Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bố em hay la mắng suốt ngày

§ Lệ Vũ

Lệ Vũ mến! Em có người bố tốt biết lo lắng cho gia đình, rất gọn ghẽ và ngăn nắp. Nhưng có một điều em không thích là bố em hay chửi mắng vợ con và các cháu suốt ngày. Em đồng ý nhiều lần chúng em làm sai trái và bố mẹ có quyền la mắng sửa dạy. Nhưng từ nhỏ tới lớn, bố em không khuyên bảo, sửa sai chúng bằng cách nói nhỏ nhẹ. Nhiều khi bố em la mấy đứa cháu suốt ngày, mà không chỉ bảo cho chúng thấy những cái sai trái để lần sau chúng tránh và nói cho chúng biết hậu quả tai hại của cái sai trái đó.

Em không hiểu tại sao bố em lại la mắng suốt ngày như vậy? Có phải vì bố em uống bia rượu suốt ngày chăng? Bố em uông lai rai suốt ngày còn nhiều hơn là uống trong bữa ăn nữa! Em chỉ muốn bố em uống trong bữa ăn mà thôi. Không uống ngoài bữa ăn và uống dấu diếm nữa. Em đã nói chuyện riêng và khuyên bố em nên bớt uống bia rượu vì có hại cho sức khoẻ lắm. Nhưng lời khuyên của em trở thành vô ích. Bố em tính nào tật ấy thôi!

Nghĩ cách lạc quan hơn, bố em cũng không phải là người thích đưa bạn bè về nhà nhậu nhẹt rồi bắt vợ con hầu hạ, thu dọn. Em cũng đã xin mẹ khuyên bố, nhưng nhiều khi bố chửi luôn cả mẹ. Mẹ là người ít nói. Bố la mắng, mẹ làm thinh. Mẹ cũng là nạn nhân như chúng em thôi. Hoàn cảnh như thế bây giờ Lệ Vũ khuyên chúng em sao đây? Cam ơn Lệ Vũ thật nhiều.

Đ.C.

Đáp: Em Đ.C. thân mến,

Vấn đề bố em hay la mắng suốt ngày có thể một phần nhỏ vì bản tính, một phần vì thói quen, tập quán giáo dục con cái theo đường lối Á Đông xưa… dùng quyền uy để dạy dỗ con cái hơn là dùng những lời giảng dạy nhẹ nhàng, biểu lộ tình thương cho con cái thấy. Người xưa nghĩ con cái càngg sợ, càng dễ dạy. Nhẹ nhàng, ngọt ngào để cho con cháu lờn mặt à? Rồi một câu cũ xì, cứ được nhắc đi nhắc lại từ đời nọ đến đời kia: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Bố mẹ càng nghiêm khắc, khó khăn với con cái bao nhiêu, càng được hàng xóm, láng giềng khen ngợi bấy nhiêu. Đường lối, phong tục giáo dục của người Á Đông xưa đã định và truyền lại như vậy. Các thế hệ sau cứ vậy thi hành, không nên thắc mắc, bàn bạc chi cho mệt óc. Bàn ra, tính vào nhiều khi còn bị kết tội bất phục tùng, đảo lộn luân thường đạo lý đã được truyền lại từ nhiều năm qua!

Nhiều bố mẹ, người lớn quên một điều căn bản: Con cái cũng là người có cảm giác như mình. Người bình thường không ai muốn nghe người khác nặng lời lên tiếng chửi rủa, hoặc đối xử tệ hại với mình. Tại sao mình lại làm điều đó với con cái của mình, bắt chúng chấp nhận và còn phải xem đó như một cách biểu lộ tình thương của mình đối với chúng?!!! Mình cho chúng uống nước chanh không đường, rồi dùng quyền uy, ép buộc chúng phải vui vẻ, bằng lòng xem đó như một ly nước mía!?

Nhiều bố mẹ, vì kế sinh nhai, không có nhiều thì giờ dạy dỗ con cái hằng ngày. Đợi khi chúng hư mới đem ra quở phạt, la mắng. Hoặc lắm khi hay biết được thì chuyện đã quá trễ, đâm ra giận dữ, trách móc cả trời lẫn Chúa!

Trong việc giáo dục nuôi nấng, dạy dỗ con cái, bố mẹ cần phải dựa trên căn bản của tình thương, sự Thật và Chân Lý bắt nguồn từ chính mình. Bố mẹ dối trá không thể nào dạy con ngay thẳng được. Bố mẹ đối xử với con cái cọc cằn, chửi rủa, la hét, thì không thể nào dạy con cách cư xử hoà nhã, lịch sự với người khác được. Ngược lại, khi lớn lên, chúng cũng sẽ thường trở nên thô lỗ, cọc cằn, lớn tiếng với người khác như mình đã làm. Mọi việc trong đời giữa con ngừơi với nhau, cần phải xử sự trên căn bản của Tình Thương, Chân Lý và Sự Thật, vì chỉ có căn bản này mới mang con người lại gần với nhau. Ngược lại, sẽ gây đố kị, hiềm khích, chia rẽ, xem thường nhau trong gia đình, cộng đồng, xã hội.

Trở lại vấn đề của bố em, ngoài bản tính, thói quen hay la mắng, một yếu tố quan trọng khác khiến bố em trở nên “cọc cằn, lớn tiếng” suốt ngày đó là căn bệnh nghiền rượu bia của bố em. Rượu bia vào, dĩ nhiên lời phải ra. Không có bạn nhậu để bố em cà nhựa với, bố em quay ra “cà nhựa” với tụi em đó thôi. Men rượu, men bia vào làm mất tư cách con người, và thường quay ra làm và nói những điều xằng bậy, khi tỉnh ra được, nhiều khi quá trễ. Ngoài những người đồng bệnh say rượu ra, không ai muốn ở gần người say hết! Điều khó nhất hiện nay em phải đương đầu: Làm sao cho bố em nhận ra căn bệnh ghiền rượu của ổng, và muốn đi chữa trị.

Nếu em đã trực tiếp nói chuyện được với bố em nhiều lần mà không có kết quả, Lệ Vũ đề nghị em nên gặp nói chuyện với Cha Xứ hay một người nào lớn tuổi trong họ hàng có uy tín với bố em. Lệ Vũ hy vọng những người này có thể giúp bố em chữa trị được thứ bệnh này. Ngoài ra em có thể viết thư cho bố em, trình bày nhưng ưu tư của em về những điều em đã nêu ra trong câu hỏi gửi đến Vũ. Vũ tin nhiều khi viết ra em sẽ có cơ hội trình bày tư tưởng, những điều em muốn nói một cách rõ ràng hơn khi nói chuyện. Nhờ đó, bố em sẽ dễ thông cảm và nhận ra những khuyết điểm của mình để thay đổi, trở nên một người cha hiền lành, hoà nhã với con cháu hơn? Đừng quên cầu nguyện nhiều cho bố em. Thân mến.

Lệ Vũ

Đọc nhiều nhất Bản in 19.03.2006. 05:53