Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ly dị và tái hôn trong các phúc âm nhất lãm (2)

§ Vũ Văn An

(tiếp theo)

2. Giáo Huấn Của Chúa Giêsu trong Máccô 10:1-12 (4)

Phiên bản của Máccô được lồng trong một bối cảnh có tính đời thực, thuật lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và một nhóm Biệt Phái. Liệu đây là một tường trình thực sự hay là một hư cấu hữu ích, ta không có cách chi biết chắc (5). Đi trước chính cuộc tranh luận về ly dị, ta thấy có lời giới thiệu các nhân vật liên hệ đó là Chúa Giêsu và các Biệt Phái. Trước đó, khi còn ở nhà tại Capernaum (9:33) (6), Chúa Giêsu đã dạy Nhóm Mười Hai về trẻ em và những người bé mọn: việc đối xử với họ được coi là việc đối xử với chính Ngài. Nhưng nay Ngài lên đường rời Capernaum để du hành 80 dặm về hướng nam để vào lãnh thổ Judea và vượt qua Sông Jordan. Một lần nữa, đám đông lại đến với Ngài và cùng Ngài di chuyển đó đây. Và một lần nữa, Ngài lại dạy dỗ họ, như Ngài thường làm. Vì Chúa Giêsu vốn là một rabbi - một thầy dạy. Ta cần nhớ tước hiệu này trong bối cảnh rất nhiều đoạn văn khác trong đó Máccô miêu tả Ngài như một thầy dạy ngoại hạng của Do Thái Giáo. Cả bằng hữu lẫn kẻ thù đều gọi Ngài là “rabbi” - Thầy (7). Ngài dạy trong hội đường (1:2 và 6:2), và trong đền thờ (11:17; 12:35; và 14:49), và ở các nơi Ngài du hành (6:7).

Và đây là điểm các người Biệt Phái đến để thử Chúa Giêsu – xem Ngài có là một người thầy đúng nghĩa hay không, nghĩa là có giảng dạy theo luật Môsen hay không. Cũng như tại 8:11f và 12:13f, những trường hợp trước và sau trường hợp này trong đó Biệt Phái đến tiếp xúc với Ngài, và đó là những trường hợp duy nhất trong đó Máccô sử dụng kiểu nói “để thử Người”, ở đây, Máccô trình bầy người Biệt Phái như là đối thủ của Ngài đến với ý đồ cho Ngài vào bẫy. Có lẽ họ đã nghe người khác nói rằng về vấn đề các ông chồng Do Thái rẫy vợ, Chúa Giêsu có quan điểm ngược lại luật lệ. Bởi thế họ đối chất Ngài để tự tay tìm ra quan điểm bất đồng ấy (8). Và họ tin tưởng rằng khi họ làm thế, họ có thể chứng minh được rằng Ngài đi ngược lại Môsen. Một khi làm được điều ấy, họ có thể hạ giá Ngài trước mặt công chúng là những người vốn nhìn nhận Ngài là một bậc thầy, không giống như họ, nhưng đã ‘giảng dạy những điều mới lạ - với uy lực và thẩm quyền” (1:27). Nhưng Chúa Giêsu sẽ cho họ thấy điều ngược lại mới đúng, nghĩa là lệnh truyền của Môsen về việc chồng rẫy vợ đi ngược lại điều Thiên Chúa đã ra lệnh ngay từ buổi đầu dựng nên vũ trụ về mối tương quan giữa chồng và vợ.

Trong phiên bản Máccô, đối với truyền thống Nhất Lãm này, lời của Chúa Giêsu trước hết ngỏ với một cử tọa kép và đa dạng, sau đó mới ngỏ với một cử tọa đơn nhất và đồng bộ. Nói cách khác, trong Máccô, Chúa Giêsu thoạt đầu đưa ra quan điểm của mình về cuộc tranh chấp với người Biệt Phái trong khi các môn đệ Ngài thì lắng nghe. Sau đó, khi còn lại một mình với các môn đệ, và có lẽ do lời yêu cầu bối rối của họ, Ngài trình bầy chính xác hơn giáo huấn của Ngài: “Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói…” (10:10-11). Như thế, nếu nói về ý định của Chúa Giêsu mà thôi, nghĩa là một ý định tách biệt khỏi những điểm khác trong ngôn từ của Ngài, thì Máccô quả đã hướng nó trước nhất vào người Biệt Phái và qua họ vào dân Do Thái nói chung. Sau đó, trong cuộc đàm thoại thứ hai, ông mới hướng ý định của Chúa Giêsu vào các môn đệ của Ngài (và qua họ vào cả dân Do Thái nữa chăng?). Và vì Máccô nhắc lại lời Chúa Giêsu 35 năm sau khi chúng được nói ra, nên ông cho rằng có thể áp dụng chúng cho cộng đoàn Kitô Giáo mà ông đang soạn phúc âm này cho, tức cộng đoàn tín hữu Rôma. Dù cho ta không biết loại cử tọa ông muốn nhắn gửi phúc âm này, hẳn ta vẫn có thể đoán được họ không phải là những người Do Thái vùng Palestine đang sống dưới luật Môsen, nhưng là một cộng đoàn bên ngoài Palestine thuộc đủ cả hai nguồn sắc tộc Do Thái và Ngoại Đạo đang sống dưới luật Rôma và không biết chắc mình buộc phải theo luật Môsen đến mức nào, cái luật chứa đựng trong Thánh Kinh mà chính họ đã coi là của riêng. Trong câu 12, Máccô cho hay Chúa Giêsu ngăn cấm người vợ không được bỏ chồng, một lệnh cấm vô nghĩa đối với cử toạ Do Thái sống tại Palestine, vì luật Môsen không có điều khoản nào cho phép người vợ làm điều ấy, kể cả nền tư pháp tư tế vào thời Chúa Giêsu cũng vậy. (Như thế, hiển nhiên, Máccô, cũng như Luca, và cả Mátthêu lẫn Phaolô trong 1 Cor 7, như ta sẽ thấy, đã tự ý duyệt lại lời Chúa Giêsu và thêm thắt vào đó. Câu 12 được coi như một thêm thắt hiển nhiên nhất trong Máccô).

Người Biệt Phái khởi đầu cuộc thách thức của họ bằng một câu chất vấn khá đột ngột trong câu 2: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? " (thể vô định trong nguyên bản Hy Lạp của Máccô là apolúein giống như trong Luca (9). Nó được dùng mô tả cách đơn giản và chính xác thủ tục ly dị của người Do Thái thời Chúa Giêsu).

Trong câu 3, câu trả lời của Chúa Giêsu cũng thẳng thừng như câu hỏi của người Biệt Phái, nhưng bằng một câu hỏi ngược lại: " Thế ông Môsen đã truyền dạy các ông điều gì?". Sự giả thiết trong cách sử dụng động từ của Chúa Giêsu ở đây hiển nhiên đã chọc giận người Biệt Phái vì nó thách thức chính giả thiết riêng của họ. Phản ứng của họ trước thách thức này thấy rõ trong câu họ trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu trong câu 4. Họ chỉnh lại Ngài, vì họ nhấn mạnh rằng Môsen không truyền dạy họ nhưng " đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ".

Nhưng trong câu 5, Chúa Giêsu vẫn một mực dùng động từ ấy "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsen mới viết điều răn đó cho các ông”. Luận lý tôn giáo của Chúa Giêsu ở đây, dù rất quen thuộc đối với người Do Thái thời Ngài và trước đó nữa, nhưng khá xa lạ đối với tâm trí tôn giáo của người Phương Tây. Dưới con mắt Chúa Giêsu, việc cho phép hợp lệ để người chồng bỏ vợ là một lệnh truyền do Môsen đưa ra khiến người chồng bó buộc phải bất tuân lề luật của Chúa, nhưng chỉ bó buộc vì cái lòng dạ chai đá của họ mà thôi. Đây là lời giải thích có tính tiên tri tương hợp với nhiều thời điểm có ý nghĩa trong lịch sử dân Do Thái. Họ đã bao lần bất trung với các lệnh truyền của Thiên Chúa. Một trong các hậu quả của sự bất trung này là Ngài đã ban cho họ ‘những luật lệ không tốt”, không hẳn để trừng phạt cho bằng để họ nhận ra Ngài vẫn còn là Chúa Tể của họ. Đây chính là tư tưởng của Ezekiel trong sách tiên tri của ông (20:25) trong đó, ông nói thay lời Giavê, Đấng đang nhắc họ nhớ lại lịch sử bất tuân của họ: “Ta ban cho chúng những luật lệ không tốt, những lệnh truyền chúng chịu không nổi…để chúng nhận ra rằng Ta là Giavê”. Sự bất trung này tệ hại nhất khi Môsen, từ trên Sinai đi xuống với hai tấm bia giới luật, chứng kiến dân đang thờ con bò vàng. Ở đây, Chúa Giêsu muốn hàm ý rằng cái tục đã thành lệ cho phép đuổi những người vợ mình không thích kia chính là việc tiếp diễn cái tinh thần bất trung ấy, và chính vì vậy mà dân đã được ban cho “những luật lệ không tốt”. Lòng chai dạ đá của họ đã mang đến cho họ lệnh truyền của Môsen phải xua đuổi vợ. Nếu họ không cứng lòng như thế, họ đâu có tiếp nhận lệnh truyền và phép tắc như thế.

Người Biệt Phái thách thức giáo huấn của Chúa Giêsu về lòng thủy chung đối với luật Môsen, và một cách kém hơn đối với ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu không kết thúc việc phản thách thức của Ngài bằng cách chỉ cho họ thấy họ đã hiểu lầm lệnh truyền của Môsen về việc khoan nhượng đối với lòng dạ cứng cỏi của họ, và cũng chỉ cho họ thấy lệnh truyền ấy không phải là lệnh truyền của Chúa, mà là lệnh truyền của Môsen buộc họ tiếp tục bất tuân ý Thiên Chúa y như cha ông họ trước đây từng bướng bỉnh làm như thế.

Chúa Giêsu còn đi xa hơn thế. Ngài đẩy việc phản thách thức của Ngài vượt quá Môsen trở về với chính ý Thiên Chúa. Trong câu 6, Ngài cho họ thấy điều đáng lý ra họ đã phải biết từ lâu do việc trích dẫn các lời của Sách Sáng Thế mà đáng lý ra họ không nên hiểu lầm. Từ bài ca sáng tạo (St 1:27b), Ngài nhắc họ: “Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ…”. “Từ lúc khởi đầu” gợi cho người Biệt Phái điều này: việc họ giải thích mối liên hệ vợ chồng không phải là điều được Thiên Chúa dự kiến từ thuở đầu, và giải thích ấy chỉ là sáng chế mới mẻ của chính họ, một sáng chế đi ngược lại ý định của Chúa dành cho hôn nhân.

“…con người có nam có nữ”: kế sách của Thiên Chúa là phải có hai giới tính bổ túc cho nhau; do đó, hôn nhân là kế sách của Ngài và Ngài có quyền đòi nó phải hành xử theo ý muốn của Ngài (10).

Một khi Chúa Giêsu đã đẩy luận chứng của Ngài trở lại với các trích đoạn Sáng Thế, trí nhớ các thính giả của Ngài hẳn đã lược lại đầy đủ điều những câu này muốn nói về mối liên hệ đàn ông đàn bà mà Thiên Chúa đã vẽ ra. Động lực khiến Ngài đem người đàn bà vào cuộc hiện hữu là chính nhu cầu của người đàn ông: “Thiên Chúa phán: ‘đàn ông ở một mình không tốt’” (2:18a). Trước đó, người đàn ông đã được đặt để trong vườn đầy vui khoái để trông coi và quản trị mọi cư dân của nó. Nhưng cuộc sống anh có cái gì đó chưa đầy đủ, bất hạnh là đàng khác. Nên Thiên Chúa là Chúa Tể bèn quyết định: “Ta sẽ làm cho hắn một người hùn hạp xứng hợp” (2:18a). (Phần lớn các bản tiếng Anh thường dịch là người trợ lực – helpmate. Lối dịch này làm nghèo nghĩa chữ đi nhiều lắm vì danh từ tiếng Hibri nghĩa đen vốn chỉ “một ai đó song hành với hắn” [someone alongside him] hay “một ai đó xứng hợp với hắn” [someone suited to him]. Hữu thể Thiên Chúa là Chúa Tể cung cấp cho nhu cầu người đàn ông lúc ấy đang cô độc lẻ loi phải là một ai đó cùng dự phần hùn hạp [partner] với anh ta hơn là người trợ lực).

Theo dụ ngôn trên, khi việc tạo hình mọi giống vật khác đã không sản sinh được người dự phần hùn hạp xứng hợp, Thiên Chúa là Chúa Tể bèn “làm cho người đàn ông mê mệt ngủ, rồi trong khi anh ta ngủ mê ngủ mệt như thế, Ngài lấy một trong những chiếc xương sườn của anh ta rồi lấy thịt đắp lại chỗ trống ấy. Đoạn Thiên Chúa là Chúa Tể dùng chiếc xương sườn Ngài đã lấy ra từ người đàn ông mà làm thành một người đàn bà” (2:21-22). Như thế, Thiên Chúa đã ban cho anh ta một hữu thể cùng một loài với anh ta vì để anh ở một mình là điều không tốt chút nào. Nhưng hữu thể ấy cũng lại khác biệt rõ nét đối với anh, và sự khác biệt đó chính là khác biệt giới tính. Nàng là một người đàn bà.

Lời anh chào đón nàng, lời anh phán định đối với người dự phần hùn hạp mới mẻ này của anh, hết sức phong phú về ý nghĩa: “có thế chứ, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (2:23). Để hiểu được những lời này có nghĩa nhiều hơn việc người đàn ông nhìn nhận người đàn bà có cùng chất liệu vật thể như mình, hay cả việc nàng được rút ra từ chính thịt và xương của mình, ta cần xem sét cái nghĩa thấp hèn nhất của các từ ngữ này. “Thịt và xương” tạo thành một chữ cặp xuất hiện nhiều lần trong Cựu Ước. “Thịt” tự nó không những có nghĩa là thành tố của cơ thể, mà trong một số bối cảnh còn có thể chỉ tính chất nhục thân và ngay cả yếu đuối nhân bản nữa. Tóm lại, nó chỉ “xác thịt-mềm yếu”. Xương trái lại có nghĩa cứng cáp và sức mạnh, “xương-mạnh”. Nhưng nếu phối hợp cả hai chữ lại với nhau, thì chúng có ý nghĩa hơn hẳn hai thực tại đứng gần nhau. Cùng với nhau, chúng tạo ra một ý nghĩa mới hẳn, và ý nghĩa này vượt quá sức mạnh và sự yếu đuối thể lý. Xác thịt-mềm yếu và xương-mạnh là hai phản đề trong thế phối hợp (two antitheses in combination), hai phản đề bao hàm không những hai cực đoan mà là mọi mức độ giữa chúng với nhau. Chúng bao hàm trọn bộ hết mọi nét độc đáo trong cá tính con người, từ điểm yếu nhất đến điểm mạnh nhất.

Như thế, khi người đàn ông nói với người đàn bà rằng nàng là “xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi”, anh ta có ý muốn nói nàng sẽ chia sẻ cái mạnh, cái yếu và tất cả những gì nằm giữa hai điểm ấy của anh ta. Nàng sẽ là người dự phần hùn hạp với anh ta trong mọi bất ngờ của cuộc đời. Liên hệ của họ sẽ là liên hệ đồng hành (companionship) không một hoàn cảnh đổi thay nào có thể phân rẽ được. Nó phải là một liên hệ của bất biến, của thủy chung như nhất (11).

Ta có thể đo lường sức mạnh trong luận điểm của Chúa Giêsu bằng cách trích dẫn kiểu nói ‘Ngài dựng nên họ có nam có nữ’ của Sách Sáng Thế với điều kiện phải chú ý phân biệt được hai loại lời truyền dạy về tác phong thường được dùng trong các sách thánh của Do Thái. Một là halakha, hay luật tất yếu (apodictic law) nghĩa là lệnh truyền nói chính xác điều phải làm hay không được làm. Bộ Luật Về Sự Thánh Thiện Hợp Luật trong sách Lêvi 17-26 chính là loại lệnh truyền halakha này. Loại lệnh truyền kia gọi là haggadha, tức tấm gương làm điều đúng được nêu ra như một lý tưởng, một mục tiêu cần phải ráng vươn tới. Câu truyện tả lại sự kiên nhẫn của Ông Gióp trong cơn thử thách là một haggadha mở rộng.

Những người Biệt Phái đang tranh luận với Chúa Giêsu ở đây là những thầy thông luật. Họ hết sức quen thuộc với những điều được đặt thành luật hay được truyền dạy một cách chuyên biệt. Cho nên họ có thể chỉ nhận câu trích của Chúa Giêsu về quyết định của Thiên Chúa tạo ra con người đầu tiên có nam có nữ, một chồng một vợ như là một haggadha, một việc cặp đôi nguyên sơ và đầy lý tưởng, chứ không có gì khác. Họ không bao giờ nhìn ra trong đó có cái sức mạnh trói buộc của một lệnh truyền không hàm hồ của Thiên Chúa, một điều hết sức hiển nhiên trong bài ca tạo dựng (1:28): “hãy phong phú sinh nở đầy tràn mặt đất và hãy thống trị nó”. (Để vâng theo lệnh truyền này, họ đã sẵn sàng rẫy bỏ những người vợ son sẻ của họ, hay không cùng họ ‘thống trị được mặt đất’) (12). Lệnh truyền trên vì thế không có sức trói buộc đối với họ ngoại trừ Chúa Giêsu mở rộng ý nghĩa của nó để liên kết nó với halakha. Điều ấy, Chúa Giêsu đang làm lúc này và Ngài làm thế bằng cách lại nại tới cái phần của Torah mà người Biệt Phái cố tình làm ngơ, đó là dụ ngôn Vườn Địa Đàng trong Sáng Thế 2.

Ngài trích dẫn: “vì lý do đó, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ; và cả hai sẽ nên một thân xác” (2:24). Đây rõ ràng là halakha, luật và lệnh truyền từ kế hoạch Thiên Chúa mà ra. Có lý để suy luận rằng ở điểm này, Chúa Giêsu có cùng chung một ý định như tác giả dụ ngôn. Điều này là để làm sáng tỏ tình thân mật và tính toàn bộ (totality) của liên hệ tính dục đầu hết, một mẫu mực hôn nhân do Thiên Chúa thiết dựng. Hai động từ trong lệnh truyền này thuộc ngôn ngữ giao ước. Trước nhất, chúng muốn nói rằng người đàn ông sẽ ‘lìa bỏ’ cha mẹ mình (động từ tiếng Hibri là asav). Anh ta thực hiện điều đó để bước vào một giao ước mới, giao ước này chính là giao ước với người đàn bà vợ anh ta. Anh ta kết hiệp với nàng; anh ta gắn bó với nàng (động từ tiếng Hibri là davaq, cũng là một từ có tính giao ước).

Như thế, Chúa Giêsu chỉ cho người Biệt Phái điều rõ ràng họ đã quên khuấy. Để là chồng là vợ, người đàn ông và người đàn bà phải bước vào và sống mối cam kết giao ước đối với nhau. Và đó là mối cam kết qúy giá nhất, qúy hơn cả tình quyến luyến và yêu thương người đàn ông dành cho cha mẹ. Vì nó đòi hỏi anh phải “lìa bỏ” họ.

Trong lệnh truyền này, Chúa Giêsu cho vào những lời cuối cùng trong bình luận của tác giả theo khuynh hướng Giavê về dụ ngôn này: “…và cả hai nên một thân xác”. Tham chiếu ở đây không hẳn trước nhất nhằm vào kết hiệp tính dục, mặc dầu điều ấy được hàm ý và có ý định. “Thân xác” ở đây chỉ bản chất của một người trong cái mau chết và mỏng dòn của nó. Mở rộng ra, nó cũng chỉ căn tính nhân bản của người ấy. Như thế, khi nhắc lại điều trên, tức lời bình luận sau cùng theo khuynh hướng Giavê về sự kết hiệp đàn ông đàn bà, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở người Biệt Phái rằng theo ý muốn Thiên Chúa, trong hôn nhân, người đàn ông kết hiệp với vợ mình đến nỗi họ trở thành một con người theo luật và trước mặt người ta. Với nhắc nhở ấy, Chúa Giêsu muốn hàm ý ít nhất hai điều. Nếu người đàn ông không nghĩ tới việc hủy hoại mối liên hệ ít qúy giá hơn với cha mẹ anh ta, thì làm sao anh ta có thể nghĩ đến việc hủy hoại mối liên hệ qúy giá hơn của mình với vợ? Và nếu khi kết hôn, người đàn ông trở nên “một thân xác” với vợ mình, nghĩa là một con người theo luật và trước mặt người ta, thì làm thế nào anh ta lại có thể hủy bỏ chính con người của mình? (Thánh Phaolô sau đó cũng đã nói lên cùng một tư tưởng ấy trong thư Êphêsô 5:28-29 khi dạy các ông chồng Kitô hữu của cộng đoàn ấy phải yêu thương vợ mình ra sao: “Cũng cách đó, các ông chồng phải thương yêu vợ mình như yêu thương chính thân xác mình; vì người đàn ông yêu vợ là yêu chính mình. Người đàn ông không bao giờ ghét thân xác mình, nhưng nuôi sống và chăm sóc thân xác ấy…”).

Trong câu 9, Chúa Giêsu kết thúc luận chứng của mình với người Biệt Phái bằng cách thêm chính halakha của riêng Ngài. Đó là một lệnh truyền không hàm hồ và được nhấn mạnh hơn cả: “Do đó, sự gì Thiên Chúa đã kết hiệp, con người không được phân ly”. Động từ trong bản văn Hy Lạp của Tân Ước mang theo một ý nghĩa rất mạnh mẽ “…sự gì Thiên Chúa đã kết hiệp” đã được viết là synzeugnúein, và “…không được phân ly” được viết là chorízein. Ở đây, thể chủ động của hai động từ ngoại động (transitive verbs) này nguyên tuyền diễn tả điều bản tiếng Việt dịch là “kết hiệp” và “phân ly”. Việc sử dụng chúng càng có nghĩa mạnh hơn nhờ mối quan hệ gần gũi của chúng với nghĩa mà trong ngữ vựng văn hóa của Máccô chúng có được khi dùng chúng ở thể giữa (middle voice): synzeugnýthai lúc ấy có nghĩa là “kết hôn”; chorízethai lúc ấy có nghĩa là “ly thân” khỏi chồng hay vợ. (Đây cũng là một thí dụ trong đó các động từ Hibri lấy gốc từ tiếng Hy Lạp. Để nói “kết hiệp với nhau”, các rabbis thời ấy dùng chữ ziwwegh hay zawweg, lấy từ chữ zeugnúein của Hy lạp. Dù các động từ này vốn có nghĩa là “kết hiệp với nhau” đã đành, nhưng chúng cũng được dùng để chỉ việc Thiên Chúa kết hiệp người chồng và người vợ (13). Còn hình thức izdawwagh thì nghĩa là “lấy nhau”). Thành thử ra, điều Chúa Giêsu nói với người Biệt Phái cũng tương tự như nói “Điều Thiên Chúa đã kết duyên nên một, con người không được ly dị”. Nói cách khác, chủ nhân ông của hôn nhân không phải là người chồng, mà là Chúa. Chính thẩm quyền Thiên Chúa đã kết hiệp anh ta với vợ. Cho nên, không một người nào, kể cả người chồng, có thẩm quyền phân ly họ, và bất cứ mưu toan nào làm như thế là một mưu toan tiếm đoạt thẩm quyền Thiên Chúa. Do đó, cũng không phải ý chí của người chồng đã duy trì việc kết hiệp giữa anh ta và người vợ, mà là ý chí của Thiên Chúa. Người chồng luôn luôn nằm dưới phán xét của Thiên Chúa về việc đối xử với vợ mình.

3. Cuộc Đàm Thoại Sau Đó Với Các Môn Đệ, Máccô 10:10-12

Cuộc tranh luận với nhóm Biệt Phái được tiếp diễn và kết thúc trong cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và riêng các môn đệ (các câu 10-12): “Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Ngài về điều ấy”. Những môn đệ từng nghe cuộc trao đổi với người Biệt Phái hình như cho rằng điều Ngài nói với nhóm này cũng có hậu quả đối với họ. Cho nên họ muốn biết chi tiết về các hậu quả này.

Rất có thể cuộc đàm thoại thứ hai này chỉ là một hư cấu có ích mà một số nhà chú giải cho là Máccô đã sử dụng. Vì Máccô vốn có trách vụ đặc biệt làm thầy dạy cho cộng đoàn Kitô hữu thuộc thế hệ thứ hai, một cộng đoàn được ngài viết phúc âm này cho. Trong khi giáo huấn và lệnh truyền của Chúa Giêsu được ngỏ riêng với cử tọa Do Thái sống dưới một lề luật chỉ cho phép người chồng được ly dị bằng cách rẫy bỏ vợ, thì cử tọa của Máccô (ít nhất cũng là thành phần dân ngoại của cử tọa này) lại sống dưới lề luật Rôma, một lề luật cho phép cả người vợ được quyền “rẫy bỏ” chồng và còn cho phép cả hai được hủy tiêu hôn nhân của họ bằng cách bỏ bê nó, rút lại ý muốn kết hôn với nhau.

Nếu cuộc đàm thoại này là một hư cấu (14), thì điều Máccô muốn thực hiện là nhân cơ hội các môn đệ đặt câu hỏi, ngài để Chúa Giêsu cặn kẽ giáo huấn chính cử tọa Rôma của ngài về các hậu quả thực tiễn đối với họ do việc Chúa đặt để lề luật cho người Biệt Phái. Một trong các hậu quả này là một thứ phó sản bất ngờ từ đó mà ra, tức điều Chúa giải thích trong câu 11, rằng bất cứ ai rẫy vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình đối với nàng. (Ở đây, động từ trong câu thứ nhất cũng là động từ đã được dùng trong bản tiếng Hy Lạp nói về cuộc đàm thoại thứ nhất, tức cuộc tranh luận với người Biệt Phái. Đó là động từ apolúein, một động từ đã được các dịch giả Sách Torah của Bản Bẩy Mươi chọn trước đó gần hai thế kỷ để chỉ việc người chồng rẫy bỏ vợ mình). Như thế, Máccô đã để Chúa Giêsu thay đổi câu định nghĩa về ngoại tình đối với các thính giả Do Thái của mình. Cho đến lúc ấy, người đàn ông, dù đã lập gia đình hay không, chỉ phạm tội ngoại tình khi giao hợp với vợ hay vị hôn thê của một người đàn ông khác. Và nếu một người đàn ông phạm tội ngoại tình như thế, thì đó không phải là một vi phạm chống lại vợ mình nhưng là chống lại người chồng hay người vị hôn phu kia. Tội ngoại tình của anh ta không phải là tội bất trung đối với vợ mình mà là một vi phạm chống lại quyền độc hữu của người đàn ông kia trong việc làm tình với người vợ hay người hôn thê của họ, nghĩa là vi phạm đến quyền tư hữu của họ. (Nếu người chồng giao hợp bên ngoài hôn nhân với một người đàn bà chưa có chồng hay chưa đính hôn thì đó không phải là ngoại tình. Nhưng khi người vợ giao hợp với bất cứ người đàn ông nào khác không phải là chồng mình, dù người ấy có gia đình hay không, thì đó vẫn là ngoại tình, một vi phạm chống lại quyền độc hữu của chồng được làm tình với nàng). Nhưng giờ đây, theo Chúa Giêsu, việc người chồng rẫy bỏ vợ và cưới người đàn bà khác chính là tội ngoại tình, tội bất trung chống lại vợ mình, một vi phạm chống lại mối liên hệ giao ước giữa họ với nhau (15).

Các lời kết luận của Chúa Giêsu trong câu 12 gần như chắc chắn là do Máccô thêm vào. Ngài để Chúa Giêsu phán: “và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình." Động từ apolúein trong câu điều kiện cách này cũng y hệt như động từ trong câu 11 nói về hành vi của người chồng, nghĩa là việc anh ta đơn phương rẫy bỏ vợ. Một giáo huấn như thế nhằm vào người Do Thái đang sống dưới một lề luật chưa bao giờ quan niệm được việc người vợ, ít nhất trong thời Chúa Giêsu, có quyền rẫy bỏ chồng quả là điều không thực tiễn chút nào. Ấy thế nhưng nó lại không bất thực tiễn chút nào trong bối cảnh lịch sử xã hội tức trong cộng đoàn Kitô giáo tại Rôma lúc ấy, mà theo truyền thống thì đó là cộng đoàn chính Máccô soạn phúc âm của mình cho.

Ta có thể lý giải luật Rôma về ly dị theo hai cách tuy khác biệt nhưng có liên hệ mật thiết với nhau. Ngoài việc tiêu hôn do hai vợ chồng tự ý cùng nhau rút lui ra, luật còn cho phép bất cứ bên nào được quyền chấm dứt cuộc hôn nhân của mình bằng cách rẫy bỏ người kia. Hay ta có thể nói rằng dù không ai được rẫy bỏ người kia đi chăng nữa, thì bất cứ ai trong họ cũng có quyền đơn phương rút lui khỏi cuộc hôn nhân ấy.

Việc Máccô chọn động từ apolúein để chỉ thứ ly dị mà Chúa Giêsu ngăn cấm cả chồng lẫn vợ cho thấy nếu ngài thích ứng giáo huấn của Chúa Giêsu vào các Kitô hữu đang sống dưới luật Rôma, hẳn nhiên ngài đã lý giải luật ấy như đã cho phép bất cứ người phối ngẫu cũng được quyền ly dị người kia. Dù thế nào, xem ra Máccô cũng cảm thấy thư thái trong việc viết ra những dòng này để Chúa Giêsu nói, vì tin tưởng rằng mình biết chắc Ngài sẽ nói như thế nếu gặp hoàn cảnh phải nói với các môn đệ hiện sống dưới luật Rôma.

Dù vậy, vẫn tồn đọng một vấn đề nữa cũng quan trọng chẳng kém. Nếu Máccô để Chúa Giêsu ngăn cấm việc chấm dứt hôn nhân bằng việc vợ chồng rẫy bỏ nhau (hay chấm dứt hôn nhân bằng đơn phương bỏ rơi người phối ngẫu), liệu ngài có để Chúa Giêsu ngăn cấm cả hình thức tiêu hôn khác mà luật Rôma cho phép hay không, thí dụ việc hai bên tự ý cùng thỏa thuận rút chân ra không kết hôn với nhau nữa? Điều lạ là xem ra ngài không để ý đến vấn đề ấy trong giáo huấn đầy ngụ ý của Chúa Giêsu mà chính ngài đã thêm vào với mục đích rõ ràng là muốn áp dụng giáo huấn ấy vào các cuộc hôn nhân của các Kitô hữu hiện sống dưới luật Rôma. Hay Máccô nghĩ rằng hình thức tiêu hôn ấy đã bị ngăn cấm đủ bằng lệnh truyền Chúa Giêsu dùng để kết thúc cuộc đàm thoại thứ nhất, “Sự gì Thiên Chúa đã phối hiệp, loài người không được phân ly”? Và sở dĩ nghĩ như thế là bởi vì ngài tin tưởng rằng việc mình sử dụng một động từ từng được luật Rôma quen dùng để chỉ việc tiêu hôn này, tức chorízein, đã đủ sáng tỏ vấn đề rồi? Quả không vô lý đối với chúng ta hiện nay, là những người sống hơn mười chín thế kỷ sau, đã có chung một tính tò mò, có lẽ cả bối rối nữa, như các Kitô hữu Rôma (16).

(còn tiếp)

Vũ Văn An

Ly dị và tái hôn trong các Phúc Âm Nhất Lãm, phần (1), (2), (3), (4) & (5)

Đọc nhiều nhất Bản in 19.09.2008. 07:38