Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thư của thánh Phaolô gửi ông Phi-lê-mon

§ Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

Trong các thư của thánh Phao-lô, thư gửi ông Phi-lê-môn ngắn hơn cả. Đó là một bức thư theo đúng nghĩa, vì tác giả đã áp dụng dủ mọi công thức thư từ của thời bấy giờ. Đó còn là một bức thư thân tình hơn hết, bởi vì chính tay thánh Phao-lô đã viết từ đầu đên cuối. Nhưng không phải bởi thế mà thư này chỉ là một thư riêng, vì thánh Phao-lô cũng nói với cả giáo đoàn họp tại nhà ông Phi-lê-mon nữa. Lý do sâu xa của sự kiện này chẳng phải là vì ở trong thân thể mầu nhiệm Đức Ki-tô, việc tư không còn phải là việc riêng nữa hay sao ?

Ngay từ đầu, người ta đã để ý đến những tình cảm tế nhị được bày tỏ trong thư. Chẳng bao giờ thấy thánh Phao-lô tìm cách tránh né dùng quyền hành đối với các môn đệ như thế. Vì vậy, Maurice Goguel thật có lý, khi gọi thư này là kiệt tác về sự khéo léo trong cung cách đối xử.

Chắc thánh Phao-lô đã viết thư này ở Roma hoặc Kai-sa-ri-a đồng thời với thư Cô-lô-xê. Khi đó thánh Phao-lô đang bị tù (1 Cr 4,3.10.18; Plm 9.10.13.18) và có một số bạn hữu đồng hành đang ở gần bên cạnh ( 1 Cr 4, 7-14; Plm 23.24). Người ta không biết gì nhiều về người nhận thư. Hình như ông là một nhân vật quan trọng trong giáo đoàn Cô-lô-xê, người đã đem của cải và dùng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ giáo đoàn (cậu 5-7). Chính thánh Phao-lô đã đưa ông vào đạo. Ngài đã nhắc khéo ông về điều này và thương mến ông, đến nỗi đã gọi ông là người cộng sự yêu quí.

1. Hoàn cảnh

Hoàn cảnh xui khiến cho có bức thư này không được rõ lắm. Tuy nhiên, dựa vào mấy câu ám chỉ trong thư, người ta có thể sắp xếp được như sau và có lẽ khá đúng.

Ông Phi-lê-mon có một người nô lệ tên là O-nê-si-mô. Chắc vì một câu chuyện không hay nào đó, anh này đã bỏ trốn đi. Không rõ hoàn cảnh nào đã khiến anh gặp được thánh Phao-lô. Anh bám ngay lấy ngài và xin theo đạo. Thánh Phao-lô cũng quí anh và chọn anh làm người cộng sự. Trong thư gửi giáo đoàn Cô-lô-xê, ngài gọi anh là người anh em trung tín và thân mến. nên cố giữ anh ở lại với mình. Nhưng không thể kéo dài mãi như vậy, vì như thế tình trạng sẽ trở nên phức tạp. Ông Phi-lê-mon có thể nghi ngờ cho rằng ngài không tế nhị, khi dùng tên nô lệ tẩu thoát ấy mà không hỏi ý kiến ông và được ông đồng ý. Hơn nữa, theo luật lệ thời bấy giờ, làm như vậy là xâm phâm quyền sở hữu của ông. O-nê-si-mô có thể bị truy nã, bỏ tù rồi giải về cho chủ cũ để bị trừng phạt nặng nề. Do đó, thật dễ hiểu khi thấy thánh Phao-lô tính trả lại O-nê-si-mô cho chủ cũ. Nhưng ngài không muốn chỉ trả lại mà còn gửi thêm bức thư này nữa, để xin ông Phi-lê-môn không những chỉ đón nhận O-nê-si-mô như một người anh em thân mến mà còn như chính ngài. Ngài không xin cho O-nê-si-mô được giải phóng mà thôi, nhung tin chắc là ông O-nê-si-mô sẽ còn làm hơn cả điều ngài xin. Ngài để cho ông Phi-lê-mon hiểu lấy chữ “hơn” đó. Thánh Phaolô đã ngỏ ý rõ rệt muốn thấy O-nê-si-mô trở lại giúp ngài trong công việc truyền đạo, bất kể có được “giải phóng” hay không.

2. Giáo thuyết

Có người ngạc nhiên, khi thấy một bức thư riêng như thế này, chẳng có chất tín lý bao nhiêu mà lại được xếp vào hàng thư quy. Nhưng Hội thánh đã muốn như vậy, vì trong thư này có chủ trương của Ki-tô giáo bênh vực người nô lệ. Giả thuyết này có thể chấp nhận được. Tất nhiên không nên giải thích thư này như một thiên khảo luận của Tin Mừng về vấn đề người nô lệ. Ở đây thánh Phao-lô chỉ nói đến một trường hợp cụ thể, nhưng có lẽ chính vì là một trường hợp cụ thể, nên nó nói cho ta về tương quan giữa chủ và nô lệ hơn các thư nặng phần giáo huấn khác.

Nhiều đoạn trong các thư của thánh Phao-lô xem ra rụt rè, khi bàn về tương quan giữa chủ và nô lệ 1 Cr 7,20-24; Ep 6,5-9; Cl 3,22-4,1). Đọc những câu trong các chương này, người nô lệ thời xưa có thể sửng sốt vì thấy mình được công nhận là người. Nhưng thánh Phaolô vẫn không triệt để lên án chế độ nô lệ. Người mạnh dạn tuyên bố: “.Trong Đức Ki-tô không còn ngăn cách nào nữa, không còn nô lệ hay tự do.” (Gl 3,28). Ngài đã viết cho giáo đoàn Rô-ma gồm cả chủ lẫn nô lệ rằng: “Mọi người phải thương yêu nhau như anh em” ( Rm, 12, 10). Tuy nhiên, đang khi khẳng định rằng “Trước mặt Chúa”, “trong Đức Ki-tô”, ở giữa cộng đoàn anh em và nhất là trong công đoàn phụng vụ, mọi tín hữu đều bình đẳng và là anh em. Hình như ngài vẫn không rút ra kết luận đó trong đời sống pháp lý bên ngoài, tức là trong đời sống công dân.

Chắc hẳn thánh Phao-lô vẫn phân biệt hai bình diện: trước mặt Chúa và trước mặt người đời. Nhưng thư Phi-lê-mon không cho ta được phép giải thích theo lối nhị nguyên. Thật vậy, tuy không chủ trương bãi bỏ ngay chế độ nô lệ đang thịnh hành thời đó, nhưng cũng đừng ai nghĩ rằng ngài muốn nói người nô lệ hãy cứ là nô lệ, cứ phải ở mãi trong tình trạng ấy, như thể là “Trời” đã định rồi. Theo Théo Preiss, thánh Phao-lô không đặt cả hai vấn đề trên cùng một bình diện đâu ! Đối với ngài, tình huynh đệ, sự hợp nhất trong Đức Ki-tô, phải nhìn lại mối tương quan giữa chủ và nô lệ, vứt bỏ nó đi và thực hiện trên một bình diện khác. Không những ông Phi-lê-mon nên coi O-nê-si-mô như một người bình đẳng với mình và như một phần tử trong Hội thánh giống như mình mà còn phải kể anh ta như một người trong gia đình và như một người anh em của mình. Vì thế, không còn ai đuợc phép có thái độ kẻ cả nữa mà phải hoàn toàn coi nhau như anh em. Bởi vậy, ông O-ne-si-mô nên lấy tình huynh đệ đón nhận O-nê-si-mô như một người và hơn thế nữa, như một Ki-tô hữu.

Vì thế, có thể kết luận như Théo Preiss rằng: “Tân Ước không làm cách mạng theo nghĩa hiện nay của danh từ này, lại càng ít bảo thủ hơn; mọi trật tự xã hội rồi sẽ bị tháo gỡ và qua đi cùng với cơ cấu của vũ trụ này.”

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 Cerf-Paris trang 2911-2913)

Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

Đọc nhiều nhất Bản in 28.05.2009. 09:21