Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Sống Năm Linh Mục: chia sẻ sứ vụ và hiệp nhất với Giám mục

§ Lm GB Nguyễn Thêm, SDB

THÁCH ĐỐ CỦA LINH MỤC: SỐNG TINH THẦN NĂM THÁNH LINH MỤC

Năm Linh mục sẽ kết thúc vào ngày 11-06-2010. Là Linh mục, tôi đã cố gắng sống Năm Linh mục này để đáp lại mong muốn của Đức Thánh Cha khi thành lập Năm Linh Mục nhân dịp Kỷ niệm 150 Năm Qua đời của Thánh Gioan Maria Vianney: Sự trọn lành thiêng liêng.

Qua những khó khăn đang xẩy ra trong Giáo hội tại Việt Nam, tôi xin mạo muội chia sẻ những cảm nghĩ và nhận định của mình về ơn gọi và sứ mạng của Linh mục.

Linh mục là người thuộc về Chúa Giêsu

Trước hết, tôi phải ý thức mình là người của Chúa Giêsu, vì chính Chúa Giêsu đã gọi tôi, cho tôi được tham dự vào Chức Linh mục của Ngài. Theo Thánh Augustinô, là linh mục, tôi phải trở nên dụng cụ và trung gian của Chúa Giêsu: miệng lưỡi tôi phải trở nên miệng lưỡi của Chúa Giêsu; chân tay tôi phải trở nên chân tay của Chúa Giêsu; nhất là trái tim của tôi phải trở nên trái tim của Chúa Giêsu, để tôi có thể yêu thương như Chúa Giêsu. Hay nói theo Thánh Phaolô, không phải tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi; đối với tôi, sống là chính Chúa Kitô; nói cách khác, tôi phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu; tôi phải trở nên hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giêsu; tôi phải hạ mình xuống và khiêm nhường phục vụ như Chúa Giêsu; tôi phải hy sinh mạng sống mình như Chúa Giêsu. Chính vì thế, đứng trước câu nói: Linh mục là “Alter Christus”, thường được dịch là “Một Kitô khác”, tôi không thích cách dịch đó, mặc dù từ ngữ thì chính xác, nhưng dễ bị hiểu lầm là “Khác Chúa Kitô” (alius ac Christo) và tệ hơn, là “Phản Kitô”. Do đó tôi thích lời minh định: Linh mục là hiện thân của Chúa Kitô (in persona Christi), phải có những suy nghĩ, lời nói, tâm tình và hành động như Chúa Kitô.

Linh mục là người của Giáo hội

Tiếp đến, tôi phải ý thức mình là người của Giáo Hội, nghĩa là ý thức mình thuộc về Giáo Hội, yêu mến Giáo Hội, tích cực góp phần của mình vào việc xây dựng, bênh vực và bảo vệ Giáo Hội.

Khi được truyền chức Linh mục, tôi được trở nên “cộng sự viên” của Hàng Giám mục. Do đó theo Nghi thức, cho dù là Tu sĩ thuộc Dòng Giáo Hoàng và Miễn Trừ, tôi đã hứa kính trọng và vâng phục Giám mục Giáo phận và Bề trên hợp pháp của tôi. Nhưng không chỉ theo Nghi thức (hứa để mà hứa), tôi đã tự lòng mình hứa như thế, thì giờ đây tôi phải sống đúng điều mình đã hứa, để giữa lời hứa và thực tại không có khoảng cách, không có “phản chứng”.

Theo Luật Dòng, các Tu sĩ Salêdiêng Don Bosco “hoàn toàn hiến mình phục vụ sứ mệnh Hội Thánh, … góp phần xây dựng Hội Thánh là Thân mình Đức Kitô, … để Hội Thánh được tỏ ra cho thế giới như “Bí tích phổ quát của ơn cứu độ”, … sống hiệp thông và cộng tác với các Giám mục, Hàng Giáo sĩ, các Tu sĩ và Giáo dân, … như Thánh Lập Dòng khuyên dạy: “Vì Hội Thánh và Đức Thánh Cha, dù gian khổ đến mấy cũng kể bằng không” (HL 6 và 13).

Giờ đây, đứng trước những lời công kích Hàng Giám Mục, tôi muốn “canh tân” lời hứa của mình và quyết tâm thực hiện lời hứa đó luôn mãi.

Lúc bấy giờ Đức Cha Bartôlômêô, Giám mục Giáo phận Đà Lạt hỏi tôi: Con có hứa kính trọng và vâng phục Giám mục Giáo phận cùng Bề trên hợp pháp của con không?

Tôi đã kính cẩn trả lời: Thưa con hứa.

Chính vì thế tôi phải không ngừng nỗ lực trở nên cộng sự viên TỐT của Hàng Giám mục với thái độ yêu mến và vâng phục “con thảo”, tôi phải tránh những suy nghĩ, lời nói, hành động chống lại và kết án Hàng Giám mục. Nếu cần góp ý, tôi sẽ góp ý trực tiếp với tinh thần con thảo và với mục tiêu xây dựng, như Đức Thánh Cha Bênêđictô đã viết khi công bố Năm Linh mục: “Trong đường hướng của Tông huấn Pastores dabo vobis của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, tôi xin nói thêm rằng thừa tác vụ chức thánh có một "hình thức cộng đoàn" triệt để và nó chỉ có thể được thực hiện trong sự hiệp thông với các Giám mục của mình”.

Là linh mục Dòng, tôi có dịp làm Bề trên, cho nên tôi dễ dàng hiểu và cảm thông với Hàng Giám Mục khi phải đối diện với những yêu sách, khó khăn, hiểu lầm, cắt nghĩa trái và thách đố bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội.

Linh mục là người sống trong xã hội

Ngoài ra, Linh mục còn là “Người của xã hội”, vì tham dự vào sứ mạng có tính chất “trần thế và xã hội” của Giáo Hội như Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”; “Chính anh em là muối cho đời … Chính anh em là áng sáng cho trần gian”. Chính vì thế, là Linh mục, tôi phải sẵn sàng dấn thân vào bất cứ môi trường nào; là Linh mục, tôi phải sẵn sàng gặp gỡ và làm việc với bất cứ con người nào, không- phân-biệt, không-loại-trừ, với mục tiêu duy nhất là “Danh Cha Cả Sáng” và “Nước Cha Trị Đến”, cho dù con đường này thực sự dài, cam go và nhiều thách đố. Tuy nhiên, trong những dấn thân xã hội đó, tôi phải liên lỉ kiện cường nhận thức và đời sống của mình luôn phải là “Linh mục của Chúa Giêsu và của Giáo Hội”.

THÁCH ĐỐ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM: GIỮ GÌN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

Là người Việt Nam, ngay từ nhỏ, tôi đã được dạy bảo phải thực hành những đức tính cần thiết để xây dựng Gia đình, Trường học và Xã hội.

Những đức tính đó được tóm gọn trong ba câu: Lễ nghĩa Gia phong, Tôn sư Trọng đạo, Kính trên Nhường dưới. Nhưng nhiều sự kiện xảy ra làm cho tôi thắc mắc và nghi ngờ: “Không biết ‘Lễ nghĩa Gia phong, Tôn sư Trọng đạo và Kính trên Nhường dưới’ còn nữa hay không?”

Mới đây, đang lúc tôi đi Honda ôm, một xe Honda chạy qua mặt, người ngồi đằng sau là một cô gái đang “to tiếng” với chàng thanh niên ngồi đằng trước. Chịu không được, ông chạy Honda ôm lắc đầu thắc mắc: “Không thể hiểu được? Sự nhỏ nhẹ và thùy mị nơi các cô gái đã biến đâu mất rồi? Có phải ngày nay “công, dung, ngôn, hạnh” đã lỗi thời?

Cách nay không lâu, Anh Hai tôi chở tôi đi trên một đường phố ở Sài Gòn. Khi gặp một thiếu niên đi xe đạp lạng qua lạng lại ở đàng trước, Anh Hai tôi đã nhắc nhớ chú bé đó. Và chú đó đã sừng sộ quay qua đáp lại: “Ngon hả!”. Lúc bấy giờ, không biết Anh Hai tôi đã nghĩ gì, nhưng tôi đã suy nghĩ: “Sự tôn trọng người lớn nơi thanh thiếu niên còn nữa không?”

Một Linh mục bạn kể lại rằng ngài đã chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt tại Ngã Bảy như sau: một cô gái lái xe xịn lướt nhanh đụng phải xe đạp của một ông già. Ông lồm cồm đứng dậy phân phô: 'Mắt mày để đâu'. Cô gái trơ trẽn và xấc xược trả lời: 'Mắt tao để dưới lông mày', rồi phóng xe đi mất hút!

Đó là ba sự kiện trong nhiều sự kiện tôi đã chứng kiến và nghe được. Còn qua Báo mạng cũng như Báo in, tôi biết được rất nhiều tin tức, nào là con cái hành hạ Cha Mẹ hay con cháu ngược đãi Ông Bà, chồng hành hạ vợ con, và học sinh hành hung Thầy Cô. Tôi xin ghi lại đây vài tin tức.

Trước hết tin “Bà bị cháu hành hạ đến chết ở Quảng Bình”, được Báo Tiền Phong đăng ngày 11-01-2008 (Xa Lộ Tin Tức). Tên hai đứa cháu đó là Hiếu và Hiền.

Tin thứ hai là “Ngược đãi cha mẹ, một cặp vợ chồng vào tù” ở ấp Trại Lòn Nam, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, được đăng trên Xaluan.com, ngay 01-11-2008. Tin đó được viết như sau: “Hai vợ chồng Chính và Tươi thường xuyên chửi bới cha mẹ bằng những lời lẽ thô tục. Nhiều lúc họ còn lăng mạ, sỉ nhục cha già gần 90 tuổi trước đám đông, rồi đuổi ra khỏi nhà”.

Tin thứ ba là “Chồng hành hạ vợ đến mất sức lao động vĩnh viễn 8% và thường xuyên “dạy” bốn đứa con bằng dây xích sắt, có lúc còn khóa cổ con vào gốc cây" (Theo Thanh Niên và Việt Báo, truy cập qua google.com.vn).

Trong môi trường học đường, hiện tượng học sinh hành hung Thầy Cô cũng khá nhiều. Cụ thể Cô Tâm bị Học sinh Thủy ở Trường Trung Học Phổ Thông Trường Thi, TP Thanh Hóa, hành hung bằng cách dùng cùi tay đánh vào đầu, ngày 11-11-2009 (Truy cập các Từ khóa: thầy trò, học sinh, giáo viên, hành hung, pháp luật).

Một sự kiện khác đã xảy ra ở Trường Trung Học Cơ Sở Thừa Đức, Bến Tre: Chiều ngày 11-05-2009, đang giảng bài, Thầy Hải đã bị học sinh Hậu xông váo đánh tới tấp (Truy cập các Từ khóa: thầy trò, học sinh, giáo viên, hành hung, pháp luật)

GIÁO DÂN VIỆT NAM SỐNG TINH THẦN NĂM THÁNH

Trên đây là những sự kiện xảy ra trong Xã Hội, còn trong Giáo Hội thì sao?

Có lẽ không có những sự kiện xảy ra trong Giáo Hội như vừa được nêu ở trên, Nhưng trong những ngày qua có những bài viết trên các Báo mạng đáng phải quan tâm và suy nghĩ.

Khi chứng kiến hay khi đọc những sự kiện đó, người ta có thể lo buồn và thắc mắc: Tại sao vậy? Có phải do hoàn cảnh xa hội? Có phải do việc đấu tranh giai cấp? Có phải do nền giáo dục nhấn mạnh lòng căm thù?

Đối với người Công Giáo, đó là hậu quả của tội nguyên tổ. Đây là vấn nạn muôn thuở, phải chấp nhận, chớ không thể cắt nghĩa thấu đáo.

Nhưng điều quan trọng hơn là phải có quan niệm và thái độ như thế nào khi đối diện hay gặp phải những sự kiện đó.

Đành rằng có những người cháu ngược đãi Ông Bà, nhưng cũng có nhiều người cháu yêu thương và chăm sóc Ông Bà, và con số này đông đảo hơn nhiều.

Đành rằng có những người con ngược đãi Cha Mẹ, nhưng cũng có nhiều người con thật sự hiếu thảo với Cha Mẹ, và con số này đông đảo hơn nhiều.

Đành rằng có những ông chồng ngược đãi vợ con, nhưng cũng có nhiều ông chồng yêu thương và chăm sóc vợ con, và con số này đông đảo hơn nhiều.

Đành rằng có những bà vợ ngược đãi chồng con, nhưng cũng có nhiều bà vợ yêu thương và hy sinh cho chồng con, và con số này đông đảo hơn nhiều.

Đành rằng có những học sinh hành hung Thầy Cô, nhưng cũng có nhiều học sinh chăm chỉ học hành, yêu mến và nghe lời Thầy Cô, và con số này đông đảo hơn nhiều.

Đành rằng có một số giáo dân, tu sĩ và linh mục công kích và chống đối các Giám mục, nhưng cũng có nhiều giáo dân, tu sĩ và linh mục yêu mến, ủng hộ và bênh vực các Giám mục, và con số này đông đảo hơn nhiều.

Vì thế, thay vì lo buồn và thất vọng, tôi sẽ luôn tin tưởng, cầu nguyện và tiếp tục góp phần xây dựng Giáo hội.

Là người Công Giáo Việt Nam, là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô Đầu, TÔI XÁC TÍN RẰNG Ở ĐÂU CÓ PHÊRÔ Ở ĐÓ CÓ GIÁO HỘI – UBI PETRUS, IBI ECCLESIA”

Là người Công Giáo Việt Nam, là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô Đầu, TÔI QUYẾT TÂM YÊU MẾN, TÔN TRỌNG, VÂNG PHỤC CÁC BỀ TRÊN KẾ VỊ CÁC THÁNH TÔNG ĐỒ.

Là người Công Giáo Việt Nam, là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô Đầu, TÔI MONG MỌI NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM CÙNG XÁC TÍN VÀ QUYẾT TÂM NHƯ THẾ!

Lm GB Nguyễn Thêm, SDB

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 31.05.2010. 19:53