Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

So sánh hai nghi thức Thánh Lễ thông thường và ngoại thường

§ Lm Hoàng Tam Biên

(Trích từ “Chín câu hỏi về các nghi thức thông thường và ngoại thường của Sách Lễ Rôma” của Ủy Ban Phụng Tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ)

1. Tại sao Sách Lễ Rôma năm 1962 thời Chân Phước Gioan XXIII lại được coi là nghi thức ngoại thường?

Từ thời công đồng Triđentinô cho đến công đồng Vaticanô II, Sách Lễ Rôma đã có bảy ấn bản chính thức. Các ấn bản được ban hành dưới thời các vị giáo hoàng này: Piô V (1570), Clêmentô VI (1604), Urbanô VIII (1634), Lêô XIII (1884), Piô X (1911), Bênêđictô XV (1920), Gioan XXIII (1962). Ấn bản năm 1962 là ấn bản cuối cùng của Sách Lễ Rôma được ban hành trước công đồng Vaticanô II.

2. Phải chăng hai nghi thức ngoại thường và thông thường hoàn toàn khác biệt?

Đức Thánh Cha nhận định rằng “không có mâu thuẫn giữa hai nghi thức” và lịch sử của các sách phụng vụ mang tính chất “tăng trưởng và tiến triển, chứ không có tính đoạn tuyệt” (với quá khứ). Điều mà các thế hệ đi trước coi là thiêng thánh thì vẫn còn thiêng thánh và cao cả cho chúng ta, và không thể đột nhiên bị cấm đoán hoàn toàn hoặc còn bị coi là có hại. Tất cả chúng ta cần bảo tồn những gì phong phú đã được thành hình trong đời sống đức tin và cầu nguyện của Hội Thánh, và đặt chúng ở vị trí xứng hợp.

3. Khi tín hữu tham dự nghi thức theo Sách Lễ Rôma của Chân Phước Gioan XXIII (1962), có khác biệt gì so với nghi thức theo Sách Lễ Rôma của Tôi Tớ Thiên Chúa, Gioan Phaolô II (2002)?

Trong cả hai nghi thức ngoại thường và thông thường của Sách Lễ Rôma, Giáo Hội mong ước điều này hơn cả, đó là tín hữu tham gia một cách trọn vẹn, ý thức và tích cực. Trong cả hai nghi thức, cần bắt đầu bằng một sự tham gia nội tâm vào hy lễ của Đức Kitô, mà cộng đoàn tụ họp cùng với những kinh nguyện và nghi lễ phải quy hướng về. Nghi thức thông thường đạt đến điều này qua việc lắng nghe và đáp trả lại những kinh nguyện trong Thánh Lễ bằng ngôn ngữ địa phương, và qua việc tham gia vào hành vi có tính cộng đồng. Nghi thức ngoại thường thì đạt đến điều này phần lớn là qua việc nghe những kinh nguyện bằng tiếng Latinh và theo dõi những lời nói và việc làm của vị linh mục và hợp lòng với “những gì ngài đọc nhân danh Đức Kitô và (những gì) Đức Kitô nói với ngài.”

4. Vai trò của linh mục theo nghi thức của hai Sách Lễ Rôma khác nhau như thế nào?

Những khác biệt chính yếu liên hệ đến phương hướng và ngôn ngữ. Trong hầu hết thời gian của nghi thức ngoại thường, vị linh mục hướng về bàn thờ và quay lưng về phía tín hữu. Tất cả những lời cầu nguyện là bằng tiếng Latinh, ngoại trừ các bài đọc và bài giảng là bằng tiếng địa phương.

5. Đâu là những khác biệt chính yếu giữa hai nghi thức ngoại thường và thông thường?

NGHI THỨC NGOẠI THƯỜNG (1962) NGHI THỨC THÔNG THƯỜNG (2002)
Bao gồm 1% từ Cựu Ước Bao gồm 14% từ Cựu Ước
Bao gồm 17% từ Tân Ước Bao gồm 71% từ Tân Ước
Bắt đầu với lời cầu nguyện riêng của linh mục và người giúp lễ ở chân bàn thờ. Bắt đầu với lời chào và nghi thức thống hối cộng đồng.
Chỉ dùng một Kinh Nguyện Thánh Thể. Dùng chín Kinh Nguyện Thánh Thể.
Tín hữu thường chỉ rước lễ dưới một hình (bánh). Cho tín hữu rước lễ dưới cả hai hình (bánh và rượu).
Trong nghi thức kết lễ có đọc một đoạn Phúc Âm theo Thánh Gioan và kinh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Nghi thức kết lễ bao gồm lời nguyện sau hiệp lễ, phép lành, và giải tán.
Bảo tồn những lời nguyện và nghi thức năm 1570 với một vài thay đổi. Đơn giản hóa các lời nguyện dựa theo những nghiên cứu và hiểu biết của thời hiện đại.
Chỉ có hàng giáo sĩ hoặc người giúp lễ được thi hành thừa tác vụ phụng vụ. Phục hồi các thừa tác vụ giáo dân và cẩn thận phân biệt các vai trò.


6. Tại sao người ta vẫn gắn bó chặt chẽ với nghi thức thời trước công đồng?

Đức Thánh Cha nêu ra một số lý do. Trong trường hợp những người đi theo TGM Lefèbvre, tuy Sách Lễ tiền công đồng trở thành một dấu chỉ đặc trưng bề ngoài và gây ra sự ly khai, rõ ràng là những lý do dẫn đến sự ly khai còn sâu đậm hơn thế.

Một số khác gắn bó chặt chẽ với nghi thức cũ mà họ đã quen thuộc từ bé. Nguyên nhân hàng đầu khiến họ yêu chuộng nghi thức cũ là trong việc cử hành phụng vụ hậu công đồng có sự sáng tạo không đúng chỗ, dẫn đến “những biến dạng khó chấp nhận trong phụng vụ.” Đức Thánh Cha thêm một nhận xét cá nhân trong thư kèm theo tự sắc: “Tôi nói theo kinh nghiệm, vì chính tôi đã trải qua giai đoạn này với bao nhiêu hy vọng cũng như lúng túng của thời kỳ này. Và tôi đã thấy những biến dạng tùy tiện trong phụng vụ, gây nên đau đớn sâu xa nơi những người hoàn toàn gắn bó với đức tin của Hội Thánh.”

Sau hết, Đức Thánh Cha mô tả những bạn trẻ “đã khám phá nghi thức phụng vụ này, thấy hấp dẫn và tìm được nơi đây một cách gặp gỡ Mầu Nhiệm Thánh Thể đặc biệt thích hợp với họ.”

7. Những quy tắc mới lại chẳng gây ra chia rẽ trong các xứ đạo và làm trầm trọng thêm những căng thẳng giữa những ai gắn bó với các nghi thức tiền công đồng và hậu công đồng sao?

Đức Thánh Cha coi nỗi sợ hãi này là không có nền tảng, vì những khả năng cần thiết về luật phụng vụ và ngôn ngữ để có thể theo nghi thức tiền công đồng không phải là dễ mà có. Do đó, “rõ ràng là Sách Lễ mới sẽ chắc chắn tiếp tục là Nghi Thức Rôma thông thường, không phải chỉ vì những quy tắc pháp luật, nhưng còn vì tình trạng thực tế của các cộng đồng tín hữu.”

8. Hai nghi thức sẽ ảnh hưởng đến nhau như thế nào?

Đức Thánh Cha nói lên niềm hy vọng là các lễ kính các vị thánh mới và một vài kinh tiền tụng mới sẽ có thể được Ủy Ban Ecclesia Dei đưa vào Sách Lễ 1962, trong khi việc dùng nghi thức tiền công đồng, với sự thiêng thánh từng thu hút nhiều người, sẽ giúp chúng ta làm tăng giá trị của nghi thức thông thường nhiều hơn. Về phương diện này, ngài nhấn mạnh: “Bảo đảm chắc chắn nhất để Sách Lễ của ĐGH Phaolô VI có thể hiệp nhất các xứ đạo và có thể được yêu mến hệ tại ở việc cử hành nghi thức này với lòng kính trọng lớn lao trong sự hài hòa với các chỉ dẫn về phụng vụ.”

9. Đâu là lệnh truyền của các nghị phụ của công đồng Vaticanô II về việc canh tân phụng vụ thánh?

Trong hiến chế về phụng vụ (Sacrosanctum concilium), số 50, các nghị phụ đã truyền rằng:

“Phải làm sao tu chỉnh Nghi Thức Thánh Lễ để biểu lộ rõ ràng hơn nữa ý nghĩa và mục đích riêng biệt của mỗi phần, cũng như mối tương quan của chúng, đồng thời để việc tham dự thành kính và linh động của các tín hữu được dễ dàng hơn.

Do đó, các nghi lễ, dù vẫn hoàn toàn duy trì bản chất của chúng, phải được đơn giản hơn. Phải loại bỏ những gì, theo dòng thời gian, được gia bội hoặc thêm thắt mà ít lợi ích. Phải tái lập theo qui tắc cổ điển của các Thánh Giáo Phụ, một số những gì xét là chính đáng và cần thiết đã bị oan uổng mai một theo thời gian.”

Lm Hoàng Tam Biên

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.04.2008. 22:18