Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 7/08

§ Một Đan Sĩ

THỨ BA TUẦN 13 TN | Mt 8,23-27

01/07/08
TIN VÀO QUYỀN NĂNG CHÚA
“Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8,27)

Suy niệm: Người ta thường ví cuộc đời con người, từ khi sinh cho đến lúc chết, tựa như một cuộc vượt biển, đi từ bến bờ này sang bến bờ bên kia. Thế nhưng, biển cuộc đời chẳng mấy khi phẳng lặng. Không sóng gió, đá ngầm, băng sơn thì cũng bão nổi giông gào. Những lúc ấy, ai sẽ chia sẻ, nâng đỡ ta, nếu không phải là chính Chúa? Tin là hoàn toàn tín thác cuộc đời cho sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, để lúc an vui hạnh phúc, ta biết dâng lời tạ ơn; khi gặp đau thương thử thách, ta xin Chúa ủi an nâng đỡ. Trên chuyến đò cuộc đời, Chúa là bạn đồng hành đưa ta cặp bến đến bờ an toàn. Có Ngài hiện diện hộ phù, chúng ta được vui sống bình an.

Mời Bạn: Nhớ lại, chính những lúc mọi phương thế nhân loại đã phải bó tay, bạn mới thấy rõ bàn tay của Thiên Chúa vẫn che chở bạn. Nhìn lại đời sống đức tin của mình, bạn có thấy Chúa thực sự là điểm tựa vững vàng, giúp bạn bình an vui sống không? Khi bình an, bạn có nhớ đến Chúa, hay chỉ khi gặp thử thách đau khổ, bạn mới chạy đến với Ngài?

Chia sẻ: Bạn hiểu thế nào là Thiên Chúa quan phòng? Hãy chia sẻ một lần nào đó trong cuộc đời bạn cảm nhận được sự quan phòng của Chúa đối với bạn.

Sống Lời Chúa: Tôi dâng lên Chúa những dự định, kế hoạnh, vì tin Chúa có đủ quyền năng để giúp đỡ mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin cậy vào Chúa, nhưng xin thương lòng tin còn quá yếu kém của con. Xin ban cho con niềm trông cậy vững vàng, để con dám trao cả vận mạng đời mình vào bàn tay quan phòng của Chúa. Vì có Ngài ở bên, lòng con chẳng nao núng bao giờ. Amen.

THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN | Mt 8,28-34

02/07/08
“ĐI ĐI”
Người bảo: “Đi đi.” Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất cả bầy heo từ trên núi lao xuống biển và chết đuối hết. (Mt 8,32)

Suy niệm: Trong cuộc đời công khai, cùng với việc rao giảng, chữa bệnh, Chúa Giêsu còn khử trừ ma quỉ. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy uy quyền của Ngài khi chữa lành cho hai người bị ma quỉ đày đoạ dằn vặt, phải sống khổ sở nơi mồ mả. Chỉ cần một lệnh truyền mạnh mẽ “đi đi,” Ngài đã trục xuất chúng ra khỏi người bệnh, trả lại cho họ sự tự do và phẩm giá của con người. Chúa Giêsu “xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỉ” (1 Ga 3,8) và Ngài đến ‘tiêu diệt mọi quản thần, mọi quyền thần và dũng thần rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa Cha.’ (1 Cr 15). Như vậy, sứ mạng Đức Kitô nằm trong bối cảnh cuộc chiến giữa hai vương quốc Thiên Chúa và vương quốc Satan.

Mời Bạn: Các kitô hữu nhận ra bao điều kỳ diệu Chúa đã và đang thực hiện trên trần thế. Nhưng đồng thời họ cũng ý thức rằng: đây cũng chính là nơi quỉ dữ đang hoành hành, mỗi ngày một tinh vi hơn, mãnh liệt hơn. Hằng ngày họ tiếp tục sứ mạng của Thầy mình là chiến đấu mở rộng Nước Trời và đẩy lùi vương quốc Satan. Bạn nhớ rằng đấu tranh vì tự do và phẩm giá của con người cũng chính là góp phần tiêu diệt thế lực ma quỉ đang hoành hành trên thế gian này.

Chia sẻ: Sự dữ nào đang thống trị xã hội chúng ta? Chúng xuất hiện với dấu hiệu nào?

Sống Lời Chúa: Chống trả cám dỗ mạnh mẽ ngay từ đầu, biết nhanh nhẹn nói: ‘đi đi’ khi thấy bóng dáng tội lỗi xuất hiện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết để cho Chúa thống trị con người con, và biết dành trọn thì giờ, sức lực cho công việc xây dựng Nước Chúa.

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN | Ga 20,24-29

03/07/08 Th. Tôma, tông đồ
THẤY BẰNG ĐÔI MẮT CỦA CON TIM
“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” (Ga 20,29)

Suy niệm: Con Chồn trong truyện Hoàng Tử Bé của nhà văn St. Exupéry nói rằng với đôi mắt trần, người ta chỉ nhìn thấy những điều bình thường; còn trong những gì hệ trọng, người ta phải nhìn bằng đôi mắt của con tim. Gioan chỉ thấy ngôi mộ trống, băng vải liệm và khăn che đầu xếp riêng gọn ghẽ, nhưng bằng đôi mắt của trái tim ông đã tin Thầy mình phục sinh. Đức Giêsu phục sinh quảng đại đáp ứng đòi hỏi của Tôma; đồng thời Ngài cũng nhắc nhở ông và chúng ta rằng từ nay không thấy Chúa bằng đôi mắt thường, nhưng bằng đôi mắt đức tin và bằng tình yêu mến. Nói cách khác, với người Kitô hữu, vì tin nên thấy Chúa, thấy Ngài do yêu Ngài. Vì tin nên ta thấy Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, nơi người anh em.

Mời Bạn: “Tin Chúa, không phải là hướng mắt về Ngài để chiêm ngưỡng, nhưng đồng thời cũng là nhìn trần gian với ánh mắt của Đức Kitô” (M. Quoist). Người đời nhìn đời sống trong nền kinh tế thị trường theo nhãn quan hưởng thụ, thu quén, chiếm hữu; người Kitô hữu nhìn với ánh mắt Đức Kitô: chia sẻ, thông hiệp.

Chia sẻ: Bạn đang nhìn đời sống hôm nay theo cái nhìn của ai? Của Đức Kitô hay của người đời?

Sống Lời Chúa: Vì tin Lời Chúa dạy, tôi tập nhận ra Đức Kitô đang hiện diện sống động nơi người chung quanh, nhất là với người tôi không ưa thích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa chúc phúc cho chúng con khi không thấy nhưng vẫn tin. Xin cho chúng con vì tin Chúa, chúng con cũng nhận ra Chúa trong Thánh Thể, nơi Lời Chúa, trong người anh em lân cận. Amen.

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN | Mt 9,9-13

04/07/08 Th. Êlisabét, Bồ Đào Nha
CON CẦN ĐẾN CHÚA
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,13)

Suy niệm: Cha Mark Link kể chuyện một cô bé chơi trò “ú tim” với các bạn. Cô bé tìm một chỗ thật kín để trốn. Thế nhưng, em chờ mãi, năm phút, rồi mười phút sau, chẳng thấy ai chạy tìm mình. Sau cùng, em mới phát hiện ra các bạn đã bỏ chơi, dẫn nhau đi nơi khác. Thấy em ngồi khóc, một người lớn an ủi: “Cháu đã học được một bài học quý giá. Bài học đó giúp cháu hiểu được cảm tưởng của Chúa khi chơi với loài người. Ngài chờ loài người đến tìm Ngài, nhưng từ lâu con người đã nghỉ chơi, không còn tìm Ngài nữa.” Chúa như vị lương y, tha thiết kiếm tìm chúng ta, những kẻ tội lỗi, để chữa lành căn bệnh tội lỗi của ta, đưa ta bước vào sự sống hạnh phúc muôn đời. Thế nhưng, thay vì đi tìm kiếm Chúa, ta lại lẩn tránh Ngài, khi ta không chịu nhận ra mình là bệnh nhân cần thầy thuốc, là tội nhân cần ơn Ngài cứu độ.

Mời Bạn: “Nếu bạn bước một bước đi tìm Chúa, thì Ngài nhảy mười bước đến tìm bạn” (Vô danh). Nhìn lại quá khứ để thấy rằng bạn đáp lại tiếng Chúa mời gọi thì ít, nhưng từ chối rất nhiều lần, và nhận ra Thiên Chúa kiên nhẫn biết bao khi chờ đợi sự chấp thuận “sáng nắng, chiều mưa” của bạn.

Chia sẻ: Tôi có cảm nhận mình là kẻ có tội, cần đến với Chúa để được chữa lành và cứu vớt không?

Sống Lời Chúa: Đấm ngực mình, ý thức mình là kẻ có tội mỗi khi bắt đầu tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là kẻ tội lỗi. Xin cho con ghi nhớ lời khích lệ ấy, và nhớ rằng con cần đến Chúa để can đảm trở về mỗi khi sa ngã.

THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN | Mt 9,14-17

05/07/08 Th. Antôn Maria Dacaria, linh mục
Ý NGHĨA CỦA ĂN CHAY
“Rượu mới thì đổ vào bầu da mới!” (Mt 9,17)

Suy niệm: Ăn chay là một hành vi đạo đức mà tôn giáo nào cũng cổ võ, thậm chí là điều bó buộc để thể hiện tôn giáo tính của mình. Luật Môsê trong Cựu Ước qui định nhiều điều khoản cho việc ăn chay: lúc nào phải ăn chay và ăn như thế nào, được ăn thứ gì và phải kiêng thứ gì. Bài Tin Mừng hôm nay không nhằm khai triển ý đó, mà đưa ra một hướng ăn chay mới: ăn chay là biết từ bỏ những điều lỗi thời, không còn hợp với tinh thần của đạo; thay vào đó là phải thích nghi với hoàn cảnh mới, vì Tin Mừng của Chúa Giêsu luôn luôn mới cho mọi người, mọi thời và mọi nơi.

Mời Bạn: Bạn đang sống trong thời hậu hiện đại (post-modernity) với những tiến bộ khoa học mà trước đây chừng vài ba năm không hề nghĩ đến. Sống đức tin trong bối cảnh này, dĩ nhiên, bạn không được phép bỏ đi những giá trị của lòng đạo đức bình dân như lần hạt, chầu Thánh Thể…, nhưng cũng phải biết học hỏi, suy niệm Lời Chúa… Điều này đòi bạn phải hy sinh thời giờ, công sức, kể cả bỏ đi những vui chơi không cần thiết…

Chia sẻ: “Rượu mới thì đổ vào bầu da mới.” Bạn có ý thức điều đó chưa? Nếu chưa, bạn hãy suy nghĩ và hành động từ bây giờ.

Sống Lời Chúa: Chia sẻ kinh nghiệm sống đạo ngày xưa cho con cháu, đồng thời lắng nghe khát vọng của tuổi trẻ, để có những điều chỉnh thích hợp cho đời sống đạo hiện tại. Chẳng hạn thời lượng đọc kinh, khoảng cách giữa những lần xưng tội…, đừng để lâu quá!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần, Đấng chỉ bảo cho (chúng) con biết phải làm gì, để thích nghi với những đòi hỏi của Tin Mừng trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra như vũ bão hiện nay. Amen.

CHÚA NHẬT TUẦN 14 TN - A | Mt 11,25-30

06/07/08
NGỢI KHEN CHÚA
“Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)

Suy niệm: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con” (Kinh Tiền Tụng chung IV). Lời kinh này bắt nguồn từ tâm tình ngợi khen Chúa Cha của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài ngợi khen Chúa Cha vì những việc Chúa Cha làm thật tuyệt vời. Tuyệt vời vì Cha là Chúa tể vũ trụ nhưng lại ưu ái đến người hèn kém; Ngài luôn nâng đỡ những người bé mọn và tỏ cho họ biết Ngài là Cha; Ngài cất đi gánh nặng cho kẻ nghèo hèn và đem lại cho họ niềm an vui. Vậy ta ngợi khen Chúa không phải để Chúa vui, nhưng chính là vì chúng ta đang được hưởng niềm vui cứu độ từ Chúa. Bởi khi nhận ra những việc kỳ diệu Chúa đang làm cho ta, thì ta phải vui mừng thốt ra ngay những lời ngợi khen Chúa.

Mời Bạn: Nếu chỉ thấy cuộc đời là “bể khổ”, làm sao bạn cảm nhận được hạnh phúc mình đang có, cũng như nhận ra hồng ân Chúa ban cho mình? Thật là uổng phải không bạn? Khi bình tâm nhìn lại đời sống mình, bạn sẽ khám phá thấy vô vàn ơn lành lớn nhỏ mình đã nhận lãnh. Ngợi khen Chúa với tất cả lòng yêu mến, bạn sẽ cảm được ngay niềm vui cứu độ của Chúa.

Chia sẻ với người khác về một ơn lành mà mình nhận lãnh từ Chúa.

Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa một lời nói hoặc một cử chỉ tạ ơn chân thành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài lạy Đấng Tối Cao (Tv 92,2).

THỨ HAI TUẦN 14 TN | Mt 9,18-26

07/07/08
TIẾP XÚC VỚI NGUỒN SỰ SỐNG
“…Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu là nó sẽ sống… Tôi chỉ cần sờ vào được tay áo của Ngài thôi là sẽ được cứu….” (Mt 9,18-26)

Suy niệm: Với quyền năng siêu việt, Thiên Chúa có thể thực hiện những điều kỳ diệu, mà không cần qua trung gian, cũng chẳng cần những tiếp xúc đụng chạm. Thế nhưng, Thiên Chúa lại muốn con người nhận biết Ngài và được cứu độ bằng cách cho Con Một của Ngài nhập thể làm người nhờ đó con người, dễ dàng tiếp xúc gặp gỡ Ngài, và nhận ra tình thương của Thiên Chúa, cũng như được Ngài thi ân giáng phúc. Chứng từ của người đàn bà bị bệnh hoại huyết mười hai năm được khỏi bệnh và của em bé đã tắt thở được hồi sinh chứng thực rằng hễ ai được Ngài đụng chạm đến, sẽ được chữa lành, được cứu sống.

Mời Bạn: Một trong những căn bệnh của thế giới ngày nay là coi thường những tiếp xúc. Sau khi về trời, Chúa Kitô tiếp tục hiện diện với con người qua các bí tích. Ngài muốn gặp gỡ tiếp xúc với con người, mong được con người đáp trả. Thế nhưng, nhiều Kitô hữu chủ trương giữ đạo tại tâm, không cần đến các bí tích. Sống đạo như thế là tự tách mình ra khỏi nguồn mạch sự sống là Chúa Kitô.

Chia sẻ: Theo kinh nghiệm của bạn, việc thường xuyên lãnh nhận các bí tích, nhất là Thánh Thể đem lại lợi ích gì cho cuộc sống?

Sống Lời Chúa: Thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc với Chúa qua Lời Ngài và qua các bí tích, nhất là Thánh Thể và Hoà giải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chuá mong muốn được tiếp xúc với chúng con và Chúa đang mong chờ sự đáp trả. Xin ban thêm cho chúng con lòng yêu mến, để chúng con siêng năng gặp gỡ Chúa qua các bí tích. Amen.

THỨ BA TUẦN 14 TN | Mt 9,32-38

08/07/08
XIN HÃY SAI CON
Bấy giờ Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9,37-38)

Suy niệm: Truyền giáo là sứ mệnh chung của mọi người trong cộng đoàn dân Chúa. Vì thế, việc truyền giáo đòi hỏi tất cả hợp tác với nhau và đồng trách nhiệm. Khi kêu gọi các môn đệ cầu xin cho việc truyền giáo, Chúa Giêsu không bảo họ xin một cách hững hờ như người ngoài cuộc: các môn đệ, những người “cầu xin” đồng thời cũng là những thợ gặt được Chúa sai đi. “Cầu xin” ở đây thể hiện một sự quan tâm thao thức với nỗi ưu tư của Thiên Chúa, “người chủ của mùa gặt.” “Cầu xin” bao hàm một ý thức rõ ràng về bổn phận truyền giáo, đồng thời về khả năng giới hạn của mình. Hơn nữa “cầu xin” còn thể hiện sự sẵn sàng đặt mình dưới sự sai bảo của “chủ mùa gặt.” Quả thật, chính Thiên Chúa mới là chủ khởi xướng, đôn đốc và trợ lực của mọi sứ mệnh truyền giáo. Càng đồng cảm với Thiên Chúa càng ý thức về trách nhiệm truyền giáo của mình và càng cần xin Chúa ban ơn trợ giúp.

Mời Bạn: Chúng mình vẫn thường cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Tuy nhiên, khi cầu xin, chúng mình như thể khoán trắng việc truyền giáo cho Chúa hay cho người khác, chưa cầu xin tha thiết như chính mình đang đảm trách công việc này. Vậy từ nay, khi cầu xin cho có nhiều thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo, bạn cũng cầu: “Lạy Chúa, xin hãy sai con đi,” bạn nhé!

Chia sẻ: Bạn có đang tham gia cách nào trong công cuộc truyền giáo trong giáo xứ, giáo phận của bạn không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một hy sinh và một lời cầu cho công cuộc truyền giáo.

Cầu nguyện: Hát “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán…”

THỨ TƯ TUẦN 14 TN | Mt 10,1-7

09/07/08 Th. Âutinh Daorong, linh mục và các bạn tử đạo
TẤT CẢ ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,7)

Suy niệm: Thánh Phanxicô Assisi một hôm gọi một thầy cùng với mình đi giảng đạo. Hai người rảo qua các đường phố rồi trở về nhà. Thầy đó hỏi thánh nhân vì sao ngài nói đi giảng đạo mà không giảng dạy gì. Thánh Phanxicô trả lời: ngay trong lúc đi đường ngài đã giảng đạo rồi. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đến với “các chiên lạc nhà Ítraen” thế mà chưa đến “nhiệm sở,” các ông đã phải rao giảng ngay khi đi dọc đường. Và Chúa còn truyền lệnh cho dù người nghe có đón nhận Lời hay không thì cũng phải nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11). Các ông phải sẵn sàng bỏ lại mọi thứ hành trang cồng kềnh, giã từ những mối quan hệ vô bổ để có thể tập trung tất cả cho việc loan báo Tin Mừng.

Mời Bạn: Tất cả cho việc loan báo Tin Mừng nghĩa là từ việc bạn mua sắm, ăn mặc, hay làm công việc nghiệp vụ chuyên môn của bạn cho đến việc bắt tay chào hỏi một người quen, thậm chí việc bạn nhai một miếng cơm, uống một ngụm nước, v.v… tất cả đều có thể biến thành một hành động loan báo Tin Mừng nếu như những việc đó chuyển tải sứ điệp “Nước Thiên Chúa đã đến gần.” Nếu chỉ khi nào bạn lên tiếng rao giảng mới là loan báo Tin Mừng thì cả đời bạn, bạn có loan báo được bao nhiêu?

Chia sẻ: Kiểm điểm xem những sinh hoạt trong nhóm của bạn đã nói lên được sứ điệp nào của Tin Mừng chưa.

Sống Lời Chúa: Chú ý làm tốt một công việc thường ngày với ý chỉ cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết thao thức trước cảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít,” xin hãy sai con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa.

THỨ NĂM TUẦN 14 TN | Mt 10,7-15

10/07/08
TRỞ THÀNH THỢ GẶT
“Dọc đường hãy rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã đến gần’.” (Mt 10,7)

Suy niệm: Cha Ngô Trung Hậu kể chuyện truyền giáo ở một giáo điểm: hai cô giáo mới của giáo điểm gây một đống chuyện ghen tuông; bà dự tòng thì than phiền thầy B. uống rượu với đám thanh niên, “say xỉn quá coi không được cha ơi!” Cha than thở: “Chúa ơi… ở đây công cuộc truyền giáo đầy gian khổ… thiếu tiện nghi, thiếu người, bây giờ lại thiếu đạo đức nữa!” Thiếu đạo đức là chuyện dài nhiều tập trong đời sống người kitô hữu, thợ gặt của Chúa Kitô. Thiếu đạo đức vì lòng họ chỉ gắn bó với chuyện hưởng thụ trần thế, dường như quên mất Nước Trời đã đến gần. Thiếu đạo đức vì không phó thác tin tưởng nơi Chúa, mà chỉ tin tưởng nơi đống tiền, đống của, hoặc tài năng riêng của mình.

Mời Bạn: “Người ta bước vào Nước Trời, chứ không phải Nước Trời đi vào lòng người. Nước Trời ấy là tình trạng những công việc, chứ không phải tình trạng tâm hồn” (Verhey). Mời bạn bước vào Nước Trời, trở thành thợ gặt truyền giáo qua hai nhịp: (1) bước ra khỏi thế giới riêng tư của đam mê hưởng thụ ích kỷ; (2) hướng đến môi trường mình đang sống, làm việc cụ thể và tích cực để môi trường ấy thấm đượm giá trị Tin Mừng.

Chia sẻ: Người thợ gặt của Chúa Kitô hôm nay cần có những phẩm chất gì?

Sống Lời Chúa: Ôn lại hai nhịp bước vào Nước Trời (trong phần Mời Bạn) và xác định việc cụ thể bạn sẽ làm ngày hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con lên đường, trở thành thợ gặt Nước Trời. Xin giúp chúng con điều khó nhất là thoát ra khỏi thế giới riêng tư cá nhân, để hướng đến thế giới rộng hơn, môi trường chúng con đang sinh sống. Amen.

THỨ SÁU TUẦN 14 TN | Mt 10,16-23

11/07/08 Th. Bênêđitô, viện phụ
CAN ĐẢM TRONG MỌI THỬ THÁCH
“Này, Thầy sai các con đi như chiên vào giữa bầy sói.” (Mt 10,16)

Suy niệm: Chúa Giêsu đã có lần báo trước con đường thập giá Ngài phải trải qua. Và nay đã đến lúc Chúa thẳng thắn nói đến những đau khổâ thử thách sẽ xảy đến với các môn đệ. Vâng, bách hại là số phận không thể tránh được của các môn đệ. Các ông phải đối diện nhiều thử thách khi đi theo Chúa Giêsu. Chẳng hạn: thánh Têphanô bị bách hại và ném đá chết tại Giêrusalem, hoặc thánh Phaolô bị cầm tù, rồi tử vì đạo. Tuy nhiên, dù thử thách đến đâu và bị bách hại thế nào, các môn đệ vẫn luôn trung thành với Chúa cho đến cùng, như thánh Phaolô đã nói: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10).

Mời Bạn: Có cuộc sống nào mà không có thách đố? “Nếu có ai cho tôi một cuộc sống không gặp trở ngại nào thì hấp dẫn thật đấy, nhưng tôi sẽ khước từ vì khi ấy tôi sẽ không còn học được điều gì từ cuộc sống nữa” (Allyson Jones). Còn bạn, bạn có cảm thấy sợ hãi trước những đau khổ đang diễn ra trong cuộc sống mình không? Bạn có chắc là bạn đang đi theo Chúa Giêsu và cố gắng “vác” lấy những gánh nặng ấy trong niềm xác tín: “Ơn Thầy đủ cho con”?

Chia sẻ: Phản ứng của bạn khi gặp đau khổ, thử thách: né tránh, oán trách Chúa, hay đón nhận như cái giá người môn đệ của Đấng chịu đóng đinh?

Sống Lời Chúa: Đón nhận đau khổ của ngày hôm nay, như một cách sống tư thế môn đệ trung thành của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa báo trước ai theo Chúa sẽ gặp những đau khổ bách hại. Xin giúp chúng con ghi nhớ để luôn trung thành với Chúa.

THỨ BẢY TUẦN 14 TN | Mt 10,24-33

12/07/08
LÒNG KÍNH SỢ THIÊN CHÚA
“Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (Mt 10,28)

Suy niệm: Một giáo sư đại học Văn khoa xác quyết với các sinh viên: “Thế giới này còn an bình là nhờ tôn giáo. Tôi quan sát một lớp học, có nhiều em học nghiêm túc và có những phát biểu rất sâu sắc, hỏi ra mới biết, đa số các em là người Công giáo. Người Công giáo sống nghiêm túc, vì đời sống tâm linh của họ còn biết kính sợ Chúa.” Hôm nay Tin Mừng nhắc ta đừng sợ những người chỉ giết được thân xác, mà hãy kính sợ Chúa, vì Ngài là chủ đời ta, đời này và đời sau, thân xác lẫn linh hồn. Chính lòng kính sợ Chúa ấy giúp con người sống thật với lương tâm của mình.

Mời Bạn: “Ơn kính sợ Chúa đánh thức lương tâm tôi. Nhờ đó tôi sẽ nhận ra mình có nhiều lầm lỗi để biết khiêm nhường thống hối, xin Chúa giàu lòng thương xót xóa tội cho tôi. Lúc đó lòng kính sợ Chúa trở thành lòng kính yêu gắn bó thiết tha.” (G.M. Bùi Tuần). Thế nhưng, thay vì kính sợ Chúa, bạn lại sợ và quỵ phục những người có chức, có tiền, có quyền mà thiếu sự công minh, thiếu lòng nhân ái. Bạn cũng sợ những ai đụng đến “nồi cơm” vật chất của mình, nhắm mắt chấp nhận sự thật bị dối trá đè bẹp, lương tâm không còn cắn rứt vì những chuyện bất công, con tim chai lỳ trước những cảnh thương tâm khốn cùng đang cần bạn chia sẻ.

Sống Lời Chúa: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan, sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho lòng kính sợ Chúa lớn lên trong con, để con luôn can đảm biết làm lành tránh dữ.

CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN | Mt 13,1-23

13/07/08
HẠT GIỐNG NÀO CHO THỬA ĐẤT?
“Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường... Có hạt rơi xuống trên đá sỏi... Có hạt rơi vào bụi gai... Có hạt rơi xuống đất tốt...” (Mt 13,1-9)

Suy niệm: Cuộc đời và tâm hồn mỗi người như một thửa đất: lúc chào đời, “nhân chi sơ, tính bản thiện”; hay nói như các triết gia, như “tabula rasa” (tấm bảng chưa viết gì). Biết bao hạt giống được gieo vào đó: của gia đình dòng họ, của nhà trường, giáo xứ... Chắc chắn hạt giống quý giá hơn cả là hạt giống Lời Chúa, được Thiên Chúa, người gieo giống quảng đại và lạc quan, vãi gieo vào tâm hồn con người, bất kể tâm hồn ấy thuộc loại đất gì. Dù bao thất bại trong quá trình gieo vãi và tăng trưởng - chưa kịp nẩy mầm, đã nẩy mầm nhưng chết khô, đã thành cây con nhưng chết nghẹt - chỉ cần một hạt giống rơi vào đất tốt đủ bù đắp tất cả.

Mời Bạn: Nhìn lại thửa đất cuộc đời của mình để biết nó thuộc loại nào: vệ đường nước đổ lá khoai, sỏi đá hời hợt, bụi gai lo lắng sự đời, hay đất tốt đâm hoa kết hạt? Phần Thiên Chúa, người gieo giống quảng đại đã không chê tâm hồn bạn, dù chưa là thửa đất tốt; còn phần bạn, bạn có là thửa đất có trách nhiệm biết chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận Lời Chúa và sinh hoa kết quả?

Chia sẻ: Số phận của hạt giống Lời Chúa khi được gieo vào lòng bạn?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy nhìn về tương lai cuộc đời bạn và cộng đoàn của bạn mà cải tạo mảnh đất tâm hồn, và gia đình và cộng đoàn để trở thành mảnh đất tốt cho Lời Chúa tăng trưởng vì “ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần đổi mới trên chúng con. Xin ban sức mạnh giúp chúng con can đảm và quảng đại thực thi những điều đẹp lòng Chúa, và chỉ những điều đó mà thôi. Amen.

THỨ HAI TUẦN 15 TN | Mt 10,34-11,1

14/07/08 Th. Camilô Lenli, linh mục
MẤT VÀ ĐƯỢC
“Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,39)

Suy niệm: Một loạt “chỉ thị” (11,1) quyết liệt cho các môn đệ! Chúa không “nuông cưng” mà trái lại đòi hỏi họ khi bước theo Ngài phải từ bỏ bản thân, gia đình, vác thập giá mà đi, thậm chí dám hy sinh cả mạng sống vì Thầy. Trong viễn tượng đức tin, sự từ bỏ đó không phải là mất, mà là được. Nếu trong cuộc sống đời thường, người ta đã dám hy sinh cái lợi nhỏ trước mắt để được mối lợi lớn hơn và lâu dài, thì trong đời sống tôn giáo cũng vậy, như phát biểu của thánh Phaolô: “Tôi coi mọi sự là rác, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô và được thuộc về Người” (Pl 3,8). Từ bỏ trở thành qui luật tiên quyết và tối hậu trong Kitô giáo.

Mời Bạn: Theo đạo là theo Chúa. Tất cả mọi tín hữu đều phải thực hành lời Chúa dạy về sự từ bỏ, chứ không chỉ các tu sĩ hay giáo sĩ. Mời bạn xét lại: Khi theo Chúa, bạn có sẵn sàng từ bỏ những gì ngăn cản không cho bạn kết hiệp với Ngài? Có hợp lý không khi theo Chúa vì mong được lợi lộc vật chất? Khi cầu nguyện, bạn thường xin ơn gì? Xin được yêu mến, trung kiên với Chúa, hay xin ơn vật chất?

Chia sẻ: Các tông đồ đã mau mắn đáp lại đòi hỏi của Chúa, từ bỏ mọi sự, vác thập giá mình mà đi theo Chúa. Chúng ta đã từ bỏ những gì, chấp nhận mất những gì khi đi theo Chúa ?

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi quyết thực hiện một vài việc từ bỏ nho nhỏ mà tôi cảm thấy chúng có thể cản bước tôi đến với Chúa, và mau mắn chấp nhận vác những thánh giá Chúa gửi đến cho tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi.

THỨ BA TUẦN 15 TN | Mt 11,20-24

15/07/08 Th. Bonaventura, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
MAU MẮN NHƯ DÂN XI-ĐÔN XƯA
“Khốn cho ngươi, hỡi Khô-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu mà tỏ lòng sám hối.” (Mt 11,21)

Suy niệm: Dù lạc quan đến mấy, khó có ai phủ nhận sự xuống cấp trong lãnh vực giáo dục nước nhà cùng với tệ trạng trong giới thanh thiếu niên trong những tháng gần đây: thiếu niên bỏ học, “ghiền game” (trò chơi vi tính), gây rối, và nhiều tệ nạn khác. Điều đáng quan ngại là ngay trong các xứ đạo, nơi không thiếu những điều kiện tốt để giáo hoá: thánh lễ và các bí tích, giáo lý và lời giảng dạy, những tệ nạn ấy cũng trở nên khá phổ biến. Phải chăng chúng mình cũng đang giống như dân Khô-ra-din và Bết-sai-đa xưa? Phải chăng hôm nay Chúa Giêsu cũng đang lặp lại cho chúng mình: Nếu là các ngươi hôm nay, dân Tia và Xi-đôn đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối đấy?

Mời Bạn kiểm điểm: Bạn đã tận dụng những phương thế Chúa ban để thánh hoá bản thân, gia đình, cộng đoàn chưa? Các đoàn thể, các sinh hoạt trong giáo xứ bạn đã thực sự cuốn hút và có tác dụng giáo hoá trên các thanh thiếu niên chưa? Và nhất là chính bạn và những người hữu trách có ý thức mình phải trở làm chứng nhân tinh thần sám hối và thực thi Tin Mừng bằng đời sống gương mẫu của mình không?

Chia sẻ: Hợp tác vào những hoạt động để bài trừ một tệ nạn trong giới thanh thiếu niên của giáo xứ.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho giới thiếu niên trong giáo xứ và cho những người hữu trách.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho Lời Chúa hôm nay không chỉ đánh động giới thiếu niên, nhưng cả chúng con nữa, những người có trách nhiệm.

THỨ TƯ TUẦN 15 TN | Mt 11,25-27

16/07/08 Đức Mẹ núi Cát Minh
BÍ MẬT NƯỚC TRỜI
“Vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này.” (Mt 11,25)

Suy niệm: Hai tiếng “bí mật” vừa thu hút vừa làm cho chúng ta sợ hãi. Thu hút, vì trí tò mò muốn được thỏa mãn; sợ hãi, vì có những chuyện tối ư quan trọng như xâm phạm “bí mật đời tư” là có nguy cơ ra toà, ngồi tù hay nếu lỡ dại làm tiết lộ “bí mật nhà nước” thì coi chừng mất mạng như chơi. Hôm nay, cách nào đó, chúng ta đang có chuyện với bí mật của Nước Trời, tức là còn quan trọng hơn… “bí mật quốc gia” nhiều. Nhưng cách hành xử của Thiên Chúa lại làm cho chúng ta thật ngạc nhiên. Hãy thử gợi lên những lý do Chúa Con ngợi khen Chúa Cha trong đoạn Tin Mừng. Thứ nhất, Chúa đã không cất giấu “bí mật đời tư” của Thiên Chúa cũng không giữ kín “bí mật Nước Trời” từ đời đời. Thứ hai, người biết bí mật chẳng những không phải đối mặt với nguy hiểm, nhưng lại được sống muôn đời. Thứ ba, ai biết bí mật đều được khuyến khích chia sẻ cho mọi người khác. Điều kiện duy nhất được đặt ra: ai muốn được tiết lộ, được vén màn bí mật -tức lãnh nhận mạc khải- cần phải trở nên bé mọn. Những ai tự cho mình là nhân vật quan trọng, thông thái… xin đứng ngoài.

Mời Bạn: “Biết” Thiên Chúa, tức là đi vào tương quan chặt chẽ với Ngài. Bạn có dám “biết” thêm về Ngài không?

Chia sẻ: Qua bài Tin Mừng hôm nay, bạn nghĩ gì về ơn gọi của bạn? Bạn làm gì để đáp lại ơn ban và lời mời gọi của Thiên Chúa?

Sống Lời Chúa: Tìm một dịp để làm chứng về Mầu Nhiệm Nước Trời mà bạn được diễm phúc cảm nghiệm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa vì đã cho chúng con được biết Chúa là Cha qua Người Con chí ái của chính Chúa.

THỨ NĂM TUẦN 15 TN | Mt 11,28-30

17/07/08
HIỀN TỪ VÀ KHIÊM TỐN
“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)

Suy niệm: Trong lãnh vực nhân bản, xã hội, tôn giáo, người hiền từ khiêm tốn luôn là mẫu người được kính nể. Tại Á Châu nói chung và ở Việt Nam nói riêng, hai đức tính hiền từ và khiêm tốn thường được kể như hương thơm đạo đức. Vì thế, truyền thống đạo đức ở nơi này luôn lưu tâm đến việc vun trồng chăm sóc những tấm lòng, những nhân cách, để họ có thể toát ra được thứ hương thơm đạo đức đặc biệt đó, hầu góp phần tạo nên một môi trường đằm thắm an vui cho gia đình và xã hội. Chúa Giêsu còn muốn chúng ta thấu rõ hơn nữa: hiền từ và khiêm tốn mang tính tu đức và truyền giáo cực kỳ quan trọng, nên Ngài muốn chúng ta hãy đến học với Ngài để trở thành người hiền từ khiêm tốn ở mức độ cao nhất.

Mời Bạn: Độc ác và kiêu căng vốn là những con đường tối tăm, mà Satan ra vào tự do để thống trị con người và cản phá Nước Trời. Bạn có thể làm gì để giữ mình và giữ cộng đoàn mình khỏi bị tự hủy?

Chia sẻ: Sống trên đời, con người luôn muốn tự khẳng định mình. Bạn có thấy khiêm nhượng là một điều tối ư phức tạp và khó khăn không lường không?

Sống Lời Chúa: Khiêm nhường trong cảm tạ, khiêm nhường trong vâng phục, khiêm nhường trong yêu mến, khiêm nhường trong sám hối, ăn năn, trở về.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi khi con tưởng mình tốt lành thánh thiện, chính là lúc con đang ở trong nguy cơ phạm tội, xa Chúa. Trái lại, khi con mang trong lòng sự khiêm nhường, nhận biết mình tội lỗi bất xứng, chính là lúc con đang lãnh nhận ơn Chúa, đang cảm nếm được sự ngọt ngào của tình Chúa xót thương. Amen.

THỨ SÁU TUẦN 15 TN | Mt 12,1-8

18/07/08
CÓ LÒNG NHÂN
“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế,’ ắt các ông đã chẳng lên án người vô tội.” (Mt 12,7)

Suy niệm: Chà xát mấy hạt lúa con con trong tay thì bị người biệt phái kết án là phạm luật vì làm trong ngày Sabát. Còn Chúa Giêsu thì trưng dẫn việc các tư tế lấy bánh đã trưng hiến chỉ dành cho tư tế để đem cho những người phàm phu tục tử ăn. Điểm khác biệt trong hai cách ứng xử này chính là lòng nhân. Và đây mới thực sự là điều làm đẹp lòng Chúa. Người có lòng nhân không viện cớ giữ luật để mình được “vẹn toàn, vô phương trách cứ” mà làm ngơ trước sự khốn cùng, đau khổ của anh chị em. Người có lòng nhân không phán đoán hay lên án một cách cứng cỏi, nhẫn tâm, nhưng cư xử độ lượng khoan dung, và nhờ đó mở đường cho những người lầm lạc có thể hối cải, quay trở về đường ngay nẻo chính.

Mời Bạn: Chúa Giêsu không chỉ nói; Ngài còn để lại những tấm gương tuyệt vời của lòng nhân. Mời bạn hãy cùng chiêm ngắm, suy niệm và bắt chước: Ngài tha tội cho người tội lỗi, chị phụ nữ ngoại tình. Trong đêm chịu thống khổ, ánh mắt nhân từ của Chúa dừng lại trên Phêrô và hoán cải ông.

Chia sẻ: Bạn hãy chia sẻ cùng nhóm về một cử chỉ, thái độ, một lời nói hay việc làm tốt để tỏ lòng nhân ái đối với người chung quanh.

Sống Lời Chúa: Nói lời hoà bình hay nở một nụ cười thân ái với ai xúc phạm đến bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Đấng rất nhân từ, xin ban ơn Thánh Thần đến trong con, hoán cải tâm hồn vốn ích kỷ hẹp hòi của con, giúp con đủ sáng suốt để sống và cư xử tốt với nhau, như Chúa hằng đối xử như vậy với chúng con. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 15 TN | Mt 12,14-21

19/07/08
YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ
“Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12,20)

Suy niệm: Các bạn trẻ thời “a-còng” không lạ gì với từ “nickname” là tên gọi thường gắn cho một người dựa vào những đặc tính riêng của họ. “Nick” của Chúa Giêsu là Tình Yêu, như lời định nghĩa của thánh Gioan (1Ga 4,8) bởi vì trong suốt cuộc sống của Ngài, từ lúc hạ sinh cho đến cái chết tủi nhục trên thập giá, ở đâu, trong bất cứ hành động nào của Ngài cũng thấy thấm đẫm “Tình Yêu”. Trước khi tắt hơi thở cuối cùng, “Tình Yêu” vẫn tìm được lý do để yêu thương, để tha thứ cho những người làm hại mình: “Xin Cha tha cho chúng, vì chúng lầm chẳng biết việc chúng làm.” Cây lau bị giập, Ngài vẫn hy vọng sẽ có ngày hồi sinh; tim đèn leo lét, Ngài vẫn hy vọng sẽ có ngày bừng sáng.

Bạn thân mến, lắm khi bạn nỗ lực để sống tốt, tránh những đụng độ, phiền toái trong cuộc sống… thế nhưng sự dữ, chống đối, hiểu lầm, vu oan vẫn luôn hiện diện. “Ơn trả ơn, oán trả oán” thậm chí lấy oán trả ơn, dễ trở thành nguyên tắc sống của đời thường. Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta gương sống của Chúa Giêsu: yêu thương, khoan dung tha thứ bằng cách không bao giờ thất vọng về người khác, dù họ có xấu xa tồi tệ thế nào đi nữa, trái lại luôn biết tìm ra một nét dễ thương, một ưu điểm, một lý do để yêu thương họ.

Chia sẻ: Khi gặp những người chống đối hay những đoạn trường đau khổ trong cuộc sống, bạn phản ứng thế nào?

Sống Lời Chúa: Từ hôm nay, trong lời cầu nguyện của bạn, bạn dành một chỗ cho người đang đối nghịch với mình.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Rất Thánh Trái Tim Chúa.”

CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN - A | Mt 13,24-43

20/07/08
KIÊN NHẪN
“… Sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt…” (Mt 13,29-30)

Suy niệm: Trong các trận bóng đá giải Euro vừa qua không ít người bức xúc trước những sai sót của trọng tài hay phàn nàn trước những pha vào bóng thô bạo của các cầu thủ. Ai cũng muốn mọi sự phải hoàn hảo trong khi thực tế tốt xấu vẫn cùng tồn tại như cỏ lùng trong ruộng lúa. Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo thì lại luôn kiên nhẫn trước thực tại kẻ xấu vẫn sống chung với người tốt, Ngài cho chúng ta thời gian và Ngài chờ đợi cho đến thời đến buổi của nó. Nếu Thiên Chúa không hành xử như vậy thì đâu có thánh Phêrô, thánh Phaolô, thánh Augustinô và nhiều vị thánh khác cũng như những người đang nhiệt tâm phục vụ nhà Chúa mà trước đây họ đã từng có những lần vấp ngã. Cỏ lùng không thể thành lúa nhưng người xấu có thể thành người tốt. Có cách đánh giá của con người tưởng là hoàn hảo bất di bất dịch nhưng lịch sử nhân loại cũng như Giáo Hội đã chứng minh chúng đã sai và phải điều chỉnh.

Mời Bạn: Nhìn lại chính mình có lúc bạn đâu còn là ‘lúa’ nữa nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương và chờ đợi. Ngài cũng mời gọi bạn hãy kiên nhẫn và quảng đại như Ngài trước những điều ‘chướng tai gai mắt’ trong cuộc sống.

Chia sẻ: Hãy nhớ lại những phản ứng thiếu bao dung của mình trước những người làm điều xấu và hãy phân tích tại sao mình lại hành xử như vậy.

Sống Lời Chúa: Đừng lên án, đừng xét đoán nhưng hãy sống kiên nhẫn và hiền hòa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn kiên nhẫn trước những lầm lỗi của con. Xin cho con biết kiên nhẫn trước những lầm lỗi của anh chị em trong tinh thần nâng đỡ và cảm thông.

THỨ HAI TUẦN 16 TN | Mt 12,38-42

21/07/08 Th. Lôrenxô Bơrinđixi, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
NHẬN ĐỨC KITÔ LÀ THIÊN CHÚA
“Trong cuộc phán xét, dân thành Ninivê sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy sám hối khi nghe ông Giona rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giona nữa.” (Mt 12,41)

Suy niệm: Nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ thấy trong xã hội văn minh tiến bộ hôm nay, đối với vấn đề tâm linh, con người có hai thái độ: hoặc là phủ nhận, hoặc là… mê tín. Đó cũng là hai thái độ cực đoan của những người không tin Chúa Giêsu: phủ nhận lời khôn ngoan của Salômon cũng như bịt tai trước lời rao giảng của vị tiên tri chui ra từ bụng cá. Mà hai vị này chính là hình ảnh tiên báo Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng Phục Sinh từ cõi chết.

Mời Bạn: Chúng ta thường mơ ước hay tìm kiếm một dấu lạ hay một sự biến hoá ngoạn mục trong đời sống của mình. Chúng ta có Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài là mẫu gương, là lý tưởng sống. Thế nhưng, nhiều lúc chúng ta còn nghi ngờ, còn cảm thấy chưa thoả mãn, còn muốn được thấy phép lạ nhãn tiền… Nơi mầu nhiệm nhập thể, Đức Kitô đã đến và ở cùng chúng ta để hướng dẫn, để chỉ cho chúng ta đường về Nước Trời. Chúng ta cần tin tưởng, phó thác vâng nghe theo Lời Chúa với một thái độ không yêu sách, không nản lòng…

Chia sẻ: Bạn có dành thì giờ để tìm gặp Chúa qua việc suy niệm Lời Chúa không? Những bài Tin Mừng mà chúng ta nghe hằng ngày, hằng tuần trong Thánh lễ có giúp gì để lay chuyển hay thức tỉnh đời sống đạo đức và tâm linh của bạn không?

Sống Lời Chúa: Hằng ngày xét xem mình đã thực hành đúng lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” chưa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn hiểu rằng: Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.

THỨ BA TUẦN 16 TN | Ga 20,1-2.11-18

22/07/08 Th. Maria Mađalêna
BƯỚC KHỞI ĐỘNG
“Bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: ‘Tôi đã thấy Chúa’ và bà kể lại những điều Chúa đã nói với bà.” (Ga 20, 18)

Suy niệm: Tuy yếu ớt, dễ mủi lòng, nhưng Mađalêna đã được chọn để làm người đầu tiên đưa Tin mừng Chúa đã phục sinh. Lúc chị công bố cũng là lúc dòng thác sức mạnh Thiên Chúa ùa vào và biến điều chị nói thành ‘thác nước vỡ bơ’ụ không gì ngăn cản nổi. Những điều chị nói trở thành dấu hỏi cho người này, tin vui cho người kia, thành sức mạnh chuyển biến hoán cải lan tỏa hết cộng đồng này đến cộng đồng khác. Tất cả bắt đầu từ một việc rất đơn giản: Chị kể lại những gì Chúa đã nói với chị.

Mời Bạn: Mấy phần trăm dân số trong khu phố, làng xã của bạn biết Chúa? Và những vùng ‘đất trắng’ – vùng đất không xứ đạo, không hoạt động rao giảng Tin Mừng trong giáo phận của bạn chiếm tỉ lệ đất đai là bao nhiêu? Rất có thể những con số làm bạn choáng ngợp, dễ bị cám dỗ tự đặt mình vào tình huống ‘botay.com.’ Nhưng Chúa Giêsu không xin bạn và tôi làm những việc trọng đại, những kế họach lớn lao. Ngài xin chúng ta bắt đầu cách đơn sơ như Mađalêna: vào cuộc bằng những gì Ngài đang đặt trong tầm tay chúng ta. Ngài cần bước khởi động từ đôi chân non yếu của ta.

Chia sẻ: Thử xem chúng tôi đang có cơ hội nào để phục vụ cho Tin Mừng không? Tôi có thể dạy giáo lý, tiếp xúc, chia sẻ cuộc sống với anh em lương dân?

Sống Lời Chúa: Đây là khẩu hiệu của tôi: Sống Tin Mừng để rao giảng Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho con biết bén nhạy, không bỏ lỡ một cơ hội mà con có thể làm một điều gì, cho dù rất nhỏ bé để phục vụ cho Tin Mừng của Chúa.

THỨ TƯ TUẦN 16 TN | Mt 13,1-9

23/07/08 Th. Bighítta, nữ tu
NÊN MẢNH ĐẤT TỐT CHO LỜI
“Người gieo giống ra đi gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường…” (Mt 13,3-4)

Suy niệm: Chính Chúa giải thích hình ảnh gieo giống ở đây ám chỉ việc giảng Lời. Tình hình xem chừng u ám: trong bốn loại đất được đề cập thì có đến ba loại (vệ đường, soi đá, bụi gai) làm… mất giống. Công cốc! Eo sèo! Chỉ có một loại tốt, sinh hoa kết quả. Nhưng trong thực tế, nếu được một phần tư (hay 25%) thì cũng là một tỷ lệ quí hoá lắm rồi. Trong thế giới 6 tỷ người hiện nay, có được một tỷ rưỡi người nghe Lời Chúa và thực sự sinh hoa kết quả không? Trong một thánh lễ Chúa Nhật sầm uất của một xứ đạo đông đúc giáo dân, được bao nhiêu người thực sự cho phép Lời Chúa thấm nhập vào tâm hồn để được Lời biến đổi? Dù sao, câu chuyện người gieo giống vẫn còn “cửa” cho ta nhìn với một cái nhìn lạc quan hơn: khi hạt giống rơi vào đất tốt, thì kết quả gặt hái được sẽ thực sự phi thường. Gấp trăm, gấp sáu chục, gấp ba chục! Ta được phép nghĩ chỉ cần một tâm hồn thực sự thấm nhuần Lời Chúa, sẽ chinh phục nhiều, rất nhiều tâm hồn khác đón nhận Lời,

Mời Bạn: Đừng nản lòng khi thấy thế giới và cuộc sống có quá nhiều vệ đường, sỏi đá hay bụi gai. Thay vào đó, hãy bảo đảm sao cho chính mình và gia đình mình là mảnh đất tốt của hạt giống Lời.

Chia sẻ: Đâu là những vệ đường, sỏi đá, bụi gai thường thấy trong thế giới hôm nay, cách riêng trong những người trẻ?

Sống Lời Chúa: Dành ít là 5 phút mỗi ngày cho Lời Chúa để lắng nghe Lời với thái độ trân trọng, mến yêu, với thái độ sẵn sàng, cởi mở.

Cầu nguyện: Hát bài Xin cho con biết lắng nghe: “Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con.”

THỨ NĂM TUẦN 16 TN | Mt 13,10-17

24/07/08 Th. Sácben Máclúp, linh mục
CHỌN GÌ ĐỂ THẤY, ĐỂ NGHE?
“Mắt anh em thật có phúc vì được thấy; tai anh em thật có phúc vì được nghe.” (Mt 10,16)

Suy niệm: Mọi kinh nghiệm đều được tiếp nhận qua ngả cảm quan, trong đó tai và mắt là hai cửa sổ hoạt động chộn rộn nhất của con người. Từ sáng tới chiều, tôi thấy và nghe biết bao nhiêu điều, ngay cả dù tôi không đi đâu cả, chỉ ngồi trước màn hình TV hay internet. Có những điều tôi thấy, tôi nghe sẽ giúp bồi bổ tâm hồn tôi nên phong phú hơn. Cũng có những điều tôi thấy, tôi nghe sẽ làm tâm hồn tôi nặng nề, suy nhược, mất sức sống. Khả năng phân định và chọn lựa để thấy gì, nghe gì (tiếp nhận truyền thông), vì thế, rất quan trọng. Trong thực tế, lằn ranh giữa cái tốt và cái xấu thường quá mong manh, đôi khi chỉ vỏn vẹn một cái “click” chuột vi tính thôi!

Mời Bạn: Phúc cho tai và mắt nào nghe và thấy Chúa. Ta cần biết “click” sao để thấy và nghe được như vậy. Khoa giáo dục truyền thông hiện nay nói rằng không thể tắt những nội dung rác rưởi, độc hại, ta chỉ có thể dùng biện pháp thay thế bằng cách bật những nội dung lành mạnh, phản ảnh chính Thiên Chúa là nguồn Chân Thiện Mỹ.

Chia sẻ: Bạn nhận thấy các phương tiện truyền thông hiện đại lợi hại thế nào? Làm sao để “gạn đục khơi trong” cho mình và cho người khác?

Sống Lời Chúa: Ngày nay ta không có Chúa bằng xương bằng thịt để thấy và nghe Ngài. Nhưng dấu vết của Ngài thì đầy dẫy. Chỉ cần ta biết thấy và nghe.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thế giới truyền thông hôm nay đặt mọi người, nhất là người trẻ, trong một tình thế rất chênh vênh. Xin cho chúng con biết xa lánh mọi thứ độc tố huỷ hoại nhưng biết kiếm tìm những gì thực sự bổ ích cho tâm hồn.

THỨ SÁU TUẦN 16 TN | Mt 20,20-28

25/07/08 Th. Giacôbê, tông đồ
ĐƯỢC GỌI ĐỂ PHỤC VỤ
“Việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho; Cha Thầy đã non cho ai, thì kẻ ấy mới được.” (Mt 20,23)

Suy niệm: Thời xưa, sau vua là đến hai quan tả hữu thừa tướng, thay mặt vua, chia nhau nắm giữ quyền hành. Chưa lập được công trạng gì, hai anh em con nhà Giêbêđê đã lo “chạy chức,” dành “ghế,” mà lại là ghế cao nhất. Thực ra, tổ chức xã hội nào cũng phải có những người lãnh đạo để phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội. Cũng giống như trong cơ thể con người, não bộ đóng vai trò trung tâm điều khiển các hoạt động của các bộ phận khác vì sự sống còn lành mạnh của cơ thể. Quyền hành lãnh đạo không phải là chiếm chiếc ghế cao để ngồi mà hưởng thụ nhưng là xả thân tham gia vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Ngồi ở đâu trong bàn tiệc thiên quốc là do Chúa Cha, vị chủ tiệc, sắp xếp. Phần Ngài, Chúa Giêsu cho biết cái “ghế” cao nhất mà Chúa Cha dành cho Ngài chính là cây thập giá.

Bạn ơi, đừng buồn bực vì địa vị của mình thua anh kém chị, nhưng hãy trả lời với Chúa Giêsu, dám cùng uống chén đắng của Ngài, nghĩa là dám trả giá, dù bằng cả sinh mạng, cho sứ mạng mà Chúa kêu gọi mình dấn thân vào. Và khi Chúa đặt bạn vào một chức vụ lãnh đạo nào đó, bạn cũng dám đứng mũi chịu sào vì lợi ích của anh chị em, thay vì hành xử theo kiểu thống trị, củng cố địa vị, mưu tìm lợi ích, danh dự cá nhân. Người thành đạt trước mặt Chúa không phải là người có quyền cao chức trọng, mà là người biết chu toàn bổn phận với lòng hy sinh quả cảm.

Sống Lời Chúa: Chu toàn việc bổn phận một cách vui vẻ, không than vãn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con dám khước từ ý riêng và lòng háo danh, để con liên lỉ tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 16 TN | Mt 13,16-17

26/07/08 Th. Gioakim và Anna, song thân Đức Maria
LÀ NHÀ CÓ PHÚC
“Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe.” (Mt 13,16)

Suy niệm: Nói theo kiểu Việt Nam, “con hơn cha là nhà có phúc” thì quả là gia đình ông bà Gioakim và Anna có phúc tới ba đời, bởi vì họ có một cô con gái “đầy ơn phúc” “hơn mọi người nữ” là Đức Maria, và từ Đức Maria, có người cháu ngoại là “Giêsu, con lòng Bà gồm phúc lạ”. Chúa Giêsu gọi các tông đồ là “có phúc” bởi vì tai các ông được nghe chính lời Chúa giải thích mầu nhiệm Nước Trời chứ không chỉ nghe qua dụ ngôn, và mắt các ông được thấy Ngài, Đấng Mêsia bằng xương bằng thịt chứ không phải qua hình bóng. Trong ngày lễ hai thánh song thân Đức Maria, Lời Chúa trên đây được đặt trong bối cảnh gia đình. Gia đình thực là “nhà có phúc” khi mỗi người có thể nhìn thấy Đức Giêsu, “Đấng gồm phúc lạ” hiện diện nơi người thân của mình và đối xử với họ một cách yêu mến và kính trọng như đối xử với Chúa.

Mời Bạn: Dân gian thường gọi cha mẹ mình là hai vị phật sống trong nhà mà người ta phải hết lòng phụng dưỡng cho trọn bề hiếu thảo. Nhờ bí tích rửa tội, người kitô hữu mang trong mình sự sống của Đức Kitô phục sinh, và nhờ đó có thể nhìn thấy, bằng cặp mắt đức tin, Chúa Giêsu hiện diện trong người anh chị em của mình. Khi bạn sống mầu nhiệm bí tích rửa tội với người thân của mình như thế, bạn đang thực thi một đức hiếu thảo và gia đình bạn đang hưởng một hạnh phúc cao quí hơn gấp bội phần.

Chia sẻ: Gia đình công giáo ngày nay ít cầu nguyện chung. Cả nhóm thảo luận tìm nguyên nhân và đề nghị giải pháp.

Sống Lời Chúa: Làm một việc thể hiện sự quan tâm chăm sóc đối với người thân trong gia đình bạn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Gia Đình. Tốt nhất, cả nhà đọc chung.

CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN - A | Mt 13,44-52

27/07/08
BÁN HẾT ĐỂ MUA…
“Người ấy bán tất cả những gì mình có mà mua thưả ruộng ấy.” (Mt 13,44)

Suy niệm: Ai cũng kiếm tìm hạnh phúc. Và ta cầu chúc nhau hạnh phúc. Nhưng không phải mọi người đều nhất trí với nhau về đâu là nền tảng của hạnh phúc. Rất nhiều người xây hạnh phúc của mình trên tiền bạc, quyền lực, và danh vọng. Nhưng rồi không thiếu những vỡ mộng đắng cay khi mà người ta dường như đã nắm trong tay mình tất cả. Như cô nàng Marilyn Monroe sắc đẹp đổ nước nghiêng thành; như anh chàng Lêâ Công Tuấn Anh đệ nhất đào hoa một thời… Và ngay lúc này đây, ai đếm được có bao nhiêu con người trên thế giới này đang khốn khổ và bất an trên chính địa vị, tiền bạc và ‘tình yêu’ mà họ đang có. Vậy hạnh phúc thật sự, vậy ý nghĩa đích thực của cuộc sống nằm ở đâu?

Mời Bạn: Đức Giêsu kể chuyện về những người bán tất cả để mua cho được kho tàng chôn giấu hay viên ngọc quí. Hạnh phúc thật sự, ý nghĩa đích thực của cuộc sống nằm ở phía bất ngờ nên ít ai biết. Đức Giêsu gọi đó là Nước Trời. Chỉ những ai giác ngộ được giá trị của Nước Trời mới sẵn sàng bán hết những gì mình có để mua. Và trước mắt người đời, hành động ‘bán hết để mua’ ấy được coi là ‘nghiện’, là điên khùng.

Chia sẻ: Trong thực tế, bạn đang đặt hạnh phúc của đời mình nằm ở đâu? Bạn thuộc số điên khùng và ‘nghiện’ theo nghĩa trên, hay bạn cũng ‘khôn ngoan’ theo kiểu thế gian và dốc toàn tâm lực theo đuổi những gì mà thiên hạ theo đuổi?

Sống Lời Chúa: Trong mọi sự, ta tìm kiếm Nước Trời, tức “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (cf. Rm 14,17).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuối cùng chỉ có Chúa là ý nghĩa của đời con.

THỨ HAI TUẦN 17 | TN Mt 13,31-35

28/07/08 Th. Êlidabét Chúa Ba Ngôi
SỨC MẠNH CỦA ƠN CHÚA
Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. (Mt 13,31)

Suy niệm: Tạp chí Catholic Digest (số tháng 10/2007) làm một cuộc khảo sát trên toàn nước Mỹ đã nêu lên 11 người và một cặp vợ chồng kitô hữu đã thực hiện những công việc phi thường đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người không chỉ nơi cộng đoàn họ đang sống mà còn lan rộng đến những địa phương khác nữa. Tạp chí đã đưa ra lời nhận định tổng kết: Một người không nhất thiết trở thành anh hùng bằng cách cứu vớt cả thế giới nhưng tất cả đều đã bắt đầu bằng cách dám mở tay ra dù chỉ để giúp duy nhất một con người. Những mẫu gương đó là chứng từ sống động cho dụ ngôn hạt cải của Lời Chúa hôm nay. Nước Trời được gieo vào trong ta như hạt cải nhỏ bé. Nếu chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa thì chúng ta sẽ trở nên tốt, sẽ góp phần làm cho thế giới tốt hơn.

Mời Bạn: Đừng bao giờ nghĩ mình chẳng là gì, những việc lành mình làm quá nhỏ nhoi, chẳng thay đổi được cái xã hội tồi tệ này, để rồi vì đó mà sống thụ động, bi quan, tệ hơn nữa là trở nên thành phần bất hảo trong xã hội. Không có việc thiện nào dù nhỏ bé mà vô ích. Với ơn Chúa, nó giống như hạt cải, nhỏ bé nhưng chứa đựng sức sinh tồn mãnh liệt, một khi đã được gieo vào lòng người, thì sớm hay muộn cũng sẽ mọc lên thành cây to và sinh hoa trái.

Chia sẻ: “Luôn luôn hy vọng, đó là dấu hiệu một tâm hồn vĩ đại” (Flôbe). Con đường hy vọng của kitô hữu sẽ làm cho bạn vĩ đại như thế nào?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm Lời Chúa: “Khi làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí” (Gl 6,9).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn nhớ rằng: khi con sống tốt, con là men, là muối ướp cho mặn đời. Amen.

THỨ BA TUẦN 17 TN | Ga 11,19-27

29/07/08 Th. Mácta
ĐỨC TIN KIÊN VỮNG
“Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống.” (Ga 11,27)

Suy niệm: Khi gặp một thử thách, thất bại, một biến cố đau buồn như chết chóc, bệnh tật, có người nản lòng mất đức tin, có người lại thêm kiên vững trong đức tin. Đây chính là lúc đức tin được tôi luyện (x. 1Pr 1,6-9). Mácta để lại tấm gương sáng ngời về đức tin. Đang đau buồn về cái chết của người em, thế mà khi nghe tin Chúa đến, cô đã đứng dậy đi đón Ngài: đó là một đức tin lên đường. Trong câu chuyện với Chúa, cô đã tỏ ra tin tưởng khi nói: “Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” Cô có một đức tin đặt vào Chúa. Niềm tin đó không chỉ trong chốc lát mà bền bỉ và còn tăng tiến; Mácta tuyên xưng một cách rõ ràng và mạnh mẽ: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

Mời Bạn: Đức tin của Mácta giúp bạn ý thức về niềm tin của bạn. Niềm tin ấy phải sống động, mời gọi bạn lên đường đến với Chúa, chứ không để những thử thách lôi bạn đi xa Ngài; thứ đến, niềm tin ấy phải được đặt vào chính con người của Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa, chứ không phải vu vơ, đặt vào ai khác hay một điều gì khác.

Chia sẻ: Nhiều người hay có tính “hữu sự vái tứ phương” khi gặp tai ương hoạn nạn thì thần phật nào cũng khấn vái. Là kitô hữu, bạn có để thái độ đó len lỏi vào trong cách ứng xử của mình không?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời thánh Phaolô: “Tôi biết tôi đã tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó” (2Tm 1,12).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Xin cho niềm tin này như ánh sao dẫn con vượt qua những thử thách gian truân đến với Chúa. Amen.

THỨ TƯ TUẦN 17 TN | Mt 13,44-46

30/07/08 Th. Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
TIÊU CHÍ LỚN NHẤT ĐỂ CHỌN LỰA
“Nước Trời giống như chuyện kho báu… người kia tìm được, bán tất cả những gì ông có để mua.” (Mt 13,44-46)

Suy niệm: Nhiều người lựa chọn dựa trên tiêu chí “nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, sống lâu hạnh phúc.” Nhưng cũng có lắm tiêu chí lựa chọn có vẻ ngược đời, gây sốc. Cha M. Kolbe tự nguyện chết thay cho người bạn tù trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Cha Damien tình nguyện phục vụ người phong, để rồi cha qua đời vì chính căn bệnh của những người mà cha tận tâm săn sóc. “Tôi chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là một thừa sai sung sướng nhất trên địa cầu này.” Cha viết như thế cho một người bạn, vì tin rằng mình đã tìm được kho báu vô giá là Nước Trời, tiêu chí lớn nhất cho lựa chọn của ngài.

Mời Bạn: Khi đề cao chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân và lợi nhuận, con người dường như khó khăn trong việc chọn lựa đâu là giá trị thực và đâu là giá trị ảo. Hậu quả là chạy theo cái lợi ngắn ngủi trước mắt mà quên đi giá trị đích thật ngàn đời. Không lạ gì xã hội nảy sinh bao vấn nạn nan giải: nạo phá thai thuộc hạng kỷ lục thế giới, giới trẻ sống trụy lạc, hối lộ tham nhũng là quốc nạn khó tìm thuốc chữa…

Chia sẻ: Bạn có can đảm để bán tất cả những gì bạn có: sự an nhàn, một vài ảnh hưởng, địa vị cá nhân để mua bằng được Nước Trời đang hiện diện trong SỰ THẬT, CÔNG BẰNG và BÁC ÁI không?

Sống Lời Chúa: Ghi nhớ như thánh Inhaxiô: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 9,36).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ vì con đã nhiều lần theo giác quan mà lựa chọn sai lầm. Giờ đây, xin ban cho con sự khôn ngoan, để khám phá ra kho báu là Nước Trời, và mau mắn đánh đổi tất cả vì Nước Trời ấy.

THỨ NĂM TUẦN 17 TN | Mt 13,47-53

31/07/08 Th. Inhaxiô Lôiôla, linh mục
NHẮM TỚI TRẬN CHUNG KẾT
“Nước Trời cũng giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển…” (Mt 13,47)

Suy niệm: Giải bóng đá Euro chưa khai mạc, người ta đã ồn ào tiên đoán những đội bóng nào sẽ vào chung kết và đội nào sẽ vô địch. Càng đi sâu vào giải càng nhiều bất ngờ. Nhưng dẫu cho có bất ngờ, đội vô địch bao giờ cũng phải thực sự là một đội mạnh. Dụ ngôn lưới cá được đặt ở cuối chương 13 Phúc Âm Mát-thêu, sau một loạt các dụ ngôn về Nước Trời, tổng hợp chủ đề của các dụ ngôn đó để tiết lộ về toàn cảnh hồi chung kết của cuộc đua vào Nước Trời: đó là sự phân định rạch ròi giữa tốt và xấu, và dù thế nào đi nữa, chỉ có những gì thực sự là tốt mới được vào Nước Trời. Vì thế, trong trận chung kết để vào Nước Trời, không có chuyện người này loại bỏ kẻ kia, mà chỉ có những người tự loại bỏ mình ra khỏi Nước Trời vì trong cuộc sống họ đã không dứt khoát loại bỏ điều xấu để chọn điều tốt.

Mời Bạn: Như một huấn luyện viên tài ba luôn nhắm đến trận chung kết, thánh Phaolô dạy chúng ta, để làm một vận động viên xuất sắc trong cuộc đua vào Nước Trời, phải dám “mất hết, coi mọi sự như rác, để được Đức Kitô” và “chỉ chú ý một điều là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình tới trước” nhắm “chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho những ai được kêu gọi trong Đức Kitô” (x. Pl 3). Biết tiêu chí của Nước Trời là chọn điều tốt, và với phương pháp của thánh Phaolô, bạn đã sẵn sàng bước vào cuộc đua để được đón nhận vào Nước Trời chưa?

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi quyết tâm dứt khoát từ bỏ một tật xấu làm trì trệ đời sống thiêng liêng của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa, Chúa của con. Amen. (theo Pl 3,8)

Một Đan Sĩ

● Đọc tiếp: 5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 06/08 | 05/08 | 04/08 | 03/08 | 02/08

Đọc nhiều nhất Bản in 02.07.2008. 11:13