Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật

§ Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Chúa Nhật XXXIV Thường Niên B (22.11.2009)
Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ
Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33b-37

Cuộc trao đổi giữa Đức Giêsu và ông Philatô về vương quyền của Đức Giêsu trong trình thuật thương khó theo tin mừng Ga, là một cuộc trao đổi bi hùng và quan trọng. Chúng ta sẽ suy niệm Ga 18,36-37 để hiểu Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ là ai và Ngài hành xử vương quyền như thế nào.

Ga 18, 36: Đức Giêsu trả lời [ông Philatô]: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi đã cố chiến đấu, không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Ấy vậy Nước tôi không thuộc chốn này."

Đức Giêsu khẳng định một cách tường minh về tư cách là vua của chính bản thân Ngài, nhưng Ngài phủ nhận mọi kiểu thức vương quyền mà ông Philatô đã từng biết đến hay có thể nghĩ đến.

Lời quả quyết “Nước tôi không thuộc về thế gian này” cần phải được hiểu trong sự song song với lời quả quyết mà Đức Giêsu đã nói về chính mình trước đây: “Tôi không thuộc về thế gian này” (8,23). Đáng chú ý là lời quả quyết “Tôi không thuộc về thế gian này” đã được tuyên bố trong ngữ cảnh của lời khẳng định “Êgo êimi” (“Chính là Ta”, “Ta Hằng Hữu”), vốn là lời khẳng định có ý diễn tả thực tại hằng có trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Người ta sẽ chỉ có thể hiểu đúng về vương quyền của Đức Giêsu khi ý thức về thực tại hằng có trong mầu nhiệm bản thân Ngài. Nền tảng của vương quyền của Đức Giêsu là chính thực tại huyền nhiệm và siêu việt của thân phận thần linh và của sứ mạng Mêsia của Ngài.

“Thế gian này” là hệ thống bất công, hệ thống áp bức con người, và gắn liền với nó là tội lụy (x.8,23). Đức Giêsu đến để phục vụ con người và Ngài từ chối thi thố quyền hành thống trị trên người ta (6,10.15). Trong tư cách một vị vua, Ngài sẽ là Con Người được nâng cao lên, và khi ấy, Ngài ban tặng chính sự sống mình để cứu độ loài người (12,13.15.32.34; x. 3, 3.5.14). Như thế, Ngài đối nghịch hoàn toàn với “đầu mục thế gian này” (12, 32; 16,11).

Đức Giêsu nói tiếp: “Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi đã cố chiến đấu, không để tôi bị nộp cho người Do Thái”. Đặc điểm nổi bật của vua chúa thế gian là họ dựa trên sức mạnh mà thiết lập quyền thống trị của mình. Đức Giêsu coi việc sử dụng bạo lực là thuộc về lãnh vực của sự bất công.

Chính ở điểm này mà vương quyền của Ngài hoàn toàn phân biệt với mọi thứ quyền lực thế gian. Việc từ khước sử dụng bạo lực là một bằng chứng cho thấy Ngài hoàn toàn khác hẳn các vua thế gian. Sự đối lập giữa tâm thế của Ngài với tâm thế của “thế gian này” là rất rõ ràng. Ngài tự nguyện nộp mình và ngăn cản ông Phêrô sử dụng sức mạnh (18,11). Ngài không cạnh tranh với các đối thủ của mình, và Ngài nộp mình trong tay họ.

Vương quyền của Đức Giêsu không hề bắt nguồn từ bất cứ nền tảng nào của thế gian này: “Nước tôi không thuộc chốn này”. Vương quyền ấy dựa trên một nền tảng hoàn toàn khác chứ không được diễn tả trong một hệ thống ngôn ngữ pháp lý thế gian. Ở 8,23 Đức Giêsu đã từng khẳng định: “Các ông bởi hạ giới, còn tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này, còn tôi không thuộc về thế gian này”. Như thế, “không thuộc chốn này” đồng nghĩa với “không thuộc về thế gian này”, và “Nước tôi không thuộc chốn này” tức là “Nước tôi thuộc thượng giới”, thuộc về thế giới của Chúa Cha và của Thần Khí.

Vương quyền trong Nước ấy, do đó, là vương quyền thông ban sự sống bởi tình yêu và tự do. Quả thực Đức Giêsu là Đấng Mêsia, là Vua được Thiên Chúa xức dầu, nhưng Ngài sẽ không buộc mọi người chấp nhận vương quyền của Ngài: hành động đón nhận Ngài như vị Vua Mêsia phải là một chọn lựa tự do hoàn toàn. Sự kiện Đức Giêsu hoàn toàn tôn trọng tự do của người ta đã được thể hiện một cách rõ ràng trong bữa Tiệc Ly, bằng việc Ngài chấm miếng bánh mà trao cho ông Giuđa (13,26b). Và đó cũng chính là lúc Ngài tự nguyện nộp mình vào cõi chết (13,31).

Ga 18, 37a: Ông Philatô liền nói với Ngài: "Vậy ông là vua sao? " Đức Giêsu đáp: "Ông nói đó: Tôi là vua”.

Lời tuyên bố của Đức Giêsu ở c. 36 nói trên đã khiến ông Philatô ngạc nhiên. Câu hỏi đầy ngạc nhiên của ông đã được tác giả Gioan sử dụng để đưa câu trả lời của Đức Giêsu đến chỗ cho thấy rõ ràng hơn vương quyền thực sự của Đức Giêsu là gì. Trước tiên, giống với câu trả lời trước, Đức Giêsu khẳng định một cách tường minh về tư cách là vua của Ngài. Tuy nhiên, Ngài đã cố ý không thêm “của người Do Thái”. Nước Thiên Chúa, trong đó Đức Giêsu có vai trò là vị vua Mêsia, mở rộng cho tất cả mọi người được sinh ra “bởi trên” nhờ nước và Thần Khí” (3, 3.5).

Ga 18, 37b: Chính vì lẽ này mà tôi đã được sinh ra, và chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian: ấy là để làm chứng cho sự thật.

Đức Giêsu giải thích về vai trò làm vua của Ngài. Vai trò này xuất phát từ chính phẩm chất của vương quyền Ngài. Đó không phải là vai trò cai trị hoặc điều hành như các kiểu làm vua thế gian, mà là vai trò làm chứng cho sự thật. Với lời giải thích này, Đức Giêsu đã minh định rõ ràng cho quan tổng trấn Philatô hiểu về ý nghĩa của cuộc sống và của các hoạt động của Ngài.

Mệnh đề “Tôi đã được sinh ra” cần phải được nối kết với 3, 6.8: “sự gì sinh bởi Thần Khí là thần khí… cũng vậy về mọi kẻ sinh bởi Thần Khí”. Đức Giêsu đã đón nhận sự viên mãn của Thần Khí (1,32-33), Đấng là Thần Khí sự thật (14,17; 15,26; 16,13). Ngài đã được sinh ra bởi Thần Khí. Vì thế, sứ mạng của Ngài là làm chứng cho sự thật.

Nhưng mệnh đề ấy cũng còn phải được đặt trong tương quan với những xác định đã được đưa ra trong Ga: “Con Một và là Thiên Chúa” (1,18), “Con Một” (1,14; 3,16.18), “Con Thiên Chúa” (1,34…), “Con” (3,35.36). “Tôi đã được sinh ra”, vì thế, có nghĩa là được sinh ra làm Con Thiên Chúa.

Ngữ đoạn “đã đến trong thế gian”, trong Tin Mừng Ga, đã từng được áp dụng hai lần cho ánh sáng (3,19; 12,46), và trong lần thứ hai, Đức Giêsu minh nhiên áp dụng cho chính mình nữa. Sự thật mà Ngài làm chứng, và cũng là chính Ngài (14,6), như thế, được đồng hoá với ánh sáng, tức là với ánh huy hoàng của sự sống (1,4). Trong tin mừng Ga, Đức Giêsu làm chứng về “điều mà chúng tôi đã thấy” (3,11), về “điều mà chính Ngài đã thấy và đã nghe” (3,32), về sự quyết liệt từ chối thế gian vì cách thức hành động gian tà của nó (7,7), và về chính bản thân Ngài liên quan đến sứ vụ mà Ngài thi hành (8,14). Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng, như vậy, là chính kinh nghiệm của Ngài (3,11.32; 8,14b), kinh nghiệm về Thần Khí là tình yêu và sự sống. Được tràn đầy Thần Khí, chính Đức Giêsu là sự sống, và do vậy, là sự thật (14,6). Ngài là sự thật của tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian (3,16) được thể hiện nơi con người và hoạt động của Ngài; sứ mạng của Ngài là mạc khải và thông ban chính sự sống Ngài có nơi mình. Và như thế, Đức Giêsu là sự thật về Thiên Chúa vì Ngài thể hiện tình yêu của Thiên Chúa, và là sự thật về con người bởi Ngài là chính sự thực hiện chương trình của Thiên Chúa về con người. Đức Giêsu làm chứng về sự thật đó. Và là làm chứng bằng chính cái chết trên thập giá. Đó sẽ là công trình lớn lao nhất của Đức Vua, sẽ là sự tỏ lộ cao nhất của vinh quang Ngài (17,1) và sẽ là sự hoàn tất chương trình tạo thành (19,30).

Mệnh đề “chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian” cho thấy: sứ mạng của Đức Giêsu được thực hiện trong lịch sử. Vương quyền của Ngài hoàn toàn khác hẳn với quyền lực thế gian này, vốn là thứ quyền lực được vận hành như là một hệ thống bất công. Tuy nhiên, bởi lẽ sứ mạng của Đức Giêsu là làm việc trong tạo thành để đưa tạo thành đến chỗ hoàn tất (5,17; 19,30a), nên vương quyền của Ngài cần phải được thi thố ngay bên trong lịch sử nhân loại, và hơn nữa, cung cấp cho lịch sử đó hướng đi đích thực. Điều này phù hợp với lời cầu xin mà Đức Giêsu đã dâng lên Cha trong bữa Tiệc Ly: “Con không xin Cha cất chúng khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng khỏi kẻ dữ” (17,15). Cộng đoàn của Đức Giêsu giữa thế gian không phải là một pháo đài cho phép người ta trốn tránh thế gian và lịch sử, nhưng là cộng đoàn mang nơi chính mình sức năng động hữu hiệu của Thần Khí là thực tại thánh hiến cộng đoàn đó cho một sứ mạng cao cả. Hoạt động của cộng đoàn đó sẽ là sự tiếp nối hoạt động của chính Đức Giêsu là làm chứng cho sự thật, do đó, sẽ khơi lên giữa thế gian này một sự thù ghét và chống đối (15,18 tt).

Hai đặc tính căn bản của Đức Vua Giêsu mà đoạn văn tin mừng này khắc hoạ (từ khước sử dụng sức mạnh và có sứ mạng làm chứng cho sự thật) cho chúng ta hiểu cách thức Đức Giêsu thực hiện công cuộc giải thoát con người.

Đức Giêsu đối diện với một thế gian đang bị chi phối bởi tham vọng, bởi tiền bạc và bởi quyền lực (8,44; 13,2). Tham vọng đó phát xuất từ một ý thức hệ đối nghịch với sự thật của Thiên Chúa (một bên là cha của sự dối trá: 8,44; bên kia là sự thật nghe tự Thiên Chúa: 8,40); ý thức hệ đó biện minh cho một trật tự xã hội tước đoạt của con người tự do và sự sống. Để giải thoát con người khỏi sự kềm toả của một thế gian như thế, Đức Giêsu không tổ chức chiến đấu bằng cách sử dụng bạo lực đối đầu bạo lực (18,36). Nhưng Ngài sẽ giải thoát con người khỏi hệ thống đang kềm toả họ bằng cách chỉ cho con người thấy sự sai lạc của những điều mà họ đang tin tưởng, tức là bằng cách làm cho họ nhận ra rằng Thiên Chúa không muốn con người làm nô lệ, mà là muốn họ được tự do (8,34-36). Ngài không đặt ý thức hệ sai lạc của con người đối lập với một ý thức hệ đúng đắn, mà là buộc nó phải đối diện với kinh nghiệm về tình yêu thông ban sự sống (8,32: sự thật đem lại tự do). Khi thực hiện “các việc của Cha” (10,37), Ngài cho con người nhìn thấy sự thật về Thiên Chúa và về chính mình Ngài: phẩm giá và tự do của Ngài xuất phát từ tình yêu mà Cha dành cho Ngài; và như thế, Ngài thay đổi cách nhìn của con người về Thiên Chúa, về chính mình và về thế giới, giúp con người nhận ra sự thật và đi vào trải nghiệm về tình yêu thông ban sự sống đích thực.

Ga 18, 37c: Ai thuộc về sự thật thì nghe được tiếng tôi".

Đức Giêsu không đến để tìm sự cao ngạo phàm nhân hay để sử dụng những sức mạnh nhân loại, nhưng Ngài đem lại cho con người chân lý sự sống. Ai thuộc về sự thật thì sẽ đáp trả lời mời gọi của Ngài.

“Thuộc về sự thật” được đặt đối lập với “thuộc về thế gian này” (18,36). “Thuộc về sự thật” là “sống theo sự thật” (3,21), là “nghe Chúa Cha và đón nhận giáo huấn của Người” (6,45), là “muốn làm theo ý của Người” (7,17), là “biết Chúa Cha” (16,3). Sự “thuộc về sự thật” sẽ đưa người ta đến chỗ “nghe được tiếng của Đức Giêsu” và đồng thời cũng là điều kiện để “nghe được tiếng của Đức Giêsu”.

Những người nghe được tiếng của Đức Giêsu vẫn còn đang ở giữa thế gian (13,1; 17,11.15) cũng như chính Ngài vậy. Nhưng họ không thuộc về thế gian (17,14-16). Hơn nữa, Nước Ngài không thuộc về thế gian này, nên mối tương quan giữa Ngài với những kẻ thuộc về Ngài cũng không phải là mối tương quan vua - tôi kiểu thế gian, mà là mối tương quan giữa Đấng đề nghị sự thật với những người đón nhận sự thật đó một cách hoàn toàn tự do (x. 15,13-15).

Ngữ đoạn “nghe được tiếng tôi” đặt đoạn văn này trong tương quan với 10,16.27, trong đó Đức Giêsu khẳng định rằng chiên của Ngài thì nghe được tiếng của Ngài. Rõ ràng cần phải hiểu vương quyền của Đức Giêsu trên hậu cảnh là ẩn dụ về vị Mục Tử nhân lành thí mạng sống mình vì đoàn chiên (10,11.15) mà sau này Ngài sẽ gọi là bạn hữu của Ngài (15,13), để thâu họp những kẻ tản mác về lại làm một (11,52) và “không để hư mất một kẻ nào” (18,9).

***

Cử hành lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Hội Thánh đã không đề nghị chúng ta đọc một câu chuyện về một cuộc thần hiện huy hoàng. Trái lại, bài Tin Mừng hôm nay (Ga 18,33b-37) là một cảnh đau thương của trình thuật thương khó theo Ga, trong đó, Đức Giêsu, tả tơi sau những trận đòn tàn khốc, bị đưa ra trước toà quan Philiatô, vị toàn quyền đại diện cho một đế quốc toàn quyền. Và cuộc trao đổi giữa hai người đàn ông này thật đặc biệt. Ông Philatô chẳng hiểu gì cả, không hiểu người Do Thái, không hiểu Đức Giêsu (c.35), không hiểu ý nghĩa sâu xa của cuộc trao đổi (c.38). Về phần Đức Giêsu, chỉ có một điều duy nhất đáng kể, đó là sự thật (c.37). Chính vì để làm chứng cho sự thật mà Ngài đã sinh ra và đã đến trong thế gian (c.37). Sự thật về Cha, sự thật về sự sống vĩnh cửu, sự thật về cuộc chiến đấu mà con người phải theo trong thế gian này, sự thật về sự sống và về sự chết… Các đồ đệ của Đức Giêsu được kêu gọi tham dự vương quyền của Ngài, nếu họ “nghe được tiếng của Ngài” (c.37). Ai được tự do nhờ sự thật (Ga 8,32), người đó sẽ là vua thực sự. Tất nhiên là làm vua cùng với Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ.

Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.11.2009. 22:21