Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tin Mừng Phục Sinh

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Chúa Nhật Phục Sinh là Cngày trọng đại nhất trong năm. Cả Hội Thánh Công giáo hân hoan vui mừng kỷ niệm ngày Đức Kitô Phục Sinh. Đây là niềm vui vỡ bờ của cả nhân loại, kẻ tin cũng như người không tin. Vì Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng đã được Thần Khí đưa vào giới Thiên Chúa, và đã nên nguồn suối thông ban Thánh Thần cho cả nhân loại.

Chúng ta cần phải nhất trí với nhau một điều hết sức quan trọng này là:

1. Về phía Thiên Chúa, trong mầu nhiệm cứu chuộc, sự chết thập giá của Đức Giêsu và sự sống lại vinh hiển của Ngài là một mầu nhiệm duy nhất.

2. Về phía những kẻ tin, nếu lãnh nhận bí tích rửa tội cho ta thông chia sự chết của Chúa Kitô; thì cùng một lúc cũng cho ta thông chia sự sống lại với Người. Chúng ta được thông chia ngay nơi chính bản thân của mình, đến độ trở thành những kẻ đang sống trong sự phục sinh của Đấng sống lại, ngay lúc đang ở giữa muôn vàn khó khăn trần thế này.

Bài Tin Mừng thánh Gioan kể lại việc Chúa phục sinh. Những sự việc chính mắt ông đã thấy và tay ông đụng đến được. Chủ yếu của thánh Gioan là nói đến việc nôn nóng của Maria Mađalene và sự hối hả của hai tông đồ Phêrô và Gioan. Hai ông chạy đến để xem một ngôi nhà mồ trống không. Kinh Thánh viết: Bà Maria người thành Madagla đi đến mồ lúc sáng sớm, khi trời còn tối và thấy viên đá chặn bít cửa đã được cất đi khỏi mồ. Bà liền chạy về báo cho Phêrô và Gioan rằng, người ta đã lấy mất Chúa khỏi mồ rồi. Phần Phêrô và Gioan nghe tin ấy thì cuống cuồng cả lên. Kinh Thánh nói: Cả hai cùng chạy với nhau. Khi đến mồ hai ông chỉ thấy khăn phủ đầu và những dải vải cột xác Đức Giêsu đã được xếp lại ngăn nắp để riêng ra một chỗ. Kinh Thánh nói tiếp: “Gioan đã thấy và ông đã tin”.

Trong biến cố Phục sinh của Đức Giêsu có 3 sự kiện rất quan trọng và rất căn bản đó là:

1. Mồ trống: Sự kiện này tuy tiêu cực nhưng rất cụ thể.

2. Những lần Chúa Giêsu hiện ra: Đây là một sự kiện tích cực, giá trị cả về mặt tự nhiên cũng như siêu nhiên. Phêrô đã lớn tiếng tuyên xưng việc này trước dân ngoại như sau: “Đức Giêsu Đấng mà người Do Thái đã treo trên cây gỗ mà giết đi. Chính Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại ngày thứ ba, và đã hiện ra tỏ tường không phải cho toàn dân, nhưng mà cho những nhân chứng Thiên Chúa đã chọn trước là chúng ta, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Ngài, sau khi Ngài đã sống lại từ cái chết.” (CVTĐ 10, 39-41)

3. Đức tin: Đây là điều quan trọng nhất trong biến cố sống lại, vì đụng đến ơn cứu độ không phải chung chung cho thế giới, mà ơn cứu độ cho riêng bản thân từng người. Trong Kinh Thánh biết bao lần Đức Giêsu đã nói: “Lòng tin của con đã cứu con” (Mc 10,52; Mt 9,22) (chỗ này nên đọc Ephêsô 2,8-9; nếu không sẽ bị lấn cấn).

Tin là một điều rất quan trọng, nên chúng ta được gọi là tín hữu, nghĩa là những kẻ tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Tin vào Đức Giêsu Phục Sinh thì được cứu (Rm.10, 9).

Biết bao nhiêu người đã được nghe các môn đồ Đức Kitô rao truyền việc Đức Giêsu chịu chết, tuyên xưng việc Chúa sống lại, nhưng mà họ không tin.

Hôm nay cũng vậy biết bao nhiêu người trí thức nghiên cứu Kinh Thánh, nhưng không tin Đức Kitô Phục Sinh, không tin vào Lòng Thương Xót Chúa!

Thế nên trong thư Ephêsô, thánh Phaolô nói: “Chính bởi ơn huệ mà anh em đã được cứu, nhờ lòng tin, mà lại không phải do tự anh em. Đó là ơn tự Thiên Chúa ban.”

Là Kitô hữu, chúng ta là những kẻ tin, tức là những kẻ chịu ơn huệ vô cùng lớn lao của Thiên Chúa. Thế mà biết bao Kitô hữu tuy đã được dìm chết đời tội lụy mình trong sự chết của Đức Kitô nơi bí tích thanh tẩy, để được sống lại trong Thần Khí Đức Giêsu Phục Sinh, mà vẫn lê lết một cuộc sống như những kẻ không có đức tin.

Gặp Chúa là một ơn huệ. Bà Maria Mađalena buồn bã vì thấy mồ trống. Các môn đồ của Đức Giêsu cũng phải qua những ngày hoang mang, hốt hoảng: “Thầy chết rồi! Chúa đâu rồi?” Nhưng Đức Giêsu đã nói với họ: “Các con sẽ khóc than, các con sẽ ưu phiền nhưng sự ưu phiền các con sẽ trở thành niềm vui” (Gn 16,20).

Hội Thánh Chúa Kitô cũng muốn cho các tín hữu của mình, trong suốt một năm phụng vụ đã sung túc dư đầy ân sủng, phải có ít ngày sống trong cảnh mồ trống. Chúa đâu rồi? Nhìn vào các nhà chầu Thánh Thể, cửa mở toang ! Trống không ! Khăn bàn thờ cũng bị lột mất, để trơ trọi một cái bàn quạnh hiu vô tri vô giác. Lúc ấy lòng mỗi tín hữu phải nôn nao thế nào ? Nhưng có nơi thấy quang cảnh buồn quá lại vội lấp vào khoảng trống ấy bằng những nghi thức đa tạp ồn ào ngoài phụng vụ cho vui, nên mất hết ý nghĩa. Mất Chúa thì đúc bò vàng!

Trong cuộc đời nhiều lúc ta cũng chỉ thấy mồ trống. Đức Kitô đi vắng đâu mất! Chỉ thấy ốm đau, hết tiền, hết bạc, làm ăn lụi đụi, đụng đâu hư đó, cơ cực trăm bề. Chán cả nhà thờ, chán cả kinh kệ. Chúa đi đâu? Giống như Maria Mađalena chạy đôn đáo, khóc lóc đi tìm cái xác Chúa. Hôm nay Đức Chúa của tôi đã Phục sinh. Ngài đến cách khác, đến ngay trong cái lận đận long đong cay đắng cơ cực của tôi. Cao hơn, tốt hơn cái ước muốn của tôi.

Thánh Phaolô nói: “Anh em đã cùng sống lại với Đức Kitô, hãy tìm kiếm những điều trên cao, đừng hướng chiều về những điều dưới đất. Quả vậy, anh em đã chết, và sự sống của anh em đã được tàng ẩn nơi Thiên Chúa, làm một với Đức Giêsu Kitô” (Col 3,1-4).

Lời này khó hiểu cho nhiều người, và chói tai đối với những ai tuy là Kitô hữu nhưng cái đích của họ là tiền của, danh vọng, chức tước, địa vị, trong đạo cũng như ngoài đời.

Thật sự Đức Kitô đã phục sinh, thế nhưng thực tế đau khổ và sự chết vẫn còn đó. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận ra một điều, cho dù đau khổ và sự chết còn đó, nhưng nó đã khác rồi. Bởi vì nó đã mất hết khả năng, không thể tiêu diệt được những ai tin vào Đức Kitô nữa. Thánh Thần Thiên Chúa đã tràn ngập khắp vũ trụ, tràn ngập trên nhân loại, mãnh lực hỏa ngục đã bị đánh gục nơi chân Thập Giá rồi. Bất cứ ai, chỉ cần mở lòng ra cho Đức Giêsu Phục Sinh là tức khắc người ấy trở thành con cái ơn cứu độ.

Vì thế, tôi là người Kitô hữu đích thật thì tôi là người chấp nhận đau khổ và sự chết. Nói rõ hơn, tôi là người chấp nhận đau khổ và sự chết, bởi vì Thánh Thần của Chúa Giêsu Phục Sinh đã thấm vào trong tôi, tiêu diệt mầm mống và nọc độc của đau khổ và sự chết trong tôi. Nọc độc ấy là sự tội. Ngài biến đau khổ và sự chết ấy thành sự bình an khôn tả. Bởi vì sức mạnh để gánh lấy đau khổ và vượt qua sự chết không phải là sức mạnh của tôi nữa, mà là sức mạnh của Đức Kitô Phục Sinh, và bởi vì tôi đã phó thác đến mức bỏ ngỏ cả đời tôi cho Ngài rồi.

Lạy Đức Giêsu Kitô, nếu Ngài chết mà không sống lại thì chẳng còn gì để mà nói. Vì trên đời này, không ai có thể đặt niềm tin vào một kẻ chết, hay vào một kẻ đang sống mà cũng sẽ chết. Nhưng lạy Đức Giêsu Kitô, Ngài đã phục sinh. Hôm nay con tuyên xưng Ngài là Chúa của con, và con chỉ đặt mạng sống và sự chết của con trong bàn tay quyền năng đầy yêu thương của một mình Ngài mà thôi. Halleluia.

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.04.2009. 13:37