Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thiên Chúa không bao giờ cũ

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A

1. Thiên Chúa không bao giờ cũ :

Mùa Vọng lại trở về. Chủ tế lại mặc áo tím. Ca đoàn lại hát lai những bài ca quen thuộc : “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tôi..”. Và như thế, có không ít người đã tặc lưỡi : “Lại một chuyện cũ nhắc hoài ! Chã có gì mới lạ, hấp dẫn !”.

Cho dù Năm Phụng Vụ có lặp đi lặp lại cũng chỉ những chu kỳ quen thuộc trình bày Mầu Nhiệm Chúa Kitô, thì dứt khoát, đức tin lại không bao giờ cũ, Thiên Chúa không bao giờ cũ. Bởi chưng, nếu ai quan niệm rằng : đức tin chỉ là một “chuyện đã qua”, một kỷ niệm của quá khứ để thỉnh thoảng ngồi ôn lại một cách bâng quơ hờ hững, thì quả thật chưa bao giờ người đó có đức tin hay đức tin đã chết lặng trong lòng rồi.

- Không, đức tin cũng không phải là một con đường mòn quen thuộc, một tập quán đơn điệu, máy móc để mỗi ngày bước đi, mỗi ngày thực hiện như cuộc vận hành của một chiếc máy mù lòa theo quán tính. Nói cách khác, Mùa Vọng hay Mùa Chay, Giáng Sinh hay Phục Sinh, Thánh Lễ hay Tòa Giải tội.. .không bao giờ là “chuyện của quá khứ, của kỷ niệm, của tình trạng ù lỳ buồn bã, mà luôn là một sự sống cần được chắt chiu, một kho tàng cần nỗ lực khám phá, một trận chiến cần can đảm đối đầu để chiến thắng.

Nếu ý thức được như thế thì Đức tin Kitô giáo, Đạo của Chúa Giêsu, Thiên Chúa của người Kitô hữu “không bao giờ cũ”, nhưng luôn luôn là một hiện thực mới mẻ, tinh khôi, đang đến, và đang hiện diện.

Ý nghĩa đầu tiên của Mùa Vọng gần như được diễn tả ngay trong tên gọi của tiếng la tinh : Adventus, Mùa “Đến, mùa Quang lâm”. Vâng, Mùa Vọng chính là thời điểm thích hợp để chúng ta sống tâm tinh và thái độ đức tin đón chào cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, hay sống với nỗ lực dấn thân thực hiện cuộc canh tân và hoán cải tâm hồn theo những lời mời gọi của Phúc Âm.

Vâng, Lời Chúa chúng ta vừa nghe công bố gần như hết lòng hổ trợ ý tưởng nầy và lôi kéo chúng ta tập chú suy tư và cầu nguyện theo ý hướng đó :

Bài đọc 1 đã trình bày : giữa một hoàn cảnh éo le và đầy tăm tối thất vọng của kiếp sống nô lệ, mất nước, lưu đày, Sứ Ngôn I-sa-i-a loan báo cho dân Ít-ra-en một viễn tượng huy hoàng ở cuối chân trời lịch sử : “Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi…Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”. Tin Vui đó, viễn tượng một thế giới hòa bình an lạc đó chắc chắn không phải là một thứ “tuyên truyền ngẫu hứng” của một tay “thần kinh bất ổn” mà là của chính Thiên Chúa mặc khải qua miệng của vị sứ ngôn được Ngài ra tay tuyển chọn. Và 600 năm sau lời tiên tri đó, Đấng là Em-ma-nu-en, là Hoàng tử Bình An, là Đấng Cứu thế, là Thiên Chúa Làm Người đã xuất hiện, Ngài đến để giải phóng toàn diện lịch sử con người, là qui tụ toàn nhân loại trong một Vương Quốc bao la vĩnh cửu.

Hôm nay, bước vào Mùa Vọng, khai mạc một Năm Phụng vụ mới, Lời Chúa cũng muốn nhắn gởi chúng ta qua chính lời tiên tri ấy. Cũng như dân Ít-ra-en lưu đầy được nhà sứ ngôn loan tin giải thoát, cộng đoàn chúng ta hôm nay đang được Lời Chúa mời gọi hãy vứt bỏ đi những nổi chán chường, thất vọng của một lối diễn tả đức tin mang đầy dấu vết của nô lệ, của lưu đầy, của sự lựa chọn biếng lười, ích kỷ và vô trách nhiệm. Hãy vứt bỏ đi lối sống buông trôi, lờ lững, không biết tới ngày mai, không dám đối diện với tương lai. Hãy vứt bỏ đi cuộc sống chỉ có biết bon chen, cặm cụi với cái lãi cái lời vật chất, cặm cụi đầu tư bất kể cho những thứ chóng qua mà chẳng tính gì đến chuyện vĩnh hằng tối hậu. Và cũng vứt bỏ đi cái lối sống đạo và hành xử đức tin vụ hình thức, giả tạo, biệt phái và kiêu căng.

Một cuộc vứt bỏ như thế để làm lại cuộc đời trong thánh thiện yêu thương phải chăng là tiêu đích của Hành trình Mùa Vọng, của đức tin Kitô, mà theo theo cách nói của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Rôma trong bài đọc 2 đó là một cuộc “bừng mắt dậy sau đêm dài của giấc ngủ tội lỗi đen tối” : “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những hành vi đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu…”

2. Đức tin, cuộc chiến đấu không ngừng !

Nếu “Thiên Chúa của chúng ta không bao giờ cũ", thì cuộc gặp gỡ Ngài, chọn lựa Ngài, đến với Ngài phải luôn là một cuộc “hạnh ngộ” đầy hoan vyui và hy vọng.

Trong trích đoạn Tin mừng hôm nay, Thánh Mát-thêu đã thuật lại một bài giáo lý của Đức Kitô mà nội dung cốt lỏi cũng chính là thể hiện niềm tin bằng lối sống luôn là “sắp sẳn, tỉnh táo như người đang đón đợi khách quí, như kẻ đang nai nịt hành trang lên đường hay như ngôi nhà đang thắp sáng với đầy đủ những con người đang tỉnh thức canh phòng đến độ không còn chỗ hở nào để kẻ trộm thâm nhập”. Đây không phải là chuyện dễ ợt, mà là một cuộc phấn đấu nhọc mệt, là cả một cuộc hành trình cam go và mạo hiểm, một cuộc sống khôn ngoan biết tiên liệu và tỉnh táo đối diện với những “bất trắc đột xuất”, như hình tượng Noe trong biến cố “Nạn Đại Hồng Thủy”, hay hình ảnh canh chừng kẻ trộm trong đêm khuya mà Đức Kitô đã diễn tả.

Câu chuyện vui sau đây là một minh họa cho ý nghĩa trên của Mùa Vọng :

Một người dân thuộc một bộ lạc miền núi được đưa đi thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên ông đã giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Người ta cho anh biết đó là tiếng trống báo động về một cuộc hoả hoạn vừa xảy ra tại một khu phố. Chẳng bao lâu cuộc hoả hoạn được dập tắt. Trở về làng, ông đã báo cáo với các chức sắc trong làng như sau : người thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu : khi có hoả hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt ngay tức khắc. Nghe thế, các chức sắc liền sai người đi mua đủ loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu sau đó, hoả hoạn xảy đến trong làng, mọi người đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin chắc tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng ngọn lửa vô tình cứ thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng thất vọng của mọi người.

Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại, một người dân thành thị giải thích : Các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt ngọn lửa ư ? Không phải thế. Người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy chứ không phải ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu.

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến sự tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay mà chờ đợi. ("Mỗi ngày một tin vui")

Mùa Vọng khơi gợi lên một cuộc chiến đấu của đức tin, một hành trình sống đạo năng động, ra sức đẩy lùi mọi biểu hiện tiêu cực, tầm thường, máy móc, vụ lợi, vụ hình thức. Chính trong chiều kích tích cực đó mà chúng ý thức rằng :

- Mỗi một lời kinh tôi đọc hôm nay phải là một đối thoại tuyệt vời, thực sự với Thiên Chúa.

- Mỗi một Thánh lễ tôi dâng phải là một cử hành sống động lễ Vượt Qua của chính Chúa Kitô mà tôi được diễm phúc cọng tác và kết hợp với Ngài.

- Mỗi một khi bước tới tòa Giải tội là một lần hoán cải thực sự, một cuộc đổi đời.

- Mỗi một việc bác ái tôi làm, một công tác mục vụ tôi đảm trách, phải là một biểu lộ thực sự của tình yêu, một tình yêu vô vị lợi và quảng đại.

- Mỗi một việc làm cho nhau trong đời thường giữa vợ chồng, con cái, anh em, bạn hữu…không còn là chuyện đải bôi môi mép, lạm dụng và ích kỷ, nhưng tất cả phải là những nghĩa cử của tinh thần trách nhiệm, phục vụ và yêu thương.

Nếu mọi Kitô hữu đều xác tín và hành động như thế, thì Mùa Vọng trở về thật ý nghĩa và cần thiết biết bao ! Khi ấy, Giáo Hội không còn là một tổ chức kềm kẹp sự tự do của tôi, Ngày Chúa Nhật không còn là một bận rộn ngán ngẩm, Tòa Giải tội không còn là một tòa án tàn nhẫn và đáng sợ, và ngay cả bệnh tật chết chóc cũng sẽ trở thành cơ hội để tôi tìm thấy giá trị và niềm vui, như lời chứng sống động của Elena Frings :

Elena Frings là một thiếu nữ mới 20 tuổi nhưng đau tim nặng. Các bác sĩ cho biết cô chỉ còn sống được 6 tháng. Cô bỏ việc làm ở sở để đi làm việc xã hội trong một tổ chức thiện nguyện ở Nam Mỹ. Cô làm việc rất đắc lực và có hiệu quả đến nỗi cô được mời đến New York để thuyết trình. Tại New York cô may mắn gặp một bác sĩ giỏi. Ông này giải phẫu cho cô và chữa cô khỏi bệnh tim. Sau khi khỏi bệnh, cô không quay lại sở làm nhưng quay lại Nam Mỹ với những công việc hàng ngày phục vụ những người khốn khổ, bởi vì điều đã ban cho đời cô có ý nghĩa và đã định hướng cho đời cô không phải là cuộc giải phẫu mà là cảm nghiệm về cái chết gần kề (Christopher Notes).

Vâng, sống Mùa Vọng là sống như thế đó. Bởi chưng Mùa Vọng của Phụng vụ cũng chính là Mùa Vọng của cuộc đời. Những lời cảnh cáo của Đức Kitô về một ngày mai thế tận với vũ hoàn đảo điên, thế giới náo loạn phải chăng là một nhắc khéo chúng ta cần phải học bài học đức tin bằng sự đối diện với những thực tại phũ phàng của cuộc sống, bằng sự tỉnh thức để chiến đấu và chiến thắng. Đức tin không cho phép chúng ta đầu hàng hay tìm một lối mòn dễ dãi; cũng không có quyền nhắm mắt đưa chân mặc tới đâu thì tới, hay tìm lãng quên trong hưởng thụ, trong bon chen trong trác táng thả buông…Nhưng đức tin gọi mời chúng ta ngẫng cao đầu tiến về phía trước trong một con tim mới, cõi lòng mới như bài hát của nhạc sĩ Đức Huy : “và con tim đã vui trở lại” :

Và con tim đã vui trở lại, Tình yêu đến cho tôi ngày mai. Tình yêu chiếu ánh sáng vào đời.

Tôi hy vọng được ơn cứu rỗi. Và con tim đã vui trở lại. Và niềm tin đã dâng về người. Trọn tâm hồn, Nguyện yêu mãi riêng người mà thôi... Dẫu như tôi phải đi qua vực sâu tối, tôi vẫn không sợ hãi gì. Vì người gần bên tôi mãi.. .

Kết luận :

Giờ đây, một cuộc gặp gỡ kỳ diệu đang và sắp xảy ra : Đức Kitô một lần nữa đang đến với chúng ta trong bàn tiệc Tạ ơn nầy : Đức Kitô hôm, qua hôm nay và tận cùng vẫn là Đức Kitô của một Mùa Xuân bất diệt, Đức Kitô mới mãi, trẻ mãi, sinh động và đầy ắp yêu thương. Ngài là Mục Tử nhân lành hôm nay trở về để đưa ta vào đồng xanh suối mát. Chúng ta vui mừng cử hành ngày “Tân Niên Phụng Vụ” trong tâm tình hân hoan, tin tưởng, trong thái độ khiêm tốn tạ ơn. Chúng ta hãy cùng nhau nắm tay mà bước đi trên hành trình Mùa Vọng để tiến vể Đại Lễ Giáng Sinh với tất cả niềm hăng say phấn khởi và nỗ lực đổi mới cuộc đời cho đẹp hơn, thánh hơn, hiệp nhất hơn, yêu thương hơn. Nói cách khác, đây là giờ phút không phải chúng ta hát mà là thực sự sống chính cái ý nghĩa của lời ca Nhập Lễ vừa vang lên lúc khởi đầu : “Con vươn linh hồn lên tới Chúa”. Amen.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.12.2007. 11:37