Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ly dị và tái hôn trong các Phúc Âm Nhất Lãm

§ Vũ Văn An

Hai truyền thống thuật lại lời dạy của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn là truyền thống Nhất Lãm và truyền thống Phaolô. Nhưng, hai trong ba tác giả phúc âm Nhất Lãm, tức các nhà soạn thảo ra hai phúc âm Luca và Mátthêu (người ta tin không phải là tông đồ Mátthêu) chưa bao giờ được tự thân nghe chính Chúa Giêsu. Máccô thì rất có thể đã được diễm phúc ấy. Nhưng nếu ông là Gioan Máccô, đồng hành của Thánh Phaolô và Barnaba được nhắc đến lần đầu trong Công Vụ 12:25 chứ không phải chàng thanh niên cởi trần chạy thoát thân sau khi Chúa Giêsu bị bắt trong Vườn Cây Dầu (Mc 14:51-52), thì rất có thể đã xuất thân từ Antioch thuộc Syria và do đó tự thân cũng đã không được nghe chính Chúa Giêsu. Nếu ông Máccô này soạn ra phúc âm mang tên Máccô và sau này trở thành bạn đồng hành và là ‘con cưng’ của Thánh Phêrô mà truyền thống thường tin, thì hẳn là ông đã được nghe lời dạy của Chúa qua giáo huấn của Thánh Phêrô.

Dù sao chăng nữa, những điều các soạn giả này truyền lại như là giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn cũng đã được gạn lọc qua các giáo huấn giáo lý của nhiều cộng đoàn Kitô giáo thuộc thế hệ đầu tiên. Những dị biệt đáng kể trong các phiên bản của họ có thể gán cho những bài giáo lý sơ khai đó cũng như cho ý định biên tập của chính các soạn giả. Điều này đã đủ nói lên nỗi khó khăn của chúng ta, những con người ở thế kỷ 21 này, khi muốn biết đích xác Chúa Giêsu đã thực sự nói gì về hai khía cạnh trên. Sau đây là các phiên bản. Phúc âm Luca (16:18) thuật lại như sau:

"Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (1)

Phiên bản Máccô (10:1-12) chi tiết hơn nhiều và có nhiều dị biệt. Một trong những dị biệt này là giáo huấn của Chúa Giêsu được lồng trong một trình thuật kể lại cuộc đối chất và tranh luận với người Biệt Phái:

“Chúa Giêsu bỏ nơi đó, đi tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. Có mấy người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? " Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: " Thế ông Môsen đã truyền dạy các ông điều gì? " Họ trả lời: "Ông Môsen đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." Chúa Giêsu nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsen mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."

Phiên bản đầu và ngắn hơn của Mátthêu lấy từ Bài Giảng Trên Núi (5:31-32) như sau:

"Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp (2), ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Phiên bản dài hơn của Mátthêu giống phiên bản Máccô vì cũng được lồng trong một trình thuật về cuộc đối chất với nhóm Biệt Phái (19:3-12), nhưng dĩ nhiên có khác biệt với phiên bản Máccô:

“Có mấy người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Người. Họ nói: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không? " Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ", và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." Họ thưa với Người: "Thế sao ông Môsen lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? " Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsen đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình. Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn." Nhưng Người nói với các ông: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu."

Khi thưa chuyện với một cử tọa chỉ Do Thái có một phần và toàn bộ không sống ở Palestine, Thánh Phaolô xem ra đã đẽo vào tận tâm điểm của truyền thống Nhất Lãm và xem ra đã đi xa hơn truyền thống ấy, như sau trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (7:1-16):

“Bây giờ, tôi đề cập tới những điều anh em đã viết cho tôi: đàn ông không gần đàn bà là điều tốt. Nhưng để tránh hiểm hoạ dâm ô, thì mỗi người hãy có vợ có chồng. Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Xatan lợi dụng để cám dỗ. Điều tôi nói đó là một sự nhân nhượng chứ không phải là một mệnh lệnh. Tôi ước muốn mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác.

“Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ. Nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt. Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ.

“Còn với những người khác, thì tôi nói -chính tôi chứ không phải Chúa-: nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh. Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau! Chị là vợ, biết đâu chị chẳng cứu được chồng? Hay anh là chồng, biết đâu anh chẳng cứu được vợ?”.

Ý định rõ ràng của các tác giả Nhất Lãm là muốn chuyển giao tới độc giả lời lẽ của chính Chúa Giêsu. Như trên đã nói, ý định này có phải cũng là ý định của Chúa Giêsu hay không là điều khó cho ta xác định. Vì ý định của các soạn giả Nhất Lãm xuất hiện từ 35 tới 45 năm sau khi Chúa Giêsu đã phát biểu ý định của Ngài ra (các học giả hiện đại cho rằng phúc âm Máccô được viết khoảng năm 65 A.D., còn phúc âm Luca và Mátthêu phải một thập niên sau mới được viết ra, trong khi Chúa Giêsu qua đời năm 30 A.D.). Họ tìm cách hướng lời dạy của Chúa Giêsu tới các cử tọa hoàn toàn là Kitô giáo mặc dù đã trở lại từ Do Thái Giáo hay từ các tôn giáo ngoại đạo… Trong khi Chúa Giêsu nói với các cử tọa hoàn toàn Do Thái sống tại Palestine. Ngài cũng chọn lời lẽ làm phương tiện chỉ trích lối sống Do Thái cùng thời với Ngài và rõ ràng cố gắng giải quyết cuộc tranh luận Do Thái lúc đó vẫn còn đang tiếp diễn ngay trong thế hệ Ngài sống sau khi đã khởi đầu ở một thế hệ trước đó bởi hai tư tế Hillel và Shammai.

Thành thử ra, chúng ta không có được những ghi chép chắc chắn về điều Chúa Giêsu thực sự nói về ly dị và tái hôn vì các môn đệ Ngài nghe và nhớ lại giáo huấn ấy với ít nhiều “y chang” khác nhau rồi sau đó đã truyền lại cho nhiều cộng đoàn Kitô giáo khác nhau thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai nội dung việc nhớ lại ấy. Việc các Kitô hữu thuộc các thế hệ này tin rằng lời của Chúa Giêsu nói cũng có ý định nói với họ nữa chỉ là cách họ giải thích ý định của Ngài mà thôi, cũng như chúng ta hiện nay, chúng ta xác tín lời Ngài cũng nhằm nói cả với chúng ta ở thế kỷ thứ 21 nữa cũng chỉ là cách chúng ta giải thích mà thôi. Và sự giải thích ấy, dù là do Huấn Quyền Công Giáo đi chăng nữa, cũng không hoàn toàn nhất nghĩa (univocal), không hàm hồ như sẽ thấy chi tiết sau đây.

1. Lời Chúa Giêsu dạy trong Luca 16:18

Hiển nhiên, giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn được tìm thấy dưới hình thức đơn giản nhất trong đoạn phúc âm theo Thánh Luca trên đây. Một số học giả Tân Ước nhấn mạnh rằng phiên bản này gần gũi nhất với chính lời của Chúa Giêsu. Lý do chính khiến họ tin như thế là bởi vì Luca đã không đặt phiên bản của mình trong khung cảnh một bài tường thuật về cuộc đối chất và tranh luận với người Pharisêu như Máccô và Mátthêu, một khung cảnh được các học giả này coi là ước lệ và giả tạo. Trái lại, Luca chỉ bao gồm giáo huấn này như một lời khuyến thiện tản mạn của Chúa Giêsu được ngài gom lại thành một bộ giáo huấn luân lý đặt chung ở một phần trong phúc âm của mình, tức hành trình giáo huấn vĩ đại bắt đầu với 9:51 trong bối cảnh Chúa lên đường tới Giêrusalem và tới cái chết của mình (3).

Lối giải thích trên có giá trị của nó, tuy nhiên không có tính thuyết phục. Sức mạnh của lối giải thích này tùy thuộc sự chính xác trong việc áp dụng nguyên tắc giải thích Thánh Kinh, tức nguyên tắc cho rằng trong diễn trình hình thành các đoạn Phúc Âm qua khoảng thời gian từ 35 năm tới 45 năm kể từ thời Chúa Giêsu tới thời các soạn giả phúc âm, các câu tuyên bố thoạt đầu được truyền lại từng cụm mà không đi theo một bối cảnh đời thực nào đó thì sau này thường được lồng một cách hư cấu vào các bối cảnh ký sự để làm chúng trở thành dễ nhớ và đem lại cho chúng một dáng dấp hiện sinh. Điều đó có thể là một phán đoán chính xác đối với một số đoạn, nhưng ít nhất tự nó, nó cũng không hoàn toàn hiển nhiên đối với hầu hết các đoạn, kể cả đoạn nói về ly dị và tái hôn. Không phải là vô lý nếu nghĩ rằng Luca đã làm ngược lại nguyên tắc ấy, ngài thấy lời dạy của Chúa Giêsu được nói ra trong khung cảnh một câu truyện xẩy ra trên thực tế ở Palestine, nhưng ngài rút lời dạy ấy ra khỏi khung cảnh trên vì khung cảnh ấy chẳng ăn nhằm gì đối với cử tọa Ngoại Giáo của ngài tại Tiểu Á và những nơi khác.

Dù gì đi nữa, theo Luca, cử tọa nghe Chúa Giêsu nói giáo huấn này chỉ là những người theo Chúa Giêsu mà thôi, vì thánh nhân đã dẫn nhập toàn bộ các lời giáo huấn đã được ngài tự ý gom lại này bằng một câu có tính công thức cho biết hậu cảnh như sau: “Dịp khác, Người nói với các môn đệ rằng…” Không có điều gì trong hậu cảnh này cho thấy giáo huấn của Chúa làm bối rối số đông đồng bào Do Thái của Người cả. Như sẽ thấy, cả Máccô lẫn Matthiêu đã thuật lại một cách khác thế.

Phiên bản của Luca cũng độc đáo ở chỗ đã không ghi lại lệnh truyền của Chúa Giêsu cấm vợ chồng, cả các môn đệ lẫn những người khác, không được ly dị. Quả thế, không như Máccô (10:9) và Mátthêu (19:6), Luca đã không ghi lại lời nghiêm cấm của Chúa Giêsu: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Ngài cũng không kể đến việc Chúa Giêsu nghiêm cấm những người ly dị tái hôn hay cho họ hay họ không thể tái hôn vì cố gắng ly dị của họ vô hiệu. Luca chỉ kể lại việc Chúa Giêsu đề cập đến hiệu quả của hai lối hành xử nơi người đàn ông: nếu anh ta rẫy vợ (cách người Do Thái ly dị) và kết hôn (hay tìm cách kết hôn) với một người đàn bà khác, anh ta sẽ phạm tội ngoại tình. Ngoài ra, trọn câu kết thúc trong phiên bản này tức câu “…và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” có thể là câu thêm vào lời của chính Chúa Giêsu dưới hình thức một khai triển hợp lý dẫn khởi từ câu đầu của giáo huấn. Câu sau cùng này cũng có trong Mátthêu 5:32, cho thấy rất có thể nó được lấy từ Nguồn Q mà cả Luca lẫn Mátthêu đều sử dụng cho các đoạn khuyến thiện (parenetic) của họ. Tuy nhiên trong Máccô và trong Thánh Phaolô, câu đó bị bỏ qua.

Sau cùng, trong Luca, Chúa Giêsu không nói gì về tác phong của người đàn bà, một sự im lặng khá kỳ lạ, vì ngài soạn thảo Phúc âm của mình cho một cử tọa rất quen thuộc với luật La Mã và sống dưới luật đó, một luật cho phép người đàn bà có thể cùng chồng thỏa thuận tiêu hủy cuộc hôn nhân của mình hay chấm dứt cuộc hôn nhân ấy bằng cách “rẫy” (repudiating) bỏ người chồng, chứ ngài không soạn phúc âm cho một cử tọa sống dưới luật Do Thái là luật chỉ cho phép người chồng ly dị bằng cách tống khứ vợ mình. Để giáo huấn các Kitô hữu sống dưới luật La Mã, Thánh Luca còn dùng cả động từ apolúein vốn do truyền thống Nhất Lãm sử dụng để chỉ cái thứ rẫy vợ đơn phương theo luật Do Thái.

(còn tiếp)

Vũ Văn An

Ly dị và tái hôn trong các Phúc Âm Nhất Lãm, phần (1), (2), (3), (4) & (5)

Đọc nhiều nhất Bản in 18.09.2008. 08:13