Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tìm kiếm Thiên Chúa là nền tảng của mọi nền văn hóa

§ Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến 9000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ hàng tuần với ngài trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 17-9-2008. Trong số các đoàn hành hương cũng có một nhóm 50 tín hữu Việt Nam thuộc tổng giáo phận Los Angeles Hoa Kỳ, do cha Phạm Trọng Phúc hướng dẫn.

Như qúy vị và các bạn đã biết, Đức Thánh Cha mới công du nước Pháp về hôm thứ hai 15-9-2008 nhân dịp mừng kỷ niệm 150 Đức Mẹ hện ra tại Lộ Đức, nên trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 17-9-2008 ngài đã chia sẻ một số cảm tưởng và kinh nghiệm với tín hữu. Đức Thánh Cha nói:

Cuộc viếng thăm đã bắt đầu tại Paris nơi tôi đã gặp gỡ trong tinh thần toàn dân Pháp và bầy tỏ lòng ngưỡng mộ đối với quốc gia yêu dấu này, trong đó ngay từ thế kỷ thứ II Giáo Hội đã nắm giữ vai trò nền tảng trong việc văn minh hóa xã hội. Chính trong bối cảnh này đã chín mùi sự cần thiết phải phân biệt giữa lãnh vực chính trị và lãnh vực tôn giáo theo câu nói thời danh của Chúa Giêsu: ”Hãy trả cho Cesar những gì thuộc về Cesar, và hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mc 12,17). Nếu trên các đồng tiền roma có in hình Cesar và vì thế chúng thuộc về Cesar, thì trong trái tim con người có dấu ấn của Đấng Tạo Hóa, là Chúa duy nhất của cuộc sống chúng ta. Vì thế tính cách đời thực sự không tách rời khỏi chiều kích tinh thần, mà thừa nhận rằng chính nó bảo đảm một cách triệt để cho sự tự do của chúng ta và sự độc lập của các thực tại trần thế, nhờ các giáo huấn của sự Khôn Ngoan tạo dựng, mà lương tâm con người biết tiếp đón và thực thi.

Trong viễn tượng đó suy tư rộng rãi về đề tài ”Các nguồn gốc của nền thần học tây phương và các gốc rễ của nền văn hóa âu châu” mà tôi đã khai triển trong cuộc gặp gỡ thế giới văn hóa, trong một nơi được lựa chọn vì giá trị biểu tượng của nó. Đó là Collège des Bernardins, mà Đức cố Hồng Y Jean Marie Lustiger đã muốn biến thành trung tâm đối thoại văn hóa. Đây là một ngôi nhà do các tu sĩ Xitô xây hồi thế kỷ XII làm trường học cho giới trẻ. Do đó chính sự hiện diện của nền thần học viện tu làm phát sinh ra nền văn hóa tây phương của chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Điểm khởi hành trong diễn văn của tôi là một suy tư về phong trào viện tu có mục đích kiếm tìm Thiên Chúa. Trong thời kỳ khủng hoảng nặng nề của nền văn minh cổ, các đan sĩ được lòng tin hướng dẫn đã lựa chọn con đường chính: con đường lắng nghe Lời Chúa. Vì thế các vị là những người nghiên cứu Kinh Thánh sâu xa, và các đan viện đã trở thành các trường dậy khôn ngoan và đào tạo các người phục vụ Chúa, như thánh Bênađô đã nói. Tự bản chất của nó việc tìm kiếm Thiên Chúa dẫn đưa các đan sĩ tới một nền văn hóa của lời nói. Các vị tìm kiếm Thiên Chúa theo Lời của Người, và vì thế ngày càng phải hiểu biết Lời đó sâu xa hơn. Cần phải bước sâu vào trong bí mật của ngôn ngữ, và hiểu nó trong cấu trúc của nó. Để tìm kiếm Thiên Chúa được mặc khải cho chúng ta trong Kinh Thánh, các khoa học đời giúp đào sâu các bí mật của ngôn ngữ trở thành quan trọng. Kết qủa là tại các đan viện người ta phát triển sự hiểu biết sâu rộng cho phép văn hóa thành hình. Chính vì thế tìm kiếm Thiên Chúa, lên đường tiến đến với Thiên Chúa, ngày hôm nay cũng như hôm qua, là con đường chính và là nền tảng của mọi nền văn hóa.

Việc tìm kiếm Thiên Chúa cũng được diễn tả ra trong nghệ thuật kiến trúc. Và chắc chắn nhà thờ Đức Bà Paris là một thí dụ của giá trị đại đồng này. Chính trong nhà thờ này tôi đã vui sướng chủ sự buổi hát kinh chiều kính Đức Trinh Nữ Maria và khích lệ các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và chủng sinh đến từ khắp nơi trong nước Pháp, dành chỗ ưu tiên cho việc lắng nghe Lời Chúa, hướng nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria như mẫu gương cao cả nhất. Trước thềm đền thờ Đức Bà tôi đã ngỏ lời chào các bạn trẻ đông đảo hăng say tề tựu về đây để tham dư buổi canh thức dài. Tôi đã trao cho họ hai kho tàng của lòng tin Kitô: đó là Chúa Thánh Thần và Thánh Giá. Chúa Thánh Thần rộng mở trí thông minh của con người cho các chân trời vượt cao hơn nó và làm cho nó hiểu vẻ đẹp và sự thật tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải nơi Thập Giá. Một tình yêu, mà không có gì có thể tách rời khỏi chúng ta và được kinh nghiệm hằng ngày, khi chúng ta noi gương Chúa trao ban sự sống của chính mình. Thế rồi tôi cũng ghé thăm Học Viện Pháp, là trụ sở của 5 Hàn Lâm Viện quốc gia, vì tôi cũng là thành viên của một trong các Hàn Lâm Viện này. Tôi đã sung sướng gặp gỡ các thành viên khác tại đây. Chuyến viếng thăm Paris đạt cao điểm với thánh lễ cử hành tại khu đất trống trước Điện Les Invalides. Lặp lại các lời thánh Phaolô nói với tín hữu Corintô tôi đã kêu gọi tín hữu Paris và toàn nước Pháp kiếm tìm Thiên Chúa hằng sống, là Đấng đã tỏ lộ gương mặt đích thật của Người nơi Đức Giêsu, hiện diện trong bí tích Thánh Thể bằng cách thúc đẩy chúng ta yêu thương các anh chị em khác như Người đã yêu thương chúng ta.

Tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm của chuyến viếng thăm mục vụ Pháp tuần vừa qua Đức Thánh Cha nói: Sau đó tôi đã đi Lộ Đức và đã chứng kiến cảnh hàng ngàn tín hữu đến hành hương theo ”Lộ trình Năm Thánh” qua các nơi ghi dấu cuộc đời thánh nữ Bernadette: nhà thờ giáo xứ với giếng nơi chị đã được rửa tội; nhà tù nơi chị đã sống trong cảnh khó nghèo; hang đá Massabielle nơi Đức Trinh Nữ đã hiện ra với chị 18 lần. Ban chiều tôi đã tham dự buổi rước đuốc truyền thống, diễn tả niềm tin nơi Thiên Chúa và lòng sùng kính Mẹ chúng ta. Lộ Đức thật là một nơi của ánh sáng, lời cầu nguyện, niềm hy vọng và hoán cải, dựa trên đá tảng tình yêu của Thiên Chúa, được mặc khải tột đỉnh nơi Thập Giá vinh quang của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Bởi một sự trùng hợp hạnh phúc Chúa Nhật vừa qua phụng vụ kính lễ Suy tôn Thánh Giá, dấu chỉ tuyệt diệu của niềm hy vọng, vì là chứng tá cao cả nhất của tình yêu. Tại Lộ Đức theo trường của Mẹ Maria, là môn đệ đầu tiên và toàn vẹn nhất của Đấng Chịu Đóng Đanh, tín hữu hành hương học lượng định các thập giá trong cuộc sống của mình dưới ánh sáng Thập Giá vinh quang của Chúa Kitô. Khi hiện ra với Bernadette tại hang đá Massabielle, cử chỉ đầu tiên của Đức Mẹ là thinh lặng làm Dấu Thánh Giá mà không nói. Và Bernadette cũng bắt đầu làm Dấu Thánh Giá với bàn tay run rẩy. Như thế Đức Mẹ đã đưa ra yếu tố khai mào cho nòng cốt của Kitô giáo: Dấu Thánh Giá là tuyệt đỉnh lòng tin của chúng ta. Khi làm dấu thánh giá với con tim chú ý, chúng ta bước vào mầu nhiệm ơn cứu độ. Trong cử chỉ đó của Đức Mẹ có tất cả sứ điệp của Lộ đức! Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến độ trao ban chính Người cho chúng ta. Đó là sứ điệp của Thập Giá ”mầu nhiệm cái chết và vinh quang của Người”. Thập Giá nhắc cho chúng ta biết rằng không có tình yêu đích thật nào mà không có đau khổ, không có ơn sự sống nếu không có khổ đau. Tại Lộ Đức nhiều người học biết được sự thật này. Lộ Đức là trường học của lòng tin và niềm hy vọng, đồng thời cũng là trường học của tình bác ái và phục vụ các anh chi em khác. Chính trong bối cảnh đó mà tôi đã gặp Hội Đồng Giám Mục Pháp. Đó đã là một lúc hiệp thông tinh thần sâu xa, trong đó chúng tôi đã cùng nhau phó thác cho Đức Trinh Nữ các chờ mong và các âu lo mục vụ của Giáo Hội Pháp.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: Chặng tiếp theo là buổi kiệu Thánh Thể với hàng ngàn tín hữu, trong đó có rất nhiều người bệnh. Trước Thánh Thể Rất Thánh, sự hiệp thông tinh thần của chúng ta với Mẹ Maria lại càng sâu đậm hơn, vì Mẹ ban cho con tim và đôi mắt của chúng ta có khả năng chiêm ngưỡng Con Thiên Chúa trong Thánh Thể. Sự thinh lặng của hàng ngàn tín hữu trước sự hiện diện Chúa thật là cảm động: một sự thinh lặng không trống rỗng, nhưng tràn đầy lời cầu và ý thức được sự hiện diện của Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta cho đến chết trên thập giá vì chúng ta. Thứ hai 15 tháng 9 lễ nhớ Đức Mẹ Sầu Bi, đã được đặc biệt dành cho các anh chị em đau yếu bệnh tật. Sau khi thăm nhà nguyện của nhà thương, nơi Bernadette chịu lễ lần đầu, tôi đã chủ sự thánh Lẽ trước thềm đền thánh, trong đó có lễ nghi xức dầu cho các bệnh nhân. Cùng với họ và các anh chị em trợ giúp họ tôi đã muốn suy niệm về các giọt nước mắt Mẹ Maria đã đổ ra dưới chân Thập Giá và về nụ cười chiếu tỏa sáng ngày Phục Sinh.

Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người cùng ngài cảm tạ Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã ban trong chuyến công du nước Pháp vừa qua, một cách đặc biệt vì khi hiện ra với chị Bernadette Đức Mẹ đã mở ra cho thế giới một khoảng không gian đặc sủng để gặp gỡ tình yêu chữa lành và cứu rỗi của Chúa. Tại Lộ Đức Đức Mẹ mời gọi mọi người coi trái đất như nơi hành hương hướng về quê hương vĩnh cửu là Nước Trời. Thật vậy chúng ta tất cả là khách lữ hành, chúng ta cần Mẹ hướng dẫn chúng ta. Và tại Lộ Đức nụ cười của Mẹ mời gọi chúng ta tiến tới với niềm tin cậy lớn lao, trong ý thức Thiên Chúa tốt lành, Thiên Chúa là tình yêu.

Trước đó Đức Thánh Cha đã không quên cám ơn các giới chức đạo đời và tất cả những ai góp phần cộng tác để chuyến viếng thăm nước Pháp diễn ra tốt đẹp. Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khac nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đọc nhiều nhất Bản in 17.09.2008. 08:58