Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Khái quát về Tin Mừng theo Thánh Mác-cô

§ Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

1. Thứ tự và các chủ đề chính

Sách Tin Mừng Mác-cô có vẻ như là một chuỗi những bài tường thuật, thường vừa ngắn lại vừa không ăn ý với nhau một cách rõ rệt. Dàn bài rõ nhất là cái khung về địa lý, nói đến những hoạt động của Đức Giê-su, từ Ga-li-lê và những vùng lân cận cho đến miền đất dân ngoại (7,24.31; 8,27), xuyên qua Phê-rệ và Giê-ri-khô lên tói Giê-ru-sa-lem (11,1).

Cái khung này chỉ chú trọng đến mặt địa lý mà ít lưu tâm đến bố cục nội dung cuốn sách, và xem ra mối bận tâm lớn của người viết là trình bày một số chủ đề chính.

1.1. Tin Mừng

Ngay từ những chữ đầu tiên, sách đã nhấn mạnh đặc biệt đến Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa (1,1) Hay Tin Mừng của Thiên Chúa (1,14) hoặc đơn giản Tin Mừng (1,15)

Tin Mừng này dành cho mọi người. Ai đón nhận thì thành Ki-tô hữu. Thiên Chúa đã thực hiện các lời hứa của Người nhờ Đức Giê-su. Vì thế, Tin Mừng cần phải được rao giảng cho muôn dân (13,11; 14,9)

Tin Mừng không phải chỉ là một “sứ điệp” của Thiên Chúa và liên quan đến Đức Giê-su Ki-tô mà thôi, nhưng đúng hơn, đó là chính hành động của Thiên Chúa ở giữa loài người.

1.2 Đức Ki-tô, Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa

Các lời hứa của Thiên Chúa đã bắt đầu được thực hiện, khi ông Gio-an Tẩy giả rao giảng dọn đường cho Đức Ki-tô (1,2-8). Chính Thiên Chúa đã giới thiệu Đức Giê-su là Con và sau khi toàn thắng Xa-tan trong sa mạc, Đức Giê-su đã rao giảng Tin Mừng tại Ga-li-lê. (1,14-15)

Phần đông dân chúng đã nhận ra uy lực của lời giảng và các hành vi của Đức Giê-su chống lại sức mạnh của sự dữ (1,21-45; 3,7-10. Nhưng chức vị là ngôi Thiên tử thí còn phải giữ kín (1,25; 3,12). Những người theo luật Mô-sê chống đối và coi Đức Giê-su như công cụ của tướng quỉ (3,22-30), còn các môn đệ thì nhận biết Người là Đức Ki-tô (8,29), nhưng chưa được phép tiết lộ (8,30)

Từ lúc đó, Đức Giê-su rao giảng một giáo huấn mới: Con Người phải trải qua đau khổ, phải chết rồi mới sống lại. Ý tưởng này được lặp đi lặp lại ba lần (8,31-33; 9,30-32; 10,32-34). Cuộc Thương Khó sẽ vén màn bí mật về Đức Giê-su. Lời Người tuyên bố trước Thượng Hội Đồng (14,61-62) và lời viên đội trưởng phát biểu lúc Người tắt thở (15-30) trùng hợp với những lời Thiên Chúa mặc khải về Người khi Người chịu phép Rửa và lúc Người hiển dung (1,11; 9,7. Những lời đó biện minh cho chủ đề: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa (1,1).Khi ấy, ma quỉ muốn tiết lộ bí mật về Người và các môn đệ đã tin Người là Đấng Mê-si-a, nhưng bí mật vẫn được giữ kín cho đến khi Người trải qua cuộc Thương Khó.

Bài tường thuật cuộc Thương Khó của Đức Giê-su là cao điểm mà tất cả Tin Mừng Mác-cô nhắm tới. Cuộc Thương Khó này đã được báo trước qua những lần “đụng độ” giữa Đức Ki-tô và nhóm kinh sư, thượng tế cũng như những lời loan báo thái độ của tông đồ Phê-rô đối với Người, sau khi ông lớn tiếng tuyên bố sẽ đi theo Người cho đến cùng. Một điểm khác cũng cần được lưu ý ở đây là lệnh phải giữ bí mật về Đấng Mê-si-a. Sở dĩ phải nhấn mạnh như vậy là vì suốt cuộc đời tại thế, Đức Giê-su không được công nhận và chỉ sau khi phục sinh, Người mới được xưng tụng là Cứu Chúa. Bởi thế, Mác-cô cho rằng tiết lộ danh tính Mê-si-a là quá sớm và có thể gây ra hiểu lầm cho dân Do thái và dân ngoại bao lâu họ chưa hiểu được chân lý này là Đức Ki-tô phải chịu khổ, chịu chết rồi mới vào chốn vinh quang.

1.3 Đức Ki-tô và các môn đệ

Ngay từ đầu sách Tin Mừng Mác-cô, Đức Ki-tô đã không xuất hiện một mình, nhưng vời các môn đệ. Người đã kêu gọi bốn ông thuyền chài (1,16-20), cho các ông di theo, (trừ khi sai các ông đi giảng và lúc bị các ông bỏ trốn trong cuộc Thương Khó). Cuối cùng Người đã qui tụ các ông lại sau khi phục sinh.

Trong giai đoạn đầu, các ông còn đóng vai thụ động bên cạnh Đức Giê-su, nhưng Người đã tỏ ra liên đới với các ông, khi các ông bị chỉ trích về việc giữ luật Do thái (2,13-28).

Trong giai đọan thứ hai, các ông được xếp vào lọai người đặc biệt, khác với dân chúng, vì các ông được dạy dỗ riêng (4,10-25.33-34) và đuợc thấy những phép lạ ngoại thường.(4,35-5,43).

Trong giai đoạn thứ ba, các ông được sai đi loan báo Tin Mừng với tư cách là tông đồ (6,30), được giao cho nhiệm vụ phân phát lương thực cho dân chúng (6,34-44), được mặc khải cho những điều bí nhiệm vượt quá khả năng hiểu biết của các ông (6,45-52). Dù vậy, tâm trí các ông vẫn còn tối tăm (6,52; 7,18; 8,14-21). Khi có đám đông hay những người nào khác, Đức Giê-su vẫn luôn luôn nói với các môn đệ và giải nghĩa cho họ những lời dạy dỗ của Người (9,28-29; 10,10-26.23-31). Mác-cô luôn đi từ thày đến trò và nhấn mạnh đến điều kịện để được phúc vinh quang là phải tự khiêm tự hạ. Nhưng xem ra các ông vẫn không hiểu gì cả. Tuy thế, Đức Giê-su vẫn thường dạy dỗ các môn đệ. Người nói cho các ông về sức mạnh của đức tin và lời cầu nguyện (11,20-25). Người dạy các ông phải sống thế nào trước khi Con Người đến (13,1-37). Người cũng soi sáng cho các ông hiểu về ý nghĩa cái chết của Người.trong khi chờ đợi Nước Thiên Chúa (14,22-25). Người báo trước cho các ông biết các công sẽ bỏ Người (14,26-31) và cảnh báo các ông về các cơn cám dỗ (14,37-40)

2. Lối hành văn của Mác-cô

Mác-cô có tài kể chuyện, tuy ngữ vựng nghèo nàn và không biết cách nối kết các câu trước với các câu sau cho văn vẻ. Nhưng chính sự vụng về náy làm cho bài tường thuật của ngài sống động như văn nói.

Nghệ thuật viết văn của Mác-cô rất tầm thường. Tuy nhiên, chính cái tầm thường này lại tỏ cho chúng ta thấy chân dung sống động của Đức Giê-su, một nhân vật khác với mọi hình ảnh có sẵn, qua những phản ứng bất ngờ, thái độ cảm thông hoặc cứng cỏi, sự ngạc nhiên hoặc lời lẽ sắc bén. Tất cả tâm hồn của Đức Giê-su đều dồn cả vào một cái nhìn đầy vẻ giận dữ hay đầy lòng từ bi (3,5.34), đầy nghi vấn hay đầy sự chú ý (5,32; 11,11) đầy yêu thương (10,21), hay đầy vẻ buồn rầu bình thản (10,23-27)

Trước con người đó, người ta có thể có mọi thái độ, từ kinh ngạc đến thán phục, từ phân vân đến quyết định phải giết chết, và đối với các môn đệ thì từ gắn bó kh6ng suy tính đến chỗ không hiểu nổi rồi bỏ đi.

3. Xuất xứ của tác phẩm

Vào khoảng năm 150, đức cha Papias, giám mục Hierapolis cho rằng thánh Mác-cô, phát ngôn viên của tông đồ trưởng Phê-rô là tác giả sách Tin Mừng thứ hai. Có lẽ tác phẩm được biên soạn tại Roma, sau khi thánh Phê-rô qua đời hay đang lúc ngài còn sống.

Hầu hết các học giả Kinh thánh đều chấp nhận sách được viết tại Roma, sau thời bách hại của vua Néro vào năm 64. Một vài từ ngữ la-tinh đã được hy-lạp hóa, một vài kiểu nói của người Roma có thể làm chứng điều đó. Tác giả giải thích phong tục Do thái (7,3-4; 14,16; 15,42), dịch các tiếng Aram, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tin Mừng đối với dân ngoại (3,27; 10,12; 11,17; 13,10). Đó là những điều khiến người ta có thể nghĩ rằng sách được viết cho những người không phải là Do thái sống ở bên ngoài Pa-lét-tin. Còn việc nhấn mạnh đến điều kiện phải có để theo Đức Giê-su là phải vác thập giá mình, điều ấy có thể phản ánh hoàn cảnh đặc biệt lúc bấy giờ của một cộng đoàn đang bị lay chuyển mạnh bời cuộc bách hại của vua Néro. Khi nói đến cảnh đền thờ bị tàn phá, tác giả đã không có một ám chỉ nào rõ rệt liên quan đến những biến cố xảy ra vào năm 70 (khác với Mát-thêu 22,7 và Lc 21,20). Điều này cho phép phỏng định rằng tác phẩm đã được viết vào khoảng từ năm 65-70.

Về các tương quan giữa tác phẩm với tông đồ trưởng Phê-rô thì khó xác định hơn. Câu nói của Papias coi Mác-cô là phát ngôn viên của Phê-rô không được rõ ràng. Dù vậy, dựa vào ảnh hưởng và vị trí của Phê-rô trong tác phẩm, người ta có thể nghiêng về giả thuyết Mác-cô đã viết sách Tin Mừng này theo truyền thống Phê-rô. Tuy nhiên cũng có thể nói được chính cấu trúc của sách Tin Mừng Mác-cô khiến cho người ta đoán được rằng trước đó đã có một truyền thống kể lại các việc làm và hành vi của Đức Giê-su. Câu chuyện về cuộc Thương Khó của Người lúc đầu có thể là một chuỗi các câu chuyện. Và những tài liệu nói về một ngày sống ở Ca-phác-na-um (1,21-28), hay những cuộc tranh luận được nói đến trong 2,3.6 chắc đã được hình thành khá sớm và phải kể vào nguồn Mác-cô đã sử dụng.

4. Tầm quan trọng của tác phẩm

Đối với chúng ta, Tin Mừng Mác-cô là kiểu mẫu đầu tiên biết được về thể văn Tin Mừng. Hội thánh thường sử dụng hai sách Tin Mừng của Mát-thếu và Lu-ca hơn sách Tin Mừng của Mác-cô, vì đó là những tổng hợp có sau và đầy đủ hơn. Nhưng Tin Mừng Mác-cô đã được làm cho nổi bật nhờ những nghiên cứu mang tính văn chương và lịch sử ở thế kỷ XIX và XX. Lời văn mộc mạc, nhiều kiểu nói Do thái, những suy tư thần học thô sơ trong sách, cho thấy Mác-cô đã sử dụng những tài liệu cổ xưa. Tên các nhân danh và địa danh cũng phát xuất từ các nguồn có từ lâu đời. Các lời giáo huấn của Đức Giê-su, việc nhấn mạnh về sự kiện Nước Trời đã gần kề, các dụ ngôn, các cuộc tranh luận, các việc trừ quỉ v.v... phản ánh một các trung thực hoàn cảnh lịch sử trong đời sống của Đức Giê-su tại Pa-lét-tin.

Các kỷ niệm ghi lại tuy không trực tiếp và phát xuất từ các ký ức cá nhân, nhưng đã đuợc thành hình trước tiên để đáp ứng nhu cầu giảng đạo, dạy giáo lý, sinh họat phụng vụ hay tranh luận trong các giáo đoàn: tất cả đều đã bắt nguồn từ các môn đệ đầu tiên. Công của Mác-cô trong địa hạt này là đã ghi lại những điều đó vào giữa lúc các giáo doàn phát triển và lan tràn ra ngoài phạm vi Pa-lét-tin.

Mác-cô đã thành công trong việc giữ cho sống động không phai mờ hình ảnh về một cuộc sống đầy giao động và có phần khó hiểu của Đức Giê-su. Con người đó là ai ? Để đáp ứng lời câu hỏi này, Mác-cô đã đem lại cho chúng ta câu trả lời của các tín hữu tiên khởi và cũng là những nhân chứng đầu tiên. Nhưng đối với những ai chỉ muốn lặp lại câu hỏi này và lấy thế làm đủ thì chính tác giả lại đặt lại câu hỏi và nhắc cho chúng ta rằng đức tin phải được thanh luyện trong chính cuộc đời dấn thân triệt để đi theo Đức Giê-su, Đấng vẫn luôn hoạt động ở giữa loài người qua Tin Mừng.

Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

Đọc nhiều nhất Bản in 10.11.2008. 10:42