Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức Maria: Mẹ Các Linh Mục

§ Lm Giuse Nguyễn Hữu An

• Xem Tập hình Lễ phong chức Linh mục cho 6 Thầy Phó Tế

Đức Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết chọn ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cử hành thánh lễ phong chức Linh mục cho 6 Thầy Phó Tế.

  1. Thầy Gioankim Nguyễn Kim Hà, sinh năm 1956, học khoá bổ túc thần học ĐCV Sao Biển Nha Trang.
  2. Thầy Phêrô Đặng Hữu Châu, sinh năm 1967, học khoá VII ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn.
  3. Thầy Giacôbê Nguyễn Minh Luận, sinh năm 1972, học khoá VII ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn.
  4. Thầy GB Nguyễn Đình Khôi, sinh năm 1971, học khoá VII ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn.
  5. Thầy Giuse Nguyễn Thành Long, sinh năm 1972, học khoá VII ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn.
  6. Thầy Antôn Nguyễn Bá Thiện, sinh năm 1972, học khoá VII ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn.
00.jpg


Cùng đồng tế thánh lễ có Đức Ông JB Lê Xuân Hoa - Tổng Đại Diện, Cha Esnert Nguyễn Văn Hưởng-Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài gòn, Cha JB Hoàng Văn Khanh, Giám Đốc Chủng Viện Nicolas Phan Thiết, các cha giáo sư Đại Chủng Viện Sài gòn, Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang và khoảng 170 cha trong và ngoài giáo phận. Đông đảo Chủng sinh, Tu sĩ nam nữ, thân nhân các tân chức cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện xin Chúa thánh hoá, xin Mẹ Maria phù trợ các tân linh mục.

Giáo Phận Phan Thiết có trung tâm hành hương Đức Mẹ Tàpao. Biết bao ân huệ Đức Mẹ đã ban cho Giáo phận. Vì thế, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan muốn dâng các tân linh mục cho Đức Mẹ, muốn các linh mục sống đơn sơ khiêm nhường, tự xoá mình theo gương Đức Mẹ.

Đức Mẹ là hoa quả đầu mùa của ơn cứu độ. Đức Mẹ là mẫu gương sống đời tận hiến. Với lòng yêu mến Đức Mẹ, xin chia sẽ với các tân linh mục một vài tâm tình.

1. Đức Mẹ “Nhậm chức” và sống đời đơn sơ khiêm nhường.

Trong ngày Truyền Tin, Chúa đã tuyển chọn Mẹ Maria làm Mẹ Thiên Chúa.

Đức Cha Bùi Tuần xem đây là một “Lễ Truyền Chức”. Thiên Chúa sai Tổng lãnh thiên thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria là Chúa chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Đây là một biến cố kỳ diệu cao cả. Có thể coi đây là một “lễ truyền chức”.

Nếu gọi đó là một lễ truyền chức, thì lễ truyền chức này cao trọng hơn mọi lễ truyền chức khác. Thế mà, “Lễ Truyền Chức“ này đã được thực hiện một cách hết sức âm thầm. Vẻ đẹp của nó được nhận ra ở thái độ Đức Mẹ tỏ ra bối rối ngỡ ngàng sợ hãi. Mẹ nhận mình chỉ là tôi tớ Chúa (x Lc 1, 38). Chức cao quyền quyền trọng Chúa trao là ơn hoàn toàn nhưng không. Mẹ chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Tâm hồn Mẹ đơn sơ khiêm tốn như một đoá hoa quý ẩn mình trong một đời thường bình dị.

Mẹ đón nhận lời truyền tin với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn. Rồi Mẹ trả lời Tổng lãnh thiên thần cũng với tâm hồn khiêm tốn đơn sơ trong sáng : “Xin vâng”. “ Xin vâng” là một lời khấn hứa. Mẹ “xin vâng” với tất cả tâm tình phó thác, hoàn toàn sẵn sàng để Chúa dùng mình vào bất cứ chương trình nào.

Thế là “Lễ Truyền Chức’ và khấn hứa đã xong. Rất đơn sơ, rất khiêm nhường. Nhưng lại rất đẹp lòng Chúa. Từ đây một kỷ nguyên mới đã mở ra.

Sau khi đón nhận hồng ân làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ đã đi thăm viếng bà Isave. Mẹ lên đường một mình cách đơn sơ khiêm tốn.

Vừa thấy Đức Mẹ, bà Isave được ơn Chúa soi sáng, đã cất tiếng chào Đức Mẹ và khen ngợi Đức Mẹ vì ơn đặc biệt Chúa đã ban cho Đức Mẹ. Đức Mẹ rất xúc động. Đức Mẹ đã tạ ơn Chúa bằng những lời tán tụng rất đơn sơ khiêm nhường.

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
Thần trí tôi hớn hở vui mừng,
Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới…” ( Lc 1, 46-48)

Đức Mẹ nhìn nhận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn, được Chúa đoái thương nhìn đến.

Với thân phận nữ tỳ hèn mọn, Đức Mẹ chỉ biết vâng phục, chỉ biết làm những gì Chúa sai bảo, chỉ biết sẵn sàng thực hành bất cứ sự gì là thánh ý Chúa. Với thái độ trút bỏ tuyệt đối cái tôi hẹp hòi của mình, Đức Mẹ tạ ơn Chúa vì được Chúa đoái thương nhìn đến, để thuộc về Chúa một cách trọn vẹn. Nếu gọi biến cố Đức Mẹ đi viếng bà Isave là một dịp Đức Mẹ ta ơn Chúa, thì lễ tạ ơn này đã rất đơn sơ, đã rất khiêm nhường.

Sau việc tạ ơn này, Đức Mẹ lại tiếp tục sống ơn gọi một cách đơn sơ khiêm nhường với một cuộc sống ẩn dật giữa các phong trào đời đạo đầy ồn ảo và phức tạp.

Khi Đức Mẹ dâng Chúa Hài Đồng trong đền thờ, tiên tri Simêon đã nói : “ Thiên Chúa đã đặt hài nhi này làm duyên cớ cho nhiều ngườiIsrael phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Hài nhi này còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gương sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2, 34-35). Những lời tiên tri trên đây đã ứng nghiệm, Chúa Giêsu, con Mẹ đã chịu bao đau khổ xác hồn. Đau khổ của con cũng là khổ đau của mẹ. Ba mươi năm hoà mình vào đời sống nghèo ở Nagiarét. Ba năm công khai giảng dạy bị công kích bởi chính nội bộ. Sau cùng là con đường vác thập giá lên núi Sọ và bị đóng đinh vào nhục hình cho đến tắt thở.

Nếu đời Chúa Giêsu là một đời thánh giá, thì Đức Mẹ đã chia sẻ cuộc đời ấy một cách rất đơn sơ khiêm nhường. Đức Mẹ ý thức thánh giá là một chọn lựa mà Chúa muốn. Chúa chọn để chứng tỏ tình yêu vô biên của Người muốn đi tới cùng để cứu nhân loại. Vì thế, Đức Mẹ coi lựa chọn đó của Chúa cũng là chọn lựa của Mẹ. Đã chọn lựa, thì không kêu ca, trách móc, phản kháng. Đã chọn lựa thánh giá để cùng với Chúa cứu đời, thì coi thánh giá là một ân huệ. Đơn sơ khiêm nhường là như thế.

2. Những nét đẹp của Đức Mẹ.

Đức Cha Ngô Quang Kiệt đã suy niệm cuộc đời Đức Mẹ với 3 nét đẹp: Đơn sơ, Khiêm nhường và Từ bỏ.

Ba nét đẹp của Đức Mẹ phần nào diễn tả nét đẹp của Chúa Giêsu.

Lời "Xin vâng" Đức Maria thốt lên nơi làng quê Nazareth vang vọng lời xin vâng của Ngôi Hai nhập thể làm người.

Sự khiêm nhường của Đức Maria diễn tả sự khiêm nhường của Thiên Chúa xuống thế làm người.

Sự từ bỏ của Đức Maria phần nào phản ánh sự từ bỏ của Đức Giêsu Kitô "vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân" (Phil 2, 6-7).

3. Đức Maria – mẹ của các linh mục

Đề cập đến nghĩa vụ và quyền lợi của hàng giáo sĩ, Giáo luật điều thứ 276 triệt 2, nố 5 có dạy: giáo sĩ phải sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Mẹ Maria là Mẹ của nhân loại, Mẹ của Giáo Hội và là Mẹ của mỗi người. Đặc biệt từ khi Chúa trối Thánh Gioan cho Đức Mẹ, Mẹ đã trở nên, theo một ý nghĩa đặc thù, là Mẹ của hàng giáo sĩ, Mẹ của các linh mục.

Những người con hiếu thảo thường ra sức bắt chước mẹ mình trong mọi việc, nhất là luôn nghe lời mẹ chỉ dạy.

Mẹ Maria luôn sống đơn sơ, khiêm nhường, từ bỏ, thích ở nhà, ưa tĩnh tâm, ưa sống đời sống nội tâm, chuyên chăm cầu nguyện. Cuộc đời Mẹ luôn gắn bó với Chúa và luôn cầu nguyện, luôn tham khảo ý kiến Chúa Giêsu. Những linh mục chân chính không ham quyền chức, địa vị, không tìm kiếm vinh quang bên ngoài, mà chỉ thích sống đời đơn sơ khiêm nhường như chính Mẹ Maria, như chính Chúa Giêsu lúc còn ở Nazareth, phục tùng Mẹ Maria và thánh cả Giuse.

Đức Cha Bùi Tuần nhận định: Ngày nay, các bẫy Satan thích đưa ra, để bắt các linh mục làm tôi nó chính là tiền của, danh vọng, địa vị, hưởng thụ, nhất là tự mãn, an phận, an nhàn. Hiện nay, tình hình không còn là bắt bớ, nhưng là vuốt ve. Muốn hưởng thụ, thì người ta giúp cho hưởng thụ. Chính vì thế, mà sự phấn đấu sẽ ở trong nội tâm. Phấn đấu với chính mình là việc rất khó đối với những ai thích đi trên con đường thênh thang. Linh mục Việt Nam hôm nay đang trong cơn lốc tự do có phần không lành mạnh. Cơn lốc tự do này sẽ cuốn linh mục xa dần thánh giá. Nhiều nơi, thánh giá chỉ còn là biểu tượng, chứ không còn là bàn thờ để môn đệ Chúa hiến tế chính mình. Nếu chẳng may đúng là như vậy, thì đời linh mục có thể sẽ huy hoàng bên ngoài, nhưng lại hết sức thê thảm bên trong trước mặt Chúa. Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá là một lễ tế. Đã gọi là lễ tế thì phải có đớn đau, từ bỏ, hy sinh cộng với rất nhiều tình yêu. Nói một cách cụ thể, lễ tế đời linh mục là cố gắng phục vụ tối đa trong tinh thần khiêm tốn xin vâng của Đức Mẹ và tinh thần yêu thương đền thay của Chúa Giêsu Thánh Thể.

4. Lời khuyên của Đức Thánh Cha Bênêđictô:

Thầy Marco Ceccarelli, Phó tế, thuộc giáo phận Roma, chuẩn bị chịu chức Linh mục vào ngày 29-4-2007 đã hỏi: Kính thưa Đức Thánh Cha, trong những tháng tới đây, các bạn con và con sẽ chịu chức Linh mục. Chúng con sẽ đi từ đời sống rất ngăn nắp theo qui luật của chủng viện, tới tình trạng được tổ chức rất khác biệt trong các giáo xứ của chúng con. Đâu là lời khuyên Đức Thánh Cha có thể cho chúng con để sống tốt đẹp giai đoạn khởi đầu trong sứ vụ linh mục của chúng con?

Tôi không dám đưa ra nhiều lời khuyên, vì cuộc sống tại thành phố lớn như Roma này khác với cuộc sống mà tôi đã trải qua cách đây 50 năm tại miền Bavière. Nhưng tôi nghĩ rằng điều thiết yếu là: Thánh lễ, các giờ kinh Phụng vụ, cầu nguyện và nói chuyện hằng ngày với Chúa, dù là ngắn ngủi, về những lời mà tôi phải rao giảng, yêu mến Đức Maria. Và đàng khác, không bao giờ đánh mất tình bạn với các linh mục, nghe lời Giáo Hội sinh động, và dĩ nhiên phải sẵn sàng đối với những người được ủy thác cho mình, vì chính những người ấy, với những đau khổ, kinh nghiệm đức tin, những nghi ngờ và khó khăn của họ, cả chúng ta cũng có thể học hỏi, tìm kiếm và tìm thấy Thiên Chúa, tìm thấy Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con là các linh mục, học được nơi Mẹ tinh thần đơn sơ, khiêm nhường, tự xóa mình để có thể yêu Chúa và thương tha nhân một cách vị tha hơn. Xin cho chúng con nhận ra tinh thần đơn sơ, khiêm nhường và tự xóa mình là nền tảng để có thể yêu thương đích thực và cũng là nền tảng cho mọi nhân đức. Xin cho các linh mục sống được tinh thần ấy để các linh mục cũng xứng đáng được Chúa ân thưởng hạnh phúc vĩnh cửu như Mẹ. Amen.

Giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm 15.8.2007

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.08.2007. 15:29