Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh Thể Và Truyền Giáo

§ Lm Phêrô Nguyễn Hữu Duy

Giáo Hội Việt Nam đang sống trong Năm Thánh Truyền Giáo. Nối kết hai sự kiện thế giới quan trong là Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Guadalajara-Mexico sẽ tổ chức từ 10-17/10/2004 và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 11 vào tháng 10 năm 2005, Đức Thánh Cha đã công bố từ tháng 10 năm 2004 đến tháng 10 năm 2005 là NĂM THÁNH THỂ. Trên nền tảng Thánh Kinh từ Cv 2,42-47; 5, 12-14, kể lại những nhà truyền giáo đầu tiên sau Chuá Giêsu, chúng ta cùng suy niệm mối tương quan giữa Thánh Thể và Truyền Giáo.

Bối cảnh chúng ta giống với các Kitô hữu đầu tiên là nhóm nhỏ trong một thế giới, một xã hội rộng lớn, mới bắt đầu truyền giáo: “Vào cuối thiên niên kỷ thứ hai sau khi Người đến, cái nhìn tổng quát về nhân loại cho chúng ta thấy sứ vụ truyền giáo vẫn ở giai đoạn khởi đầu” (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, số 1). Có thể nói Việt Nam chúng ta cũng vẫn chỉ ở khởi đầu. Trong bản tường trình mới đây của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Chủ Tịch HĐGMVN trước Liên HĐGM Á Châu thì số giáo dân Việt Nam là 5,6 triệu trên tổng số 80,9 triệu dân. Với một tỉ lệ chưa được 7% Công Giáo, chúng ta vẫn là thiểu số như các Kitô hưũ đầu tiên trong Công Vụ Tông Đồ.

Trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, ĐTC viết: “Cũng như ngàn năm thứ nhất thánh giá được cắm trên đất châu Au, rồi ngàn năm thứ hai được cắm trên đất Mỹ Châu và Phi Châu, thì chúng ta có thể cầu xin cho ngàn năm thứ ba Kitô giáo, một mùa gặt đức tin sẽ được bội thu trong lục địa rộng lớn và quan trọng này”. (số 1)

Thánh giá đã cắm trên quê hương Việt Nam chúng ta tròn 470 năm. Nhưng chúng ta vẫn phải cầu xin và tiếp tục làm cho Thánh giá được cắm rộng khắp trên Á Châu, mà cụ thể là mảnh đất hình chữ S trong vùng Đông Nam Á này.

So với các tín hữu đầu tiên trong Công Vụ Tông đồ, tất cả đều có cùng những điểm chung là cùng một bản chất- người tín hữu phải truyền giáo, cùng nhận một lệnh truyền của Thầy Chí Thánh: HÃY LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ THẦY. (Mt 28,19)

Chúng ta phải trở về nguồn, suy niệm xem các Tông Đồ và các tín hữu sơ khải đã truyền giáo thế nào mà Giáo Hội vững mạnh đến ngày nay. Và lời Chúa chúng ta vừa nghe trong Công Vụ. cho thấy sự liên kết giữa THÁNH THỂ VÀ TRUYỀN GIÁO.

Đây là cách thế truyền giáo của các Tông đồ, và các tín hữu đầu tiên. Đương nhiên cách thế này rất hữu hiệu nên Giáo Hội mới lớn mạnh như ngày hôm nay. Việc ra đi rao giảng của các Tông Đồ gắn liền ngay với việc họp nhau cầu nguyện, tham dự nghi lễ bẻ bánh, đó là Thánh Thể. “Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm nhiều người được cứu độ” (Cv2, 47).

Vậy, phương thế truyền giáo hữu hiệu, có nền tảng Kinh Thánh là đến nhà thờ dự lễ hoặc cầu nguyện trước Thánh Thể như tính hữu sơ khai. Và đây là 14 lý do cho thấy mối tương quan chặc chẽ giữa việc Chầu Thánh Thể và Truyền Giáo, những lý do ngày căn cứ vào thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, thông điệp Giáo Hội Sống nhờ Thánh Thể và thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thánh Thể là chính Chúa Giêsu, đấng cứu độ duy nhất, Emmanuel. Truyền giáo là đem Chúa Giêsu cho người khác. Không ai cho cái mình không có. Phải đến với Thánh Thể để có Chúa trước đã mới nói đến chuyện đem Chúa cho người khác.

Chúa Giêsu là nhà truyền giáo đầu tiên, tối cao và gương mẫu. Đến với Ngài để học, như muốn làm việc gì, phải đến với nhà chuyên môn của việc đó.

-“Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. (Ga 14, 6) Đưa người khác đến với Cha, phải qua Chúa Giêsu. Bản thân ta “qua” Chuá Giêsu Thánh Thể và dẫn người khác “qua” Ngài

-Lệnh truyền giáo là của Chúa Giêsu, đến để nghe lại, được chỉ bảo lại. Lâu lâu phải đến gặp Đấng đã chỉ thị, đã đưa bài sai, đưa quyết định cho mình, để được dặn dò thêm.

-“Truyền giáo là vấn đề của niềm tin, đó là thước đo niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô và vào tình yêu Người dành cho chúng ta”. (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế số 11). Cũng cố niềm tin và tình yêu, phải đến với Thánh Thể. Vì Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin và là Bí tích tình yêu.

-“Sứ vụ truyền giáo không chỉ phát xuất do lệnh truyền chính thức của Chúa Cứu Thế, mà còn do đòi hỏi sâu xa của đời sống Thiên Chúa nơi chúng ta”. (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế số 11). Đời sống Thiên Chúa là đời sống nội tâm, có Chúa, thuộc về Chúa, giống Chúa.. . muốn có như vậy, phải đến với Thánh Thể.

-“Lời loan báo không bao giờ là một hành động cá nhân, vì được thực hiện trong sự hiệp nhất với toàn thể cộng đoàn giáo hội.” (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế số 45) mà thông điệp Thán Thể viết:“Thánh Thể tạo nên sự hiệp thông, và cổ võ sự hiệp thông.” (số 40). Cùng ăn một Bánh, cùng uống một chén, để nên một, để hiệp nhất với nhau. Việc truyền giáo không phải là việc của sáng kiến cá nhân và thực hành cách riêng lẻ của “một cây làm chẳng nên non” mà là kết quả của sự hiệp nhất mọi thành phần trong giáo hội để “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

-“Thánh Thể xuất hiện như nguồn mạch và chóp đỉnh của mọi công cuộc phúc âm hoá, bởi vì mục tiêu của phúc âm hoá là hiệp nhất nhân loại với Đức Kitô và trong Người mà hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần” (Giáo Hội từ Thánh Thể số 21). Nhà truyền giáo phải là con người đã được hiệp nhất với Chuá Kitô trong một mức độ nào đó qua việc gắn bó với Thánh Thể. Khi đó, truyền giáo là: con người của sự hiệp nhất với Chúa Kitô, con người đã được hiệp nhất với Chuá Kitô, đến gặp và đưa người khác hiệp nhất với Chúa Kitô.

-“Con người ngày nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết.” (Phaolô VI. Evangelii nuntiadi. 41; Sứ Vụ Đấng Cứu Thế số 42). Chính Chúa Giêsu đã truyền giáo bằng đời sống, bằng các sự kiện vừa lịch sử, vừa siêu lịch sử mà Người đã thực hiện theo thánh ý Cha. Đến với Thánh Thể là đến với một Chứng Nhân tối cao và tuyệt hảo, để làm chứng nhân.

-“Thánh Thần, Đấng chủ động trong việc truyền giáo. Thánh Thần là nhân tố chính yếu trong toàn bộ sứ vụ truyền giáo của giáo hội: Người hành động một cách nỗi bậc trong sứ vụ đến với muôn dân, như chúng ta thấy trong giáo hội sơ khai, khi người làm chứng cho gia đình ông Cornêliô trở lại (x. Cv 10)” (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế số 21). Thánh Thể là chính Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng tràn đầy Thánh Thần, và đã thổi hơn ban Thánh Thần cho các tông đồ, để các ngài đi rao giảng. Đến với Thánh Thể là tiếp nhận Thần Khí của Đức Kitô và để Thần Khí truyền giáo trong ta.

-“Trong số các hình thức hoạt động truyền giáo thì việc thiêng liêng chiếm vị trí hàng đầu: cầu nguyện” (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế số 78) HĐGMVN đã dạy trong thư mục vụ 2003: “cầu nguyện cho việc truyền giáo là nhiệm vụ hàng đầu. Vì khi nhìn thấy đồng lúa chín bao la mà thiếu thợ gặt, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ hãy cầu nguyện”xin chủ ruộng sai thợ gặt đến…” (số 10) Đến với Thánh Thể là cầu nguyện cùng gương mẫu của cầu nguyện, gặp Đấng là tác nhân chính của đời sống thiêng liêng nơi người tín hữu.

-“Nhà truyền giáo đích thực là một vị thánh. Lời mời gọi truyền giáo tự bản chất bắt nguồn từ lời mời gọi nên thánh. Mỗi nhà truyền giáo chỉ đích thực là nhà truyền giáo khi dấn thân sống theo con đường thánh thiện: “Sự thánh thiện là nền tảng cốt thiết và là một điều kiện tuyệt đối không thể thay thế để chu toàn sứ vụ cứu độ của Giáo Hội” (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế số 90 ). Thánh, chí thánh, ngàn trùng chí thánh xưa Isaia thấy các thiên thần tung hô Giavê, thì có thể áp dụng cho Chúa Giêsu – Đấng thánh của Thiên Chúa, Đấng Toàn Thánh. Muốn nên thánh phải gặp Đấng Thánh nơi Thánh Thể. Truyền giáo là “thánh hoá thế gian”, nên phải tự thánh hoá mình theo mức độ có thể “chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô”.(Kinh Ta Ơn). “Ơn gọi phổ quát nên thánh có liên hệ chặc chẽ với ơn gọi phổ quát của việc truyền giáo: mỗi tín hữu đều được mời gọi đến sự thánh thiện và đến việc truyền giáo”. (nt). Thánh Thể là phương thế tuyệt hảo thánh hoá chúng ta.

Thánh thiện có được nhờ Chúa, và ta cộng tác bằng các việc đạo đức Hội Thánh dạy. Chầu Thánh Thể là việc đạo đức số một. Chúng chỉ nên thánh khi chúng ta đến với Thánh Thể là lúc chúng ta “dành thời giờ để ở với Chúa Giêsu, nghiêng đầu vào ngực Người như người môn đệ yêu dấu, cảm nhận tình yêu vô biên trong trái tim của Người.. . biết bao lần tôi (Đức Thánh Cha Gioan Phaolot II) đã có kinh nghiệm về việc này và múc từ đó nguồn sức mạnh an ủi và nâng đỡ ! việc thực hành này luôn được huấn quyền ca ngợi và khuyến khích, được cổ võ bởi nhiều gương sáng của nhiều vị thánh.

Nỗi bậc trong việc này là thánh Anphonso Liguori, ngài viết: “Trong số các việc đạo đức, việc thờ phựơng Chúa Giêsu trong Thánh Thể là cao cả nhất sau các bí tích, việc mà Thiên Chúa yêu thích nhất và đem lại lợi ích cho chúng ta” (“Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ có một giá trị vô song đối với đời sống của Hội Thánh.. . Các mục tử có trách nhiệm khuyến khích, đồng thời nêu gương sáng về việc tôn sùng Thánh Thể, cũng như việc tôn thờ Đức Kitô hiện diện trong hình Thánh Thể.. . Việc thực hành này luôn được huấn quyền ca ngợi và khuyến khích, được cổ võ bởi gương sáng của nhiều vị Thánh. Nổi bật trong việc này là Thánh Anphongsô Liguori, Ngài viết: “Trong số các việc đạo đức, việc thờ phượng Đức Giêsu trong Thánh Thể là cao cả nhất sau các Bí Tích, việc mà Thiên Chúa yêu thích nhất và đem lại lợi ích cho chúng ta” (Giáo Hội từ Thánh Thể. Số 25). Còn lời khuyên nào hơn nữa không?

-Nhà truyền giáo phải vừa là nhà chiêm niêm. Chiêm niệm là gặp Chúa. Ơ mức độ cao, các thánh chiêm niệm có thể hưởng nếm thiêng đàng tại thế. Đến với Thánh Thể làm ta thoả mãn 2 điều đó, vì gặp chính Chúa Giêsu, được ăn Bánh Thiên Thần

–Kết thúc tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, Đúc Thánh Cha cầu nguyện cùng Mẹ Maria như sau: “Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con đừng bao giờ e sợ phải nói về thế giới cho Chúa Giêsu và phải nói về Chúa Giêsu cho thế giới.” (Giáo Hội tại Á Châu, số 51). Muốn nói về thế giới với Chúa, phải đến với Chúa, muốn nói về Chúa cho người khác, phải đến với Chúa để biết Ngài nhiều hơn, gần gũi Ngài hơn.

Kết luận:

Chúng ta đang sống trong Năm Thánh Truyền Giáo Việt Nam, hướng tới Năm Thánh Thể mà kỳ hợp Thượng Hội Đồng GM thế gới sẽ triển khai, lại hàng tuần nghe lời giáo huấn của Hội Thánh trong lịch công giáo trích đọc thông điệp về Thánh Thể. Nhái theo 14 chặng đàng thánh giá cổ điển-con đường cứu độ muôn dân mà Thầy Giêsu đa đi, xin tạm đưa ra 14 lý do để đến với Thánh Thể như phương thế hữu hiệu cho việc “đến với muôn dân” (Ad Gentes). Còn rất nhiều lý do khác thúc bách ta thực hiện công việc thánh thiện này mà độc giả dễ dàng tự liêt kê.

Uớc gì lòng chúng ta gắn bó với Thánh Thể Chúa hơn bằng việc siêng năng tham dự Thánh Lễ, đi viếng Chúa, chầu Chúa với cộng đoàn hay cách riêng tư để chúng ta múc lấy ân sủng Thánh Thần từ Chúa Giêsu Phục Sinh, hầu lời khen tặng mà Đức Piô XII đã nói, được Đức Gioan Phaolô II lập lại dành cho các giáo dân truyền giáo là “làm sao không nhắc đến vai trò quan trọng của các nhà truyền giáo giáo dân, công việc của họ trong gia đình, trong trường học, trong sinh hoạt chính trị, xã hội, văn hoá, y tế..” trở thành lời khen tặng dành cho chính Ong Bà Và Anh Chị Em.

Bình An, 01.09.2004

Đọc nhiều nhất Bản in 27.04.2007. 22:22