Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh Pierre-Julien Eymard, tông đồ Thánh Thể nhiệt thành

§ Ls Lê Đình Thông

Cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris khắc ghi địa chỉ 23 avenue de Friedland - 75008 Paris. Nguyện đường Corpus Christi là cánh sao nối dài của quảng trường Étoile giữa Kinh thành Ánh sáng. Trong nhiều năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, hội trường 23 avenue de Friedland (được Việt hóa là Hội trường Phi Lan) lại trở thành hội Tết Giáo Xứ, được trang trí bằng lũy tre xanh, câu đối đỏ, điểm tô bằng nhiều tà áo thướt tha. Nguyện đường Corpus Christi từ năm 1877 có xương thánh Pierre-Julien sáng lập dòng Thánh Thể. Cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách trong Ban Giám đốc từ năm thụ phong linh mục 1972 đến nay là 34 năm luôn gắn bó với quê cha đất tổ Corpus Christi. Năm 2006, Dòng Thánh Thể cử hành Đại lễ Kỷ niệm 150 năm thành lập. Đây là thời điểm ôn cố, tri tân :

- Ôn cố về hành trình đức tin của Thánh Pierre-Julien, đấng sáng lập dòng Thánh Thể;

- Tri tân về công trình tiếp nối sự nghiệp của Cha Thánh Eymard.

Lược sử Thánh Eymard

Pierre-Julien Eymard sinh tại La Mure d’Isère thuộc Giáo phận Grenoble ngày 4-2-1811. Ngài theo học Đại Chủng viện Grenoble, thụ phong linh mục năm 1834. Năm 1839, ngài gia nhập Dòng Thánh Mẫu ở Lyon và trở thành linh mục thân tín của cha bề trên Colin. Thánh ý Chúa muốn Ngài hướng về Thánh Thể. Vào tháng 1-1851, trong lúc nguyện cầu tại đền thánh Fourvière ở Lyon, ngài thị kiến các hành động chống đạo làm xúc phạm Thánh Thể. Thời đại của thánh nhân sau Cách mạng 1789 khiến ngài chứng kiến nhiều thay đổi về chính trị, pháp luật, xã hội và tôn giáo. Trong tuổi thanh niên, cậu Pierre-Julien chứng kiến chủ nghĩa lãng mạn phát sinh trong lãnh vực nghệ thuật, âm nhạc và văn học. Ngài sống cùng thời với Thánh Vianney quen gọi là Curé d’Arc, văn hào Victor Hugo và điêu khắc gia Auguste Rodin v.v. Cuộc thị kiến ở Fourvière thôi thúc cha Eymard dấn thân vào hành trình tông đồ Thánh Thể.

Vì không thể thực hiện ý nguyện trong Dòng Thánh Mẫu (Société de Marie), ngày 13-5-1856, ngài thành lập Dòng Thánh Thể (Société du Saint-Sacrement : SSS). Luật dòng được Đức Cha Dominique Sibour, Tổng Giám mục Paris phê chuẩn. Năm 1863, luật dòng được Đức Thánh Cha Piô IX chính thức chấp thuận và ban phép lành Tòa Thánh.

Vạn sự khởi đầu nan

Chiều 30-4-1856, cha Eymard đến Paris, Ngài không có chỗ ở phải đến trọ ở một dòng tu. Sáng hôm sau ngài tìm địa điểm để lập dòng. Người ta chỉ cho ngài số 114 rue d’Enfer có một cộng đoàn vừa giải tán. Cộng đoàn này nhường lại cho cha Eymard trụ sở cũ. Bạn ngài là Đức Cha de la Bouillerie, giám mục Carcassonne khuyên ngài nên gặp Đức Cha Dominique Sibour, Tổng Giám mục Paris. Đức Cha Sibour giao hồ sơ cho Giám mục phụ tá là Đức Cha Léon Sibour, em họ của Đức TGM Dominique Sibour. Trong khi chờ quyết định của Tòa TGM, cha Eymard tĩnh tâm trong tuần cửu nhật từ lễ Thăng Thiên đến lễ Hiện Xuống trong sự thinh lặng hoàn toàn để cầu nguyện. Ngài gặp Đức Giám mục phụ tá nhiều lần, vị này không mấy quan tâm đến hồ sơ lập dòng. Cha Eymard định đáp tầu về Lyon nếu việc vận động bất thành. Sau cùng chính Đức Tổng Giám mục đích thân tiếp cha Eymard ở tiền sảnh điện Châtelet. (Cơ sở này do Vua Louis Napoléon tặng Tòa Tổng Giám Mục để thay thể trụ sở cũ của Tòa TGM Paris bị hỏa hoạn. Năm 1905 có đạo luật tách rời Giáo Hội và Nhà nước. 10 năm sau, điện Châtelet trở thành trụ sở Bộ Xã Hội). Đức Cha Sibour trả lời : Dòng Thánh Thể chuyên về chiêm niệm. Vì vậy ta không đồng ý. Eymard nghĩ ngay cách trả lời Đức TGM : Thưa Đức Cha, ngài chưa hiểu rõ mục đích dòng Thánh Thể. Ngoài việc tôn thờ Thánh Thể, chúng con còn giúp người khác tôn thờ Thánh Thể bằng cách lo cho người trưởng thành rước lễ lần đầu. Chúng con muốn làm bừng dậy khắp nước Pháp lòng sốt mến và nhất là ở Paris rất cần đến công tác mục vụ này. Đức Cha Sibour bị lôi cuốn bởi lời giải thích của cha Eymard. Đức Cha Sibour trả lời : Giáo phận chưa có công trình nào lo cho giới trưởng thành rước lễ lần đầu. Ta rất muốn thực hiện công tác này. Sau đó cha Eymard đến Thánh đường Saint-Sulpice tạ ơn Chúa và dâng Dòng Thánh Thể còn son trẻ xin Đức Mẹ gìn giữ. Cha Eymard ghi lại :

'Vạn sự khởi đầu nan. Nhà dòng không có ai nâng đỡ, cũng không có tiếng tăm hay tài sản, các tu sĩ đều vô danh. Nhà dòng phải đương đầu với một trở ngại lớn. Trước đây ai cũng chống lại ý định lập dòng, ngay những người đã khuyến khích. Vinh danh Thiên Chúa. Lúc 1 giờ 30 trưa ngày 13-5-1856, sau khi họp hội đồng, Đức TGM chấp nhận dự án, ban quyền hạn cho chúng tôi. Những tấm lòng rộng mở. Đó là thời điểm của Thiên Chúa. Chúng tôi lập dòng với tâm tình cậy trông : Nếu Chúa muốn, ngài sẽ lo liệu mọi việc. Lúc đầu chúng tôi hoàn toàn không có gì. Nhưng nếu Chúa muốn, tất cả rồi sẽ đến. '

Trước khi dọn về trụ sở 23 avenue de Friedland - Paris 8, Dòng Thánh Thể đã nhiều lần thay đổi địa chỉ : 114 rue d’Enfer (ngày nay là rue Bleue), 114 avenue Denfert-Rochereau (Paris 14), rue Faubourg Saint-Jacques, boulevard Monparnasse. Các địa chỉ này đều những căn nhà cổ kính, do các nhà hảo tâm tặng Giáo phận Paris, tòa Tổng Giám mục cấp lại cho nhà dòng. Địa điểm hiện nay được Tòa Tổng Giám Mục sắp vào hàng thứ 6 trong số các thánh tích và địa điểm hành hương ở Ile-de-France, sau Notre-Dame de Paris, Notre-Dame des Victoires, Le Sacré-Coeur de Montmartre, Saint Vincent de Paul (Pères Lazaristes), La Médaille Miraculeuse (Chapelle des Apparitions). Nguyện đường Corpus Christi (23 avenue de Friedland) trang bị đàn orgue Abbey (1898) và Gutschenritter thuộc vào loại tốt nhất ở Paris. Trụ sở 114 avenue Denfert-Rochereau trước đây trong khuôn viên nhà hưu dưỡng Marie-Thérèse (277 boulevard Raspail - Paris 14) do văn hào Francois-René de Chateaubriand tặng cho giáo phận. Nhà đầu tiên của dòng ở Rue d’Enfer (Phố Địa ngục). Nhà hiện nay ở Avenue de Friedland kế bên quảng trường Étoile. Từ 'địa ngục' đến 'vì sao', ý nghĩa này phải chăng nói lên phần nào sự đóng góp của Dòng Thánh Thể trong việc thăng tiến tôn thờ Thánh Thể trong suốt 150 năm qua ?

Năm 1858, cha Eymard cùng với nữ tu Marguerite Guillot lập Dòng Nữ Tì Thánh Thể (Servantes du Saint-Sacrement). Năm sau, ngài mở thêm các cộng đoàn mới ở Marseille, Angers, Bruxelles, Saint-Maurice (Giáo phận Versailles).

Cha Eymard hướng đến người nghèo ở ngoại thành Paris. Các bài giảng của ngài thường hướng về Thánh Thể. Ngài thành lập Tập đoàn Thánh Thể (Congrégation du Saint-Sacrement) dành cho giáo dân, Hiệp hội các Linh mục Tôn thờ Thánh Thể (Association des Prêtres Adorateurs) và tổ chức Đại hội Thánh Thể Quốc tế tại Lille năm 1881. Đại hội này được tiếp tục đến ngày nay.

Ngày 1-12-1868, ngài qua đời tại làng La Mure, hưởng thọ 57 tuổi. Năm 1925, ngài được Đức Thánh Cha Piô XI phong chân phước. Ngày 9-12-1962, nhân khóa họp đầu tiên của Công đồng Vaticanô II, ngài được Đức Thánh Cha Gioan XXIII phong hiển thánh. Ngày 9-12-1995, tên ngài được ghi trong lịch Giáo Hội như Vị Tông đồ Thánh Thể (Apôtre de l’Eucharistie ). Lễ kính vào ngày 2 tháng 8 hàng năm.

Tôn sùng Thánh Mẫu

Trong hành trình đức tin, lòng tôn sùng Thánh Mẫu nẩy nở trong lòng Pierre-Julien ngay từ tuổi ấu thơ. Cậu hành hương khắp các thánh địa Đức Bà tại Pháp. Địa điểm đầu tiên là Laus ghi dấu ấn trong tâm hồn thánh nhân. Laus cách La Mure 80 km, thuộc Giáo phận Gap. Từ thế kỷ XVII, thánh đường Đức Bà Laus là địa điểm hành hương nổi danh khắp miền Provence. Năm 11 tuổi, Pierre-Julien một mình đi bộ đến Laus hành hương. Trên lộ trình hành hương, cậu xin ăn dọc đường. Tại Laus, Đức Mẹ chỉ bảo cho Pierre-Julien hãy yêu thương mọi người. Năm 12 tuổi, sau rước lễ lần đầu, cậu ngỏ ý muốn làm linh mục. Cha cậu không đồng ý. Ngài tự học tiếng latinh để xin vào chủng viện. Tháng 8-1828, lúc đang giúp một linh mục ở Saint-Robert, cậu được tin thân mẫu qua đời. Cậu đến quỳ trước Đức Mẹ xin được làm linh mục. Sau đó, ngài gia nhập Dòng Tận Hiến Đức Bà Vô nhiễm ở Marseille. Năm 1831, đến lượt thân phụ từ trần. Trong thời gian ở nhà tập, cậu đến Thánh đường Đức Bà Fourvière cầu nguyện. Sau này, ngài ghi lại như sau : Tôi cảm nghiệm ý muốn tha thiết được sống theo gương Đức Bà bằng tấm lòng khiêm cung, vâng phục và yêu thương. Nguyện xin ánh sáng Thánh Linh nhờ lời Đức Mẹ cầu bầu, cho tôi nhận biết Thánh ý Chúa.

Tôn thờ Thánh Thể

Suốt đời Thánh Pierre-Julien hướng về mầu nhiệm Thánh Thể. Trong ghi chú về cuộc tĩnh tâm cuối đời, ngài viết : Thánh Thể luôn ngự trị trong lòng tôi. Ngài trung thành với thần học biện giải dựa trên uy quyền của Giáo hội. Ngài cho rằng Thánh Thể chính là Chúa Giêsu quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính Chúa Giêsu trở nên Thánh Thể. Linh hồn thánh thiện tìm gặp Chúa Giesu trong phép Thánh Thể (Jésus-Hostie).

Đức tin vào Thánh Thể cần được nuôi dưỡng bằng việc suy niệm Lời Chúa. Việc tôn thờ Thánh Thể chính là phương cách rước Chúa ngự trong tâm hồn. Ngài mời gọi mỗi người đọc kinh nguyện Thánh Thể theo phương pháp bốn cứu cánh của Hy lễ (méthode des quatre fins du Sacrifice) : tôn thờ, tạ ơn, xin ơn và khấn nguyện. Hiến chương số 15-17 của Dòng Thánh Thể viết : Mục đích của việc tôn thờ Thánh Thể là làm sống lại các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, nhằm thăng tiến sự suy niệm và nhân đức yêu thương dưới chân Thánh Giá.

Thánh Pierre-Julien luôn khuyến khích mọi người năng rước lễ. Trong bản văn viết năm 1863, ngài diễn tả vị trí trung tâm của Thánh Thể : Tôi tin chắc rằng Thánh lễ Hy tế và việc rước Mình Thánh Chúa là nguồn suối thiết yếu và là đỉnh cao của đời sống nhân đức. Mỗi người có bổn phận hướng sự thành kính, các nhân đức, và lòng yêu thương để các nhân đức này trở thành các phương thức đạt cứu cánh tối thượng : cử hành một cách xứng đáng Thánh Lễ và rước Mình Thánh Chúa một cách hiệu quả.

Vào thời đại của ngài, một số chủ chăn ngăn không cho các giáo hữu đến gần bàn thánh để chứng tỏ lòng tôn kính Thánh Thể. Trong thư mục vụ, thánh nhân viết : Đối với những ai muốn rước Chúa vào lòng, đó là bánh hằng sống nuôi dưỡng sức lực mỏi mòn. Chính Giáo Hội khuyến khích việc rước lễ hằng ngày theo giáo huấn của Công đồng Trente. Đối với những ai chủ trương phải rất thận trọng, tôi xin trả lời ngay rằng lương thực cách quãng lâu ngày chỉ là của nuôi bất thường, trong khi chúng ta cần được nuôi dưỡng bằng lương thực hàng ngày.

Theo Thánh nhân, rước lễ là trung tâm của đời sống Kitô giáo. Việc rước lễ phải trở nên cứu cánh của đời sống công giáo, các cách hành giáo tách rời với việc rước lễ là không phù hợp với cứu cánh này. Chúa Kitô ngự trong bí tích Thánh Thể để sống trong ta một cách thiêng liêng (Notre Seigneur vient sacramentellement en nous pour y vivre spirituellement).

Vài tháng trước ngày từ trần, ngài viết thêm : Những ai không rước lễ chỉ như học một môn học viển vông, không có gì là cụ thể. Họ không biết gì ngoài chữ nghĩa suông, các lý thuyết mà không hiểu được ý nghĩa. Tâm hồn không rước Chúa chỉ có một ý nghĩ về Chúa, việc rước lễ giúp ta nhận biết Chúa ngự một cách cụ thể trên bàn thánh.

Phép Thánh Thể kết hợp cộng đoàn dân Chúa thành một gia đình. Chúa Giêsu Thánh Thể liên kết mỗi người với nhau. Ngài là Cha dọn bữa tiệc trong gia đình. Tình huynh đệ Kitô giáo được ban bố trong Bữa tiệc ly với tình phụ tử của Chúa Kitô. Ngài gọi các tông đồ là filioli có nghĩa là các con yêu dấu, mời gọi con cái phải yêu thương nhau như Chúa yêu thương loài người.

Theo chân Thánh Eymard

Sáu năm sau ngày lập dòng (1862), trong số các tu sĩ đầu tiên có Auguste Rodin, tên dòng là thầy Augustin. Năm sau (1863), Rodin tạc bức tượng bán thân cha Eymard. Cha Eymard khám phá tài năng nghệ thuật của thầy Augustin đầy hứa hẹn. Sau này Rodin hồi tục, trở về nghề điêu khắc, sáng tác nhiều kiệt tác điêu khắc trong số có Le Penseur (Người Suy Tưởng).

Bức tượng bán thân cha Pierre-Julien Eymard bằng đồng đen do Auguste Rodin thực hiện năm 1863, hiện được trưng bầy tại Viện Bảo tàng Rodin ở Philadelphia (Hoa Kỳ), do Jules E. Mastbaum tặng.

Khi thánh nhân qua đời ở La Mure ngày 1-8-1968, Dòng Thánh Thể có sáu cộng đoàn với khoảng 50 linh mục. 150 năm sau, sự nghiệp Thánh Pierre-Julien vẫn được tiếp nối bằng đời sống tông đồ của các tu sĩ Dòng Thánh Thể trên khắp địa cầu. Nhà Mẹ (Curie Générale) : Via Giovanni Battista de Rossi, 46 - 00161 Roma gồm hai Ủy ban :

- Ủy ban Tài chính gồm các nước Ấn Độ, Hoa Kỳ và Ý.

- Ủy ban Đào tạo gồm Úc, Việt Nam, Ba Tây (Brazil), Phi Luật Tân và Sénégal. Đại diện Việt Nam trong Ủy ban là Cha Phaolô Vũ Chí Hỷ.

Dòng Thánh Thể ở Việt Nam gồm 12 cha : Giuse Phạm Đình Ái, Phêrô Trịnh Như Cung, Đa Minh Trần Văn Dũng, Giuse Phạm Hồng Thịnh, Giuse Phan Ngọc Trợ, Giacôbê Hoàng Gia Công, Giêrônicô Nguyễn Công. Địa chỉ : 150B, khu phố 4, Linh Xuân, Thủ Đức. Ngoài ra còn Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể có 12 nữ tu. Địa chỉ : 38 tổ 12 khu phố 2, Biên Hòa.

Dòng Thánh Thể tại Hoa Kỳ có cha Joachim Nguyễn Đức Việt Châu (Giám đốc Nguyệt san Dân Chúa), Cha Trần Minh Thái. Tại Canada có cha Phêrô Đỗ Bá Long. Úc Châu có cha Phaolô Vũ Chí Hỷ.

Mười hai linh mục Dòng Thánh Thể ở Việt Nam thụ phong từ 1990 đến 2002. Cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách thụ phong năm 1972 là linh mục Dòng Thánh Thể người Việt đầu tiên và kỳ cựu nhất.

Lúc sinh thời, tuy sức khỏe Thánh Pierre Julien mòn mỏi nhưng nghị lực vô song. Ngài hết lòng sùng kính Đức Mẹ. Ngài hành hương tại tất cả các thánh địa Đức Bà khắp nước Pháp. Năm 1846, Đức Mẹ hiện ra tại La Salette. Ngay sau đó, ngài đã đến La Salette cầu nguyện.

Cha Eymard không chỉ giới hạn trong việc tôn thờ Thánh Thể, nhưng hướng hoạt động đến các thanh thiếu niên.

Tại Giáo Xứ, Cha Sách đi theo hành trình mục vụ của Cha Thánh Eymard. Cũng như thánh nhân thuở xưa, sức khoẻ vị linh mục Dòng Thánh Thể tại Giáo Xứ nhiều phần mảnh mai. Theo gương thánh nhân, hết lòng sùng kính Đức Mẹ, ngài thường cử hành Thánh lễ tại Nguyện đường 140 rue du Bac (Paris) từng được Đức Mẹ hiện ra ngày 19-7-1830. Ngài hết lòng tôn kính Thánh Thể, mỗi chiều thử bẩy lại cử hành nghi thức chầu Thánh Thể cho thanh thiếu niên và phụ huynh.

Cha Giuse Sách không những dành cho thanh niên niên Giáo Xứ lòng ưu ái. Ngài bỏ hết thời giờ lo cho Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Trong Lá Thư Tuyên Úy mở đầu Kỷ Yếu 10 Năm 1986-1996 của Đoàn Kitô Vua, ngài viết :

'Bắt đầu vào mùa tựu trường năm 1985, chính thức ra mắt cộng đoàn vào ngày kết thúc niên học 1985-1986 (22/06), Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Xứ, tính đến niên học 1995-1996 này vừa tròn 10 tuổi. Mười năm về trước, cũng vào một Chúa Nhật cuối tháng 6, khuôn viên Giáo Xứ lần đầu tiên được chứng kiến một quang cảnh khác thường :

Các con em thơ ngây nhất của Cộng đoàn tươi vui trong bộ đồng phục : 'sơ mi' trắng gắn huy hiệu, quần hoặc jupe mầu xanh dương, xếp thành Đội, thành Ngành, hăng hái làm lễ tuyên hứa :

Thiếu Nhi Thánh Thể nhiệm mầu
Tôn sùng rước lễ nhà chầu viếng thăm

Thiếu nhi bác ái một lòng
Tim luôn quảng đại mới mong giúp người

Thiếu nhi ngay thẳng trọn đời'

Mười năm trước đây, khi viết 'Một chặng đường', mái tóc cha Tuyên Úy hãy còn xanh. Ngày nay, mái tóc ngài đã bạc phơ :

Biết chăng ai Sông Hoàng Hà ngọn nước tại lưng trời, tuôn đến bể khôn vời lại được

Biết chăng nữa Đài gương mái tóc bạc, sớm như tơ mà tối đã như sương (Lý Bạch).

Noi gương thánh nhân, ngài tận tụy lo cho thanh thiếu niên Giáo Xứ. Theo điều 41 luật dòng canh cải được Tòa Thánh duyệt y vào ngày giỗ thánh nhân năm 1984 về việc phục vụ các giáo xứ và các cộng đoàn, ngài tham gia Ban Giám Đốc tận tụy lo cho cộng đoàn.

Trong năm 2006, Dòng Thánh Thể kỷ niệm 150 năm thành lập (1856-2006). Đồng thời các Thiếu Nhi Thánh Thể tại Giáo Xứ kỷ niệm 20 năm sinh hoạt (1986-2006). Hai sinh nhật, một Thánh Thể. Chúa Kitô Thánh Thể đã phát sinh các công trình mục vụ đầy ý nghĩa này, giúp các thành phần dân chúa không phân biệt tu sĩ hay giáo dân, tuổi tác nâng hồn lên với Chúa và liên kết với nhau trong tình huynh đệ.

Trong năm hồng ân 2006, Cộng đoàn Giáo Xứ khấn xin Chúa Kitô Thánh Thể ban vô vàn ơn lành cho đại gia đình Dòng Thánh Thể thế giới và gia đình Thiếu Nhi Thánh Thể bé nhỏ của Giáo Xứ để cả hai luôn là vầng nhật nguyệt viên mãn, luôn phát huy nắng ấm yêu thương, trăng rằm chân lý và ánh sáng Phúc Âm chiếu soi đến từng ngõ ngách tâm hồn.

(Giaoxuvnparis.org)

Đọc nhiều nhất Bản in 05.05.2007. 17:40