Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Trở về (Mùa Chay 4C)

§ Thanh Thanh

Trở về, hành động đòi dứt khoát, mau lẹ, quay ngược lại với đoạn đường đã đi để bước sang lối mới. Lối này tuy nhiều khó khăn về bản thân, cám dỗ do ma quỷ, sức ép của gia đình, áp lực của dư luận, nhưng nhờ ơn Chúa, con người sẽ tìm về được con đường an toàn cho tính mạng và cho linh hồn. Vậy muốn trở vể, ta phải nhận ra tình trạng thật của mình, của gia đình và của Thiên Chúa.

Trở về khi nhận ra mình đã sai

Vua Đavít đã để lại cho chúng ta một tấm gương về sự trở về: sau khi phạm tội ngoại tình với vợ người ta, và đã giết chồng của họ để bịt đầu mối. Nhưng Thiên Chúa đã sai tiên tri Nathan đến cảnh cáo ông về sự sai trái đó. Vua đã sớm nhận ra lỗi lầm của mình và tỏ lòng sám hối ăn năn xin Chúa tha thứ.

Trở về là hành động cần thiết trong tiến trình trưởng thành nhân cách và thiêng liêng. Vì ai cũng có tội lỗi và lỡ lầm cả. Nếu “Ai nói mình không có tội, đó là kẻ nói dối và sự thật không có ở trong họ”(x. 1Ga 1,10). Thánh Phaolô cũng đã tự thú: “Tôi ăn ở như một người ngu, còn sự lầm lỗi của tôi thì vô kể”(Ep 4,11).

Trở vì khi nhìn thấy nét đẹp của Chúa và của gia đình

Có một thanh niên người Iran được cha mẹ cho sang Mỹ học, và hàng tháng gửi tiền không những để sống mà còn gởi thêm tiền để dành, hy vọng cả gia đình sẽ sang ở luôn. Nhưng cậu lại ăn xài hết cả tiền, nên khi nghe cha mẹ sang định cư cùng với mình thì lo sợ, nên đã dàn cảnh để xảy ra tai nạn xe, và hy vọng cha mẹ sẽ nhận được tiền bảo hiểm.

Hậu quả thật tai hại: bản thân thì chết, gia đình không nhận được đồng xu nào, vì cảnh sát đã điều tra ra sự thật.

Cậu không nhìn thấy được nét đẹp của đón nhận và thứ tha của cha mẹ, nên đã không có động lực để trở về trình bày mọi sai lầm, điều xấu của cho cha mẹ.

Hình ảnh của Giuđa cũng vậy, vì không nhìn thấy được tình thương nơi Thầy Giêsu dành cho ông và cho nhân loại lớn đến dường nào, nên đã không đủ cản đảm trở về. Ông đã thắt cổ.

Cho dù tình trạng của mình chẳng thơm tho chút nào, thì cũng hãy mạnh dạn trở về. Cho dù bề ngoài có khắt khe, la rầy, nhưng từ thâm tâm cõi lòng, cha mẹ nào cũng muốn mở đường để ta có cơ hội sửa sai, làm lại cuộc đời. Tình thương và lòng từ bi của Thiên Chúa còn lớn lao hơn con cha mẹ rất nhiều, ta hãy tin tưởng vào Ngài mà can đảm đứng dậy trở về.

Trở về khi tin rằng mình sẽ được đón nhận

Đừng thất vọng về tình trạng nhơ uế của mình. Sa ngã là chuyện có thể xảy ra cho thân phận mỏng giòn của con người. “Con người giống như cây sậy phất phơ trước gió mà” (Pascal). Nhưng cố đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, và trưởng thành hơn trong thời gian, thì đó mới là người có niềm tin.

Tin là điểm đến để ta bàn hỏi, cậy dựa, cộng tác, trợ giúp. Tin là chỗ dựa để gởi gắm cuộc đời, hiến trọn kiếp người. Tin là bước đi khởi đầu để trọn mặt gởi vàng. Là bước chân đầu tiên trong hành trình trở về với sự thật, để được giải thoát khỏi ma quỷ, để xây dựng các mối tương quan với nhau và với Chúa.

Trở về khi hy vọng mình nối lại được tình xưa nghĩa cũ

Đối với Chúa, đêm cũng như ngày, không gì có thể qua được hay ra khỏi ánh mắt thương xót của Ngài. Ngài biết hết và nhớ hết mọi sự. Nhưng với tội lỗi con người, thì lại quên. Bởi nếu Chúa chấp tội thì ai có thể đứng vững được chăng.

Con người với nhau đã có quá nhiều kinh nghiệm về phản bội, bất trắc, mong manh. Nên hy vọng sau cùng của con người là dựa vào Chúa.

Mỗi khi sa ngã phạm tội là chúng ta đã phản bội Chúa và làm cho tình yêu này bị sứt mẻ.

Đối với nhau, khi bị phản bội thì ta cắt đứt liên hệ. Nhưng với Chúa thì ta không thể. Bởi tách khỏi Ngài thì con người sẽ chết. Ngài chính là hơi thở, là sinh khí cho mọi thụ tạo, nên lìa bỏ Ngài thì sẽ bị huỷ diệt.

Cách khôn ngoan là trở về với Ngài, Ngài sẽ bổ sức và tẩy rửa để ta được trắng tinh vẹn toàn, được xứng đáng vào ngồi dự tiệc với những người công chính.

Cách thức trở về, quả thật, rất dễ và rất nhiều. Ấy là nhìn nhận tội lỗi của mình, rồi lãnh ơn hoà giải. Ấy là làm hoà với nhau, xây dựng lại tình nghĩa với cha mẹ, anh em. Ấy là gắn bó với Chúa nhiều hơn qua các việc phụng tự của Giáo hội. Ấy là xoè tay ra đón nhận ơn trên ban cho hàng ngày như nắng như mưa, như không khí ta thở mỗi giây phút.

Trở về khi xác tín mình được tha thứ

Dụ ngôn người con hoang đàng được nhiều người thích thú, quan tâm. Vì có bài học rõ ràng, hình ảnh diễn tả cụ thể. Nhưng thường người ta chỉ chú ý đến người con út thôi, trong khi dụ ngôn nói tới hai người.

Người con Út. Anh đã nhận phần tài sản của mình đi rồi xa. (Luật Do thái, khi nhà có hai con, gia tài chia cho con út là một phần ba) Chuyện ấy chẳng có gì khác thường. Điều khác thường là anh ta phung phí gia tài đến độ không còn một xu dính túi vào đúng dịp xảy ra nạn đói lớn. Thế mới khổ.

Nhìn heo mà nghĩ đến mình. Chính lúc bần cùng khi chăn heo để thoát chết, anh mới nhận ra sự thật là mình đúng không bằng heo. Nên quyết định trở về. Dĩ nhiên, có chuẩn bị các tình huống, các câu nói khi đối diện với người cha ở nhà.

Còn người Cha thì luôn mong nhớ con từng ngày và muốn nó trở về. Ông đã mở con đường sống cho anh.

Thực tế đã xảy ra như vậy. Khi trở về, ông phục hồi tư cách làm con cho anh. Ông trao áo choàng, xỏ nhẫn, trao giày.

Người con Cả. Anh rất siêng năng, điều độ, cẩn thận, chu đáo, kỹ lưỡng, kèm sự tính toán và ghen tị, ích kỷ.

Sự việc là khi em trở về, anh rất ngạc nhiên bởi tiếng đàn ca rộn rã, người người tấp nập.

Anh bất bình với hành động của cha già, thái độ bực tức đến độ không thèm nghe lời phân trần của cha nữa. “Tại sao suốt đời đã làm tôi ở trong nhà, sai gì làm nấy, thế mà không bao giờ thấy ai tổ chức lễ lạc mừng cho tôi, đến một con bê để thết đãi chúng bạn cũng không có. Còn thằng con của ông đó, sau khi ngốn sạch tài sản với bọn đàn bà rồi trở về, vậy mà còn giết bê béo ăn mừng”.

Máu ghen tị của anh đã dâng cao như nước lũ, khiến anh không con phân biệt đâu là tình nghĩa máu thịt nữa. Anh sợ người em út sẽ lại chia bớt phần gia tài của mình. Hình ảnh ghen tị này giống những người trong câu truyện chủ trả công cho người đến sau cũng bằng mình làm từ sáng sớm vậy…

Người Cha: Con ạ, mọi sự của cha đều là của con. Con vẫn là người thừa kế cơ mà! Có ai lấy mất phần của con đâu. Bổn phận của con bây giờ là công việc nhà, là tiệc mừng: vì em của con đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy.

Dụ ngôn cho ta nhìn đến người con út, hình ảnh của tội nhân biết tin vào lòng Chúa thuơng xót mà can đảm trở về.

Dụ ngôn cho ta nhìn đến người anh, hình ảnh của người Biệt phái. Ghen tức vì tình thương của Chúa Giêsu cho dân ngoại, để đề phòng, tránh xa.

Dụ ngôn cho ta nhìn đến hình ảnh sống động về lòng từ bi của Thiên Chúa, mà đem lòng yêu mến, thờ phượng Ngài.

Dụ ngôn này đặt vào khung cảnh mùa chay, cho thấy Thiên Chúa đã tạo thêm cơ hội để con người quay về đường chính nẻo ngay.

Dụ ngôn này cho thấy Ngài không chú ý tình trạng tội lỗi của ta, mà chỉ chú ý đến thái độ, đến thiện chí và lòng mến của ta thế nào đối với Ngài. Hành động đón nhận con người trong tình trạng ô uế như vậy cho biết tình yêu của Thiên Chúa vô cùng lớn lao.

Dụ ngôn này nhắc ta đừng đi vào con đường của các người biệt phái, luật sĩ, có chấp, ghen tị, tức tối, đấu tranh, chỉ nghĩ đến bản thân, thiếu khoan dung và lòng từ ái.

Nếu Giáo hội đề nghị ta làm đơn phong thánh, ta có dám làm không? Vậy lý do tại sao ? Đơn giản là ta giống người anh hoặc giống người em. Anh hay em thì cũng đều có tội. Em hay anh cũng đều phải ăn năn sám hối. Ta có tội thì tại sao ta không chịu sám hối!

Mùa chay là mùa làm đẹp, ta hãy tẩy rửa, don dẹp để tâm hồn ta trở nên trong sáng, xứng đáng lãnh ơn ơn Phúc sinh gần kề.

Ta hãy may trở về. Đừng để Chúa phải đợi ta thêm nữa.

Chúa luôn chờ đợi con người trở về, nhưng quan trọng là ai dám trở về.

Thanh Thanh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 10.03.2010. 20:37