Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Quan hệ giữa Phaolô với những tông đồ và Kitô hữu khác thế nào?

§ Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy, SS

Bài 8 - Quan hệ giữa Phaolô với những tông đồ và Kitô hữu khác thế nào?

Là một người bắt bớ Kitô hữu và hãm hại Hội thánh, Phaolô gặp nhiều khó khăn khi đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu Kitô: những tiếp đón không niềm nở hay nghi kỵ của các Tông đồ, các môn đệ và Kitô hữu.

Trong thư gởi tín hữu Corintô kể về việc Chúa Kitô Phục sinh hiện ra, Phaolô nói: trước là với Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, với hơn năm trăm anh em.. Tiếp đến, với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau cùng… với tôi (1 Cor 15:5-8).

Với các Tông đồ, Phaolô nói đến việc Ngài gặp Phêrô, Giacôbê và Gioan trong những lần khác nhau. Sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường Damas, Phaolô lên Giêsuralem gặp Kêphas trong 2 tuần (Gal 1:18), và găp Giacôbê, người anh em của Chúa (Gal 1:19). Phaolô cũng gặp Gioan, một trụ cột của Giáo hội (Gal 2:9). Không thấy Phaolô nói đến việc gặp các Tông đồ khác.

Với Phêrô, có lúc Phaolô đối chất trực diện về điều mà ông cho là Phêrô giả hình. Khi một số môn đệ của Giacôbê (có lẽ là người Do thái tin theo Chúa Kitô) gặp Phêrô ở Antiokia, Phêrô vì nể hay sợ những người Do thái này nên đã không dám ngồi ăn với những người dân ngoại (không chịu cắt bì). Phaolô trách Phêrô và những người theo ông là giả hình (Gal 2:12-14).

Phaolô gặp nhiều khó khăn khi tranh đấu dành cho mình vị thế của một Tông đồ trong việc mục vụ.

Luca ghi lại chuyện Phaolô lên Giêrusalem để họp Công đồng liên quan đến vấn nạn truyền giáo cho dân ngoại: liệu người muốn gia nhập giáo hội mà không là Do thái có phải chịu phép cắt bì không? Luca kể lại trong sách Công vụ tông đồ với những lời xoa dịu tình trạng căng thẳng của cuộc họp, trình bày một cuộc họp chung, công khai với những nhà lãnh đạo giáo hội: sau khi nghe Phaolô và Barnaba trình bày, Phêrô và Giacôbê lên tiếng và cả hai đồng thuận không cần cắt bì với những người ngoại theo Kitô giáo (Cvtd 15:1-21).

Trong thư Phaolô viết, Ngài nói đến việc gặp riêng với một vài nhân vật lãnh đạo quan trọng như Phêrô, Giacôbê, và Gioan. Và dù ba vị này đồng ý với Phaolô, nhiều người khác vẫn không đồng ý (Gal 2:1-10).

Với những Kitô hữu khác, sách Công vụ tông đồ cho hay là Khanania phản đối Chúa khi được sai đón tiếp Phaolô: Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm… (Cvtd 9:13-14).

Khi Phaolô đến Giêrusalem, “ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ” (Cvtd 9:26).

Ngay Phaolô cũng nhận là nhiều người biết Ngài chỉ qua việc Ngài bắt bớ đạo thánh Chúa: “Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Đức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng: Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt” (Gal 1:22-23)

Đọc thư thánh Phaolô, chúng ta có thể đọc được tâm trạng của một người mang nhiều ưu tư, phải tự biện minh cho việc làm và con người mình, chỉ vì sự nghi ngờ của những người chung quanh. Trong thư gởi tín hữu Côrintô, Ngài viết:

“Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? Nếu đối với những người khác tôi không phải là tông đồ, thì ít ra đối với anh em tôi là tông đồ, vì ấn tín chứng thực chức vụ tông đồ của tôi trong Chúa chính là anh em. Đây là lời biện hộ của tôi chống lại những kẻ hạch sách tôi” (1 Cor 9:1-3).

Nơi khác, Phaolô mạnh mẽ khắng định quyền năng giảng dạy của mình, và nhắc nhở cho các tín hữu rằng sứ mạng ngài lãnh nhận không từ các Tông đồ hay tự mình, nhưng trực tiếp từ Thiên Chúa (Gal 1:1, 12).

Phaolô tự nhận mình bất xứng: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1 Cor 15:9).

Tất cả những dữ kiện trên cùng với lối viết thư có tính cách tự biện luận của thánh Phaolô có thể cho ta thấy một chút những đối xử của nhiều người đương thời đối với thánh nhân. Trong khi được chấp nhận và kính nể từ những cộng đoàn của dân ngoại (người Hi lạp hay Rôma) theo Chúa Kitô, Phaolô cũng gặp nhiều nghi kỵ, chống đối từ những người Do thái theo Chúa Kitô.

Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.10.2008. 02:27