Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ly dị và tái hôn trong các phúc âm nhất lãm (5)

§ Vũ Văn An

(tiếp theo và hết)

Phủ định hay khẳng định

Những nhận định trên đây về câu “ngoại trừ” trong phúc âm Mátthêu là của linh mục Theodore Mackin S.J trong Divorce and Remarriage, New York, Paulist Press, 1984, những nhận định có tính phủ định. Vấn đề vì thế có vẻ như bỏ lửng ở đây. Và việc ấy chắc chắn khiến nhiều người trong chúng ta không thấy thoả mãn. Hiển nhiên, một câu quan trọng như thế, dù là của chính Chúa Giêsu nói hay là soạn giả phúc âm Mátthêu, nhờ linh hứng, mà tin là nếu Chúa Giêsu hiện diện nơi cộng đoàn của ông lúc đó cũng sẽ nói như vậy, phải có một nghĩa nào đó có tính khẳng định. Chính vì thế đã có rất nhiều cố gắng xác định ra ý nghĩa này.

Các Bản Tiếng Việt

Ở đây, tưởng nên nhắc lại một vài lối dịch của các bản tiếng Việt. Bản của Tin Lành: “Người nào để vợ mà không phải vì cớ ngoại tình, thì người ấy làm cho vợ mình ra người tà dâm”. Bản của Cha Nguyễn Thế Thuấn: “Mọi kẻ rẫy vợ, trừ phi là nố dâm bôn, là làm cho vợ ngoại tình”. Bản của Cha An Sơn Vị: “Trừ nố kết hôn phi pháp, ai bỏ vợ tức là khiến nó ngoại tình”. Bản của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình” …

Bản của Tin Lành vốn không có chú thích. Cha Thuấn thì chú thích rằng: “Nghĩa vợ chồng bất di bất dịch. Nố trừ ở đây có thể là thứ hôn nhân bất hợp pháp, trái với luật của Thiên Chúa.(Có người hiểu về sự thất trung ngoại tình đòi phải ly thân)”. Cái hiểu sau không giá trị bao nhiêu vì ly thân không cho phép người chồng tái hôn. Cha Vị và Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ giống nhau cả lối dịch lẫn lời chú thích, theo đó pornéia có ba nghĩa chính: a) cái gì ô nhục (xem Đnl 24:1); b) ngoại tình; c) kết hôn phi pháp (xem Lv 18:6-18 và Cv 15:28-29). Lối dịch “hôn nhân phi pháp” này xem ra chung chung nhất vừa có thể nói lên khía cạnh “không chính dâm” của chữ pornéia vừa có thể hỗ trợ cho nguyên tắc chung được Chúa Giêsu long trọng đưa ra là: không có ly dị ở bất cứ trường hợp nào, vì hôn nhân bất hợp pháp vốn không phải là hôn nhân thực sự. Và vì thế đây là lối dịch thông thường của các phiên bản Công Giáo.

Các Bản Ngoại Ngữ

Như bản Thánh Kinh Giêrusalem chẳng hạn cũng dịch câu ngoại trừ là “except for the case of illicit marriages”. Tuy nhiên hai bản Phổ Thông cũ và mới đều dịch câu ngoại trừ là “excepta fornicationis causa”. Bản Douay-Rheims cũng thế. Hầu hết các bản Tin Lành đều theo khuynh hướng ấy mà dịch chữ pornéia là “some terrible sexual sin” (Bản American Bible), “unchastity” (Bản New American Standard Bible), “fornication” (Bản King James Version) hay “unfaithfulness” (New International Version)… Ai cũng hiểu “terrible sexual sin”, “unchastity” hay “unfaitfulness” là một hành vi xấu thực hiện trong đạo vợ chồng, trong cuộc sống lứa đôi, nói cách khác là ngoại tình.

Nhưng còn “fornicatio”? Tra từ điển Latinh của Đại Học Notre Dame Hoa Kỳ, người ta không thấy chữ này, nhưng có chữ fornicatus có nghĩa là bẻ thành cửa vòm hay vòng cung (arched/vaulted). Một tác giả cho hay: các gái điếm lành nghề của cổ La Mã thường hay “chào hàng” bằng cách đứng ở dưới cửa vòm của các công thự lớn để khách mua hoa dễ thấy. Chữ Latinh dùng để chỉ cửa vòm là “fornix” và ai đứng dưới của vòm kiểu này được gọi là fornicator nếu là đàn ông và fornacatrix nếu là đàn bà. Dịch vụ của họ được gọi là fornicatio (http://boards.hbo.com/forum.jspa?forumID=800001151&start=15).

Từ điển Đức Tin Kitô Giáo (Dictionnaire De La Foi Chrétienne do Olivier de La Bosse chủ trương) và Pocket Catholic Dictionary của John A. Hardon SJ cũng giải thích như thế.

Như vậy, fornicatio được hiểu là việc mua dâm, hay việc làm tình trước hôn nhân và nói chung bên ngoài hôn nhân. Nhưng trong 1 Cor 6:9, fornicarii (người tà dâm) được hiểu là khác với adulteri (người ngoại tình). Do đó, người ta vốn hiểu fornicatio là việc làm tình có thoả thuận giữa những người chưa lập gia đình, trong khi ngoại tình là việc làm tình giữa những người hoặc cả hai đều đã kết hôn với người khác hay ít nhất một người đã kết hôn với người khác (xem từ điển bách khoa Wikipedia). Linh mục Hardon hình như muốn ám chỉ đến câu ngoại trừ của phúc âm Mátthêu, định nghĩa fornication là hành vi giao hợp tính dục giữa một người đàn ông và một người đàn bà chưa kết hôn thành sự (validly married), mặc dù họ được tự do lấy nhau.

Theo Cha Benedict T. Viviano O.P., tác giả cuốn chú giải “The Gospel According to Matthew” trong bộ The New Jerome Biblical Commentary do Raymond E. Brown, Joseph A.Fitzmyer và Roland E. Murphy chủ biên (Geoffrey Chapman, 1989), lối giải thích pornéia như hôn nhân bất hợp pháp là chỉnh hơn cả. Vì theo ngài, trong truyền thống tư tế, pornéia là để dịch từ Hibri zenut, một từ dùng để chỉ những cuộc phối hợp có tính loạn luân nghĩa là cuộc hôn nhân giữa những người có họ hàng gần (Lv 18:6-18). Cuộc phối hợp này thực ra không phải là hôn nhân thực sự và do đó không cần phải ly dị mà chỉ cần tuyên bố vô hiệu (annulment) mà thôi, vì hành vi fornicatio xẩy ra ở ngay khi kết ước hôn nhân, nên cuộc hôn nhân ấy không thành hiệu. Các môn đệ hiểu điều đó, nghĩa là không có ly dị trong bất cứ trường hợp nào, và đó là lý do khiến các ông đâm “hoảng” trước lệnh truyền quá ngặt của Chúa Giêsu.

Tuy thế. một số phiên bản vì không an tâm trước lối giải thích trên, nên vẫn loay hoay đi tìm lối giải thích khác. Như bản “Good News Bible, Today’s English Version” của United Bible Societies đã dịch câu của phúc âm Mátthêu như sau: “if a man divorces his wife, even though she has not been unfaithful, then he is guilty of making her commit adultery if she marries again” (nếu một người đàn ông ly dị vợ mình, cho dù nàng không thất trung, là anh ta phạm tội đã khiến nàng phạm tội ngoại tình nếu nàng tái hôn). Dù các trường Công Giáo tại Sydney, Australia, có thời đã dùng bộ Thánh Kinh này cho các học sinh của mình, nhưng ai cũng phải nhận lối dịch như thế quá phóng túng, và không chú trọng đến chữ pornéia cho bằng liên từ nối hai mệnh đề trong câu văn. Đức ông Ronald A. Knox trong bản dịch Kinh Thánh năm 1945, theo ủy nhiệm của hội đồng giám mục Anh, Wales và Scotland xem ra cũng có cùng một khuynh hướng này. Vì mặc dù ngài dịch câu trên là “the man who puts away his wife (setting aside the matter of unfaithfulness) makes an adulteress of her…”(người đàn ông nào rẫy bỏ vợ mình [bỏ ra ngoài vấn đề bất trung] là biến nàng thành kẻ ngoại tình…). Trong phần chú thích, đức ông Knox cho rằng: hạn từ Hy Lạp ở đây dịch là bỏ ra ngoài thường được hiểu là “ngoại trừ nàng thất trung”, nhưng nó cũng được giải thích như có nghĩa là “dù nàng thất trung hay không” (whether she is unfaithful or not). Mà nếu hiểu theo nghĩa sau, thì quả tình không có trường hợp trừ nào cả, mà chỉ là cách soạn giả phúc âm Mátthêu muốn nhấn mạnh câu văn mà thôi.

Chú Thích

Các chú thích là của Linh Mục Theodore Mackin SJ (sách đã dẫn) mà bài viết đã được trình bầy ở phần đầu của bài này.

(1) Bản dịch các câu Tân Ước qua tiếng Anh là của chúng tôi dựa theo bản The Greek New Testament do Kurt Aland, Matthew Black, Bruce M. Metzger và Allen Wikgren chủ biên, London, 1966. Chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến việc phải làm sao để các bản dịch này phản ảnh được các sắc thái ý nghĩa của đồng văn Do Thái trên đất Palestine trong các Sách Nhất Lãm. Thí dụ, dùng động từ “ly dị” cách chung chung (hầu như mọi bản dịch Anh Ngữ đều giống nhau ở điểm này) để chỉ cách hủy tiêu hôn nhân trong đồng văn ấy là làm người đọc hiểu lầm. Dịch như thế là không nắm được động từ Hy Lạp apolúein của nguyên bản, một động từ chỉ việc người chồng đơn phương rẫy bỏ vợ mình.

(2) Chúng tôi cố ý giữ nguyên hạn từ chủ yếu này lấy từ bản Hy Lạp của Phúc Âm Mátthêu chỉ là bởi vì suốt hơn hai mươi thế kỷ qua, ý nghĩa của nó rất mơ hồ đối với phần đông độc giả. Một số các lối dịch, như “không khiết tịnh”, “không trong sạch”, “tà dâm” và cả “ngoại tình” nữa cũng đáng hoài nghi. Dùng bất cứ lối dịch nào mà bỏ qua các lối dịch khác cũng đều làm người ta lầm lẫn. Việc chúng tôi không chắc chắn về ý nghĩa được Chúa Giêsu có ý nhắm cho các chữ erwat dabar chính Ngài dùng càng làm chúng tôi không chắc chắn hơn về ý nghĩa mà soạn giả phúc âm Mátthêu có ý nhắm khi dịch lời của Chúa Giêsu qua danh từ pornéia của Hy Ngữ và việc này là một điển hình cho thấy tìm lại được điều Chúa Giêsu thực sự nói quả là chuyện khó khăn xiết bao, và không phải chỉ là việc Ngài thực sự đã nói gì trong phiên bản Mátthêu mà thôi, mà cả trong hai phiên bản Máccô và Luca nữa, vì không phiên bản nào trong số này đã thuật lại câu ngoại trừ nổi tiếng ta đang bàn, một câu chỉ được Mátthêu thuật lại mà thôi.

(3) Đặc điểm của lời giáo huấn cho thấy một cách mạnh mẽ rằng Luca đã lấy từ nguồn Q, tức tuyển tập các bài giáo huấn về giáo lý (dưới hình thức bản viết hay chỉ là lời truyền miệng thì vẫn còn đang tranh cãi) lúc ấy đang được phổ biến nơi các cộng đoàn Kitô Giáo thuộc thế hệ thứ hai. Sự hiện hữu của nguồn này hiện đang được giả định một cách có lý vì chỉ có thế mới giải thích được nguồn tài liệu của các soạn giả Nhất Lãm. Người ta nghĩ rằng Máccô ít lấy từ nguồn này nhất, nhưng (theo một lý thuyết) chủ yếu lấy từ các lời giảng dạy và huấn giáo của Thánh Phêrô nhiều hơn. Họ cũng nghĩ rằng Luca và Mátthêu đã lấy trình tự và phần lớn các tư liệu ký sự từ Máccô và các truyền thống địa phương họ có được, nhưng phần lớn các giáo huấn có tính giáo lý thì họ rút từ nguồn Q. Ta có thể nhận ra tư liệu tiêu biểu thuộc nguồn Q ở Bài Giảng Trên Núi. (Q là viết tắt của chữ ‘die Quelle’ trong tiếng Đức và chiểu tự có nghĩa là ‘nguồn’).

(4) Trong việc khảo sát hai phiên bản Máccô và Mátthêu về lời giáo huấn của Chúa Giêsu, chúng tôi đã dựa nhiều vào khảo luận của J.H.A. van Tilborg, được dịch qua tiếng Đức dưới tiêu đề “Exegetische Bemerkungen zu den wichtigsten Ehetexten aus dem Neuen Testament” trong Fur Eine Neue Kirchliche Eheordnung: Ein Alternatifentwurf, do P.J.M. Huizing chủ biên, Dusseldorf, 1975 (nguyên bản tiếng Hòa Lan “Exegetische notities bij de belangrijkste huwelijksteksten uit het Nieuwe Testament” trong Alternateif Kerkelijk Huwelijksrecht, Antwerp, 1974.

(5) Bultmann chẳng hạn nghĩ rằng cuộc tranh luận này đã phản ảnh cuộc tranh chấp sau đó, có lẽ thời thế hệ Kitô Giáo thứ hai, giữa thẩm quyền của các cộng đoàn Kitô Giáo và các bậc thầy tư tế.

(6) Vai trò đáng hoài nghi của căn nhà trong trình thuật Máccô đã làm cho trình thuật này xem ra kém chính xác về sự kiện. Như ta sẽ thấy, trình thuật này gồm hai cuộc đàm luận: cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với nhóm Biệt Phái và lời Ngài sau đó giải thích cho các môn đệ hiểu điều Ngài nói với nhóm Biệt Phái trước đó. Cuộc đàm luận thứ hai này được dẫn khởi bởi câu, “Khi về đến nhà…” (10:10). Ở đây, nếu Máccô có ý nói tới căn nhà ở Capernaum mà ông từng đề cập tại 9:33, hẳn ông giả thiết là lời giải thích của Chúa Giêsu phải đình hoãn đến 4 hay 5 ngày, là thời gian cần để di chuyển khoảng đường 80 dặm từ Giuđêa ngược trở lại Capernaum ở phía Bắc. Nhưng cái khó khăn của trình thuật này là: theo diễn trình các biến cố xẩy ra trong Máccô, Chúa Giêsu đâu có trở lại Capernaum, mà đi thẳng từ địa điểm tranh cãi thuộc vùng Bên Kia Giócđăng ấy mà lên Giêrusalem, nơi Ngài bị bắt, bị xử án và xử tử. Như thế, nếu khung cảnh của bài trình thuật lại giáo huấn của Chúa Giêsu về ly dị và tái hôn là do Máccô sáng tác, thì quả ông đã thêm chi tiết ấy vào phúc âm của mình một cách khá bất cẩn.

(7) Các môn đệ của Ngài tại 4:39, 9:38, 10:35, 13:1 và 14:4; dân chúng tại 5:35 và 9:17; chàng thanh niên giầu có tại 10:17-20; Nhóm Biệt Phái và Nhóm Hêrôđê tại 12:14; Nhóm Sađuchê tại 12:19; và nhóm luật sĩ tại 12:32.

(8) Trong khảo luận của mình, tựa là “The Matthean Divorce Texts and Some New Palestinian Evidence” (trong Theological Studies [Vol.37.2, 1976] các trang 197-226), Joseph Fitzmyer gợi ý rằng điểm mà phe Biệt Phái muốn thử Chúa Giêsu là xem Ngài có tôn trọng Sách Torah hay không bằng cách ủng hộ việc rẫy bỏ người vợ, hay Ngài đứng về phe với giáo huấn của Nhóm Essenes tại Qumran vùng Giuđêa vốn ngăn cấm ông vua lý tưởng, các ông hoàng bà chúa và lẽ đương nhiên cả thần dân của họ không được ly dị. (Bản văn tiết lộ giáo huấn Qumran này là Sách Cuộn Đền Thờ [Temple Scroll], thuộc bộ Qumran Cave XI).

(9) Đây cũng là động từ được Mátthêu sử dụng trong Trình Thuật Thơ Ấu (1:19) để chỉ ý định của Thánh Giuse muốn rẫy bỏ Đức Maria khi thấy Ngài có thai. Động từ này được một số văn sĩ Hy Lạp sử dụng để chỉ hình thức ly dị họ biết (Như Dionysius thành Halicarnassus, một sử gia Hy Lạp thuộc thế hệ trước Chúa Giêsu, trong tác phẩm Roman Antiquities, 2.25.7 của ông; và Diodorus Siculus trong cuốn Historical Books 12.18, 1-2 của ông). Khi xuất hiện trong các đoạn thánh kinh được soạn thảo hay phiên dịch sang tiếng Hy Lạp, động từ này thường có một trong hai nghĩa sau đây: “thả tự do, thả, tha thứ, tha nợ”; hay “rẫy bỏ, đuổi đi”. Nó được dùng chỉ ly dị bằng cách rẫy bỏ trong 1 Esdras 9:36, trong bản dịch Bẩy Mươi sách Đệ Nhị Luật 24:1, và dĩ nhiên trong truyền thống Nhất Lãm ta đang khảo sát. (Xem W.F. Arndt và F.W. Gingrich, A Greek-English Lexicon of the New Testament and Other Early Christian Literature, Cambridge and Chicago, 1957, các trang 95-96). Như sẽ thấy, Thánh Phaolô cũng dùng động từ aphiénai trong 1Cor 7 cùng với chorízein để chỉ việc ly dị. Kiểu ly dị được hai động từ này chỉ về hẳn phải được tìm thấy trong bối cảnh văn chương cũng như lịch sử xã hội của bức thư.

(10) David Daube, trong cuốn The New Testament and Rabbinic Judaism (New York, 1973) các trang từ 72 biện luận rằng câu này giả thiết trước và có chứa đựng truyền thống tư tế, một truyền thống cho rằng con người đầu tiên á nam á nữ (androgynous) và được Thiên Chúa dựng nên như thế. Bằng chứng được đưa ra để chứng minh điều đó là bản văn Hibri của Sáng Thế 1:26-27 không dứt khoát giữa số ít và số nhiều khi nói về người đàn ông và người đàn bà đầu hết: “Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, Ngài dựng nên anh ta (số ít) theo họa ảnh của Ngài; Ngài dựng nên họ (số nhiều) có nam có nữ”. Từ đó, câu kết luận của tư tế là: người ta chỉ có thể dùng cả số ít lẫn số nhiều để nói về con người á nam á nữ, sau khi đã nêu tên cả hai giới tính. Truyền thống ấy cũng phát sinh do cố gắng muốn hòa hợp hai đoạn văn của sách Sáng Thế “…Ngài dựng nên họ có nam có nữ” (1:27); và chi tiết trong dụ ngôn Vườn Địa Đàng nói rằng Thiên Chúa tạo nên người đàn bà đầu tiên bằng chính thịt xương của người đàn ông đầu hết (2:18ff). Nếu người đàn bà được rút ra từ người đàn ông, thì hẳn nhiên người đàn ông ấy phải có cái đàn bà tính trong chính anh ta. Cái nữ tính đàn ông ấy của con người đầu hết khiến người ta nhớ đến huyền thoại á nam á nữ trong Symposium của Platon (189C ff) và có lẽ được rút ra từ nguồn tư tế rất quen thuộc với cuộc đối thoại này. Truyền thống này ngụ ý rằng sự nên một đầy thân mật, có khi có tính hữu thể nữa của người đàn ông và người đàn bà kia chính là dự tính của Thiên Chúa. Đó là điều lý tưởng được Ngài đưa ra, một mục tiêu được Ngài thúc giục, và là chính ý nghĩa của hôn nhân. Thành thử ra ly dị là làm hỏng dự tính của Thiên Chúa, là án ngữ việc thực thi cái lý tưởng và việc đạt tới mục tiêu trên.

(11) Walter Brueggmann đã khai triển ý nghĩa này trong khảo luận của ông tự là “Of the Same Flesh and Bone” đăng trong The Catholic Biblical Quarterly, Vol.32.4 (1970), các trang 532-542.

(12) Bản chất và các công dụng của halakhahaggadha đã được cắt nghĩa trong Daube, Sách Dã Dẫn, các trang 72-79.

(13) Daube, Sách Đã Dẫn, tr.368.

(14) Hư cấu hay không, đây không phải là đoạn duy nhất trong phúc âm của ông nơi Máccô tường thuật cuộc đàm thoại có tính tiếp hậu (sequel) như thế. Ông thực hiện điều đó ở 4:10-34 (giải thích tiếp hậu của Chúa Giêsu về các dụ ngôn ban đầu), ở 7:17 (cùng môt kiểu giải thích cửa Chúa Giêsu đối với các giáo huấn trước đó về những điều sạch sẽ và những điều dơ bẩn), và ở 9:28-33 (Ngài giải thích cho các môn đệ lý do họ không có khả năng trừ qủy khỏi đứa trẻ bị ám).

(15) Một số nhà chú giải nghi vấn về tính chân xác của nhóm chữ “chống lại vợ mình” trong câu tuyến bố của Chúa Giêsu. Họ cho rằng Máccô thêm nó vào, vì cả Luca lẫn Mátthêu đều không có nhóm chữ này trong cùng một sấm ngôn.

(16) Van Tilborg (Sách Đã Dẫn, tr.14) cho thấy một hậu quả khác cũng làm ta thắc mắc về việc giáo huấn của Chúa Giêsu đi từ luật Do Thái chạy qua luật La Mã. Vì luật Do Thái, một luật mà Chúa Giêsu không miễn chước cho các môn đệ của mình, có cho phép người chồng lấy nhiều vợ, nên người chồng (nếu ta đọc giáo huấn của Chúa Giêsu theo nghĩa đen) sẽ không phạm tội ngoại tình chống lại vợ mình, không thất trung chống lại nàng, khi cưới người vợ thứ hai, miễn là anh ta không rẫy bỏ người vợ thứ nhất. Nhưng luật này không cho phép người vợ được như vậy; nó không cho phép nàng đa phu.

Còn luật La Mã thì không cho phép cả đa thê nữa. Bởi thế các ông chồng Kitô giáo sống dưới luật La Mã sẽ phạm tội ngoại tình khi có dự mưu cưới người vợ thứ hai, dù vẫn giữ người vợ thứ nhất.

Việc Chúa Giêsu để nguyên lối vào sự bất bình đẳng và bất công này trong giáo huấn của Ngài (không bất công cho các ông chồng La Mã, nhưng bất công cho các bà vợ Kitô giáo vùng Palestine!), thì quả là bất nhất với kế hoạch hết sức tỏ tường của Ngài muốn chấm dứt sự bất công đã thành định chế ấy. Bởi thế khó mà nghĩ được là trong vấn đề này Máccô đã chuyển giao lời của Chúa Giêsu một cách chuẩn xác. Có lẽ ông nghĩ ông đã giải quyết sự bất nhất kia đơn giản bằng cách ghi lại lời Chúa Giêsu trích dẫn sách Torah rằng “Và cả hai [không phải ba hay bốn] sẽ trở nên một thân xác”.

(17) Các sinh viên của thế kỷ 20 xem ra khó nắm được điểm sự kiện tiềm ẩn trong phiên bản của Mátthêu về hậu quả ngoại tình. Tại sao việc người chồng rẫy bỏ vợ lại làm nàng trở thành kẻ ngoại tình? Ta có thể tìm được câu trả lời có vẻ rõ ràng nhờ xem sét các chọn lựa người vợ bị rẫy bỏ thời Chúa Giêsu có thể có. Không chọn lựa nào trong số ấy hấp dẫn cả. Nàng có thể trở thành đầy tớ cho một ai đó (và do đó tương đương như nô lệ). Nàng có thể trở về nhà cha mình, hay nhà anh em trai của nàng nếu cha nàng đã qua đời, và sống tại đó trong thân phận khó xử gần như góa bụa. Hay nàng có thể trở thành gái điếm (và phạm tội ngoại tình như Chúa Giêsu đã cảnh cáo?). Nếu đó là điều, theo Mátthêu, Chúa Giêsu có ý nói đến, thì hẳn ông cũng muốn Ngài nói rằng các hậu quả đáng buồn ấy sẽ không có nếu anh ta xua đuổi nàng vì nàng có điều pornéia, bất luận cái tác phong tính dục không đẹp ấy có nghĩa gì. Không phải vì người chồng, khi làm thế, đã đẩy vợ tới tác phong sống như gái điếm, nhưng vì điều pornéia kia, khi xẩy ra trong thời gian sống chung với nhau như vợ chồng, đã giữ cho việc anh ta xua đuổi vợ không biến nàng thành gái điếm dù nàng có rơi xuống thân phận ấy. Nói tóm lại, nàng đã trở thành gái điếm rồi.

Lối giải thích này có vẻ gượng ép. Nhưng nó đã được đưa ra làm yếu tố giải nghĩa điều pornéia nơi người vợ xẩy ra trong thời gian hôn nhân, nghĩa là để chỉ sự ngoại tình. Có lẽ lối giải thích hiện đại vừa chính xác hơn vừa đơn giản hơn, cho rằng Chúa Giêsu nhìn nhận điều thực sự đang xẩy ra trong dân chúng, nghĩa là phần nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết các bà vợ bị xua đuổi ấy đều tái hôn, và họ làm thế là vì đó là giải pháp đỡ đau lòng nhất đối với họ. Tuy nhiên, Ngài vẫn coi cuộc hôn nhân thứ hai của họ là ngoại tình, và người chồng từng xua đuổi các bà vợ ấy chính là những người hợp tác chủ chốt vào việc ngoại tình ấy.

Hay lối giải thích đơn giản hơn cả có thể là: câu “…là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình” không phải là lời của Chúa Giêsu nói mà là do Mátthêu thêm vào. Trong bốn phiên bản Nhất Lãm thuật lại giáo huấn của Chúa Giêsu, chỉ có Mt 5:31 có câu đó. Ngay phiên bản có tính trình thuật của ông ở chương 19 cũng không có câu này.

(18) Câu phán cuối cùng này giống hệt phiên bản về nó trong Bài Giảng Trên Núi. Nhưng nó lược bỏ mệnh đề thứ hai, có tính cân bằng hóa, trong giáo huấn Trên Núi: “… và ai cưới người đàn bà bị rẫy cũng phạm tội ngoại tình”.

(19) Hai lý do mạnh nhất khiến ta kết luận rằng chính soạn giả phúc âm Mátthêu đã tạo ra và thêm câu này vào là: thứ nhất, câu ấy không có cả trong Máccô lẫn Luca, còn thánh Phaolô thì không lưu ý gì tới phần ‘ngoại trừ’ được đưa ra trong câu ấy. Thứ hai, soạn giả phúc âm Mátthêu thường có thói quen thêm lời của mình vào các lời Chúa Giêsu phán. Ông thêm vào hai lời cầu xin nữa trong Kinh lạy Cha ở 6:10b, 13b (so sánh với Luca 11:2-4). Ông cũng thêm một, hai mối nữa vào các Mối Phúc Thật ở 5:3a, 6a (so sánh với Luca 6:20b-21). Ngoài ra ông còn mở rộng lời thánh Phêrô tuyên xưng tư cách đấng được Xức Dầu của Chúa Kitô và thêm vào lời Chúa Giêsu trả lời cho thánh Phêrô, ở 16:16-19 (so sánh với Máccô 8:29). Ta cũng hãy so sánh Mt 13:12b với Mc 4:25 và Luca 8:18; Mátthêu 25:29 với Luca 14:26.

(20) Hạn từ pornéia lẽ dĩ nhiên cũng xuất hiện ở nơi khác trong Tân Ước. Nó ám chỉ loạn luân tại 1Cor 5:1; chỉ đĩ điếm hay đi thăm đĩ tại 1Cor 6:13; chỉ tác phong dâm dật nói chung tại 2Cor, Cl 3:5 và Eph 5:3. Tại Cv 15:20, 29, hình như nó ám chỉ đến cuộc hôn nhân hay giao hợp tính dục với họ hàng gần, có lẽ ở cấp hay đời được Lv 18 nhắc đến. Mátthêu chỉ sử dụng nó một lần nữa tại 15:19, trong đó, ông liệt kê nó cùng lúc với các hành vi xấu xa khác như sát nhân và ngoại tình. Hiển nhiên, đây là một hạn từ chỉ chung bất cứ hành vi tính dục lăng loàn nào của một trong hai người phối ngẫu.

(21) Sách Dã Dẫn, các trang 17-18

(22) Sách Đã Dẫn, các trang 213-223

(23) Strack và Billerbeck (trong Deutsches Worterbuch Zur Neutestamentlichen Wissenschaft Aus Talmud Und Midrasch, I,806) trích dẫn Talmud rằng hoạn quan cũng giống như người đàn bà hiếm muộn: bà ấy trở thành hiếm muộn do bàn tay Thiên Chúa thế nào, thì anh ta cũng thế. Số phận không may phải làm hoạn quan chính là nỗi khổ lập gia đình mà không có con cái này.

(24) Trong phiên bản Máccô về cuộc đụng độ với Biệt Phái, Chúa Giêsu hành xử ra sao thì ở đây Ngài cũng thách thức luật Do Thái một cách nghiêm chỉnh như thế. Vì nếu dạy rằng người chồng phải tiếp tục sống với người vợ không sinh con và hiếm muộn, không được rẫy bỏ nàng dù là sau 10 năm, theo quan điểm của Jebamoth (6:6) là chống lại chính lề luật.

Vũ Văn An

Ly dị và tái hôn trong các Phúc Âm Nhất Lãm, phần (1), (2), (3), (4) & (5)

Đọc nhiều nhất Bản in 22.09.2008. 22:50