Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Các chiều kích chính yếu trong Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục

§ Lm Joseph Phạm Quốc Điêm

Dựa trên tài liệu của Giáo Hội, đặc biệt của Công đồng Vaticanô II và các giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng gần đây, chúng ta thử phác hoạ hình ảnh người linh mục trong các khía cạnh hay chiều kích chính yếu. Qua tính đa dạng của các khía cạnh này trong chức linh mục, hơn kém được trình bày, sẽ nổi bật lên căn tính và sứ vụ linh mục[1].

1. Chiều kích thánh thiêng

Trước hết phải nói ngay rằng, cho dù đời sống linh mục cần phải bộc lộ một đời sống thánh thiện, nhưng khi đề cập chiều kích này ở đây thì chữ thánh thiện, thánh thiêng mang ý nghĩa nội tại của chức linh mục với sắc thái thần học/tôn giáo hơn là tu đức/luân lý: “Khi chúng ta gọi một người là “thánh thiện”, chúng ta luôn có trong tâm trí một sự hoàn thiện luân lý xứng đáng nhận được sự quý mến cao nhất của chúng ta. Thế nhưng phạm trù “thánh thiện” thực ra thuộc tôn giáo hơn là luân lý, cho dù ý tưởng luân lý tính thường nối kết với ý tưởng của chúng ta về sự thánh thiện”[2].

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Sứ điệp gửi tất cả các linh mục Giáo Hội Công Giáo ngày 30 tháng 6 năm 1968 đã nói như sau: “Linh mục là người của Thiên Chúa và là thừa tác viên của Ngài. Linh mục có thể thi hành các công việc siêu việt theo hiệu lực của mình vì ngài hành động trong con người Chúa Kitô in persona Christi; xuyên qua các nhân đức trổi vượt như là khiêm nhường và cao thượng, trong khi làm dụng cụ hữu hiệu; là phương tiện của Chúa Thánh Thần. Đó là một mối dây liên hệ duy nhất, một sự uỷ thác, một niềm tin siêu việt giữa ngài và Thiên Chúa”[3]. Ba khía cạnh tín lý căn bản liên quan đến chức linh mục mà Đức Phaolô VI nêu lên đó là: linh mục là con người và là thừa tác vụ của Thiên Chúa, ngài hành động trong con người Chúa Kitô và là phương tiện của Chúa Thánh Thần[4]. Đó cũng là ba khía cạnh chính yếu của chức linh mục: khía cạnh thần học, khía cạnh Kitô học và khía cạnh Thánh Thần học. Ba khía cạnh này là các thành phần chính yếu của chức linh mục được đặt dưới ánh sáng của mầu nhiệm Ba Ngôi “giữa ngài và Thiên Chúa”. Trong viễn tượng về mầu nhiệm Ba Ngôi như vừa trình bày, chúng ta có thể nắm bắt được nội dung sâu sắc trong Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục của Công đồng Vaticanô II. Có thể nói thừa tác vụ linh mục là một thực tại liên kết giữa những đa dạng, đó là công việc của Chúa Cha, qua hồng ân Chúa Thánh Thần trong tác động của Chúa Kitô, nhờ đó linh mục tham dự vào sứ mạng, giáo huấn, thánh hoá và cai quản của Ngài.

a) Trước hết, linh mục là người của Chúa. Thành ngữ này được sử dùng nhiều lần trong Thánh Kinh (x. 2 V 1,9; 1 Tm 6,11; 2 Tm 3,17). Là người của Chúa, là ngôn sứ, là tông đồ, là tư tế… nghĩa là tất cả các chức năng của những người được Chúa mời gọi trong suốt lịch sử cứu độ. Họ được Thiên Chúa chọn giữa bao người khác để thi hành một sứ vụ cụ thể trong dân Thiên Chúa. Vì thế họ được dành riêng ra cho Chúa trong các công việc phục vụ, trong việc cai quản, trong việc phụng tự, huấn giáo. Họ không còn sống cho mình nhưng là cho Thiên Chúa và sứ vụ mà Ngài trao ban. Ngoài ra, thành ngữ “người của Chúa” muốn nhấn mạnh vị trí ưu tiên của Chúa trong đời sống linh mục. Thiên Chúa phải là chỗ đứng đầu tiên, chứ không phải con người, cho dù nhiều khi linh mục bị cám dỗ đặt yếu tố con người lên trên.

Rất nhiều lần Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis[5] đã nhắc nhở rằng linh mục là người được thánh hiến cho Thiên Chúa (các số 2. 5. 7 và 12). Sự thánh hiến này khắc ghi dấu ấn không thể xoá nhoà và “khi lãnh nhận chức thánh, các linh mục được thánh hiến cho Thiên Chúa theo một cách thức mới, các ngài trở nên những khí cụ sống động của Chúa Kitô Linh mục đời đời, để qua các thời đại, các ngài có thể tiếp tục công việc kỳ diệu của Đấng đã lấy quyền năng cao cả mà tái lập toàn thể xã hội loài người” (LM 12).

Vì là người của Chúa, linh mục “theo đuổi trong chức vụ và đời sống các ngài là phải tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa” (LM 2) và phải sống trong bầu khí của đời sống Thiên Chúa, là người nhưng lại sống cho Chúa, hy vọng và yêu mến Thiên Chúa hơn bất cứ ai và bất cứ cái gì. Vì sự khó khăn này mà linh mục được mời gọi “thành tâm và kiên nhẫn thi hành chức vụ của mình trong tinh thần Chúa Kitô là phương pháp riêng giúp các ngài theo đuổi sự thánh thiện” (LM 13)[6].

b) Thứ đến, chiều kích thánh thiêng được thể hiện trong việc linh mục hành động ở vị thế Chúa Kitô, trong con người và bản thân Chúa Kitô in persona Christi, đó là ý nghĩa cao cả nhất của người linh mục. Khi các ngài thi hành tác vụ là chính Chúa Kitô thi hành. Công đồng Vaticanô II đã tái khẳng định về chân lý này: “Nhờ bí tích truyền chức thánh, linh mục được cung hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, thầy cả thượng phẩm vĩnh viễn (x. Dt 5,1-10; 7,24; 9,11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước” (GH 28; cfr. LM 2. 12).

Thành ngữ “in persona Christi” được dùng nhiều trong các giáo huấn sau Công đồng Vaticanô II và của các nhà thần học hiện nay nhằm miêu tả linh mục hành động trong vị thế Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh: “Khi thừa tác viên thi hành chức vụ trong Hội Thánh, chính Ðức Kitô hiện diện với tư cách là Ðầu của Thân thể, là Mục tử đoàn chiên, Thượng tế của hy lễ cứu độ, Thầy dạy Chân lý. Ðó là điều Hội Thánh muốn diễn tả khi nói, nhờ bí tích Truyền chức, tư tế thi hành chức vụ thủ lãnh của Ðức Kitô “in persona Christi Capitis””[7].

Tuy nhiên lần đầu tiên thành ngữ này được giải thích trong Tông thư Dominicae Cenae của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thực vậy, thành ngữ “in persona Christi trong tư cách của Đức Kitô” được đặt trong mối dây liên hệ với hy tế Thánh Thể: “Linh mục dâng hy tế cực thánh “in persona Christi” điều này muốn nói rằng hơn cả “nhân danh” hay là “trong vị thế” của Đức Kitô. “In persona” có nghĩa là đồng hoá cách bí tích và đặc biệt với “Linh mục tối cao và vĩnh cửu”, tác giả và chủ thể chính của hy tế riêng biệt trong đó, không một ai thật sự có thể thay thế Người được”[8].

Trong Tân Ước, hình thức này xuất hiện trong 2 Cr 2,10 thánh Phaolô nói rằng: “nếu anh em tha thứ cho ai, thì tôi cũng tha thứ cho người ấy. Và nếu tôi đã tha thứ -trong trường hợp phải tha thứ-, thì cũng là vì anh em, “in persona Christi””. Thánh Tôma Aquinô đã giải thích rằng: “Chúa Kitô là nguồn gốc của mỗi chức tư tế, thật ra chức tư tế của luật cũ đã hàm chứa hình ảnh của Ngài, trong khi chức tư tế của luật mới hành động trong chính tư cách của Ngài “in persona ipsius operatur””[9]. Công đồng Firenze đã lấy lại tư tưởng này lần đầu tiên khi các giám mục đưa ra mô thể của bí tích Thánh Thể: “Mô thể của bí tích này là những lời mà Đấng Cứu Thế đã nói khi lập bí tích. Thực vậy, linh mục đã thánh hiến qua lời nói của mình trong tư cách của Đức Kitô ‘in persona Christi loquens’ và nhờ chính lời nói này làm cho bản thể của bành biến thể trở nên Mình Thánh Chúa và bản thể của rượu trở nên Máu Thánh Chúa”[10].

Thành ngữ “in persona Christi” được tái khẳng định từ Công đồng Vaticanô II và được áp dụng nhiều cho các giám mục cũng như các linh mục (x. LM 4). Ở đây chúng ta trích một số đoạn tiêu biểu: “Các giám mục thi hành nhiệm vụ của chính Chúa Kitô là Thầy, Chủ chăn và Linh mục, và hoạt động nhân danh Người một cách cao quý và hữu hình” (GH 21). “Linh mục là hiện thân Chúa Kitô “in persona Christi”, chủ toạ cộng đoàn, đọc những lời kinh trực tiếp dâng lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân thánh và mọi người tham dự” (PV 33). “Linh mục thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô “in persona Christi” cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng” (GH 10; x. 28, LM 2. 12. 13; TG 39).

Sau Công đồng Vaticanô II, giáo huấn này đã được phát triển trong chiều hướng Giáo Hội học. Khởi đi từ “in persona Christi” dần dần dẫn đến “in persona ecclesiae” như đã được trình bày trong SGLHTCG: “Chức tư tế thừa tác không những có nhiệm vụ đóng vai trò Ðức Kitô, Thủ lãnh của Hội Thánh, trước cộng đoàn tín hữu, mà còn hành động nhân danh toàn thể Hội Thánh, khi dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện của Hội Thánh (x. PV 33), nhất là khi cử hành thánh lễ (x. GH 10)” (số 1552)[11].

Còn một thành ngữ khác trong truyền thống Giáo Hội đó là “sacerdos alter Christus”. Thành ngữ này tuy không được Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục đưa vào, nhưng ý nghĩa chung quy vẫn không thay đổi. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thư gửi các linh ngày thứ Năm Tuần Thánh năm 1991 đã nói: ““Sacerdos alter Christus”, là một thành ngữ nhằm diễn tả sự cần thiết khởi đi từ Đức Kitô để đọc ra thực tại linh mục. Chỉ như thế chúng ta mới có thể thích ứng hoàn toàn sự thật về linh mục, người được chọn từ giữa muôn người để tạo ra những điều tốt lành cho con người trong những điều liên quan đến Thiên Chúa”[12].

Nếu mỗi kitô hữu được mời gọi để diễn tả trong đời sống của mình mầu nhiệm của Chúa Kitô thì các linh mục được mời gọi theo cách thế gắt gao hơn: “Do đó, khi đóng vai trò của chính Chúa Kitô theo cách thức của mình, mỗi linh mục cũng nhận được những ơn riêng để trong khi phục vụ dân được trao phó cho ngài và phục vụ toàn thể dân Chúa, ngài có thể dễ dàng theo đuổi sự hoàn thiện của đời sống của Đấng mà mình đóng vai, và để sự yếu đuối của xác thịt loài người được lành mạnh nhờ sự thánh thiện của Đấng vì chúng ta đã trở nên Linh mục Thượng phẩm “thánh thiện, trong sạch, vô tội, tách biệt khỏi các phạm nhân” (Dt 7,26)” (LM 12).

Thành ngữ “sacerdos alter Christus” cũng có thể được áp dụng cho mỗi kitô hữu khi kết hợp chặt chẽ với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Tẩy (x. Gl 3,27) và trở thành “con cái trong Chúa Con”. Cũng áp dụng cho Giáo Hội nữa vì Giáo Hội hành động như một Chúa Kitô khác. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ngỏ lời với các linh mục ở Nepi-Italia ngày 1/5/1988: “Nếu thánh Síprianô đã nói rằng kitô hữu là một “Chúa Kitô khác christianus alter Christus” thì lý do chính yếu cũng có thể nói “linh mục là Chúa Kitô khác sacerdos alter Christus””[13].

Tuy nhiên nhiều nhà thần học hiện nay không thích nói đến thành ngữ này khi nói về chức linh mục. Thực ra nội dung thần học của thành ngữ này không coi linh mục như người thay thế hay một Chúa Kitô bản sao nhưng luôn tôn trọng nội dung thần học về chức tư tế duy nhất của giao ước mới của Chúa Kitô (x. Dt 7,23-25). Linh mục là một con người yếu đuối như bao người, nhưng nhờ tác động của ân sủng, ngài được dự phần vào mầu nhiệm tư tế của Ngôi Lời nhập thể. Vì sự tương đồng bí tích với Đấng Trung Gian duy nhất, Đấng Cứu Độ và là Đầu của Hội Thánh, linh mục kéo dài sứ mạng của Chúa Kitô, là hình ảnh sống động của Ngài như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói với các linh mục tại Manila ngày 28/11/1970: “Các con hãy nhớ rằng các con “per ipsum et cum ipso et in ipso nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài” mỗi người các con là “alter Christus Chúa Kitô khác””[14].

Thực ra thành ngữ ‘sacerdos alter Christus’ đã được tất cả các Đức Giáo Hoàng của thể kỷ XX sử dụng từ Đức Giáo Hoàng Piô X cho đến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã lặp lại nội dung giáo huấn này của các vị tiền nhiệm, ngài nói: “Nếu linh mục là người của Chúa thì ngài là một Đức Kitô khác và là dấu chỉ ngập tràn ân sủng trải dài suốt cuộc đời: ngài là người được tuyển chọn, được yêu quý do lòng thương xót của Chúa. Thiên Chúa đã yêu linh mục bằng một tình cảm đặc biệt”[15]. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã sử dụng thành ngữ “sacerdos alter Christi” lần đầu tiên trong một diễn văn đọc trước các giám mục Argentina ngày 24/9/1979: “Chức linh mục Kitô giáo không có nghĩa lý gì ngoài Chúa Kitô. Giáo huấn truyền thống lặp lại cho chúng ta một cách vững chắc rằng “sacerdos alter Christi” và điều đó không có ý nói một cách tương đồng nhưng nhằm diễn tả Đức Kitô đích thực hiện diện nơi mỗi linh mục và như là linh mục hành động “in persona Christi””[16].

Ý nghĩa chính yếu mà thành ngữ này nhằm diễn tả liên quan đến mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô, vì linh mục nơi căn tính của mình, nên giống Đức Kitô toàn thể, không như một sự thay đổi vị trí của nhân cách, nhưng là một sự cộng tác hài hoà giữa con người cá nhân của linh mục với sự tự do, tình cảm và với chính Chúa Kitô linh mục, làm nên con người linh mục như là dụng cụ và dấu chỉ sự hiện diện Chúa Kitô giữa lòng thế giới[17].

Theo chiều hướng này, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Thư gửi các linh mục nhằm thiết lập Năm Linh Mục đã nói: “Tôi nghĩ đến tất cả các linh mục đang giới thiệu cho các tín hữu kitô và cho toàn thế giới lễ vật khiêm tốn và thường ngày những lời nói và cử chỉ của Chúa Kitô, đang nỗ lực gắn bó với Ngài bằng tư tưởng, ý chí, tình cảm và phong cách của tất cả cuộc sống của họ. Làm sao mà tôi không thể làm nổi bật sự vất vả tông đồ của họ, sự phục vụ dẻo dai và âm thầm của họ, đức ái phổ quát của họ được? Làm sao mà tôi không thể ca ngợi sự trung tín can đảm của biết bao linh mục mà, cho dầu phải đối diện với những khó khăn và những sự thiếu thông hiểu, vẫn trung thành với ơn gọi của mình: ơn gọi “làm bạn của Chúa Kitô”, đã lãnh nhận từ Ngài một ơn gọi đặc biệt, đã được chọn gọi và sai đi ?”[18].

c) Khía cạnh thứ ba trong chiều kích thánh thiêng của chức linh mục đó là mối quan hệ thâm sâu giữa linh mục và Chúa Thánh Thần. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Các linh mục được Thiên Chúa ban ơn sủng để làm thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân và thi hành chức vụ thánh rao giảng Phúc Âm hầu việc dâng hiến muôn dân làm của lễ được chấp nhận và thánh hoá trong Chúa Thánh Thần. Thật vậy, việc loan truyền Phúc Âm của các Tông đồ đã triệu tập và đoàn tụ dân Chúa, để tất cả những ai thuộc về dân này một khi đã được Chúa Thánh Thần thánh hoá, sẽ tự hiến làm “lễ vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1)” (LM 2).

Mối quan hệ mật thiết giữ linh mục và Chúa Thánh Thần là mối quan hệ nội tại được nhắc đến trong các bản văn của Công đồng Vaticanô II, không chỉ trong đời sống thiêng liêng của người linh mục, mà còn lan toả ra tất cả các chiều kích khác nhau trong đời sống và sứ vụ của ngài. Chỉ riêng trong sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Chúa Thánh Thần đã được nhắc đến một cách trực tiếp 14 lần trong 22 số và gián tiếp 34 lần trong các số 2,5-7,12,15-17 và 22. Quả thực chiều kích thánh thiêng liên hệ đến chính căn tính của linh mục, mỗi linh mục được xem như người của Thiên Chúa, hiện thân của Chúa Kitô và dụng cụ của Chúa Thánh Thần trong mối dây liên kết toàn thể với mầu nhiệm Ba Ngôi.

Vì mang chiều kích thánh thiêng như vậy, nên các linh mục được mời gọi sống thánh thiện, vì qua đời sống thánh thiện của các ngài, hình ảnh linh mục mới được bộc lộ một cách trọn vẹn. Đời sống thánh thiện cũng chính là thực thi các lời khuyên Phúc Âm như Tông huấn Pastores dabo vobis khẳng định: “Những lời khuyên Phúc Âm khác nhau mà Chúa Giêsu đã đề nghị trong bài giảng trên núi là cách diễn tả đặc biệt tính triệt để Tin Mừng. Trong những lời khuyên được phối kết mật thiết với nhau, có đức vâng phục, trong sạch và nghèo khó. Linh mục được mời gọi sống các lời khuyên ấy theo thể thức, và hơn nữa, theo mục đích và ý nghĩa nguyên thủy, như chúng phát xuất từ căn tính linh mục và biểu lộ căn tính ấy” (số 27).

Cha thánh Gioan Maria Vianney cũng nêu gương cho các linh mục trong việc thực thi 3 lời khuyên Phúc Âm như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã khẳng định: “Cha Sở họ Ars đã biết sống “các lời khuyên Phúc Âm theo những hình thái thích ứng với hoàn cảnh linh mục của ngài. Quả thế, đức khó nghèo nơi ngài không phải là đức khó nghèo của một tu sĩ hay của một đan sĩ, nhưng là đức khó nghèo được đòi hỏi nơi một linh mục […]. Bởi thế, vào cuối đời, ngài đã có thể khẳng định bằng một sự thanh thản hoàn toàn: “Tôi không có gì nữa, Thiên Chúa nhân từ có thể kêu gọi tôi khi Ngài muốn”. Đức khiết tịnh của ngài cũng là đức khiết tịnh được đòi hỏi đối với một linh mục vì thừa tác vụ của họ. Người ta có thể nói rằng nó hệ tại đức khiết tịnh cần thiết cho người mà phải thường ngày chạm đến Thánh Thể và chiêm ngắm Thánh Thể với tất cả sự sốt mến của tâm hồn và, bằng cũng chính lòng sốt sắng, trao ban Thánh Thể cho các tín hữu. Người ta đã nói về ngài rằng “đức khiết tinh chiếu sáng nơi cái nhìn của ngài”, và các tín hữu nhận thấy điều đó khi ngài hướng về nhà tạm với cái nhìn của một người đang yêu. Cũng thế, đức vâng lời của thánh Gioan Maria Vianney hoàn toàn nhập thể trong sự gắn bó của ngài với mọi đau khổ gắn liền với những đòi hỏi thường ngày của thừa tác vụ”[19].

Để sống đời linh mục thánh thiện, linh mục được mời gọi vươn mình tới chiều kích thần bí được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện.

2. Chiều kích thần bí được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện

Ngày 30/6/1968, trong Sứ điệp gửi tất cả các linh mục trong Hội Thánh Công Giáo, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nêu lên chiều kích này. Đây là một chiều kích nội tâm được liên kết với chiều kích thánh thiện nhằm đưa linh mục đi vào thế giới nội tâm phong phú. Trong thế giới ấy, tâm hồn được liên kết với Thiên Chúa trong các trạng thái khác nhau. Đó cũng chính là đời sống cầu nguyện, vì linh mục là người của phụng tự, của bàn thờ, của hy tế và thánh thiện. Việc giảm bớt đời sống cầu nguyện được xem như là một hành vi tiêu cực trong đời sống linh mục.

Sau Công đồng Vaticanô II đã xảy ra một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong hàng ngũ linh mục, xét cho cùng cũng là do mối dây liên kết với Chúa bị xao lãng vì thiếu cầu nguyện. Thiếu đời sống cầu nguyện linh mục sẽ dễ dàng dẫn đến những hành vi sai lầm và tăm tối như lời Đức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ đã nhận định: “Thật buồn vì có một số linh mục đôi khi đã bị dính líu vào những vấn đề nghiêm trọng và những hoàn cảnh không may”[20]. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Đời sống cầu nguyện thể hiện điểm đặc trưng căn bản của chức linh mục: không có cầu nguyện, điểm đặc trưng ấy bị biến dạng. Cầu nguyện luôn giúp tìm ra ánh sáng dẫn đến ơn gọi từ lúc khởi đầu, nếu không sẽ có thể dẫn đến mất đi ơn gọi và lạc trong bóng tối”[21].

Công đồng Vaticanô II nhiều lần đã nhắc đến hình ảnh linh mục như con người của cầu nguyện: “Linh mục có bổn phận dâng kinh nguyện và lễ vật cho dân ngài và toàn thể Dân Thiên Chúa, các ngài phải ý thức điều các ngài làm và sống xứng đáng hợp với những điều các ngài cử hành. Các linh mục phải vượt qua những lo lắng tông đồ, những nguy hiểm và thử thách mà không để chúng trở thành những chướng ngại, hầu tiến xa hơn trên đường thánh thiện nhờ biết nuôi dưỡng và củng cố hoạt động của mình bằng việc chiêm niệm dồi dào. Như thế, các ngài sẽ mang lại niềm hoan hỷ cho toàn thể Giáo Hội Chúa” (GH 41).

Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục giới thiệu linh mục như là nhà giáo dục về đời sống cầu nguyện cho cá nhân và cộng đoàn: “các ngài còn dạy họ tham dự những buổi cử hành Phụng vụ thánh, để trong các nghi lễ đó họ biết cầu nguyện chân thành; tùy theo ân sủng và nhu cầu của mỗi người các ngài hướng dẫn họ thực thi tinh thần cầu nguyện mỗi ngày thêm hoàn hảo trong suốt đời sống; các ngài khuyến khích mọi người chu toàn nhiệm vụ đấng bậc mình; còn đối với những ai hoàn thiện hơn, các ngài khích lệ họ biết thực thi những lời khuyên Phúc Âm hợp với mỗi người. Cũng thế các ngài dạy tín hữu biết dùng thánh thi và thánh ca mà chúc tụng Thiên Chúa trong lòng, biết nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mà luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha vì mọi ơn lành” (LM 5). Các linh mục còn phải biết nội tâm hoá lời rao giảng nhờ việc đọc lời Chúa, đón nhận, suy niệm và cầu nguyện đồng thời liên kết cách mật thiết với Chúa Kitô cách đặc biệt hơn khi cử hành Bí tích Thánh Thể (LM 13. 18). Chiều kích thần bí trong đời sống linh mục luôn là mời gọi liên lỉ để lượng định và thẩm định tư cách người linh mục. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói: “Trung thành hay bê trễ việc cầu nguyện là khuôn mẫu của một đời sống đạo đức tràn đầy sức sống hay bê tha tàn tạ”[22].

“Để có thể thi hành chức năng tiên tri, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, nói về Tình Yêu và Sự Sống của Thiên Chúa, linh mục cần phải không ngừng tiếp xúc với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện. Không ai có thể nói về Thiên Chúa cách chân thật và đúng đắn, nếu trước đó đã không nói với thiên Chúa. Linh mục cũng không được phép quên rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của tư tế là không ngừng cầu khẩn cho Dân Chúa. Chỉ khi nào linh mục biết cầu nguyện cho những người mình phục vụ, bấy giờ thừa tác vụ của linh mục mới thật là phong phú, vì đích thực là thừa tác vụ của Thần Khí. Linh mục còn là thầy dạy cầu nguyện, điều mà linh mục không thể làm được nếu không có chút kinh nghiệm. Đối với bất cứ người Kitô hữu nào, cầu nguyện đều là hô hấp thiêng liêng, hít thở Thần Khí. Điều đó còn quan trọng hơn đối với linh mục, vì nếu thiếu Thần Khí thừa tác vụ của linh mục không thể mang lại sự sống”[23].

3. Chiều kích Thánh Thể

Nếu Thánh Thể là fons et culmen – suối nguồn và tuyệt đỉnh của tất cả đời sống kitô hữu, bí tích làm nên Giáo Hội, Giáo Hội phát triển và sống nhờ đó (x. GH 11; LM 5; PV 10), thì đời sống của linh mục cũng là một đời sống của Thánh Thể. Linh mục là người của Thánh Thể. Chiều kích Thánh Thể được đặt giữa chiều kích Kitô học và chiều kích Giáo Hội học làm nên tác vụ và đời sống linh mục, “do đó Hy tế Thánh Thể là trung tâm và là cội rễ của toàn thể đời sống linh mục, cho nên linh mục phải cố gắng thực hiện trong tâm tư điều mình đã làm trên bàn tế lễ” (LM 14).

Thánh Têrêxa thành Siena nói rằng các linh mục là các thừa tác viên của Mặt Trời, chiếu toả từ các tia sáng của mầu nhiệm Đức Kitô, cách đặc biệt nơi bí tích Thánh Thể, Mặt Trời của Giáo Hội. Tuy nhiên linh mục thường bị cám dỗ, trong tiềm thức và ngay cả trong thực hành, đặt nặng vai trò của cá nhân mình trong khi thi hành thừa tác vụ của Bí tích Thánh Thể. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã nhắc các linh mục như sau: “Vì thế buộc các linh mục phải ý thức rằng, trong tất cả thừa tác vụ của mình, không bao giờ được tự xem mình hay ý kiến của mình đứng hàng đầu, nhưng phải là chính Đức Giêsu Kitô. Mỗi cố gắng làm cho mình trở thành chủ chốt của hành vi phượng tự đều đi ngược với căn tính của linh mục. Vị chủ tế trước tiên phải là người phục vụ và phải luôn cố gắng trở thành dấu chỉ và khí cụ được Đức Kitô sử dụng, để luôn hướng về Người. Điều này chỉ được biểu lộ rõ ràng trong sự khiêm tốn khi cử hành phụng vụ, vâng theo các nghi thức, tập trung tâm tình và trí tuệ vào nghi thức, cố gắng loại bỏ tất cả những gì tạo ra cảm tưởng đó là sáng kiến cá nhân. Vì thế tôi khuyên hàng giáo sĩ phải ý thức sâu xa rằng thừa tác vụ Bí tích Thánh Thể là một phục vụ thật khiêm tốn dành cho Đức Giêsu Kitô và cho Hội Thánh của Người. Như thánh Augustinô nói, chức tư tế là thừa tác vụ của tình yêu (amoris officium); đó là thừa tác vụ của vị mục tử nhân lành, dám hiến mạng sống mình vì đàn chiên (Ga 10,14-15)”[24].

Quả thực bí tích Thánh Thể và chức linh mục có mối liên hệ mật thiết vì chức linh mục bắt nguồn từ Thánh Thể được thiết lập vào bữa ăn cuối của Chúa trước khi chịu nạn: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Vì thế mỗi lần cử hành hy tế trên bàn thờ là mỗi lần tái xác nhận hồng ân của bí tích truyền chức. Các linh mục có nguồn gốc nơi bí tích này, nhờ việc giám mục đặt tay để cử hành Thánh Thể, trong tác động của Chúa Thánh Thần để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Linh mục, Đầu của Thân thể Ngài là Hội Thánh. Từ nguồn gốc, các linh mục được sinh ra từ Thánh Thể như là trung tâm điểm của chức linh mục. Trong bí tích Thánh Thể, chức linh mục thừa tác được thể hiện như là hành động quy hướng về Chúa Cha, thực thi chức năng của chính Chúa Kitô và được thể hiện nhờ đặc sủng của Chúa Thánh Thần để sinh ơn ích cho toàn thể Giáo Hội. Ngoài ra, chức linh mục bảo đảm và duy trì Thánh Thể và nhờ đó ân sủng và tình yêu của Chúa Kitô được thể hiện trong lịch sử nhân loại; đồng thời nhân loại, qua tác vụ linh mục trở nên dân tộc tư tế để dâng các hy tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô (x. Rm 15,16). Vì lý do đó, Thánh Thể được nên trọn vẹn nơi chức linh mục (x. PV 7, GH 28, LM 2, TG 39). Nếu khẳng định rằng chức linh mục duy trì bí tích Thánh Thể, thì đồng thời bí tích Thánh Thể cũng duy trì cho chức linh mục được kéo dài trong lịch sử qua các thời đại. Thánh Thể là “mô thức” của đời sống linh mục được thể hiện cách đặc biệt khi linh mục cử hành Thánh Lễ: “Công việc cứu chuộc được liên tục thực hiện trong mầu nhiệm Hy tế Thánh Thể, trong đó các linh mục chu toàn chức vụ trọng yếu nhất của mình […]. Như vậy, trong khi liên kết với hành động của Chúa Kitô Linh mục, hằng ngày các linh mục tự hiến toàn thân cho Chúa, và trong khi được Mình Chúa Kitô bổ dưỡng, tự thâm tâm mình, các ngài tham dự vào tình yêu của Đấng đã tự hiến làm lương thực nuôi các tín hữu” (LM 13).

Mẫu gương của Thánh Gioan Maria Vianney về lòng yêu mến Thánh Thể được Đức Giáo Hoàng đề cao trong lá Thư gửi các linh mục để thiết lập Năm Linh Mục: “Theo mẫu gương của ngài, các giáo dân đã học cầu nguyện, tự nguyện dừng lại trước nhà tạm để viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. “Cha Sở đã giải thích cho họ: chúng ta không cần phải nói nhiều để cầu nguyện tốt. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa nhân lành hiện diện ở đó, trong Nhà Tạm thánh; chúng ta mở rộng tâm hồn cho Ngài; chúng ta vui thích trước sự hiện diện của Ngài. Việc cầu nguyện đó là việc cầu nguyện tốt nhất”. Và ngài đã khuyến khích họ: “Hãy đến rước lễ, hãy đến với Chúa Giêsu, đến sống nhờ Ngài, để sống cho Ngài”. “Quả thật, anh chị em không xứng đáng với Ngài, nhưng anh chị em cần đến Ngài!”. Việc giáo dục các giáo dân trước sự hiện diện Thánh Thể và rước lễ mặc lấy một hiệu quả hoàn toàn đặc biệt, khi các giáo dân thấy ngài cử hành hy tế Thánh lễ. Những người tham dự đã nói “rằng về điểm này không thể thấy một khuôn mặt mà diễn tả sự thờ lạy… Ngài chiêm ngắm Mình Thánh với lòng yêu mến biết bao”. Ngài nói: “Tất cả các công việc tốt lành hợp lại không tương đương được với hy tế thánh lễ, bởi vì chúng là những công trình của con người, và thánh lễ là công trình của Thiên Chúa”. Ngài xác tín rằng tất cả sự nhiệt tâm của đời sống của một linh mục tùy thuộc vào Thánh lễ: “Nguyên nhân sự buông thả nơi linh mục, đó là người ta không chú tâm đến thánh lễ! Than ôi! Lạy Thiên Chúa của con! Linh mục thật đáng thương biết bao khi ngài thực thi điều đó như là một điều tầm thường!”. Và khi cử hành thánh lễ, ngài đã có thói quen luôn dâng hy tế của cuộc sống của ngài: “Ô! vào mọi buổi sáng, ước gì linh mục hiến dâng mình cho Thiên Chúa như là hy lễ””[25].

4. Chiều kích tông đồ

Chiều kích tông đồ trong đời sống linh mục tức là hoạt động tông đồ hay sứ mạng và tác vụ của ngài như Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục đã nói: “Việc thi hành chức vụ của các linh mục bắt đầu bằng việc rao giảng Phúc Âm, múc lấy sức mạnh và năng lực từ hy tế Chúa Kitô” (LM 2). Linh mục là người như bao người khác, nhưng từ khi được thánh hiến cho Chúa trong cộng đoàn Hội Thánh, ngài không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Chúa và cộng đoàn mà ngài được sai đến phục vụ (sacerdos pro populo): “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Dt 5,1)[26].

Thực ra chiều kích tông đồ của linh mục chính là tiếp nối sứ mạng của các tông đồ. Đó là công việc mà Chúa Kitô đã khởi đầu. Linh mục, qua việc đặt tay và được thông chia sứ mạng với Đức Giám mục, tiếp nối công việc của các thánh tông đồ, được chia sẻ đời sống với Chúa Kitô (x. Mc 3,14; Ga 15,27) và trở nên những người thân tín nhất của Ngài (x. Ga 15,9-15), trở nên những nhà lãnh đạo theo gót vị Mục tử Nhân lành qua đời sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Vì thế chiều kích tông đồ của linh mục chính là ơn gọi và sứ mạng của ngài. Ơn gọi và sứ mạng đó đến từ tình yêu và cho một tình yêu cao vời (x. Mt 19,27). Ơn gọi và sứ mạng đó được đặt trong mối tương quan với Chúa Cha của Chúa Kitô, để chia sẻ đời sống và sứ mạng với Ngài (x. Ga 1,35-46, 1 Ga 1,1t; Ga 15,26-27). Chính vì thế linh mục được tham dự vào chính đời sống và sứ mạng của Chúa Kitô (x. Ga 17,18; 20,21).

Sứ mạng đó được thể hiện một cách cụ thể qua việc rao giảng và chữa lành, loan báo ơn sám hối và ơn tha tội (x. Mt 10,5-42; Mc 6,7-13; Lc 10,1-10). Sứ mạng này được tóm tắt trong mối dây liên kết bộ ba: giảng dạy, làm phép rửa và hướng dẫn (x. Mt 28,19-20; Mc 16,15-20; Lc 24,45-49). Theo các bản văn Thánh Kinh trên, Chúa Giêsu đã thiết lập và thông truyền sứ mạng cho các tông đồ qua các bước, các giai đoạn khác nhau: chọn lựa, sai đi, thiết lập bí tích Thánh Thể và chức vụ linh mục, thiết lập Bí tích Giao Hoà và thông ban Chúa Thánh Thần.

Công đồng Vaticanô II đã tóm lược các giai đoạn khác nhau ấy như sau: “Chúa Giêsu, sau khi cầu nguyện lâu giờ cùng Chúa Cha, đã gọi đến với mình những kẻ Người tuyển chọn và đã thiết lập nhóm mười hai để họ chung sống với Người, và sai họ đi rao giảng nước Thiên Chúa; Người tổ chức các tông đồ này theo cách thức một cộng đoàn, nghĩa là một nhóm người kiên vững và Phêrô được chọn làm đầu. Người sai họ đến với con cái Israel trước tiên, rồi đến với tất cả các dân […]. Ngày lễ Hiện Xuống, các ngài được hoàn toàn kiên vững trong sứ mệnh này” (GH 19).

Qua việc đặt tay trong Bí tích Truyền Chức, các linh mục nhận được sứ mạng của các tông đồ: “Để hợp thành một thân thể duy nhất, trong đó “mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng” (Rm 12,4), chính Chúa đã cắt đặt giữa các tín hữu một số thừa tác viên, nhờ chức thánh, họ được trao quyền tế lễ và tha tội trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Chúa Kitô, họ chính thức thi hành chức vụ linh mục giữa loài người. Bởi vậy, Chúa Kitô đã sai các tông đồ như chính Người được Chúa Cha sai, và rồi qua các tông đồ, Người đã làm cho các đấng kế vị là các giám mục cũng được tham dự việc thánh hiến và sứ mệnh của Người, Người lại trao ban cho các linh mục chức vụ thừa hành này ở một cấp độ tuỳ thuộc, để một khi đã gia nhập hàng linh mục, họ là những cộng tác viên của hàng giám mục, chu toàn một cách tốt đẹp sứ mệnh tông đồ của Chúa Kitô trao phó” (LM 2; x. GH 28). Vì thế, sứ mạng của các linh mục là tham dự vào chức năng mục tử của Chúa Kitô và cùng được chia sẻ với Ngài trong đức ái mục vụ và đó chính là linh đạo của vị linh mục.

Hơn thế nữa, chiều kích tông đồ làm nên căn tính của linh mục. Quả thực, các tông đồ, kế tiếp là các giám mục và các linh mục được Chúa Kitô mời gọi bước vào đời sống thánh thiện và đời sống hiệp thông huynh đệ để truyền giáo, làm việc tông đồ, một đời sống theo sát Đức Kitô, được chia sẻ vận mạng của Chúa Giêsu. Đó chính là nền tảng chính của một đời sống chứng tá Tin Mừng. Thực ra mỗi kitô hữu đều được mời gọi chia sẻ đời sống với Chúa Kitô, đời sống ấy được kéo dài trong Hội Thánh, nơi mỗi cộng đoàn địa phương trong mỗi giai đoạn khác nhau của lịch sử, nhưng các linh mục lại là dấu chỉ và là hình ảnh sống động của người mục tử, được chia sẻ ở cách thức đặc biệt hơn, nhằm kéo dài theo dòng lịch sử ơn cứu độ của Chúa trong chính đời sống và kinh nghiệm về đức ái mục vụ.

Linh mục là dấu chỉ của vị mục tử nhân lành Giêsu trong hoàn cảnh xã hội và lịch sử khác nhau, được chia sẻ với Giáo Hội trong những niềm vui và những trăn trở của công cuộc loan báo Tin Mừng. Hoàn cảnh xã hội hiện nay đã làm phát sinh nhiều cuộc khủng hoảng ơn gọi, đặc biệt là ơn gọi linh mục với những ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này rất rõ nơi các nước Âu Mỹ. Thực vậy, hoàn cảnh xã hội đổi thay đã đưa đến hậu quả một lối sống thay đổi của linh mục. Nhưng những thách đố lớn lao của xã hội cũng là cơ hội tốt giúp canh tân đời sống linh mục nhờ việc đào sâu ơn gọi tông đồ nơi các thánh tông đồ và đời sống tông đồ của các linh mục. Đó là một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và các giá trị đích thực mà Chúa Kitô đưa ra, nhất là hình ảnh của Vị Mục tử Nhân lành, người đã gọi những kẻ mà Người muốn (Mc 3,13; x. Ga 13,18; 15,16) để họ được tham dự vào chính đời sống của Người. Lời mời gọi theo Chúa Kitô là một lời mời gọi liên lỉ trong suốt đời sống và được canh tân trong mỗi hoàn cảnh sống của cá nhân vị linh mục và của tập thể các linh mục (x. Ga 1,43; Mt 4,19; 9,9; Mc 10,21), đó là một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và sứ mạng truyền giáo (x. Mc 3,13-14).

Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục cho thấy linh mục gần gũi với thế gian mà các ngài được sai đến như là những nhà truyền giáo. Các ngài không thể phục vụ nhân loại nếu lại sống xa cuộc sống và những hoàn cảnh của nhân loại. Ở giữa thế gian, các linh mục làm chứng và ban tặng đời sống đích thực của Chúa Kitô mà thế gian không có (x. LM 3). Các ngài ở giữa thế gian với lời mời gọi mọi người hãy vươn ra khỏi những ràng buộc của thế gian (x. Ga 17,14). Nếu chiều kích thánh thiêng trong cuộc đời linh mục kết hợp với chiều kích thần bí là mối tương quan với Chúa thì chiều kích tông đồ là chiều kích hàng ngang trong tương quan với những người đồng loại. Công đồng Vaticanô nhắc các vị mục tử “phải đặc biệt chăm sóc những người nghèo khổ và yếu đuối […] các thanh thiếu niên, ngay cả những người đã có đôi bạn và những bậc phụ huynh […] đừng quên các tu sĩ nam nữ […] các người yếu đau và hấp hối” (LM 6); “những người di cư, dân lưu đày, tị nạn, những người đi biển, du cư, nhân viên hàng không, người du lịch” (GM 18); “các ngài phải đặc biệt chăm sóc đến những kẻ đã xao lãng việc lãnh nhận các bí tích, và những kẻ có lẽ đã mất đức tin, như những người chăn chiên nhân lành, các ngài đừng quên lui tới thăm nom họ” (LM 9).

Trong khi thi hành việc chăm sóc mục vụ với bao khó khăn vất vả, các linh mục còn được mời gọi đi xa hơn nữa: “Các ngài gây niềm hy vọng vững vàng cho các tín hữu của mình, để nhờ chính sự khích lệ mà Thiên Chúa đã khích lệ các ngài, các ngài có thể an ủi họ trong mọi cơn thử thách, là những vị hướng dẫn cộng đoàn, các ngài thực hành việc khổ chế riêng biệt của vị chăn dắt các linh hồn: từ bỏ những tiện nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi nhưng tìm lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi, luôn tiến bộ hơn trong việc chu toàn hoạt động mục vụ cách hoàn hảo hơn và khi cần, các ngài sẵn sàng đi vào những con đường mục vụ mới mẻ, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần tình yêu, Đấng thổi nơi nào Ngài muốn” (LM 13)[27].

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong buổi triều kiến chung sáng 1/7/2009 đã nói: “Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng bí tích bàn thờ và “bí tích của người anh em” hay “bí tích của người nghèo” nói lên hai khía cạnh của cùng một mầu nhiệm. Tình thương đối với người thân cận, việc chú tâm đến công bình và đến người nghèo không chỉ là những chủ đề luân lý xã hội, đúng hơn là phương thức diễn tả ra quan niệm bí tích của luân lý Kitô giáo, bởi vì, qua thừa tác vụ của các linh mục, mà việc hiến tế thiêng liêng tất cả các tín hữu, hiệp nhất với hiến tế của Chúa Kitô, Đấng Trung gian duy nhất được thực hiện. Đó là lễ hiến tế mà các linh mục tiến dâng một cách không đổ máu và mang tính bí tích, đang lúc mong đợi ngày Chúa đến. Đây là chiều kích chính yếu, sứ mạng và năng lực căn bản của căn tính và sứ vụ linh mục: qua việc loan báo Tin Mừng sẽ nảy sinh đức tin cho những ai còn chưa tin, vì họ được liên kết giữa hiến tế của mình với hiến tế của Chúa Kitô hầu mang lại tình yêu cho Chúa và tha nhân”[28].

5. Chiều kích Giáo Hội

Linh mục không là người đơn lẻ, nhưng là thành phần trong thân thể được sắp đặt trong Giáo Hội: Giáo Hội hoàn vũ, giáo phận, giáo xứ. Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục làm nổi bật các mối dây liên hệ giữa linh mục và các thành phần khác nhau trong Giáo Hội, qua đó cho thấy ý nghĩa Giáo Hội sensus ecclesiae của tác vụ linh mục. Các mối dây liên hệ ấy có thể được kể ra: giữa linh mục và giám mục (LM 7), giữa linh mục với anh em linh mục (LM 8), với giáo dân (LM 9) và với những người ở ngoài Giáo Hội (LM 10). Vì thế, mỗi linh mục phải hành xử tác vụ của mình trong sự hiệp thông mang tính phẩm trật với giám mục và hài hoà với tất cả mọi thành phần dân Chúa (LM 12. 15). Đó là mối quan hệ mang tính hiệp thông giữa cá nhân linh mục với toàn thể Giáo Hội. Linh mục là người của hiệp thông, nên ngài cũng là người đại diện của Giáo Hội.

Linh mục có được mối dây liên kết với Giáo Hội là nhờ một đời sống thánh thiện của chính Giáo Hội như trong Tông huấn Pastores dabo vobis, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Đời sống thiêng liêng chân thật của Kitô hữu cũng như của linh mục đạt được một kinh nghiệm và chiều kích Giáo Hội bền vững nhờ việc tham dự vào chính sự thánh thiện của Giáo Hội mà trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng “các thánh cùng thông công”. Sự thánh thiện của Kitô hữu bắt nguồn từ chính sự thánh thiện của Giáo Hội, bộc lộ và đồng thời làm phong phú Giáo Hội. Chiều kích Giáo Hội này bao trùm đường hướng, mục đích và ý nghĩa đặc biệt trong đời sống thiêng liêng của linh mục, nhờ mối quan hệ thâm sâu với Giáo Hội, luôn khởi đi từ việc nên giống Chúa Kitô, Đầu và Mục tử; do tác vụ đã nhận được và từ đức bác ái mục vụ” (PDV 31). “Sự trao hiến chính mình, cội rễ và chóp đỉnh của đức ái mục vụ nhằm đối tượng là Giáo Hội. Điều này ứng dụng cho Đức Kitô: “Đấng đã yêu mến Giáo Hội và đã nộp mình cho Giáo Hội”. Linh mục cũng phải làm như vậy. Với đức ái mục vụ thấm nhuần vào việc thực thi thừa tác vụ linh mục như một “tác vụ tình yêu”, linh mục một khi đón nhận ơn gọi thi hành tác vụ, có nhiệm vụ làm cho ơn gọi ấy trở thành một lựa chọn do tình yêu, nhờ đó Giáo Hội và các linh hồn trở thành mối lợi chính yếu của linh mục. Sống đường thiêng liêng ấy một cách cụ thể, linh mục sẽ có khả năng yêu mến Giáo Hội phổ quát và thành phần Giáo Hội được giao phó cho mình, với tất cả sự nồng nhiệt của một hôn phu đối với hôn thê của mình” (PDV 22).

Đức Phaolô VI đã kết thúc Sứ điệp gửi các linh mục cũng với lời gọi yêu mến Giáo Hội: “Chúng ta hãy trợ giúp Giáo Hội nhờ sự cộng tác và sự kiên tâm của chúng ta. Các con hãy tin tưởng nơi Giáo Hội. Các con hãy yêu mến Giáo Hội. Yêu Giáo Hội chính là yêu mến Chúa Kitô. Các con hãy yêu mến Giáo Hội cả trong những giới hạn và những khiếm khuyết của Giáo Hội. Không vì những giới hạn và những khiếm khuyết thậm chí ngay cả những lỗi lầm, mà vì chỉ khi yêu mến Giáo Hội chúng ta mới có thể sửa chữa được những khiếm khuyết ấy để có thể làm rực sáng vẻ huy hoàng xinh đẹp của Hiền Thê Chúa Kitô. Giáo Hội sẽ giải thoát thế giới, Giáo Hội hôm nay cũng như hôm qua và ngày mai, luôn tồn tại nhờ tác động Chúa Thánh Thần và sự cộng tác của tất cả các con cái đích thực của Giáo Hội, nhờ sự canh tân đổi mới, nhờ có câu trả lời mới cho những nhu cầu luôn luôn mới mẻ”[29].

6. Chiều kích truyền giáo

Chiều kích này phát xuất từ chiều kích tông đồ và chiều kích Giáo Hội, như lời mời gọi của Chúa Kitô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Thành ngữ “khắp tứ phương thiên hạ” và “mọi loài thọ tạo” cho thấy việc truyền giáo là công việc của mọi thời, mọi nơi, bất cứ nơi đâu có con người. Đó cũng chính là bản chất ơn gọi tông đồ của các linh mục. Chiều kích truyền giáo được nhắc đến cách đặc biệt trong Tông huấn sứ mạng Đấng Cứu Thế Redemptoris Missio của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ra ngày 7/12/1990 nhân dịp mừng 25 năm công bố Sắc lệnh về hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes của Công đồng Vaticanô II. Tông huấn này như phần hậu kết của một tiến trình dài đào sâu khía cạnh truyền giáo của Giáo Hội trong thời kỳ cuối cùng của lịch sử.

“Tất cả mọi linh mục phải có tâm hồn và ý thức truyền giáo, mở lòng ra trước các nhu cầu của Giáo Hội cũng như của thế giới, chú ý đến những người xa xôi nhất, đặc biệt là với các nhóm người ngoài Kitô giáo trong miền của mình. Họ phải mang trong lòng mình, trong lời cầu nguyện, nhất là ở Hy tế Thánh Thể, mối quan tâm của toàn thể Giáo Hội đối với tất cả nhân loại. Ðặc biệt ở những miền Kitô hữu chỉ là một thiểu số thì các linh mục cần phải đầy nhiệt tình và dấn thân truyền giáo hơn nữa. Chúa ủy thác cho họ chẳng những việc mục vụ chăm sóc cộng đồng kitô hữu, mà còn và trên hết việc truyền bá Phúc Âm hoá cho đồng bào của họ là thành phần không thuộc về đàn chiên của Chúa Kitô. Các linh mục sẽ “không ngừng làm cho mình lúc nào cũng sẵn sàng đối với Chúa Thánh Thần cũng như đối với vị giám mục để được sai đi rao giảng Phúc Âm ở ngoài biên cương đất nước của họ. Ðiều này chẳng những đòi hỏi họ phải trưởng thành trong ơn gọi của họ, mà còn đòi họ phải đặc biệt sẵn sàng tách lìa quê hương, văn hoá và gia đình của mình, cũng như đòi họ phải có một khả năng đặc biệt để thích nghi với những văn hoá khác, tỏ ra hiểu biết và tôn trọng những nền văn hoá ấy””[30].

Công đồng Vaticanô II đã khảo sát sâu sắc về bản tính của Giáo Hội trong ý nghĩa và trách vụ truyền giáo: “Vì tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo” (TG 2). Hiến chế Tín lý về Giáo Hội nhắc nhở bổn phận của các vị chủ chăn cộng tác với nhau xung quanh Đức Giáo Hoàng để lo việc truyền giáo (GH 23; x. TG 38). Nhiệm vụ ấy cũng bao hàm mọi thành phần dân Chúa (GH 17; TG 7. 37), cách riêng của mỗi giáo phận (TG 38-39). Đối với các linh mục, dựa trên khía cạnh thần học và khía cạnh Giáo Hội học, phải đặc biệt quan tâm đến việc truyền giáo:

“Ân huệ thiêng liêng mà các linh mục đã nhận lãnh trong khi chịu chức, chuẩn bị cho các ngài không phải cho một sứ mạng giới hạn và thu hẹp nào đó, nhưng cho một sứ mạng cứu rỗi rất rộng lớn và bao quát mà Chúa Kitô đã trao phó cho các tông đồ. Thực vậy, chức linh mục của Chúa Kitô mà các linh mục được tham dự, cần phải hướng về mọi dân nước và mọi thời đại, không bị hạn chế bởi một ranh giới, một dân tộc hay một thời đại nào, như đã được tiên trưng cách huyền nhiệm trong hình ảnh Melchisêđê. Do đó các linh mục phải để tâm lo lắng cho tất cả các giáo hội” (LM 10).

Trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thấy trước một thế giới bị tục hoá và khủng hoảng về bậc thang giá trị, ngài nhắc các linh mục đặt công tác truyền giáo vào một vị thế đặc biệt ưu tiên: “việc truyền giáo là do sự cấu thành đặc biệt của nhiệm vụ tư tế và là một nền tảng thống nhất giữa hằng ngàn mối bận tâm lo lắng thúc đẩy chúng ta trong suốt cuộc đời […]. Đó là nhiệm vụ thuộc căn tính chúng ta mà không bị bất cứ một sự hồ nghi nào gây phương hại” (số 68). Đối với môi trường châu Á và cụ thể đối với hoàn cảnh Việt Nam chúng ta, những lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cần được các linh mục quan tâm và tìm ra những phương cách thích hợp để mau mắn đem tin vui bình an đến cho các anh chị em sống quanh chúng ta:

“Liên kết với các giám mục trong công việc loan báo Tin Mừng, các linh mục được kêu gọi, qua việc truyền chức, trở nên mục tử của đoàn chiên, người rao giảng Tin Mừng cứu độ và thừa tác viên các bí tích. Để phục vụ Giáo Hội như Đức Kitô muốn, các giám mục và linh mục cần được đào tạo vững chắc và liên tục, sự đào tạo đó sẽ cung cấp những thuận lợi để canh tân về mặt nhân bản, thiêng liêng và mục vụ, cũng như liệu cho có các khoá thần học, thiêng liêng và các khoa học nhân văn. Dân chúng tại châu Á cần khám phá nơi hàng giáo sĩ không chỉ là những người chuyên lo việc bác ái hoặc những người quản trị cơ chế, nhưng những con người mà tâm trí hướng về những gì thâm sâu của Thần Khí (x. Rm 8,5). Lòng tôn kính mà các dân tộc châu Á dành cho những người nắm giữ quyền bính, cần đi đôi với sự liêm chính đạo đức rõ nét nơi những người có trách nhiệm thừa tác trong Giáo Hội. Nhờ có đời sống cầu nguyện, sự nhiệt thành phục vụ và cách sống gương mẫu, hàng giáo sĩ làm chứng hùng hồn cho Tin Mừng trong các cộng đoàn họ chăn dắt nhân danh Đức Kitô. Tôi thiết tha cầu nguyện để những thừa tác viên có chức thánh của Giáo hội tại châu Á sống và làm việc trong một tinh thần hiệp thông và cộng tác với các giám mục và mọi tín hữu, bằng cách làm chứng cho tình yêu mà Đức Giêsu đã công bố là dấu chỉ đích thực các môn đệ Người (x. Ga 13,35)”[31].

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô cũng mời gọi các linh mục nhiệt thành trong việc truyền giáo noi theo những tấm gương sáng ngời của lớp linh mục đi trước:

“Phần anh em, quí linh mục thân mến, thành phần cộng tác viên đệ nhất của những vị giám mục, hãy trở nên những vị mục tử quảng đại và những nhà truyền bá phúc âm hóa nhiệt thành! Nhiều người trong anh em ở những thập niên qua đã đến những miền truyền giáo theo tiếng gọi của Thông điệp Fidei Donum mà chúng ta mới cử hành mừng kỷ niệm 50 năm, và là bức thông điệp được vị tiền nhiệm khả kính của tôi là Tôi tớ Chúa Piô XII, đẩy mạnh việc hợp tác giữa các Giáo Hội. Tôi tin tưởng rằng việc hăng say truyền giáo này ở nơi các Giáo Hội địa phương sẽ không bị hụt hẫng, cho dù thiếu thốn hàng giáo sĩ đang gây khó khăn cho nhiều giáo hội”[32].

7. Chiều kích Thánh Mẫu

Chiều kích này phát xuất từ chiều kích Giáo Hội. Việc sùng kính Đức Maria trong đời sống linh mục vẫn được truyền thống Giáo Hội coi trọng. Có thể dễ dàng nhận ra trong phần kết các tài liệu của huấn quyền. Chiều kích Thánh Mẫu được đặt trong lược đồ Kitô học và Giáo Hội học như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Sự hiểu biết giáo lý Công Giáo chân thật về Đức Trinh Nữ Maria, sẽ luôn là sự trợ giúp có hiệu quả để hiểu biết chính xác mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo Hội”[33]. Mấu chốt này cũng giúp hiểu rõ về căn tính và sứ vụ linh mục. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Các linh mục phải lấy lòng con thảo thành kính, tôn sùng và yêu mến Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Linh mục Thượng phẩm vĩnh viễn, là Nữ Vương các Tông đồ và là Đấng Bảo trợ thừa tác vụ linh mục” (LM 18).

Chỉ dẫn của Bộ Giáo Sĩ năm 2002[34] về căn tính và sứ mạng linh mục là một đóng góp quý giá xung quanh hai điểm quan trọng về mối tương quan của việc thông chuyển ơn cứu độ giữa linh mục và Đức Maria trong mầu nhiệm Giáo Hội và với Mẹ trong việc cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô. Thực vậy, “linh mục nhờ thẩm quyền loan báo Tin Mừng chiến thắng tội lỗi và sự ác, hành động trong vai trò Đức Kitô là đầu in persona Christi Capitis”, xác định rằng trong Đức Maria, Mẹ của Vị Linh mục Thượng phẩm và Vĩnh cửu, linh mục ý thức được ở trong Ngài như dụng cụ để chuyển thông ơn cứu rỗi giữa Thiên Chúa và con người cho dù cách thức có khác nhau “Rất Thánh Nữ Đồng Trinh, qua mầu nhiệm nhập thể, còn linh mục thì qua các năng quyền của bí tích Truyền chức”[35]. Vì thế mối tương quan giữa linh mục và Đức Maria không chỉ là việc cậy nhờ vào sự chuyển cầu và giúp đỡ của Ngài mà còn là việc cùng với Ngài để sống mầu nhiệm Đức Kitô.

Thực ra mối liên hệ giữa Đức Maria và linh mục được biểu lộ cách rõ nét nhất trong sự hiện diện và tham dự của Ngài trong đời sống phụng vụ bí tích của Giáo Hội, đặc biệt khi cử hành Bí tích Thánh Thể: “Khi cử hành Thánh Lễ, Mẹ của Con Thiên Chúa ở giữa chúng ta để hướng dẫn chúng ta trong mầu nhiệm dâng lễ tế cứu chuộc, nhờ thế Mẹ trở nên trung gian ân sủng tuôn trào cho Giáo Hội và cho mọi tín hữu”[36]. Thực vậy, Đức Maria liên kết mật thiết với hy tế trên Thánh giá của Đức Kitô, nhờ thế Mẹ ban ơn trợ giúp cho các linh mục là những người tham dự vào chức tư tế của Con yêu dấu của Ngài.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã ngỏ lời với các linh mục về chiều kích Thánh Mẫu trong khi cử hành Bí tích Thánh Thể và những lúc khó khăn trong đời sống linh mục: “Ai là người hơn Đức Maria có thể giúp chúng ta nghiệm được sự cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể được? Mẹ là người hơn ai hết có thể dậy dỗ chúng ta làm cách nào cử hành những mầu nhiệm thánh với lòng sốt mến và hiệp thông với Con của Mẹ, mầu nhiệm được dấu kín trong Thánh Thể. Do vậy, Cha cầu nguyện với Mẹ, cho tất cả các anh em linh mục, và Cha kí thác cho Mẹ đặc biệt những linh mục già yếu, những linh mục ốm đau, và tất những linh mục đang gặp khó khăn”[37].

Kết luận

Trên đây là một vài chiều kích được xem như là chính yếu trong tác vụ và đời sống linh mục mà huấn quyền không ngừng mời gọi các linh mục đào sâu học hỏi và đem ra thực hành. Các chiều kích được nêu ở trên đã được Tông huấn Pastores dabo vobis khai triển ở các số 31-32, nhất là chiều kích Giáo Hội và truyền giáo. Tông huấn mang nặng chiều kích Giáo Hội khai triển và rút ra từ Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis để cống hiến một cái nhìn toàn diện hơn về ơn gọi và sứ mạng của linh mục. Khi mở Năm Linh Mục, chắc hẳn Giáo Hội muốn các linh mục đọc lại các tài liệu của huấn quyền liên quan đến tác vụ và đời sống linh mục, nhất là giúp các linh mục đào sâu hơn nữa về chức linh mục đã lãnh nhận trong Giáo Hội và cho Giáo Hội để canh tân và làm sống lại những giá trị cao quý của mình, đồng thời giúp các tín hữu yêu mến thiên chức linh mục hơn như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã nói: “Ước gì Năm Linh Mục này giúp tất cả các linh mục tăng trưởng, tiến tới sự trọn lành thiêng liêng vốn là điều thiết yếu để sứ vụ của các vị được hữu hiệu và giúp các tín hữu ngày càng quí chuộng hoàn toàn hồng ân cao cả của chức linh mục: đối với chính các linh mục, đối với Giáo Hội và đối với thế giới chúng ta”[38].

Chú Thích:

[1] Bài viết này khởi đi từ ý tưởng chính của chương 8: Le dimensioni della vita sacerdotale trong M. Caprioli, Il Sacerdozio: teologia e spiritualità, đăng trong website của Bộ Giáo Sĩ: www.clerus.org; xin coi thêm các văn kiện cũng như các tài liệu liên quan đến Năm Linh Mục trong website dành riêng cho năm này: annussacerdotalis.org cũng của Bộ Giáo Sĩ.

[2] Võ Xuân TiẾn, Đặc tính linh thánh của linh mục như là nến tảng của đời sống và giáo huấn luân lý của ngài, dunglac.org

[3] vatican.va/holy_father/paul_vi/speeches

[4] Đặc biệt trong các bí tích vai trò của linh mục như nguyên nhân dụng cụ (hay dụng nguyên), qua đó Chúa Thánh Thần hành động như là nguyên nhân đệ nhất.

[5] “Vaticanô II hẳn muốn nhấn mạnh rằng chức linh mục không phải tiên vàn là một tình trạng (=bậc) sống cho bằng là một chức năng, một sự phục dịch, một tác vụ. Nếu các linh mục được mời gọi sống loại đời sống nhân bản và thiêng liêng nào đó thì đấy bởi vì loại đời sống ấy là phù hợp để giúp họ thi hành tác vụ của mình. Chính từ nơi ministerio của linh mục mà vita của linh mục được rút ra, chứ không ngược lại. Thật thú vị, ta thấy Presbyterorum Ordinis tỏ ra nhất quán với nền móng của nó là Hiến chế Lumen gentium. Trong Hiến chế này, nói về Giáo Hội, các nghị phụ Vaticanô II xác nhận rằng Giáo Hội tự bản chất là thừa sai, nghĩa là sự hiện hữu của Giáo Hội được rút ra từ sứ mạng thừa sai, chứ không ngược lại”. NguyỄn Công ĐỨc, Linh mục: tư tế hay trưởng lão, dunglac.org

[6] “Thế nhưng, bất chấp lời kêu gọi nên thánh, bất chấp đặc tính linh thánh của mình, linh mục sẽ không tránh được mọi khiếm khuyết. Chỉ có một người hoàn hảo, đó là Chúa Giêsu Kitô. “Mọi người đã phạm tội và bị tước đi vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 3,23). “Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối chính mình và chân lý không ở nơi chúng ta” (1 Ga 1,8). Kinh Thánh đầy những ví dụ về những con người mà Thiên Chúa đã kêu gọi và đã lỗi lầm. Sự mỏng giòn làm người nơi các linh mục không nên làm ngạc nhiên ai”. Võ Xuân TiẾn, Đặc tính linh thánh của linh mục như là nền tảng của đời sống và giáo huấn luân lý của ngài, dunglac.org

[7] SGLHTCG 1548; x. GH 10. 28; PV 33; GM 11; LM 2. 6.

[8] Gioan Phaolô II, Tông thư Dominicae Cenae (24/2/1980), 8; x. Idem, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17/4/2003), 29.

[9] Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học III, 22, 4.

[10] Công đỒng Firenze, Decretum pro Armeniis (22/11/1439) trong DS 1321.

[11] Cfr. R. Lavatori – R. Poliero, Mistero e identità del presbitero, UUP, Roma 2002, 212-216.

[12] vatican.net/holy_father/john_paul_ii/letters

[13] vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches

[14] vatican.va/holy_father/paul_vi/homilies

[15] Phaolô VI, Huấn từ trong buổi triều kiến chung ngày 13/10/1971, vatican.va/holy_father/paul_vi/audiences

[16] Gioan Phaolô II, Diễn văn đọc trước các giám mục Argentina (24/9/1979), vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches

[17] Cfr. R. Lavatori – R. Poliero, Mistero e identità del presbitero, UUP, Roma 2002, 207-211.

[18] Bênêđictô XVI, Thư gửi các linh mục nhằm thiết lập Năm Linh Mục (16/6/2009).

[19] Bênêđictô XVI, Thư gửi các linh mục nhằm thiết lập Năm Linh Mục (16/6/2009).

[20] Thư ngày 19/5/2009 nhân dịp Năm Linh Mục: “Sadly, it is true that at the present time some priest have been shown to have been involved in gravely problematic and unfortunate situations”, annussacerdotalis.org

[21] Gioan Phaolô II, Thư gửi các linh mục nhân dịp thứ Năm Tuần Thánh 1979, vatican.va/holy_father/john_paul_ii/letters

[22] Phaolô VI, Tông huấn Evangelica Testificatio (29/6/1971), 42.

[23] Bùi Văn ĐỌc, Linh mục và đời sống cầu nguyện, VietCatholic News (13 Jan 2004).

[24] Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis (22/2/2007), số 23.

[25] Bênêđictô XVI, Thư gửi các linh mục nhằm thiết lập Năm Linh Mục (16/6/2009).

[26] “Được tuyển chọn từ loài người và được đặt ra cho loài người để lo việc Thiên Chúa hầu dâng những hiến vật và hy tế đền tội, các linh mục sống với người khác như với anh em”. CÔng ĐỒng VaticanÔ II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, 3.

[27] Cfr. J. Esquerda Bifet, Spiritualità sacerdotale per una Chiesa missionaria, UUP, Roma 1998, 30-34; 70-72.

[28] vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences

[29] Phaolô VI, Sứ điệp gửi tất cả các linh mục Giáo Hội Công Giáo (30/6/1968), vatican.va/holy_father/paul_vi/speeches. “Giáo Hội ấy khiêm cung nhưng lại hết sức đường bệ. Giáo Hội ấy tuyên xưng khả năng hấp thụ mọi nền văn hóa, nâng chúng lên những giá trị cao nhất của chúng; đồng thời, ta thấy Giáo Hội ấy lại nhận làm của mình những căn nhà và những cõi lòng của người nghèo, của người tối tăm, của kẻ tầm thường và của quần chúng thiếu thốn. Giáo Hội ấy không một lúc nào ngưng - và sự bất tử của Giáo Hội ấy đảm bảo liên tục tính – chiêm ngưỡng Ðấng vừa cùng một lúc chịu đóng đinh và phục sinh, con người của sầu buồn và Chúa của vinh quang, bị thế gian ruồng bỏ nhưng lại là Cứu Chúa của nó. Ngài là phu quân rướm máu đồng thời là Chúa tể chiến thắng của Giáo Hội. Từ trái tim độ lượng của Ngài, một trái tim luôn rộng mở nhưng luôn vô cùng kín đáo, Giáo Hội nhận được sự hiện hữu và sự sống mà Giáo Hội muốn thông truyền cho mọi người”. Vũ Văn An, Giáo Hội trong cái nhìn của Henry de Lubac (VietCatholicNews 23/05/2007).

[30] Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio (7/12/1990), 67; x. Bài diễn từ ngỏ với hội nghị của Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, ngày 14/4/1989, vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches

[31] Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia (6/11/1999), 43.

[32] Bênêđictô XVI, Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2008; x. J. PhẠm QuỐc Điêm, Việc truyền giáo theo thánh Phaolô, trong UBTS/HĐGMVN, ĐHTS toàn quốc lần III, Bùi Chu 2009, 28-42.

[33] “Cognitio verae doctrinae catholicae de Beata Maria Virgine semper subsidium erit efficax ad recte intellegendum mysterium Christi et Ecclesiae”, vatican.va/holy_father/paul_vi/speeches

[34] Bộ Giáo Sĩ, Linh mục, mục tử và người lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ, clerus.org/clerus/dati/2002-12/17-999999/Ping.html

[35] Ibid., số 8.

[36] Gioan Phaolô II, Việc sùng kính Đức Maria trong đời sống linh mục, buổi triều kiến chung ngày 30/6/1993.

[37] Gioan Phaolô II, Thư gửi các linh mục nhân ngày thứ Năm Tuần Thánh 2005.

[38] Bênêđictô XVI, Huấn từ trong buổi triều kiến chung ngày 24/6/2009.

Lm Joseph Phạm Quốc Điêm

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.12.2009. 12:27