Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh vịnh 90,3-17

§ Linh Tiến Khải

Trong hình thái thánh vịnh 90 là một lời than van công cộng trình bầy là điều kiện bấp bênh khốn khó của mọi kiếp người nói chung. Tuy có nhiều lý do để than van con người cựu ước ý thức được sự bất an trong cuộc sống của nó, và không cảm thấy bị hư mất. Nó tìm thấy các lý do có giá trị giúp hy vọng và có được niềm an ủi nơi sự toàn thiện của Thiên Chúa và sự sẵn sàng tha thứ của Ngài. Niềm tin của nó bảo đảm rằng nhờ ơn thánh Chúa sự nhục nhã có thể biến thành chiến thắng, buồn khổ có thể biến thành niềm vui. Việc gán thánh vịnh cho ông Môshê như viết trong tựa đề có lẽ đã được gợi ý bởi vài yếu tố của sách Sáng Thế, các chươg 1-3, hay sách Đệ Nhị Luật, các chương 32-33, hiện diện trong thánh vịnh. Tuy nhiên thời gian sáng tác chắc hẳn thuộc thời hậu lưu đầy.

Văn thể là lời than van công cộng với việc sử dụng các đề tài thánh thi và khôn ngoan. Thánh vịnh gồm phần dẫn nhập, các câu 1-2; lời than van trình bầy trường hợp, các câu 3-12; lời cầu, các câu 13-15; và phần kết luận, các câu 16-17.

Các câu 3-12 là phần đầu của thánh vịnh 90 trình bầy trường hợp của tác giả, dưới hình thức của một suy niệm khổ đau nhưng không tuyệt vọng liên quan tới sự hư nát của cuộc sống con người, nhưng nhất là lý do của nó, nghĩa là tội lỗi của nó khiến cho Thiên Chúa thịnh nộ. Cả tín hữu Israel đến trình diện với Thiên Chúa của mình cũng mang các dấu vết không thể nhầm lẫn được của tiến trình héo tàn không thể tránh được và của con đường dẫn đến chỗ tàn lụi, giống như mọi con người tội lỗi phải chết. Nhưng ở đây tín hữu có một phương dược khác: ông có thể hướng tới Chúa, là Đấng ban cho ông sự khôn ngoan sẽ mở tâm trí ông cho việc hiểu biết lý do bí ẩn của các sự dữ phải chịu, là sự thịnh nộ của Thiên Chúa, và mở tâm trí ông cho con đường phải theo để có được sự trợ giúp của Ngài là một lòng thống hối trao ban ơn cứu rỗi.

“Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: "Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi! " Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi! Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn. Ngài thịnh nộ, chúng con phải mạng vong, nổi trận lôi đình: thấy mà khủng khiếp! Tội chúng con, Chúa bày ra trước mặt Ngài, lỗi thầm kín, Thánh Nhan đều soi tỏ. Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua: một tiếng thở dài. Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi. Cơn giận Ngài, ai lường được sức mạnh, trận lôi đình, ai hiểu thấu căn nguyên? Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.”

“Chúa khiến con người trở về đất bụi”: kiểu nói này nêu bật cái trái ngược với sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, và của giá trị gấp ngàn lần ngày của Thiên Chúa đối với ngày của con người. Tác giả gợi lại lời phán xử Thiên Chúa đã đưa ra cho nhân loại sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội bất tuân lệnh Chúa như viết trong chương 3 sách Sáng Thế: “Với con người, Chúa phán: "Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: "Ngươi đừng ăn nó", nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3,17-19). Qua đó con người kinh thánh thừa nhận sự giòn mỏng mau qua bẩm sinh của con người, và sự khác biệt nòng cốt giữa bản tính con người phải chết và bản tính bất tử của Thiên Chúa và sự kiện thê thảm con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, lại đã đánh mất đi sự bất tử của mình, vì tội lỗi đã phạm. Số phận là bụi đất của con người cũng được ông Abraham hoàn toàn ý thức khi ông thưa chuyện với Thiên Chúa và mặc cả với Ngài để cứu dân thành Sodoma và Gomora: “Ông Áp-ra-ham lại nói: "Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa” (St 18,27). Ông Gióp thì than với Chúa: “Người quăng tôi vào đống bùn nhơ, khiến tôi trở nên như tro như bụi.” (G 30,19).

“Phải, dưới mắt Chúa ngàn năm như thể ngày hôm qua đã qua đi, hay một canh ban đêm”: Thời gian của Thiên Chúa không giống thời gian của con người đó cũng là điều được khẳng định trong thánh vịnh 84: “Một ngày tại khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày. Thà con ở cổng đền Thiên Chúa vẫn còn hơn sống trong trại ác nhân!” (Tv 84,11). Tác giả thư thứ II thánh Phêrô cũng khẳng định: “Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2 Pr 3,8).

“Như cỏ đồng trổi mọc ban mai”: là hình ảnh diễn tả rất sống động sự mỏng manh mau qua của kiếp người, rất thường được nói tới trong các thánh vịnh. Chẳng hạn tác giả thánh vịnh 102 khẳng định: “Ngày tháng đời con: chiều tà bóng ngả, tấm thân này: cỏ úa vàng khô.” (Tv 102,12). Còn tác giả thánh vịnh 103 thì nói: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103,15-16).

“Vâng chúng con bị tàn phá bởi cơn thịnh nộ của Ngài”: ở đây chúng ta tìm lại được tư tưởng nền tảng của toàn tôn giáo cựu uớc đó là lý do của mọi sự dữ mà toàn nhân loại, cũng như Israel quốc gia được tuyển chọn và các cá nhân phải gánh chịu, phải được tìm trong cơn thịnh nộ trừng phạt của Thiên Chúa chống lại các tội lỗi rõ ràng cũng như kín ẩn. Tuy nhiên, cần ghi nhận một điều đó là khi tín hữu cựu ước nhấn mạnh trên tương quan giữa lý do mà ông thấy giữa các khốn khó ông phải chịu và cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, ông không làm thế vì một quan niệm lệch lạc về Thiên Chúa, làm như thể ông vui thích giới thiệu Thiên Chúa tàn ác đối với con người tội lỗi. Trái lại, ông nhắc tới tương quan đó chỉ vì biết rằng chỉ khi khiêm tốn thừa nhận lỗi lầm của mình, ông mới có thể kêu lên lòng lành vô biên của Chúa mình, và như vậy tin tưởng nơi sự can thiệp giải thoát của Ngài.

“Các năm của con kết thúc như một hơi thở”: đó cũng là nhận xét của tác giả thánh vịnh 39:” Chúa trị tội nhằm sửa dạy con người, điều họ tha thiết, Ngài làm tiêu tan như mối đục, thật con người chỉ như hơi thở.” (Tv 39,12).

“Các năm đời chúng con” dịch sát chữ là “các ngày của các năm của chúng con”. Có một văn bản Ai cập viết rằng: “60 năm là lộ trình cuộc sống thần Thot đã xác định cho người đạo đức”. Ở đây tác giả cho cuộc đời những người khỏe mạnh nhất kéo dài 70, 80 năm, nhưng chỉ toàn là gian lao khốn khổ. Tổ phụ Giacóp cha của quan Giuse trả lời Pharao Ai Cập: “"Cuộc đời phiêu bạt của tôi mới được một trăm ba mươi năm, đó là những năm tháng ngắn ngủi và khổ cực, không được như cuộc đời của cha ông tôi, những người cũng sống phiêu bạt”, như kể trong chương 47 sách Sáng Thế.

Sức mạnh cơn giận của Thiên Chúa, lý do sự lôi đình của Ngài con người ai mà nhận ra được? Vì vậy trên bình diện đức tin và việc thực hành tôn giáo biết nhận ra và thừa nhận bàn tay đánh phạt của Thiên Chúa là một bí mật mà đa số con người không thể hiểu. Do đó, việc đánh giá đúng đắn mọi sự, đặc biệt là các khía cạnh tiêu cực của cuộc sống là môt ơn cần phải nài xin Thiên Chúa ban cho. Qua đó tâm trí con người sẽ đạt được sự khôn ngoan. Chỉ có sự khôn ngoan mới có thể giúp con người trong điều kiện cam go và buồn thảm cuả nó.

Các câu 13-16 của thánh vịnh 90 là lời than van của cộng đoàn cầu nguyện, nài xin Thiên Chúa xót thương làm một phép lạ xoá bỏ quá khứ cũng như hiện tại đầy hổ nhục của họ, và thay thế vào đó bằng một tương lai tràn đầy các ân huệ của Ngài.

“Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.” Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca. Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu.” “Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa được thấy công trình Ngài thực hiện, và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài.”

“Từ buổi sáng xin cho chúng con được no say tình Chúa:” Ban sáng là thời gian đặc biệt thuận tiện để Thiên Chúa chấp nhận lời cầu của tín hữu, như viết trong thánh vịnh 5: “Lạy Đức Vua là Thiên Chúa con thờ, xin Ngài nghe tiếng con đang cầu cứu. Vâng, lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con van vỉ, ngay từ sớm, Ngài đã nghe tiếng con. Ngay từ sớm, con tỏ bày ước nguyện, rồi chăm chú đợi trông.” (Tv 5,3-4). Hay như trong thánh vịnh 59: “Lạy Chúa, sức mạnh Ngài, con xin mừng hát, tình thương Ngài, sớm sớm nguyện tung hô, bởi con được Chúa nên đồn nên luỹ, chốn con nương mình trong buổi gian truân.” (Tv 59,17). Ở đây chúng ta có sự chắc chắn được nhận lời và lời hứa tạ ơn: việc tạ ơn sẽ đi theo những người được ân huệ suốt cuộc đời họ, như viết trong thánh vịnh 79:” Phần chúng con là dân của Ngài, đoàn chiên Ngài chăn dắt, chúng con sẽ tạ ơn Ngài mãi mãi và dâng lời ca tụng đến muôn thuở muôn đời.” (Tv 79,13)

“Bù cho những ngày Ngài đã khiến chúng con khổ sầu”. Ngôn sứ Isaia an ủi dân Israel như sau: “Anh em đã lãnh gấp đôi phần tủi nhục đã chuốc vào thân sự nhục nhằn phỉ báng; bù vào đó, anh em sẽ được lãnh gấp đôi phần gia nghiệp trên đất chúng, và sẽ được niềm vui vĩnh cửu.” (Is 61,7)

Câu 17 kết thúc thánh vịnh 90 xin Thiên Chúa cho dân được tuyển chọn thấy trong tương lai tất cả lòng nhân hậu của Ngài bằng cách nâng đỡ họ trong mọi việc làm.

“Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.”

Đây cũng là tâm tình của tác giả thánh vịnh 89: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.” (Tv 89,2)

Linh Tiến Khải

Đọc nhiều nhất Bản in 24.08.2017 11:38