Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức Mẹ Thánh Thể

§ Lm Đaminh Nguyễn Phúc Thuần, SSS

Ý Nghĩa Tước Hiệu Đức Mẹ Thánh Thể

1- Cách Dịch Tước Hiệu

Tước hiệu “Đức Mẹ Thánh Thể” do cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma (Eymard), Đấng Sáng Lập Dòng Thánh Thể, xưng tụng Đức Mẹ.

Nguyên văn của tước hiệu này trong tiếng Pháp là: “NOTRE-DAME DU TRÈS SAINT-SACRAMENT”. Tước hiệu này được dịch sang tiếng Anh là: “OUR LADY OF THE MOST BLESSED SACRAMENT”.

mary-eucharist.jpg

Không biết ai đã dịch tước hiệu này sang tiếng Việt là: “LẠY MẸ MA-RI-A, MẸ CHÚA GIÊ-SU THÁNH THỂ”. Hiện thời ở Việt Nam, có lẽ khắp nơi đều xử dụng câu dịch này. Cách dịch này, tuy không sai về tín lý, nhưng vừa dài dòng, vừa không đúng với văn bản, nhưng nhất là không đúng với ý nghĩa mà tác giả của tước hiệu này muốn xưng tụng và tôn vinh Đức Mẹ. Quả thực, để nhận ra dịch tước hiệu “Our Lady of the Blessed Sacrament” dài dòng như thế nào, chúng ta hãy so sánh cách dịch tước hiệu này với cách dịch các tước hiệu khác, chẳng hạn:

Vậy tại sao tước hiệu “Our Lady of the Blessed Sacrament” lại không dịch là “Đức Mẹ Thánh Thể”, mà lại dịch là “Mẹ Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giê-su Thánh Thể” ? Cách dịch này quả là dài dòng và không đúng với văn bản. Như đã khẳng định trên đây, xét về tín lý thì nội dung câu “Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giê-su Thánh Thể” không có gì sai tín lý cả, nhưng đó không phải là ý tưởng của cha thánh E-ma muốn xưng tụng và tôn vinh Đức Mẹ.

Trước khi đề cập đến ý nghĩa mà cha E-ma muốn xưng tụng Đức Mẹ bằng tước hiệu “Đức Mẹ Thánh Thể”, chúng ta hãy lược qua vài dòng lịch sử đã dẫn cha E-ma đến việc tuyên xưng này.

2- Lòng Sùng Kính Đức Mẹ Của Cha E-Ma

Như chúng ta biết, cha E-ma không những có một tình yêu và nhiệt tâm lớn lao đối với Bí Tích Thánh Thể, nhưng ngài còn có lòng yêu mến và sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ nữa. Quả vậy, ngay từ lúc còn thơ ấu, lòng yêu mến và sùng kính Đức Mẹ của ngài ít ai sách kịp. Ngài có một niềm xác tín mãnh liệt về tình yêu, thần thế và sự dìu dắt của Đức Mẹ. Chẳng hạn lúc lên 12 tuổi, để chuẩn bị Rước Lễ lần đầu, ngài đã đi bộ khoảng 60 cây số từ La Mure tới đền Đức Mẹ ở Laus để cầu nguyện và xin Đức Mẹ giúp chuẩn bị tâm hồn để đón rước Chúa vào lòng lần đầu tiên.

Trong cuộc hành trình thiêng liêng, mỗi lần gắp khó khăn, ngài đều chạy đến với Đức Mẹ để xin người nâng đỡ, chỉ dạy và dìu dắt. Chẳng hạn, sau khi Rước Lễ lần đầu, Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma rất khát khao được Rước Lễ thường xuyên, nhưng theo phong tục thời đó, người ta không được Rước Lễ như vậy ngoại trừ khi có phép đặc biệt của cha xứ, cha giải tội hoặc cha linh hướng. Sau khi cha phó La Mure từ chối cho phép Phê-rô Giu-li-a-nô rước lễ thường xuyên, cậu bé 12 tuổi đã chạy đến với Đức Mẹ ở Laus. Tại đây, Phê-rô Giu-li-a-nô gặp được một trong những người con yêu và tông đồ nhiệt thành của Đức Mẹ, đó là cha Touche. Cha Touche không những đã cho phép, mà còn khuyến khích Phê-rô Giu-li-a-nô rước lễ thường xuyên, nghĩa là mỗi Chúa Nhật nữa.

Khi gặp trở ngại trên đường tiến tới chức linh mục, vì cha của Phê-rô Giu-li-a-nô không cho phép cậu theo đuổi lý tưởng ấy, cậu lại chạy đến với Đức Mẹ, và một lần nữa, người con yêu và tông đồ nhiệt thành của Đức Mẹ là cha Touche đã khuyến khích:

“Hỡi con, con phải là người mà Chúa muốn; con phải là linh mục - Nhưng cha con không cho phép - không có chuyện “nhưng” ở đây. Con phải học La-tin” (1).

Cũng vì tình yêu lớn lao và lòng nhiệt thành sùng kính Đức Mẹ, nên sau khi trở thành linh mục, cha E-ma đã bị Dòng Đức Mẹ (Marist) thu hút mãnh liệt. Vì thế, ngài đã xin và được phép Đức Giám Mục Địa Phận cho phép gia nhập Dòng Đức Mẹ. Sau khi trở thành tu sỹ của Dòng Đức Mẹ, thì tình yêu, lòng tôn sùng và niềm tin tưởng của ngài đối với Đức Mẹ vẫn không ngừng phát triển, chính ngài đã thú nhận:

“Phải, nếu tôi trở thành linh mục được, đó chính là nhờ công ơn của Đức Trinh Nữ Rất Thánh. Không có người, tôi không thể vượt thắng được biết bao trở ngại trong việc thực thi được những ước nguyện của tôi” (2).

Vào lúc gần cuối đời, cha E-ma cũng viết:

- “Chính nhờ Đức Trinh Nữ Rất Thánh dẫn dắt mà tôi đã đến được với Chúa; đã được đặc ân Rước Lễ hàng tuần vào Chúa Nhật, lúc lên 12 tuổi; được dẫn dắt từ Dòng Đức Mẹ đến Dòng Thánh Thể” (3).

- “Tôi suy gẫm về tình yêu củaĐức Trinh Nữ dành cho tôi ngay từ thuở còn thơ ấu. Tôi chúc tụng Đức Mẹ Laus, và ngày tôi nhận người làm Mẹ, khi người mẹ ruột của tôi qua đời. Kể từ đó, tôi đã nhận được không biết bao nhiêu là ơn lành! Dưới chân người ở nhà nguyện Saint-Robert, tôi đã xin người giúp tôi để một ngày kia được trở thành linh mục. Chính người đã cầm tay tôi mà dẫn dắt đi cho tới chức linh mục, rồi tới Dòng Thánh Thể” (4).

Chính lòng nhiệt thành tôn sùng Đức Mẹ, cùng với niềm tin tưởng vào ơn trợ giúp và dẫn dắt của người trong cuộc hành trình thiêng liêng tiến tới chức linh mục và tiến tới việc thành lập Dòng Thánh Thể, mà 3 tháng trước khi qua đời, cha E-ma đã tổ chức Tháng Năm đặc biệt để tôn vinh Đức Mẹ. Kết thúc bài suy niệm đầu tiên, ngày 1 tháng 5, 1868, cha E-ma nói:

“Giờ đây chúng ta hãy tôn vinh Đức Ma-ri-a với tước hiệu “ĐỨC MẸ THÁNH THỂ. Phải, với trọn niềm cậy tin và lòng yêu mến thiết tha, chúng ta hãy cầu xin: “LẠY ĐỨC MẸ THÁNH THỂ, là Mẹ và là Gương Mẫu cho những kẻ tôn thờ, xin cầu cho chúng con đang chạy đến với Mẹ” (5).

Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ XI đã ban Ân Xá 300 ngày cho những ai kêu cầu Đức Mẹ dưới tước hiệu này.

Ngày 12 tháng 9, năm 1963, Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã ban hành Sắc Lệnh châu phê tước hiệu này, đặt Đức Mẹ Thánh Thể làm bổn mạng chính của Dòng Thánh Thể và của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, đồng thời ấn định lễ kính Đức Mẹ dưới tước hiệu này vào ngày 13 tháng 5. Qua Sắc Lệnh này, Đức Phao-lô VI công bố những điểm quan trọng sau đây:

- “Ngài (cha E-ma) tuyên bố, tước hiệu này (Đức Mẹ Thánh Thể) tuy mới mẻ, nhưng thực tại thì đã có từ lâu. Với nhận thức thiêng liêng sâu xa, được nuôi dưỡng bằng cuộc sống kết hiệp mật thiết với Chúa, tác giả của tước hiệu đầy ý nghĩa này đã thấu suốt được mối tương quan thầm kín và cao siêu liên kết Đức Ma-ri-a với Bí Tích Tình Yêu, vì thế ngài đã thêm tước hiệu này, như một hạt kim cương quí giá, vào vương miện của Đức Ma-ri-a” (6).

- “Mới đây, người con yêu quí của Ta là Tổng Thụ Ủy của Dòng, chiếu theo yêu cầu của Ban Cố Vấn Tổng Quyền, đã khiêm tốn thỉnh cầu Ta long trọng và chính thức châu phê tước hiệu ấy… Ta chấp thuận thỉnh nguyện này” (7).

3- Ý Nghĩa Của Tước Hiệu

Khi tuyên xưng Đức Ma-ri-a là ĐỨC MẸ THÁNH THỂ, cha E-ma không nhằm mục đích tuyên xưng rằng:

Vì Đức Ma-ri-a đã sinh ra Chúa Giê-su, và Chúa Giê-su hiện diện thực trong Thánh Thể, nên Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su Thánh Thể.

Cha E-ma không có ý tưởng ấy, vì đó là chân lý quá hiển nhiên, không có gì mới mẻ cả. Ngay từ thuở sơ khai và cho tới hôm nay, Hội Thánh vẫn tin như thế, và vẫn luôn tuyên xưng như vậy. Nên không cần phải đợi đến năm 1963 và một Sắc Lệnh của Đức Giáo Hoàng châu phê thì tước hiệu ấy mới được nhìn nhận.

Vì thế, khi châu phê tước hiệu ĐỨC MẸ THÁNH THỂ, Hội Thánh chứng tỏ và nhìn nhận tước hiệu ấy có một nét đặc biệt và mới mẻ nào đó được tiềm tàng trong chân lý đức tin của Hội Thánh và chưa được khai thác, như Đức Phao-lô VI xác nhận:

“Tước hiệu này tuy mới mẻ, nhưng thực tại thì vẫn đã có từ xưa” (8).

Ý nghĩa đặc biệt của tước hiệu “ĐỨC MẸ THÁNH THỂ” mà cha E-ma muốn tuyên xưng là:

Sau khi Chúa Giê-su về trời, thì trọn cuộc sống của Đức Mẹ trong chuỗi ngày còn lại ở trần gian đều qui về Thánh Thể như hoa hướng dưong luôn hướng về mặt trời:

- Mẹ đặt Thánh Thể làm trung tâm và tột đỉnh của cuộc sống mình, nghĩa là mọi tư tưởng và sinh hoạt trong cuộc sống của Mẹ đều qui về Thánh Thể.

- Mẹ qui tụ mọi kẻ tin theo Chúa Giê-su lại nơi Phòng Tiệc Ly để cầu nguyện, cử hành Lời Chúa và Thánh Thể: “Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-lhê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-mon thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu của Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv.1:12-14).

- Mẹ học hỏi các nhân đức của Chúa nơi Thánh Thể.

Nói tóm lại, Thánh Thể là lẽ sống duy nhất của Mẹ. Mẹ chỉ sống cho Thánh Thể, với Thánh Thể và vì Thánh Thể. Bởi thế, Mẹ đã trở thành “Gương Mẫu cho những kẻ tôn thờ” (9).

Như vậy, khi xưng tụng Đức Mẹ bằng tước hiệu ĐỨC MẸ THÁNH THỂ, cha E-ma đã mở ra một chân trời mới, một linh đạo mới về lòng sùng kính Đức Mẹ. Hay nói cách khác, người ta có thể đến với Đức Mẹ và nhìn lên Gương Mẫu của người qua nhiều góc cạnh khác nhau. Chẳng hạn người ta có thể đến với Đức Mẹ, vì người là Mẹ hằng cứu giúp. Người ta cũng có thể đến và học theo gương mẫu của Mẹ, vì Mẹ luôn suy gẫm những mầu nhiệm cứu độ: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc.2:51).

Lm Đaminh Nguyễn Phúc Thuần SSS

(1)- * TROCHU, tr. 17-18.
* Biết La-tinh là một trong những điều kiện thiết yếu để trở thành linh mục. Vì vào thời đó, các môn triết học và thần học đều được dạy bằng tiếng La-tinh. Và sau khi được thụ phong, linh mục phải đọc Sách Nguyện và cử hành Thánh Lễ hoàn toàn bằng tiếng La-tinh. Vì thế, để trở thành linh mục, một trong những điều kiện thiết yếu là phải biết La-tinh.

(2)- * TROUSSIER, t.1, tr. 33.
* Coi: Peter Julian Eymard, André Guitton, Centro Eucaristico xuất bản năm 1996, tr. 21.

(3)- * Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, ngày 1 tháng 2, 1865, Suy Niệm 1, tr. 79.
* Bản dịch tiếng Anh của William LaVerdière, tr. 81.

(4)- * Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, ngày 17 tháng 3, 1865, Suy Niệm 2, tr. 224.
* Bản dịch tiếng Anh của William LaVerdière, tr. 236.

(5)- PETER JULIAN EYMARD, André Guitton, Centro Eucaristico xuất bản năm 1996, tr. 326.

(6)- RETREAT NOTES, bản dịch tiếng Anh của William LaVerdière. APPENDIX, tr.313.

(7)- Như trên.

(8)- Sắc Lệnh của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI về Đức Mẹ Thánh Thể, ban hành ngày 12 tháng 9, 1963. Coi: Retreat Notes, William LaVerdière, Appendix, tr. 313.

(9)- PETER JULIAN EYMARD, André Guitton, Centro Eucaristico xuất bản 1996, tr.326.

Đọc nhiều nhất Bản in 19.09.2007. 18:13