Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Suy Niệm Mùa Giáng Sinh: Sự hiểu lầm vẫn còn đó!

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

(Ga 1,1-5;9-14)

Trong một cuốn tiểu thuyết của ông với tựa đề "Le malentendu" (Sự hiểu lầm), Albert Camus viết về thảm cảnh của một người đàn ông sau 20 năm bỏ quê đi cầu thực ở nơi xa xôi, đã trở về quê cũ và đến thuê một căn phòng tại một quán trọ do mẹ và người em gái của anh ta điều hành để ngủ qua đêm. Vì vội vàng nên anh chưa nói gì với mẹ và em gái được cả. Trong khi đó, mẹ và người em gái lại không còn nhận ra được người khách lạ sang trọng kia là chính con và anh trai mình nữa. Vì thế, trong đêm hôm đó anh đã trở thành nạn nhân của một thảm cảnh vô cùng đau thương do hai người đàn bà kia gây nên: Vì tham lam muốn cướp đoạt tiền bạc người khách trọ, nên khi anh đang ngủ thì hai người đàn bà đã lẻn vào phòng và giết chết anh. Nhưng sau đó, khi họ chiếc Thẻ Căn Cước của anh trong tay thì biết được sự thật.

Ở đây, nguyên nhân của thảm cảnh đau thương trên sự không nhận ra được sự thật. Nhưng tại sao một người mẹ lại không còn nhận ra được chính con trai mình nữa? Phải chăng lòng tham lam tiền bạc của cải vật chất đã làm mờ mắt bà?

Sự hiểu lầm về Đức Giêsu Na-da-rét:

Hôm nay thảm trạng của nhà văn hào người Pháp nói trên đã dẫn đưa chúng ta tới một thảm trạng khác. Vâng, một Người Con cũng đã trở lại nhà, cũng đã "đến nhà mình" (Ga 1,11). Và khác với người đàn ông trong thảm cảnh của Albert Camus, Người Con này khi đến "nhà mình" đã nói rõ ràng danh tính, nguồn gốc cũng như mục đích sự thăm viếng của Người. Tuy nhiên, sự hiểu lầm vẫn xảy ra: Thân nhân Người chẳng những không tiếp nhận Người mà còn giết chết Người nữa.!

Sự hiểu lầm đầy đau thương về Đức Giêsu Na-da-rét đã lùi quá xa vào trong lịch sử và nhất là người ta đã nghe đi nghe lại đến nhàm tai, vì thế nhiều người đã không còn có được sự đồng cảm, đã không còn cảm thấy xúc động hay áy náy lương tâm mình nữa. Vâng, hôm nay nhớ lại trong 10 ngày qua, hầu hết các thánh đường trong Giáo Hội đã không còn chỗ trống trong những ngày đại lễ Giáng Sinh. Mọi tín hữu đều hân hoan ca mừng Người Con "đã đến thăm viếng nhà mình". Nhưng người ta cũng tự hỏi: Phải chăng tất cả mọi Kitô hữu đã thực sự nhận ra Người? Phải chúng ta đã nhận ra và tiếp rước Người vào trong gia đình chúng ta, vào trong cuộc sống mỗi người chúng ta?

Thực tại cuộc sống chúng ta đã chó thấy rằng do một sự hiểu lầm khủng khiếp, Đức Kitô vẫn luôn được tưởng nhớ, được ca mừng như một người đã chết từ lâu và không còn ảnh hưởng gì đến cuộc sống cụ thể của con người cũng như của vũ trụ nữa, nếu không nói là Người vẩn luôn bị con người tìm cách tẩy chay, gạt ra khỏi cuộc sống của họ và bị sát hại đau thương qua những người anh chị bé nhỏ của Người, kể cả khi chưa được sinh ra.

Những thế giới khác nhau:

Trong tiểu thuyết của Albert Camus vừa nhắc tới trên, hai người đàn bà đã hành động giết người dã man, vì họ chỉ biết và chỉ sống trong thế giới nhỏ bé của mình mà thôi. Đó là một thế giới ích kỷ, gian tham, lạnh lùng, bạo động và không có tự do, một thế giới chỉ đặt giá trị đồng tiền lên tất cả mọi giá trị, trên cả các giá trị siêu nhiên và mạng sống cao cả của con người. Trong khi đó, Người Con lại đến từ thế giới đầy an vui, đầy tình người, một thế giới chỉ có yêu thương và tha thứ. Đó là thế giới của ánh sáng, của hòa bình và của tự do. Bên kia biên giới này là thế giới của hai người đàn bà gian tham, một thế giới đã dẫn đưa họ đến chỗ hiểu lầm. "Họ nhìn tôi, nhưng họ đã không thấy tôi", lời người con hồi hương kể lại.

Đó cũng chính là điều đã thường xảy ra cho những người sống trong các gia đình. Vâng, nhiều bậc cha mẹ đã thường phàn nàn: "Chúng tôi không còn nhận ra được các con cái chúng tôi nữa. Chúng nó đã hoàn toàn thay đổi!" Qua đó, người ta đã tự hỏi: Phải chăng những mơ ước và cao vọng quá chủ quan và thiếu suy tư chính chắn mà chúng ta đã đặt ra cho con cái chúng ta trước kia, đã khiến chúng ta không muốn nhận thức những gì tiêu cực lẫn lộn trong đó, nhưng tiêu cực đã hủy hoại chính tương lai con cái chúng ta, một hậu quả mà ngày nay chúng ta đang phải đối mặt?

Giữa đức Giêsu và các đối thủ của Người cũng biểu lộ hai thế giới hoàn toàn khác nhau: Trước hết là thế giới của một vị Thiên Chúa đầy lòng từ bi, Đấng đã yêu thương cứu vớt con người qua Đức Giêsu Na-da-rét, và tiếp đến là thế giới của sự vô thần và chối từ, một thế giới hoàn toàn tự nô lệ hóa mình cho một vị Thiên Chúa do tự tay mình tạo ra. Trong lời tựa Phúc Âm của mình, thánh Gioan đã trình bày sự kinh nghiệm về thái độ chối từ đó, khi ngài viết: "Người là ánh sáng soi chiếu mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng thế gian lại kgông nhận ra Người"; hay: "Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng tiếp nhận Người." Ngày nay, khắp nơi các Kitô cũng đang phải đối mặt với thái độ chối từ này.

Đúng thế, ngày nay một thế giới đầy lạnh lùng chối từ như thế vẫn còn hiện hữu, một thế giới chỉ muốn sống tự mãn trong sự nhỏ nhoi và thiển cận của mình, một thế giới chỉ hài lòng với những quan niệm và ý nghĩ nông cạn và giới hạn của mình. Đó là thế giới của quyền lực, của ý thức hệ, của những khám phá mang tính chất khoa học đầy chủ quan và tự cho mình là tuyệt đối. Đó là một thế giới chỉ muốn tự giải thoát bằng sức riêng quá hạn hẹp của mình, vì thế đã chối từ tình thương và Tin Mừng cứu rỗi của Thiên Chúa do Đức Giêsu mang tới. Trong một thế giới như thế, không chỉ Đức Kitô đã bị con người hiểu lầm, nhưng cả các Kitô hữu và sứ mệnh bác ái của họ cũng bị hiểu lầm, bị lợi dụng và bị chối từ. Vâng, chúng ta đã chẳng phải cảm thấy đau đớn khi nhìn thấy thế gian vẫn còn yêu bóng tối hơn sự thật, vẫn còn chối từ Tin Mừng của Đức Kitô, mặc dù Giáo Hội với Công đồng Vatican II đã mở tung mọi cánh cửa để đến với thế gian! Vâng, sự hiểu lầm vẫn còn đó!

Bước đi giữa hai thế giới:

Một điều thật đáng tiếc là sự hiểu lầm còn ăn sâu cả đến những người đã tiếp nhận Đức Kitô. Kinh Thánh đã nhiều lần tường thuật là chính các Môn Đệ cũng đã không nhận ra và không hiểu được Đức Kitô. Phêrô đã không nhận ra được Sư Phụ mình khi Người nói cho ông về cuộc khổ nạn thập giá của Người. Phêrô đã không muốn tin nhận Người trong giây phút chối từ. Các Môn Đệ nam nữ của Đức Kitô đã không còn nhận ra Người khi Người hiện ra với họ sau ngày Phục Sinh. Tất cả họ vẫn còn tự buộc chặt mình trong thế giới "cũ kỹ và chủ quan" của mình. Do đó họ đã phải rất vất vả mới có thể thoát ra khỏi được cái thế giới chủ quan hẹp hòi đó để bước vào trong thế giới mới của Thiên Chúa, một thế giới mà Đức Kitô là hiện thân và đã biến đổi.

Ở đây, chúng ta tự hỏi: Tại sao sự hiểu lầm có thể xảy ra?

Trong thảm cảnh của tiểu thuyết Albert Camus, người ta tìm gặp một dẫn chứng rõ ràng: "Người ta rất dễ dàng giết hại điều mà người ta không quen biết", như câu trả lời của bà mẹ cho cô con gái khi nàng hỏi về ngoại hình của vị khác trọ.

Cả chúng ta là những người tin nhận Đức Kitô, cũng đã hiểu biết quá ít về Người, về tinh thần của Tin Mừng mà Người mang tới. Vì thế, trong tư duy và trong cách sống của chúng ta, chúng ta luôn đi nước đôi giữa thế giới do chính chúng ta tạo ra hay do chúng ta ước mong và thế giới của Đức Kitô. Vâng, trong bao nhiêu lãnh vực thuộc cuộc sống, chúng ta đã thực sự là những chứng nhân của Đức Kitô? Trong bao nhiêu trường hợp của cuộc sống cụ thể, chúng ta đã tỏ ra thiếu tin tưởng phó thác là Thiên Chúa luôn hiện diện bên cạnh chúng ta để bảo vệ chúng ta, dù cho chúng ta không cảm nhận được điều đó? Sự hiểu lầm luôn có thể xảy tới cho mỗi người trong chúng ta, có thể xảy đến cho một cộng đoàn giáo xứ hay cho một phần của Giáo Hội. "Người ta rất dễ dàng giết hại điều mà người ta không quen biết!"

Sống trong đời này với niềm an vui và đầy tín thác:

Xưa kia, những người tiếp nhận Đức Kitô, đã có thể đầy vui mừng kêu lên: "Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người" (Ga 1,14), nhưng đồng thời họ cũng đã không hoàn toàn thoát khỏi những sự hiểu lầm. Vâng, Đức Kitô cũng đã phải gánh chịu thất bại và chối từ nơi chính Dân Người, nơi những người bạn thân thiết của Người, những người vì yếu hèn và hoảng sợ trước cá thế lực trần gian đang rình rập đe dọa họ, đã không muốn xưng nhận Đức Kitô.

Bởi vậy, chúng ta cần tự hỏi mình: Ở đâu trong cuộc đời này, chúng ta đã hãnh diện và vui mừng khi cảm nghiệm, khi nhìn thấy được vinh quang của Thiên Chúa?

Đối với tôi, cảm nghiệm được sự vinh quang của Thiên Chúa chính là khi phải bước đi, khi phải đối mặt với hai thế giới hoàn toàn khác nhau trong cuộc sống đời thường, tôi vẫn luôn xác tín được rằng thế giới của Đức Kitô vô cùng mạnh mẽ hơn thế giới nhỏ bé và hạn hẹp trong tôi cũng như chung quanh tôi. Tôi luôn vững tin và sống một cách đầy tín thác rằng Thiên Chúa luôn cự ngụ với tôi và ở giữa chúng ta, vì người là Immanuel, là "Thiên Chúa ở với chúng ta".

Do đó, nếu tôi luôn luôn biết sẵn sàng và thành tâm tìm hiểu Người, nếu tôi biết tỉnh thức để đối mặt với thế gian, chứ không để thế gian cuốn hút và lôi kéo, thì bấy giờ tôi, với tư cách là người đã được thanh tẩy trong trong Chúa Thanh Thần, đã thực sự thuộc về thế giới của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, sự xác tín này không hề chuẩn miễn cho tôi một sự hiểu lầm có thể xảy đến, nhưng nó lại có thể giúp tôi vượt lên trên được sự hiểu lầm ấy và sống một cách an vui và đầy tín thác.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.01.2010. 11:49