Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tháng Hoa, Đọc Kinh Cầu Đức Bà

§ Pm. Cao Huy Hoàng

Mỗi năm Giáo Hội dành hai tháng kính Đức Mẹ Maria: Tháng 5 và tháng 10 với hai tên thường gọi: Tháng Hoa và Tháng Mân Côi. Các tín hữu được mời gọi đặc biệt sống tinh thần Tin Mừng là cải thiện đời sống, qua việc tôn sùng Mẫu Tâm, năng lần chuỗi Mân Côi trong tháng 10; và sống tâm tình Tôn Vinh Mẹ Maria qua Kinh Cầu Đức Bà trong tháng Hoa, tháng năm.

Việc tổ chức kiệu Đức Mẹ đến từng nhà, dâng hoa Đức Mẹ tại các Đài Đức Mẹ ở các giáo khu, giáo họ hay tại chính đài Đức Mẹ ở Giáo xứ , và việc lần chuỗi Mân Côi trong suốt Tháng Hoa ở khắp nơi trong nước vẫn luôn là một truyền thống tốt đẹp của tín hữu Việt Nam. Nhưng thiết nghĩ, cần phải đặc biệt tôn vinh Đức Mẹ với Kinh cầu Đức Bà riêng trong tháng năm tại các gia đình. Đây là cơ hội tốt để mỗi người, mỗi gia đình học hỏi về vai trò của Mẹ Maria trong nhiệm cuộc cứu rỗi, để sống với hồng phúc của Mẹ Maria và để nhờ Mẹ cầu thay nguyện giúp.

Sốt sắng và tin tưởng đọc Kinh cầu Đức Bà, để tôn vinh: Vì tôn vinh Mẹ là bổn phận của chữ Hiếu đối với ơn Cứu Chuộc, là niềm vui, niềm hãnh diện của con cái về Mẹ Rất Thánh của mình; và để cầu xin: vì ta có thể xác tín lời cầu bầu của Đức Mẹ có một giá trị đặc biệt trước tòa Thiên Chúa. “Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Đức Maria được tôn vinh, sau Con mình, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Người là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô, do đó Người đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 66).

- Đức Mẹ Maria được chính Thiên Chúa tôn vinh, qua lời sứ thần:

“Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). “Đức Chúa ở cùng” Bà, “Thiên Chúa ở cùng” Mẹ, hay có thể nói được là Mẹ đang sống sức sống của Thiên Chúa. Ở điểm nầy cho thấy, Đức Mẹ đã được Thiên Chúa để mắt tới từ ngàn đời cho chương trình của Ngài: một cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa cần có một E va mới, tái sinh nhân loại trong cuộc sống mới: Cuộc sống ân sủng và nghĩa tình với Thiên Chúa.

- Đức Mẹ Maria được nhân loại tôn vinh qua lời tôn vinh đầu tiên của Elizabeth:

“ Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ, và người con em cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1:42-43). Và bắt đầu từ lời tôn vinh của Elizabeth này, Hiến chế tín lý về giáo hội Lumen Gentium xác nhận“từ những thời rất xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu ‘Mẹ Thiên Chúa’, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Người trong mọi cơn gian nan khốn khổ”(số 66).

-Kinh Cầu Đức bà là lời kinh Tôn Vinh Đức Maria theo truyền thống lâu đời của Giáo Hội.

Mở đầu kinh cầu Đức Bà với lời tôn vinh Rất Thánh: Rất Thánh Đức Bà Maria, Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, Rất Thánh Nữ Đồng Trinh, rồi đến các tước hiệu quan trọng nhất có tương quan với chương trình cứu rỗi:

Tôn Vinh Đức Maria là Mẹ: Đức Mẹ Chúa Kitô, Đức Mẹ Giáo Hội vì chính Đức Mẹ trung gian các ơn giữa Thiên Chúa và Giáo Hội qua Đức Giêsu, gọi là Mẹ thông ơn Thiên Chúa. Sau đó là tôn vinh Mẹ với các đặc sủng : “cực thanh, cực tịnh, cực tinh, cực sạch, tuyền vẹn mọi đàng, chẳng nhuốm bợn nhơ, rất đấng yêu mến, cực mầu cực nhiệm, chỉ bảo đàng lành” xứng đáng với lời ca tụng “Đức Mẹ sinh Chúa tạo Thiên lập địa” vì “Đức Mẹ Sinh Chúa Cứu Thế”. Lời tôn vinh chí lý chí tình vì Ngôi Lời sáng thế ngày tạo thiên lập địa đã trở thành người phàm trong lòng trinh nữ (xem Ga 1,1-14), “Ngôi Lời đã trở thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga1,14).

Khi tôn vinh Đức Maria là Mẹ, cùng với lời khẩn xin “cầu cho chúng con”, chúng ta chắc chắn rằng lời cầu thay nguyện giúp của Mẹ Maria với vai trò là Mẹ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa không thể ngoảnh mặt mà không đáp lời.

Tôn Vinh Đức Maria là Đức Nữ. Sau những lời tôn vinh Đức Maria là Mẹ, là Hiền Mẫu của Thiên Chúa, tôi muốn hiểu từ Đức Nữ ở đây chính là Ái Nữ của Thiên Chúa Cha. Vì lẽ, cho dù được chọn giữa muôn loài thu tạo để làm Mẹ Thiên Chúa, thì chính Đức Maria cũng là một thụ tạo, một thụ tạo được Thiên Chúa Cha yêu thương từ ngàn đời. Ái Nữ ấy trở nên tuyệt vời trước mắt Cha và được tôn vinh là Đức Nữ vì đã biết dùng những ơn huệ thiêng liêng Chúa Cha ban cho mà luyện tập, phát huy các nhân đức trong đời thụ tạo của mình: khôn ngoan, đáng mến, đáng khen, tài năng, thương người, thật thà trung tín. Và tất cả những nhân đức mà Mẹ Maria đã đạt được để đoạt lấy vương miện Ái Nữ của Thiên Chúa Cha đều bắt nguồn từ lòng khiêm nhượng sâu thẳm: “... Vâng, tôi là nữ tì của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói. ...” (Lc 1:37). và “Phận nữ tì hèn mọn, Ngài đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1:48). và “Chúa truất phế những người quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhượng” (Lc 1:52).

Cũng vậy, khi tôn vinh Mẹ Maria bằng tước phẩm “Đức Nữ” với những nhân đức siêu phàm, cùng với lời tha thiết xin Mẹ cầu thay nguyện giúp, ta có thể tin rằng Chúa sẽ ban sức thiêng cho ta để có thể thắng vượt tính kiêu ngạo bẩm sinh trong lòng, và tập sống khiêm nhường như Mẹ, mà đạt tới những nhân đức đẹp ý Thiên Chúa Cha.

Tôn vinh Đức Maria là Đức Bà. Tôi không muốn hiểu tước hiệu Đức Bà ở đây đồng nghĩa với Bà Hoàng, Bà Chúa uy quyền, nhưng muốn hiểu về sự cao trọng và phẩm chất đạo đức của Đức Mẹ Maria khi Mẹ thực hiện vai trò “thông ơn Thiên Chúa” của mình cho nhân loại. Một phụ nữ được xem là “bà sang trọng” “bà quí phái” không phải do sắc đẹp hay sự giàu sang mà là do các công việc đạo đức, từ thiện của người ấy thực hiện. Quả thật sự cao trọng của Đức Mẹ được diễn tả ở đoạn kinh cầu nầy thật thâm sâu “Đức bà là gương nhân đức, là tòa Đấng Khôn Ngoan, là Đấng trọng thiêng, là Đấng sốt mến lạ lùng, Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm, như lâu đài Đavít, như tháp ngà, như đền vàng, như hòm bia Thiên Chúa, như sao mai, là cửa Thiên đàng.” Sự cao trọng ấy còn thể hiện nơi tình thương của Bà trải ra cho nhân loại: “Đức Bà làm cho chúng con vui mừng, Đức bà cứu kẻ liệt kẻ khốn, bàu chữa kẻ có tội, an ủi kẻ âu lo, phù hộ các giáo hữu”.

Đức Bà thật cao trọng, nhưng không chỉ cao trọng vì phẩm chức Thiên Chúa ban làm ngai tòa Đấng Khôn Ngoan: là cung ngà điện ngọc của Chúa Thánh Thần, như “hòm bia Thiên Chúa” chứa đựng cả kho tàng Lề Luật của Thiên Chúa….mà còn cao trọng vì Mẹ không ngồi trên ngai tòa cao trọng ấy, mà lại cúi xuống đưa tay cứu giúp kẻ liệt lào khốn đốn, xin miễn giảm phần phạt cho kẻ có tội, an ủi kẻ âu lo và phù hộ những tín hữu trên đường lữ hành. Sự cao trọng của Đức Bà không làm cho chúng ta khiếp sợ, lại làm cho chúng ta an tâm chạy đến với Bà xin cứu giúp.

Tôn vinh Đức Maria là Nữ Vương. Phần cuối kinh cầu chúng ta tôn vinh Mẹ Maria là Nữ Vương. Nếu Vương Quyền của Chúa Giêsu Kitô, Đấng toàn thắng thế gian, được hứa chia sẻ cho các tông đồ: "Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự tòa xét xử mười hai chi tộc Israel" (Lc 22:28-30), thì việc Đức Maria được Tôn Vinh là Nữ Vương Thiên Quốc phải là việc hẳn nhiên, không nghi ngờ hay chối cãi.

Hiến chế Lumen Gentium số 59, cũng xác quyết: “Vì Thiên Chúa không muốn bày tỏ mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Ngài đổ tràn đầy Thánh Thần Chúa Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy các Tông Đồ trước ngày lễ Ngũ Tuần ‘đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và với anh em của Ngài’ (CvSđ 1:14)

Đức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, Đấng đã bao phủ Người trong ngày Truyền Tin. Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội lỗi nguyên tổ và sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ để nên giống Con của Người trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (KhH 19:16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết”.

Khi tôn vinh Đức Maria là Nữ Vương của các Thánh Thiên Thần, các thánh tổ tông, tiên tri, tông đồ, tử vì đạo, hiển tu, đồng trinh, các thánh được Giáo Hội tôn phong và các thánh nam nữ … cách nào đó, chúng ta đã tôn vinh Vua Giêsu, tôn vinh Thiên Chúa Công Bình, đã trọng thưởng Mẹ Maria xứng đáng với đóng góp của Mẹ cho Công Trình Tạo Dựng Mới của Thiên Chúa. Nhờ uy quyền của Nữ Vương Thiên Quốc, Nữ Vương Vũ Trụ, Mẹ Maria có quyền phép đánh gục những mưu toan của ma quỷ qua việc truyền phép rất thánh Mân Côi, dành lại chiến thắng cho Con của Mẹ, đem lại bình an cho Giáo hội, cho các gia đình và cho mỗi tâm hồn tín hữu.

Tháng Hoa, đọc Kinh cầu Đức Bà

Điều đáng vui mừng là hầu như các Praesidia của Legio Mariae đều chia nhau kinh cầu Đức Bà để mỗi Praesidium noi gương một nhân đức, tôn vinh một tước phẩm của Đức Mẹ, hoặc khấn cầu một ơn nơi Mẹ. Có những hội viên đã thấm nhập tinh thần của kinh cầu Đức Bà trong suốt quá trình công tác tông đồ của mình, và trở nên những chứng từ sống động về ơn ích mà Mẹ ban cho.

Đã có những gia đình giữ được truyền thống đọc kinh cầu Đức Bà trong suốt tháng Hoa và kết quả là đời sống gia đình thật bình an hạnh phúc. Đã có những người gắn liền với một lời tôn vinh trong kinh cầu suốt cuộc đời mình, như một lời nguyện tắt bất cứ nơi nào và giờ nào cũng có thể đọc được. “Nữ vương ban sự bình an. Cầu cho chúng con”, hoặc “Đức bà phù hộ các Giáo Hữu, cầu cho chúng con”, chẳng hạn.

Tôi có một người em rất mến Mẹ, mỗi sáng, thường gửi cho các người thân một tin nhắn với nội dung : “Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con” thay cho lời chào đầu ngày. Ông Tôma Lượng, cựu chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ của tôi thời 1975-1990, cuối giờ kinh chung, riêng, bất cứ ở đâu cũng đều đọc câu: “Đức Bà phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con”. Ông Tôma đã qua đời, nhưng nhìn lại những phát triển của Giáo xứ, chúng tôi tin rằng: “Đức Bà phù hộ các Giáo Hữu” đã phù hộ giáo xứ chúng tôi vượt qua biết bao khó khăn thăng trầm.

Nhưng, cũng có một thực tế đáng buồn: thói quen đọc kinh tối sáng ở các gia đình – kể cả trong tháng Hoa, gần như đang mất dần mất dần ở Việt Nam. Thay vào đó là những sinh hoạt vô bổ trước giờ đi ngủ: xem ti vi, xem phim, hát karaoke, nhậu lai rai… làm cho người lớn quên kinh, thanh niên và thiếu nhi thì hầu như chẳng thuộc kinh thường ngày, thì nói gì đến một kinh dài như Kinh Cầu Đức Bà!

Ngày xưa không xa, chỉ là trước 1975 thôi, đời sống đạo của cha ông có khác với đời sống đạo của con cháu thời nay: buổi sáng sớm, cha ông sốt sắng tham dự thánh lễ, buổi tối, cả nhà kinh nguyện. Đời sống đạo cá nhân và gia đình thật ý nghĩa.

Bây giờ, hình thức sống đạo cá nhân, gia đình phai nhạt đi, nhường cho những sinh hoạt đạo đức có tính cộng đoàn hơn, mang hình thức bên ngoài nhiều hơn. Từ đó, việc sống đạo gần như mất cái gốc quan trọng: chính mình đối diện với Thiên Chúa, chỉ còn cái ngọn lêu bêu: phong trào quần chúng. Để xem nhận xét như thế có quá đáng không, có thể kiểm chứng qua vốn liếng giáo lý, vốn liếng kinh hạt và nhất là vốn liếng yêu mến Chúa và giáo hội nơi những người trẻ.

Trước hiện trạng nầy, thiết nghĩ việc tổ chức lần chuỗi Mân Côi và đọc kinh cầu Đức Bà trong tháng Hoa tại các gia đình sẽ có sức tái lập một nền đạo đức cá nhân và gia đình. Nếu khi lần chuỗi Mân Côi, cả nhà cùng Mẹ suy gẫm cả cuộc đời Chúa Cứu Thế, cùng Mẹ sống Mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu để đời mình cũng vượt qua, và về đến cùng đích là Thiên Chúa, thì khi đọc kinh cầu Đức Bà, ta cùng Triều thần Thiên Quốc, cùng Giáo Hội tôn vinh Mẹ Maria niềm vui, niềm tự hào thánh thiện, cùng với lời cầu xin sốt sắng và tin tưởng Đức Mẹ, Đức Nữ, Đức Bà và Nữ Vương sẽ nhậm lời mà cầu thay nguyện giúp cho chúng ta những ơn cần thiết.

Tháng Hoa 2008

Pm Cao Huy Hoàng

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.05.2008. 22:22