Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phaolô có vợ con gì không?

§ Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy, SS

Bài 13: Phaolô có vợ con gì không?

Trong Thánh Kinh và cả những sử liệu bên ngoài không thấy nói đến vợ và con của thánh Phaolô. Có người cho là Phaolô đã có gia đình nhưng có thể vợ chết, hoặc ly dị vợ nên sống đời độc thân. Không có tài liệu chính xác nào nói đến những đồn đãi này, ngoại trừ người ta biết chắc là sau khi trở lại, Phaolô sống như một người độc thân.

Căn cứ vào những thư thánh Phaolô viết, lời giải thích rằng Phaolô không có vợ-con đáng tin cậy hơn là những giải thích ngược lại.

Có nhiều lý do để ta tin là Phaolô không có gia đình. Trước hết, trong những thư gởi tín hữu Roma, Galata, Ephêsô và nhất là Corintô, thánh Phaolô nói đến vai trò phụ nữ nhiều lần nên không thể nào không nhắc đến vợ con, nếu có.

Thứ hai, khi nói đến đời sống gia đình, Phaolô nhấn mạnh đến sự trung thành vợ chồng “… tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng… và chồng cũng không được rẫy vợ” (1 Cor 7: 10-12). Vì thế, không có lý do gì để ta tin rằng Phaolô ly dị vợ hay bỏ gia đình để đi làm việc mục vụ cho Giáo hội vì nghịch lại những gì Ngài dạy.

Thứ ba, trong thư thứ nhất Corintô, Phaolô nói: “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác. Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ” (1 Cor 7:7-8). Đoạn Kinh Thánh này thuyết phục nhiều người tin rằng Phaolô là một người độc thân, không lập gia đình.

Với những người tin rằng Phaolô đã có gia đình, họ căn cứ vào thư thứ nhất Corintô: “Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?” (1 Cor 9:4-5). Thật ra, đây không là một bằng chứng rõ đủ để nói lên Phaolô là người có gia đình. Có thể câu này được dùng để biện minh về quyền có gia đình thì đúng hơn, nghĩa là, Phaolô cũng như bao người khác có quyền lập gia đình, và nếu có gia đình thì họ có quyền đem theo vợ trong khi làm công việc mục vụ như Phêrô hay các tông đồ khác.

Thứ hai, những người này cho rằng việc Phaolô không có vợ là một chuyện lạ trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, vì người Do Thái xem việc lập gia đình và có con cái như một ơn lành của Thiên Chúa ban thưởng, ngay cả đây là mệnh lệnh Thiên Chúa yêu cầu ông bà Adong Evà trong đời sống: “hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất…” (Sáng Thế 1:28). Tuy nhiên, họ quên rằng chuyện lạ không có nghĩa là không xảy ra (như Chúa Giêsu cũng không lập gia đình).

Cuối cùng một số Kitô hữu vào thế kỷ 3-4 tin là Phaolô đã có gia đình, vì họ căn cứ vào câu nói trong thư gởi tín hữu Philiphê “Tôi xin cả anh Xidigot nữa, người bạn chân thành đã đồng lao cộng khổ với tôi, xin anh giúp đỡ các chị ấy. Các chị đã giúp tôi chiến đấu cho Tin Mừng, cũng như anh Clementê và các cộng sự viên khác mà tên tuổi đã được ghi trong Sổ Trường Sinh” (Phil 4:3). Thật ra, đây là bằng chứng yếu kém nhất trong việc thuyết phục để tin là Phaolô có vợ.

Dù không biết chắc chắn về vợ con thánh nhân, ta biết thánh nhân nhắc đến bà con Ngài một vài lần, có người trở thành Kitô hữu trước Ngài, và có người ở trong tù với Ngài (Rom 16:7).

Sách Công Vụ Tông Đô nhắc đến một người chị của thánh Phaolô ở Jerusalem, và con trai của bà. Người cháu này có lẽ có chức vị trong xã hội nên đã có điều kiện biết chuyện nội bộ và báo tin cho Phaolô hay rằng các vị trong Thượng Hội Đồng đang lập mưu để giết Phaolô: “Nhưng người con trai của bà chị ông Phaolô nghe biết âm mưu đó, liền đến đồn và vào báo tin cho ông Phaolô” (Cvtđ 23:16).

Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S. ===
SỐNG NĂM THÁNH PHAOLÔ

Bài 14: Thánh Phaolô bắt bớ Kitô hữu khi nào, và tại sao?

Sự kiện thánh Phaolô gặp Chúa Giêsu trên đường Damascus có thể đã xảy ra chừng ba năm sau khi Chúa Giêsu sống lại, nhưng việc thánh Phaolô tham gia quấy nhiễu, gây khó khăn cho Kitô hữu chắc chắn đã bắt đầu trước đó.

Trong Công Vụ Tông Đồ ghi lại là khi Stephanô bị ném đá chết, Phaolô có mặt ở đó, và “các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô” (Cvtđ 7:58). Không chỉ tham gia một cách thụ động, Phaolô còn “tán thành việc giết ông Stêphanô” (Cvtd 8:1). Sau này, khi rao giảng trước triều đình vua Acrippa, Phaolô đã tự nhận: “Về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại danh Giêsu người Nadarét. Đó là điều tôi đã làm tại Giê-ru-sa-lem. Được các thượng tế uỷ quyền, chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong dân thánh; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ phiếu tán thành. Nhiều lần tôi đã rảo khắp các hội đường, dùng cực hình cưỡng bức họ phải nói lộng ngôn. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành nước ngoài mà bắt bớ họ” (Cvtđ 26:10-11).

Câu hỏi “tại sao Phaolô bắt bớ các Kitô hữu?” có nhiều lý do để cắt nghĩa. Về phương diện tôn giáo, Phaolô là một tín đồ Do Thái giáo nhiệt thành, theo gương cha ông, muốn bảo vệ đạo mình và chống lại tất cả những tổ chức gây nguy hại cho Do Thái giáo (Gal 1:13-14; Phil 3:6). Về phương diện chính trị (mà chính trị không thể tách ra khỏi tôn giáo với nhiều người Do Thái thời đó), Phaolô tỏ ra yêu dân tộc Do Thái qua việc bảo vệ Do Thái giáo chống lại ảnh hưởng của một giáo phái mới (là Kitô giáo) chấp nhận sự có mặt của người ngoại (Roma, Hi Lạp…) sinh hoạt chung với người Do Thái. Phaolô cũng như những người yêu nước khác sợ rằng nếu nhiều người Roma theo giáo phái mới này, dần dà ảnh hưởng của Kitô sẽ mạnh hơn, vì về chính trị người Roma là những kẻ nắm quyền đô hộ.

Phaolô, cũng như nhiều thanh niên nhiệt thành Do Thái đương thời, đề cao gương sống anh hùng của 3 vị: Pinkhát (cháu Aharon), tiên tri Elia, và tư tế Mattítgia. Ba vị này ảnh hưởng đời sống Phaolô cũng như nhiều thanh niên đương thời.

Pinkhát, vì nhiệt thành với đạo của Giavê Thiên Chúa, giết chết Dimri vì Dimri tuyên truyền tà thần khác ngoài Giavê và quảng bá đời sống sa đoạ cho dân Do Thái (Dân số 25:7-13). Việc ông giết Dimri được xem là đẹp lòng Chúa (Dân số 25:10-13), và được dân Do Thái khen tặng (Tv 106:30-31).

Tiên tri Elia, vì lòng nhiệt thành với Giavê, đã thách thức hơn 450 ngôn sứ của thần Baal trong cuộc đấu sức trên núi Carmen để xem Giavê hay Baal đích thực là thần. Sau khi thắng cuộc thi, Elia đã ra lệnh giết chết các tiên tri này (1 Các Vua 18:17-40; 19: 10).

Theo chân của Elia và Pinkhát, Mattítgia “nhiệt tình với luật Chúa” nên đã giết một người đồng hương Do Thái khi người này dám nghe theo vua Antiochus IV để cúng ngoại tà thần (1 Macabê 2:23-28).

Như những cha ông này, Phaolô có lòng nhiệt thành với Chúa Giavê, với dân Israel, và với Luật Môisê.

Về phương diện thần học, lý do Phaolô cưỡng bức Kitô giáo vì: (1) những người theo Đức Giêsu Kitô coi nhẹ Luật Môisê; (2) họ có thái độ coi thường Đền Thờ vì họ không còn thờ phượng Thiên Chúa trong đền thờ; (3) họ (Kitô hữu) dám nhận người ngoại vào trong cộng đoàn chung với những người Do Thái. Vì thế người Do Thái lúc này ngồi ăn cùng bàn với những người không chịu phép cắt bì; (4) và điều khó công nhận nhất là trong khi những nhà lãnh đạo tôn giáo (thượng tế, luật sĩ, biệt phái…) kết án Đức Giêsu là người phạm thánh, và bị giết chết treo như một ác nhân (mà theo Do thái giáo, Thiên Chúa lên án chết cho kẻ phạm tội - xem Đệ Nhị Luật 21:23), thì những Kitô hữu tôn thờ và công bố Đức Giêsu được Thiên Chúa cho chỗi dậy từ cõi chết, là Đấng Mêsia của Israel. Đây là điều phạm thánh không chấp nhận được.

Tóm lại, có thể có lý do này quan trọng hơn lý do kia, nhưng tính tổng hợp của tất cả những lý do trên đã khiến con người Phaolô nhiệt thành trở nên người bắt bớ Kitô hữu.

Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy, S.S.

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.11.2008. 16:09