Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tóm Về Hai Nầy Mà Chớ…!

§ Giuse Nguyễn Thế Bài

Chúa Nhật XXX TN (Năm A)
Mt 22, 34 – 40

XU HƯỚNG NHỎ HOÁ VÀ GỘP HOÁ

Người Pháp diễn tả cuộc sống hiện đại mà họ ngán ngẫm chịu đựng cái “routine” (đều đặn, máy móc, buồn nản) bằng ba từ ngữ : “metro – boulot - dodo” (xe điện ngầm – công việc - ngủ). Một ngày như mọi ngày. Cuộc sống được chuẩn hoá đến mức con người trở thành một thứ rô-bốt và muốn mọi thứ cũng phải được làm cho gọn nhẹ, không chỉ tiện dụng, mà không đòi hỏi thời giờ công sức. Với công nghệ ngày nay, chiếc điện thoại di động ngày càng đáp ứng được mọi đòi hỏi của những người khó tính nhất: hai “sim”, chụp hình, nghe nhạc, xem phim, truy cập internet, gửi thư, v..v...và chắc chắn các tính năng không dừng lại ở đó, trong khi bản thân chiếc điện thoại ngày càng được nhỏ hoá và mỏng hoá, với giá cả ngày càng dễ chấp nhận. Cũng trong xu hướng “gộp hoá” tạo thuận lợi tối đa đó, các nhà tiếp thị biết thuyết phục các bà nội trợ không chỉ bằng quảng cáo về chất lượng vượt trội của sản phẩm chào bán, mà còn cố gắng “gộp” lại để có “hai trong một”, “ba trong một”!

Phải chăng “mười điều răn ấy”, - mười điều răn ‘gốc’,- sau một thời gian dàu qua bàn tay luật sĩ Do Thái nhào nặn, đã trở thành một bộ luật đồ sộ, cồng kềnh, đến cả Chúa Giêsu cũng thấy ớn rét - 613 điều – nay cũng được Chúa Giêsu đi trước thời đại với việc “gọn nhẹ hoá” và trở thành “tóm về hai nầy mà chớ!”? Với những lần và những lời Chúa Giêsu quở trách các luật sĩ, biệt phái, thì dường như suy nghĩ nầy không sai: Chúa Giêsu tinh giản tất cả và “tóm về hai nầy mà chớ!”. Nhưng bí quyết để “tinh giản, gọn hoá” tối đa, mà vẫn bảo đảm chất lượng, không ai có thể hời hợt tự châm chước hoặc lấp liếm dối trá : yêu mến, cái mà về sau Thánh Augustinô đã dám khẳng định :”ama et fac quod vis” (hãy yêu và hãy làm những gì mình muốn).

AN BÌNH và HOÀ BÌNH

Sức khoẻ theo định nghĩa của WHO (tổ chức y tế thế giới) không chỉ là không có bệnh tật, mà còn phải được sống trong môi trường văn hoá, xã hội, tâm lý hoàn hảo. Cũng thế, hoà bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, mà còn phải được sống trong một bầu khí chan hoà, tôn trọng, không có sự dữ và tội ác, không ghen ghét đố kỵ, không sợ hãi nghi ngờ, không dối trá bất công, cả với cá nhân cũng như cộng đồng. Cũng là một từ ngữ tiếng Âu Mỹ, “Peace – Paix”, nhưng “hoà bình” chỉ có được, khi trong mỗi con người, giữa những con người, trong mỗi cộng đoàn, giữa những cộng đoàn, có “an bình”. Với những điều kiện như vây, Sức Khoẻ cũng như Hoà Bình xem ra vẫn chỉ trong ước mơ và vẫn phải chấp nhận cái tương đối.

Với Chúa Giêsu - và Người truyền dạy điều ấy cho chúng ta – an bình là điều quan trọng nhất trong cuộc sống Kitô-hữu. Nó giúp chúng ta luôn thăng bằng trong mọi giông tố cuộc đời. Nó làm cho tâm chúng ta hài hoà, tĩnh lặng ngay giữa những xáo trộn, thế sự thăng trầm. Nó giữ chúng ta thư thái hài hoà giữa bao tranh chấp, đố kỵ, dục vọng. Nó cho chúng ta luôn sống liên kết với Thiên Chúa và với tha nhân. Nó làm nên sự khác biệt giữa con cái Chúa (sự sáng) và con cái thế gian (bóng tối). Bình an là lời chúc và ơn lành Chúa Giêsu ban cho các môn đệ, nhất là sau khi Người phục sinh. An bình là hoa trái của phục sinh, của Chúa Kitô và của cả mỗi người chúng ta, với điều kiện là chúng ta cùng chịu khổ nạn với Chúa Kitô để cùng sống lại với Người. Có an bình của Chúa, tức là có hoà bình. Không có an bình, thì không thể có hoà bình (nhiều lắm thì cũng chỉ là ngưng chiến tranh). Vì thế, mười điều răn hoặc một trăm điều răn cũng sẻ vô ích, nếu chúng không nhằm để tôn vinh ngợi khen cảm tạ Chúa và hoàn thiện hơn con người để xứng đáng hơn với ơn phúc to lớn làm con Chúa. Chúng chỉ là những nhịp cầu giữa Thiên Chúa và Trần Thế. Tình yêu mới là cái dẫn con người đến với Chúa.

SỐNG VÀ LÀM THEO LUẬT PHÁP

“Sống và làm theo luật pháp” là ước mơ của tất cả mọi chính phủ đối với con dân của mình. Một đất nước với những người dân hiểu biết luật pháp, tôn trọng và giữ nghiêm luật pháp, thì tội ác sẽ được giảm thiểu tối đa. Nhưng luật lệ - dù là luật Chúa ban - chỉ là những cái khung tối thiểu, những điều kiện tốt nhằm giúp chúng ta vững vàng tiến về Nước Trời. Luật lệ không bao giờ là cái đích đến. Lex, dura lex, sed lex : luật bao giờ cũng cứng rắn, song luật là luật. Chỉ khi nào người ta khoác cho nó bộ mặt nhân bản,thì nó sẽ có tình người hơn. Chỉ khi nào nó được thấm nhuần tinh thần của Chúa, của Tin Mừng Bác Ái yêu Thương, thì lúc đó mới đúng như câu nói của Chúa Giêsu: “ách của ta thì êm ái; gánh của Ta thì nhẹ nhàng”. Luật lệ khi ấy không còn là những điều ép buộc, khắc nghiệt và khô khan, nhằm gò bó con người nữa, mà trở thành những nấc thang dẫn chúng ta tới gần Chúa ngày một hơn.

Ở trong các làng truyền thống Việt-Nam, luật pháp ít ảnh hưởng trực tiếp, vì có các “hương ước”. Cha ông vẫn nói: “luật vua thua lệ làng”.Người dân trong lũy tre xanh chỉ cần tuân giữ “lệ làng” là đã quá đủ, bởi vì trong “lệ làng” có điều mà “luật vua” không thể có được : lòng nhân ái, tình xóm giềng. Ngược lại, ngoài lũy tre, trong thành thị văn minh hơn, một người bị luật pháp ghép tội bỏ tù, cũng chỉ lo âu vì mất tự do và ảnh hưởng đến kinh tế gia đình; trong khi phía bên trong lũy tre, phạm vào một lỗi nhỏ thôi, nhưng trên làng dưới xóm biết được, thì không cần ai lên án,cũng đã đủ xấu hổ nhục nhã. Tình làng nghĩa xóm có sức manh hơn mọi luật pháp. Một cách nào đó, đời sống và thái độ của Kitô hữu đối với luật pháp - của loài người hoặc như Chúa ban cho Dân Riêng – cũng có thể so sánh phần nào như vậy. Và chỉ cần tinh thần “yêu mến” là thay đổi được tất cả.

NGƯỜI KHỜ DẠI NÀO ĐÂU CÓ BIẾT,
KẺ NGU SI CHẲNG HIỂU ĐIỀU NẦY (Tv 91.7)

Nguồn gốc và điểm tham chiếu của mọi luật lệ, luật pháp thế giới là luật tự nhiên, dựa trên tự do và phẩm giá của con người. Tự do và phẩm giá ấy dù bị xâm phạm qua bao đời, vẫn không thể bị dập tắt hủy hoại, vì đó là quyền con người, là những gì làm cho con người vượt trên mọi loài thọ tạo. Luật tự nhiên, về phần nó, lại xuất phát từ ý muốn của Thiên Chúa, vì đơn giản là mỗi người sinh ra đều được phú cho lương tâm, để không cần luật pháp, con người cũng biết phân biệt phải trái,tốt xấu một cách…tự nhiên. Anh vô thần hay tôi Kitô-hữu thì cũng đều biết rằng vu oan giá hoạ cho kẻ khác là xấu xa đê tiện. Dù luật pháp bị anh nhào nặn bóp mép, thì tiếng lương tâm cũng mách bảo là anh làm sai. Dần dà vì hành động sai trái nhiều lần và lì lợm cố chấp, lương tâm anh chai đá, nhưng không vì thế mà các hành vi xấu xa sai trái của anh trở nên tốt được.

Sách nhà Phật (khi anh chẳng tin giáo lý đạo Công giáo) có nói: “Khẩu nghiệp có bốn: nói dối - nói trau chuốt - nói đôi chiều -, nói hung ác. Nói dối là nói lời không thành thật, lời đã không thành thật thì tâm cũng không thành thật, do đó nhân cách bị tổn thất rất nhiều. Nói trau chuốt là nói lời phù phiếm hoa tình, khiến cho người sanh ra tâm niệm dâm đãng. Nói đôi chiều là nói khiêu khích thọc mách sự phải quấy của đôi bên, nhỏ thì lầm lạc người, lớn thì hư nhà hại nước. Nói hung ác là nói lời ác độc như gươm đao, khiến cho người khó nhẫn chịu sanh ra buồn khổ. Bốn điều nầy không làm thì khẩu nghiệp lành, làm thì khẩu nghiệp ác” (Tịnh Độ, người dịch : TT Thích Thiền Tâm).

Khi khẩu nghiệp biến thành hành động, thì sẽ ra sao? Không cần phải 60 năm Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền hoặc đạt bút ký vào, mới biết hành động thế nào là xâm phạm quyền con người. Chỉ khi tán tận lương tâm, khi mù quáng tuân theo học thuyết u mê hoặc mệnh lệnh kẻ khác và bán rẻ mình, thì mới bỏ qua chút thiện căn cuối cùng, để hành động sai trái xấu xa. Thánh vịnh 91 đã định nghĩa hạng người có lối suy nghĩ, nói năng và hành động rồ dại nầy : “Người khờ dại nào đâu có biết; kẻ ngu si chẳng hiểu điều nầy”. Chuyện “ếch ngồi đáy giếng” xưa nay vẫn thế!

Vì thế, hai điều mà Chúa Giêsu muốn đặt vào hai giới răn “tóm về hai nầy mà chớ!” từ các luật lệ và tiên tri, ấy là trước hết điều kiện sine qua non của luật Chúa, hay đúng hơn, của cách giữ luật Chúa : TÌNH YÊU. Sau đó, tiêu chí giúp ta nhận biết tính chính xác của việc ta tuân giữ luật Chúa, ấy là AN BÌNH: nếu giữ luật Chúa theo tinh thần Tin Mừng, sẽ có an hoà, an bình; nếu chỉ giữ hình thức (như biệt phái) hoặc chỉ nhìn ở góc độ con người, chưa kể là lạm dụng để hiếp đáp, ngang ngược, thì không bao giờ có an hoà, hoà bình.

CVK Nguyễn-Thế-Bài TÌNH CA CHO NGƯỜI ĐƯỢC YÊU 125

Giuse Nguyễn Thế Bài

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 22.10.2008. 13:05