Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Có Buộc Phải Tin Những Cuộc Hiện Ra Không?

§ Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM

Nguồn: nguoitinhuu.com

Lâu lâu người ta lại thấy nơi này nơi kia dân chúng xôn xao về những điều lạ lùng, bí ẩn, kháo láo nhau về những điều được coi là phép lạ, chuyền tay nhau những “sứ điệp” gọi là những điều “mạc khải” cho vị nọ, vị kia ... Hiện tượng này không chỉ có trong Giáo hội Công giáo mà thôi, mà cả trong xã hội nói chung, song khi người ta là tín hữu Công giáo, có một đức tin được giảng dạy rõ ràng chính xác, thì người ta không được phép muốn tin gì cũng được. Giáo hội luôn luôn tỏ ra hết sức thận trọng ngay cả với những chuyện “hiện ra” và những sự ‘mạc khải” có thể là có thật, huống hồ là với những tin đồn và kháo láo ... Làm sao có một thái độ đúng đắn ở đây?

Về vấn đề này, tôi xin trình bày ý kiến có uy tín của cha R. Laurentin, một nhà thần học khá nổi tiếng ở Pháp, một chuyên viên về Thánh Mẫu Học, trong một bài viết năm 1967 nhưng vẫn hợp thời.

Cuộc du hành của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đến Fatima (1967) đã tạo nên những niềm phấn khởi song cũng gây ra những ngại ngùng. Người ta đặt câu hỏi: Cuộc du hành này phải chăng là một sự thừa nhận sự thật của các cuộc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima? Những cuộc hiện ra nói chung có phải là thành phần của đức tin Công Giáo hay không? Có buộc phải tin chúng không?

1. Thái độ của Giáo Hội đối với những mạc khải tư

Vấn đề cơ bản là xét xem thái độ của Giáo hội đối với các cuộc hiện ra mang tính chất nào. Tiếng nói có uy tín được mọi người nhìn nhận trong vấn đề này là của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV. Trong sách “Việc phong chân phước và phong thánh cho các tôi tớ Chúa" (De servorum Dei beatificatione et canonisatione) xuất bản trước khi ngài lên ngôi giáo hoàng nhưng về sau được tái bản nhiều lần (cuốn 2 chương 32, số 11; cuốn 3, chương 53, số 15), ngài viết:

“Cần biết rằng việc Giáo Hội phê chuẩn một sự mạc khải tư chỉ có nghĩa là, sau khi đã cẩn thận cứu xét, Giáo Hội cho phép được phổ biến nó nhằm giáo dục và mưu ích cho các tín hữu. Đối với những mạc khải như thế, dù đã được Giáo Hội chuẩn nhận, người ta vẫn không được phép, không thể thuận theo với đức tin Công giáo, người ta chỉ cần dựa vào sự khôn ngoan mà tán đồng với lòng tin tưởng tự nhiên nếu những mạc khải ấy có khả năng là đúng và đáng tin cho lòng đạo đức (pie credibiles). Do đó loại mạc khải tư này, người ta có thể không tán thành và không theo miễn là vẫn giữ lòng khiêm tốn thích hợp, khi có những lý do chính đáng và không có ý khinh dể”.

2. Hai loại mạc khải, hai cách TIN

Để hiểu rõ đoạn văn trích dẫn trên, phải biết rằng giáo lý Công giáo phân biệt hai loại mạc khải: chung và riêng (hoặc tư).

Mạc khải chungviệc Thiên Chúa bày tỏ sự khôn ngoan và ý muốn của Người cho nhân loại một cách siêu nhiên nghĩa là vượt trên sức tự nhiên của con người, để cứu rỗi họ. Ví dụ những gì Đức Giêsu Kitô dạy cho biết về Thiên Chúa yêu thương tạo thành và cứu độ con người, về ân sủng, về linh hồn bất tử và sự sống đời đời, v.v. Giáo Hội có bổn phận bảo tồn và giải thích mạc khải này. Nó chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh truyền.

Còn mạc khải riêng (tư)việc Thiên Chúa bày tỏ những chân lý còn được giữ bí mật cho một số cá nhân vì lợi ích thiêng liêng của họ hay của người khác.

Đối với mạc khải chung, người ta phải đón nhận với đức tin (siêu nhiên); đối với mạc khải tư, người ta có thể đón nhận với lòng tin tưởng (tự nhiên). Biết mà cố tình không chịu tin mạc khải chung thì không được cứu rỗi, biết mà không chịu tin những mạc khải tư cũng không hại gì. (Theo cuốn Pocket Catholic dictionary, của John A Hardon S.J, New York 1985).

Tóm lại, hai khái niệm cần phân biệt ở đây là : đức tin siêu nhiên (đối với mạc khải chung, mạc khải siêu nhiên) và lòng tin tưởng tự nhiên (tin theo sự khôn ngoan của con người có trí khôn, đối với những thứ gọi là mạc khải tư).

Lập trường trên đây đã được xác nhận bởi Thánh Bộ Nghi lễ trong thư trả lời đề ngày 6.2.1875 gửi cho Tổng Giám Mục Santiago ở Chilê.

“Tòa Thánh không phê chuẩn, cũng chẳng lên án các cuộc hiện ra hay mạc khải (tư). Tòa thánh chỉ cho phép, vì coi đó là có thể tin được một cách sốt sắng với lòng tin tưởng tự nhiên, căn cứ theo những dữ kiện và giá trị của các chứng cứ”.

Đức Giáo Hoàng Piô X trong thông điệp Pascendi (8.9.1907) cũng viết tương tự:

“Trong vấn đề này, Giáo Hội giữ thái độ khôn ngoan đến nỗi không cho phép người ta tường thuật lại các truyền thống này bằng tài liệu viết công khai trừ ra với rất nhiều thận trọng và sau khi đã trưng ra lời tuyên bố mà Đức Urbanô VIII đã bắt buộc. Dù vậy, ngay trong những trường hợp này, Giáo Hội cũng không đảm bảo cho sự thật của sự kiện (được kể lại). Đơn giản là Giáo Hội không cấm tin những điều tự nó không thiếu những lý do để tin với niềm tin tưởng tự nhiên”.

3. Có phải Giáo Hội hiện nay đã thay đổi thái độ?

Đúng là các Đức Giáo Hoàng thời nay đã dành nhiều lời khuyến khích đặc biệt liên quan tới việc Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và ở Fatima. Đối với Giáo hội La-tinh, sự kiện Lộ Đức còn là đối tượng cho một ngày lễ phụng vụ. Những lời khuyến khích ấy đã khiến cho một số thần học gia xem xét lại học thuyết đã được trình bày trên đây.

Cha Balic, chủ tịch các cuộc Đại hội quốc tế đã kêu gọi họ làm như thế, trước kỳ đại hội Lộ Đức năm 1985. Tuy nhiên ít người đáp lại lời kêu gọi này. Chỉ có hai diễn giả đề cập tới vấn đề. Từ những lời cổ vũ của họ, có thể rút ra hai điểm như sau: trong trường hợp Lộ Đức và một phần nào trong trường hợp Fatima, ta thấy có cái gì hơn là một sự cho phép, đó là một sự khuyến khích. Nhưng bản chất của những cuộc hiện ra và mạc khải tư vẫn không vì thế mà thay đổi.

4. Mạc khải chính thức đã chấm dứt

Quả vậy, các nguyên tắc căn bản vẫn tồn tại. Ngày nay sự Mạc Khải (chung) đã chấm dứt. Các mạc khải tư không thêm gì vào đó nữa. Chúng chỉ có chức năng là nhắc lại hoặc làm sống động lại một số khía cạnh của sứ điệp đã bị lu mờ trong trí khôn con người, hoặc tỏ ra đặc biệt hữu ích trong một thời đại hay một môi trường nào đó. Chẳng hạn, sự cần thiết sám hối và hoán cải, vốn là chủ đề căn bản của tất cả các cuộc Đức Mẹ hiện ra ở thế kỷ XIX và XX. Một lời nhắc nhở quan trọng (...)

5. Kết luận: Tôn giáo chân thật nằm trong đức tin chân thật

Cần phải giữ sự khôn ngoan cần thiết trước những sự kiện thường rất lộn xộn. Từ một chấn động do một sự liên lạc chân chính với thực tại siêu nhiên gây ra, lắm khi tất cả các mãnh lực tâm lý và tưởng tượng của những người nhìn thấy “thị kiến” và của những kẻ chung quanh bắt đầu hoạt động, vượt xa cái sứ điệp đã nhận được ban đầu. Công việc thanh lọc, phân định thật vô cùng khó khăn. Về mặt này, Lộ Đức là một trường hợp đặc biệt, vì sứ điệp do Thánh Bernadette nhận được bao gồm trong 12 câu hết sức ngắn và đơn sơ và trước sau vẫn không thay đổi. Thời gian không thêm gì khác vào đó. Thời gian chỉ mang tới cái dấu vết thông thường của nó, tức là làm cho người ta quên mất các chi tiết. Trái lại đối với Fatima, nội dung của sứ điệp nguyên thủy và những lời giải thích, những điều tiếp theo hay những mạc khải về sau thật rất khó phân biệt. Công việc này vẫn chưa được làm một cách khoa học khi cha Laurentin viết bài mà tôi đang giới thiệu đây (1967). Tuy nhiên đèn xanh đã bật cho cha J. Alonso, một tu sĩ Tây Ban Nha, dạy khoa Thánh Mẫu Học ở Rôma, để xuất bản toàn bộ tư liệu ...

Trong thực tế, cần nhắc lại đây hai chuẩn mực: chuẩn mực thứ nhất đã được Hồng Y Ottaviani nhắc lại cách mạnh mẽ trong một bài đăng trên báo Osservatore Romano (4.2.1951). Ngài viết: “Từ ít năm nay, chúng ta chứng kiến nơi quần chúng một sự say mê gia tăng đối với 'cái lạ lùng huyền bí'... Từng đoàn tín hữu kéo đến những nơi xảy ra cái gọi là những cuộc hiện ra hay những phép lạ và đồng thời họ lại bỏ vắng nhà thờ, sao nhãng các bí tích, các bài giảng ... Trong lúc quyền bính tôn giáo còn do dự thì dân chúng không chờ đợi nữa, họ xô nhau đến với chuyện 'lạ lùng' ... không được kiểm soát.

Chúng ta cần phải thành thực nói rằng những hiện tượng loại đó có thể là những biểu lộ của lòng sùng đạo tự nhiên. Nhưng đó vẫn không phải là những hành vi [mang tính tiêu biểu] Kitô giáo và chúng còn tạo ra một cái cớ dễ sợ cho những ngươi muốn--với bất cứ giá nào--tìm thấy trong đạo Kitô (nhất là trong đạo Công giáo) những tồn tại của mê tín dị đoan... Tôn giáo đích thực nằm trong đức tin đích thực...” [tôi nhấn mạnh].

Chuẩn mực thứ hai chính là điều mà Đức Bênêđictô XIV đã nêu lên. Chắc chắn rằng những ai dị ứng với những hiện tượng hiện ra này vẫn được hoàn toàn tự do lương tâm. Đây là một phạm vi “tùy ý” trong Kitô giáo. Song họ phải tôn trọng lương tâm kẻ khác, không được khiêu khích nó hay khinh dể nó. Điều đó là bắt buộc đặc biệt nơi nào quyền bính tối cao đã cho phép, hoặc khuyến khích các hình thức đạo đức này, như ở Lộ Đức và Fatima. Trong Giáo hội cũng như nơi khác, giới hạn của mọi tự do là sự tự do của kẻ khác, và là điều mà một đức ái đầy cảm thông gợi ý cho ta, bởi vì trong linh đạo Kitô giáo có “nhiều chỗ ở”.

(1999, sửa lại 8/2008)

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Tags · · · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.08.2008. 14:32