Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Rập đời sống con theo khuôn mẫu thánh giá Chúa!

§ Lm Anmai, DCCT

Gần 2000 năm nay, Thập Giá vẫn là một mầu nhiệm đối với con người. Không là mầu nhiệm sao được khi mà nhìn lên đấy, người ta thấy một Con Người chịu chết treo trên ấy một cách nhục nhã. Không nhục nhã sao được khi thân hình tiều tụy và bị đòn roi đánh tơi tả trước khi chết. Chết rồi mà cũng chẳng được yên khi bị quân lính lấy lưỡi đòng đâm thâu !

Chẳng ai hiểu được một con người chết như vậy trên Thập Giá. Thật sự thì Con Người ấy có nói nguyên nhân cũng như ý nghĩa cho cái chết ấy nhưng con người cố tình không hiểu và không đón nhận Mầu Nhiệm ấy trong đời mình. Con Người ấy đã nói đi nói lại bao lần về cái chết của Con Người ấy. Con Người ấy sinh ra trong cuộc đời này chỉ vì yêu và cuối cùng chết cũng vì yêu.

Nhìn lên thập giá ấy, nhiều người cho rằng đó là sự điên rồ. Và những người tin Con Người chết treo trên cây thập giá ấy cũng bị gọi là điên rồ.

Chính cây thập giá ấy đã làm cho nhiều người vấp ngã. Cũng chính cây thập giá ấy mà nhiều người được cứu độ.

Con Người chịu chết treo trên cây thập giá cũng vì yêu. Con đường của Con Người chịu chết treo trên thập giá ấy chính là con đường của tình yêu và những ai tin và theo Con Người ấy cũng chẳng có con đường nào khác ngoài con đường của tình yêu.

Yêu và chết một cách nhục nhã vậy mà gọi là mầu nhiệm !

Mầu nhiệm thật đấy chứ ! Vì nếu chết cho những con người gọi là công chính, là hoàn thiện thì chẳng còn gọi là mầu nhiệm nữa. Mầu nhiệm ở chỗ là chết cho, chết vì những con người tội lỗi, những con người bất toàn. Mầu nhiệm càng dẫn con người vào đường nẻo của nhiệm mầu và khó hiểu.

Chỉ những ai dám sống vì yêu và chết vì yêu như Con Người treo trên thập giá mới được vào hưởng vinh quang như Con Người khi còn sống đã tuyên bố.

Tôi có quen một người, xem ra người ấy khá đạo đức vì ngày mỗi ngày người ấy vẫn miệt mài ngồi dưới chân Chúa cả tiếng đồng hồ sau khi tham dự Thánh Lễ. Một lần kia, nói chuyện về thập giá, người ấy than vãn sao Chúa trao thập giá nặng quá cho người ấy. Tôi mới hỏi thật là khi ngồi dưới chân Chúa cầu nguyện cái gì ? Người ấy không trả lời. Tôi nói rằng tôi quen ngắm thứ bốn của tràng chuỗi Năm Sự Thương xin người ấy nhắc lại, người ấy đọc là:

- Thứ bốn thì ngắm: Chúa Giêsu vác thánh giá, ta hãy xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa !

Tôi hỏi người đó rằng vẫn thường xuyên lần chuỗi, vẫn thường xin cho mình được vác thánh giá theo Chúa hay không hay chỉ là xin theo thói quen của lời ngắm thứ bốn của Mầu Nhiệm Năm Sự Thương. Khi tôi hỏi như vậy, người ấy không nói gì nữa. Thì ra là qua câu hỏi của tôi, người ấy chợt nhận ra rằng mình vẫn xin đấy nhưng mà hình như mình chưa sống lời mà mình xin. Và thậm chí, đơi khi bi đát ở chỗ là ta chỉ đọc như một cái máy chứ ta không suy, không gẫm.

Thật ra, nhân cơ hội nhắc người bạn về chuyện thưa xin này cũng chính là cơ hội nhắc nhớ mình. Đôi lúc trong cuộc sống, mình cũng từng xin với Chúa nhiều điều nhưng rồi mình cũng chưa sống điều mà mình xin ấy. Nhiều lần nhiều lúc mình suy nghĩ cũng hay, mình nói cũng hay lắm nhưng mình có dám sống mầu nhiệm thập giá trong đời mình hay không ? Hay là mình chỉ hát, chỉ nói nơi đầu môi chót lưỡi mà thôi.

“Nhìn lên thấy mình không bằng ai, nhìn xuống thấy mình còn hơn nhiều người”. Câu nói cổ xưa của ông bà ta để lại. Ta có thể đảo ngược câu nói ấy một chút: Nhìn lên thì ta thấy thánh giá mà Chúa gửi cho ta quá nặng ! Nhưng nhìn xuống ta thấy thánh giá mà Chúa gửi cho ta còn nhẹ hơn của nhiều người. Nếu ý thức được như vậy, ta chỉ còn một chuyện là xin Chúa ban thêm sức để ta đủ sức vác thập giá đời mình chứ không càm ràm, không than trách Chúa nữa.

Như người bạn ấy, đôi lúc bạn thấy thánh giá mà Chúa đang gửi cho bạn là quá nặng, quá sức bạn nhưng trong cõi lắng đọng của lòng mình, thánh giá mà Chúa gửi vừa sức của bạn đấy ! Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc đời, do cuộc đời này quá nhiều náo động, quá nhiều xôn xao để bạn không nhận ra rằng bạn hạnh phúc hơn nhiều người với thánh giá mà Chúa đang gửi cho bạn. Nhìn xung quanh bạn, nhiều người vác thánh giá nặng hơn bạn mà mà không biết đấy thôi !

Trở lại vấn đề của thập giá. Mình thừa ý thức và thừa hiểu rằng thập giá chính là mầu nhiệm và trong đời sống kitô hữu của mình phải noi theo mầu nhiệm mà Chúa đã nêu gương và đã sống. Kitô hữu phải noi theo rồi huống hồ là tu sĩ, là linh mục. Nhất là linh mục, nhớ lại lời mời gọi của giám mục chủ phong trong lễ trao sứ vụ linh mục lại càng đậm nét hơn về mầu nhiệm thập giá: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu thánh giá Chúa”.

Nói thì dễ, hứa cũng dễ nhưng để sống đời mình rập theo khuôn mẫu thánh giá Chúa không phải là chuyện dễ. Phải cầu nguyện, phải xin ơn và phải luyện tập mới có thể sống được mầu nhiệm đau khổ ấy.

Những ngày này, Giáo hội đang chìm sâu trong mầu nhiệm Thập Giá, Giáo hội một lần nữa Giáo hội được nhắc lại và mời gọi rập đời mình theo khuôn mẫu thánh giá Chúa.

Chỉ những ai nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thánh giá mới được đồng hưởng vinh quang mà Cha Ngài đã hứa ban cho những ai sống mầu nhiệm ấy.

Lm Anmai, DCCT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.04.2009. 08:29