Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

8. Tầm mắt rộng mở: Đọc dấu chỉ thời đại

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

“Hãy để dân Xion hân hoan trước mặt vua.
Hãy để họ nhảy múa ca ngợi danh Người,
Đàn ca Người với trống kèn vang dậy,
vì Đức Chúa đón nhận việc dân làm” (Tv. 149, 2-4)

I - LỜI CHÚA MANG TÍNH NGÔN SỨ

Năm 1832 văn hào Lamennais đã bị Đức Giáo Hoàng Gregorio XVI lên án qua hai thông điệp vì đã ủng hộ sự tự do lương tâm và việc tách biệt Giáo Hội với Nhà Nước. Công Đồng Vatican II chấp nhận cả hai lập trường này. Trong thập niên trước Công Đồng, những người như John Courtney Murray, Henri de Lubac, Yves Congar, Pierre Chenu, Teilhard de Chardin và ngay cả Karl Rahner đã bị Rôma buộc thinh lặng. Nhưng họ lại xuất hiện như những chuyên viên hoặc như những luồng ánh sáng hướng dẫn cho Công Đồng.

Ngày nay chúng ta cũng thấy những người bị bó buộc thinh lặng tương tự như vậy: Hans Kung, Charles Curran, Leonard Boff, giám mục Pedro Casaldaliga, và những người khác. Họ sẽ xuất hiện như những người thấy trước tương lai hay không ? Nói không phải luôn luôn dễ dàng đâu. Nhưng như nhiều vị ngôn sứ, họ sẽ mãi là những người có sức lôi cuốn nhất, đồng thời có lẽ cũng làm cho người ta bực tức nhất.

Các ngôn sứ có sức lôi cuốn vì họ sẵn sàng làm chứng cho những điều họ tin tưởng, dù phải đương đầu với sự chống đối hoặc bách hại. Qua bao nhiêu thời đại, họ đã đứng lên bênh vực cho chân lý và sự tinh ròng. Vì họ công bố lời ngôn sứ, lời của Thiên Chúa cho con người ngày nay, và trong khi thách đố người ta chấp nhận những tư tưởng đó thì họ bị coi như thành phần nguy hiểm cho quyền lợi được bảo đảm bất di bất dịch. Tư tưởng của họ không dễ gì ngăn chặn nổi. Con người có thể bị bắt buộc phải thinh lặng nhưng tư tưởng thì có sức sống riêng.

Ít người trong chúng ta tự coi mình như ngôn sứ. Có lẽ chúng ta cũng chẳng bao giờ muốn làm một ngôn sứ để làm gì. Tuy nhiên, chỉ cần dấn thân cho chân lý là trở nên ngôn sứ rồi. Chỉ một ít người được gọi để đi xa hơn, trở thành những dấu chỉ công khai của sự chống đối trong trần gian này.

Nhóm sau này là những gì chúng ta thường nghĩ tới khi nói đến những ngôn sứ. Họ gây khó chịu cho người quyền thế, và nhiều người trong nhóm họ đã phải chịu đựng đau khổ vì những nỗ lực của họ, thậm chí còn bị sát hại nữa. Chỉ cần nghĩ đến sự nghiệp của Amos, Giêrêmia, Oscar Romero… và còn biết bao ngôn sứ ngày nay dám chấp nhận thua thiệt, bị trù dập vì dám can đảm nói lên sự thật và sống trung thực.

Tất cả chúng ta nên mong ước trở thành những ngôn sứ, không phải để thu hút sự chú ý của người khác, nhưng sự liêm khiết của chúng ta đòi buộc ta phải làm như thế ở mức độ cá nhân. Ít nhất là trong gia đình, trongcông sở, hay trong vòng giao tế xã hội, chúng tađược mời gọi đứng lên bênh vực cho chính nghĩa.

Lời Chúa mang tính ngôn sứ thách đố vẻ tự mãn của bất cứ thời đại và nền văn hóa nào. Hầu hết người ta bị cuốn hút vào trong sinh hoạt xã hội của họ đến độ không còn có khả năng đặt vấn đề về nền tảng văn hóa của xã hội mình. Hai trăm năm trước đây, ngay cả những dòng tu cũng có những nô lệ riêng. Họ cứ nghĩ đối xử với những người nô lệ cách nhân đạo thì đã là nhân đức lắm rồi. Vì bị dìm quá sâu trong văn hóa, tập tục, nên họ không có khả năng công kích chế độ vô nhân đạo ấy.

II - SỨ VỤ CỦA CÁC NGÔN SỨ

Sứ vụ của các ngôn sứ là cung cấp cái khả năng mà nhiều người không có, đó là nêu lên những vấn đề mà không ai khác có thể nêu lên. Các ngôn sứ đem lại một sự tiếp cận tươi sáng hơn với Thiên Chúa, để Lời Chúa có thể được áp dụng cho mọi hoàn cảnh hiện tại bằng những cách thức mới mẻ và sáng tạo, những cách thức có thể giúp chúng ta trung tín hơn với những gì Thiên Chúa mong muốn.

Lời Chúa kêu mời chúng ta vươn ra khỏi lối sống hiện tại, hướng về một viễn ảnh tương lai có thể đến và phải đến. Chúng ta có thể cử hành phụng vụ trong mọi thời điểm. Nếu chúng ta trung thành với những gì Thiên Chúa đã hoàn thành trong lịch sử, với những gì Thánh Thể đòi hỏi ta phải cử hành bây giờ, cũng như với những gì Thánh Thần Chúa sẽ thực hiện, thì chúng ta cần thấy rõ viễn ảnh quang lâm đó để giữ ta luôn tiến bước trên đường ngay nẻo chính. Các ngôn sứ có thể làm chuyện đó.

Không phải tất cả các ngôn sứ đều bị giết hại. Một vài vị cũng đã thành công lúc còn sinh thời. Nếu chúng ta cần một mẫu ngôn sứ đã thành công, thì hãy xét đến trường hợp của Nathan. Nathan không phải là một loại người nịnh hót, chỉ tìm cách lấy lòng những kẻ quyền thế. Quả thực, khi vua Đavít phạm tội ngoại tình với vợ của tướng Uriah, và để ém nhẹm tội của mình, vua đã phái Uriah ra vùng chiến trận dầu sôi lửa bỏng để chết tại đó, Nathan đã đối chất nhà vua vì việc làm sai trái này.

Có lẽ Nathan may mắn là đối đầu với vua Đavít. Tuy nhiên, với lý luận rất sắc bén, chỉ bằng một dụ ngôn, Nathan đã phanh phui tội ngoại tình và mưu sát của vua. Trong dụ ngôn, ngôn sứ đưa ra trường hợp của một người nghèo chỉ có duy nhất một con cừu nhưng cũng đã bị người giàu có đầy ruộng đất và gia súc cùng sống trong một thành cướp mất con vật đáng thương này. Nghe câu chuyện đó, vua Đavít nổi giận và tuyên bố người giàu có kia đáng tội chết, và buộc phải trả lại cho người nghèo gấp bốn lần.

Đây là cơ hội thuận lợi Nathan chờ đợi. Chỉ tay thẳng vào mặt Đavít, Nathan tuyên bố “Vua chính là kẻ khốn nạn đó!” Đavít đủ khiêm nhượng để nhận ra Nathan chính là người được Thiên Chúa sai đến với mình. Thay vì trừ khử con người được Chúa sai đến, vua đã nhìn nhận rằng những gì Nathan nói ra quá đúng sự thật. Nhìn nhận tội lỗi của mình, vua sẵn sàng chuộc lại lỗi lầm và thiết lập lại quan hệ với Thiên Chúa.

Ở đây, có ba yếu tố cần được nêu lên cho tất cả những ai là ngôn sứ. Yếu tố thứ nhất là có nhận thức về một điều xấu. Nathan biết Đavít đã phạm tội. Vào thời đó ở Cận Đông, các quân vương khác có thể ngủ với một bất cứ người đàn bà nào trong vương quốc của mình mà không bị trừng phạt. Nhưng Đavít đã thiết lập Giao Ước với Giavê, cho nên những chuyện ông đã làm là điều xấu xa. Nathan rất khôn ngoan làm cho Đavít phải ý thức việc làm đó là sai trái, và nhận chính mình là tác giả của điều xấu đó.

Thứ đến, Nathan đã đưa ra một lời kêu gọi hồi tâm, ăn năn sám hối. Đavít nhìn nhận mình đã phạm tội và sẵn sàng chấp nhận hình phạt. Ông hối hận và sẵn lòng quay trở về. Hoán cải là một đòi buộc đã được Đức Giêsu nêu lên khi Ngài mời gọi chúng ta vào Nước Trời và tin vào Tin Mừng cứu độ. Yếu tố thứ hai này làm cho yếu tố thứ ba cũng là yếu tố cuối cùng có thể thực hiện được, đó là đổi mới và đào sâu sự liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa.

Cuối cùng, mối tương quan với Thiên Chúa là điều chúng ta cần quan tâm ở đây. Chính lời của các ngôn sứ kêu gọi chúng ta phải trung tín. Để tự mình, ta dễ có khuynh hướng tự lừa dối mình, hoặc rơi vào sự mù quáng vì đã quá quen thuộc. Tiếng ngôn sứ thách thức chúng ta nghĩ lại những mối ưu tiên của ta, tự hỏi mình đang đi về đâu, và liên tục thẩm định lại giá trị các cách hành động của ta.

III - VAI TRÒ CỦA CÁC NGÔN SỨ

Phương diện ngôn sứ của lời kinh nguyện luôn nhắc nhở chúng ta rằng, với tư cách là những người theo Đức Kitô, chúng ta được mời gọi để thay đổi trần gian này, chứ không phải để cho trần gian thay đổi. Điều này bao hàm một cách suy nghĩ đặc biệt, một nỗ lực tích cực làm cho lòng trung tín được thể hiện qua cách ăn ở đượm tình bác ái. Với Walter Brueggeman, chúng ta có thể liệt kê bảy nét chính của vai trò ngôn sứ.

1- Trước hết, là khả năng đọc được các dấu chỉ của thời đại. Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã liên kết khả năng này với công cuộc của Công Đồng Vatican II, và nói rõ khả năng này phải luôn là nét đặc thù của riêng chúng ta. Hàm ẩn ở đây là thái độ sẵn sàng và chân thành đưa ra những đánh giá khách quan trung thực về thế giới chúng ta đang sống. Đây là vấn đề đem ánh sáng Tin Mừng chiếu soi vào thực tại của vũ trụ, vào các vấn đề làm xã hội phải bức xúc. Cần phải có một nhãn quan thông suốt để nhìn thấy những gì thực sự đang xảy ra chung quanh chúng ta, để không đơn thuần bị cuốn hút theo cuộc sống bởi những mãnh lực bao quanh ta.

2- Một đòi buộc khác là phải hết sức nhạy cảm với những nỗi khổ đau chung quanh chúng ta. Mặc dầu sự dữ và bất công dường như có mặt khắp nơi, nhưng đối với nhiều người, nó vẫn chỉ là trừu tượng, không cảm thấy hiện diện thật. Hầu hết người ta không chân thành nhận thức được các nhu cầu của người khác. Trong cuốn “Race” (Chủng tộc) của Studs Terkel, một câu chuyện khá lý thú xảy ra với một người trước đây đã từng thuộc phái quá khích của nhóm Ku Klux Klan (KKK : nhóm phân biệt chủng tộc quá khích tại Hoa Kỳ). Do một sự may mắn nào đó, anh ta được đề cử vào ban lãnh đạo giao tế cộng đoàn, và lần đầu tiên trong đời, anh đối diện với những người da đen. Lần tiếp xúc đó làm anh xúc động đến nỗi con người phân biệt chủng tộc quá khích này đã trở thành một người hoạt động bảo vệ nhân quyền rất thành công.

3- Một khi đọc được các dấu chỉ thời đại cách tinh tế, chúng ta tự mình có thể thấy rõ những vấn đề đương đại. Điều này đòi hỏi một người sẵn sàng cật vấn những cách thức sống trong thời đại và văn hóa của chúng ta, chứ không cần một tay sành sỏi trong nghề đả kích.Nhưng khôn ngoan là chúng ta nên tiếp cận tất cả cuộc sống với một liều lượng đúng mức của thái độhoài nghi. Chúng ta cần đối kháng lại cái luật bảo thủnại vào lý do vì “xưa nay mọi việc vẫn như vậy”! Một chúttưởng tượng cũng có thể vạch cho thấy bao nhiêu cách thứclàm việckhác tốt hơn, công bình hơn, hoặc nhân đạo hơn.

Các chiều hướng thay đổi tương lai không phải là vô căn cứ. Chúng phải được tìm tòi, sau đó nghiên cứu và đặt thành kế hoạch, thực hiện và đánh giá. Nhưng đáng buồn thay, các đề nghị thay đổi thường gặp phải đối kháng hoặc do phía bảo thủ hoặc do phía bênh vực quyền lợi. Các đề nghị đó phải được minh chứng là tốt đẹp hơn, hiệu năng hơn trước khi bắt tay vào việc. Các đề nghị phải thực tế, và phải đem lại lợi ích cho ta hơn các giải pháp khác, hoặc hơn tình trạng hiện thời.

4- Phương diện thứ tư của vai trò ngôn sứ là nhằm giúp con người dấn thân với lịch sử. Hầu hết mọi người cảm thấy nặng nề bởi tệ nạn quan liêu hoặc điều phi nhân nơi thương trường. Cuộc đời ngôn sứ là một cuộc sống cung cấp những phương tiện cho con người để họ cảm thấy có điều gì đó có thể làm để cho cuộc sống tốt hơn. Trong một nghĩa nào đó, đây chính là những gì mà những cộng đoàn Kitô hữu cơ bản phải làm. Thái độ thụ động hay thái độ cam chịu số phận được thay thế bằng niềm hy vọng đích thực và lối sống dấn thân tích cực của người Kitô hữu.

5- Phương diện thứ năm là óc tưởng tượng ngôn sứ phải được đặt trong tư thế phục vụ cho công lý và hòa bình. Thiên Chúa luôn ở phía người bị áp bức, vì chính người nghèo khó có quyền ưu tiên trong bất cứ việc Tin Mừng hóa nào. Chỉ khi nào kinh nguyện và phụng vụ có thể đưa chúng ta vào trong tâm điểm của cuộc chiến cho thế giới này tốt đẹp hơn, lúc đó chúng ta đang mơ cho mình một tôn giáo siêu thoát mang đôi chút tương tự với những gì Đức Giêsu đã sống và chết cho.

Ngày nay cuộc chiến chống lại bất công diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, cuối cùng sẽ không bao giờ có hòa bình, trừ phi cuộc chiến đấu cho công lý của chúng ta đặt nền tảng trên tình yêu thương. Giận dữ chỉ gây thêm giận dữ, và bạo lực sinh thêm bạo lực. Cái vòng quay của bạo lực sẽ vô tận, nếu không có nghĩa yêu thương lồng vào. Tình yêu thương trong nghĩa này chính là năng lực chữa lành duy nhất của cuộc sống. Khi từ trên thập tự, Đức Giêsu van xin : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm!” thì chính lúc đó Người đang làm một việc còn nghịch lý hơn là đưa má khác cho người ta vả. Người đã từ chối để cho sự ác thống trị, không để cho địch thủ kéo Người xuống ngang hàng với chúng. Đức Giêsu đã là một con người tự do đích thực.

6- Phương diện thứ sáu, những con người ngôn sứ cũng cần cung cấp những biểu tượng mới để giúp người ta có thể nhìn thực tại trong một cung cách mới, cho họ mơ về những gì có thể xảy ra. Tất cả chúng ta là tù nhân của các biểu tượng của mình. Người ta có thể cho Hội Thánh là một xã hội hoàn hảo nếu chỉ dựa trên mặt cơ cấu. Nhưng chúng ta có một ý nghĩa rất khác về Hội Thánh và công việc mục vụ của Hội Thánh, nếu chúng ta thấy đó như một cộng đoàn của các môn đệ hoặc như một lực lượng ngôn sứ. Thay đổi biểu tượng tức là thay đổi cách chúng ta nhận thức về thực tại.

7- Sau cùng, các ngôn sứ có khả năng nuôi dưỡng niềm hy vọng cho một tương lai mới. Sẽ có một trời mới đất mới. Trời cũ đất cũ đã qua đi (Kh 21, 1-4). Trong những ngày đó, chính Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt nước mắt. Có cả một thế giới của những việc khả thi chỉ ngoài tầm tay với của chúng ta. Như các trẻ em dính mũi vào tủ kiếng cửa hàng chiêm ngưỡng tất cả những gì chúng muốn có, thì niềm hy vọng cũng dính mũi chúng ta vào cửa sổ tương lai, và cho chúng ta thấy những gì mình được kêu gọi để trở nên.

IV- TÍNH NHẠY CẢM CỦA CÁC NGÔN SỨ

Trong cuốn “Thành Đô Của Niềm Vui” (City of Joy), Dominique Lapierre nêu lên điểm này : trong láng trại ở Calcutta, ngay nơi những người nghèo khổ nhất trong các người nghèo khổ, vẫn có một sự khác biệt giữa người Công Giáo và người theo Ấn Độ Giáo. Một cách nào đó, người Kitô hữu sống có vẻ nhẹ nhàng hơn. Một phần vì không có quan niệm cam chịu số phận như người Ấn Độ Giáo, người Công Giáo vẫn muốn làm điều gì để thay đổi và cải thiện tình trạng của họ. Họ có niềm hy vọng rằng mọi việc rồi có thể khác hơn.

Nếu để cho phụng vụ đem lại cho chúng ta sự nhạy cảm ngôn sứ, cuộc sống của ta sẽ thêm tầm quan trọng và ý nghĩa. Chúng ta sẽ nhận thấy mình có một sức mạnh rất lớn, sức mạnh phấn đấu cho điều thiện. Có nhiều cách thức đến với sự thiện hảo. Chúng ta nên tìm những cách thức hữu hiệu hơn, duy trì vững chắc các mục đích, và tìm ra những phương thức tốt nhất để thực hiện các mục đích đó.

Có một vị linh mục, khi đến giáo xứ mới, trong bài giảng đầu tiên, đã nhìn thẳng vào giáo dân và thông báo : “Tôi không đến đây để xoa dịu những kẻ đau buồn, tôi đến đây để làm bực mình những kẻ sống trong thoải mái.” Và linh mục đó đã làm như vậy. Nhưng vì giáo dân cảm thấy cha sở này đã kết án họ, đã phê phán họ trước khi tìm hiểu họ, cách làm việc của ngài đã khơi dậy một cuộc chống đối trong giáo xứ đó, và không bao lâu sau đức giám mục phải đổi ngài đi nơi khác.

Có rất nhiều người tự phong cho mình là ngôn sứ theo kiểu này. Chúng ta phải nhớ rằng tình yêu là sức mạnh cơ bản duy nhất để tạo nên sự biến đổi. Chúng ta không thể chỉ trích những người mà ta không thương mến, và chờ mong ở họ một sự đáp trả tích cực cho việc tiếp cận này của chúng ta. Bản chất của Tin Mừng đòi buộc một sự tiếp cận yêu thương. Các ngôn sứ không được bảo đảm sẽ thành công, nhưng họ không phải hối tiếc vì những nỗ lực của họ, cho dù những cố gắng đó vẫn còn xa với những gì họ hy vọng đổi thay.

Giả dụ chúng ta muốn tiến bước với đôi mắt mở rộng để có thể đọc được các dấu chỉ thời đại, chúng ta nên nhạy bén đặc biệt về chuyện gì ? Những cơ hội sẽ đến với hầu hết mọi người từ nơi làm việc, từ môi trường xã hội hoặc từ trong gia đình. Chúng ta không thể hoạch định một đường lối đúng đắn có sẵn trước cho mỗi trường hợp. Nhiều tình huống khác nhau, và tất cả sẽ tùy thuộc vào khả năng của chúng ta để đọc được các dấu chỉ thời đại. Tất cả chúng ta cần ý thức hơn các hoàn cảnh mình đang sống để biết chúng ta có thể đáp trả cách nào đối với những nhu cầu hiện tại, và cách nào để đem Tin Mừng quy chiếu vào thế giới của chúng ta.

Năm 1991, Giáo Hội mừng 100 năm giáo huấn của Giáo Hội về xã hội. Khởi đầu với thông điệp “Rerum Novarum”, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã gia tăng nhấn mạnh việc ứng dụng Tin Mừng trong các vấn đề xã hội. Công Đồng Vatican II đã cho chúng ta một bước ngoặt với hiến chế “Gaudim et Spes” (Vui Mừng và Hy Vọng). Các Giáo Hoàng sau này, khởi đầu với Giáo Hoàng Gioan XXIII, đã ra những thông điệp và tông huấn về các vấn đề xã hội. Các Hội Đồng Giám Mục cũng đã có những tài liệu khẳng định, ví dụ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ với tài liệu về chiến tranh hạt nhân và về kinh tế.

Từ những tài liệu này, bên cạnh các chương trình hành động cụ thể, là những chủ đề chính hoặc các nguyên tắc hướng dẫn cho hành động của người Kitô hữu trong thế giới. Chúng ta không thể cho là mình trung thành với Tiết Nhịp Thánh Lễ nếu quên khuấy đi những tài liệu đó. Chúng ta hãy liệt kê một số những nguyên tắc hành động này:

1- Chiều kích xã hội và tôn giáo của cuộc sống con người được liên kết với nhau.Xã hội không phải là một cái gì chỉ là trần tục, theo nghĩa là đứng ngoài chương trình của Thiên Chúa. Đức Tin và công bình xã hội là hai mặt của đồng tiền. Không có sự phân cách giữa tôn giáo và thực tại, giữa phụng vụ và cuộc sống. Sự thánh thiện đòi buộc việc cầu nguyện của chúng ta đưa đến kết quả trong hành động. Như Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971 tuyên bố, việc cổ động cho công lý là yếu tố cơ bản của việc công bố Tin Mừng.

2- Mỗi một con người đều cùng thông chia một phẩm giá.Mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.Do đó mọi người đều có một vị thế trong xã hội, và cóquyền được tôn trọng và bảo vệ. Về mặt này, người nghèokhông phải là người thấp kém hơn người giàu có và ngườiquyền thế. Mọi loài thọ tạo đều có một vẻ đẹp phảnánh vẻ đẹp của Thiên Chúa cho chúng ta. Do đó những chủthuyết như trọng nam khinh nữ, phân biệt chủng tộc,tiêu thụ… chỉ là những cái gì làm phân cực, chia rẽ. Việc phânloại con người làm chúng ta không còn xem họ như những cá nhân nữa và thực sự phá hủy tính người trong họ.

3- Người Kitô hữu phải ưu tiên nghiêng về người nghèo.Đức Giêsu đã đặc biệt quan tâm đến nhu cầu và quyền lợi của người nghèo. Đó là những con người mà Ngài dường như đã hoàn toàn đồng hóa với họ. Trong nhiều nước thuộc thế giới thứ ba, việc chăm sóc cho người nghèo được các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản đặc biệt quan tâm. Các cộng đoàn này làm cho dân chúng có thể đem cuộc sống của họ gần gũi hơn với Tin Mừng, tăng cường khả năng của họ để nhận ra phẩm giá riêng của mình và giúp họ cải tiến cuộc sống. Trong thế giới tiêu thụ ngày nay, chúng ta cần ý thức hơn lòng ham muốn lợi nhuận đưa đến việc khai thác, kìm giữ con người trong cái vòng nghèo đói không sao có thể ngóc đầu lên được.

4- Phải cổ động cho công ích.Trong thời đại sùng bái cá nhân chủ nghĩa, chúng ta cần phải được nhắc nhở về tầm mức quan trọng của lợi ích chung. Con người có thể dễ dàng đạt đến sự hoàn hảo của nhân tính hơn nếu có được một nền kinh tế, văn hóa và chính trị công minh không đặc biệt phục vụ cho lợi ích riêng. Trong việc chọn lựa những chính sách, chúng ta sẽ cố gắng làm vì sự thiện hảo nhất cho số đông con người. Trong một nghĩa rất thực, chúng ta quả là những người giữ nhà cho anh chị em của mình.

5- Chúng ta chỉ là những người quản gia tài nguyên của hành tinh này. Trong bao lâu nay chúng ta đã quá theo nghĩa đen lệnh truyền trong sáchSáng Thế cho nên chỉ muốn làm sinh sôi nẩy nở mặt đất và khai thácnó, chỉ muốn làm người bá chủ trên mọi thụ tạo khác. Điều này đưa đến việc chiếm cứ đất đai, cầm cố trước cả một tương lai chỉđể có được những lợi nhuận tức thời. Hệ lụy là có một sự khai thác bóc lột trên phạm vitoàn cầu đến nỗi chỉ một phần trăm rất nhỏ số người trên hành tinh này đang nắm quyền kiểm soát phần rất lớn tài nguyên phong phú của mặt đất này.Ngày nay chúng ta phải lo âu về nhiều vấn đề : môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm trầm trọng, các loài thú quý hiếm dầndà bị diệt chủng, hậu quả tai hại củanhững trận mưa, lũ lụt do việc khai thác tàn phá cây rừng vô tội vạ, đất trở nên độc hại do sử dụng thuốc diệt trùng và phân bón, vv… Chúng ta lànhững quản gia, và chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về công việc quản lý sử dụng thiên nhiên của mình.

6- Tất cả chúng ta được liên kết với nhau ở mức độ toàn cầu. Nếu thời đại đi vào không gian cho phép chúng ta nói vềmặt đất như một ngôi làng nhỏ, thì quả thực tất cả chúng taphải liên đới với nhau như thành viên của gia đình nhân loại.Do đó chúng ta cùng nhau gánh vác trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển và phúc lợi của mọi dân tộc trên mặt đất. Trong một nghĩa nào đó thì đây không gì khác hơn là việc nhìn nhận sự lệ thuộc chung của tất cả chúng ta vào Thiên Chúa. Ý tưởng của Liên Hiệp Quốc về một trật tự toàn cầu quả thực không chỉ là một công cuộc hài hòa chính trị, nhưng còn là một hướng đi do Thánh Thần Chúa hướng dẫn.

7- Tất cả phải tham gia vào đời sống chính trị.Người dân phải có tiếng nói trên số phận của mình. Không nên có những quyết định ảnh hưởng trên cuộc sống của hàng triệu người mà không có sự tham gia đóng góp của họ. Những người có chức quyền dễ dàng khai thác và tước đoạt quyền công dân của người thấp cổ bé miệng vì họ là những người nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ, hoặc những người giáo dân trong Giáo Hội. Điều chúng ta đang tìm kiếm ở đây là sự tôn trọng sâu xa hơn phẩm giá của tất cả con dân của Thiên Chúa, chứ không phải đơn giản là một thuyết dân chủ đầu môi chót lưỡi.

8- Tất cả phải hoạt động cổ võ cho hòa bình.Sau cùng, hòa bình chính là thành quả của công lý, và tùy thuộc vào một trật tự đúng đắn giữa người với người, cũng như giữa quốc gia với quốc gia. Ngày nay mẫu mực trổi vượt nhất dường như quản lý các mối tương giao giữa người với người là sự cạnh tranh. Chúng ta cần tìm kiếm thêm những đường hướng hợp tác để cùng chung sống. Điều cần thiết là phải phát huy một nền đạo đức phù hợp với cuộc sống, và một sự quan tâm sâu rộng về cách chung sống trong ngôi làng toàn cầu nếu chúng ta muốn sống còn.

Trên đây là một vài lãnh vực người Kitô hữu cần phải đặc biệt quan tâm. Nếu chúng ta cho phụng vụ là một hành động mang tính ngôn sứ, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng ta không thể bước đi cuộc sống với đôi mắt bít kín trước những điều xấu xa tội lỗi chung quanh ta. Đúng hơn, bằng cách đọc các dấu chỉ của thời đại, chúng ta có thể nhận ra chúng ta nên sử dụng các tài năng và ân sủng như thế nào để làm cho thế giới có được các giá trị của Đức Kitô, chẳng những trong cuộc sống của mình mà còn trong xã hội ta đang sống. Khi đó chúng ta mới có thể hân hoan nhảy mừng ca khen danh Thiên Chúa khi dâng lên Người việc phụng sự như là dân của Người.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 27.01.2005. 08:22