Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI và của Thượng Phụ Giáo Chủ Đại Kết Bartôlômêô

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Cử Hành Buổi Kinh Chiều Đầu Tiên Kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô Nhân Dịp Khai Mạc Năm Thánh Phaolô

Kính thưa Đức Thượng Phụ Giáo Chủ và quý đại diện thân hữu,
Quý Hồng Y,
Quý hiền huynh Giám Mục và linh mục,
Anh chị em thân mến.

Chúng ta tụ họp nơi mộ phần Thánh Phaolô, là người được sinh ra đã hai ngàn năm qua, tại Tarsô, ở Cilicia, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thánh Phaolô là ai? Tại Đền Thờ Giêrusalem, trước mặt đám đông quá khích đang muốn giết ngài, ngài đã tự giới thiệu bằng những lời sau đây: “Tôi là một ngưởi Do Thái, sinh ra ở Tarsô thuộc Cilicia, nhưng đã lớn lên trong thành phố này [Giêrusalem], được huấn luyện trong trường Gamaliel cách nghiêm ngặt theo Lề Luật của cha ông, nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa… “ (Tđcv 22:3). Cuối cuộc hành trình dương thế ngài đã nói về mình: “Tôi đã làm xong… thày của Dân Ngoại trong đức tin và chân lý” (1 Tim 2:7; x. 2 Tim 1:11 ). Thầy của muôn dân, người rao giảng và tông đồ của Đức Chúa Giêsu, như ngài tự mô tả mình khi nhìn lại quãng đường đời ngài đã đi qua. Nhưng với điều ấy, chúng ta không chỉ nhìn về quá khứ. “Thầy dạy muôn dân” - lời này mở ra cho tương lai, cho mọi người ở mọi thởi đại. Đối với chúng ta, Thánh Phaolô không phải là một khuôn mặt trong quá khứ mà chúng ta tường nhớ với lòng kính yêu. Ngài cũng là thầy của chúng ta, người rao giảng và tông đồ của Đức Chúa Giêsu Kitô đối với chúng ta.

Như vậy chúng ta không tụ họp nơi đây để suy tư về lịch sử trong quá khứ, [một quá khứ] trổi vượt không thể chối cãi nổi. Hôm nay Thánh Phaolô muốn nói với chúng ta. Đó là lý do tại sao tôi muốn tổ chức “Năm Thánh Phaolô” đặc biệt để lúc này chúng ta lắng nghe và học cùng ngài “đức tin và chân lý”, là những điều nền tảng cho lý do của việc hợp nhất giữa các môn đệ của Đức Kitô. Với quan điểm này, tôi muốn thắp lên “Ngọn lửa Phaolô” đặc biệt trong ngày sinh nhật thứ 2000 của Thánh Phaolô, là ngọn lửa sẽ tiếp tục cháy suốt năm ở nơi đặc biệt trên cái điã kim khí mà tôi để ở góc này của Vương Cung Thánh Đường. Để long trọng mừng dịp này tôi cũng khánh thành cái gọi là “Cổng Phaolô” mà qua đó chúng ta đã vào Vương Cung Thánh Đường cùng với Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople, Đức Hồng Y Chánh Tòa và những vị lãnh đạo về tôn giáo khác. Điều làm cho tôi có một niềm vui sâu thẳm là việc khai mạc “Năm Thánh Phaolô” có một tính chất đại kết đặc biệt vì có sự hiện diện của nhiều đại diện các Giáo Hội và Cộng đồng Giáo Hội khác, mà tôi xin đón chào với một lòng rộng mở. Trước hết tôi xin kính chào Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Barthôlômêô I và phái đoàn tháp tùng ngài, cũng như một nhóm lớn các tín hữu từ nhiều nơi trên thế giới đã về Rôma để sống cùng với ngài và với chúng tôi trong những giây phút cầu nguyện và suy niệm này. Tôi xin chào mừng các đại diện của những Giáo Hội Huynh Đệ, những Giáo Hội có một sự liên hệ đặc biệt với Thánh Phaolô – là Giêrusalem, Antioch, Cyprô, và Hy Lạp – và đó là những vùng mà Thánh Phaolô đã sống trước khi Ngài đến Rôma. Tôi thân ái chào mừng các Huynh Đệ của những Giáo Hội và Cộng đồng Giáo Hội cả Đông lẫn Tây, cùng với tất cả quý anh chị em là những người muốn tham dự vào ngài khai mạc “Năm” dành riêng kính vị Tông Đồ Dân Ngoại.

Cho nên chúng ta họp nhau đây để tự hỏi về vị Tông Đồ Dân Ngoại vĩ đại. Chúng ta không phải chỉ thắc mắc rằng: Thánh Phaolô đã là ai?” Trên hết chúng ta tự hỏi rằng: Thánh Phaolô [đang] là ai? Ngài nói gì với tôi? Trong lúc này, khi bắt đầu “Năm Thánh Phaolô” mà chúng ta đang khai mạc, tôi xin chọn chứng từ phong phú của ba đoạn trong Tân Ước, có thể diễn tả bản chất nội tâm của ngài, điều đặc biệt của cá tính ngài, là điều mở rộng tâm hồn ngài trước các độc giả mọi thời đại và bày tỏ điều gì nổi bật là điều mật thiết nhất trong cuộc đời ngài. “Tôi sống bằng đức tin vào Con Thiên Chúa là Đấng đã yêu tôi và hiến Mình cho tôi” (Gal 2:20 ). Tất cả mọi việc trong quá khứ của Thánh Phaolô đều qui về trung tâm này. Đức tin của ngài là cảm nghiệm được Đức Kitô yêu thương toàn diện, ý thức được sự kiện là Đức Kitô đã đương đầu với cái chết không phải cho một người nào đó, mà vì yêu ngài – là Phaolô – và rằng như Đấng Phục Sinh, Người vẫn yêu ngài, rằng Đức Kitô tự hiến Mình vì ngài. Đức Tin của ngài là được đánh động bởi tình yêu của Đức Chúa Giêsu Kitô, một tình yêu đã quật ngã và thay đổi ngài tận thâm tâm. Đức tin của ngài không phải là một lý thuyết, một ý kiến về Thiên Chúa và thế gian. Đức tin của ngài là một tác động của tình yêu Thiên Chúa trên tâm hồn ngài. Và cũng đức tin này chính là tình yêu đối với Đức Chúa Giêus Kitô.

Đối với nhiều người, Thánh Phaolô được coi như một kẻ hiếu chiến biết dùng lời nói làm thanh gươm. Thực ra, trong cuộc hành trình của Vị Tông Đồ, không thiếu gì những tranh luận. Ngài đã cố gắng hài hòa bên ngoài. Trong thư  đầu tiên của ngài, là thư gửi tín hữu Thessalônica, ngài đã nói: “Chúng tôi đã mạnh dạn … công bố Tin Mừng của Thiên Chúa giữa những cuộc tranh đấu kịch liệt… Thực ra, chúng tôi đã không bao giờ dùng những lời tâng bốc, như anh em biết” (1 Thes 2:2-5). Chân lý quá cao quý đối với ngài để phải vui lòng hy sinh vì những thành công bên ngoài. Chân lý mà ngài đã cảm nghiệm được khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh đáng để ngài chiến đấu, chịu bách hại và đau khổ. Nhưng điều thúc đẩy ngài tận đáy lòng chính là được Đức Chúa Giêsu Kitô yêu thương và ao ước truyền lại cho người khác tình yêu ấy.  Thánh Phaolô là một người bị tình yêu quá vĩ đại đánh trúng, và mọi công việc của ngài cùng những đau khổ ngài đã chịu chỉ có thể giải thích được khi bắt đầu từ trung tâm này. Những khái niệm căn bản của lời rao giảng của ngài được đặt hoàn toàn trên nền tảng ấy. Chúng ta hãy đan cử một trong những từ chính của ngài: tự do. Cảm nghiệm hoàn toàn được yêu bởi Đức Kitô đã mở mắt ngài ra nhìn thấy chân lý và cách số phận của con người - cảm nghiệm đó bao gồm mọi sự. Thánh Phaolô được giải thoát như một người được yêu bởi Thiên Chúa, là Đấng, vì là Thiên Chúa, có thể yêu ngài. Tình yêu này bây giờ trở thành “lề luật” của đời sống ngài, và như thế cũng là sự tự do của đời sống ấy. Các lời nói và hành động của ngài được điều khiển bởi nhiệm vụ yêu thương. Ở đây tự do và trách nhiệm được liên kết chặt chẽ đến nỗi không thể tách rời nhau được. Vì chính trong nhiệm vụ yêu thương mà ngài được tự do; ngài sống hoàn toàn cho nhiệm vụ yêu thương này và không dùng tự do để bào chữa cho ý riêng hay tự đắc. Trong cùng một tinh thần ấy, Thánh Augustinô đã nói lên một câu bất hủ: Dilige et quod vis fac (Tract in 1Jo 7:7-8) – Hãy yêu và làm bất cứ điều gì bạn chọn. Những ai yêu Đức Kitô như Thánh Phaolô đã yêu, có thể thật sự làm bất cứ điều gì họ muốn, bởi vì tình yêu của họ được kết hợp với Thánh Ý Đức Kitô, và như thế cũng kết hợp với Thánh Ý Thiên Chúa, bởi vì ý chí của họ được cột chặt vào chân lý và ý chí ấy không đơn thuần chỉ là ý muốn, ý muốn của một kẻ tự lập, nhưng được tháp nhập vào sự tự do của Thiên Chúa và từ đó nhận được con đường tiến lên.

Thứ đến, trong việc tìm hiểu con người nội tâm của Thánh Phaolô, tôi nhớ lại lời Đức Kitô Phục Sinh đã nói với ngài trên đường đi Đamascô. Trước khi Chúa hỏi ngài: “Saulô, Saulô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Khi được hỏi: “Lạy Ngài, ngài là ai?” Người đã trả lời: “Ta là Giêsu, Người mà ngươi đang bách hại” (Tđcv 9:4 tt). Khi bách hại Hội Thánh, Thánh Phaolô cũng đã bách hại chính Chúa Giêsu. “Ngươi đang lùng bắt Ta.” Chúa Giêsu đã đồng hóa Mình với Hội Thánh như một chủ thể duy nhất. Ở tận đáy lời công bố này của Đấng Phục Sinh, Đấng đã biến đổi cuộc đời của Saulô, chứa đựng toàn thể học thuyết về Hội Thánh là Thân Mình Đức Kitô. Đức Kitô không rút về trời, để lại thế gian một đạo binh những kẻ theo Người được sai đi vì “mục đích của Người”. Hội Thánh không phải là một đoàn thể quảng bá một mục đích nào đó. Điều Hội Thánh quảng bá không phải là một mục đích, mà chính là con người Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại trong “thân xác”. Người “có xương có thịt” (Lc 24:39), như đã được nói trong Tin Mừng Thánh Luca về Đấng Phục Sinh khi các môn đệ nghĩ rằng họ đã thấy ma. Người có một thân mình. Thân mình này được hiện diện cách riêng nơi Hội Thánh của Người, Thánh Augustinô đã nói, “Đầu và thân mình” tạo thành một thực thể duy nhất. Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Côrinthô, “Anh em không biết rằng anh em là Thân Thể Đức Kitô sao?” (1 Cor 6:15 ). Ngài thêm: Tại sao, theo Sách Sáng Thế, người nam và người nữ nên một thân xác, nên Chúa Giêsu và Hội Thánh nên một tinh thần, đó là một chủ thể duy nhất trong thế giới mới của phục sinh (x. 1 Cor 6:17tt). Trong tất cả những điều đó tỏ lộ Mầu Nhiệm Thánh Thể, mà trong ấy Đức Kitô tiếp tục ban Mình Người để làm cho chúng ta thành thân thể Người: “Tấm Bánh mà chúng ta bẻ ra không phải là việc dự phần vào Thân Thể Ðức Kitô sao? Vì chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một tấm Bánh, một thân thể, vì tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh này” (1 Cor 10:16 tt). Không phải Thánh Phaolô mà chính Chúa đã nói với chúng ta những lời này: Làm sao mà chúng con lại xé nát thân thể Thầy? Trước nhan Đức Kitô, lời này trở nên một lời yêu cầu cấp bách: Hãy cùng nhau cất đi mọi chia rẽ. Hãy làm cho điều ấy thành sự thực hôm nay: Chỉ có một tấm bánh, cho nên chúng ta dù nhiều, cũng chỉ là một thân thể. Việc Thánh Phaolô nói về Hội Thánh như Thân Thể Đức Kitô thì không có gì có thể so sánh được. Câu nói vượt trên mọi so sánh. “Tại sao người bách hại Ta?” Đức Kitô liên tục lôi kéo chúng ta vào thân thể Người, xây dựng thân thể Người từ trung tâm là Thánh Thể, đối với Thánh Phaolô là trung tâm của Kitô hữu, mà dưới đó, mọi người cũng như mỗi cá nhân có thể cảm nghiệm riêng như thế. Người yêu tôi và hiến Mình Người cho tôi.

Tôi xin kết luận bằng lời của Thánh Phaolô, một lời khuyên Timôthê từ ngục tù, trong khi đối diện với cái chết. Thánh Tông Đồ đã nói với người môn đã của ngài, ‘Hãy chia sẻ những khốn khó của cha vì Tin Mừng’ (2 Tim 1:8). Lời này là lời ở cuối chặng đường mà vị Tông Đồ đã trải qua như một chứng từ, nhắc lại lúc khởi đầu sứ vụ của ngài. Trong khi, sau khi đã gặp Đấng Phục Sinh, Thánh Phaolô bị mù ở nhà tại Đamascô, Ananias đã nhận được lệnh đến gặp tên khủng bố đáng sợ và đặt tay trên người ấy, bởi vì bị mất thị giác. Để trả lời Ananias rằng Saulô đã là một người khủng bố các Kitô hữu nguy hiểm, thì có lời rằng: Người này phải rao truyền danh Ta cho dân chúng và vua chúa. “Ta sẽ chỉ cho anh ta biết là anh sẽ phải chịu bao nhiêu đau khổ vì danh Ta” (Tđcv 9:15 ). Công tác này và lời mời gọi chịu đau khổ vì Đức Kitô đi đôi với nhau và không thể tách nhau được. Lời mời gọi trở nên thầy của muôn dân vừa là thực sự, vửa là lời mời gọi chịu đau khổ trong sự hiệp thông với Đức Kitô, là Đấng đã cứu độ chúng ta qua cuộc Khổ Nạn của Người. Trong một thế giới mà lừa đảo thật mãnh liệt, chân lý được trả giá bằng đau khổ. Ai muốn trốn tránh đau khổ, muốn đau khổ không chạm đến mình, lấy đi khỏi đời mình chính sự sống và sự cao quý của nó, thì không thể là người phục vụ chân lý và đức tin. Không có tình yêu nếu không có đau khổ - không từ bỏ mình, trong việc biến đổi và thanh lọc để có tự do chân chính. Khi mà chẳng có gì đáng để cho chúng ta chịu đau khổ, thì chính đời sống sẽ mất giá trị. Bí Tích Thánh Thể - trọng tâm của bản chất Kitô hữu của chúng ta - được đặt nền tảng trên hiến tế của Đức Chúa Giêsu cho chúng ta, được nảy sinh từ đau khổ, tìm được cao điểm của nó trên Thánh Giá. Chính tình yêu này cho chúng ta sự sống. Cho chúng ta can đảm và sức mạnh để chịu đau khổ với Đức Kitô và vì Người trong thế gian này, khi biết rằng đời sống chúng ta trở nên lớn hơn, trưởng thành và chân chính hơn. Trong ánh sáng của tất cả các thư của Thánh Phaolô như chúng ta thấy trong cuộc hành trình của một vị thầy Dân Ngoại, ngài đã hoàn thành lời tiên tri mà Chúa nói với Anania trong giờ được gọi: “Ta sẽ chỉ cho anh ta biết là anh sẽ phải chịu bao nhiêu đau khổ vì danh Ta.” Sự đau khổ của ngài làm cho ngài trở nên đáng tin cậy như vị thầy dạy chân lý, không tìm cách tiến thân, tìm danh vọng, thỏa mãn cho mình, nhưng quyết tâm phục vụ Một Đấng yêu thương chúng ta và ban chính Mình cho chúng ta.

Trong giờ phút này chúng ta hãy cảm tạ Chúa bởi vì Người đã gọi Thánh Phaolô, làm cho ngài thành ánh sáng muôn dân và thầy của tất cả chúng ta, và chúng ta hãy cầu nguyện: Xin Chúa ban cho chúng con ngày nay những nhân chứng của sự phục sinh, được tình yêu của Chúa ảnh hưởng và có thể đem ánh sáng Tin Mừng trong thời đại chúng con. Lạy Thánh Phaolô, xin cầu cho chúng con. Amen.

Bài giảng của Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Đại Kết Barthôlômêô I

Thưa Đức Thánh Cha, người anh em thân yêu trong Đức Kitô,
và toàn thể anh chị em, các tín hữu trong Chúa,

Được phấn khởi bởi niềm vui tràn đầy trang nghiêm, chúng ta tìm thấy mình trong đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành cổ kính và lộng lẫy này để đọc kinh chiều, với sự hiện diện của nhiều khách hành hương và mộ đạo đến từ khắp nơi trên thế giới cho ngày khai mạc Năm Thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại tốt đẹp và long trọng này.

Cuộc trở lại tận gốc và việc rao giảng tông đồ của Saulô thành Tarsô đã “rung chuyển” lịch sử theo nghĩa đen của nó, và đã khắc ghi căn tính của Kitô giáo. Nhân vật vĩ đại này đã ảnh hưởng sâu đậm đến các Giáo Phụ cổ điển của Hội Thánh, như Thánh Gioan Kim Khẩu ở Đông Phương và Thánh Augustinô thành Hippô ở Tây Phương. Mặc dù ngài chưa bao giờ được gắp Chúa Giêsu Thành Nadareth, nhưng Thánh Phaolô đã nhận được mặc khải về “Tin Mừng của Đức Chúa Giêsu Kitô” cách trực tiếp (Gal 1:11-12).

Nơi thánh này ở Ngoại Thành chắc chắn là nơi thích hợp để tưởng nhớ và mừng một người là đấng thiết lập sự hiệp nhất giữa người Hy Lạp và Rôma trong lòng ở thời đại của ngài, bằng cách tiêu diệt một lần cho xong những tư tưởng hẹp hòi trong Kitô giáo và hình thành mãi mãi nền tảng của Hội Thánh Công Giáo đại kết.

Chúng tôi hy vọng rằng đối với chúng ta cuộc đời và các thư của Thánh Phaolô tiếp tục là một nguồn cảm hứng “rằng tất cả mọi dân tộc đều vâng phục đức tin trong Đức Kitô (x. Rom 16:27 ).

Chuyển ngữ từ 28 giugno 2008: Celebrazione dei Primi Vespri della Solennità dei Santi Apostoli Pietro e Paolo, in occasione dell'apertura dell'Anno Paolino (Basilica di San Paolo Fuori le Mura)

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Đọc nhiều nhất Bản in 30.06.2008. 17:28