Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tình yên khơi nên hy vọng Phục Sinh

§ Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật Phục Sinh – C
Cv 10: 34a, 37-43; Tv. 118; Cl 3: 1-4 (or I Cr 5: 6-8) Ga: 20: 1-9

Người “môn đệ Chúa yêu” đóng một vai trò quan trọng trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng đây không phải là lần đầu người môn đệ này xuất hiện trong Tin Mừng Gioan. Ông không chỉ xuất hiện trong trình thuật nói về ngôi mộ trống, thấy vải liệm được cuốn lại và tin. Ông còn có một lai lịch và chính điều này giúp ông tin ngay lập tức khi nhìn vào ngôi mộ trống. Hẳn chúng ta vẫn nhớ hình ảnh ông dưới chân thập giá khi Đức Giê-su bị đóng đinh đã tin tưởng và trao phó thân mẫu của Người cho ông săn sóc. Ông đã ngồi sát bên Đức Giê-su trong Bữa Tiệc Ly và cùng với Phê-rô, ông nhận tin báo của Ma-ri-a Mác-đa-la về ngôi mộ trống.

Bà Ma-ri-a nghĩ rằng thân xác Đức Giê-su đã bị người ta lấy mất, một kết luận hết sức hợp lý đối với nhiều người chúng ta. Không một ai chờ đợi sự phục sinh! Khi nhận được tin của Ma-ri-a, người môn đệ được yêu đã chạy tới mộ nhanh hơn cả Phê-rô, nhìn vào trong và thấy khăn liệm được xếp gọn gàng. Mặc dù việc khăn liệm được xếp gọn gàng là bằng cớ loại bỏ khả năng thân xác Đức Giê-su bị ăn trộm, nhưng đây vẫn không phải là bằng chứng về sự sống lại. Niềm tin vào sự phục sinh không dựa trên những gì người ta có thể thấy và đo đếm. Người môn đệ này đã không dùng những lý lẽ hay khả năng loại suy để đi đến việc tin. Phải có một điều gì khác nữa, đúng hơn, Một Ai khác.

Người môn đệ này được gọi là “Người môn đệ được Chúa yêu.”

Tin Mừng thậm chí cũng không nói với chúng ta là người môn đệ này có nét đặc trưng khác với mọi người bởi có một tình yêu khác thường dành cho Đức Giê-su, một tình yêu lớn hơn tình yêu của các môn đệ khác. Tình yêu của ông dành cho Đức Giê-su như thế nào, chúng ta không hề biết. Chỉ biết rằng ông là người môn đệ được Chúa yêu. Đúng hơn, ông có được vị trí được ưu ái này là do tình yêu của Đức Giê-su dành cho ông. (chúng ta xem như người môn đệ này là một người nam. Điều chúng ta khám phá được về người môn đệ này chính là tước hiệu “người môn đệ được Chúa yêu” có thể áp dụng cho bất cứ ai trong chúng ta – cả nam lẫn nữ.)

Vậy thì, đâu là kinh nghiệm được yêu giúp hình thành niềm tin nơi người môn đệ này? Để biết mình không được yêu không phải chỉ là công việc của cái đầu, một sự kiện để suy tư thuần lý. Nó là một “sự kiện” lan toả khắp mọi phần thân thể, nghĩa là họ phải cảm nghiệm bằng cả con người. Toàn thể hiện hữu của chúng ta sẽ trở nên sinh động hơn trong sự ấm áp và đượm nồng của tình yêu. Người môn đệ được yêu biết rõ tình yêu của Đức Ki-tô và, mặc dầu rõ ràng biết Đức Giê-su đã chết và được mai táng, một cách nào đó ông vẫn tiếp tục cảm nghiệm tình yêu của Ngài. Đấng đã yêu ông vẫn còn yêu ông mãi – Ngài vẫn còn sống, bất chấp những gì đã xảy ra trên cây thập giá mà ông thấy. Cho nên, điều khiến cho ông tin không chỉ là những mảnh vải liệm được xếp gọn gàng, mà chính là tình yêu, một tình yêu mãnh liệt ông vẫn luôn cảm nghiệm. Đó ắt phải là một tình yêu diệu kỳ vượt trên tất cả. Bởi lẽ, ông được biết như là “người môn đệ Đức Giê-su yêu” mà. Kinh nghiệm trước tiên của chúng ta với tư cách là những môn đệ là chúng ta được yêu với một tình yêu mãnh liệt hơn cả sự chết. Chúng ta tin trong sự lan toả của tình yêu đó và xác tín rằng không chi có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Ki-tô dành cho chúng ta. Ngay cả tội lỗi và cái chết cũng không thể.

Vì chúng ta vẫn luôn ý thức sâu sắc về tình yêu của Đức Giê-su dành cho chúng ta và tình yêu chúng ta dành cho Ngài, chúng ta cũng tin vào sự phục sinh. Ngài vẫn còn sống và chính tình yêu chúng ta vẫn đang cảm nghiệm khẳng định điều đó. Chúng ta tin rằng chúng ta vẫn đang được ôm ấp trong tình yêu kỳ diệu này –chúng ta đang được hưởng sự sống đời đời, cả khi chết và sau cái chết.

Vậy chẳng phải là chúng ta sẽ sống mãi sao?

Nó có nghĩa là ngay tại đây và lúc này cái chết không có quyền gì trên chúng ta. Chúng ta đã được biết đến một sự sống được tái sinh. Sự sống chúng ta được hưởng trong Đức Ki-tô. Trong Tin Mừng Gio-an, thấy là thấy bằng con mắt đức tin. Cùng với người môn đệ Chúa yêu chúng ta cũng “thấy và tin.”

Chẳng phải mỗi người chúng ta vẫn nhìn vào một ngôi mộ dạng này hay dạng khác sao? Khi nhìn vào như vậy, chúng ta có khi nào bị cám dỗ không tin chưa? Chúng ta vẫn thấy cái chết và những thi hài: trong bản tin buổi chiều, trên internet, hay báo đài…

Có nhiều bằng chứng cụ thể chống lại niềm tin của chúng ta nơi sự mạnh mẽ của tình yêu trổi vượt trên cái chết. Nơi ngôi mộ trống, người môn đệ biết tình yêu của Thầy mình, vậy thì ngày nay tình yêu đó ở đâu nơi đời sống của rất nhiều người đang sống trong cảnh tuyệt vọng. Chắc chắn họ không thể cảm nghiệm được tình yêu đó dưới bàn tay của các chế độ độc tài, các chính phủ thối nát, hủ bại, các cuộc xung đột sắc tộc và các nhóm tôn giáo, các tập đoàn quốc tế đến chiếm đất và tài nguyên của họ… Ngay cả rất nhiều người trong chúng ta, những con người đang chịu cảnh thất nghiệp, bạo lực, bất công cũng không đủ tự tin để nói rằng mình vẫn được yêu.

Qua đời sống của Đức Giê-su, chúng ta đã nhận biết tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho chúng ta và giờ đây có thêm cơ hội được củng cố trong tình yêu đó nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta phải ý thức rằng đã đến lượt chúng ta phải đặt thịt máu mình vào tình yêu – như Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong Đức Ki-tô. Giờ đây chúng ta rời khỏi ngôi mộ trống, nhìn và mang theo những gì mình tin – Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Nhưng chúng ta phải tự vấn rằng: liệu nhận thức đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới cách chúng ta đối xử với người khác? Liệu lời nói và việc làm của chúng ta có giúp họ nhận ra Thiên Chúa yêu họ biết bao không?

Chẳng phải qua việc chúng ta tha thứ cho họ, băng bó vết thương cho họ sao? Chẳng phải đó là việc chúng ta đồng hành với họ khi họ bị lạm dụng hay bị lợi dụng sao? Chẳng phải việc chúng ta chia buồn với họ bên mộ phần người thân của họ sao? Chẳng phải đó là việc đến chăm nom và trợ giúp khi những người khác bỏ rơi không quan tâm, săn sóc họ sao?

Nơi ngôi mộ trống, nhìn vào những hệ luỵ sau cái chết, đường như Đức Giê-su luôn vắng mặt: khi kế hoạch của chúng ta thất bại, tương quan bị mất, sự sống đang rời bỏ chúng ta từng ngày, bệnh tật thắng thế, hôn nhân đổ vỡ… Những ngôi mộ của sự chết và thối nát ra như luôn đeo bám ta suốt cuộc đời và luôn chiếm ưu thế. Nhưng ngôi mộ của Đức Giê-su không chứa đựng sự chết và hư hoại – Nó là một ngôi mộ trống. Đối với các tín hữu, ngôi mộ trống là một dấu hiệu tràn đầy hy vọng và hứa hẹn. Nơi ngôi mộ trống của Đức Giê-su, có nhiều điều mà mắt thường không thấy: các môn đệ được yêu là những người thấy bằng con mắt đức tin, đã tin và rời khỏi ngôi mộ để sống trong một niềm hy vọng và một tình yêu thực hành.

Chúng ta đừng quên Phê-rô. Bài đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay chỉ là một phần trong bài giảng quan trọng của ngài. Thánh Luca dành khá nhiều không gian cho bài diễn từ này (10,1–11,8) như thể để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. Bài đọc hôm nay cho thấy cách rõ ràng việc Phê-rô tuyên xưng đức tin ở nhà ông Co-nê-li-ô. Co-nê-li-ô và mọi người nhà của ông đều là dân ngoại và sắp được lãnh phép rửa. Phê-rô đang đáp lại lời chăn trối của Đức Giê-su trước lúc ra đi trong Tin Mừng Luca, tin mừng phải được loan báo cho hết mọi dân nước ( 24, 47-49).

Phê-rô đang bày tỏ những thay đổi sự kiện phục sinh tạo ra nơi ông và cộng đoàn các tín hữu tiên khởi. Sự hiểu biết của ông về Thiên Chúa ngày càng gia tăng. Giờ đây ông nhận ra rằng sứ điệp cứu độ luôn mở rộng với những ai “làm chứng” Đức Giê-su là “Đấng được Thiên Chúa chỉ định làm Đấng xét xử kẻ sống và kẻ chết.” Phê-rô và các tín hữu tiên khởi đi đến nhận thức rằng Đức Giê-su là Đấng cứu độ phổ quát: Một dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, cho dù họ có khác biệt và cách xa với Phê-rô và công đoàn tín hữu nguyên thuỷ bao nhiêu đi nữa.

Phê-rô cho thấy ông tin vào sứ điệp này và mong muốn công bố cho mọi người. Vậy thì điều gì đã tiếp thêm sự can đảm cho Phê-rô để ông nói một cách đầy uy quyền về sự thành toàn của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su? Làm sao ông có thể đoan chắc rằng Thiên Chúa muốn vượt ra ngoài dân được chọn để đến với “mọi dân nước”? Ông không trưng dẫn bất cứ “bản băn làm bằng chứng” nào từ truyền thống. Thay vào đó, ông khẳng định vai trò chứng nhân, “người được Thiên Chúa chọn trước, cùng ăn cùng uống với Đức Giê-su sau khi Người trỗi dậy từ cõi chết.” Ông là một chứng nhân, đã làm chứng cho điều chính bản thân ông cảm nghiệm.

Thế còn ông Co-nê-li-ô, gia đình và các thế hệ con cháu của những người được rửa tội thì sao? Chẳng phải họ không chia sẻ kinh nghiệm của Phê-rô; họ không phải là những chứng nhân mắt thấy tai nghe sao? Qua việc đón nhận lời chứng của Phê-rô, họ đã trở thành thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên, chứ không phải thứ hai. Như chúng ta vẫn nói, “Thiên Chúa không có cháu.” Những ai tin thì thuộc về thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên, chúng ta là con cái Thiên Chúa, được sinh ra nhờ nước qua Thánh Thần. Chúng ta cũng là những Ki-tô hữu chính thống như Phê-rô, người môn đệ Chúa yêu và cộng đoàn những người đầu tiên cảm nghiệm Đức Ki-tô Phục Sinh.

Vì lời chứng chúng ta nghe đến từ những người làm chứng cho sự phục sinh, chúng ta cũng cần nhìn vào ngôi mộ trống, “để thấy và tin.” Chính đôi mắt và đôi tai chúng ta phải được mở ra để ta có thể nhận biết Đức Ki-tô Phục Sinh ngay trong cuộc đời mỗi người chúng ta.

Giờ đây, chúng ta trở thành những chứng nhân, chúng ta sẽ diễn tả những chứng từ mà bản thân kinh nghiệm về sự phục sinh như thế nào đây? Chính là qua việc trao ban những gì chúng ta đã đón nhận, đó là trao ban sự tha thứ và tình yêu cho những ai chưa tìm thấy.

Lm Jude Siciliano, OP
Anh Em Học Viện Đaminh chuyển ngữ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.04.2010. 07:30