Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Khái quát Tin Mừng theo Thánh Gio-an

§ Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

1. Sơ lược về nội dung

Trung thành với truyền thống nguyên thủy, sách Tin Mừng thứ tư thuật lại những việc đã xẩy ra từ thời ông Gio-an Tẩy giả cho đến ngày Chúa Giê-su lên trời. (Cv 1, 21-22). Sách được trình bày như một lời chứng và chắc là tác giả có ý soạn một sách Tin Mừng thật sự. Sau bài đề tựa thần học rất trang trọng (1,1-18), tiếp theo là phần thứ nhất. Trong phần này, tác giả thuật lại các biến cố và các giáo huấn gắn liền với bài tựa (1,19-12,50). Phần thứ hai kể lại các biến cố Thương Khó và Phục Sinh (13,1-21,23). Như nói trong phần kết luận, Gio-an đã chọn một số dấu chỉ để nêu lên ý nghĩa và tầm quan trọng của những biến cố đó, nhằm đưa các tín hữu tới chỗ đào sâu hơn niềm tin của mình vào Chúa Giê-su, Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa, hầu phát triển đời sống hiệp thông với Thiên Chúa nơi họ.

2. Cấu trúc Tin Mừng

Thật khó xác định rõ hơn và làm nổi bật cách chi tiết, bố cục tác giả đã lựa chọn. Đúng thế, vì hầu hết các đoạn văn đã gẫy gọn, chỉ có điều không thấy rõ chúng đã được sắp xếp theo các tiêu chuẩn nào thôi. Vấn đề lại càng tế nhị, khi có giả thuyết cho rằng nhiều đoạn đã bị thay đổi vị trí, như ai đó muốn xen chương 5 vào giữa chương 7,15-16, vì như thế, các tài liệu được xếp đặt theo vị trí thống nhất hơn và sẽ có thời gian dài hoạt động tại Giê-ru-sa-lem tiếp theo một thời gian trú ngụ tại Ga-li-lê (4,43-54 và 6,1-17,13). Đi xa hơn nữa, một số nhà chú giải nghĩ rằng có nhiều bản văn đã bị thay đổi vị trí, và đã đưa ra những đề nghị xếp đặt lại theo đề tài nguyên thủy.

Nhưng những giả thuyết đó không dựa trên một truyền thống nào cả, và cũng không lưu ý đến những định luật rất uyển chuyển của khẩu truyền và cách soạn thảo của người Do thái; cách này thường không hợp với khoa luận lý của chúng ta.

Những ai chấp nhận bản văn như hiện nay thì có nhiều giải đáp. Hầu hết đều nhận là có hai phần trong sách Tin Mừng này với bài tựa quen gọi là tiền ngôn và một số đoạn dễ phân biệt, dựa vào những chỉ dẫn theo địa lý hay niên biểu, và một số thể loại văn chương như ký sự và diễn từ. Nhưng những đoạn ấy nối kết với nhau thế nào. Một số nhà chú giải chọn cách bố cục theo luân lý và trình bày cách quãng diễn theo các khái niệm thần học về ánh sáng, sự sống, vinh quang v.v… Một số nhà chú giải khác lại nghĩ rằng có thể phân biệt được các giai đoạn, qua cuộc đối đầu giữa Đức Giê-su với các kẻ nghịch thù, và coi Tin Mừng Thứ Tư như một bi kịch diễn ra trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh.

3. Tương quan với các Tin Mừng Nhất Lãm

Xét về nhiều mặt, Tin Mừng Gio-an có những điểm khác với Tin Mừng Nhất Lãm. Trước hết là những khác biệt về địa lý và niên biểu. Các Tin Mừng Nhất Lãm thì nói đến thời kỳ hoạt động lâu dài ở Ga-li-lê, tiếp theo là một cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem, và cuối cùng là một thời gian ngắn lưu lại Giê-ru-sa-lem; còn Tin Mừng Gio-an lại tường thuật nhiều cuộc xê dịch từ vùng này qua vùng khác và nói tới thời gian hiện diện lâu ngày tại Giu-đê, nhất là tại Giê-ru-sa-lem (1,19-51; 2,13-3,36; 5,1-47; 14,20.31).

Về lối hành văn cũng có nhiều khác biệt. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, thường chỉ có những đoản văn, những đoạn sưu tập các lời giáo huấn hay bản tường thuật phép lạ, còn Tin Mừng Gio-an thì lại đưa ra những dấu chứng, rồi thường biện giải dài dòng qua những câu đàm thọai hay những diễn từ.

Còn một điểm khác nữa là cách chọn tài liệu và tính độc đáo của những tài liệu đó. Gio-an cũng nói đến nhiều biến cố được ghi nhận trong các Tin Mừng Nhất Lãm, như hoạt động của Gio-an Tẩy Giả, phép Rửa tại sông Gio-đan, các môn đệ đầu tiên (1,19-51), bọn con buôn trong Đền Thờ (2,13-31), người con trai của viên sĩ quan, người bất toại được chữa lành (5,1-16), người mù được sáng mắt (9,1-41), bánh hóa ra nhiều, Chúa đi trên mặt biển (6,1-21), các cuộc tranh luận ở Giê-ru-sa-lem (7-8 +10), cảnh xức dầu ở Bê-ta-ni-a và các biến cố trong lễ Vượt Qua (12-21).

Nhưng nhiều yếu tố khác của truyền thống Nhất Lãm lại không có trong Tin Mừng Gio-an như cơn cám dỗ trong sa mạc, biến cố Hiển Dung, việc thành lập bí tíchThánh Thể, cơn hấp hối ở vường Ghết-xê-ma-ni cùng nhiều phép lạ và giáo huấn khác (bài giảng trên núi, các dụ ngôn, diễn từ về thời cánh chung hay thế mạt). Từ ngữ cũng rất khác biệt: chữ Nước Thiên Chúa chỉ xuất hiện ở một bản duy nhất 3,3-5. Gio-an thích nói về sự sống và sự sống vĩnh cửu hơn. Các chủ đề về thế gian, ánh sáng, bóng tối, sự thật, giả dối, vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang của loài người thường được đề cập tới.

Tuy không có những điều nói trong các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng Tin Mừng Thứ Tư lại bao gồm nhiều cái mới, nhu tiệc cưới Ca-na (2,1-11), cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô (3,1-11), với người thiếu phụ xứ Xa-ma-ri (4,5-42), sự sống lại của La-da-rô, cử chỉ rửa chân và nhiều chi tiết trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh.

Gio-an có biết các Tin Mừng Nhất Lãm không ? Nhiều nhà chú giải cho là không và có chăng là các truyền thống nói về Đức Giê-su mà các tác giả Nhất Lãm cũng đã tham khảo. Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm gặp gỡ về văn chương khá rõ rệt. Vì thế, rất có thể Gio-an biết Mác-cô và nhất là Lu-ca. Còn đối với Mát-thêu, sự việc kém rõ ràng hơn.

4. Vấn đề biên soạn

Gio-an đã tỏ ra độc lập đối với các truyền thống Nhất Lãm. Như vậy, phải chăng tác giả có nhiều nguồn tài liệu khác ? Trước hết, phải đặt câu hỏi Tin Mừng Gio-an được viết trong ngôn ngữ nào. Vì trong sách có nhiều kiểu nói A-ram, nên không hiếm các nhà chú giải cho rằng nguyên bản được viết bằng tiếng A-ram, rồi mới dịch sang tiếng Hy-lạp. Nhiều nhà chú giải khác lại nghĩ rằng có một số đoạn viết bằng tiếng A-ram, rồi sau được tác giả dùng lại trong bản Hy-lạp. Tuy nhiên, xét về mặt văn chương thì phải nói rằng sách đã được viết bằng tiếng Hy-lạp, tuy từ ngữ nghèo nàn, nhưng cú pháp lại đúng văn phạm và rất có khả năng gợi ý, nhất là chứa đựng nhiều từ, nhiều lối chơi chữ không thấy trong tiếng A-ram. Đó chính là đặc điểm của sách Tin Mừng này. Đàng khác, lối văn và những kiểu văn chương cho thấy chỉ có một người biên sọan. Sự kiện tác giả là người Do thái viết văn Hy-lạp, và xem ra có vẻ chịu ảnh hưởng bản văn Cựu Uớc viết bằng tiếng Hy- lạp có thể giải thích được sự việc tại sao trong bản văn lại thấy những yếu tố sê-mít. Có thể tác giả đã sử dụng nhiều nguồn tài liệu, đặc biệt một tuyển tập ghi chép các phép lạ. Cũng nên nhớ là tác giả liên hệ nhiều với môi trường Ki-tô hữu và khi có dịp là dùng các công thức phụng vụ hay những đoạn bài giảng.

5. Môi trường tư tưởng

Mọi tư tưởng, nếu muốn được diễn tả, đều phải dùng ngôn ngữ gắn liền với một môi trường văn hóa. Nếu tư tưởng độc đáo thì tạo ra được những liên quan mới và nói lên được cái mới mẻ. Kinh thánh cũng không thoát ra ngoài qui luật này. Vì thế phải tìm xem ngôn ngữ của Gio-an được lấy ở đâu trong các vùng văn hóa tại phía Đông đế quốc Rô-ma, nơi sách Tin Mừng Thứ Tư được biên soạn. Các nhà chú gỉải đã nêu lên rất nhiều điểm gặp gỡ, như nhìn nhận có ảnh hưởng của văn hóa Hy-lạp rồi nhấn mạnh đến các tương quan giữa Cựu Ước với các môi trường Do thái và nhận ra một số liên hệ với thuyết Ngộ đạo.

5,1 Văn hóa Hy-lạp

Chắc chắn là Gio-an có nhiều liên hệ với tư tưởng Hy-lạp, bằng cớ là ngài chú ý đến những gì liên quan đến tri thức và chân lý, lại sử dụng quan niệm về Logos (Lời) và nhất là các biểu tượng, khiến người ta nghĩ rằng ngài chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy-lạp. Nhưng đối với ngài, điều chính yếu là hiểu biết Ngôi Lời nhập thể bằng đức tin. Ngay cả những chỗ ngài dùng các từ giống nhau thì ý nghĩa cũng đã thay đổi. Do đó, Logos ngài dùng không phải là một trung gian giữa Thiên Chúa và vũ trụ, mà là Ngôi Lời vẫn có từ trước, kết hợp mật thiết với hoạt động của Chúa Cha.

5,2 Ảnh hưởng Do thái

Nhưng về sau, người ta thấy rằng Tin Mừng Thứ Tư bén rễ trong môi trường Do thái và Cựu Ước. Xét về văn thể, Gio-an có nhiều kiểu nói Do thái. Đây là lý do khiến người ta nghĩ rằng nguyên bản được viết bằng tiếng A-ram. Đàng khác, trong sách Tin Mừng này, có nhiều chỗ làm cho người ta liên tưởng đến Cưu Ước. Tuy không mấy khi trực tiếp trưng dẫn Cựu Ước, nhưng Gio-an lại phân biệt kế hoạch cũ với kế hoạch mới và sử dụng nhiều công thức của Cựu Ước, nhất là các chủ đề liên quan đến nền văn chương theo sách Khôn ngoan, như nước, thần lương, man-na, mục tử, vườn nho, đền thờ.

Ngoài ra lại còn nhiều điểm gặp gỡ với đạo Do thái thời bấy giờ nữa, như các kiểu lý luận, các lối hành văn, các danh từ thông dụng trong môi trường kinh sư Do thái. Chắc hẳn là Gio-an biết rõ phong tục, tập quán của người Do thái ở Pa-lét-tin thế kỷ I. Nhưng ngài cũng thấy rõ những khác biệt căn bản giữa Do thái giáo và Ki-tô giáo, nên càng làm nổi bật tính mới mẻ và siêu việt của mầu nhiệm nhập thể.

5,3 Phong trào Ngộ đạo

Từ hai thế kỷ nay, người ta tìm cách xác định liên hệ giữa các sách Tin Mừng với phong trào Ngộ đạo. Chủ trương của thuyết này là truyền cho các đồ đệ một giáo lý bí nhiệm, rồi sau khi đã thanh tẩy họ, đưa họ tới ơn cứu độ, Họ được cứu độ là nhờ hiểu biết những chân lý căn bản của tôn giáo và nhờ những cuộc xuất thần. Thuyết Ngộ đạo đối nghịch với vật chất và xác thịt, vì hai thứ này bị đồng hóa với sự Ác. Sau thế kỷ I, người ta mới đọc được các bản văn có khuynh hướng ngộ đạo, cả trong môi trường Hy-lạp lẫn Ki-tô giáo. Đây là nội dung tóm tắt của thuyết này: có một con người thần linh hay một con người nguyên thủy đã sa ngã vì đắm chìm trong vật chất. Sau đó, thuyết Ngộ đạo mô tả các điều kiện và các giai đoạn con người phải chấp nhận và trải qua để vươn lên trời cao. thoát khỏi các vòng vây hãm ác độc do các hành tinh kiểm soát. Thiên Chúa được coi là hữu thể huyền bí, là nguồn mạch của Ánh Sáng và Sự Sống. Đối với con người, sự sống thật là gặp Thiên Chúa, nhờ một sự hiểu biết trực tiếp đem lại sự sống.

Thật khó xác định mối liên hệ giữa sách Tin Mừng Thứ Tư với các ý tưởng vừa trình bày, nhưng phải công nhận cả hai bên có một số bận tâm và một số công thức chung. Sinh sống trong một môi trường phức tạp có những khuynh hường giống nhau và khác nhau, Gio-an đã được khích lệ và thúc đẩy, để đề cao tương quan giữa tri thức và đời sống thần linh mà con người có thể nhận ra được. Nhưng ngài đã phản ứng lại một cách độc đáo, vì đức tin vào Thiên Chúa sáng tạo vạn vật của ngài loại bỏ được cái nhìn bi quan về thế giới vật chất, và mầu nhiệm nhập thể đã mang lại cho xác thịt và thân phận con người một ý nghĩa rất khác, so với các suy luận của thuyết Ngộ đạo.

5,4 Nét độc đáo của Gio-an

Tư tưởng của Gio-an gắn liền với đời sống và ngôn ngữ của các Ki-tô hữu thời bấy giờ. Trước hết, tác giả dựa vào các biến cố xẩy ra trong giai đoạn Ki-tô giáo thành hình và các nỗ lực diễn tả tư tưởng thần học ở buổi đầu. Người ta thấy tư tưởng của Gio-an có những chỗ giống với tư tưởng của Phao-lô, đặc biệt trong các thư Phao-lô viết khi bị cầm tù và thư gửi giáo đoàn Ê-phê-xô. Gio-an cũng biết nhiều bản văn phụng vụ. Mặc dù gắn liền với các tư tưởng Ki-tô giáo thời ấy, nhưng Gio-an đã soạn ra được một sách Tin Mừng độc đáo. Ngài đã dùng tất cả các tài liệu có được, nhưng đã sắp xếp lại để làm nổi bật vai trò của Đức Giê-su, Đấng là Ki-tô và là Con Thiên Chúa.

6. Tin Mừng Gio-an và lịch sử

Nhiều người đặt vấn đề về tính lịch sử của Tin Mừng Gio-an ngay từ thế kỷ XIX. Có người đã đặt câu hỏi: “Phải chăng khi soạn một sách Tin Mừng có nội dung thần học như thế, tác giả đã nhằm gì khác chứ không phải lịch sử ? Việc sử dụng biểu tượng có phải là nhằm hướng độc giả đến một cái gì đàng sau các sự kiện nguyên thủy, các hành vi ngôn ngữ như người ta hiểu, thoạt khi mới gặp hay chăng ? Do đó, nhiều nhà chú giải đã phủ nhận giá trị lịch sử của Tin Mừng Thứ Tư. Họ chỉ coi sách Tin Mừng này như một bài suy niệm dài hay một bài suy luận thần học” (Loisy).

Trước hết phải nhận là Gio-an có kể lại nhiều sự kiện mà các tác giả Nhất Lãm cũng kể, nhất là hoạt động của Gio-an Tẩy Giả, phép Rửa ở sông Gio-đan, nhiều phép lạ, bánh hóa ra nhiều (1,19-51; 2,13-21; 6,1-2.3) và tất cả bài tường thuật về cuộc Thương Khó và Phục sinh của Đức Ki-tô.

Khi so sánh các đoạn văn này, người ta có thể kết luận là Gio-an muốn thuật lại các sự kiện quen thuộc theo truyền thống cách trung thực. Ngoài ra, tác giả lại còn cho biết những dữ kiện địa lý và niên biểu cùng những chỉ dẫn liên quan đến các cơ chế Do thái và Rô-ma. Điều ấy chứng tỏ tác giả hiểu biết về các điều kiện sinh sống trong xứ Pa-lét-tin ở đầu thế kỷ I. Như vậy, tác giả đã tỏ ra muốn trung thành với các điều kiện có thật trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Sách Tin Mừng Gio-an nói về một Đấng đã sống và đã chết vào một thời gian rõ rệt. Tác giả tự coi và được coi là chứng nhân về các sự kiện và chân lý mà đích thân mình đã được chứng kiến và đã tin. Ngài muốn làm sáng tỏ ý nghĩa của những gì đã xẩy ra trong cuộc đời Đức Giê-su Ki-tô, nên tác phẩm của ngài trước hết mang hình thức một bản tường thuật về một loạt các dấu chỉ được lựa chọn trong các dấu chỉ. Các dấu chỉ đó được thuật lại cho người ta tin rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa để nhờ tin mà được sống.

7. Tác giả

Tất cả những điều trên đây đưa tới kết luận này là sách Tin Mừng Thứ Tư không phải chỉ là lời chứng của một người đã mục kích rồi viết lại một mạch, sau khi các biến cố đã xẩy ta, mà đó chính là kết quả của một cuộc suy nghĩ lâu dài. Tuy vậy, cũng phải nói ngay là tác phẩm xem ra như chưa hoàn thành, nhiều chỗ có vẻ chắp nối, một số đọan không ăn ý với nhau (3,13-21.31-36). Có lẽ ai đó đã thêm chương 21 và một số chú thích nữa như trong 4,21-44; 7,39b; 12,12; 19,35. Chuyện người đàn bà ngoại tình, xuất xứ không được rõ và sau này mới thêm vào. Về tác giả và năm sọan thảo thì không tìm được chỉ dẫn nào rõ rệt trong sách. Điều này hình như tác giả muốn thế, để làm nổi bật con người của Đấng Cưu Thế. Tuy vậy, người ta cũng có thể biết đôi chút về tác giả, như khi thấy tác giả đồng hóa mình với “người môn đệ được Đức Giê-su yêu quí” . Người môn đệ này được nhắc đến nhiều trong các biến cố cuối đời của Đức Giê-su. Ngoài ra cũng còn một kiểu nói nữa làm cho người ta liên tưởng đến tác giả, đó là kiểu nói “người môn đệ khác”

Từ thế kỳ II, các truyền thống trong Hội thánh gọi người môn đệ đó là Gio-an và bắt đầu đồng hóa người này với một trong hai người con ông Dê-bê-đê trong Nhóm Mười Hai Tông Đồ.”

8. Thần học

Gio-an tập trung mọi chú ý vào Đức Giê-su Ki-tô. Chỉ khi biết Đức Ki-tô và sống hiệp thông với Người, nhân loại mới được sống muôn đời, nhờ khám phá ra Đức Chúa Cha. Tác giả xét đến toàn bộ cuộc đời Chúa Cứu Thế và coi tiến trình cuộc đời đó có một tầm quan trọng hết sức lớn lao. Chính qua các biến cố trong cuộc đời Đức Ki-tô mà Thiên Chúa hiện tỏ trong thế gian. Ai tin sẽ được sống muôn đời. Thế gian sẽ bị phán xét và kết án vào giờ nó không ngờ. Gio-an đã không diễn tả sự hiện hữu có từ trước muôn đời của Đức Ki-tô, vì thế, ngài đã không tường thuật một cuộc đối thoại nào về việc Chúa Con nhận lãnh sứ vụ.

Kết luận

Nhiều người đọc Tin Mừng theo thánh Gio-an có cảm giác như bay lượn trên một vòm trời cao siêu với những ý tưởng thần học cao xa. Người ta coi thánh Gio-an như chim phượng hoàng về phương diện tư tưởng. Chẳng vậy mà chỉ lời tựa hay bài tiền ngôn của ngài ở đầu sách đã đủ cho cha Boismard, giáo sư trường Kinh thánh Giê-ru-sa-lem, viết ra một cuốn sách để bàn giải. Chúng ta nên dành những chuyện uyên bác cho các nhà chuyên môn, còn phần chúng ta chỉ đọc Tin Mừng này với tấm lòng tin yêu và ngưỡng mộ: tin yêu vì Chúa Giê-su đã đến trần gian để cứu chuộc loài người và ngưỡng mộ vì Người đã chỉ đường cho chúng ta để đến với Chúa Cha. Sự sống đời đời của chúng ta là biết Thiên Chúa và Đấng mà Người đã sai. Chính Chúa Giê-su đã đem đến cho chúng ta sự hiểu biết này và Tin Mừng theo thánh Gio-an đã góp phần không nhỏ vào sư hiểu biết đó.

Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

Đọc nhiều nhất Bản in 23.11.2008. 00:52