Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ý Thức Về Tội Lỗi Để Được Tha Thứ

§ Phêrô Vũ văn Quí

CN VII TNB – Mc 2, 1-12

Tội lỗi của thế kỷ này là mất đi ý thức về tội lỗi”.

Đó là lời nghiêm khắc của Đức Piô XII luôn vang lên trong tâm hồn tôi, sau khi tôi được Chúa yêu thương và tha thứ. Suốt cả cuộc đời khi còn bay nhảy, nhởn nhơ rong chơi, tôi thực sự không mấy ý thức về tội. Nếu có hiểu thì cái trí hiểu về mười điều răn mới chỉ dừng lại ở xói mòn, răm rắp đòi buộc hay đó chỉ là những mớ lý thuyết chủ trương của đạo. Còn về ý thức thực tâm sống động thì chưa, vì để thể hiện ý thức ấy, con người cần phải quyết tâm bằng hành động. Đức tin của tôi vào thời điểm đó không được đặt vững mạnh trên ý thức về Thiên Chúa, “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20) hay “Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi rao giảng cho anh em, đã không vừa là “có” vừa là “không”, nhưng Người chỉ tòan là “có”. Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có’ ở nơi Người” (2Cr 1, 19-20) như thánh Phaolô xác tín tuyệt đối và yêu mến hết lòng hết trí khôn. Cón tôi khi đó, tôi chỉ sống bằng bản năng lệ thuộc vào đời sống xã hội, bằng mối tương quan con người phàm trần với nhau. Lấy thước đo giá trị nhân sinh làm mục đích thăng tiến. Thế nên ý thức về tội cũng chẳng làm tôi bận tâm. Tôi cứ tái đi tái lại cũng vẫn những thứ tội ấy. Nên ý thức để thành tâm sám hối không khiến nghị lực tôi có quyết tâm bằng hành động. Và hậu quả của tội là một cái chết nửa người. Khi bệnh tật tràn đến và đầy ải cái thân xác trong đau khổ khốn cùng, lúc ấy ý thức về tội mới bắt đầu manh nha.

Đây chính là tâm tình của tôi được đặt vào trong tâm trạng khao khát sống của người bại liệt trong Tin Mừng Chúa Nhật VII TN B hôm nay (Mc 2, 1-12). Khi thân xác quằn quại đau khổ, thì niềm khao khát sống lành mạnh cháy bỏng. Bởi thế nên, khi nghe Chúa Giêsu là một vị lương y cực kì siêu phàm qua một vài nhân chứng thầm lặng, thì bất cứ giá nào, người bại liệt cũng tìm mọi cách chạy đến với Người. Dù cho phải gỡ mái nhà, bất chấp nguy hiểm, cực chẳng đã bị la mắng chửi bới, người bệnh vẫn một mực không màng đến rủi ro, bất chấp tất cả, miễn sao được thả xuống trước mặt Đấng Chữa Lành mà anh ta đã có niềm tin phần nào vào Người.

Khi nhìn thấy cuộc phưu lưu của anh ta, không chỉ bằng hành động lăn xả của anh ta mà chính bằng vào Lòng Thương Xót vô biên mà Chúa Giêsu đã bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2, 5). Và hơn nữa, để chứng minh cho những ngừơi nghi ngờ, Người đã chữa lành tức khắc người bại liệt hầu cho họ nhận biết “Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (Mc 2, 10). Trong trừơng hợp này, theo cảm nghiệm của tôi, chính Chúa Giêsu giải thích rằng phép lạ chữa lành người bại liệt là dấu chỉ của quyền năng cứu độ nên Người đã tha tội cho người bại liệt đó. Nhiệm vụ chính của Người là giải phóng nhân loại khỏi sự dữ tinh thần, sự dữ khiến nhân loại chia lìa Thiên Chúa và ngăn cản ơn cứu độ nơi Thiên Chúa. Sự dữ đó chính là tội lội.

Thánh Augustinô giải thích các phép lạ Chúa Kitô đã làm là những biểu hiện quyền năng cứu độ của Ngừơi: “Sự kiện Chúa Kitô đã nhập thể vì chúng ta đóng góp nhiều cho phần rỗi chúng ta hơn là những phép lạ Ngừơi đã làm giữa chúng ta; và Ngừơi chữa lành sự dữ linh hồn thì quan trọng hơn việc chữa lành bệnh tật thể xác vốn phải chết”.

Hơn nữa, bởi tất cả chúng ta đều mắc nợ đối với Thiên Chúa, nên trong lời cầu nguyện Chúa Giêsu dậy các môn đệ và tất cả mọi tín hữu điều cần thiết phải xin Chúa Cha: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những ngừơi có lỗi với chúng con” (Mt 6, 12)

Để cảm nghiệm được trái tim của Chúa cũng như thực sự rung động trước lòng thương xót của Ngài, con người phải trải qua những rung cảm thực sự bằng trái tim, tâm hồn yếu đuối của mình. Có như thế, Lời Chúa mới sống động. Có cảm thức bằng tất cả trái tim sâu lắng của mình, tôi mới nghe được lời của Chúa Giêsu nói với những người có mặt tại hội đường Nazaret:

Hôm nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh quí vị vừa nghe”. (Lc 4, 21)

Lời Chúa nói với tôi, một người bại liệt đúng nghĩa đen: “Này con, con đã được tha tội rồi” đã làm tôi trổi dậy, nhấc hồn mình ra khỏi cái chõng đầy xác thịt tội lỗi để ra đi trong hân hoan vui mừng với lời ngợi khen chúc tụng chan chứa và đầy ắp trong tâm hồn bình an. Và khi có tràn đầy ắt mới có trào ra lan tỏa. Thánh Phaolô giúp tôi vươn lên khi lắng nghe được ý nghĩa thâm sâu qua lời ngài nói với tín hữu Rôma: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14, 17). Quả thật, dù thân xác tôi vẫn tàn tật mất sức, nhưng tâm hồn tôi đã được Chúa chữa lành bằng sự yêu thương tha thứ của Ngài vì Ngài đã chữa lành sự dữ linh hồn của tôi thì vô cùng quan trọng hơn việc chữa lành bệnh tật thể xác vốn phải chết của tôi.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh của con,

Chúa là sự sống lại và là sự sống của con. Chúa đã yêu thương và tha thứ tất cả tội lỗi của con. Xin Chúa giúp con, khi đã nhận ra Chúa là Đấng Tha Thứ, cũng luôn luôn biết tha thứ cho anh em như Chúa đã tha cho con vậy. Sống với lòng tha thứ dạt dào của Chúa, trái tim con mới thực sự bình an hoan lạc trong Thánh Thần.

Xin đốt lửa trong tim con, ngọn lửa Thánh Thần Tình Yêu, Nguồn Sống của con. Amen.

Chúa Nhật VII TNB, 22/02/2009

Phêrô Vũ văn Quí

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.02.2009. 14:09