Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đến tận cùng biên giới

§ Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Ngày hôm nay, hầu như việc toàn cầu hóa đang trở thành nếp sống thời đại ăn sâu đậm trong mọi lãnh vực.

Thời đại ngày nay, nếp sống toàn cầu hóa đặt ra những thử thách chao đảo cho đời sống không chỉ trong cấu trúc đời sống xã hội, mà còn cho từng con người nữa.

wyd2008chinese.jpg

Thời đại ngày nay, đà phát triển của việc toàn cầu hóa vượt qua mọi biên cương ranh giới xã hội đất nước. Không chỉ hàng hóa đồ dùng chế biến lan tràn từ lục địa này sang lục địa khác, từ nước này sang thị trường nước khác. Nhưng còn cả về lãnh vực văn hóa, văn minh cùng ngôn ngữ không còn dành riêng cho một lớp người chuyên môn, một xứ sở nào nữa.

Còn trong lãnh vực đời sống đức tin Công giáo thì thế nào? Mức độ toàn cầu hóa trong lãnh vực này tiến triển ra sao?

1. Sáng tạo cho toàn cầu

Trong bài tường thuật về sáng tạo thiên nhiên ( Sáng Thế ký 1,1-31) Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất, sự sống, cây cỏ, súc vật, con người không riêng cho một dân nước nào, cho một giai đoạn không gian cùng thời gian nào. Nhưng cho toàn cầu, cho mọi thế hệ, cho mọi không gian, cho hôm đó, cho hôm nay và cho ngày mai.

Công trình sáng tạo Thiên Chúa không chỉ sáng tạo một lần, sau đó nếu nó hư cũ phế thải, thì làm lại cái khác. Không, trong công trình đó có sẵn mầm sức sống phát triển đổi mới.

Như Nước là của châu báu cùng là yếu tố căn bản cho mọi sự sống phát triển trong thiên nhiên. Nước từ trên nguồn đổ xuống uốn khúc chảy qua ghềnh thác, sông ngòi, khe suối con lạch bị vẩn đục biến thành dơ bẩn. Nhưng nguồn nước không bị cạn, cùng không dừng ở chỗ đó, trái lại tiếp tục chảy ra ngoài biển. Chất muối mặn ngoài biển hòa tan khử trừ chất dơ bẩn trong nước thành nước sạch. Ánh sáng mặt trời chiếu xuống, gặp sức nóng nước lại bốc thành hơi bay lên trời cao, tụ lại thành nước mưa trong lành đổ xuống núi đồi nguồn suối dưới khắp mặt đất toàn cầu.

Trí khôn con người là bằng chứng về sáng tạo toàn cầu. Nhà bác học Pasteur là người sinh ra sống ở Pháp. Nhà nghiên cứu chữa trị vi trùng bệnh lao phổi Koch là người Đức. Nhưng trí khôn của hai ông không hạn hẹp trong biên cương ranh giới nước Pháp cùng nước Đức. Trái lại, sự suy nghĩ phát minh về y học của hai Ông đã vượt biên giới qua các châu lục, các quốc gia, lan tỏa mang lại hiệu qủa ích lợi cho mọi người ở mọi nơi trên toàn cầu vượt thời gian.

Sự phát minh chế biến ra thuốc Aspirin, viên thuốc ký ninh chống cảm thương hàn sốt rét trở nên thông dụng mọi người đều biết, đều dùng trên toàn cầu.

Ánh sáng, nước uống, súc vật, cây cỏ, thời gian, không gian, sự sống, con người là sáng tạo tòan cầu hóa. Sáng tạo này có mầm sức phát triển, biến đổi sáng tạo tiếp tục luôn mãi.

2. Lời Chúa cho toàn cầu

Xuống trần gian làm người, tuy Chúa Giêsu sinh trưởng trong đất nước Do Thái cách đây hơn hai nghìn năm. Nhưng Lời rao giảng của Ngài được viết lại trong bốn Phúc âm cho mọi người, mọi dân nước trên hoàn cầu.

Bài giảng Tám mối Phúc thật của Chúa Giêsu ( Mt 5,1-12 ), Bí tích phép Thánh Thể, Bí tích ơn tha tội, bí tích phép Rửa tội, bí tích chức Linh Mục, bí tích phép Hôn phối, Giáo Hội Ngài thành lập, sự hy sinh cùng sống lại của Ngài trên thánh gía, Đức Chúa Thánh Thần…không giới hạn cho riêng một ai, một cho thời đại nào, cho vị trí lãnh thổ đất nước châu lục nào. Trái lại luôn có gía trị cho mọi người, mọi nơi vào mọi thời đại hòan cảnh đời sống con người.

Những Kinh thờ phượng Chúa, mà chúng ta vẫn đọc hằng ngày, hay cả những bài hát trong thánh đường dùng để ca tụng cám ơn Chúa, là những điều phổ thông cho toàn thể Giáo hội hoàn vũ xưa nay có căn bản trong Kinh Thánh. Như Kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu dạy cách cầu nguyện, Kinh Kính mừng Maria là lời của Thiên Thần chào mừng Đức Mẹ khi truyền tin, Kinh Vinh Danh là lời ca mừng của các Thiên Thần trong đêm Chúa Giêsu sinh xuống làm người, Kinh Tin kính là lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa do Giáo Hội Chúa ấn định trong toàn thể Giáo Hội hoàn hoàn vũ, Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa là lời giới thiệu của Thánh Gioan Tẩy gỉa về Chúa Giêsu cho mọi người, dấu Thánh gía là công thức lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa ba ngôi do chính Chúa Giêsu dạy, 150 Thánh Vịnh là những lời cầu nguyện làm nền cho những bài thánh ca trong thánh đường xưa nay.

Tất cả những Kinh đọc, bài hát này từ hơn hai nghìn năm nay người tín hữu Chúa Giêsu ở bất cứ nơi đâu, thời đại nào cũng đọc, cũng ca hát bằng những ngôn ngữ khác nhau cùng cách thế diễn tả khác nhau thôi.

Dù là Giáo Hội Công giáo bên Ý, bên Pháp, bên Hoa Kỳ, bên Đức, bên Nhật Bản, bên Trung Hoa, bên Đại Hàn, bên Nga, bên Úc, bên Tansania, bên Mexico, bên Argentina bên Brasilia… tất cả đề cùng thờ phượng kính mến Một Đức Chúa Trời, đều cùng kêu khấn lời bầu cử của Đức Mẹ Maria, của các Thánh trên trời, đều cùng tưởng nhớ cầu nguyện xin Thiên Chúa nguồn ơn cứu rỗi ban sự sống lại cho các linh hồn đã qua đời, đều cùng sống cổ võ lòng yêu thương bác ái tình liên đới con người với nhau.

Không dám nói theo kiểu thương mại kỹ thuật ngày hôm nay „đức tin vào Chúa đã toàn cầu hóa“, hay ngược lại. Nhưng đức tin vào Thiên Chúa là cung cách sống từ xưa nay của người tín hữu trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu.

3. Giáo Hội cho toàn cầu

Khi Chúa Giêsu thành lập Giáo Hội đã trao quyền cho Thánh Tông đồ Phero đứng đầu toàn thể Giáo Hội lo việc rao giảng Lời Chúa trên toàn cầu: Con hãy chăn dắt chiên của Thầy (Ga 21,16)

Rồi trước khi trở về trời, Chúa Giêsu nói với các Thánh Tông đồ về sứ vụ của Giáo Hội: Anh em hãy đi rao giảng cho muôn dân nước. Làm phép Rửa cho họ nhân Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho tận thế. ( Mt 28,18-20 ).

Căn cứ vào sứ mệnh truyền giáo hoàn vũ đó, các Thánh Tông đồ đã bôn ba đi khắp mọi nơi sống rao giảng làm chứng về Chúa cho con người. Thánh Phero từ nước Do Thái sang tận Roma, Thánh Gioan sang miền đảo Patmos, Thánh Tôma sang Ấn Độ, Thánh Giacobe sang Santiago de Compostela bên Tây ban Nha, Thánh Phaolo đi khắp miền Trung đông sang tận các đất nước miền Balkan, miền Địa trung Hải.

Từ hơn hai nghìn năm nay Giáo lý cùng đời sống Giáo Hội Công giáo của Chúa lan rộng khắp cùng bờ cõi trái đất. Mỗi khi đức Giáo Hoàng nào qua đời, toàn thể các vị Hồng Y trong Gíao Hội ở khắp nơi trên hoàn cầu tụ tập về Roma bầu vị Giáo Hoàng mới, như ngày 18.19. tháng Năm năm 2005 vừa qua đã diễn ra việc bầu Đức giáo Hoàng Benedictô XI. ở Roma.

Các đức Giám Mục đứng đầu các Giáo phận trên toàn thế giới về đời sống đức tin trong Giáo Hội là những cộng tác viên trực tiếp cùng cố vấn của Đức Giáo Hoàng về cách sống rao giảng Tin mừng giáo lý của Chúa tại mỗi địa phương.

Trong đức tin của Giáo Hội Công giáo vào Thiên Chúa có điều căn bản là cùng thông công hiệp nhất với nhau: cùng Tin vào Một Thiên Chúa, cùng hiệp nhất với Giáo Hội của Chúa, giữ mối dây cùng thông công với nhau, với các Thánh trên trời và nhất là với những người đã qua đời.

4. Đến tận cùng biên giới trái đất

Ngày nay người ta đang đưa ra những giả thuyết có thể còn có nhiều không gian vũ trụ hành tinh khác nữa ngoài trái đất chúng ta đang sống. Người ta cũng nêu ra những dự đoán có thể còn có những con người khác nữa ở những hành tinh vũ trụ đó.

Và như thế đặt ra thắc mắc về sứ vụ Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội: “ Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Cv 1,8).

Vậy phải hiểu thế nào về Lời Chúa đến tận cùng trái đất?

Tận cùng trái đất Chúa Giêsu nói đến không chỉ hạn hẹp về không gian ranh giới địa lý, về biên cương thời gian, nhưng còn sâu xa hơn nữa về dấu chỉ thời đại, về tâm lý, về văn hóa, phát triển kỹ thuật cùng tính tình hoàn cảnh sống của con người.

Đức Chúa Thánh Thần là sức sống của con người. Người Công Giáo tin nhận sự sống con người, khả năng sức sống phát triển thân xác cũng như tinh thần mỗi người là ân đức của Đức Chúa Thánh Thần ký thác ban cho.

Khả năng của con người có giới hạn trong mọi lãnh vực. Và con người cũng không tự tạo làm ra khả năng của chính mình được. Những nghiên cứu học hỏi bồi dưỡng chỉ giúp phát triển khả năng sẵn có mở rộng thêm ra thôi. Vì thế không chỉ riêng từng con người, mà cả toàn thể Giáo Hội hoàn vũ cũng đều khấn nguyện xin Đức Chúa Thánh Thần ban ân đức trợ giúp cho việc sống làm chứng cho Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Benedictô XI. đã chọn Lời Chúa “làm chứng cho Chúa đến tận cùng trái đất” là khẩu hiệu cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 23., từ ngày 15. – 20. Tháng Bảy ở tận vùng Châu lục xa xôi trên thế giới: Úc Châu.

Giáo Hội, con người cần Đức Chúa Thánh Thần ban ân đức sức mạnh củng cố đức tin tâm hồn sống làm nhân chứng cho nước Chúa trong đời sống.

Con người xin Ngài ban ơn khôn ngoan cho tinh thần. Nhờ đó biết nhận ra thánh ý Chúa qua những dấu chỉ thời đại ở khắp mọi nơi trong thế giới.

Con người cần ơn hiểu biết cho trí khôn của mình. Qua đó biết cách sống theo văn hóa, gìn giữ nề nếp gia đình, tình liên đới con người với nhau, bảo vệ gía trị sự sống cùng môi trường xung quanh, biết sử dụng phát triển kỹ thuật trong đời sống làm chứng cho Chúa đến tận cùng trái đất là ranh giới tận cùng về biên giới hình thể địa lý.

Con người cần sự chân thật. Sự chân thật giúp sống bình an, xứng đáng là con người công chính trong vũ trụ, trong tương quan với Thiên Chúa và con người với nhau. Sống theo sự chân thật ngay chính là làm chứng cho Thiên Chúa trong mọi lúc đến tận cùng các ranh giới về thời gian, năm tháng, tuần lễ, ngày giờ phút giây.

Con người hằng khao khát nguồn an ủi cho đời sống. Nguồn an ủi giúp tâm hồn phấn khởi biết sống chia sẻ với thân phận con người trong đời sống lo toan cơm ăn áo mặc, chăm lo việc gìn giữ sức khoẻ, trong việc giáo dục đào tạo con người, với tầng lớp các người chịu đau khổ sống trong nghèo túng, cô đơn, bị khinh dể thiệt thòi trong đời sống.

Con người mong đợi cần ân đức tình yêu mến. Thần khí tình yêu mến nâng đỡ tâm hồn cuộc sống con người, đồng thời gây niềm hào hứng phấn khởi cùng đồng hành với mọi người trong đời sống về tinh thần tâm lý, nhất là tầng sâu thẳm nội tâm con người, như tính tình, tiềm thức và vô thức.

Con người cần niềm vui, sự hy vọng trong đời sống. Làn gió niềm vui, sự hy vọng khác nào như ánh sáng ngọn lửa bừng lên sức sống nồng ấm cho tâm hồn niềm tin.

***

Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ánh sáng đức tin vào Thiên Chúa được ghi khắc trong tâm hồn mỗi người tín hữu Chúa Giêsu.

Ánh sáng đó không cho riêng một ai. Nhưng ánh sáng đó cho mọi người, cho mọi thời đại, cho mọi nền văn hóa, cho mọi không gian biên cương trên toàn cầu trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Ánh sáng đức tin đó không chỉ chiếu tỏa trong tâm hồn đời sống người lãnh nhận. Nhưng ánh sáng đó chiếu tỏa lan tới khắp không gian đời sống, xuyên qua thời gian đi sâu vào cuộc sống sức khoẻ, cơm ăn áo mặc hằng ngày, phát triển nếp sống văn minh và hoàn cảnh sống cùng tâm lý mọi con người.

Ánh sáng sự sống làm chứng cho Chúa tình yêu hôm qua, hôm nay và ngày mai: Anh em là ánh sáng cho trần gian!

Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần thứ 23 từ 15. – 20. 07. 2008

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Đọc nhiều nhất Bản in 12.07.2008. 13:16