Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Các thư thánh Gioan

§ Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

1. Hoàn cảnh biên soạn thư

Các thư thánh Gio-an, ít là hai thư đầu, dường như không mang chi tiết nào về hoàn cảnh biên soạn và con người tác giả. Nhưng nếu khảo sát chính bản văn, ta sẽ biết được một cách khá chắc chắn hoàn cảnh của những người nhận thư và lý do thúc đẩy tác giả viết thư cho họ.

Từ giọng văn tranh luận của một số đoạn thư, ta có thể suy ra rằng các cộng đoàn đón nhận thư đang trải qua một cơn khủng hoảng nghiêm trọng. Nhiều học thuyết không phù hợp với mặc khải Ki-tô giáo đang được phổ biến, có thể làm lung lạc đức tin thuần khiết của họ.

Ai là những người rao truyền các học thuyét đó ? Tác giả gọi họ là những kẻ Phản Ki-tô (1 Ga 2,18.22; 4,3; 2 Ga 1,7), các ngôn sứ giả (1 Ga 4,1), những kẻ nói dối (1 Ga 2,22), lừa gạt (2 Ga,1,7), thuộc về thế gian (1 Ga 4,5), để cho sự sai lạc điều khiển (I Ga 4,6). Trước kia họ thuộc cộng đoàn (1 Ga 2,19), nhưng nay họ tìm cách mê hoặc các tín hữu trung thành, bằng cách mang lại một học thuyết không phải của Đức Ki-tô (2 Ga 1,10).

Đâu là điểm sai lầm của họ ? Họ để cho một thứ thần bí thuộc thuyết Ngộ đạo phỉnh gạt, tự cho mình biết Thiên Chúa (1 Ga 2,4), thấy Thiên Chúa (1 Ga 3,6; 3 Ga 1,11), sống hiệp thông với Người (1 Ga 2,3), ở trong ánh sáng (1 Ga 2,9), mặc dù học thuyết và lối cư xử của họ mâu thuẫn rõ ràng với mặc khải Ki-tô giáo. Họ hiểu sai lạc về mầu nhiệm Đức Ki-tô và chối bỏ không nhận Người là Đấng Mê-si-a (1 Ga 2,22), Con Thiên Chúa ( 1 Ga 4, 15; 2 Ga 1,7), phủ nhận mầu nhiệm nhập thể (1 Ga 4,8). Đời sống luân lý của họ cũng đáng trách không kém tuy họ cho mình không có tội; họ không bận tâm gì đến việc giữ các điều răn nhất là luật bác ái.

Đã từ lâu, người ta muốn biết đích xác những thầy dạy giả dối này là ai ? Theo thánh I-rê-nê thì sách Tin Mừng theo thánh Gio-an nhằm chống lại một người lạc giáo tên là Xô-rin-tô. Các thư của ngài cũng nhằm chỉ trích học thuyết của người ấy. Thật vậy, học thuyết này xem ra có nhiều điểm giống như những học thuyết của các giảng viên mà thánh Gio-an tố cáo. Cũng theo thánh I-rê-nê thì Xô-rin-tô nói rằng lúc chào đời Đức Giê-su cũng giống như trăm ngàn người khác, Đến khi Người chịu phép Rửa thì một Ki-tô thần linh đến kết hiệp với Người. Nhưng sau đó, vào cuộc Thương khó, vị ấy rời xa Người.

Tuy nhiên, có nhiều điểm khác vẫn là của Xô-rin-tô thì lại không được nhắc tới trong các thư của thánh Gio-an. Dù sao, học thuyết mà các thư nhắm tới cũng nằm trong phong trào Ngộ đạo Do thái và đã bị các thư trong tù và các thư mục vụ của thánh Phao-lô lên án. Về sau, phong trào này đưa tới các hệ thống ngộ đạo lớn của thế kỷ II.

Nhưng mục đích chính của tác giả không nhằm đả phá kẻ lạc đạo mà trực tiếp nói với các tín hữu. Tác giả đặt họ vào thế phải coi chừng các tham vọng của phái ngộ đạo và cho họ thấy rằng chính họ, nhờ đức tin mới thực sự có được sự hiệp thông với Thiên Chúa (1 Ga,1,3). Đó cũng là điều kết luận trong phần cuối thư 1 Ga: “Các điều này tôi đã viết cho anh em để anh em biết là anh em có sự sống đời đời, anh em là những kẻ tin vào danh Con Thiên Chúa” (5,13).

Đó cũng còn là lý do khiến tác giả lặp đi lặp lại như một điệp ca công thức: “Nhờ điều này, ta được biết rằng… (1 Ga 2,3-5; 3,19,24; 4,2-6.13). Tác giả muốn cho thấy đâu là dấu để nhận ra các tín hữu đích thật. Những dấu đó là lòng trung thành với đức tin Ki-tô giáo đã được giảng dạy ngay từ đầu (1 Ga 2,22.24) và việc tuân giữ các điều răn, nhất là bác ái (1 Ga 2,3-6.9-11).

2. Tác giả

Hầu như chắc chắn tất cả ba thư đều do một người viết. Một cuộc khủng hoảng giống nhau được phản ánh trong hai thư đầu và một cách gián tiếp trong thư thứ ba. Về tư tưởng, từ ngữ và văn thể, cả ba thư đều giống nhau đến nỗi khó có thể nói các thư đó là do nhiều tác giả khác nhau. Đây là vài công thức đặc biệt: “Có nhiều ngôn sứ giả đã xuất hiện trên thế gian”. (1 Gã,1; 2 Ga 1,7}, đi trong sự thật (2 Ga 1,4; 3 Ga 1, 3), chân thành yêu mến (2 Ga 1,1; 3 Ga 1,1), lệnh truyền yêu thương không phải là một lệnh truyền mới mà là lệnh truyền đã có từ thuở ban đầu ( 1 Ga, 7; 2 Ga 1,5) có Cha và Con ( 2 Ga 1,9) hay cũng có Cha” (1 Ga 2,23).

Nhưng tác giả là ai ? Đây là một vấn đề khác với thư Phao-lô: tác giả không xưng danh ở một chỗ nào. Trong 2 Ga 1 và 3 Ga 1, ông xưng mình là niên trưởng. Danh hiệu này không chỉ người lãnh đạo một cộng đoàn, nhưng theo thói quen của các Hội thánh bên Tiểu Á, đó là danh hiệu chỉ một người thuộc Nhóm các môn đệ Đức Giê-su hay người nào quen biết các môn đệ ấy. Như vậy, người đó là một người có uy tín lớn, vì là chứng nhân trong giai đoạn đầu truyền thống các Tông đồ. Ngoài ra, tác giả lại nói mình là một chứng nhân đã nhìn tận mắt đời sống của Đức Giê-su (1 Ga 1,1-3; 4,14). Những chỉ dẫn ấy cho phép nghĩ rằng tác giả là tông đồ Gio-an. Thật vậy, đối với thư thứ nhất, các lời chứng thời xưa đều nói rằng Gio-an là tác giả. Nhưng đối với hai thư sau thì khác, vì tác giả xưng mình là niên trưởng. Vào thế kỷ III và IV, có người cho rằng tác giả là một ông Gio-an niên trưởng nào đó, khác với tông đồ Gio-an. Nhưng truyền thống cổ ở Ê-phê-xô chỉ biết có một Gio-an Tông đồ.

3. Bối cảnh văn chương và học thuyết

Thoạt nhìn thì thấy Cựu Ước không có ảnh hưởng bao nhiêu trên các thư này, vì tác giả chỉ nhắc rõ ràng đến Cựu Ước có một lần (x 1 Ga 3,12). Tuy vậy trong 3 thư không thiếu những kiểu nói Cựu Ước như công chính và trung tín (1 Ga 1,9), biết Thiên Chúa ( 1 Ga,3.4.14), lễ hy sinh đền tội (1 Ga 2,2; 4,10). Nhưng ảnh hưởng của Cựu Ước đối với thư thứ nhất rõ rệt hơn cả trong chủ đề nói về mối hiệp thông với Thiên Chúa và sự biết Thiên Chúa. Theo nhiều đoạn văn thì “biết Thiên Chúa”, một dấu đặc biệt của Giao Uớc mới dường như đồng nhất với biết Thiến Chúa trong Giê-rê-mi-a, (x 1 Ga 2,3.13.20.27; 3,9; 5,20).

Nhưng xét về từ ngữ, thư Gio-an có nhiều điểm giống Do thái giáo ở Pa-lét-tin, nhất là trào lưu tư tưởng trong các tác phẩm của cộng đoàn Cum-ran. Nhiều từ ngữ như “ làm sự thật”, “thần chân lý” (1 Ga 4,6), “điều ác” (1 Ga 3,4) cũng như sự tương phản rõ rệt giữa Thiên Chúa và thế gian (1 Ga 4,4-6), ánh sáng và bóng tối (1 Ga 1, 6-7; 2,9-11), sự thật và giả dối (1 Ga 2,21.27) đều có trong lề luật Cum-ran.

Nhị nguyên thuyết của thánh Gio-an không mang mầu sắc vô hình và vũ trụ như trong thuyết Ngộ đạo, nhưng có tính luân lý và cánh chung, bởi vì nó nằm trong tâm hồn của con người, tuy yếu đuối và tội lỗi, nhưng có khả năng hoán cải vả kết hợp với Thiên Chúa, Vì các thư này nhấn mạnh nhiều đến sự hiểu biết nên cũng thuộc phong trào khải huyền Do thái và sự khôn ngoan, là phong trào đặc biệt quan tâm đến việc mặc khải các huyền nhiệm. Nhưng các công thức phát xuất từ Do thái giáo bao giờ cũng được tác giả giải thích lại theo hướng Ki-tô giáo.

Các nghiên cứu mới đây đã đưa ra ánh sáng một ảnh hường khác có tính quyết định: đó là truyền thống Ki-tô giáo sơ khởi, nhất là ảnh hưởng của khoa huấn giảo và nền thần học về phép Rửa. Gio-an nhắc nhở các độc giả nhớ lại nhiểu điều đã nghe (1Ga 1,1.3.5; 2,7.18.24; 3,11; 4.3; 2 Ga 1,6). Thường thường tác giả còn nhắc cho nhớ rõ những điều đã nghe từ thuở ban đầu, nghĩa là giáo huấn khai tâm Ki-tô giáo (1 Ga 1,1; 2,7.13.14.24; 3,11; 2 Ga,5-6). Thánh Gio-an mong cho các tín hữu thú nhận tội lỗi ( 1Ga 1,9) và mời gọi họ tuyên xung đức tin của mình vào Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa đã nhập thể (1Ga 2,2-3; 4,2.15; 2 Ga 1,7): đó cũng là những chủ đề liên quan đến phép Rửa. Tuy nhiên, tất cả những chủ đề đó dù mang mầu sắc Do thái hay Ki-tô giáo, đều được tác giả lấy lại và hiện tại hóa, để mô tả hoàn cảnh hiện thời của các tín hữu đang phải đương đầu với thế gian.

4. Thư thứ nhất

Khó mà xác định được thể văn của thư này. Vì thư thiếu lời mở đầu và câu kết, lại không nói đến tên ai cả nên thật khó coi đó là một thư thường, cũng như không thể coi đó là thư gủi cho một cộng đoản địa phương. Tuy vậy, tác giả vẫn gọi các độc giả là những người con thơ bé ( x 2 Ga 2,1.12.18.28 v.v…) và nhiều lần lại thường hay nhắc nhở họ về đức tin và khuyên họ trung thành với đức tin đó. Như vậy là tác giả có quyền hành về mặt tôn giáo đối với họ. Hình như thư này được gửi cho một số các giáo đoàn đang bị cùng một khuynh hướng lạc đạo de doạ. Có lẽ đó là các gíáo đoàn thuộc tỉnh Tiểu Á theo truyền thống xưa. Bản văn thánh Gio-an gửi cho họ là một loại thư mục vụ nhằm nâng đỡ và soi sáng họ trong cuộc phấn đấu để bảo vệ đức tin.

Về kết cấu của thư, có nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề khá rắc rối bởi lẽ trong thư có rất ít từ chuyển tiếp. Nhưng có một nhận xét giúp ta nhận thấy trong đó một dàn bài: đó là việc tác giả lặp đi lặp lại một số chủ đề và luôn lặp lại theo cùng một thứ tự. Tư tưởng được quảng diễn theo lối vận hành trôn ốc, xoay quanh một chủ đề chính yếu là sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa. Chủ đề này được loan báo rõ rệt trong lời tựa (1 Ga 1,3) và được diễn tả bằng những lời lẽ tương đương trong câu kết luận (1 Ga 5,13). Tác giả muốn truyền đạt cho các tín hữu một xác tín: đó là họ có được sự sống vĩnh cửu. Đối lại với những người lạc đạo, tác giả cho các tín hữu thấy đâu là những điều kiện để được sự sống đời đời và đâu là những tiêu chuẩn để nhận ra sự sống ấy. Tất cả thư không làm gì khác hơn là mô tả các tiêu chuẩn đó và các yếu tố làm nên đời sống Ki-tô hữu đích thật, trong một loạt các bản văn đối chiếu song hành.

4,1 Lời tựa (1 Ga 1-4) cho thấy chủ đề chính:

Trình bày các tiêu chuẩn kết hợp chúng ta với Thiên Chúa. Ở đây mối hiệp thông được coi như là tham dự vào ánh sáng của Thiên Chúa. Các tiêu chuẩn này là:

Đi trong ánh sáng, sau khi được giải thoát khỏi tội lỗi (1Ga 5,1-2,2)

Tuân giữ luật yêu thương ( 1Ga 2,3-11)

Giữ vững đức tin trước thế gian và các tên Phản Ki-tô (1 Ga 2,12-28)

4,2 Trình bày lần thứ hai các tiêu chuẩn kết hợp với Thiên Chúa

Lần này mối liên hệ với Thiên Chúa được mô tả như liên lạc giữa cha con. Các tiêu chuẩn giúp nhận ra địa vị làm con Thiên Chúa là: thực hành đức công chính, không phạm tội ( 1 Ga 2,29-3,10). Thực hành bác ái theo gương Con Thiên Chúa (1 Ga 3,1-24). Phân biệt các thần khí nhờ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô.

4,3 Trình bày lần thứ ba về các tiêu chuẩn và điều kiện kết hợp với Thiên Chúa. Tiêu chuẩn tiêu cực là từ bỏ tội lỗi. Tiêu chuẩn tích cực là tin cậy mến. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa và bén rễ trong đức tin ( 1 Ga 4,7-21). Tin vào Con Thiên Chúa là gốc rễ của đức ái ( 1 Ga 5,1-12)

Một số nhà chú giải cho rằng nếu phân tích kỹ, ta có thể nhận thấy trong thư nhiều đợt biên soạn khác nhau. Có người còn phân biệt một bên là bản văn nguyên thủy bắt nguồn từ thuyết Ngộ đạo hay từ môn phái Cum-ran, một bên là các lời khuyến thiện do tác giả thêm vào. Nhưng có thể trả lời rằng: sự kiện có nhiều lối văn khác nhau không minh chứng bản văn có nhiều nguồn khác nhau. Có thể giải thích rằng đoạn văn này có tính tín lý hơn đoạn văn kia là do ảnh hưởng của khoa huấn giáo. Chính kết cấu đều đặn của thư là một dấu khiến ta nghĩ rằng thư này có tính duy nhất về mặt văn chương.

5. Hai thư nhỏ

Khác với 1 Ga, hai thư nhò này đều mang đặc tính của những bức thư đích thật.

Bức thư thứ hai gửi cho “bà chúa đã được tuyển lựa và các con cái bà.” Đây là tước hiệu vị niên trưởng đặt cho một trong các giáo đoàn Tiểu Á thuộc quyền ông, tuy không biết là giáo đoàn nào. Đức tin của các tín hữu trong giáo đoàn này đang gặp nguy hiểm, do sự hiện diện của đám người lừa gạt chối bỏ mầu nhiệm nhập thể, và không sống trung thành với đạo lý của Đức Ki-tô. Gio-an muốn chuẩn bị cho họ đương đầu với hạng người như thế. Họ là những người được biết sự thật nên phải đi trong sự thật, thương yêu nhau bằng cách sống trong ánh sáng của lệnh truyền phát xuất từ Chúa Cha, và được lưu truyền trong Hội thánh ngay từ buổi đầu. Đó là những chủ đề đã được quảng diễn trong thư thứ nhất.

Thư thứ ba có những điểm tương đồng lạ lùng với thư thú hai xét về văn thể ( 2 Ga 1.4.12.13 = 3 Ga 1,3.13-15). Thư này gửi cho một người tên là Gai-ô mà vị niên trưởng khen là vẫn đi trong sự thật. Sở dĩ giọng văn trong thư hơi có vẻ bút chiến là vì một cơn khủng hoảng đã xẩy ra giữa các tín hữu. Trước đó, vị niên trưởng đã viết một thư cho cộng đoàn. Nhưng Đi-ô-trê-phê, thủ lãnh cộng đoàn này lại không nhìn nhận quyền hành của ông, nên lần này ông thấy phải viết cho Gai-ô, một trong các Ki-tô hữu chủ chốt vẫn còn trung thành. Vị niên trưởng cư ngụ ở một giáo đoàn nhưng điều khiển một nhóm giảng viên lưu động có nhiệm vụ làm cho lương dân biết danh Chúa Giê-su Ki-tô. Đời sống của họ được các tín hữu khắp nơi công nhận. Họ là những người hợp tác trong công việc rao giảng lời Chúa. Nhưng Đi-ô-trê-phê không muốn tiếp đón họ, lại còn trục xuất ho ra khỏi giáo đoàn những ai giúp đỡ họ. Mục đích thư này là khuyên ông Gai-ô cứ tiếp tục giúp đỡ họ.

Xét bên ngoài, thư này có tính mục vụ và không hàm chứa một ám chỉ nào về các thuyết sai lạc mà hai thư trước đã đề cập tới. Thái độ của Đi-ô-trê-phê khiến cho vị niên trưởng nghĩ rằng ông ta có liên hệ với phái lạc đạo.

Trong ba thư, không biết thư nào viết trước, vì không có những bằng cớ chắc chắn để xác quyết. Theo một số tác giả thì có thể thư 1 viết sau cùng. Ý kiến này có phần nào xác đáng vì vào lúc có thư này thì một nhóm đã tách khỏi cộng đồng rồi ( 1 Ga 2,19) và như thế là tà thuyết đã phát triển và được củng cố. Vậy sau khi đã nói với một cộng đồng địa phương trong thư 2 và 3 Ga, bây giờ tác giả thấy có nhiệm vụ lấy lại các chủ đề đã bàn tới để trình bày trong một tập thể, gửi cho các giáo đoàn Tiểu Á.

6. Thần học trong thư 1

Ở đây không nhằm đưa ra một phân tích đầy đủ về thần học trong thư này mà chỉ nhằm trình bày giáo huấn cơ bản. Dụng ý của tác giả được diễn tà rõ rệt trong câu két: “Các điều đó tôi đã viết cho anh em để anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, anh em biết rằng mình có sự sống đời đời.” ( 1 Ga 5,13). Trước nỗi xao xuyến do học thuyết lạc giáo gây nên, Gio-an muốn các tín hữu chắc rằng chính họ chiếm được đời sống thần linh chứ không phải các ngôn sứ giả. Trong các câu sau cùng, sự chắc chắn ấy vang lên như tiếng kêu chiến thắng của đức tin đối với thế gian: “Chúng ta biết rằng phàm ai sinh làm con Thiên Chúa thì không phạm tội, nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn. Ác thần không đụng đến người ấy được. Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn thế gian đều nằm dưới sự thống trị của Ác thần. Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và ban cho chúng ta trí khôn ngoan để biết Thiên Chúa thật. Chúng ta sống kết hợp với Thiên Chúa thật, với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô. Đức Ki-tô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa các tà thần.” (1 Ga 18-20).

Chống lại thuyết Ngộ đạo tự phụ cho mình là biết, Ki-tô hữu phải cố phát triển và củng cố nơi mình sự “ngộ đạo” đích thật, tức là niềm tin chắc chắn rằng “Ki-tô hữu trọn lành không còn ngồi trong bóng tối mà là trong ánh sáng; người ấy đã được giác ngộ.” (Jean Mouroux)

Chủ đề lớn trong thư này là mối hiệp thông giữa tín hữu với Thiên Chúa. Đó lả hiệp thông với Thiên Chúa và Con cua Người là Đức Giê-su Ki-tô (1 Ga 1,3). Nhưng giữa các tín hữu với nhau, mối hiệp thông này được biểu lộ như là mối hiệp thông huynh đệ (1 Ga 3,6). Chữ hiệp thông này không gặp ở đâu khác trong Gio-an, nhưng nội dung của từ đó lại được mô tả trong suốt cả thư qua nhiều công thức khác nhau, làm cho người ta thấy được sự phong phú của đời sống thần linh: tín hữu ở trong Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con vá Chúa Thánh Thần và Thiên Chúa ở trong người ấy. Người ấy sinh ra bởi Thiên Chúa (1 Ga 2,29; 3,9; 4,7; 5,1.4), là con cái Thiên Chúa ( 1 Ga 3,2.10), có Chúa Cha và Chúa Con (1 Ga 2,23; 5,12.13), có sự sống ( 1 Ga 5,12), Thêm vào đó, phải kể câu nói “biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,14). Gio-an tha thiết nhấn mạnh rằng mối hiệp thông thần linh này chỉ đạt được nhờ và qua trung gian của Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, bởi chính Người là Đấng chân thật, là Thiên Chúa và là sự sống vĩnh cửu (1 Ga 5,20).

Vì hiểu biết Thiên Chúa (1 Ga 4,6-7) nên các Ki-tô hữu đích thật luôn khám phá Thiên Chúa hơn nữa. Gio-an cho thấy mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ hiện dưới ba dạng: ánh sáng, công chính và tình yêu.

Ngay từ đầu thư, Gio-an đã tuyên bố cho tín hữu biết một sự kiện lớn lao: Thiên Chúa là ánh sáng. Ở đây cũng như trong Do thái giáo, ánh sáng có nghĩa lả mặc khải. Gio-an lấy lại chủ đề của lời tựa: sự sống vĩnh cửu đã được mặc khải cho ta qua Đức Giê-su Ki-tô. Đó là sự sống của Chúa Cha và của Ngôi Lời là Con hướng về Chúa Cha (1 Ga 1,22). Từ khi Đức Giê-su ra đời, ánh sáng đích thật của mặc khải này đã chiếu soi loài người (Ga 2, 18) Từ nay đối với loài người, ánh sáng này là sứ điệp của tình yêu Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là lời mời gọi loài người sống trong tình yêu và sống hiệp thông với nhau (1 Ga,1,7)

Một phẩm tính khác của Thiên Chúa đã được nhắc lại hai lần: đó là “Thiên Chúa là Đấng Công Chính”(1 Ga 1,9; 2,29). Tước hiệu này cũng được áp dụng hai lần cho Đức Ki-tô (1 Ga 2,1; 3,7) bởi vì chính trong công trình của Người mà sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải cho thế gian. Trong mỗi đoạn văn trên, phẩm tính của Thiên Chúa được nhắc kèm với khái niệm về tội lỗi. Vì sự công chính của Đức Ki-tô mà Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi để bày tỏ tình yêu của Người cho chúng ta (x 1 Ga 2,1-2.4-10). Nhờ được mặc khải về sự công chính của Thiên Chúa mà tín hữu cảm thấy chính mình được thúc đẩy thực hiện sự công chính (1 Ga 2,29; 3,7) và trở nên thanh sạch như Đức Ki-tô là Đấng thanh sạch (1 Ga 3,3).

Định nghĩa thứ ba của Gio-an về Thiên Chúa nổi tiếng hơn cả. Định nghĩa nay nằm ở trung tâm mặc khải về Tân Ước: Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8-10). Đối với Gio-an, tình yêu vừa là hiến thân vừa là hiệp thông. Trong Thiên Chúa, tình yêu nối kết Chúa Cha với Chúa Con. Nhưng tình yêu thấn linh này đã tỏ hiện và thông đat ra, vì mọi tình yêu đều phát sinh từ Thiên Chúa (1 Ga 4,7). Gio-an coi toàn thể công trình cứu độ đã được Chúa Con hoàn thành là một mặc khải vĩ đại về tình yêu của Chúa Cha (1 Gả,16; 4,9-10.16). Chúng ta, những người nhận biết sứ điệp này trong đức tin, với tư cách là Ki-tô hữu đều được kêu gọi đề cho tình yêu của Người ngự trong chúng ta (1 Ga 2,5; 4,12.17-18) bằng cách yêu thương anh em mình (1 Ga 4,20). Nhưng phải yêu họ vì bản chất của họ, vì họ là con cái của Thiên Chúa (1 Ga 5,21). Do mặc khải này, tất cả cuộc sống của tín hữu trờ thành một cuộc sống trong chân lý và tình yêu (2 Ga 1,3). Đời sống đức tin và tình yêu này là điều kiện trực tiếp để biết Thiên Chúa,

Tuy nhiên, Gio-an cũng không quên rằng các bậc thầy giả dối cũng tự phụ là ho biết Thiên Chúa. Chính vì thế, Gio-an đã có nhiều lời cảnh cáo để nêu rõ đời sống Ki-tô hữu đích thật. Có thể phân chia các tiêu chuẩn này thành hai loại. Trước tiên là các tiêu chuẩn thuộc phạm vi luân lý: đó là xa lánh tội lỗi (1 Ga 3,6), không yêu chuộng thế gian (1 Ga 3,15), đi trong ánh sáng (1 Ga 1,7), thực thi đức công chính (2 Ga 2,29; 3,10), luôn tuân giữ các lệnh truyền ( 2 Ga 3-5; 3,24; 5,2), nhất là lệnh truyền về tình bác ái huynh đệ (2 Ga 2,9-11; 3,10.18-20; 4,13.20; 5,1).

Các tiêu chuẩn tín lý là lưu lại trong huấn giới nghe được lúc ban đầu (1 Ga 2,24); nghe những ai trong Hội thánh giảng dạy chân lý (1 Ga 4,60; tin tưởng và tuyên xưng rằng Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa (1 Ga 2.3; 4,2; 5,1.10). Còn về ơn Chúa Thánh Thần ban ( 1 Ga 3,24; 4,13) thì nói cho đúng, đó không phải là một tiêu chuẩn mà chính là động lực thúc đẩy niềm tin va tình bác ái huynh đệ.

Nhưng đâu là hiệu quả của mối hiệp thông đích thật với Thiên Chúa và anh em mình ? Tác động của lời Chúa và cường độ của đức tin làm cho tín hữu chiến thắng tội lỗi và thế gian (1 Ga 2,13-14). Ai sống cách đầy đủ đời sống đức tin của con cái Thiên Chúa thì có thể nói người đó không cón phạm tội được nữa ( 1 Ga 3,6-9; 5,18). Việc họ tuân phục trọn vẹn thiên ý xóa bỏ nơi họ mọi sợ sệt (1 Ga 4,18) và làm cho họ được dạn dĩ hoàn toàn trước vị Thẩm phán tối cao (1 Ga 2,28; 3,21; 4,17) cũng như cho họ tin chắc rằng lời cầu nghuyện của họ sẽ được chấp thuận (1 Ga 3,21-22; 5,14-15). Chính vì thế,đối với tín hữu, mối hiệp thông này là nguồn mạch bình an (2 Ga 1,3) và làm phát sinh nơi họ niềm vui Ki-tô giáo (1 Ga 1,3).

7. Kết luận

Các thư của thánh Gio-an trình bày một tổng hợp về đời sống Ki-tô hữu đích thật. Là cuộc hiệp thông với Thiên Chúa, đời sống Ki-tô hữu thực hiện một cách hoàn hảo Giao Ước mới giữa Thiên Chúa với loài người, Giao Ứớc đã được các ngôn sứ loan báo cho thời cứu độ. Giao Ước mới này có được là do mặc khải Đức Giê-su mang lại, mặc khải tình yêu của Chúa Cha, nhưng cũng do sức nội tâm hóa của Chúa Thánh Thần. Và như vậy, đức tin và tình yêu trở thành lề luật mới cho các môn đệ của Đức Ki-tô. Mặc khải đó mang lại hiệu quả. Thánh Gio-an nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một truyền thống không ngừng qui chiếu về nguồn gốc. Ngài cũng lưu ý đặc biệt về sự phân biệt các thứ tinh thần và đức tin của các tín hữu: đó là những điểm học thuyết sau này sẽ được lấy lại và quảng diễn sâu rộng trong các khoa thần học, tu đức và thấn bí học của Ki-tô giáo.

Các thư này chẳng những chứa đựng một giáo lý về mối hiệp thông vói Thiên Chúa, một nền luân lý và một nền thần học huyền nhiệm mà còn giới thiệu một khoa học cánh chung. Thật vậy, chúng ta không thể không ngạc nhiên vì thấy tác giả chú trọng tới viễn tượng thời cánh chung như thế. Ngài nói: “Đây là thời cuối cùng”. Ki-tô hữu chúng ta thường sống trong một hoàn cảnh đối nghịch với thế gian, nhưng chúng ta biết rõ thế gian này đang qua đi. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi xây dựng tất cả niềm hy vọng của chúng ta nơi Chúa Giê-su. Khi Người xuất hiện thì Người thế nào, chúng ta sẽ được nhìn thấy như thế.

Tính hiện tại của sứ điệp này đối với thời chúng ta cũng như hết mọi thời thật rõ như ban ngày. Ngày nay cũng như trong các thời đại khác, đức tin dang gặp khủng hoảng. Nhiều tín hữu không biết đâu là chân lý đức tin. Họ đang tìm các tiêu chuẩn để nhận ra. Họ đã có sự hiểu biết về Thiên Chúa thì Gio-an chỉ xin họ giữ vững giáo huấn của Chúa Giê-su Ki-tô và lấy đời sống bác ái mà làm chứng về niềm tin vào Con Thiên Chúa của mình.

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 trang 2965-69; 2983-86; 2993-3000)

Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

Đọc nhiều nhất Bản in 20.01.2010. 00:22