Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

6. Tâm trí rộng mở: Ở trong sự thật

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

“Và trong vũ điệu ngày đại lễ,
mọi người sẽ cất tiếng hát:
Nơi Ta cư ngụ là trong tâm hồn các ngươi” (Tv. 87,7)

I- TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỜI CHÚA

Nhấn mạnh rằng chúng ta phải là một cộng đoàn được thành lập bởi Lời Chúa có thể làm cho một số người lấy làm lạ. Kinh Thánh là một nhân tố quan trọng đối với Kitô Giáo. Tuy nhiên, mãi cho đến thời gian gần đây, lòng đạo của người Công Giáo chỉ được nuôi dưỡng bởi các Bí Tích và những việc đạo đức như tuần cửu nhật, lần hạt mân côi, đi đàng thánh giá, kinh nguyện cá nhân... Cả ngàn năm qua, chúng ta đã không đặt trọng tâm nhiều trên Lời Chúa. Ngay cả trong thế kỷ XX, người ta cũng không thể thừa nhận một cách tự nhiên rằng mỗi gia đình Công Giáo đều có một cuốn Kinh Thánh. Ít nhất cho đến Công Đồng Vatican II, dường như người ta vẫn quan niệm Kinh Thánh là sách của Tin Lành. Vì sợ có những thái quá trong việc hiểu Kinh Thánh cách cá nhân, nên chúng ta có khuynh hướng để việc đó cho hàng giáo sĩ, và chỉ tin và hành động như được dạy.

Rồi bây giờ chúng ta được dạy rằng đức tin và lòng đạo đức phải đặt căn bản trên Lời Chúa. Mỗi nghi thức Bí Tích đều được canh tân lại để có phần phụng vụ Lời Chúa trong đó. Có rất nhiều chọn lựa trong những bài đọc khác nhau, và có thể chọn những bài đọc khác xem ra phù hợp hơn. Cho dầu điều này có lẽ chẳng có gì mới về mặt thần học, nhưng từ quan điểm thực hành thì tiêu biểu cho một sự thay đổi lớn.

Giờ đây, Công Đồng và Đức Thánh Cha dạy rằng Kinh Thánh chẳng những rất quan trọng đối với chúng ta, mà ngay trong việc công bố Lời Chúa còn có sự hiện diện đích thực của Đức Kitô. Dù sự hiện diện đó có khác, nhưng cũng đích thực như sự hiện diện của Đức Giêsu trong Thánh Thể. Khi hai môn đệ trên đường Emmaus kêu lên : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (Lc 4, 32), điều này ngụ ý rằng họ sẽ không thấy tâm hồn bừng cháy lên, nếu họ đã không nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh. Không nên giới hạn những cách thức Chúa dùng để tỏ hiện ra cho chúng ta, vì như vậy có thể làm cho ta mất khả năng nhận ra Chúa.

Trở lại câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta có thể khám phá ra ở đó một khuôn mẫu quen thuộc. Câu chuyện bắt đầu cũng giống như hầu hết các câu chuyện thật khác, với việc người ta phấn đấu để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Điểm khởi đầu là những câu hỏi “tại sao” về cuộc sống con người. Khó mà có những giải đáp rõ ràng trước những câu hỏi như thế, mặc dầu thực tế là chúng ta đã phải rất nhiều lần vật lộn với mầu nhiệm đau khổ và sự chết, hoặc với những hoàn cảnh mà dường như sự dữ đã chiến thắng.

Tại sao một đứa trẻ thình lình bị chứng bệnh tê liệt ngay lúc mới lọt lòng mẹ ? Tại sao một người mẹ thân yêu phải bao nhiêu năm quằn quại đau đớn vì bệnh ung thư trước khi thực sự bị cái chết đánh gục ? Tại sao có những người đã bị tước đoạt mất phương tiện để có thể chăm sóc cho gia đình mình vì những quyết định không có tình người ? Tại sao Thiên Chúa cứ để cho sự dữ và tội ác tung hoành mà hình như không có một biện pháp trừng trị ? Tại sao ? Chính những câu hỏi “tại sao” về cuộc sống đó đem lại mục đích và hướng đi cho chính cuộc sống.

Vấn đề mà hai môn đệ trên hành trình Emmaus đang cố gắng tìm câu giải đáp minh họa rõ điều này. Tại sao Đức Giêsu đã phải chịu đau khổ và phải chết khi mà vương quốc của Người xem ra như sắp được thiết lập ? Tại sao kẻ thù của Người lại có thể nhảy bổ vào Người cách tàn nhẫn như thế ? Cuộc sống của họ giờ đây có ý nghĩa gì khi mà mọi nguồn hy vọng đã tiêu tan ? Tại sao và tại sao?

Khi bắt đầu cuộc hành trình, họ đã không sao tìm được giải đáp cho những câu hỏi này. Vì thế họ đành bó tay ! Khi rời cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem, họ thực sự bế tắc vì không sao tìm ra được một ý nghĩa nào từ những sự kiện vừa xảy ra. Họ chán nản ngã lòng đến nỗi không nhận ra ngay cả người mà họ đang than khóc chính là người đang tháp tùng họ trong cuộc hành trình.

Vì thế Đức Giêsu đã cố dẫn họ đến với những suy tư sâu sắc hơn. Chúng ta lưu ý rằng những suy tư của họ đã được tỏ bày ra chung với nhau. Cuộc đời dễ hiểu hơn, dễ giải quyết hơn khi chúng ta có thể chia sẻ những nỗi bận tâm và vấn đề của mình với những người cùng cảnh ngộ. Khi một mảnh đời bị tan vỡ, chúng ta cần phải có một tổng hợp mới về cuộc đời. Vì vậy mới cần phải suy tư. Đối với người Kitô hữu, Kinh Thánh cung cấp chìa khóa cho những suy tư này. Vì vậy Đức Giêsu hướng dẫn họ cố gắng hiểu những gì đang xảy ra bằng cách “mở Kinh Thánh” cho họ.

Điều này giúp họ chẳng những hiểu được những gì đã xảy ra và hiểu sâu sát hơn thực tại cuộc sống của họ, mà còn làm cho họ có thể hành động như những người Kitô hữu. Khi đã đến làng Emmaus, họ không quay lại chính mình để thankhóc số phận một lần nữa, nhưng với lòng hiếu khách, họ đã mời người khách lạở lạichia sẻ nơi ăn chốn ở với họ. Thực hành bác ái yêu thươngvẫn luôn là trọng tâm của Tin Mừng, là chính bản chất củaKitô giáo. Thánh Gioan đã có thể tóm kết những gì Đức Giêsumuốn chúng ta làm với lệnh truyền đơn giản này : “Anh emhãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga13, 34).

Trình thuật kết thúc với việc hai môn đệ nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh. Khám phá này giúp họ quay về Giêrusalem nhận lấy cuộc sống mà họ đã bỏ lại đó. Trước đây họ đã bị cám dỗ từ bỏ ơn gọi làm Kitô hữu, thì nay họ lại quay về sát nhập với các môn đệ.

Chúng ta có thể ghi nhận rằng đây là một tiến trình tái diễn nhiều lần. Chúng ta liên tục được mời gọi để khôi phục sự hiểu biết của mình về cuộc sống. Giêrusalem không phải là đoạn kết câu chuyện Emmaus. Khi hai môn đệ kể lại cho các anh em những gì đã xảy ra trên bước đường đời của họ, thì họ cũng được nghe anh em kể lại những câu chuyện của những người vẫn ở lại Giêrusalem. Khả năng suy tư sâu hơn về biến cố trên đã dẫn họ đến quyết định rời khỏi Giêrusalem để đem Tin Mừng “đến mọi dân nước” (Lc 22, 47). Tuy nhiên đó lại là câu chuyện kể khác, một câu chuyện chất chứa những kinh nghiệm thử thách lòng tin và quyết tâm của họ, và như vậy, vẫn cung cấp thêm nhiều chất liệu cho việc suy tư.

II- LỜI CHÚA TRONG PHỤNG VỤ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT

Nếu chúng ta thực sự là thành viên một cộng đoàn của ký ức sống động thì tổng hợp cuộc đời chúng ta phải dựa trên kinh nghiệm và sự khôn ngoan của nhóm. Mỗi Chúa Nhật, chúng ta tụ họp nhau lại để “nghi thức hóa” cuộc đời và giáo huấn của Đức Kitô, Đấng là nền tảng của ký ức đó. Tuy nhiên, sứ điệp của Người phải được phản ánh và thể hiện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Bằng không thì sứ điệp đó sẽ không thể thấm nhập vào sự hiểu biết và lối sống của chúng ta. Nếu nguyên lý hội nhập của chúng ta phát xuất từ Khổng Giáo, Thiền hoặc từ những phong trào hiện đại nào khác, thì chúng ta khó có thể xưng mình là Kitô hữu, vì có một sự khác biệt rất lớn.

Linh Mục Paul Bernier chia sẻ kinh nghiệm của mình như sau :

“Cách đây nhiều năm, bố tôi bị ung thư và tôi buộc phải nói cho ông cụ biết bệnh tình của cụ đã đến giai đoạn cuối cùng rồi. Lúc đó khoảng 5 giờ sáng, mọi người trong nhà đều đang ngủ. Bố tôi và tôi thường có thói quen dậy sớm. Chúng tôi dùng khoảng thời gian yên tĩnh đó để bàn về những vấn đề thời sự trên thế giới. Ngày hôm đó, đề tài bàn thảo của chúng tôi gần gũi hơn. Vừa nhấm nháp cà phê, chúng tôi vừa chia sẻ về mầu nhiệm sự sống và sự chết. Từ thâm sâu tôi linh cảm được rằng bố tôi đã biết bệnh tình của mình. Đó là buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh.

“Sau đó trong ngày, tôi dâng thánh lễ cùng với gia đình và những người bà con đến thăm. Khi chia sẻ Kinh Thánh, mọi người có vẻ rất thận trọng không muốn bàn đến cái chết sắp đến của bố tôi. Sau cùng, ông cụ thốt lên : “Bố nghĩ rằng các con đang trông chờ bố nói một điều gì.” Những gì bố tôi chia sẻ hôm ấy chỉ đơn giản là niềm ủi an mà ông cảm nhận được bởi niềm tin của ông nơi sự sống lại. Điều đó có nghĩa là sự chết chỉ là ngưỡng cửa để bố tôi bước vào một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, nơi mà một ngày nào đó, tất cả chúng tôi có thể đoàn tụ bên nhau. Chia sẻ cùng một niềm tin và chấp nhận những bài Kinh Thánh vừa đọc về chiến thắng của Đức Giêsu trên sự chết, đã giúp chúng tôi thấy được rằng cái chết của người cha thân yêu như là một phần của tất cả chúng tôi để cả gia đình có thể bàn đến hay cùng nhau khóc thương. Nhưng điều quan trọng nhất là có thể lấy niềm hy vọng từ nơi mầu nhiệm của Đức Kitô Phục Sinh để chúng tôi sống và nâng đỡ nhau. Từ lúc đó, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi nghĩ đến cái chết của chính bản thân tôi.”

Phụng vụ Chúa Nhật cố gắng đem lại một nền tảng cơ bản cho ký ức Kitô giáo của chúng ta. Mặc dù Phụng vụ Chúa Nhật cố gắng làm điều đó bằng cách đọc cả bốn Phúc Âm cách tương đối có hệ thống, nhưng vẫn không thể cho rằng như thế là đủ. Nếu việc làm quen với Kinh Thánh chỉ ngưng lại ở những gì ta nghe trong nhà thờ, thì ta vẫn đang sống ở mức “chết đói”. Cuộc sống của chúng ta phải là cuộc sống được xây nền vững chắc trên mạc khải Kinh Thánh.

Có được một nền linh đạo theo Kinh Thánh có nghĩa là chúng ta ít nhất phải quen thuộc với Kinh Thánh như chúng ta quen thuộc với thị trường chứng khoán, hoặc những biến cố trên thế giới. Hầu hết mọi người đều có thể ngồi hằng giờ ngấu nghiến những tờ báo hoặc xem truyền hình, trong khi đó cuốn Kinh Thánh vẫn bị bụi phủ đầy nằm trơ trọi trên kệ sách. Cuốn Kinh Thánh chỉ để đó cho chúng ta ngưỡng mộ và chiêm ngắm từ xa, thay vì là cuốn sách gối đầu giường phải được đọc đi đọc lại, vì Kinh Thánh mang lại cho chúng ta niềm vui sâu lắng tinh tuyền.

Tình trạng này cũng có nhiều lý do. Một trong những lý do có liên quan đến chính việc cử hành Thánh Lễ. Giáo dân thường than phiền rằng phụng vụ quá nhàm chán, hoặc các bài đọc Kinh Thánh gần như vô nghĩa. Phải công nhận rằng không phải bất cứ vị chủ tế nào cũng có khả năng giảng giải làm cho các bài đọc đi sát với thực tế cuộc sống. Nhưng ngay cả những vị giỏi giang nhất cũng không thể nào làm tròn tất cả mọi phần việc. Điều này vượt quá khả năng của họ.

Để có những lợi ích mà phụng vụ Chúa Nhật đem lại, điều quan trọng là chúng ta không đến nhà thờ với tâm hồn “băng đá”. Nếu chúng ta chưa có một ý tưởng nào về những gì các bài đọc Kinh Thánh nói với ta cho đến khi nghe đọc, thì giống như ta nghĩ đến sự hiện hữu của mình ít hơn là nghĩ đến việc chọn quần áo chúng ta sẽ mặc. Như vậy thì làm sao ta có thể thực hiện một cuộc đối thoại trong tâm trí với những bài đọc hoặc bài giảng vừa nghe nếu tất cả những gì chúng ta phải cậy dựa vào là chính những ấn tượng ban đầu ?

Chuẩn bị trước cho phụng vụ Chúa Nhật là một công việc gồm hai mục đích. Mục đích cận kề nhất là chuẩn bị rồi suy tư trên nội dung của những bài đọc mỗi tuần. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đọc một hai ngày trước để bắt đầu suy tư về ý nghĩa của các bài đọc, và tìm xem chúng liên hệ với cuộc sống của ta như thế nào. Một thói quen như thế có thể làm cho Lời Chúa đi vào trong tiềm thức và thẩm thấu ngày càng sâu trong tâm hồn chúng ta. Thói quen này, khi phối hợp với những gì tiếp theo sau thánh lễ, giúp cho ý nghĩa của bài đọc ghi sâu hơn trong tâm trí chúng ta. Tuy nhiên việc chuẩn bị các bài đọc mới chỉ là một phần. Điều quan trọng hơn nữa là suy niệm trên những bài đọc ngày Chúa Nhật cũng như những tuần lễ kế tiếp. Với cách thức đó, hy vọng là nhờ được bài giảng hướng dẫn, chúng ta có thể áp dụng sứ điệp cách cụ thể vào cuộc sống để các bài đọc cắm rễ sâu hơn trong ý thức chúng ta.

Mục đích thứ hai của việc chuẩn bị trước cho cuộc cử hành phụng vụ Chúa Nhật có thể gọi là chuẩn bị xa. Đây đơn giản là khả năng làm quen và cảm thấy thoải mái với Lời Chúa đến mức độ Kinh Thánh trở thành cuốn sách gối đầu giường của chúng ta. Tiến trình làm quen với Kinh Thánh xem ra xa vời với bất cứ nghi thức phụng vụ cụ thể nào, tuy nhiên chắc chắn nó không phải là xa xôi gì, vì việc làm quen này chính là một nỗ lực liên tục ngày càng tập trung cuộc sống chúng ta vào những giá trị được trân trọng cất giữ trong Kinh Thánh.

Trong vấn đề liên quan đến phụng vụ, điều quan trọng là biết được cái nền và bối cảnh của những câu chuyện Kinh Thánh mà chúng ta nghe đọc tuần này qua tuần nọ. Các đoạn Kinh Thánh ngày Chúa Nhật được cắt xén ra khỏi bối cảnh của nó. Tất cả những gì chúng ta nghe đọc chỉ là trích đoạn, và thường dưới hình thức rất ngắn gọn đến nỗi nhiều đoạn trong Cựu Ước nghe như rất xa lạ với chúng ta. Nhưng nếu đặt những trích đoạn đó trong hoàn cảnh xưa kia của đời sống đức tin cộng đoàn, chúng ta sẽ có thể thấy được Kinh Thánh là một tổng thể đang sống và từng bước tự mạc khải cho chúng ta. Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta nhận thức được, như tác giả Thánh Vịnh nói, nguồn mạch của mọi thiện hảo thực sự là ở trong Chúa.

Kinh Thánh biểu lộ ý muốn luôn tích cực và đầy hiệu năng của Thiên Chúa là cứu rỗi chúng ta qua lịch sử nhân loại. Càng làm quen với Kinh Thánh, chúng ta càng thấy được những mối dây liên hệ. Các tác giả sách Tin Mừng giả thiết người đọc đã quen thuộc rất nhiều với Kinh Thánh. Trong Tân Ước có quá nhiều tham chiếu từ Cựu Ước đến nỗi chúng ta không sao hiểu được Tân Ước cách đầy đủ nếu không biết toàn bộ Kinh Thánh.

Vì là một mạc khải của chính Thiên Chúa, nên Kinh Thánh phải là nền tảng tự nhiên lời cầu nguyện của chúng ta. Các sách khác cũng có thể hữu ích, nhưng không thể nào thay thế được Lời của Chúa. Nếu cuộc sống cá nhân và linh đạo của chúng ta không đặt nền trên Kinh Thánh thì ta có nguy cơ làm mất đi chuyện kể của chúng ta. Thay vì biết được kho tàng ở đâu, chúng ta trở thành những người lưỡng lự chạy đầu này đầu nọ tìm lương thực không có nền tảng vững chắc để cậy dựa và đánh giá việc làm của chúng ta.

III- LÀM QUEN VỚI KINH THÁNH

Có vài cách làm cho Kinh Thánh trở thành trung tâm lòng đạo đức của chúng ta. Cách đầu tiên đơn giản là làm quen với Kinh Thánh. Và để quen với Kinh Thánh, ít nhất mỗi tuần, nếu không nói là mỗi ngày, chúng ta phải đọc Kinh Thánh. Rất hữu ích nếu chúng ta có dự định đọc toàn bộ cuốn Kinh Thánh trong vòng một năm. Để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta chỉ cần đọc bốn chương trong một ngày, không kể những thời gian tạm gián đoạn vì bận rộn chuyện này chuyện khác.

Cách thứ hai, chúng ta nên kết hợp một vài nghiên cứu với việc đọc Kinh Thánh. Nhiều sách Thánh có phụ thêm những ghi chú quan trọng giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản văn hoặc những bài đọc khác. Ngoài ra còn có những phần dẫn nhập cho những phần chính và cho từng cuốn sách trong bộ Kinh Thánh. Các hướng dẫn này giúp đọc cách tinh tế hơn, ý thức được thể loại văn chương, thời điểm cũng như tác giả cuốn sách, và nhiều vấn đề cơ bản quan trọng khác mà chúng ta đang tiếp cận.

Chúng ta không thể ngây ngô như trước đây. Nhờ đó chúng ta biết rằng không phải Phaolô đã viết thư gửi tín hữu Do Thái, rằng các tác giả sách Tin Mừng không nhất thiết phải là những nhân chứng sống về những sự việc họ viết ra. Chúng ta sẽ thấy một sự khác biệt nếu Tin Mừng của Marcô được viết trước các sách Tin Mừng khác, cũng như Môsê đã không viết toàn bộ Ngũ Thư.

Ngoài những điểm ghi chú, chúng ta cũng sử dụng những bản chú giải trên mỗi quyển sách riêng biệt. Có nhiều loại sách chú giải. Có những loại đơn giản chỉ nhằm giúp chúng ta hiểu hơn điều mà các tác giả cố gắng truyền đạt. Không phải tình cờ mà các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm kể cùng câu chuyện nhưng với cách thức hơi khác nhau. Những câu chuyện này đóng những vai trò khác nhau trong các sách Tin Mừng của họ. Biết được dụng ý của các tác giả giúp chúng ta giải thích tốt hơn, và ý thức được rằng một sứ điệp của Đức Kitô có thể được diễn tả qua nhiều cách thức, và áp dụng cho nhiều hoàn cảnh sống khác nhau như thế nào.

Nếu mỗi năm chúng ta chỉ tập trung vào một cuốn Tin Mừng, thì trong 5 năm, chúng ta có thể đọc hết được bốn cuốn Tin Mừng và sách Công Vụ Tông Đồ. Một chương trình đọc như thế cũng có thể áp dụng với những thư của thánh Phaolô. Theo trình tự như thế chẳng những chúng ta hiểu sâu xa hơn mà còn phát triển sự xác quyết hơn khả năng của chúng ta để đối thoại với bản văn và phân định những giá trị tiềm ẩn trong đó.

Không có lý do nào buộc tất cả những việc này phải được làm riêng tư một mình. Ngày nay có nhiều nhóm học Kinh Thánh khác nhau giúp chúng ta hiểu sâu hơn về ý nghĩa của bản văn. Có những nhóm chuyên học hỏi nghiên cứu; những nhóm khác nghiêng về việc cầu nguyện. Nhóm nào tùy chúng ta chọn, luôn luôn là một sự điều chỉnh đúng đắn khi để cho sự hiểu biết của người khác tác động trên sự hiểu biết của mình. Đọc Kinh Thánh với một cái nhìn hạn hẹp, ngăn chặn bớt ý nghĩa của bản văn thì quá dễ. Những người khác giúp chúng ta trung thực hơn trong nỗ lực tìm hiểu Lời Chúa và cho ta cảm nghiệm được sự khôn ngoan của Thần Khí hướng dẫn cộng đoàn như thế nào.

IV- CẦU NGUYỆN VỚI KINH THÁNH

Tiến trình của việc dần dần làm quen với Kinh Thánh sẽ ảnh hưởng trên lời cầu nguyện của chúng ta. Quả thế, Kinh Thánh sẽ hình thành những nền tảng việc cầu nguyện của chúng ta. Trong thời Giáo Hội sơ khai, các tu sĩ thường đọc “kinh thần vụ”. Có nghĩa là họ vừa đọc Lời Chúa vừa cầu nguyện. Đọc một đoạn Kinh Thánh chậm rãi, để cho bất cứ tư tưởng và lời cầu nguyện nào đến trong trí ta đều được dâng lên Thiên Chúa. Nếu gặp một đoạn thích hợp và có ý nghĩa hơn, tất cả những việc chúng ta cần làm là thinh lặng trong chốc lát, và để cho bất cứ tâm tình cảm mến, ngợi khen hoặc hối tiếc và kêu xin trong những hoàn cảnh thích hợp được bộc lộ ra.

Cầu nguyện theo Kinh Thánh mở rộng cửa cho tác động của Chúa Thánh Thần. Vì tựu trung, chúng ta thấy rằng chính Thánh Thần là sức mạnh linh hứng trong toàn bộ Kinh Thánh. Để cho lời cầu nguyện của chúng ta nương theo đức tin đầy ý thức của bao thế hệ những người tin, giúp chúng ta nhẹ nhàng để bàn tay Chúa dẫn đi, giúp qui hướng các tư tưởng và việc làm của ta theo đường lối bình an của Thiên Chúa, và làm ta thỏa mãn khi biết rằng mình đang mở rộng cõi lòng theo sự hướng dẫn của Đấng Tạo Thành và Cứu Độ.

Trong một ý nghĩa rất xác thực, Kinh Thánh là sự mạc khải của chính Thiên Chúa và sự thông hiệp của Người đối với chúng ta. Nếu tin rằng chúng ta không phải là trung tâm của vũ trụ, nhưng đã được Thiên Chúa yêu thương và cho hiện hữu, thì tại sao chúng ta lại quá ngoan cố không chịu sống theo Kinh Thánh là cuốn sách đến từ Thiên Chúa ? Thật lạ lùng nếu chúng ta bỏ không thèm đọc những lá thư của người yêu. Nhưng khốn nỗi, đó lại là điều chúng ta đang làm khi rất ít cố gắng để cảm nếm ý muốn và tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa.

Những nỗ lực truyền thông của Thiên Chúa bao gồm nhiều mức độ khác nhau, giống như cách truyền thông của con người chúng ta. Các bức thư gửi đến những người thân yêu đang ở xa chúng ta được đón nhận cách trân trọng. Tuy nhiên các bức thư đó vẫn thiếu vắng hơi ấm và sự hiện diện gần gũi của chính người viết lá thư đó. Chúng ta cũng có thể nhờ bạn bè nhắn tin cho gia đình và những người thân yêu ở nhà. Ít nhất những người bạn đó có thể truyền đi một cái gì gần gũi hơn vì họ đã tiếp xúc, đã sống với chúng ta. Tuy nhiên, hay hơn hết là chúng ta có thể đích thân đến viếng thăm, chia sẻ niềm hy vọng và tình yêu cho người chúng ta yêu thương cách trực tiếp.

Thư gửi tín hữu Do Thái mở đầu với lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa đã cố gắng dùng cả ba cách thức trên để nói với tâm hồn chúng ta. Kinh Thánh ghi lại cuộc đấu tranh đức tin của một dân tộc nỗ lực vươn đến việc đối diện với Thiên Chúa. Tuy nhiên, bên cạnh những từ ngữ đã được viết ra đó, chúng ta còn biết rằng, trong thời xa xưa, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua qua các ngôn sứ. Dù là những người cận kề bên Chúa, nhưng họ cũng không luôn luôn được đón nhận. Sau cùng, trong thời đại của chúng ta, Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và nói với chúng ta qua Con của Người, Đấng mà thánh Gioan gọi cách chính xác là Lời Nhập Thể.

V- CON NGƯỜI VÀ SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU

Nơi Đức Giêsu chúng ta tiếp cận với Lời sống động của Thiên Chúa. Điểm then chốt nơi uy quyền và khả năng của Người để giảng dạy như “Đấng có uy quyền” là ở chỗ không có mâu thuẫn nào giữa lời Người nói và việc Người là ai. Con người của Đức Giêsu chính là một sứ điệp. Người ta không đặt vấn đề Đức Giêsu đã thực hành như thế nào những gì Người giảng dạy, nhưng đúng hơn, Người đã giảng như thế nào những gì chính Người đã thực hành và đã sống. Con người và sứ điệp của Người cũng là một. Như người ta thường nói, Đức Giêsu đã làm cho con người và sứ điệp luôn đi đôi với nhau.

Vấn đề là chúng ta ít khi áp dụng bài học này cho chính mình. Đoạn Kinh Thánh nói rằng chúng ta có thể làm những điều cao cả hơn Đức Giêsu, đã không được đón nhận cách nghiêm chỉnh (Ga 14,12). Cũng như đoạn văn trong lời tựa Tin Mừng Gioan (Ga 1,13), bảo đảm rằng kẻ nào đón nhận Đức Kitô thì cũng giống như Người, được trở nên con cái Chúa, được sinh ra không do nhục thể hoặc ý muốn con người, nhưng do Thiên Chúa. Những ẩn ý đó rất đơn giản : môn đệ được mong đợi trở nên giống như thầy. Chúng ta không đọc Lời Chúa để trở thành các nhà chuyên môn về Kinh Thánh. Chúng ta đọc Lời Chúa để có thể thực sự trở nên những biểu hiện của Đức Kitô và của cách sống như Thiên Chúa. Bằng cách mở cõi lòng ra cho sự thật của Thiên Chúa, chính chúng ta có thể trở nên sự thật, nên ánh sáng, nên muối men và nên lời cứu độ. Trong cuộc sống của chúng ta, Lời Chúa phải trở nên gần như toàn phần con người của mình đến nỗi chúng ta có thể được đồng nhất với Lời. Chỉ như vậy người ta mới nhận ra đó chính là lời của sự sống.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 27.01.2005. 08:22