho người khác. Chúng ta luôn được đem đến đối diện với việc Đức Kitô trao ban chính bản thân mình, và đó cũng trở thành mẫu mực cho việc chúng ta trao ban cho người khác. Khi nhớ lại lời kinh của Đức Giêsu đêm trước khi Người chịu nạn : “Xin cho tất cả chúng nên một” (Ga 17, 21), rõ ràng không thể nào thông chia bàn tiệc của Chúa, nếu chúng ta vẫn còn có những ngăn cách đối với bất cứ thành phần nào của Thân Mình Người. Đức Giêsu đã sẵn sàng dâng hiến mạng sống mình cho sự “nên một” đó.

Tiết Nhịp Ngôn Sứ trong Thánh Lễ ngăn cản chúng ta khỏi tình trạng thỏa mãn, đình trệ dậm chân tại chỗ, không cho phép chúng ta cử hành Thánh Thể để khỏi bị thách đố. Tiết Nhịp Ngôn Sứ làm cho ta thấy được sự cần thiết phải luôn tăng trưởng trong đời sống Kitô hữu, khi ngày càng ý thức hơn những cách thức khác nhau mà chúng ta phải biểu hiện đối với những giá trị của thế giới ta đang sống hơn là chỉ dừng lại ở những giá trị được Đức Giêsu nêu ra làm điển hình. Tiết Nhịp Ngôn Sứ còn giúp ta có thái độ nghiêm chỉnh hơn đối với phụng vụ, khi chúng ta cầu nguyện cho tất cả những ai thông phần bánh và rượu này được qui tụ lại thành một Thân Mình của Đức Kitô, một hy lễ ngợi khen chúc tụng sống động.

Bài giảng trong thánh lễ phải giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về chiều kích ngôn sứ của phụng vụ. Đức Giêsu đến rao giảng “Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Đức Giêsu hướng về thời Messia đã được hứa từ lâu, thời mà các lời hứa của Giao Ước Thiên Chúa được thực hiện. Lời kêu gọi sám hối của Người triệt để như một lệnh truyền.

Giáo huấn của Đức Giêsu làm cho người ta coi Người như một Rabbi hoặc như một ngôn sứ. Khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ dân chúng nói Người là ai, họ chỉ có thể trả lời chung chung : Người là một vị ngôn sứ như Gioan Tẩy Giả, hoặc như Êlia. Chính các môn đệ Người cũng thú nhận rằng họ đã tưởng Người là một “ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm và lời nói” (Lc 24,19). Phương diện ngôn sứ của giáo huấn Đức Giêsu nổi bật rõ ràng cho người nghe.

Việc giảng thuyết, dù là một bài giảng không xuất sắc, giống như một câu chuyện trong một câu chuyện. Bất cứ đoạn Tin Mừng nào cũng là thành phần của toàn bộ câu chuyện : chuyện của Thiên Chúa với dân Israel của Người. Diễn tiến câu chuyện bắt đầu với ơn gọi của Abraham và lên đến tột đỉnh nơi Ngôi Lời mặc xác phàm. Đây vẫn chỉ là thành phần của một câu chuyện lớn hơn : chuyện của Thiên Chúa và con người. Câu chuyện này đem chúng ta từ công cuộc tạo thành đến viễn tượng một trời mới đất mới. Chúng ta đi từ lời hứa của Thánh Linh là đà bay lượn trên nước của hỗn mang, đến việc kiện toàn công cuộc của Đức Kitô trong thời sẽ đến.

Vì chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã là người thực sự, Người được hiểu và rao giảng như một nhân vật trong câu chuyện của nhân loại. Trong khi tập trung vào nhân tính của Đức Giêsu, chúng ta thấy câu chuyện của Người cũng như chuyện của ta. Đức Kitô được liên kết với thực tại lịch sử của chúng ta. Hiểu Đức Giêsu tức là hiểu được toàn bộ lịch sử nhân loại. Đức Giêsu là tâm điểm và đích điểm của chính lịch sử nhân loại.

IV- VIỄN CẢNH TƯƠNG LAI CON NGƯỜI TRONG THÁNH LỄ

Từ sau Công Đồng Vatican II, nhân tính của Đức Kitô được đặc biệt chú trọng hơn. Linh đạo trước đây dường như vẫn cho cuộc sống con người cơ bản là tội lỗi. Ngay cả ngày nay nhiều người vẫn giữ quan niệm con người đương nhiên là tội lỗi, là xấu xa. Trong quan điểm này, Đức Giêsu đến thay đổi sự đồng đẳng đó bằng cách đem lại cho chúng ta thực tại của ân sủng, đưa ta ra khỏi mức độ tự nhiên là tội lỗi, và nâng chúng ta lên mức độ siêu nhiên. Dĩ nhiên, ở đây đời sống con người được tắm gội trong ân huệ của Thánh Thần, và chúng ta có thể thực hiện được những điều tốt lành và đẹp lòng Thiên Chúa.

Thánh Phaolô đã triển khai rất mạnh mẽ ý tưởng Đức Giêsu Kitô là con người hoàn hảo nhất. Nếu muốn biết con người của chúng ta có thể làm gì và Chúa muốn ta làm gì, chỉ cần nhìn vào Đức Kitô. Đức Giêsu là hiện thân của những gì Thiên Chúa muốn cho toàn thể thụ tạo của Người trở thành ngay từ thuở ban đầu.

Bằng cách mang trong mình sự kiện toàn của nhân loại, Đức Kitô có thể giúp chúng ta thấu hiểu ý nghĩa của hai từ “con người”. Do đó thánh Irênê mới có lời khẳng định nổi tiếng này: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống dồi dào”. Không cần thiết phải vươn đến một cấp bậc cao hơn để trở thành mẫu mực đạo đức. Chúng ta chỉ cần thực hiện những gì trong khả năng con người của mình. Tất cả những gì chúng ta nghe biết về Đức Giêsu trở thành một thách đố cho sự hiểu biết và lớn mạnh của chính chúng ta. Tội lỗi không làm cho ta trở thành người, nhưng làm ta từ bỏ chức năng làm người và hạ thấp xuống mức độ loài vật.

Sự hiểu biết như thế về Đức Kitô đem ta vượt lên trên khung cảnh hiện tại để hướng đến một viễn cảnh tương lai, đến những gì có thể là và những gì Chúa mong muốn. Chúng ta thường nói Thánh Thể là sự cảm nếm trước bàn tiệc thiên sai trong Nước Trời. Đây là cách đơn giản để nói rằng Thánh Thể không phải là thực tại cuối cùng. Đúng hơn Thánh Thể hướng chúng ta đến một một tương lai viên mãn khi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả.

Vậy trong phụng vụ Thánh Thể, chúng ta họp nhau lại chia sẻ Lời Chúa và bẻ bánh. Nhưng khi cố tìm hiểu toàn cảnh về mối liên hệ của Thiên Chúa với vũ trụ Người dựng nên, thì mỗi cuộc cử hành phụng vụ là lời kinh nguyện xin cho chúng ta trung thành với những gì Chúa đã hoàn thành trong lịch sử, với những gì Thánh Thể hướng tới và đòi hỏi chúng ta phải cử hành.

Tuy nhiên, không phải chỉ Lời Chúa hay bài giảng đem lại cho chúng ta sự thách đố mang tính tiên tri đó nhưng là toàn bộ phụng vụ. Chính việc tụ họp của cộng đoàn đã là một lời xác quyết mang tính ngôn sứ rồi. Vì ở đây chúng ta thấy đủ mọi thành phần : người giàu, người nghèo, người già, người trẻ; ở đây không còn phân biệt người Do Thái hay Hy Lạp, nam hay nữ nữa. Sự kiện những người chưa từng tụ họp nhau để tham gia một công việc hoặc một trò chơi, lại có thể ngồi cùng bàn tiệc cách dễ dàng như vậy, đó là một bằng chứng hùng hồn về quyền năng Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta.

V- TÍNH NGÔN SỨ TRONG KINH NGUYỆN THÁNH THỂ

Kinh nguyện Thánh Thể cũng mang tính ngôn sứ. Tụ họp nhau, nghe Lời Chúa và chúc tụng Thiên Chúa vì những kỳ công Người thực hiện trong thế giới, và những gì Người đã hoàn thành cho chúng ta trong Đức Kitô, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Linh tiếp tục công việc biến đổi của Người. Lời nguyện xin Chúa Thánh Thần này luôn được diễn tả dưới dạng cần phải có sự biến đổi để đem sự hiệp nhất cho cộng đoàn. Chúng ta cũng xin Chúa Thánh Thần biến đổi bánh và rượu dâng trên bàn thờ. Và ít nhất cũng có ngụ ý xin Chúa biến đổi thế giới chúng ta đang sống, để mọi thụ tạo thoát khỏi ách nô lệ của sự hư nát để được thông dự vào sự tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa (Rm 8, 19- 23).

Trong lời kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần, chúng ta nài xin “cho chúng con nên một nhờ Chúa Thánh Thần.” Hoặc như trong kinh nguyện Thánh Thể III : “Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được tràn đầy Thánh Thần của Người, xin cho chúng con nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô.” Về mặt này những Kinh Nguyện Thánh Thể mới đều theo mẫu những lời kinh xưa nhất của Giáo Hội. Tất cả những kinh nguyện này đều nhìn nhận rằng đời sống trong Chúa Thánh Thần sẽ liên kết chúng ta lại với nhau.

Kinh Nguyện Thánh Thể xưa nhất mà chúng ta có ở trong cuốn “Didache” vào thế kỷ thứ nhất. Trong lời Kinh Tạ Ơn này, nhận thức về sự nên một được nối liền với những của lễ dâng trên bàn thờ. Trong đó chúng ta cầu nguyện rằng : “Cũng như tấm bánh đang được bẻ ra ở đây, trước khi được kết hợp lại để làm nên một tấm bánh, cũng đã từng bị tản mác trên núi đồi, thì xin cho Hội Thánh Chúa trên khắp cùng trái đất được cùng nhau sum vầy trong Nước Chúa.” Quan niệm này là điểm đặc trưng bất biến trong giáo huấn của các Giáo Phụ.

Tuy nhiên, rất tiếc trong phụng vụ hiện nay Kinh Nguyện Thánh Thể của chúng ta dâng lên Chúa Thánh Thần tự nhiên bị chia ra làm hai phần. Phần một bắt đầu với việc kêu xin Chúa Thánh Thần biến đổi của lễ, rồi ngưng tại đó để nhắc lại trình thuật thiết lập Thánh Thể. Đến mãi phần sau, chúng ta mới nhớ lại để xin Chúa Thánh Thần biến đổi cộng đoàn nên một trong thân mình Đức Kitô là Hội Thánh. Điều này rất dễ làm cho chúng ta nghĩ rằng mọi việc đều xong xuôi tốt lành một khi bánh và rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô, mà quên rằng chúng ta cũng xin Chúa Thánh Thần cho cộng đoàn đang cử hành phụng vụ được biến đổi nên một như vậy.

VI- CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ : DẤU CHỈ CỦA THÁNH LỄ

Về mặt này có lẽ chúng ta nên nhớ rằng các dấu chỉ của Thánh Lễ vượt lên trên bánh và rượu. Cộng đoàn những người đang cử hành phụng vụ cũng là thành phần của dấu chỉ. Bởi vì cử hành Thánh Lễ là một hành động chứ không phải là một thực thể nào đó không chuyển động, cho nên chúng ta có thể nói cộng đoàn tham dự là phần quan trọng nhất của dấu chỉ. Rõ ràng là nếu cộng đoàn trở nên một, luôn ý thức cố gắng sống trung thực với Tin Mừng, và lớn mạnh trong hiểu biết và tình yêu của Thiên Chúa, thì Thánh Thể sẽ đầy quyền năng và mang tính tiên tri.

Nhưng chắc chắn các đòi hỏi của Tin Mừng và phụng vụ sẽ không bao giờ sinh hoa kết trái nếu chúng ta không vun trồng ý thức về những yếu tố được biến đổi trong Thánh Thể. Điều này đòi phải có một cách nhìn hoàn toàn mới về phụng vụ Thánh Thể. Đó là điều mà mỗi người chúng ta có thể và phải làm.

Chúng ta nên bắt đầu với việc ý thức rằng chính bánh và rượu là cuộc sống của chúng ta được dâng trên bàn thờ, để Thánh Thần có thể biến đổi thân xác hay chết đó vào trong vinh quang của một cuộc sống mới. Không cần phải giả thiết rằng tất cả mọi người đến cử hành Thánh Thể đều sẵn sàng để được phong thánh. Nhưng thực ra tất cả những ai hiện diện nơi bàn thờ đều là những người cần được chữa lành và cần đến ơn của Chúa. Chúng ta cách này hay cách khác, đều đã bị nát tan vì tội lỗi hoặc vì những hoàn cảnh trái ngang của cuộc sống.

Tuy nhiên, Thánh Lễ dám khẳng định rằng không phải “quyền lực” đang cai trị thế giới này, nhưng chính là “sự yếu đuối, bất lực”. Những kẻ có quyền lực đã có thể giết hại Đức Giêsu, nhưng chính “sự yếu đuối, bất lực” của Đức Kitô đã chiến thắng hết mọi quyền lực của trần gian này. Mỗi lần cử hành phụng vụ Thánh Thể chúng ta tuyên xưng điều tương phản tột bực này. Thành công dưới mắt Thiên Chúa rất khác với thành công dưới mắt trần gian.

Những suy nghĩ, những quan niệm khác nhau luôn làm trăn trở tất cả những người họp nhau lại để cử hành phụng vụ, đó là nét đặc thù của dân Chúa. Tuy nhiên chúng ta có thể dàn trải lên bàn thờ chính sự tan nát của chúng ta, và biết rằng nó sẽ được chấp nhận như của lễ là chính Đức Kitô. Không những thế, mà chính mọi tan vỡ mà chúng ta đặt trên bàn thờ còn có thể, và sẽ được biến đổi theo khuân mẫu như chính sự chết của Đức Kitô.

Phương diện ngôn sứ của Thánh Thể có thể được ví von như một động tác thể thao tập co duỗi. Tính cách ngôn sứ đó thách đố chúng ta vận động cơ bắp đã nằm yên lâu ngày không sử dụng để vươn lên trên những cái đã trở thành tập quán thường ngày, giúp chúng ta có được một cái nhìn về tương lai của những gì có thể và phải xảy đến. Viễn tượng về một thế giới tốt lành hơn đó giúp chúng ta nỗ lực phấn đấu cho thời đại khi mà không còn nước mắt, không còn khổ đau, khi mà Thiên Chúa sẽ đến tôn vinh người công chính.

Một điểm sau cùng chúng ta phải ý thức là nếu phụng vụ Thánh Thể thực sự mang tính ngôn sứ, thì mỗi lần thưa “Amen” sau Kinh Nguyện Thánh Thể hoặc trước khi rước lấy Thân Mình Đức Kitô, là mỗi lần chúng ta tuyên xưng rằng ta chấp nhận tất cả những gì Đức Giêsu đại diện cho. Nếu làm được như vậy tức là chúng ta cũng đang làm một sự dấn thân cá nhân để thay đổi, để lớn lên trong sự sống của Chúa Thánh Thần. Sự dấn thân này không đơn thuần là một dấn thân cá nhân. Đó là một sự dấn thân để lớn lên với nhau và cho nhau.

Sợ rằng điều này bị coi như là một kết luận bình thường, chúng ta nên nhớ rằng Giáo Luật hiện hành không cho phép những ai “ở trong tình trạng tội lỗi” được nhận Thánh Thể. Ở trong tình trạng tội lỗi bao gồm những người đã ly hôn mà tái giá, và số người có những hành động đặt họ ra bên ngoài kỷ luật của Giáo Hội. Đương nhiên điều hàm ý trong cách suy nghĩ này là muốn nói rằng Thánh Thể là một phần thưởng cho người công chính.

Nhưng ai là người công chính ? Có hai vấn đề nổi cộm ở đây. Vấn đề thứ nhất là chúng ta đều có xu hướng phán xét tất cả trên cùng một cán cân. Tội trở thành một thực tại cụ thể chung cho hết mọi người. Tuy nhiên, nếu Chúa cho tôi 10 lượng và cho người nào khác chỉ có 1 lượng, thì Chúa đòi buộc tôi 10 lần hơn (đừng nói là 100 lần hơn). Ý tưởng cho rằng chúng ta có thể lấy một cán cân chung để phán xét mỗi người là chuyện kỳ cục.

Vấn đề thứ hai nảy sinh từ cách hiểu này là dựa trên 10 điều răn. Luân lý các giới răn dạy hoàn toàn nằm trong lãnh vực cá nhân. Không đá động gì đến công bình xã hội, cũng không có ý nghĩ về cấp độ của sự dữ, về sự hiện hữu của cơ chế những điều ác, hoặc về sự tội như một cái gì lớn hơn chính bản thân chúng ta. Tất cả những điều đó là sự bất bình đẳng ghê gớm trong thế giới ngày nay.

Điều mà mỗi Thánh Lễ cần củng cố nơi từng người tham dự đó là một sự dấn thân để lớn lên, để phát triển, để đến một nhận thức sâu thẳm rằng tất cả chúng ta đang cạn kiệt ơn thánh Chúa ban.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/7-tiet-nhip-ngon-su/