Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phỏng Vấn ÐTC Beneđitô XVI trên chuyến bay từ Roma đến Sydney

§ Lm Ðặng Thế Dũng

Radio Veritas Asia 19/07/2008 - Quý vị và các bạn thân mến. Trên chuyến bay từ Roma đi Sydney Úc Châu, hôm thứ Bảy, ngày 12 tháng 7 năm 2008, Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI đã dành cho các phóng viên tháp tùng một cuộc phỏng vấn. Linh Mục Federicô Lombardi, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, đã đọc các câu hỏi do các phóng viên đề ra. Trước khi đọc các câu hỏi, Linh Mục Lombardi đã có vài lời chào và cám ơn Ðức Thánh Cha nhân danh tất cả các phóng viên có mặt như sau:

80712pope.jpg

ÐTC trả lời các câu hỏi của các ký giả trên chuyến bay từ Roma tới Sydney.

Thưa ÐTC, chúng con cám ơn ÐTC vô cùng vì ngài đến với chúng con nơi đây vào lúc bắt đầu chuyến đi dài ngày này. Chúng con dâng lên ÐTC những lời cầu chúc tốt đẹp nhất và chúng con cảm thấy thật là danh dự vì ÐTC luôn sẵn sàng trả lời những câu hỏi chúng con. Những câu hỏi mà giờ đây chúng con trình lên cho ÐTC là những câu hỏi của những người có mặt nơi đây. Con xin được gom chung lại những câu hỏi có tầm quan trọng nhiều hơn. Chúng con đây là một cộng đồng có tính cách quốc tế, như trong mọi chuyến viếng thăm khác. Nếu được, chúng con xin ÐTC trả lời bằng tiếng Anh cho hai câu hỏi của các ký giả người Úc; còn những câu hỏi khác, ÐTC có thể trả lời bằng tiếng Ý.

1) Câu hỏi thứ nhất là do phóng viên Lucio Brunelli của đài Phát Thanh Italia như sau:

Thưa ÐTC, đây là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ hai của triều giáo hoàng của ngài. Nhưng, chúng ta có thể nói rằng đây là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần đầu tiên hoàn toàn thuộc về ngài. (Ngày Quốc Tế Giới Trẻ thứ I là do Ðức Gioan Phaolô II quyết định và chọn chủ đề). Vậy ÐTC có những tâm tình như thế nào, và đâu là sứ điệp chính ÐTC muốn gởi đến các bạn trẻ? ÐTC có nghĩ là ngày Quốc Tế Giới Trẻ có ảnh hưởng sâu đậm trên Giáo Hội tại Australia đang đón tiếp ngài hay không? Và cuối cùng, ÐTC có nghĩ là mô hình tổ chức cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ, còn có giá trị trong tương lai hay không?

ÐTC: Tôi đến Úc Châu với những tâm tình vui mừng to lớn. Tôi còn lưu giữ trong tâm trí những kỷ niệm thật đẹp của Ngày Quốc tế Giới Trẻ ở Colonia bên Ðức: Ngày đó không chỉ đơn thuần là biến cố của quần chúng, nhưng nhất là một lễ hội lớn của đức Tin, một cuộc gặp gỡ nhân bản nói lên sự hiệp thông trong Chúa Kitô. Chúng ta đã thấy như thế nào đức Tin mở cửa các ranh giới và thật sự có một khả năng hiệp nhất các nền văn hoá khác nhau và tạo ra niềm vui. Và tôi hy vọng cùng một điều như vậy cũng xảy ra cho Ngày Quốc Tế Giới trẻ tại Australia. Vì thế tôi vui mừng vì được thấy nhiều người trẻ hiệp nhất với nhau trong khát vọng hướng về Thiên Chúa và trong ước mong xây dựng một thế giới thật sự nhân bản.

Sứ điệp thiết yếu của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được nói lên qua những lời kết thành khẩu hiệu của Ðại Hội: chúng ta nói về Chúa Thánh Thần, Ðấng làm cho chúng ta trở thành chứng nhân của Chúa Kitô. Vì thế tôi muốn quy hướng sứ điệp của tôi nói về chính thực tại nầy là Chúa Thánh Thần trong những chiều kích khác nhau. Chúa Thánh Thần là Ðấng tác động trong các tạo vật. Chiều kích tạo vật này được thấy rõ ràng, bởi vì Chúa Thánh Thần là Ðấng sáng tạo. Tôi nghĩ đây là chủ đề quan trọng trong thời hiện nay. Nhưng Chúa Thánh Thần cũng là Ðấng linh ứng trong Kinh Thánh: trong cuộc hành trình chúng ta, theo ánh sáng của Kinh Thánh, chúng ta có thể tiến bước cùng với Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thánh Thần của Chúa Kitô; do đó ngài hướng dẫn chúng ta sống hiệp thông với Chúa Kitô; và cuối cùng, theo lời dạy của thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần được thể hiện trong những ơn đoàn sũng, nghĩa là trong những hồng ân không ngờ trước có sức thay đổi những thời đại khác nhau và trao ban cho giáo hội sức mạnh mới. Do đó, những chiều kích vừa nói mời gọi chúng ta nhìn thấy những dấu vết của Chúa Thánh Thần và làm cho kẻ khác nhìn thấy sự hiện diện Ngài.

Ngày Quốc tế Giới Trẻ không chỉ đơn thuần là biến cố xảy ra trong giây phút hiện tại rồi thôi, nhưng được chuẩn bị bởi cuộc hành trình dài của cây Thánh Giá Ngày Giới Trẻ và của Bức Ảnh Ðức Mẹ, một cuộc hành trình được chuẩn bị trên bình diện tổ chức, và trên bình diện thiêng liêng nữa. Do đó, những ngày sắp tới chỉ là những ngày cao điểm của một cuộc hành trình lâu dài trước đó. Tất cả là hoa trái của một cuộc hành trình, của một cuộc đồng hành cùng chung với nhau tiến về Chúa Kitô. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tạo ra một lịch sử, nghĩa là tạo ra những tình bạn, những gợi hứng mới, và như thế Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cứ tiếp tục. Tôi cho đây là điều hết sức quan trọng: người ta không chỉ nhìn thấy ba hay bốn ngày này mà thôi, nhưng nhìn thấy trọn cả cuộc hành trình trước và tiếp theo sau biến cố. Theo ý nghĩa này, tôi nghĩ là ngày Quốc Tế Giới Trẻ -- ít ra là trong tương lai gần chúng ta đây -- là một phương thức có giá trị để chuẩn bị cho chúng ta hiểu rằng từ nhiều phía và từ nhiều nơi trên thế giới, chúng ta tiến tới Chúa Kitô và tiến tới trong sự hiệp thông với nhau. Như thế chúng ta học được cách thức mới cùng nhau tiến bước. Tôi hy vọng đây có thể là công thức hành động trong tương lai.

2) Câu hỏi thứ hai của Ký Giả Paul John Kelly, phóng viên của nhật báo "Người Australia" (the Australian), một trong những nhật báo lớn tại Úc Châu:

80712pope2.jpg

ÐTC ngồi đọc báo, trên chuyến bay từ Roma tới Sydney.

Thưa Ðức Thánh Cha, con muốn đặt câu hỏi bằng tiếng Anh. Australia là một đất nước hết sức thế tục, với việc thực hành đạo ở mức thấp và với nhiều lãnh đạm tôn giáo. Con muốn hỏi Ðức Thánh Cha có lạc quan về tương lai của Giáo Hội tại Autrralia hay không? Ðức Thánh Cha có lo lắng Giáo Hội Australia sẽ tiến theo con đường của các giáo hội tại Âu Châu hay không? Ðức Thánh Cha có sứ điệp nào cho nước Úc để vượt qua tâm thức lãnh đạm tôn giáo hay không?

ÐTC: Tôi cố gắng trả lời bằng tiếng Anh. Nhưng xin hãy tha thứ cho những giới hạn của tôi khi dùng tiếng Anh. Tôi nghĩ rằng Australia trong hoàn cảnh lịch sử hiện nay là thành phần của thế giới Tây Phương, trên bình diện kinh tế và chính trị; và như thế rõ ràng Australia chia sẻ những thành công và những vấn đề của thế giới Tây Phương. Trong 50 năm qua, thế giới tây Phương đã có những thành công lớn: thành công kinh tế và thành công kỹ thuật; còn trên bình diện tôn giáo, -- trên bình diện đức tin kitô -- thì theo một nghĩa nào đó Tây Phương đang gặp khủng hoảng. Ðây là điều rõ ràng mọi người nhìn thấy được, bởi vì có cảm tưởng là chúng ta không cần đến Thiên Chúa nữa; con người có thể tự sức mình làm hết mọi sự; con người không cần có Thiên Chúa để sống hạnh phúc; con người không cần có Thiên Chúa để sáng tạo một thế giới tốt đẹp hơn; Thiên Chúa không cần thiết nữa, con người có thể tự mình làm được mọi sự.

Nhưng đàng khác, chúng ta nhìn thấy rằng tôn giáo luôn luôn có mặt trong thế giới và sẽ luôn luôn hiện diện, bởi vì Thiên Chúa hiện diện trong con tim con người và sẽ không bao giờ biến mất. Chúng ta nhìn thấy được như thế nào tôn giáo là một sức mạnh trong thế giới này và trong các quốc gia. Có lẽ tôi không nói cách thuần tuý về sự xuống dốc của tôn giáo tại Âu Châu. Chắc chắn rằng có cuộc khủng hoảng tại Âu Châu; bên Mỹ Châu thì không có khủng hoảng bao nhiêu, nhưng dù sao vẫn có chút ít khủng hoảng; tại Australia cũng vậy.

Thật ra, lúc nào cũng có sự hiện diện của Ðức Tin trong những hình thức mới và theo cách thức mới; có lẽ thuộc nhóm thiểu số, nhưng lúc nào cũng hiện diện cho toàn thể xã hội nhìn thấy. Và giờ đây, trong giây phút lịch sử này, chúng ta bắt đầu thấy rằng mình cần có Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm nhiều điều, nhưng chúng ta không thể tạo ra khí hậu. Chúng ta đã nghĩ là mình có thể làm được, nhưng thật ra chúng ta không thể làm được. Chúng ta cần món quà trái đất, cần món quà nước uống; chúng ta cần đến Ðấng Tạo Hoá; Ðấng tạo hoá xuất hiện lại trong các tạo vật ngài đã dựng nên. Và như thế chúng ta hiểu được rằng chúng ta không thật sự hạnh phúc, chúng ta không thể nào cổ võ công bằng cho toàn thế giới, nếu không có một tiêu chuẩn hữu hiệu nằm trong tư tưởng chúng ta, nếu không có Thiên Chúa, Ðấng công bằng, Ðấng ban cho chúng ta ánh sáng và ban cho chúng ta sự sống. Vậy, tôi nghĩ rằng theo nghĩa nào đó, có trong thế giới tây phương một sự khủng hoảng đức tin nào đó, nhưng chúng ta sẽ luôn luôn có sự canh tân đức tin, bởi vì đức tin Kitô luôn luôn là thật, và sự thật sẽ luôn hiện diện trong thế giới con người, và Thiên Chúa luôn luôn là sự thật. Như vậy, cuối cùng, tôi vẫn lạc quan.

(còn tiếp)

• Phần (1) & (2)

Lm Ðặng Thế Dũng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 19.07.2008. 15:47