Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tình Yêu Và Phục Vụ

§ Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM

Tình Yêu Và Phục Vụ

Thiên Chúa cũng có một nỗi say mê, và nỗi say mê đó là Con Người. Chúng ta có thể nói như vậy khi ta nhìn vào lịch sử cứu độ và thấy tất cả những gì Người đã làm cho loài người.

Vừa ra khỏi mùa Phục Sinh, Giáo Hội cử hành ngay ba lễ lớn mang một ý nghĩa gần như nhau, cả ba đều chung một đề tài là Tình yêu Thiên Chúa nhưng dười những khía cạnh khác nhau: Trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, đó là tình yêu và hiệp nhất, trong hình ảnh trái tim bị đâm thủng, tôi thấy biểu tượng của tình yêu thí mạng cho người mình yêu, còn trong bí tích Thánh Thể, tôi thấy nổi bật tình yêu phục vụ.

Chúa nhật lễ Chúa Ba Ngôi cho ta dịp suy gẫm về mầu nhiệm tình yêu ngay trong bản thể của Thiên Chúa, trong nguồn cội của nó, nghĩa là ngay truớc khi Thiên Chúa ra tay thi thố tình yêu của Người ra "bên ngoài" cho chúng ta. Thiên Chúa chúng ta không phải là một Ðấng tuyệt đối, toàn năng nhưng đơn độc, xa xôi, trơ trọi một mình: Người là Tình Yêu (1 Gio-an 4,7); là một cộng đồng ba ngôi vị liên kết trong tình yêu hoàn hảo. Mọi công trình của Thiên Chúa: Tạo dựng, Quan phòng, Cứu độ đều phát sinh từ vực thẳm tình yêu vô biên đó.

Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su cử hành vào khoảng cuối tháng Trái Tim (tháng 6) còn nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa. Hình ảnh trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu và ngọn lửa rực cháy bốc lên, diễn tả tình yêu ở mức tột cùng: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình" (Ga 15,13)

Rồi còn phải nói gì về lễ Mình Máu Thánh Chúa? Cùng với việc Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá, bí tích Thánh Thể là hồng ân cao cả nhất, phép lạ kỳ diệu nhất mà tình yêu Chúa đã thực hiện và vẫn còn thực hiện cho ta mỗi ngày cho đến tận thế. Thánh Thể báo trước Tử Nạn, Thánh Thể thực hiện Hiến Tế thập giá "một cách bí tích" (như giáo lý quen nói): nghĩa là trước khi phó mạng vì ta trong cái chết đẫm máu trên Núi Sọ, Chúa Giê-su đã phó mình cho ta trong phòng Tiệc Ly dưới hình thức bánh và rượu. Vì thế mà theo chính thánh ý của Chúa, thánh lễ tái diễn trên bàn thờ lễ tế thập giá, và thánh Phao-lô đã có thể viết: "Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết" (1Cr 11,26).

Thánh Gio-an là tác giả sách Tin Mừng duy nhất không tường thuật việc Chúa lập bí tích Thánh Thể; thay vào đó, ngài là người duy nhất kể lại một cách trang trọng, cảnh Chúa rửa chân cho các môn đệ ngay trong bữa ăn, trước khi đi chịu chết. Phải chăng thánh Gio-an muốn nhấn mạnh ý nghĩa phục vụ của bí tích này?

Chúa Giê-su lập Thánh Thể không phải vì mình, nhưng vì ta, như một phương thế để tiếp tục thể hiện ý muốn phục vụ của Người. Bằng Thánh Thể, Người nối dài sự hiện diện hữu hình của Người giữa trần gian; sự hiện diện đó trở thành điểm qui tụ, thành trung tâm của đời sống Hội Thánh. Bằng Thánh Thể, Người cho ta được hiệp thông sự sống với mình. Sự sống của Chúa được thông ban cho ta để nuôi sống, chữa lành và biến đổi chúng ta. Bằng Thánh Thể, Chúa Giê-su liên kết chúng ta lại thành cộng đoàn huynh đệ. Trong cộng đoàn này không có thống trị, mà chỉ có phục vụ. "Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau" (Ga 13,14). Chúng ta rất khác nhau về tính tình, khuynh hướng, sở thích, tài năng, cách nhìn và chọn lựa.

Quyền lợi mà chúng ta theo đuổi đôi khi đối nghịch, mâu thuẫn nhau. Nhưng Chúa bẻ bánh chia cho ta quanh cùng một bàn tiệc. Như vậy, Người giúp ta tha thứ, làm hòa, thu hẹp khoảng cách và xích lại gần nhau hơn. Và tích cực hơn nữa, Người làm cho tất cả những ai ăn cùng một bánh được liên đới và hiệp thông sâu xa với nhau với nhau, mặc dù vẫn có những khác biệt không thể tránh. "Bởi vì chỉ có một tấm bánh và tất cả chúng ta chia sẽ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể" (1 Cr 10,17).

Nhưng để phục vụ, Chúa Giê-su đã phải trả giá rất đắt. Không phải chỉ hạ mình rửa chân cho các môn đệ, mà còn tự hiến "làm lễ vật giao hòa", làm "chiên Vượt Qua" chịu sát tế vì sự sống thế gian. Chính Người nói: "Con Người đến không phải để đượcngười ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28).

Khi ta được đồng hóa mình với Chúa Ki-tô trong Thánh Thể thì ta cũng phải cố gắng sống như Người đã sống, phục vụ như Người đã nêu gương. Ai không sẵn lòng phục vụ thì cũng chưa thực lòng muốn tham dự Thánh Thể. Muốn phục vụ như Chúa, thì cũng phải hiến thân như Người. Ðây là điều khó, thường làm cho ta hoảng sợ, chùn chân, không dám đi tới cùng.

Chưa khi nào người ta thích dùng hai tiếng phục vụ hay dịch vụ như sau giải phóng. Tổ phục vụ gạo, tổ phục vụ dầu hôi, dịch vụ nhà đất, dịch vụ luật pháp... Danh từ phục vụ hoặc dịch vụ đều bao hàm lòng vị tha, hy sinh quên mình vì lợi ích kẻ khác. Nhưng thực tế các thứ dịch vụ và điểm phục vụ của xã hội ngày nay thường là nhũng phương thế khai thác, trục lợi, có khi xài xệ, làm khổ kẻ khác. Phục vụ như thế, nên ai cũng thích phục vụ cả!

Quả thực, phục vụ cho đúng ý nghĩa và nhất là phục vụ như Chúa Giê-su không phải là chuyện đùa. Người Kitô hữu chúng ta biết mình yếu kém, nhưng dù chưa dám làm hay chưa làm được, chúng ta ít nhất cũng phải nhận ra rằng phục vụ và hiến thân là những đòi hỏi không thể thiếu của bí tích Thánh Thể. Và bí tích này sẽ nâng đỡ ta, trợ lực cho ta để ra sức làm điều Chúa dạy và nêu gương. Trong cuộc sống hằng ngày, nhất là những khi ta tham dự Thánh Thể, chúng ta hãy để cho các đòi hỏi của Chúa day dứt trong lòng chúng ta. Day dứt, nhưc nhối như một vết thương không bao giờ lành khiến cho mình không bao giờ dám an tâm trong thái độ thờ ơ và vị kỷ.

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Đọc nhiều nhất Bản in 05.06.2006. 16:43