Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh Thần và Sứ vụ loan báo Tin Mừng

§ Lm Đan Vinh

Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện xuống
Cv 2, 1-11; 1 Cr 12, 3b-7.12-13; Ga 20, 19-23

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 20, 19-23

(19) Vào chiều ngày ấy, Ngày Thứ Nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì Người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

2. Ý CHÍNH:

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ khi ấy đang mang tâm trạng hoang mang sợ hãi (19), để ban bình an và niềm vui cho các ông và cho thấy Người đã sống lại từ cõi chết (20). Cuối cùng người còn ra lệnh cho các ông tiếp tục sứ mệnh thừa sai của Người (21b). Để hỗ trợ cho các ông chu toàn sứ mệnh, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông kèm theo quyền tha tội hay cầm giữ tội của người ta (22).

3. CHÚ THÍCH:

- C 19-20: + Ngày Thứ Nhất trong tuần: Ngày nay, Giáo Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần để mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. Đây là ngày lễ nghỉ, thay thế Thứ Bảy (Sa-bát) của Do Thái Giáo. + Đức Giê-su đến: Đức Giê-su đến với các môn đệ trong khi các cửa nhà vẫn đóng kín. Điều này cho thấy thân xác phục sinh của Người có đặc tính thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện khắp nơi. + Bình an cho anh em ! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa: Đức Ki-tô Phục Sinh đem lại sự bình an (x. Ga 20, 19.21) và niềm vui (x Ga 20, 20) cho các môn đệ (x Ga 14, 27). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Đức Giê-su Phục Sinh cũng là Đấng trước đó đã bị đóng đinh chân tay vào thập giá (x. Ga 19, 18), và bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn (x. Ga 19, 34). Điều này cho thấy có sự liên kết giữa hai mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su

- C 21-23: + Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em: Tông đồ nghĩa là “được sai đi”. Sứ mạng này xuất phát từ Chúa Cha đã truyền cho Đức Giê-su, và giờ đây Chúa Giê-su Phục Sinh lại truyền cho các môn đệ và mọi tín hữu. + Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo Kinh Thánh, hơi thở chính là sinh khí hay sự sống. Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người A-đam và ban sự sống cho ông (x. St 2, 7), thì nay, Đức Giê-su Phục Sinh cũng thổi Thần Khí cho các môn đệ. Rồi đến lượt các môn đệ lại sẽ trao ban sự sống thiêng liêng ấy cho các tín hữu qua các bí tích. + “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”: Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1, 29). Khi làm phép lạ chữa lành một người bại liệt, Đức Giê-su đã cho thấy Người có quyền tha tội (x. Mt 9, 6). Trong Tin Mừng hôm nay, Người thiết lập bí tích giải tội, ban quyền tha tội cho các Tông đồ bằng việc ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các Giám Mục, kế vị các Tông đồ sẽ tiếp tục thông ban quyền tha tội cho các linh mục là những cộng sự viên của các ngài.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao ngày nay Hội Thánh chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần làm ngày Chúa Nhật thay vì Ngày Thứ Bảy (Sabát) như đạo Do thái?

2) Việc Đức Giê-su Phục Sinh đến giữa các môn đệ tại nhà Tiệc ly đang khi cửa đóng kín cho thấy thân xác của Người sau khi sống lại có đặc tính gì?

3) Qua lời chào chúc, Chúa Phục Sinh đem lại điều gì cho các môn đệ?

4) Qua việc cho môn đệ xem tay và cạnh sườn, Chúa Phục Sinh muốn nói gì với các ông? 5) Sứ mệnh tông đồ thừa sai của Hội Thánh phát xuất từ ai và khi nào?

6) Tại sao Chúa Giê-su lại thổi hơi ban Thần Khí cho các môn đệ?

7) Đức Giê-su chứng tỏ có quyền tha tội qua phép lạ nào và sau khi phục sinh Người đã trao quyền tha tội cho các Tông đồ thế nào?

5. HỎI ĐÁP:

HỎI 1: Tin Mừng Gio-an thuật lại rằng: Chúa Giê-su Phục Sinh đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ vào buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần (x. Ga 20, 22), còn sách Công Vụ lại nói: Thánh Thần xuất hiện dưới dạng một tiếng động như tiếng gió mạnh và những hình lưỡi giống như lưỡi lửa đậu xuống trên từng người vào lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2, 1-3). Như vậy thực ra Thánh Thần đã hiện xuống trên các Tông đồ vào chiều ngày Phục Sinh hay trong ngày lễ Ngũ Tuần? Thánh Thần đã tác động thế nào trên Hội thánhsơ khai?

** ĐÁP:

Thực ra Chúa Giê-su đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ ngay từ “buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần”. Vì sau khi phục sinh, Người không còn bị lệ thuộc vào thời gian và không gian nữa, nên đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha và được Chúa Cha tôn vinh, nên Người đã ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay từ chiều ngày Phục Sinh (x. Ga 7, 39). Nhưng phải đợi tới lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau phục sinh, khi các ông đã chuẩn bị tâm hồn bằng việc nghe lời Chúa Phục Sinh dạy bảo và đã xác tín vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người; nhất là sau khi các ông “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1, 14) thì ơn Thánh Thần các ông đã lãnh nhận mới phát huy tác dụng như sách Công Vụ đã thuật lại: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi. Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy Ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 1-4).

HỎI 2: Tại sao Thánh Thần lại tác động trên các Tông đồ đúng vào lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái, tức 50 ngày sau khi Chúa Giê-su sống lại? Có liên hệ nào giữa hoạt động của Thánh Thần với lễ Ngũ Tuần của Do thái giáo?

** ĐÁP:

Tuy Đức Giê-su sau khi sống lại đã hiện ra vào chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần, trùng với lễ Vượt Qua của đạo Do thái, nhưng phải đợi đến ngày thứ 50, trùng với lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần mới tác động trên các Tông đồ vì những lý do như sau:

+ Thiết lập giao ước: Trong Cựu Ước, Lễ Ngũ Tuần ban đầu là ngày lễ của nông dân, tạ ơn Đức Chúa về các hoa màu mùa màng (x. Xh 23, 16). Về sau dân Do thái ăn mừng lễ này để kỷ niệm việc Đức Chúa ban Lề Luật và ký kết giao ước Xi-nai với họ. Thời Tân Ước vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đã được Đức Giê-su ban cho các Tông đồ vào chiều ngày phục sinh, giờ đây đã phát huy tác dụng trên các ông, như sách Công vụ thuật lại. Như vậy có thể nói: lễ Hiện Xuống chính là lễ Ngũ Tuần của thời Tân Ước.

+ Thành lập dân riêng mới: Cũng như trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã ký giao ước Xi-nai và ban Lề Luật vào lễ Ngũ Tuần, tức 50 ngày sau biến cố Vượt Qua, biến dân Ít-ra-en thành dân riêng của Người, thì đến thời Tân Ước, Thánh Thần đã hiện xuống vào 50 ngày sau biến cố Phục Sinh, trùng với lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái, để biến Hội Thánh thành dân riêng mới của Thiên Chúa.

HỎI 3: Qua các hình dạng được diễn tả trong sách Công Vụ như: “Từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp, và xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 2-4), tác giả Sách Thánh nói gì về hoạt động của Chúa Thánh Thần?

**ĐÁP:

+ Tiếng động như tiếng gió mạnh: Ám chỉ Thánh Thần là Đấng thiêng liêng vô hình, giống như gió người ta không thể xem thấy, mà chỉ cảm nhận được hiệu quả của nó (x. Ga 3, 8). “Gió mạnh” tượng trưng cho sức mạnh của ân sủng và tình yêu của Thánh Thần. Sức mạnh ấy sẽ giúp các môn đệ làm được những việc lớn lao hơn Đức Giê-su, nghĩa là Thánh Thần cho các ông có thể loan báo Tin Mừng khắp thế gian cho mọi dân tộc, đang khi Đức Giê-su mới giảng Tin Mừng cho dân Do thái tại Pa-lét-tin.

+ Lưỡi lửa: Lưỡi là bộ phận dùng để nói. Lưỡi lửa ám chỉ lời nói của các Tông đồ sẽ có tác dụng như lửa: vừa tẩy sạch tâm trí người nghe khỏi những tư tưởng sai lầm để nhận biết chân lý, vừa hun đúc tâm hồn người nghe để họ tin vào Lời Chúa.

+ Nói các thứ tiếng khác: Là ân huệ đầu tiên của Thánh Thần. Vậy các Tông đồ nói tếng lạ thế nào? Chắc không phải là thứ tiếng lạ khác thường, vì khi nghe các Tông đồ nói thì “Người ta hiểu được bằng tiếng mẹ đẻ của mình” (Cv 2, 6; 1 Cr 14, 5). Ở đây, Lu-ca có ý nói rằng: Các Tông đồ được ơn ngôn ngữ, nghĩa là ơn diễn tả về Thiên Chúa cho người khác hiểu được, làm cho người ta nên hiệp nhất thay vì chia rẽ nhau như con cái lòai người thời xây tháp Ba-ben (x. St 11, 1-9). Cuối cùng, ơn ngôn ngữ còn giúp Hội Thánh mang tính phổ quát, nghĩa là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (x. Cv 2, 9-11).

HỎI 4: Ngày nay, khi chịu phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, Thánh Thần sẽ ban những ơn gì cho các tín hữu?

** ĐÁP:

Khi lãnh nhận phép Rửa Tội, và nhất là khi chịu phép Thêm Sức, Chúa Thánh Thần sẽ đến hoạt động trong các tín hữu.

+ Thánh Thần sẽ thông ban dồi dào sự sống của Thiên Chúa cho chúng ta, biến đổi chúng ta nên Ki-tô hữu trưởng thành về đức tin, mạnh dạn tuyên xưng đức tin và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cho chúng ta hiểu biết đầy đủ về giáo lý của Chúa Giê-su, hầu giúp chúng ta giữ nghĩa cùng Chúa luôn và ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, như lời Người đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 25).

+ Thánh Thần sẽ cho chúng ta được tham dự vào sứ mệnh của Chúa Giê-su bằng ba việc là: rao giảng (Ngôn sứ), thánh hóa (Tư tế), và chăn dắt dân Chúa (Vương đế). Chúng ta làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng lời nói, việc làm và bằng chính đời sống tốt lành của mình, nhờ đó sẽ giúp lương dân nhận biết yêu mến Thiên Chúa.

+ Thánh Thần sẽ hoạt động trong chúng ta bằng việc ban 7 ơn để soi sáng, hướng dẫn và giúp chúng ta nên thánh. Đó là các ơn: khôn ngoan, hiểu biết, thông minh, biết lo liệu, sức mạnh, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa (x. 1 Cr 12, 8-11).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 21-23).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GIEO TRỒNG LÀM PHÁT SINH CẢ MỘT CÁNH RỪNG SỒI:

Vào thập niên 1930, có một thanh niên một mình đi thám hiểu dãy núi AN-PƠ (Alpes) nước Pháp. Anh ta đi ngang qua một dải đất đồi trọc rộng mênh mông. Dải đất này vừa hoang vắng không người lai vãng, lại vừa mấp mô xấu xí và không đáng để người ta quan tâm. Bỗng nhiên anh ta thấy một ông già đang khòm lưng làm việc, trên vai đeo một cái túi khá nặng chứa đầy hạt sồi. Tay ông cầm một khúc ống sắt dài khoảng 1m20. Ông đang dùng ống sắt ấy đâm sâu xuống mặt đất, làm thành những chiếc lỗ cách nhau khoảng 3 mét, Rồi ông thò tay vào túi hạt sồi lấy ra một nắm đặt vào mỗi lỗ một hạt. Khi anh thắc mắc thì ông giải thích như sau: “Nhà tôi ở trong vùng đất hoang vu này. Trước kia tôi cũng có gia đình. Nhưng vợ và 3 đứa con của tôi đã lần lượt bị chết do một dịch bệnh cách đây gần một năm. Sau khi vợ con chết hết, tôi buồn bã chán nản không thiết làm việc trồng tỉa như truớc, mà suốt ngày chỉ đi thơ thẩn khắp vùng để giải khuây. Một hôm tôi đi ngang qua khu vực đồi trọc rộng bao la này và muốn làm một việc gì đó để cho cuộc đời của mình có ý nghĩa. Tôi nảy ra ý định sẽ gieo hạt giống từ cây sồi trong vườn sau nhà, để phủ xanh khu vực đồi trọc này. Tuy biết mình đã lớn tuổi chẳng còn sống được bao năm và không có con cái thừa kế, nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc này với hy vọng sẽ để lại cho các thế hệ mai sau một quả đồi đầy những cây sồi. Đến nay, sau một năm miệt mài gieo trồng, tôi ước tính đã gieo được cả trăm ngàn hạt sồi xuống đất. Chỉ cần một phần mười số hạt này mọc lên thôi, thì tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi”.

Hai mươi năm sau, anh thanh niên kia giờ đã trở thành một người trung niên, lại có dịp đi ngang qua khu vực này. Ông ta sửng sốt khi thấy khu vực đồi trọc hoang vu trước đây hai chục năm, giờ đã biến thành một khu rừng sồi rất đẹp, rộng hai dặm và dài khoảng năm dặm. Tại rừng sồi này có nhiều lòai chim làm tổ và chạy nhảy trên cành ca hát líu lo. Nhiều loài thú hoang như hươu nai cũng đang nhởn nhơn gặm cỏ. Hoa sồi nở rộ khắp nơi lan tỏa mùi thơm khắp vùng. Toàn cảnh khu vực giống như một vườn địa đàng. Ông nhận định rằng: Sở dĩ có được thành quả tốt đẹp này là do bàn tay của ông lão tốt bụng hai mươi năm trước đã có công vun trồng để lại.

Lễ Hiện Xuống cũng mời gọi các tín hữu chúng ta hành động để góp phần xây dựng và mở rộng Nước Chúa đi khắp hòan cầu. Tuy không có khả năng làm thay đổi thế giới, nhưng chúng ta vẫn có thể biến đổi phần nào môi trường sống của mình, giống như ông lão trong câu chuyện trên đã làm. Mỗi chúng ta đều đã được Chúa ban cho một túi hạt sồi ân sủng và một khúc ống sắt tài năng khi ta lãnh nhận phép Thêm Sức. Chỉ cần một chút can đảm của ông lão trồng sồi, cùng với ơn Thánh Thần hỗ trợ, chúng ta cũng có thể góp phần làm cho thế giới ta đang sống ngày một an toàn trật tự, công bình nhân ái và tốt đẹp thịnh vượng hơn.

2) THÁNH THẦN SẼ CHO BIẾT Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG:

Có một nhà hiền triết nọ khi đi lang thang trong rừng, đã không ngừng lặp lại câu hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc sống?

Bỗng một con họa mi bay đến và nói: Ý nghĩa cuộc sống ư? Chỉ là tiếng hót véo von. Rồi nó bay đi nhưng vẫn còn vương lại những âm thanh dễ mến. Nghe vậy, chú chuột chù phản đối: Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng với bóng tối. Thế nhưng chị bướm lại lắc đầu không chịu: Cuộc sống chỉ là sự hưởng thụ và vui thú. Bấy giờ bác ong mật phát biểu: Cuộc sống không chỉ là vui thú, mà còn là lao động, lao động nhiều hơn vui chơi. Cô phượng hoàng thì vỗ cánh và nói: Chẳng ai có lý hết, đời sống chính là tự do, được tung bay trên bầu trời xanh bao la. Cụ tùng bách thì lắc đầu bảo: Đời sống là một cố gắng để vươn cao. Nhưng cô hồng nhung lại quả quyết: Cuộc đời chỉ là những tháng ngày trau chuốt cho vẻ đẹp thêm duyên dáng. Còn chàng mây lang thang lại thở dài: Đời sống chỉ là những lần gặp gỡ rồi chia ly, gây bao khổ đau, cay đắng và nước mắt. Còn bà sóng thần thì bảo: Đời là một sự đổi thay không ngừng.

Nhà hiền triết nghe các loài vật phát biểu đã bị hốt hoảng và chạy trốn ra khỏi khu rừng để khỏi phải nghe thêm tiếng nói của muôn loài trước một vấn nạn vẫn chưa được giải quyết.

Còn chúng ta hôm nay thì sao? Rất có thể chúng ta cũng đã băn khoăn như nhà hiền triết, để rồi cảm thấy như bế tắc, không tìm ra đáp số cho bài toán. Thế nhưng với biến cố Hiện xuống, các môn đệ Chúa đã nhìn rõ vấn đề, đã thấu suốt được những chân lý mà Thầy Giê-su đã truyền dạy. Nhờ ơn Thánh Thần ban, chúng ta hôm nay cũng sẽ nếm thử được niềm an bình mừng vui, bởi vì chúng ta xác tín rằng: « Quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc là Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta ». Nhờ đức tin, chúng ta sẽ có một cái nhìn mới, biết đánh giá đúng những thực tại trần gian, và biết sử dụng chúng để xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp sau này.

3) THÁNH THẦN SẼ MANG LẠI BÌNH AN THỰC SỰ CHO TÂM HỒN

Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất nói về sự bình an thực sự. Nhiều họa sĩ đã ra công vẽ tranh và gửi tác phẩm đến xin dự thi. Nhà vua ngắm mọi bức tranh và đã xác đinh bức tranh nào đẹp và ý nghĩa nhất.

Bức tranh thứ nhất vẽ cảnh một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng bay lơ lửng. Mọi người xem đều đánh giá đây là bức tranh về sự an bình thật sự.

Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi cao nhưng lại không cây cối và chỉ lởm chởm những tảng đá xám xịt. Bầu trời trên cao đang giận dữ đổ mưa lớn kèm theo sấm chớp sáng lòe. Bên vách núi có một dòng thác đang đổ nước xuống dòng suối bên dưới làm nổi bọt trắng xóa. Bức tranh xem ra chẳng có chút gì bình an. Nhưng khi đến gần quan sát kỹ, nhà vua nhìn thấy phía sau dòng thác có một bụi cây nhỏ mọc lên từ vết nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang giang rộng đôi cánh ủ ấp mấy con chim non. Dù giữa dòng thác đang trút nước xuống ầm ầm, mà chim mẹ vẫn không bị giao động, chỉ lo ấp ủ bảo vệ đàn con của mình. Chính điều này đã diễn tả một sự an bình thực sự.

Nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này! Vì sự bình an không chỉ là không có sóng gió, không gặp phải khó khăn gian khổ. Bình an thực sự chính là : dù đang sống giữa phong ba bão táp, mà tâm hồn vẫn giữ được sự bình an thư thái.

4) ĐỔI MỚI PHƯƠNG CÁCH LOAN BÁO TIN MỪNG HÔM NAY:

Từ ngày 20.03.2014 đến nay, các phương tiện truyền thông đã nhiều lần nhắc đến tên một nữ tu: sơ CRIS-TI-NA SCUC-CI-A, 25 tuổi, thuộc Hội Dòng UR-SU-LINE THÁNH GIA, trong thành phố Mi-la-no nước Ý. Đơn giản chỉ vì sơ đã tham gia vào chương trình The voice of Italy của đài TV RAI 2 trong mùa giải thi năm nay và đã vượt qua nhiều vòng thi trước đó. Ở vòng thi giấu mặt, khi nghe sơ hát bài : “No One” của Alicia Keys, cả 4 giám khảo (2 nam, 2 nữ) đều nhanh chóng quay mặt lại, tròn xoe đôi mắt kinh ngạc, ban đầu là chăm chú nhìn rồi đến thích thú. Trên YouTube, màn trình diễn của sơ chỉ sau ba ngày đã đạt được con số 13 triệu lượt người xem. Tính đến nay, số lượt xem đã hơn 49 triệu. Alicia Keys, tác giả bài hát đã bày tỏ sự thán phục bằng chữ “beautiful”. Diễn viên nổi tiếng Whoopi Goldberg, vai chính trong phim “Sister Act” cũng ghi lời tán thưởng. Đặc biệt, Hồng Y Gian Franco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa, trên trang Twitter đã khích lệ bằng một câu Kinh Thánh: “Mỗi người hãy dùng ơn Chúa ban để phục vụ người khác (1Pr 4, 10)”.

Giải thích về việc tham gia cuộc thi, sơ Cris-ti-na cho biết: “Vì ĐGH Phanxicô kêu gọi hãy mang tiếng nói của Chúa đến với mọi người”. Báo chí dựa vào đây để khẳng định tiếng hát của sơ là cách đem Chúa đến với mọi người trên thế giới hôm nay, nhất là các bạn trẻ vốn gần gũi với ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời cũng cho thấy : dẫu là môi trường ngoài đời hay cả những bài hát đời, nếu trình bày với hết tâm hồn, cũng có thể quy hướng người ta về nguồn Chân Thiện Mỹ là chính Thiên Chúa. ĐGH Phanxicô đã kêu gọi công cuộc truyền giáo mới ngày nay rất cần đến nhiệt tình mới, phương pháp mới và ngôn ngữ mới. Hát chính là một trong những ngôn ngữ hiệu quả cần được sử dụng để loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

Sơ Cris-ti-na đã dùng tài năng ca hát như một đặc sủng do Chúa Thánh Thần ban cho để làm chứng cho Chúa, như sơ đã phát biểu khi có người thắc mắc lý do tại sao một nữ tu lại tham gia vào việc ca hát ngoài xã hội: “Tôi có một món quà để trao tặng. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng”.

3. SUY NIỆM:

1) QUYỀN NĂNG VÀ SỨC MẠNH CỦA THÁNH THẦN TRONG HỘI THÁNH :

Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Hãy hân hoan bước đi trong lòng Hội thánhvì Thánh Thần của Chúa Giê-su vẫn luôn ở cùng Hội thánh. Thánh Thần là Thần Chân Lý sẽ hướng dẫn Hội thánh đạt tới chân lý toàn vẹn. Hội thánhluôn được tăng triển nhờ có sức sống thần linh là Thánh Thần. Thực vậy, ban đầu Hội thánhchỉ có 12 Tông đồ yếu kém cả về trình độ văn hóa lẫn tài năng, nhưng đã có thể chu toàn được sứ vụ Chúa Giê-su trao ban là đi loan báo Tin mừng khắp thế gian. Tông đồ Phê-rô từng hèn nhát chối Thầy, nhưng sau đó đã can đảm rao giảng về Đức Giê-su tử nạn và phục sinh cho dân chúng thuộc nhiều tiếng nói khác nhau, và nhờ ơn Thánh Thần ban nên có tới 3 000 người đã tin Chúa và xin gia nhập đạo. Hội thánhChúa Ki-tô dù phải trải qua bao sóng gió, bị đàn áp giết hại, nhưng vẫn đứng vững và ngày một phát triển khắp thế gian là nhờ quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Cũng chính Chúa Thánh Thần đã biến anh Sao-lô từ một kẻ cuồng tín đạo Do thái đem quân đi bách hại đạo Chúa, trở thành Tông đồ Phao-lô nhiệt thành làm chứng cho Chúa khắp nơi.

Ngày nay, tuy Hội thánh vẫn nhiều khuyết điểm và thậm chí có những mục tử còn phạm những tội ác xấu xa, bị xã hội lên án, khiến những kẻ thù ghét Hội thánh bài bác và nhiều tín hữu yếu lòng bị mất đức tin…, nhưng chúng ta tin rằng Hội thánh vẫn luôn có Chúa Thánh Thần ở cùng và giúp vượt qua thử thách, để chu toàn được sứ vụ được Chúa Giê-su trao phó là đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian.

2) VAI TRÒ CỦA THÁNH THẦN TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO :

Một phóng viên đã đặt câu hỏi với một chuyên viên Kinh Thánh như sau: Nếu nhờ khoa học tiến bộ, người ta sáng chế ra đươc một máy quay phim ngược thời gian. Máy này có thể thu lại mọi hình ảnh và lời giảng của Đức Giê-su cách đây hơn 2000 năm. Vậy bộ phim ấy có thể thay thế bốn sách Tin Mừng không? Nhà chuyên viên trả lời: Không thể được, bởi vì đức tin không phải là do mắt thấy tai nghe, nhưng là do ơn Chúa Thánh Thần tác động trong lòng người thấy và nghe, để họ tin theo Chúa. Thực vậy bọn biệt phái ngày xưa đã từng thấy Đức Giê-su, từng nghe lời Người giảng, từng chứng kiến bao phép lạ Người làm, thế mà họ không những không tin, mà còn đòi quan Phi-la-tô kết án đóng đinh Người vào thập giá. Riêng các Tông đồ dù đã đi theo Đức Giê-su, nhưng các ông cũng chỉ thực sự được ơn biến đổi sau biến cố tử nạn và phục sinh của Người, và nhờ được ơn Thánh Thần tác động vào lễ Ngũ Tuần.

3) THÁNH THẦN THÁNH HÓA CÁC TÍN HỮU QUA CÁC PHÉP BÍ TÍCH :

Từ khi lãnh nhận phép Rửa Tội, nhất là khi chịu phép Thêm Sức, Thánh Thần cũng được ban cho các tín hữu.

- Thánh Thần hiện diện khi các tín hữu họp nhau lắng nghe Lời Chúa. Thánh Thần cũng soi sáng, giúp chúng ta thực hành Lời Chúa giữa đời thường (x. Ga 14, 17), giúp ta tuyên xưng “Đức Giê-su là Chúa” (x. 1 Cr 12, 3) và gọi Thiên Chúa là “Áp-ba! Ba ơi!” (x. Rm 8, 15), giúp chúng ta sống như con Thiên Chúa (x. Rm 8, 1). Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta nên công chính, không còn sống theo tính xác thịt, nhưng sống cuộc đời mới tốt đẹp hơn (x. Rm 8, 10-13), giúp ta cùng chịu đau khổ với Đức Ki-tô để cùng được vào trong vinh quang phục sinh với Người (x. Rm 8, 17).

- Chính Thánh Thần làm cho Hội thánh hiệp nhất qua việc ban nhiều ơn đặc sủng khác nhau để phục vụ lợi ích chung cộng đoàn (1 Cr 12, 4-11), nhất là ơn nói các thứ tiếng khác và nói tiên tri (x. 1 Cr 14, 5).

- Ngày nay Thánh Thần cũng hiện diện nơi các vị chủ chăn và cộng đoàn khi họp nhau cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Trong phần phụng vụ Lời Chúa đầu thánh lễ, Thánh Thần sẽ giúp các tín hữu lắng nghe, hiểu biết và sống Lời Chúa dạy. Trong phần Phụng Vụ Thánh Thể, Thánh Thần biến bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa Giê-su sau khi truyền phép. Thánh Thần được ví như linh hồn của Hội thánh. Nếu không có Thánh Thần thì Hội thánh cũng chỉ như một xác chết không hồn mà thôi.

4) THÁNH THẦN SẼ GIÚP CÁC TÍN HỮU LÀM CHỨNG CHO CHÚA:

- Cách đây 20 năm ở xứ Long Châu thuộc Giáo phận Nam Ninh bên Trung Quốc, ban đầu chỉ mới có một gia đình Ông Trùm là tin Chúa. Nhưng nhờ gia đình ông trình bày cho dân làng về Chúa. Kết quả là sau đó hầu như cả làng đều đã tin Chúa. Mỗi năm vào dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh đều có trên dưới 20 người được chịu phép rửa tội để gia nhập đạo. Khi được hỏi: Nhờ bí quyết nào mà việc truyền giáo của ông mang lại hiệu quả tốt đẹp như thế, thì ông Trùm trả lời: “Nhờ đời sống gia đình”. Bên Trung quốc, đời sống gia đình trong thời đại mới hiện nay gặp nhiều khủng hoảng: Vợ chồng thường bất hoà với nhau; con cái không còn vâng lời cha mẹ và có khi còn hành hung cha mẹ; số gia đình tan vỡ ly hôn ngày càng gia tăng. Trong khi đó gia đình Ông Trùm vẫn giữ được nề nếp trên thuận dưới hoà: vợ chồng thương yêu kính trọng nhau, con cái vâng lời cha mẹ, anh chị em quan tâm đùm bọc lẫn nhau. Thấy thế, nhiều người trong làng đã nhận xét về đạo Công Giáo như sau: “Công Giáo là đạo tốt, vì các tín hữu đã có thể giữ được hạnh phúc gia đình”. Nhờ gương sống đạo của gia đình Ông Trùm mà dân làng đã nhận ra giá trị tốt đẹp của đạo Công Giáo và đã tin theo Chúa.

- Ngày nay để chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa, chúng ta phải làm ba việc như sau:

+ Một là tín thác vào Chúa: Đừng quá lo lắng về vật chất “phải ăn gì mặc gì” như người lương. Nhưng “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33).

+ Hai là lắng nghe lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và năng tham dự bàn tiệc Thánh Thể: Như hai môn đệ làng Em-mau xưa, đã được nghe vị khách giải thích Kinh Thánh dọc đường và được tham dự lễ Bẻ Bánh với Chúa tại tư gia, nên đã nhận biết Chúa và lập tức quay về Giê-ru-sa-lem loan báo Tin vui Phục Sinh cho các anh em (x. Lc 24, 33-35),

+ Ba là phải được Thánh Thần ban ơn trợ giúp: Các môn đệ Đức Giê-su đã “đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (CV 1, 14), nên các ông đã nhận được ơn Thánh Thần để thi hành sứ vụ rao giảng về Chúa Giê-su. Chinh nhờ ơn Thánh Thần ban, nên sau bài giảng đầu tiên của Tông đồ Phê-rô đã có ba ngàn người xin theo đạo.

4. THẢO LUẬN:

Ta phải làm gì để được Thánh Thần ngự đến ban ơn đổi mới và giúp ta thi hành sứ vụ “được sai đi”, giống như các Tông đồ trong lễ Ngũ Tuần khi xưa?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA THÁNH THẦN. Xin hãy đến như cơn gió mát thổi vào tâm hồn chúng con, thổi vào Hội Thánh, thổi vào thế giới hôm nay, để làm tươi mát dịu dàng và ban sự tự do thanh thoát. Xin hãy đến như dòng nước trong lành chảy vào cuộc đời chúng con, chảy vào Hội Thánh, chảy vào thế giới hôm nay, để tẩy sạch mọi tội lỗi nhớp nhơ, làm dịu đi những khô cằn, uốn lại những tấm lòng cứng cỏi, và làm phát sinh những mầm xanh sự sống. Xin hãy đến ban lửa hồng chiếu sáng đời con, chiếu sáng Hội Thánh, chiếu sáng thế giới hôm nay, để xua tan bóng đêm tội lỗi khỏi tâm hồn chúng con, đẩy lùi các đam mê thấp hèn khỏi lòng trí chúng con, làm bùng cháy lên ngọn lửa tin yêu và khiêm nhường phục vụ Chúa đang hiện thân nơi người nghèo đói, bệnh tật và bị bỏ rơi.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

Lm Đan Vinh

Tags: Lễ Hiện Xuống

Đọc nhiều nhất Bản in 27.05.2020 14:51