Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ly dị và tái hôn trong các phúc âm nhất lãm (4)

§ Vũ Văn An

(tiếp theo)

6. Ý Nghĩa Câu Ngoại Trừ Trong Mátthêu

Vậy thì thử hỏi đâu là ý nghĩa hữu lý hơn cả của mệnh đề ngoại trừ đã trích dẫn ở trên, của hạn từ pornéia mà vì có nó hiện diện nơi người vợ nên soạn giả Mátthêu nghĩ Chúa Giêsu hẳn sẽ nhìn nhận là đủ để biện minh cho việc chồng nàng rẫy bỏ nàng, và giúp chàng khỏi biến nàng thành kẻ ngoại tình khi rẫy bỏ nàng như thế (5:3), và chính chàng khỏi tội ngoại tình nếu tái hôn sau khi rẫy bỏ nàng (19:9), và cũng khỏi tội ngoại tình nếu chàng cưới một người đàn bà từng bị rẫy bỏ vì nó (5:32)? (20). Sau đây là một số lối giải thích:

(A) Một giải thích cho hay trong cả hai mệnh đề ngoại trừ của Phúc Âm Mátthêu, chữ pornéia đều chỉ một bất năng lực về phương diện luật pháp (legal disability) nơi người đàn bà, một bất năng lực được ngữ vựng tư tế gọi là erwat dabar trong Đệ Nhị Luật 24:1. Giáo huấn tư tế, dựa trên Torah, nhìn nhận khá nhiều loại bất năng lực về phương diện này, được coi như điều dơ bẩn đối với hôn nhân như: bất lực sinh lý, cha mẹ ngoại giáo, son sẻ, họ máu hay bàng hệ đến một cấp nào đó, địa vị nô lệ nơi người cha cô gái vào lúc kết hôn. Sách Lêvi, chương 18, là nguồn trong Torah để phán quyết về các trường hợp này. Trong Tân Ước, có một số thí dụ trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chương 5 và trong Công Vụ Tông Đồ 15:20-29. Thuật ngữ trong luật hôn nhân Công Giáo gọi những bất năng lực này là những ngăn trở hay những điều kiện vô hiệu hóa (invalidating impediments or conditions). Theo lối giải thích tư tế, chúng không phải là nguyên cớ đưa đến vô hiệu hóa cuộc phối hợp, nhưng là cơ sở để tiêu hôn hợp pháp.

Người Do Thái, khi gia nhập cộng đoàn Kitô hữu, đã mang theo mình truyền thống tư tế nói trên. Nên hẳn họ muốn biết truyền thống ấy còn giá trị hay không, và họ muốn được biết điều ấy từ lời của chính Chúa Giêsu. Một giải thích trong lối giải thích này cho hay những tân tòng đầu tiên muốn biết điều ấy chính là các môn đệ của Chúa Giêsu, và chính họ đã tự đặt câu hỏi với Chúa Giêsu. Hiển nhiên lời giải thích này giả thiết rằng soạn giả phúc âm Mátthêu không sáng nghĩ ra câu ngoại trừ này, nhưng Máccô và Luca đã tự ý lược bỏ câu ấy vì cử tọa của họ chỉ có số ít là tân tòng gốc Do Thái, trong khi cử tọa của Mátthêu hầu hết là tân tòng gốc Do Thái.

Lối giải thích trên tiếp tục cho hay sau khi bác bỏ cả hai cơ sở của Hillel và Shammai cho phép chồng rẫy bỏ người vợ đã kết hôn thành sự, Chúa Giêsu chấp nhận truyền thống tư tế nghiêng về việc giải tiêu các cuộc phối hợp trên thực tế vốn không phải là hôn nhân, vì chúng đã phạm một hay nhiều các “ngăn trở” nêu trên.

Lối giải thích này có điểm yếu của nó, nghĩa là liền sau lời tuyên bố của Chúa Giêsu trong đó có mệnh đề ngoại trừ nêu trên trong Mt 19, các môn đệ của Chúa Giêsu phản ứng hốt hoảng bằng cách hỏi vặn lại rằng: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn”. Phản ứng này rõ ràng lo âu cách không thực tiễn khi Chúa Giêsu đã chấp nhận truyền thống tư tế là truyền thống cho phép rẫy vợ vì bất cứ bất năng quyền nào trong các bất năng quyền được truyền thống này nhìn nhận. Nó cho phép người chồng bị vướng vào một bà vợ mình không muốn có đủ đường thoát thân khỏi người này. Xem ra người chồng ấy đâu đến nỗi thấy mình bị vướng bẫy như cảm thức của các môn đệ khi nêu ra câu hỏi trên. Điểm không nhất quán này cho thấy câu ngoại trừ trên không có ý nói tới những cuộc phối hợp vô hiệu hay những cuộc phối hợp có thể hủy tiêu cách hợp lệ được, nhưng là một điều gì đó rất hiếm thấy nơi người vợ. Hoặc sự không nhất quán này là do vì cuộc đàm luận trên đã tổng hợp nhiều câu tuyên bố được Chúa Giêsu, các môn đệ và người Biệt Phái nói ra ở nhiều thời điểm và nơi chốn khác nhau. Nếu điều giả thiết sau là đúng, thì trong đoạn này, ta được đọc lời giải thích của soạn giả phúc âm Mátthêu, chứ không hẳn là bản ghi chép lại giáo huấn của Chúa Giêsu.

(B) Van Tilborg đề nghị một lối giải thích về câu ngoại trừ trên, vừa để chứng minh Mátthêu là tác giả độc quyền của câu nói vừa giải thích được cách thoả đáng phản ứng hốt hoảng của các môn đệ, ngay khi người ta cho rằng phản ứng này chỉ là một phần của việc dàn dựng hư cấu cho câu truyện do chính Mátthêu sáng nghĩ ra (21). Theo ông, ta có thể hiểu câu này nhiều hơn nếu chịu giải thích nó theo đoạn Mátthêu 1:18-19. Ở đấy, thánh Giuse được truyền lệnh phải cân nhắc việc rẫy bỏ đức Maria vì thấy ngài có thai trước khi họ về chung sống với nhau trong hôn nhân. Vào thời Chúa Giêsu, một người con gái không còn đồng trinh khi kết hôn lần đầu không còn bị ném đá cho đến chết như luật Torah đã dự liệu (Đnl 22:20-21). Ấy thế nhưng khi cô dâu không phải là một góa phụ hay một người đàn bà ly dị, thì vẫn có phong tục buộc cuộc hôn nhân phải diễn ra vào ngày thứ tư trong tuần, để nếu người chồng thấy vợ mình không còn trinh, thì có thể tố giác nàng trước tòa án, thường chỉ họp vào ngày thứ năm mà thôi.

Theo lối giải thích này, câu ngoại trừ trên có thể có nghĩa như sau: người đàn ông nào rẫy bỏ vợ mình và kết hôn với người khác sẽ phạm tội ngoại tình ngoại trừ trường hợp anh ta thấy người vợ đầu tiên của mình không còn đồng trinh. Trong trường hợp này, anh ta có quyền rẫy bỏ nàng và tái hôn. Lối giải thích này rất có thể là lối hiểu của cộng đoàn Kitô hữu chủ yếu bao gồm người gốc Do Thái là cộng đoàn Mátthêu đã soạn phúc âm cho, một cộng đoàn hết sức quen thuộc với câu truyện của Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria. Và lối hiểu đó cũng giải thích tốt cho phản ứng nơi các nam thính giả của Chúa Giêsu trong câu truyện. Vì các cô gái Do Thái thường kết hôn lúc 12 hay 13 tuổi, sau một tuổi thơ được cha mẹ cẩn trọng canh chừng, nên khi bước vào hôn nhân mà lại không còn đồng trinh thì quả là chuyện họa hiếm. Con đường thoát thân cho các ông chồng bất hạnh lẽ đương nhiên cũng họa hiếm cách tương xứng như thế.

Nếu lối giải thích trên chính xác, thì người ta càng có lý tin là câu ngoại trừ trên không phát xuất từ chính Chúa Giêsu. Vì mặc dù lối giải thích này mạnh về phương diện chú giải như là lời giải thích theo nghĩa của Mátthêu, nhưng cả về phương diện tôn giáo lẫn luân lý, nó lại rất yếu không phải là tâm trí của Chúa Giêsu. Theo lối giải thích này, Mátthêu yêu cầu độc giả tin rằng trong tâm trí Chúa Giêsu, phản ứng có thể chấp nhận được nơi người chồng trước việc cô dâu bước vào hôn nhân mà không còn đồng trinh là dùng ly dị chính thức để loại bỏ nàng. Điều này rõ ràng không nhất quán chút nào với giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan đến tha thứ, tha thứ bất chấp lệnh truyền hay cho phép của luật pháp. Nó cũng không nhất quán với việc Chúa Giêsu nhấn mạnh ở nơi khác rằng giữa các môn đệ của Ngài, đàn ông và đàn bà đều phải được xử lý với cùng một nền luân lý bằng nhau.

(C) Lại có lối giải thích thứ ba cho hay pornéia ám chỉ cuộc kết hiệp loạn luân, một cuộc kết hợp được phép và cần phải kết liễu. Một trong những giải thích thuộc loại này là của Joseph Fitzmyer. Ông lý giải như sau (22). Tài liệu Damascus, một bản văn của phái Essene được khám phá lần đầu vào cuối thế kỷ 19, có một đoạn (trong CD 2:14-6:1) nói về một lời khuyên bảo người Do Thái sống tại Palestine vốn không phải là thành viên của cộng đồng Essene. Dùng lối Thiên Chúa nói ở ngôi thứ nhất, bài khuyên bảo này chỉ trích tác phong luân lý của những người Do Thái này. Một trong những loại tác phong bị chỉ trích này là lối sống không trong sạch của họ, tức lối sống zenut. Và tài liệu kể ra hai tác phong sau đây: lấy hai vợ lúc sinh thời, bất kể là đa thê hay do ly dị rồi tái hôn (đều nghịch lại luật Torah trong Sáng Thế 1:27 và 7:9), và thói quen cưới cháu gái hay cháu trai (nghịch với luật Torah trong Lêvi 18:13). Như thế, người Essenes, tác giả tài liệu Damascus này, đã liên kết đa hôn, ly dị và hôn nhân loạn luân dưới một kết án chung như là zenut. Kết luận dò chừng của Fitzmeyer nhằm coi pornéia như là một nguyên cớ biện minh cho việc người chồng Do Thái rẫy vợ và tái hôn và nguyên cớ ấy chính là cuộc hôn nhân loạn luân như đã bị bản văn Essene lên án. (Liệu cuộc kết hợp ấy có thành hiệu hay không, hay liệu có phải nó thành hiệu nhưng bất chính [illicit] hay không là điều chưa được giảng giải trong bất cứ lối giải thích nào từ trước đến nay. Nếu trường hợp sau đúng, thì Mátthêu quả có nhân nhượng để thẩm quyền nhân bản, ở đây là người chồng, có năng quyền tiêu hủy các cuộc hôn nhân thực sự).

Giống như các lối giải thích kia, lối giải thích trên cũng chỉ nên coi là dò chừng, dù hiển nhiên có giá trị. Tính chính xác của nó còn tùy ở sự kiện lịch sử, một điều khó mà kiểm chứng được. Điều rất có thể đúng là câu ngoại trừ trên đã được thế hệ thứ hai thêm vào truyền thống Nhất Lãm do chính soạn giả phúc âm Mátthêu. Chứng cớ giá trị nhất coi ông như một người Do Thái không có gốc Palestine lúc đó đang phục vụ bên ngoài Palestine để giáo huấn cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái. Như thế làm sao ông biết được một tài liệu ở Palestine mà phạm vi lưu hành hết sức hạn chế?

Ta cũng hãy giả thiết rằng những người Do Thái trở thành Kitô Hữu trong cộng đoàn không có gốc Palestine của Mátthêu có chấp nhận những cuộc hôn nhân bị tài liệu Damascus coi là loạn luân. Lối giải thích ấy phải giả thiết là Mátthêu khởi đầu chống lại kiểu kết hợp ấy và việc này thúc đẩy ông sử dụng lời kết án của phái Essene để chống lại nó. Và sau cùng, không có bằng chứng nào cho thấy các cộng đoàn Kitô hữu thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai ngăn cấm các tân tòng Do Thái không được kết ước những cuộc hôn nhân mà luật lệ riêng của họ vốn cho phép. Quả có việc luật lệ Rôma tổng quát ngăn cấm các cuộc hôn nhân giữa anh em họ hai đời (first cousin). Nhưng người ta phải chứng minh được rằng về vấn đề này, luật Rôma có trói buộc các tân tòng Do Thái gia nhập Kitô Giáo, hay luật ấy trói buộc họ ở Syria, nơi rất có thể đã soạn ra phúc âm Mátthêu này.

(D) Lối giải thích thứ bốn cho rằng Chúa Giêsu đồng ý với Đệ Nhị Luật 24:1 và truyền thống tư tế trong việc cho phép người đàn ông rẫy bỏ người vợ phạm tội ngoại tình. Lối giải thích này còn cho là Ngài đồng ý với Thầy Shammai. Nhưng nó cũng cho thấy Ngài bất đồng với Shammai khi nói rằng người chồng không được tái hôn sau khi rẫy bỏ vợ, và nếu anh ta mưu toan làm điều ấy, anh ta sẽ phạm tội ngoại tình. Trong trường hợp ấy, việc ly thân thực ra không phải là việc tiêu hôn thực sự, vì người đàn ông một khi độc thân trở lại sau khi rẫy bỏ vợ mình chỉ phạm tội ngoại tình nếu anh ta tìm cách kết hôn với một người đàn bà từng bị rẫy bỏ một cách bất thành hiệu. Lối giải thích này giải thích được cách hợp lý phản ứng hoảng hốt của các môn đệ đối với lời tuyên bố của Chúa Giêsu.

Nhưng lối giải thích này cũng có cùng một điểm yếu như lối giải thích thứ hai. Vì nó cũng yêu cầu độc giả phải chấp nhận rằng Chúa Giêsu khuyến cáo, hay ít ra cũng cho phép, ông chồng nào khám phá thấy vợ ngoại tình đều được phép rẫy bỏ nàng thẳng thừng. Ngay cả khi ta thấy điều ấy có thể chấp nhận được bất chấp giáo huấn được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại nhiều lần về chịu đựng và tha thứ đi chăng nữa, nó vẫn không giải thích được sự im lặng của Ngài trong đoạn này về đặc quyền hay trách nhiệm của các bà vợ trước việc khám phá ra ông chồng của mình ngoại tình. Bên dưới và bên cạnh tất cả những lối giải thích này là chứng cớ rõ ràng cho thấy Chúa Giêsu hết sức nhấn mạnh tới sự công bình (fairness), đến trách nhiệm bình đẳng của cả vợ lẫn chồng. Sự kiện không có điều gì được Ngài nói tới trong đoạn này liên quan đến thái độ của người vợ đối với người chồng ngoại tình một lần nữa đã chứng minh rằng câu ngoại trừ trên không do Chúa Giêsu mà là do chính soạn giả phúc âm Mátthêu nói ra.

Phải nói gì về lối giải thích cho đến nay được chấp nhận rộng rãi hơn cả, không những về số lượng mà về chính sự nhìn nhận trong nhiều thế kỷ coi pornéia chỉ việc người vợ ngoại tình như đủ để biện minh cho việc chồng nàng xua đuổi nàng và kết hôn với người khác? Đây là lối giải thích đã được các hoàng đế Kitô Giáo của Rôma tiếp nhận ít nhất cũng đến lúc Đế Quốc này xụp đổ ở Phương Tây. Đây cũng là lối giải thích đã được các nhà cai trị đế quốc Công Giáo Đông Phương còn lại ủng hộ, và tiếp tục vẫn là lối giải thích chính thức của các Giáo Hội Công Giáo Phương Đông tận cho đến ngày nay. Nó cũng là lối giải thích của hầu hết các giáo hội Thệ Phản.

Những điểm chứng cớ sau đây chống lại việc nhìn nhận rằng ít nhất trong tâm trí Chúa Giêsu, pornéia chỉ việc ngoại tình của người vợ như một tác phong tồi tệ được coi như đủ để biện minh cho việc chồng nàng rẫy bỏ nàng và tái hôn.

Thứ nhất, giọng điệu và trình tự của phiên bản Mátthêu trong cuộc tranh luận với người Biệt Phái cho thấy Chúa Giêsu từ khước không đứng về phe nào với những người hoặc ủng hộ Hillel hoặc ủng hộ Shammai. Ngài cũng từ chối không cho thấy việc lựa chọn giữa hai lối giải thích sách Đệ Nhị Luật của hai vị thầy này là một vấn đề quan trọng. Nhưng nếu việc ngoại tình của người vợ là cơ sở duy nhất có tính biện minh ngoại hạng, hẳn người ta đã trình bầy Chúa Giêsu như là không nhất quán vì đã đứng về phe với Shammai.

Nếu câu ngoại trừ là do Mátthêu thêm vào mục đích để trả lời câu hỏi do cử tọa Kitô hữu thế hệ thứ hai đặt ra cho ông, và nếu hạn từ pornéia trong tâm trí ông có ý ám chỉ việc ngoại tình của người vợ, thì giải thích của ông rõ ràng đã áp đặt tính không nhất quán vào tư tưởng của Chúa Giêsu. Đồng thời nó cũng làm nhẹ đi điều Chúa Giêsu nói ở câu 6: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

Có chứng cớ cho thấy ngay cả việc soạn giả phúc âm Mátthêu muốn dùng pornéia để chỉ việc ngoại tình của người vợ xem ra cũng không ổn. Vì trong ngữ vựng của Phúc Âm này, ta thấy có cả một danh từ và một đại danh từ chuyên biệt chỉ việc ngoại tình và việc phạm tội ngoại tình đó là các chữ moichéia và moichéuein. Ông dùng động từ này trong câu chính ở 19:9 để chỉ việc người chồng sẽ phạm tội ngoại tình nếu anh ta tái hôn sau khi rẫy bỏ vợ (trừ trường hợp pornéia). Ông cũng dùng một động từ ấy để chuyển đạt giáo huấn của Chúa Giêsu về ngoại tình trong 5:27-30 và trong giáo huấn của Ngài về ly dị và tái hôn trong 5:31-32. Thành thử nếu ông có ý định, hay ông cho là Chúa Giêsu có ý định nói rằng chính việc ngoại tình của người vợ đã biện minh cho việc người chồng rẫy bỏ nàng và tái hôn, thì hẳn ông đã dùng cùng một động từ ấy mới có lý chứ. Cho nên chỉ còn cách duy nhất là nhận rằng pornéia ở đây chỉ chung tác phong tính dục không đẹp của người vợ, kể cả việc ngoại tình. Nhưng nếu như thế, thì việc các môn đệ sửng sốt trước cái lối thoát họa hiếm giúp người chồng bước ra khỏi cuộc hôn nhân mình không muốn đó không được giải thích cách thỏa đáng.

Mặt khác, cần nhắc lại một lần nữa việc người chồng rẫy bỏ người vợ ngoại tình không nhất quán với sự tha thứ mà Chúa Giêsu đã đặt thành lệnh truyền tổng quát và bền vững cho các kẻ theo Ngài. Tính cách thiên vị trong việc cấp cho một mình người chồng đặc ân chống lại người vợ ngoại tình lại càng bất nhất gấp hai lần đối với Chúa Giêsu mà ta gặp nơi khác trong Phúc Âm này.

Bây giờ xin đề cập đến chính thái độ sửng sốt của các môn đệ ở câu 10: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn”. Câu này và câu trả lời của Chúa Giêsu sau đó đã làm thành phiên bản của Mátthêu về cuộc đàm thoại thứ hai và sau đó với riêng các môn đệ, một cuộc đàm thoại được kể lại tách biệt hơn trong Máccô. Nhưng cũng như phiên bản Máccô, nó được nhằm để đem lại cho Chúa Giêsu (hay đúng hơn cho chính Mátthêu) cơ hội giải thích một điểm vốn dư thừa đối với người Biệt Phái thù nghịch nhưng lại rất cần thiết cho những ai có ý định bước chân theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nhận rõ và một cách nào đó, đồng ý với sự ngỡ ngàng của các môn đệ. Giáo huấn của Ngài quả có đặt lên vai người chồng một lệnh truyền khá nghiêm khắc, thậm chí còn quá nghiêm khắc là đàng khác đối với nhiều người. Vì theo Ngài (câu 11): “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy…”. Nếu không phải ai cũng hiểu, thì ai hiểu đây? Câu trả lời cho câu hỏi ấy, một lần nữa, cho thấy lệnh truyền ấy quả là nghiêm khắc biết chừng nào. Vì không ai có thể tiếp nhận nó bằng chính sức mạnh của mình, “…nhưng chỉ những ai Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu được”. Bất kể bản chất của lệnh truyền ấy ra sao, chắc chắn nó là một lệnh truyền người chồng chỉ có thể thực hiện được với ơn Chúa trợ lực mà thôi, nghĩa là với ơn thánh ban sức mạnh của Ngài.

Ta có thể hiểu được điều làm cho con người nhân bản không chịu đựng được lệnh truyền này là tìm hiểu nghĩa của hạn từ “hoạn quan” trong truyền thống Do Thái, một truyền thống Chúa Giêsu vốn sinh sống, nhất là ý nghĩa trong cái hiểu và trong ý định của các tư tế. Vì một trong các hiệu quả từ lệnh truyền của Chúa Giêsu là biến người chồng thành hoạn quan, và, trong hoàn cảnh được Chúa Giêsu đưa ra, thành hoạn quan của Nước Trời, của lối sống được Chúa Giêsu khởi diễn trong vâng phục ý Chúa Cha.

Trong câu tuyên bố này, lệnh truyền của Chúa Giêsu xem ra ít có liên quan đến những người vì Nước Trời mà sống độc thân không lập gia đình. Vì họ không phải là “hoạn quan” trong đồng văn này, bởi đồng văn này vốn không phải là cuộc thảo luận về vấn đề độc thân suốt đời, cũng không có ý nói tới nỗi lo lắng của các môn đệ về thứ độc thân ấy. Họ lo âu về điều Chúa Giêsu dạy họ phải chấp nhận sau khi cuộc hôn nhân thất bại vì một lý do nào đó. Thực tế, hạn từ “hoạn quan” trong thuật ngữ tư tế vào thời Chúa Giêsu giản đơn không có ý nói tới tình trạng có gia đình hay không có gia đình của người đàn ông. Đúng hơn nó ám chỉ việc anh ta không có khả năng có con. Hạn từ ấy cũng không phân biệt giữa việc hiếm muộn của anh ta và sự hiếm muộn của người vợ anh ta. Trong văn chương tư tế, vấn nạn về hoạn quan không phải là anh ta có thể kết hôn hay không, nhưng, như trong Jebamoth 8:4,5,6, đó là vấn nạn liệu người vợ của hoạn quan có phải chấp hành quy định của luật Lêvi khi anh ta qua đời, nghĩa là liệu nàng có phải sinh con cho người chồng quá cố bằng cách giao hợp với người em anh ta hay không, và liệu chính người hoạn quan có phải sống dưới luật này nếu người anh có gia đình của mình qua đời mà chưa có con hay không. Chứ trong truyền thống tư tế ấy, hạn từ “hoạn quan” không bao giờ ám chỉ người đàn ông không có khả năng giao hợp (23).

Như thế, ta có thể có lý khi suy đoán rằng bất luận hạn từ pornéia trong câu ngoại trừ có thể có nghĩa như thế nào trong việc cho phép người đàn ông rẫy bỏ vợ và tái hôn, nhưng chắc chắn nó không ám chỉ việc người vợ hiếm muộn khiến người chồng ra “hoạn quan”. Nếu câu này do chính Chúa Giêsu, thì trong đó Ngài gián tiếp cho những kẻ theo Ngài hay rằng nếu họ muốn thuộc về Nước của Cha Ngài, họ phải sẵn sàng làm “hoạn quan”. Quả thế, họ không được rẫy bỏ vợ chỉ vì họ không có khả năng sinh con, để lấy người đàn bà khác mắn con làm vợ. Họ phải tiếp tục sống với vợ mình và do đó chấp nhận việc không có con (24). Đối với một người đàn ông Do Thái, là người coi con cái qúy giá đến độ trở thành bản chất cho chính ý nghĩa cuộc đời anh ta, thì nghe lệnh truyền trên quả là điều gây kích xúc. Đối với anh ta quả tình đừng lấy vợ với hy vọng có con trai con gái còn hơn là lấy vợ rồi bị kết án phải sống với bản án trong đó niềm hy vọng kia bị tiêu hủy mãi mãi.

Nếu giải thích trên chính xác, nó không cho ta thấy pornéia thực ra có nghĩa gì. Nhưng căn cứ vào luận lý học loại trừ (excluding logic), nó cho ta thấy: đối với các người theo Chúa Kitô, việc thiếu khả năng trầm trọng nhất nơi người vợ tức việc nàng thiếu khả năng sinh con cho chồng không phải là nguyên cớ biện minh được việc người chồng rẫy bỏ người vợ ấy. Đàng khác, xem ra trong cuộc đàm thoại thứ hai đầy tính sắp xếp này, soạn giả phúc âm Mátthêu quả có kết hiệp hai sự kiện lại với nhau. Ông đã lợi dụng cơ hội để đem giáo huấn của Chúa Giêsu về việc đối xử với các bà vợ hiếm muộn từ nơi khác vào trong thừa tác vụ giảng dạy của Ngài và ở đây làm nó cùng có được tính nghiêm chỉnh như giáo huấn tổng quát của Ngài về ly dị và tái hôn.

Sau cùng, thiển nghĩ, một cách đơn giản, quả chúng ta không làm sao biết chính xác được ý nghĩa của câu ngoại trừ trong đoạn văn này của phúc âm Mátthêu. Tuy nhiên, ta có thể gần như chắc chắn kết luận rằng câu ấy không phải của Chúa Giêsu nhưng là phương thế để Mátthêu cố gắng giải thích tâm tư của Ngài. Bất kể lối giải thích của ông chính xác đến bao nhiêu, ông cũng đã lãnh nhận trách vụ ấy, tức trách vụ giải thích và thích ứng, một trách vụ không một ai quyết định sống lời Chúa Giêsu có thể lẩn trốn được.

(còn tiếp)

Vũ Văn An

Ly dị và tái hôn trong các Phúc Âm Nhất Lãm, phần (1), (2), (3), (4) & (5)

Đọc nhiều nhất Bản in 20.09.2008. 22:27