Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Văn bản, các bản sao chép, ngôn ngữ và kiểu hành văn của sách Diễm Ca

§ Linh Tiến Khải

Văn bản của sách Diễm Ca xem ra được duy trì khá tốt và trong một tình trạng có thể chấp nhận được, mặc dù việc sử dụng nó ban đầu như là văn bản đời của các cử hành đám cưới hay trong các bài ca của giới trẻ, rồi sau đó như văn bản thánh được kiên trì đọc trong hội đường do thái.

Tuy nhiên, cũng đã có một len lỏi nào đó của các chú thích và ghi chép bên lề, khó có thể loại bỏ vì căn tính đặc biệt của tác phẩm và loại từ ngữ suy tàn được các tác giả các bài ca tình yêu sử dụng. Vài vế của câu bị mất và khó có thể được dựng lại, mặc dù mọi cố gắng phục hồi. Trong số các văn bản tìm thấy tại Qumran liên quan tới sách Diễm Ca – có khoảng mươi văn bản bao gồm các hàng, chứ không trọn vẹn – người ta không tìm thấy các khác biệt đáng chú ý, nếu không phải chỉ là một kiểu đọc riêng và hai kiểu đọc khác gần với các bản văn Vulgata và Siriac. Trái lại có một đặc thái của hệ thống viết của Qumran đó là “cách đọc tràn đầy” thay cho “cách đọc thiếu sót” của văn bản Masoretic mà chúng ta có.

Từ các bản văn – bản văn cổ xưa nhất chắc chắn là bản văn tiếng Hy lạp LXX có từ thế kỷ thứ II trước công nguyên, nói chung nó chính xác, đôi khi hơi quá theo từng chữ, và trong điểm này nó giống văn bản tiếng hy lạp Aquila. Nó chứng minh cho thấy một khuynh hướng tìm hài hoà bằng cách bổ túc vài vế với các vế tương tự, hay có khi bổ túc cả câu và cả điệp khúc nữa. Từ ngữ của nó xem ra khá hay đẹp, đôi khi cũng đáng ghen tức bởi mọi dịch giả có khả năng nhất, vì sử dụng các từ thơ văn có thể đọc thấy nơi các nhà thơ hy lạp.

Văn bản tiếng Aramei của sách Targum là một chú giải biểu tượng hơn là một văn bản riêng đích thực. Văn bản Peshito tiếng Siriac quan trọng, vì xem ra nó đọc một văn bản do thái và có bên cạnh văn bản hy lạp. Trong khi văn bản Latinh Vulgata nói chung tốt, và thuộc loại hơi thượng lưu một chút là công trình của thánh Girolamo, dịch văn bản do thái bằng cách liên tục tra cứu các văn bản cổ xưa. Tuy nhiên, nó cho cảm giác của một sự vội vã nào đó, bởi vì nó đã được dịch chỉ nội trong vòng ba ngày, cùng với sách Châm Ngôn và sách Giảng Viên.

Việc duyệt xét ngôn ngữ của sách Diễm Ca không dễ dàng, vì tính cách từng mảnh của các bài ca của sách. Trong một vài mảnh bản văn xuôi chảy nhẹ nhàng, không ngập ngừng; vài văn bản khác trái lại rất khúc mắc khó hiểu, đặc biệt trong chương 8. Nhưng nói chung ngôn ngữ sách Diễm Ca cho thấy một loại suy yếu nào đó về hình thức và tính cách tinh tuyền. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ngôn ngữ của nó thuộc một thời đại tương đối sau này.

Ngoài các đặc thù ngôn ngữ của sách Diễm Ca còn có sự hiện diện của nhiều từ hiếm, không có ý nghĩa hiển nhiên, nhất là có rất nhiều từ “hapax legomena” nghĩa là chỉ được dùng một lần trong Thánh Kinh, nhất là liên quan tới các loại hoa, hương thơm và các vật dụng trang hoàng trong nhà, và đây đó có nhiều từ chắc chắn đến từ kiểu nói aramei. Sau sách Giảng Viên sách Diễm Ca là cuốn sách có nhiều kiểu nói aramei nhất, và các từ hiếm hiện diện trong đó được coi như các dấu chỉ chắc chắn của một thời đại sau này.

Liên quan tới kiểu hành văn hình thái văn chương đánh động nhất là việc đối thoại. Toàn sách Diễm Ca là một cuộc đối thoại liên tục giữa ba nhân vật chính: người phụ nữ được yêu thương, người nam yêu dấu và ca đoàn các thiếu nữ Giêrusalem luôn luôn hát về đề tài tình yêu, vẻ đẹp và ước muốn yêu thương. Nhưng nó là một cuộc đối thoại đặc biệt, bởi vì thật ra không ai trong ba nhân vật trả lời người khác, nhưng trái lại mỗi người độc thoại, và chờ người khác nói xong phần của họ. Trong một nghĩa nào đó, sách Diễm Ca có thể được so sánh với một bản kịch hát của nhạc sĩ Bach, một sáng tác bao gồm các đối thoại kể lể dài, được ngắt quãng bởi các khúc ca trữ tình và vài câu đối thoại.

Có một đặc thái nổi bật khác dễ nhận ra của sách Diễm Ca đó là việc hay dùng các so sánh. Tuy nhiên, xảy ra là hình ảnh đang dấy lên liên quan tới vài đặc tính của chủ thể vượt quá đặc tính đó, và hình ảnh hay việc so sánh tạo thành một bức tranh nhỏ của cuộc sống hay cái nhìn riêng rẽ và nói chung rất mơ hồ.

Có rất nhiều tên địa lý và tên nhân vật trong sách Diễm Ca: các lều của dân du mục Kedar, các sân của vua Salomon, các ngựa cái của Pharao, tháp vua Davít, các núi của Libăng, của Camelô, của Amanah, của Sanir, các hồ chứa nước của Heshbôn vv… cũng là các so sánh về vẻ đẹp hay tạo ra các môi trường của cuộc sống tuyệt diệu, cho một thế giới không thực. Người ta cũng nhận ra một tình yêu thương ngoại thường đối với hoa cỏ, hương thơm, kim loại quý, y phục tế nhị, việc nhìn ngắm các cảnh sắc tuyệt vời, các mùa trong năm, cách riêng là mùa xuân như trong các chương: 2,10-14; 4,12-16; 5,2-6; 7,12-14; đây là những miêu tả duy nhất vẻ đẹp của mùa xuân trong tiếng Do thái của Thánh Kinh Cựu Ước. Sách Diễm Ca cũng miêu tả các thú vật hoang dã hay cầm thú nuôi trong nhà, được gợi lên vì một ý nghĩa yêu thích chính xác đôi khi vuột thoát khỏi chúng ta.

Sách Diễm ca cũng thường dùng các từ ép vận (assonanze) giữa các vế, kể cả các vần. Nó là dấu chỉ của việc thích nghi vài phần của sách vào bài ca trong các đám cưới hay trong các cuộc tụ họp vui chơi của giới trẻ tại cổng thành phố hay làng mạc. Tuy có chứa đựng các yếu tố âm nhạc và được chỉ định như bài hát đặc biệt được hát trong các ngày lễ, nhưng trong hình thái hiện nay của nó sách Diễm Ca không phải là một tác phẩm dân gian, thô thiển, mà là một sưu tập các bài thơ nghệ thuật được sáng tác ở bàn giấy một cách rất trau chuốt, theo sở thích ý thức lý trí hoá đề tài tình yêu, phản ánh chính xác một môi trường đặc biệt và của một nền văn hoá tinh tế. Dù nó có thể được chỉ định để được hát thực sự, với việc đưa vào vài yếu tố thật là bình dân, như chương 5 câu 3, các ca viên không thể hiểu hết ý nghĩa sâu xa và hơi bí nhiệm của các lời, như đã xảy ra trong thời của rabbi Aqiba, là người đã lên án việc dùng sách Diễm Ca để ca hát trong các quán cóc và trong các quán trọ.

Liên quan tới kỹ thuật thơ văn của sách Diễm Ca vấn đề trở nên phức tạp hơn. Lý do là vì chúng ta có rất ít yếu tố chung quanh kết cấu của thơ phú do thái, và đặc biệt đối với sách Diễm Ca chúng ta không thể phân chia một cách chính xác các vế và các đoạn của các bài ca khác nhau. Chỉ có thể ghi nhận lược đồ xem ra chắc chắn nhất và chỉ liên quan tới hình thái kỹ thuật có thể gợi ý cho một nội dung đặc biệt của các tư tưởng và các tâm tình.

Còn có một vấn đề khác được đặt ra: đó là sự hiện hữu của các tác phẩm giống sách Diễm Ca nơi các dân tộc khác. Thật ra, phải công nhận thơ văn tình yêu của sách Diễm Ca giống thơ văn tình yêu Ai Cập, đặc biệt là thơ văn tình yêu Mesopotamia, tức của vùng Lưỡng Hà, và của các dân tộc sống chung quanh dân Israel như người A rập và Phênêxi vv. Chỉ cần xem các tác giả sách Diễm Ca nói về thiên nhiên: hoa lá cây cỏ, cây nho, cảnh trí, vẻ đẹp của các thành thị kiểu mẫu; các thú vật như chim bồ câu, chồn, huơu nai, dê con, sư tử, báo; các loại dầu thơm mà chúng ta có một danh sách đầy đủ; việc miêu tả mùa xuân đẹp như thế nào, như là mùa thích hợp với tình yêu, và đây là trang duy nhất trong toàn nền văn chương kinh thánh. Đây là các lý do và các đề tài bình thường của thơ văn tình yêu và nói chung của hội họa và điêu khắc Ai Cập.

Thêm vào đó là việc dùng các từ có thể gọi là “kỹ thuật” của thơ văn và phong tục tập quán của cuộc sống Ai Cập, trong sách Diễm Ca; một sự nhậy cảm hay tình dục, một sự rạng rỡ đầy ánh sáng mặt trời và cả sự buồn sầu của ánh sáng lớn, tiêng hát vô tội của niềm vui của giác quan, và sự lôi cuốn lẫn nhau của thân xác của một thiếu nữ và một thanh niên, đều nhắc nhớ thơ văn Ai Cập.

Chắc chắn đây không phải là các văn bản đơn sơ, nhưng là các tương tự giữa hai nền văn chương dẫn chúng ta tới kết luận rằng chắc hẳn người thanh niên Israel đã không ngần ngại thi đua với Ai Cập liên quan tới cả thơ văn lịch lãm nữa, cũng như nền văn chương khôn ngoan đã làm. Bên Ai Cập cổ xưa đã có các sưu tập đặc biệt như sưu tập trong tài liệu Papiro Harris 500, được lưu giữ tại viện bảo tàng Anh quốc bên Luân Đôn, thuộc triều đại 19 tức giữa các năm 1350-1200 trước công nguyên, trong Papiro của viện bảo tảng Torino bắc Italia, mới hơn một chút, và trong các mảnh vại của viện bảo tảng Cairo bên Ai Cập và nhất là trong Papiro Chesty Beatty tựa đề: “Các bài ca của niềm vui lớn của con tim”.

Vấn đề tương tự và song song với các bài ca tình yêu vùng Mesopotamia trái lại phức tạp hơn, bởi vì nó giả thiết một việc chú giải đặc biệt và thường khi không theo luật lệ nào. Nói chung các thánh thi tình yêu mesopotami đặc biệt liên quan tới việc tôn thờ thần Tammuz, là thần phong phú và thần tình yêu, được cử hành đặc biệt trong vùng Phênixia vào mùa xuân và mùa thu với các nghi lễ đau đớn hay với việc vui chơi nhục dục buông thả, theo việc kỷ niệm cái chết hay sự sống lại.

Đề nghị một song song tương tự sẽ có nghĩa là giải thích sách Diễm Ca như là một sưu tập các bài ca không phải là cá nhân giữa một người nam và người nữ, nhưng chỉ đơn sơ là các bài ca phụng tự, gợi nhớ sự phong phú của đất đai và của con người trong các lễ hội của Israel của mùa xuân và muà thu, nhưng vẫn chưa được chứng minh. Đương nhiên điều này không muốn loại trừ rằng có vài từ, vài câu của các bài ca đó không được đưa vào trong sách, nhưng có thể được đòi hỏi bởi đề tài chung về tình yêu hay của văn thể của các văn bản song song.

Việc nghiên cứu các song song giữa các bài ca tình yêu của sách Diễm Ca và các bài ca tình yêu của thế giới A rập cổ và hiện đại.

Khi đọc các bài ca tình yêu không thể chối cãi rằng có vài tương tự với sách Diễm Ca, vì sự bất thường của chính các bài ca, vì tình yêu đối với thiên nhiên, thú vật hay được dùng để so sánh với người yêu, vì văn thể kỷ niệm tình yêu đã xa xôi rồi và được nhớ nhung nhắc lại, vì sự dễ dàng được chuyển tải vào trong môi trường lý tưởng của loại ngụ ý và biểu tượng.

Khi đọc sách Diễm Ca một cách sâu xa và kiên trì hơn, chúng ta có thể đi đến hai kết luận quan trọng sau đây. Thứ nhất, sách Diễm Ca đâm rễ sâu trong nền văn chương của các sách được linh hứng của Thánh Kinh Cựu Ước hơn người ta tưởng, đặc biệt là của sách Đệ Nhị Luật, sách của các ngôn sứ Hosea, Giêrêmia, Isaia III và của vài Thánh Vịnh ( Tv 45, 19, 119). Thứ hai là mặc dù các song song kinh thánh và ngoài kinh thánh không thể phủ nhận, vì đề tài chung của thơ văn và bài ca, sách Diễm Ca có cá tính và sự độc đáo riêng trong việc khai triển đề tài, vì thể thơ văn, vì các ý hướng viết cho ai và nhất là vì thái độ của nó được đọc một cách khác nhau. Và đề tài nguyên thuỷ của tình yêu giữa một người nam và một người nữ đã có thể mang gánh nặng và ý nghĩa của tình yêu của Thiên Chúa đối với một dân tộc, đối với nhân loại và chính tác phẩm từ một sưu tập đã trở thành một cuốn sách nhỏ rộng mở cho mọi người.

DC 12

Linh Tiến Khải

Đọc nhiều nhất Bản in 28.05.2018 17:21