Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

“Xin đừng sợ thưa vâng với Chúa Giêsu”

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

Chúa nhật XXII TN (A/08)

Vào buổi đầu cuộc sống công khai, Satan đã từng cám dỗ Chúa Giêsu lựa chọn con đường cứu thế dễ dàng, thoải mái bằng những hành vi khéo tay lạ mắt, bằng phép lạ oai phong để dễ dàng chinh phục chớp nhoáng và thành công đám dân đang ngong ngóng một Đấng Cứu Thế mang dáng đứng chính trị trần tục:

Sau đó quỷ đem Người đến thành thánh, đặt người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn,va thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.

Và Đức Kitô đã cự tuyệt: Ngài đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi”.

Trong câu chuyện Tin Mừng thuật lại hôm nay, hình như cơn cám dỗ trên lại trở về với Đức Kitô qua thái độ của Phêrô khi Tông đồ nầy ra tay ngăn cản Chúa khi Ngài loan báo cuộc hành trình về Giêrusalem để dấn thân vào cuộc khổ nạn:

Ông Phêrô kéo riêng Người ra và bắt đầu trách người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”. (Và trong lần cám dỗ nầy, Chúa Giêsu gần như đã nổi nóng) Chúa Giêsu quay lại bảo Phêrô: “Satan lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa…”

Như vậy một cách nào đó, chúng ta có thể nói được rằng: đức tin đó chính là cuộc “hành trình về Giêrusalem”, cuộc hành trình theo chân Đức Kitô mà cốt lỏi chính là biết thường xuyên “đặt cuộc đời mình trong ý định của Thiên Chúa”, là đặt bước chân mình trên những lối đi của Thiên Chúa, hay như ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Benêđictô, là “đừng sợ thưa vâng với Chúa Giêsu”

1. Sống đức tin: “đừng sợ thưa vâng với Chúa Giêsu”

Cho dù “con người được dưng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa” mặc lòng, thì sau biến cố Tội nguyên tổ, hình ảnh đó đã bị méo mó, con người đã trở nên khác xa với Thiên Chúa, mà cụ thể như lời trách cứ của Chúa Giêsu dành cho Phêrô trong trích đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà của loài người”. Nếu có dịp đọc lại Thánh Kinh, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy những “tư tưởng lập dị, khác người của Thiên Chúa”. Sau đây là một vài điểm “khác người” được ghi nhận trong giai đoạn “Xuất hành về Đất Hứa”:

- Thay vì theo một con đường thẳng ngắn nhất, đỡ tốn công tốn sức,Thiên Chúa lại muốn đưa dân ít-ra-en đi theo con đường vòng thật xa để tiến về Đất Hứa (Xh 13, 17-18)

- Thay vì dạy cho họ chiến thuật, chiến lược tác chiến và những phương cách chính trị để thiết định một vương quốc hùng mạnh thì Thiên Chúa lại ban cho họ một thứ “hiến pháp tinh thần” chỉ để điều hợp cuộc sống và lương tâm sao cho tốt lành, thánh thiện là “Mười Điều Răn”.

- Thay vì cho họ mọi phương tiện để canh tác hoặc chiếm hữu những cánh đồng bát ngát phì nhiêu, những dòng sông nước tuôn ngập tràn phù sa tươi tốt…thì Thiên Chúa chỉ ban cho họ mỗi ngày một thứ Manna nhàm chán, đơn điệu, một mạch nước nhỏ nhoi chảy ra từ vách đá.

- Và thay vì thíết lập một “Dân riêng” với lãnh địa bao la mịt mùng, với quân binh thiết bị hùng cường bá chủ, với chủ quyền trên khắp các lục địa, biển khơi…thì Thiên Chúa lại thiết lập một Ít-ra-en nhỏ bé bên bờ Địa Trung Hải, mà lịch sử hầu hết đếm bằng những tủi nhục thương đau, đọa đầy chia cắt, nô lệ lưu đầy…

Và khi tới lúc “thời gian viên mãn”, “ý tưởng lập dị” đó của Thiên Chúa vẫn tiếp tục được vận dụng:

- Trong khi dân Ít-ra-en dài cổ mong ngóng một Đấng Mêsia xuất thân từ cung đình tráng lệ, với phủ việt và vương trượng uy hùng, với triều thần tiền hô hậu ủng, với vó ngựa, giáp sắt, gươm dài…thì Thiên Chúa đã sai đến “một em bé khóc oa oa nằm chung với bầy súc vật mà ngày sinh nhật của em, cha mẹ không tìm được quán trọ tầm thường để trú ngụ qua đêm.

- Vâng Đấng Cứu Thế đã đến từ Na-da-rét, một nơi mà tông đồ Nathanael đã từng dè bĩu; “Từ Na-da-rét, nào có cái gì hay đâu ?”, đã xuất thân từ xưởng thợ mộc mà dân do Thái đã từng bĩu môi khinh rẽ: “Ông ta há không phải là con bác thợ mộc đấy sao ?”;

- Làm sao dân Ít-ra-en có thể chấp nhận một Đấng Mêsia trong con người của “Vị tiên tri áo vải chân trần” đó khi xuất hiện công khai, cho dù với 5 chiếc bánh và hai con cá đã nuôi mấy ngàn người lại đã phải chấp nhận đói khát và ngửa tay xin nước của một phụ nữ Samari không mấy chính chuyên với năm đời chồng không chính thức: “Xin chị cho tôi uống nước với”.

- Có thể họ chấp nhận Đấng Cứu Thế nơi một vị Thầy quyền năng, một tiếng phán ra cuồng phong bảo táp phải im hơi lặng tiếng, một lời réo gọi đã cho người chết thúi trong mồ có thể bật dậy bước ra, có thể đuổi cả phung cùi bệnh tật, đuôi mù câm điếc, có thể trục xuất tà thần và bước đi băng băng trên mặt biển…nhưng họ sẽ không thể hiểu và không bao giờ chịu được cái cảnh Đấng Quyền năng ấy bị bắt, bì kết án, bị tát vào mặt, bị lột áo quần trần truồng để chịu sĩ nhục tận cùng rồi phải vác thập giá lên đồi Sọ và chịu đóng đinh giữa hai tên trộm cướp…Chúng ta dễ dàng cảm thông thái độ của Phêrô khi “thiệt tình” can ngăn Thầy “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”…

- Nhưng đó chính là thánh ý của Thiên Chúa, đó chính là con đường Con Thiên Chúa đã chọn và đã đi, cho dù khi đối diện con đường ấy, thánh ý ấy, Ngài cũng đã phải khắc khoải đến tận cùng khi những giót máu ứa ra theo những giọt mồ hôi hoang mang lo sợ: “Xin cho con được khỏi uống chén nầy. Nhưng xin dừng theo ý Con một xin vâng ý Cha”.

Đức Kitô đã chiến thắng nổi hoang mang sợ hải và đã can đảm “thưa vâng”; và cũng nhờ thế, hồng ân cứu độ, vinh quang Phục sinh đã chảy tràn trên thế giới, giải thoát thân phận nô lệ, tội lỗi tăm tối của loài người để bước vào ánh vinh quang phục sinh.

Nào chẳng phải Đức Kitô đã từng tuyên bố: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Chúng ta phải hiểu: Đường đó là Đường từ Máng cỏ Bê lem tới Thập Giá Đồi Sọ, Sự Thật đó là Sự Thật của “Tám Mối: tinh thần khó nghèo, lòng trong sạch, đức yêu thương, hiền lành, bàn tay xây dựng hòa bìh công lý… và Sự Sống đó là Sự sống “canh tân và sám hối, biến hình và phục sinh bắt nguồn từ Cuộc Vượt Qua của chính Đấng đã yêu thương đến tận cùng, đã hy sinh tận hiến, đã chết và sống lại.

Chúng ta đừng ảo tưởng sẽ có một con đường cứu độ khác đẹp hơn, dễ thở hơn, nhẹ nhàng hơn, vinh quang hơn…Khước từ con đường của Đức Kitô, né tránh sự lựa chọn của Đức Kitô chính là “cản ngăn ý định của Thiên Chúa, là thỏa hiệp với Sa Tan”. Ý nghĩa đó phải chăng đã cô đọng và âm vang trong tiếng hét đầy tức giận của Chúa Giêsu dành cho Phêrô: “Satan hãy lui sau Thầy !”.

2. Sống đức tin: hãy can đảm nói “không” và nói “có”:

Đã hai ngàn năm rồi, Hội Thánh không ngừng học mãi bài học hôm nay: bài học “đi lên Giêrusalem” của Thầy Chí Thánh; và tuy có đôi lúc, đôi nơi, Hội Thánh quên đi bài học đó để dừng lại chạy theo những “ông thầy” của thế gian, thì Hội Thánh lại được Chúa Thánh Thần lên tiếng cảnh báo, nhắc thầm, qua bao nhiêu dấu chỉ, con người, huấn dụ… Đặc biệt với những hình tượng sống động là dòng chảy không ngừng của các Thánh nhân với đông đảo chứng nhân anh hùng tử đạo, các thánh hiển tu, ẩn tu, đồng trinh, các người cha, người mẹ thánh thiện, các thanh niên thiếu nữ quảng đại, những thiếu nhi trong sạch, can đảm…Vâng kể từ Vị tử Đạo đầu tiên Stêphanô bị ném đá chết trên chính quê hương của Đấng Cứu Thế, rồi đến lượt “Người Ngư Phủ” Phêrô bị đóng đinh ngược đầu trên đồi Vatican, Dân Chúa tiếp tục chọn lựa con đường của Đức Kitô, Con đường Thập Giá mà những Agata, Lucia, Lorensô…của những thế kỷ đầu tiên, cho đến Phanxicô Assisi, Anrê Phú yên, Tôma Thiện, Anê Thành, Gioan Vianey, Maria Goretti, Têrêxa hài Đồng, Maximiliannô Kolbê, Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta, Giám mục Rômêrô…đã không ngừng noi gương đi trước.

Chính vì thế, sống đức tin hôm nay đó chính là:

- Dám nói “không” trước những mời mọc của sự giàu có thế gian mà tiền bạc của cải là kết quả của những đầu tư bất chính, bởi gian dối mánh mung… để sẵn sàng vươn lên bằng nước mắt mồ hôi của chính mình, với cần cù liêm chính nơi bàn tay, khối óc…

- Dám can đảm nói “không” trước những mời mọc của xác thịt đam mê, của ngoại tình ly dỵ… để trung thành bảo vệ cương thường luân lý của đời sống hôn nhân gia đình, để thủy chung son sắt với những lời cam kết trong ngày lãnh bí tích Bí Tích Hôn nhân.

- Dám nói “không” trước những dối trá lọc lừa, mánh mung bất chính, cho dù phải chấp nhận thua lỗ hoặc bị trù dập, chụp mũ, loại trừ chỉ vì dám sống thanh liêm chính trực…

- Dám nói “không” trước những ươn lười hưởng thụ ích kỷ, tìm kiếm an nhàn, né tránh bận bịu vất vả nhọc mệt, để quảng đại dấn thân phục vụ trong tăm tối, ẩn khuất và đôi khi chấp nhận thiệt thòa, nguy hiểm, thương đau.

Cũng vậy. Sống đức tin hôm nay là không ngừng biết “sẵn sàng nói “Có”.

- Là sẵn sàng nói có bằng đôi tay nhiệt thành phục vụ công ích, bằng ánh mắt vui tươi để sẻ chia và cảm thông, bằng trái tim bao dung để thứ tha và chấp nhận.

- Là sẵn sàng nói “có” khi hành động như lời kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Khó khăn: tìm an ủi người hơn được người ủi an, hiểu biết người hơn được người hiểu biết, yêu mên người hơn được người mến yêu…

- Là sắn sàng nói “Có”, khi biết không ngừng đón nhận mọi đắng cay bệnh hoạn, thất bại, tủi buồn trong niềm tin yêu phó thác…

Phải chăng đó chính là điều mà Thánh Phaolô trong trích đoạn thư Rôma hôm nay đã nhắc khéo chúng ta bằng những lời thâm thúy: “hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa…Anh em đừng có rập theo đời nầy nhưng hãy cải biến con người…hầu nhận ra thánh ý Thiên Chúa…”

Trong một thế giới mà sự “rập khuôn theo tinh thần thế tục” đang có nguy cơ chiếm lĩnh nhiều tâm hồn, đặc biệt tâm hồn các bạn trẻ, sứ điệp Lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi khẩn thiết và cũng là một ánh sao soi đường dẫn lối để chúng ta cùng dõi bước đi lên.

Và cho dù chúng ta thoáng thấy ở cuối “cuộc hành trình lên Giêrusalem” đó chính là thập giá, là khổ nạn, thì cũng vẫn sắt son trung thành và tin tưởng để thân thưa với Chúa bằng tất cả trái tim nồng nàn tin yêu như ngôn sứ Giêrimia đã phát biểu trong Bài đọc 1 hôm nay: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để Ngài quyến rũ…Lời Ngài như ngọn lửa bừng cháy trong tim con…”

Và con đường “lên Giêrusalem” lại phải bắt đầu ngay hôm nay, giờ nầy, để xây dựng một thế giới mới đang cần được tái tạo bởi những “ngôn sứ mới của Tin Mừng” như lời của ĐTC Bênêdictô nói với giới trẻ trong bài giảng bế mạc Ngày Thế Giới giới trẻ tại Sydney vừa qua:

“Các bạn trẻ thân mến, Chúa Kitô đang yêu cầu chúng con trở thành những ngôn sứ cho thời đại mới này, trở thành những sứ giả của tình yêu Chúa, có khả năng thu hút con người đến với Thiên Chúa Cha và xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho toàn thể nhân loại. Thế giới đang cần đến sự canh tân này! Tại nhiều xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất, mỗi lúc một lan rộng thêm sa mạc thiêng liêng: một sự trống rỗng nội tâm, một nỗi sợ không thể diễn tả, một cảm thức thất vọng ngấm ngầm. Thử hỏi có biết bao người đồng thời chúng ta giống như những thùng nước bị nứt và khô trống (Gr 2:13) đang đi tìm cách tuyệt vọng ý nghĩa cuộc đời, đi tìm ý nghĩa cuối cùng mà chỉ có tình yêu mới có thể ban cho? Ðây là một hồng ân cao cả và có sức giải phóng mà Phúc Âm mang đến: hồng ân biểu lộ phẩm giá của chúng ta như là những con người nam nữ được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa. Hồng ân mạc khải ơn gọi cao cả của nhân loại, một ơn gọi tìm gặp sự thành toàn trọn vẹn trong tình yêu thương. Hồng ân phơi bày sự thật về con người và sự thật về sự sống.

Giáo Hội cũng cần đến sự canh tân này! Giáo Hội cần đức tin của chúng con, cần tinh thần lý tưởng hoá và lòng quảng đại của chúng con, để Giáo Hội được luôn tươi trẻ trong Chúa Thánh Thần (x. Lumen Gentium, số 4)! …. Hãy mở rộng tâm hồn chúng con đón nhận sức mạnh này! … Xin đừng sợ thưa Vâng với Chúa Giêsu. Chúng con đừng sợ tìm gặp niềm vui trong việc thực hành Thánh Ý Chúa, vừa hiến thân trọn vẹn để đạt đến sự thánh thiện vừa đồng thời sử dụng những tài năng chúng con phục vụ tha nhân!”

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 31.08.2008. 23:13