Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phỏng Vấn ÐTC Beneđitô XVI trên chuyến bay từ Roma đến Sydney (phần 2)

§ Lm Đặng Thế Dũng

3. Tiếp theo đây là câu hỏi của Ông Auskar Surbakti, làm việc cho Đài Truyền Hình Úc.

Thưa ĐTC, con xin lỗi vì không nói được tiếng Ý, vậy con xin hỏi bằng tiếng Anh: Đã có lời yêu cầu từ phía những nạn nhân người Úc bị lạm dụng tính dục do những giáo sĩ; họ xin Đức Thánh Cha giải quyết vấn đề và nói lời xin lỗi họ trong chuyến viếng thăm Australia lần này. Đức Hồng Y Pell đã nói rằng điều phù hợp có thể là chính Đức Thánh Cha giải quyết việc này như đã làm tương tự như vậy trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa qua. ĐTC có nói về vấn đề lạm dụng tính dục này và sẽ nói lời xin lỗi hay không trong chuyến viếng thăm Australia này?

ĐTC: Đúng vậy, vấn đề chính yếu cũng giống như bên Hoa Kỳ. Tôi đã cảm thấy phải nói về đều này ở Hoa Kỳ, bởi vì đây là điều thiết yếu để Giáo Hội hoà giải, phòng ngừa, trợ giúp và nhìn nhận lỗi lầm trong những vấn đề vừa nói. Như thế, chính yếu là tôi sẽ nói cùng một điều như tôi đã nói bên Hoa Kỳ.

Như tôi đã nói, chúng ta có ba chiều kích để làm sáng tỏ: chiều kích thứ nhất, như tôi đã nói, là giáo huấn luân lý của chúng ta. Cần phải rõ ràng, và điều luôn rõ ràng ngay từ những thế kỷ đầu rằng, chức linh mục, việc trở nên linh mục, là điều không thể nào phù hợp với nếp sống như thế, bởi vì linh mục là kẻ phục vụ cho Chúa chúng ta, và Chúa chúng ta là Đấng Thánh và luôn giáo huấn chúng ta- Giáo Hội đã luôn luôn nhấn mạnh điều này.

Chúng ta cần suy nghĩ về điều thiếu sót trong nền giáo dục chúng ta, trong giáo huấn chúng ta trong những thập niên qua, đó là trong những thập niên 50, 60 và 70, ý tưởng về tỉ lệ trong luân lý: lập trường cho rằng không có gì là xấu tự trong chính nó, nhưng chỉ là xấu trong tỉ lệ với những điều khác; với thuyết về tỉ lệ, người ta có thể suy nghĩ về vài vấn đề- như vấn đề ấu dâm- rằng trong tỉ lệ nào đó, những vấn đề đó có thể là điều tốt. Nhưng đây cần phải nói rõ ràng, đây không bao giờ là giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Có những điều luôn luôn là xấu, và ấu dâm luôn luôn là xấu. Trong nền giáo dục chúng ta, trong các chủng viện, trong công việc thường huấn dành cho các linh mục, chúng ta cần trợ giúp cho các ngài được thực sự gần gũi với Chúa Kitô, biết học hỏi từ Chúa Kitô, và như thế trở thành kẻ trợ giúp, chớ không phải là những kẻ thù của con người, của những người Kitô.

Như thế, chúng ta sẽ làm mọi việc có thể, để làm rõ điều gì là giáo huấn của Giáo Hội và giúp đỡ trong việc giáo dục và trong việc chuẩn bị các linh mục, trong công việc thường huấn, và chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể để chữa lành và hoà giải các nạn nhân. Tôi nghĩ đó là nội dung thiết yếu của điều mà từ “xin lỗi” muốn nói. Tôi nghĩ đây là điều tốt hơn, quan trọng hơn, là nói lên nội dung của công thức, và tôi nghĩ nội dung nói lên điều còn thiếu trong nếp sống của chúng ta; điều chúng ta phải làm trong giây phút này; làm sao chúng ta có thể phòng ngừa,và làm sao tất cả chúng ta có thể chữa lành và hoà giải.

4. Lm Lombardi: Xin cám ơn Đức Thánh Cha, giờ đây một câu hỏi khác nữa, do ký giả Martine Nouaille, làm việc cho hãng thông tấn AFP:

Con xin đặt câu hỏi bằng tiếng Ý. Một trong những vấn đề thảo luận của Nhóm G8 đang họp bên Nhật bản là cuộc chiến chống lại những thay đổi khí hậu. Australia là một đất nước hết sức nhạy cảm về vấn đề này, xét vì sự khô hạn và những biến cố liên quan đến khí hậu không tốt trong vùng nầy trên thế giới. ĐTC có cho rằng những quyết định đã có trước đây nay có thể đáp ứng được thánh thức này hay không? ĐTC có nói về đề tài này trong chuyến viếng thăm Australia lần này hay không?

ĐTC: Như Tôi đã nói qua trong câu trả lời thứ nhất; chắc chắn vấn đề này sẽ được nói đến trong Ngày Quốc tế Giới Trẻ, bởi vì chúng ta nói về Chúa Thánh Thần, và do đó chúng ta nói về các tạo vật và về những trách nhiệm của chúng ta đối với thiên nhiên. Tôi không muốn đi vào những vấn đề kỹ thuật mà các nhà chính trị và những chuyên viên phải giải quyết, nhưng tôi muốn góp vào những điểm thiết yếu, để nhìn thấy những trách nhiệm, để có thể đáp lại thách thức to lớn này: là khám phá lại trong tạo vật dung mạo của Đấng Tạo Hoá, khám phá lại những trách nhiệm của chúng ta trước Đấng tạo hoá đối với tạo vật mà Chúa đã trao phó cho chúng ta, huấn luyện khả năng luân lý đối với một kiểu sống cần phải có, nếu chúng ta muốn đương đầu với những vấn đề của hoàn cảnh ngày nay và nếu chúng muốn thật sự tìm ra những giải pháp tích cực. Do đó, thức tỉnh các lương tâm và nhìn thấy khung cảnh to lớn của vấn đề này, trong đó được đặt ra những trả lời chi tiết mà chúng ta không cần phải đưa ra, nhưng để dành cho đường lối chính trị và các chuyên gia.

5. Lm Lombardi: Thưa Đức Thánh Cha, câu hỏi kế tiếp là của Ký Giả Cindy Wooden, làm việc cho Hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ, CNS.

Thưa ĐTC, trong khi ngài viếng thăm Australia, thì các giám mục thuộc Liên Hiệp Anh Giáo họp Hội Nghị- Liên Hiệp Anh Giáo có mặt khắp nơi trên thế giới, cả tại Australia này nữa. Một trong những vấn đề chính có liên quan đến những cách thức có thể, để củng cố sự hiệp thông giữa các cộng đoàn, và để tìm ra cách thức bảo đảm làm sao một hay nhiều cộng đoàn không có những sáng kiến mà những kẻ khác xem như là nghịch lại Phúc âm và truyền thống. Đang có nguy cơ ly khai và chia rẽ hiệp Anh Giáo và có khả năng vài cộng đoàn sẽ xin được nhận vào Giáo Hội Công Giáo. ĐTC có lời cầu chúc nào cho Hội Nghị Lambeth của Liên Hiệp Anh Giáo và cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury hay không?

ĐTC: Đóng góp thiết yếu của tôi là lời cầu nguyện. Cùng với lời cầu nguyện, tôi hiện diện thật gần bên các giám mục Anh giáo đang họp nhau trong Hội Nghị Lambeth. Chúng tôi không thể và không nên can thiệp trực tiếp vào những thảo luận của các ngài; chúng tôi tôn trọng những trách nhiệm của các ngài và ước mong của chúng tôi là cầu nguyện cho các ngài có thể tránh được những ly khai hoặc những phân rẽ mới; ước chi các ngài gặp được giải đáp trong trách nhiệm trước thời đại, vừa đồng thời trong sự trung thành với Phúc âm. Cả hai điều này cần đi chung với nhau. Kitô giáo luôn luôn đồng hành với thời gian và hiện diện trong thế giới này, trong một không thời gian nhất định, nhưng đồng thời cũng đưa vào trong thời gian sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô, và như thế cống hiến một đóng góp thật sự cho thời đại bằng sự trung thành một cách trưởng thành, và sáng tạo, nhưng phải trung thành với sứ điệp của Chúa Kitô. Chúng ta hy vọng, và tôi cầu nguyện như vậy, sao cho các ngài gặp được con đường của Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Đây là lời cầu chúc của tôi cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury: ước chi Liên Hiệp Anh Giáo, trong sự hiệp thông của Tin Mừng của Chúa Kitô và trong Lời Chúa, gặp được những trả lời cho những thách thức hiện có.

Lm Lombardi: Thưa ĐTC, chúng con cám ơn ĐTC thật nhiều vì cuộc trao đổi này và vì những trả lời của ĐTC cho những câu hỏi của chúng con. Chúng con chúc ngài mọi sự an lành trong chuyến đi dài ngày này, và hy vọng ngài thu lượm được tất cả những hoa trái mong ước. Chúng con cố gắng cộng tác với ĐTC, bằng cách làm cho người ta biết đến sứ điệp của ĐTC, làm cho người ta hiểu được sứ điệp đó một cách tốt đẹp hơn. Xin hết lòng cám ơn ĐTC.

• Phần (1) & (2)

Lm Đặng Thế Dũng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 22.07.2008. 10:07