Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thế giới hiện tại là một thế giới hoàn hảo nhất

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

(Gottfried Wilhelm von Leibniz: Die Theodizee)

Tác phẩm quan trọng nhất của Gottfried Wilhelm von Leibniz (1647-1716), một triết gia và là nhà trí thức vĩ đại sau cùng của nước Đức, là: “Abhanlungen über die Theodizee von der Güte Gottes, der Freiheit des Menschen und dem Ursprung des Bösen“ – (Những khảo lược thần luận về lòng nhân hậu của Thiên Chúa, sự tự do của con người và nguồn gốc sự dữ), xuất bản năm 1710. Tác phẩm được tàng giữ tại một trung tâm được gọi là “Zentrum von Theodizee-Thematik“- (Trung tâm chuyên đề thần luận). Bởi vì, qua Leibniz công cuộc nghiên cứu về thần luận thời tân đại đã được trình bày cũng như được thiết lập một cách đầy đủ.

Ngoài ra, nhờ ông mà ý niệm về thần luận đã xâm nhập được vào trong triết học và hệ thống thuật ngữ. Trong công việc đó, bản sơ thảo hoàn hảo của ông đóng một vai trò trọng yếu, không chỉ vì sự định hướng thời gian của nó, nhưng còn do nội dung của nó nữa, trong đó một đàng Leibniz đã trích dẫn một phần lớn truyền thống, và vì thế qua ông lần đầu tiên nhiều cách thức luận chứng sơ lược được liên kết với nhau trong cùng một khuôn khổ tranh luận, còn trước kia và mãi cho tới lúc bấy giờ chỉ xảy ra riêng rẽ và rời rạc. Dựa trên cách thức trình bày tổng hợp này, tác phẩm “Die Theodizee“ (Thần luận) còn xác định cả những bản sơ thảo tiếp theo sau đó.

Nhà triết học vĩ đại người Đức: Gottfried Wilhelm von Leibniz

Ý niệm “Theodizee“ (Thần luận) mà Leibniz đã sáng tác ra, được chọn làm tựa đề cho tác phẩm của ông bàn về cuộc tranh luận triết học rộng rãi của “kỷ nguyên Thần luận“, tức thế kỷ XVIII. Ý niệm “Theodizee“ phát xuất từ sự phối hợp giữa danh từ Hy Lạp “theós“ (Thiên Chúa) và “díke“ (sự công bằng). Vậy, nguồn gốc từ “Theodizee“ đã cho chúng ta thấy rõ vấn đề được bàn đến ở đây là “Sự công bằng của Thiên Chúa“. Đúng vậy, đứng trước sự thể (một sự thể thoạt xem ra mâu thuẫn với sự công bằng cũng như lòng nhân hậu và sự toàn năng của Thiên Chúa) là trong thế giới này có sự dữ ngự trị, thì tất nhiên sự công bằng của Thiên Chúa đã chứng thực điều đó. Leibniz ước muốn thực hiện một “sự chứng thực của Thiên Chúa“ như thế, khi ông tìm cách “chứng minh“ tính khả chấp nhận rằng thế giới hiện tại cùng với (và mặc dù) sự bất toàn của nó là một thế giới hoàn hảo nhất trong tất cả các thế giới mà người ta có thể có được.

Thiên Chúa là Đấng ấn định sự hữu hạn của tạo vật

Những khảo luận – vốn được coi như một “văn tự được viết ra tùy theo hoàn cảnh“ – là kết quả của những cuộc nói chuyện và những thư từ trao đổi giữa triết gia Leibniz với hoàng hậu Sophie Charlotte của nước Phổ. Đối tượng và sự kiện chính của cuộc trao đổi nói chuyện ấy là cuốn tự điển của Pierre Bayle, một cuốn tự điển vừa có tính cách lịch sử, vừa có tính cách phê bình và còn kèm theo một số quan điểm phò thuyết chủ tín (fidéisme) Vâng, trong cuốn tự điển của ông, Bayle trình bày những luận thuyết cho rằng những chân lý mặc khải và những chân lý lãnh hội được nhờ vào sự soi sáng của lý trí hoàn toàn đối nghịch nhau. Trái ngược lại chủ trương phân biệt hoàn toàn giữa đức tin và lý trí của Pierre Bayle như thế, Leibniz lại bênh vực một cách đầy xác tín sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí. Và Leibniz cho mình hoàn toàn có lý trong một việc làm minh bạch như thế về lý trí con người, tương tự như thuyết Thần luận ngày nay trình bày. Bởi vì theo Leibniz, lý trí con người và lý trí Thiên Chúa chỉ khác nhau theo cấp độ, chứ không khác nhau trên nguyên tắc.

Trọng tâm câu giải đáp của Leibniz về vấn nạn chủ chốt thuộc Thần luận như sau: Thế giới hiện tại nơi chúng ta đang cư ngụ là một thế giới hoàn hảo nhất so với tất cả các thế giới khác mà người ta có thể có được, và những điều tiêu cực bất thiện hay sự dữ xảy ra trong đó hoàn toàn không do ý muốn của Thiên Chúa, nhưng Người chỉ cho phép xảy ra mà thôi. Như vậy, câu giải đáp được đặt cơ sở trên tư tưởng cho rằng Thiên Chúa không muốn sự dữ và sự bất toàn, nhưng Người phải để cho nó xảy ra, hầu để kiến tạo một thế giới hoàn hảo hơn trong tất cả các thế giới mà người ta có thể có được (một sự khẩn thiệt thuộc lãnh vực luân lý xảy ra tiếp liền theo đó), nghĩa là một thế giới được coi là sung túc giàu có và đồng thời đại đa số các tạo vật được qui hoạch có trật tự lớp lang.

Ở đây, Leibniz đưa vào trong kiểu nói tổng quát của chúng ta về ý nghĩa từ “sự dữ“ một sự sai biệt thông thường, một sự sai biệt đóng vai trò lưỡng diện: vừa là sự xác định về nội dung vừa là một sự giảm thiểu sự dữ, và như thế là một sự biện minh cho Thiên Chúa về sự dữ đó, tức thuyết Thần luận. Ba phạm trù thượng đẳng mà Leibniz sử dụng để phân định sự sai biệt sự dữ là:

1. sự dữ siêu hình học (malum metaphysicum).

2. sự dữ tự nhiên (malum naturale hay malum physicum),

3. sự dữ luân lý (malum morale).

Sự dữ tự nhiên bao gồm chính yếu sự dữ đã được luật pháp qui định và sự dữ luân lý là sự dữ do chính lỗi lầm và thái độ hành xử sai lạc của con người gây ra. Còn sự dữ siêu hình học – cơ sở cho sự dữ luân lý và sự dữ tự nhiên - đánh dấu tình trạng chưa được kiện toàn tự nhiên của công trình sáng tạo như chúng ta kiểm chứng được trong thiên nhiên. Đúng vậy, ngay từ khởi nguyên, Thiên Chúa không sáng tạo nên vũ trụ và các tạo vật một cách hoàn mỹ trong chi tiết, Người đã sáng tạo nên vũ trụ và mọi tạo vật nguyên sơ một cách tổng thể và phú vào chúng tuỳ theo từng loại, giống, nguyên tắc tự sinh trưởng, tự phát huy, tự thay đổi và tiến hóa cũng như tự thích ứng tùy theo hoàn cảnh và điều kiện môi trường hiện hữu của chúng.

Vì thế, người ta cho rằng, ngoài các luật lệ của luận lý ra, không ai phải gánh chịu trách nhiệm về sự dữ siêu hình học cả. Nói cách khác, Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, nên Người không thể sáng tạo ra một cái tuyệt đối thứ hai nữa; nếu không, sẽ nảy sinh ra một sự mâu thuẫn vô lý, là một vật đã được sáng tạo ra, chứ không tự hiện hữu, thì tất nhiên không thể gọi là tuyệt đối được. Nói cách khác, đã là tạo vật thì không thể tuyệt đối được, và so sánh với Đấng tuyệt đối, mọi tạo vật đều bất toàn và khiếm khuyết, cả trong tình trạng được coi là hoàn mỹ nhất của chúng.

Vậy, với luận chứng này thì tất cả những gì đã được sáng tạo nên đều mang trên mình sự bất toàn và sự giới hạn của một tạo vật và như thế điều đó đã biện minh cho Đấng Tạo Hóa (Thiên Chúa). Nói cách khác, Thiên Chúa không thể chịu trách nhiệm về sự bất toàn và khiếm khuyết của tạo vật, vì Người cũng phải tuân thủ những qui luật của luận lý: tức cái gì tự hữu, chứ không được tạo nên, thì tuyệt đối; còn cái gì không tự hữu nhưng được tạo dựng nên thì tương đối, khiếm khuyết và bất toàn

Tất cả những gì xảy đến trong tương lai, đều đã được ấn định

Cuộc động đất khủng khiếp xảy ra ở Lissabon, thủ đô nước Bồ Đào Nha, vào năm 1755 đã làm lay chuyển thế giới trí thức ở Âu Châu và cả sự lạc quan của thuyết Thần luận Leibniz. Các yếu nhân như Voltaire, SchopenhauerKant, v.v... đã dựa theo lý do của sự kiện đó để lần lượt lên tiếng chỉ trích thuyết Thần luận của Leibniz. Trong cuốn tiểu thuyết “Candide“ (Sự ngây thơ trong trắng) của ông, Voltaire đã phân tích cặn kẽ những luận đề của Leibniz một cách châm biếng trào phúng. Còn về phần Schopenhauer, trong tác phẩm chính của ông “Die Welt als Wille und Vorstellung“ (Thế giới trong ý muốn và sự tưởng tượng), ông đã trở lại với luận chứng cổ điển về sự thiếu hụt (“Privatio boni“) và định nghĩa: Sự dữ chỉ là sự thiếu đi hay sự tước đoạt điều thiện hảo, hay ngược lại: “Sự thiện hảo là khi không có sự dữ“. Ông chỉ trích luận đề của Leibniz “Một thế giới hoàn hảo nhất trong các thế giới mà người ta có thể có được“ và ông cho rằng người ta luôn có đầy đủ lý do để nhận định ngược lại luận đề của Leibniz khi nhận chân được rằng thế giới hiện tại là một thế giới xấu xa nhất trong các thế giới mà người ta có thể có được. Riêng Kant, ông chối bỏ Thần luận dưới hình thức học thuyết của Leibniz và biện hộ cho một thuyết Thần luận chính thức, trong đó kant cho rằng ông Gióp trong Kinh Thánh là một gương mẫu.

Đối mặt với sự phê bình và sự chối bỏ nhanh chóng cho rằng sự nổ lực của Leibniz trong quá khứ và trong tương lai phải bị loại bỏ, nhưng người ta cần phải quan tâm đến hai điểm sau:

1. Hành động tìm cách công chính hóa Thiên Chúa của Leibniz không muốn minh chứng “thế giới hiện tại là thế giới hoàn hảo nhất trong các thế giới mà người ta có thể có được“. Cũng thế, ông không muốn minh chứng một cách chi tiết sự khẩn thiết của từng sự dữ riêng rẽ. Thay vì đều đó, ông muốn trình bày sự khả chấp nhận sự giả thiết đó mà thôi và qua đó biện minh cho tính cách hợp lý của đức tin vào lòng nhân hậu và sự công bằng của Thiên Chúa.

2. Nơi Leibniz những suy tư đó được áp dụng vào thuyết Thần luận thực hành và chính thức. Đúng như ông đã viết: “tất cả những gì xảy đến trong tương lai đều chắc chắn đã được ấn định cả rồi, chứ không có gì phải nghi ngờ nữa. Nếu như chúng ta không biết được mọi sự đã được ấn định như thế nào hay những gì đã được dự phòng trước hoặc đã được quyết định rồi, bấy giờ chúng ta phải thi hành nhiệm vụ của mình dựa theo lý trí mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta và dựa theo những luật lệ mà Người đã khắc ghi tự nhiên vào trong lương tri của chúng ta. Nhờ thế tâm trí chúng ta sẽ được thanh thản và phó mặc sự thành công cho sự an bài của chính Thiên Chúa. Bởi vì Người không bao giờ bỏ qua mà không thực hiện những gì là thiện hảo cả, và không chỉ một cách tổng quát, nhưng một cách đặc biệt cho tất cả những ai biết thật lòng tin tưởng phó thác vào Người (...), và theo ngôn ngữ của chúng ta thì điều đó có nghĩa là phụng sự Người, nếu chúng ta tìm cách chu toàn thánh ý Người, đó là khi chúng ta biết cộng tác vào việc thực thi sự thiện hảo mà chúng ta biết được cũng như khả năng chúng ta chúng ta cho phép“(*).

Chú thích:

(*) Theodizee Erster Teil, § 58.

Sách tham khảo:

Gottfried Wilhelm Leibniz: Die Theodizee, 2 Bände. Suhrkamp Verlag. Frankfurt am Mainz 1996, 411 Seiten.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Đọc nhiều nhất Bản in 23.08.2008. 21:43