Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Khái quát Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu

§ Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

Từ sau Công đồng, Kinh thánh được đề cao và khuyến khích rất nhiều. Đã có cả một hiến chế vĩ đại để nói về vấn đề này. Đó là hiến chế Dei Verbum. Nhiều sách vở, tài liệu biên soạn hay phiên dịch được phổ biến tại Việt Nam trong những năm gần đây. Thật là điều đáng mừng. Nhưng người ta có đọc hay không, đó mới là vấn đề. Vì vậy, để những người không có thời giờ hay không muốn đọc nhiều, xin trình bày khái quát đôi nét về cuốn Tin Mừng thứ nhất này như sau:

1. Bài tựa và lời kết

Tuy không có bài tựa và lời kết rõ rệt như Tin Mừng Lu-ca, nhưng Tin Mừng Mát-thêu cũng cho biết ý nghĩa trong lời tựa bản tường thuật cuộc đời công khai của Đức Giê-su (chương 1+2) và trong lời kết sách: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Mt 28,18-20)

Trong đoạn kết này, có hai ý tưởng được nhấn mạnh, đó là uy quyền của Chúa Giê-su và vai trò của các môn đệ.

1,1 Cuộc đời và giáo huấn

Như các sách Tin Mừng khác, Tin Mừng Mát-thêu cũng kể lại cuộc đời và giáo huấn của Đức Ki-tô, nhưng theo cách thế riêng và phác họa một nền Ki-tô học nguyên thủy ở đây. Đấng Em-ma-nu-en ra đời và sẽ ở cùng các tín hữu cho đến tận thế (28,20) với tư cách là Thầy dạy như xưa kia khi còn tại thế, và sẽ còn tiếp tục mãi qua các trung gian của Người, với tất cả quyền hành nhận được từ Thiên Chúa, vì Chúa Cha đã trao tất cả cho Người (11,27)

Đúng theo Kinh thánh, Đức Ki-tô đã bị người Do thái khước từ và Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại. Điều này, bài tựa muốn trình bày một cách vắn tắt nhưng đầy đủ. Thật thế, trong bài tựa, tác giả không có ý thuật lại các biến cố cho bằng dựa vào các truyền thống, để làm nổi bật ý nghĩa cuộc đời tại thế của Đấng đã từ trong đám kẻ chết chỗi dậy. Thánh Giu-se đã nhân danh It-ra-en và dòng tộc Đa-vít đón nhận Hài nhi Giê-su. Giê-ru-sa-lem, các thượng tế và Hê-ro-đê đã không đón nhận, lại tìm cách giết đi. Nhưng Hài nhi đã thoát cơn sát hại và đến cư ngụ tại Ga-li-lê, nơi tiêu biểu cho miền đất của dân ngoại. Như thế, mầu nhiệm chết và sống lại đã được báo trước trong câu chuyện bi đát này và Tin Mừng đã được rao giảng cho dân ngoại.

1,2 Nước Trời

Đức Ki-tô đã giao cho Nhóm Mười Một nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng và kết nạp môn đồ từ khắp nơi. Trước hết, lời phải loan báo là lời về Nước Trời. Đây là thành ngữ đặc biệt của Mát-thêu để nói về Nước Thiên Chúa. Quả vậy, Thiên Chúa là Chúa Tể luôn luôn hiện diện với dân Người. Vào những giai đoạn đặc biệt, Người đã dùng quyền năng can thiệp rõ ràng vào lịch sử. Cách nói về Thiên Chúa như thế, một phần nào đã dựa vào chế độ chính trị của Ít-ra-en trong suốt các thế kỷ. Đế quốc Rô-ma chiếm đóng Do thái càng làm tăng thêm niềm mong ước của dân nước này muốn thấy Thiên Chúa ra tay oai hùng can thiệp vào lịch sử của họ. Hồi ấy, người Do thái ưa nói rằng chỉ Thiên Chúa mới là vua của họ. Đức Ki-tô giữ lại thành ngữ Nước Trời không theo nghĩa chính trị mà chỉ có ý diễn tả cách thế Thiên Chúa can thiệp vào đời sống của dân Người. Có khi thành ngữ này còn được hiểu một cách tuyệt đối nữa, như khi Đức Ki-tô loan báo các mầu nhiệm Nước Trời (13, 11) trong khi Lu-ca và Gio-an lại dùng thành ngữ ấy để diễn tả và giải thích đời sống vĩnh cửu hay nước thiên đàng. Tuy nhiên, thành ngữ ấy vẫn còn mơ hồ trong Tin Mừng Mát-thêu. Thường thì phải dịch Nước Trời là vương quyền hay vương quốc, nhất là khi có một động từ nào đi trước. Vì vậy, Nước Trời không chỉ nói về tương lai mà còn bao hàm nghĩa hiện tại. Các dụ ngôn về Nước trời cho thấy đặc tính này. Nước Trời khởi đi từ cử chỉ của người gieo giống, phải sinh hoa kết quả cho đến thời sau hết một cách nhiệm mầu qua nhiều thất bại. Vì mang theo viễn tượng cánh chung nên Nước Thiên Chúa không đơn thuần đồng hóa với Hội thánh, cho dù từ ngữ này (16,18; 18,18) được dùng để chỉ các môn dồ rao giảng Nước Trời và làm được những dấu chỉ về Nước đó. Luật sống của cộng đồng này là phục vụ (16,19; 18). Dù biết rằng Nước Trời đã được khai nguyên, nhưng cộng đồng vẫn cầu nguyện mãi cho “triều đại Cha mau đến” (6,10)

2. Cấu trúc văn chương

2,1 Lối hành văn

Mát-thêu đã dựa vào nguồn tài liệu chung cho cả Mác-cô và Lu-ca để soạn sách Tin Mừng. Nhưng trong một cái khung tổng quát, có nhiều nét giống nhau, Mát-thêu đã đưa ra một bản tường thuật rất khác với Mác-cô và Lu-ca, không những vì có những tài liệu riêng dồi dào (1-2; 5,7; 11,1-30; 13,24-30.6-52; 18,10-25; 28,9-20) mà còn vì sử dụng tài liệu chung một cách tự do, độc đáo (Mt 4,1-11; Mc 1,12-13; Mt 14.13-21; Mc 6,32-44; Mt 8,23-27; Mc 4,35-41; Mt 9,9-13; Mc 2, 13-17; Mt 21,33-46; Mc 12,1-12; Mt 24, 1-36; Mc 13,1-37)

Ngoài ra, Mát-thêu lại còn dùng một tập ghi chép các lời của Chúa Giê-su như trong các đoạn sau đây: 3,7-10; 7,7-11; 11,4-6; 12,43-45. Thật khó xác định hình thức của những tài liệu này, nhưng khi đối chiếu với Mác-cô và Lu-ca, người ta có thể thấy lối cấu trúc riêng biệt của Mát-thêu.

Trừ 4,17 và 16,21, các câu nối kết thời gian thường không có giá trị. Các chỉ dẫn về không gian cũng mơ hồ, nên khó có thể dựa vào đấy mà vẽ ra một lộ trình tỉ mỉ. Tuy nhiên, độc giả nên thấy đây là câu chuyện về đời sống của một con người chứ không phải chỉ là một mớ các câu chuyện thu góp lại. Mát-thêu thích dùng một từ ngữ để đóng khung một câu chuyện hay một câu cách ngôn và như vậy, tác giả đã dùng lối văn ngụ ngôn, thí dụ trong 6,19 và 6,21 rồi 7,16.20; 16,6.12. Ngài cũng không ngại dùng một công thức (8,12; 22,13; 25,30, một kiểu nói về cùng một thực tại (8,2; 9,4.18;12,25 hay cùng một lời nơi nhiều cửa miệng khác nhau (3,2; 4,17; 10,7) Các bài tường thuật của ngài thường vắn tắt, thay vì kể những chi tiết hóm hỉnh như Mác-cô, ngài thường đưa ra những lời huấn giáo nhẹ nhàng, nhiều khi có tính phụng vụ (thử so sánh Mt 8,14-15 với Mc 1,29-31).

Mát-thêu rất ưa các con số 2,3,7 và thường thu gọn các lời giảng giống nhau vào một chỗ như đem kinh Lạy Cha đặt vào chỗ những lời nói về sự cầu nguyện. Chương 8,17 đã gom nhiều phép lạ rồi, nhưng Mát-thêu còn thêm hai chuỗi phép lạ nữa (8,23-9,8; 9,18-34)

2,2 Dàn bài

Có thể nêu lên ba kiểu dàn bài trong sách Tin Mừng Mát-thêu

2,2 Dàn bài theo địa lý

Trước hết, Mát-thêu nói đến tác vụ của Đức Ki-tô ở Ga-li-lê (4,12-13,58) rồi đến hoạt động của Người ở miền giáp giới Ga-li-lê và trên đường lên Giê-ru-sa-lem (14,1-20.34) và sau cùng là giáo huấn, cuộc thương khó và phục sinh tại Giêru-sa-lem (21,1-28,20)

2,3 Dàn bài theo năm diễn từ

Có người lại đặt ra một dàn bài theo năm diễn từ, vì Mát-thêu đã kết thúc mỗi diễn từ bằng một câu. Làm như vậy sẽ có năm khối thu tóm hầu hết các lời giáo huấn của Đức Ki-tô. Nhưng không biết có thể phân khối theo thứ tự hết tường thuật rồi đến diễn từ không. Đối với chương 11,12 và 13 thì rõ đó, dù không biết có thể gọi chương 11 và 12 là tường thuật không, vì đây cũng là những diễn từ ngắn tạm xếp được trong không gian và thời gian. Còn đối với những khối khác, khó có thể nối kết một cách chặt chẽ giữa 3, 4 và 5, 7, giữa 14, 17 và 18 và phải gò bó bản văn mới có thể nối kết 8-9 với 10 hoặc 19-23 với 24-25. Do đó, sách Tin Mừng Mát-thêu không phải là một quyển giáo lý có xen các chuyện, nhưng là sách nói về một con người và sách ấy có giá trị giáo lý.

Vì thế, nhiều người khác lại nghĩ rằng Mát-thêu đã muốn dùng một cái khung địa lý để thuật lại cuộc đời và sứ mệnh của Đức Ki-tô. Nếu để ý đến các bản tóm lược (4,12-27; 12, 15-23), các câu liên ý (12,15-21; 3,15-17; 11,1-12.50; 8,1-934), các chú thích địa lý rõ ràng (8,1-9,34;14,1-16.20; 20,29-28,20), các nhóm cử tọa (8,1-9,34) các thù địch (11,1-12.50; 21,23-23,370), các môn đệ (14,1-20,34; 24,1-25,46), người ta có thể chia sách làm hai phần:

Phần I (3,1-13,58): Đức Ki-tô xuất hiện, nhưng dân Do thái không chịu tin Người, tuy Người nói năng và hành động cách hữu hiệu phi thường.

Phần II: Đức Ki-tô tiến tới vinh quang nhưng qua con đường đau khổ.

Như vậy, Mát-thêu đã thuật lại một tấn bi kịch. Đức Ki-tô đến đòi dân Do thái phải tin Người cách vô điều kiện; Người tuyên bố dân ngoại sẽ được nhận vào Nước Trời. Cuộc gặp gỡ giữa Người với dân Do thái đáng lẽ phải làm cho niềm tin của họ được thêm củng cố, nhưng ngược lại, vì cứng lòng, Do thái đã phân cách và chia ly với Người. Từ nay, những ai trung thành với giáo lý của Đức Ki-tô phục sinh sẽ là dân Thiên Chúa đích thực. Dân này tách biệt khỏi nhóm tá điền phản loạn, và sẽ sinh hoa kết quả như lòng Chúa mong muốn.

3. Cộng đoàn của Mát-thêu

Việc lựa chọn và sắp đặt các tiết mục trong sách Tin Mừng Mát-thêu cho thấy các mối ưu tư của môi trường đã hình thành nên cuốn sách này.

3,1 Luật pháp

Trước hết, Mát-thêu là tác giả nhấn mạnh nhiều hơn cả đến luật pháp, Kinh thánh và phong tục Do thái, như bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Khác với Mác-cô (7,3-4), Mát-thêu thấy không cần phải giải thích về các thói quen này và để cho Đức Ki-tô nói cho người Do thái (10,6; 15,24). Tác giả nhấn mạnh đến việc luật pháp phải được kiện toàn, lời Kinh thánh phải được thực hiện nơi Đức Ki-tô, nhóm Pha-ri-sêu đã có nhiều lạm dụng trong các truyền thống. Phải triệt để giải thích lại tất cả như nội dung trong bài giảng trên núi. Mát-thêu nhấn mạnh đến việc Tin Mừng được chuyển sang cho dân ngoại. Như vậy có nghĩa là Tin Mừng đã bung ra khắp nơi, mọi dân được kêu mời đón nhận giáo huấn của Đức Giê-su (28,19)và ai nấy sẽ được Con Người gọi ra trước tòa chung thẩm (25,31-46).

3,2 Các môn đệ

Khác với Mác-cô, Mát-thêu không trình bày các môn đệ của Đức Giê-su như là những con người ngây ngô, thiếu hiểu biết. Trái lại, đó là những ngôn sứ, hiền nhân và luật sĩ của Luật mới (13,52). Trình bày như vậy là Mát-thêu muốn làm cho các môn đệ thành những mẫu người cho các thế hệ sau này, để báo trước thái độ mỗi môn đệ phải có, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, bị nao núng, chán nản (8,26; 14,31; 16,8; 17,20)

4. Khuôn mặt của Đức Ki-tô

Mát-thêu nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò là thày dạy vượt bậc của Đức Ki-tô (5,2.19; 7, 29; 21,23; 22,16; 4,23; 9,35). Người dạy: công chính là trung thành với Luật Chúa (5,19-20; 7, 29; 15,9;28,20). Ngay từ đầu, Mát-thêu đã cho thấy Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, con vua Đa-vít và Con Thiên Chúa. Vì là Con Thiên Chúa và là Đấng Ki-tô nên Người là Thầy, là Phát Ngôn Nhân về thánh ý của Thiên Chúa.

5.Tác giả, tác phẩm, độc giả

Đối với các Giáo Phụ, vấn đề này thật đơn giản; sách Tin Mừng thứ nhất đã được Tông đồ Mát-thêu soạn ra cho các tín hữu gốc Do thái. Theo Đức Cha Papias,(giám mục Hierapolis, thượng bán thế kỷ II) thì tông đồ Mát-thêu là tác giả. Nhiều Giáo Phụ như O-ri-giên, Giê-ro-ni-mô, Ê-pi-pha-nô đã nghĩ như vậy. Nhiều người bây giờ cũng nghĩ như thế, tuy khoa chú giải hiện nay cho vấn đề này là khá phức tạp.

Có nhiều yếu tố khiến người ta có thể xác định được môi trường hình thành cuốn Tin Mừng này. Bản văn hiện nay phản ánh nhiều truyền thống Do Thái; ngữ vựng có nhiều mầu sắc Pa-lét-tin như “trói buộc, tháo cởi, ách, Nước Trời” v.v… Nhiều kiểu nói, tác giả cho là đương nhiên, không cần giải thích, như khi nói đến một số tập tục (8,3; 12,5; 23,5.15.23). Tuy trong sách có đầy những truyền thống Do Thái, nhưng người ta vẫn không quả quyết được là tác giả đã viết sách Tin Mừng này ở Pa-lét-tin. Có người cho rằng sách đã được viết ở Xi-ri, hay ở An-ti-ô-khi-a (theo thánh I-nha-xi-ô, Giáo Phụ đầu thế kỷ II), hoặc ở Phê-ni-xi, vì vùng này xưa kia có rất nhiều người Do Thái.

Về thời gian sách được biên sọan, nhiều người cho là khoảng năm 80 hay có khi sớm hơn, nhưng không ai dám quả quyết chắc chắn.

6. Tính hợp thời của Tin Mừng Mát-thêu

Ngay từ thế kỷ II, sách Tin Mừng Màt-thêu đã được coi như Tin Mừng của Hội thánh và sách cho thấy Hội thánh đã ăn rễ sâu trong truyền thống nguyên thủy. Hội thánh không phải là Ít-ra-en mới, nhưng là Ít-ra-en đích thực. Hội thánh không thay thế Ít-ra-en, nhưng chỉ cho Ít-ra-en con đường đi tới Đức Giê-su. Mát-thêu không đồng hóa Hội thánh với Nước Trời. Làm như vậy, ngài muốn nhắc cho Hội thánh biết rõ khuôn mặt đích thực của mình. Phải có thể chế để cộng đoàn tồn tại, nhưng thể chế vẫn có tính tạm thời. Chỉ có Nước Thiên Chúa mới làm cho Hội thánh có ý nghĩa.

Mát-thêu kêu mời mọi tín hữu ngày nay nên có thái độ như các môn đệ của Đức Giê-su thời xưa, nghĩa là nhận ra quyền năng của Người, đồng thời nhận lấy sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho mọi người ở khắp nơi. Như vậy, các tín hữu mới là những người đương thời với Đức Ki-tô, và các mối liên lạc giữa Người với các tín hữu mới luôn hiện tại.

Thế giới biến chuyển không ngừng và Đức Ki-tô vẫn luôn hiện diện trong thế giới và kêu gọi chúng ta thực hành các lời giáo huấn của Người. Đó là trọng tâm Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, nghĩa là làm cho người ta thấy Đức Ki-tô phục sinh cũng chính là Đức Ki-tô người Na-gia-rét mà sách Tin Mừng này muốn làm cho mọi người được biết.

Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

Đọc nhiều nhất Bản in 18.10.2008. 11:00