Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Học và Sống Năm Thánh Kinh: Bài 13 - Phương Pháp Khoa Học Xã Hội

§ Phaolô Phạm Xuân Khôi

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa vừa qua đã viết trong Đề Nghị số 39 trình lên Đức Thánh Cha rằng: “Các Nghị Phụ đặc biệt nghĩ đến các tín hữu đang dấn thân vào đời sống chính trị và xã hội. Các ngài mong muốn rằng Lời Chúa nâng đỡ những hình thức làm chứng cũng như khuyến khích các hành động của họ trên đời, trong việc tìm kiếm sự tốt lành cho tất cả mọi người, và trong việc tôn trọng phẩm giá từng con người. Cho nên, cần phải chuẩn bị cho họ bằng một nền giáo dục đầy đủ theo những nguyên tắc xã hội của Hội Thánh.

Phương pháp giải thích Thánh Kinh theo Khoa Học Xã Hội là nền tảng của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo. Tuy nhiên cũng có nhiều thần học gia dùng phương pháp giải thích Thánh Kinh theo Khoa Học Xã Hội để biện minh cho những trào lưu giải phóng xã hội theo khoa Thần Học Giải Phóng, là nền thần học cổ võ cho chủ nghĩa đấu tranh gia cấp.

Phạm vi xã hội của Thánh Kinh nói về cái thế giới nằm dưới bản văn để đôi khi ám chỉ hoàn cảnh xã hội của tác giả hay của các độc giả, là những người đóng góp và sự hình thành tác phẩm gốc và các giải thích các bản văn Thánh Kinh sau đó.

I. Những Phương Pháp Giải Thích Thánh Kinh theo Khoa Học Xã Hội

1. Nghiên cứu Thánh Kinh theo phương pháp Khoa Học Xã Hội chú trọng đến hoàn cảnh xã hội trong lịch sử của các tác giả tiên khởi và cộng đồng của họ để nghên cứu sự hiểu biết về xã hội học của bản văn Thánh Kinh. Tiếp cận này coi ngôn ngữ như phản ảnh các thực thể xã hội. Các phương pháp và học thuyết xã hội, nhân chủng và đôi khi tâm lý được dùng như dụng cụ để "nhìn xuống dưới bản văn" hầu hiểu hoàn cảnh xã hội ảnh hưởng đến tác giả và bản văn thế nào. Bản văn Thánh Kinh được đọc như một tiết lộ vể các trào lưu, cơ chế, và xung đột xã hội, cũng như vai trò của xã hội thời ấy, cùng một thông điệp cho độc giả thời nay với lịch sử xã hội riêng của họ.

2. Giải thích Thánh Kinh theo tiếp cận Giải Phóng nhấn mạnh nhiều đến hoàn cảnh xã hội của độc giả Thánh Kinh hiện đại trong khi nghiên cứu tình trạng xã hội của các thánh sử. Các nhà thần học Giải Phóng nhấn mạnh rằng độc giả đang bị vướng mắc vào một hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh này sẽ hình thành cách giải thích Thánh Kinh của họ. Các nhà thần học Giải Phóng đặc biệt lo ngại rằng những người chiếm địa vị uy quyền, giàu sang và thế giá trong xã hội sẽ không hiểu được cái thông điệp hùng hồn về giải phóng xã hội nằm trong các bản văn Thánh Kinh. Các nhà thần học này lấy việc Thiên Chúa giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ làm then chốt cho cho việc giải thích Thánh Kinh. Thông điệp giải phóng trong cuộc Xuất Hành của dân Israel được tiếp tục qua những lời rao giảng của các ngôn sứ về công bằng xã hội và được hoàn tất trong Tin Mừng cho người nghèo của Chúa Giêsu. Để hiểu đúng thông điệp này của Tin Mừng, người ta phải đọc Tin Mừng "cùng với người nghèo" hay từ chỗ đứng của họ trong xã hội của họ, là chỗ đứng của những người cần sự giải phóng mà Thiên Chúa đã hứa. Như thế, việc giải thích Thánh Kinh phải đi đôi với việc phân tích hoàn cảnh xã hội hiện đại cách hoà hợp với thông điệp của Thánh Kinh về giải phóng xã hội cho những người bị áp bức trong xã hội hôm nay.

II. Giải Thích Thánh Kinh theo Xã Hội trong Học Thuyết Xã Hội Công Giáo

Đạo Công Giáo xác nhận diện xã hội của công trình của Thiên Chúa trên thế gian. Hiến Chế về Hội Thánh (Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân) công bố rõ ràng:

"Thiên Chúa không thánh hóa con người và cứu chuộc họ chỉ như những cá nhân không có liên hệ hay dính lứu gì với nhau" (Lumen Gentium 9)

Tài liêu Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh chú thích về phạm vi xã hội của việc giải thích Thánh Kinh như sau:

"Để tự liên lạc, Lời Chúa đã đâm rễ trong đời sống của các cộng đồng nhân loại."

Qua việc nhấn mạnh đến phương diện xã hội của ơn cứu độ của Thiên Chúa, nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo sẵn sàng chấp nhận việc nghiên cứu kỹ lưỡng môi trường xã hội mà trong đó mặc khải đã xảy ra.

Giáo huấn xã hội của Công Giáo cũng dành chỗ cho những đóng góp của việc giải thích Thánh Kinh theo Giải Phóng, mặc dù một vài phương diện của khoa thần học này đã bị Hội Thánh phê bình. Hội Thánh Công Giáo xác nhận "quyền ưu tiên của người nghèo" là trọng tâm của khoa thần học Giải Phóng. Ngay cả trong những tài liệu vạch ra một số sai lầm của khoa thần học Giải Phóng, Hội Thánh cũng xác quyết sự quan trọng và giá trị của việc đọc Thánh Kinh theo nhãn quan và cảm nghiệm của người nghèo, và sự cần thiết của việc giải phóng xã hội:

"Một đóng góp rất tích cực, vì môn thần học này làm nổi bật những khía cạnh của Lời Thiên Chúa mà chúng ta vẫn chưa hoàn toàn nắm được sự phong phú của Lời này". (Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Giáo huấn về Sự Tự Do và Giải Phóng của Kitô hữu, 70)

Cảm nghĩ này cũng được vọng lại trong tài liệu Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh:

Thần học Giải Phóng bao gồm những yếu tố có giá trị chắc chắn: một ý thức sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng cứu độ; sự khẳng định về phương diện cộng đồng của Đức Tin; một ý thức cấp bách về sự cần thiết của việc giải phóng bắt nguồn từ công bình và bác ái; một cách đọc Thánh Kinh mới mẻ trong đó tìm cách làm cho Lời Thiên Chúa thành ánh sáng và của ăn cho Dân Thiên Chúa giữa các cuộc đấu tranh và các niềm hy vọng của họ (GTTKTHT I.E.1).

III. Giới hạn của phương pháp giải thích Thánh Kinh theo Xã Hội

Hội Thánh nhắc nhở rằng việc phân tích Thánh Kinh theo Xã Hội của phải luôn được tiến hành với một ý thức rằng những phương pháp này có bản chất thử nghiệm. Chúng ta hiểu biết rất giới hạn về các môi trường xã hội của các bản văn Thánh Kinh và thường phải dựa vào các phương thức và lý thuyết được khai triển trong những môi trường xã hội khác để nghiên cứu nó.

Đối với thần học Giải Phóng, Hội Thánh Công Giáo vạch ra những điểm quá đáng sau:

Kết Luận

Vì mỗi con người là một tế bào của xã hội, nên trong việc giải thích Thánh Kinh, chúng ta cũng không thể bỏ qua bình diện xã hội của Thánh Kinh. Tuy nhiên chúng ta cũng phải ý thức rằng con người không tự giải phóng mình khỏi những bất công xã hội được, mà đôi khi còn gây ra những bất công trầm trọng hơn, vì bất công xã hội là do tội lỗi ma ra. Chỉ có Đức Kitô mới có thể giúp chúng chiến thắng tội lỗi. Và nhờ cách sống theo giáo huấn của Đức Kitô mà con người có thể giúp nhau thoát khỏi những bất công xã hội. Bởi vì, “Lời Chúa, trong Thánh Kinh và trong Truyền Thống Sống Động của Hội Thánh, giúp trí khôn và tâm hồn con người hiểu biết và yêu thương tất cả những thực tại của nhân loại và tạo vật. Thực ra, Lời Chúa giúp chúng ta nhận ra những dấu hiệu của Thiên Chúa trong những lao công của con người hướng về việc làm cho thế giới được công bình và dễ sống hơn; Thánh Kinh giúp chúng ta nhận ra “những dấu chỉ của thời gian” hiện diện trong lịch sử; thúc đẩy các tín hữu dấn thân bênh vực những người đau khổ và là nạn nhân của những bất công.” (ĐTC Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 19).

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Đọc nhiều nhất Bản in 25.05.2009. 23:18