Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thiếu Nhi Thánh Thể và Việc Giáo Dục Thiếu Nhi Công Giáo

§ Lm Vinh Sơn Trần Hoà

Ở Việt Nam hiện nay các gia đình Công giáo không còn mấy phương tiện giáo dục con cái mình ngoài lớp giáo lý của nhà thờ và trường học xã hội chủ nghĩa. Nhưng lớp giáo lý lại quá bó hẹp trong nội dung giáo lý và khá thụ động. Còn trường học thì chỉ dạy chữ, không mấy quan tâm tới đào luyện con người. Chúng ta còn một môi trường nữa là đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể.

I. Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) còn thích hợp trong hoàn cảnh hiện nay không?

tntt-tuyen-the.jpg

TNTT trước đây ta gọi là Nghĩa Binh Thánh Thể phát xuất từ Toulouse Pháp năm 1865 và hình thành năm 1915, được truyền bá vào Việt Nam do các cha Xuân Bích năm 1929 tại Hà Nội. TNTT tìm được một miếng đất mầu mỡ ở Việt Nam đã phát triển rất mạnh nhờ Công Đồng Đông Dương năm 1934. Cho tới năm 1954, hầu hết các giáo phận ở Việt Nam đã có đoàn TNTT. Năm 1970, tại miền Nam Việt Nam, TNTT được canh tân cho hoàn hảo và hợp với thời đại hơn. Nội quy mới, tài liệu mới đã được giáo quyền miền Nam bấy giờ công nhận và cho phép phổ biến. Các đoàn TNTT theo nội quy mới đã phát triển như một phương thế giáo dục trẻ em tốt đẹp nhất bấy giờ và sau này lan rộng ra nhiều nước trên thế giới trong cộng đồng người Việt như ở Mỹ, Pháp, Uc và Canada. Tôi đã có dịp tới họp và thăm một số các đoàn TNTT rất năng động tại Mỹ.

Trước năm 1975, hầu hết các giáo xứ ở miền Nam đều có đoàn TNTT, việc giáo dục con cái trong gia đình Công Giáo được các đoàn TNTT chia sẻ rất nhiều. Kết quả đó còn lại cho đến nay trong các giáo xứ : nhiều gia đình có gia trưởng và bà mẹ đạo đức, nhiệt thành, nhiều thành viên tốt, làm việc rất đắc lực trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ hiện nay là các thành viên hay cựu huynh trưởng TNTT.

Trong hoàn cảnh hiện nay ở Việt Nam, như đã nói trên, chúng ta có rất ít phương tiện giáo dục con cái chúng ta theo quan điểm thông thường và theo tôn chỉ đạo thánh Chúa. Vì thế chúng ta vẫn có thể dùng TNTT như một phương thế giáo dục trẻ em rất tốt. Trong sinh hoạt TNTT ngoài việc học giáo lý, các em còn học thêm nhân bản, phong trào, chuyên môn và tham gia các sinh hoạt ngoài trời. Như thế, bản thân các em được phát triển toàn diện về đạo đức, tinh thần và thể chất hầu có thể sống tốt, góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội Chúa khi trưởng thành. Giáo hội dạy: “Việc giáo dục chân chính phải nhằm mục đích đào tạo toàn diện con người, và đồng thời phải hướng về mục đích tối hậu của con người cũng như lợi ích chung của xã hội, cho nên các trẻ em và các thanh thiếu niên phải được đào tạo thế nào để họ có thể phát triển cách hài hoà những tài năng thể lý, luân lý và trí tuệ của mình, để họ có được một ý thức hoàn hảo hơn về trách nhiệm và biết sử dụng đúng đắn sự tự do của mình, và để họ trở thành những người có khả năng tham gia tích cực vào đời sống xã hội.” (GL 83, đ.795).

Đoàn thể TNTT có thể đáp ứng khá tốt những đòi hỏi trên đây của Giáo Hội, mà trước năm 1975 và hiện nay tại hải ngoại các cộng đồng Công Giáo Việt Nam vẫn dùng phương thế giáo dục khá tốt này để giáo dục các thiếu nhi Công Giáo.

II. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Phần lớn các giáo xứ hiện nay đều có các lớp giáo lý. Chúng ta có thể lấy các lớp giáo lý ấy làm căn bản để thiết lập đoàn TNTT (đoàn TNTT theo đúng Nội quy của phong trào, chớ không phải lớp giáo lý mang đồng phục TNTT). Chúng ta phải bảo đảm vẫn duy trì việc dạy giáo lý, nhưng dạy giáo lý trong giờ họp Chi đoàn TNTT cùng với các môn khác. Dĩ nhiên là giáo lý sinh động hơn và chú trọng đến thực hành hơn học lý thuyết bao nhiêu có thể. Các môn khác sẽ dạy tiếp theo đó, xen kẽ có các sinh hoạt vui theo phương pháp của Phong trào TNTT.

Còn nhân sự ? Dĩ nhiên chúng ta phải chuẩn bị nhân sự trước hết rồi mới khởi đầu. Điều quan trọng chính là sự dấn thân cho việc giáo dục thiếu nhi của Cha Sở, Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ và các Huynh trưởng. Sách vở về TNTT hiện nay ở Việt Nam khá nhiều, mô hình đoàn TNTT như trên cũng không thiếu. Ta có thể gởi các Giáo Lý Viên đi tham dự các sa mạc huấn luyện huynh trưởng, đọc sách, nghiên cứu và tham quan, thực tập tại các đoàn của giáo xứ bạn, vì học trong sách thì vẫn là lý thuyết, mà học ở ngoài thực tế vẫn đem lại cái gì cụ thể hơn.

Ưu tư của các Đức Giám Mục Việt Nam về giáo dục cũng là những ưu tư của các thành phần dân Chúa. Với thiện chí, lời cầu nguyện, suy nghĩ và tìm tòi, chắc chắn Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta tìm ra phương thế tốt nhất cho việc giáo dục các con em chúng ta, giúp chúng thoát khỏi những sa đoạ của thời hiện đại, mà hiên ngang sống xứng với ơn gọi làm người và làm con Chúa.

Lm Vinh Sơn Trần Hoà, GP Saigon

Đọc nhiều nhất Bản in 31.05.2008. 16:28