Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phục vụ tha nhân: Chứng nhân của Thiên Chúa

§ Lm Jude Siciliano, OP

Chúa Nhật 3 Mùa Vọng (B)
Thêm phần Lễ Đức Mẹ Guadalupê

Isaia 61:1-2a, 10-11; Luca 1: 46-54; I Thess. 5: 16-24; Gioan 1: 6-8, 19-28

Anh chị em thân mến

Anh chị em thử tóm tắt những từ nói về Mùa Vọng như thế nào? Hy vọng? Chờ đợi? Mong đợi? Trông đợi? Ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta nghe ngôn sứ Isaia cầu khấn "xin Ngài mau trở lại vì tình thương đối với tôi tớ Ngài... Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống" (Is.63:17,19). Đức Giêsu khuyên các môn đệ "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức" (Mc 13:33). Ngày Chúa Nhật thứ hai chúng ta lại nghe thánh Phêrô khuyên "Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm.." (2Pr. 3:10) và "...chúng ta mong đợi trời mới đất mới..."(2Pr.3:13). Thánh Gioan Tẩy Giả công bố rằng "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến..."(Mc.1:7). Hai tuần đầu Mùa Vọng chắc chúng ta trông mong và chờ đợi Thiên Chúa hành động. Chúa nhật này, nỗi mong chờ đó trong mỗi người càng nhiều hơn, vì chúng ta đã nghe lời mời gọi của Thiên Chúa và đang thực hiện.

Chúa nhật hôm nay chính là "việc đáp lại lời mời gọi". Ngôn sứ Isaia cho chúng ta biết "ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi" (Is.61:1). Đó là phần ngôn sứ lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa. Chúa xức dầu cho ngôn sứ Isaia không phải chỉ để cho ngôn sứ nên thánh thiện hơn, nhưng vì Chúa muốn sai ngôn sứ làm việc cho Ngài là "đi báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn"(Is.61:1). Thiên Chúa có mục đích, Ngài có việc phải làm và biến ngôn sứ Isaia trở nên khí cụ để thực hiện mục đích của Thiên Chúa.

Nơi Bàn Tiệc Thánh hôm nay, chúng ta có thể xin Chúa Thánh Linh, Đấng đã xức dầu cho ngôn sứ Isaia để thi hành nhiệm vụ của Ngài, ban cho chúng ta ơn khôn ngoan, qua đó, nhận biết những gì Thiên Chúa muốn chúng ta phải thực hiện trong lúc này. Ngôn sứ Isaia được sai đi rao giảng cho mọi dân tộc, nhất là những người đang nóng lòng chờ đợi với niềm tin là Thiên Chúa sẽ đến để giúp đỡ họ. Có lẽ nhiệm vụ Thiên Chúa sẽ giao cho chúng ta không bao quát nhiều như vậy. Nhưng, cũng như ngôn sứ Isaia, mọi người chúng ta là Kitô Hữu đã chịu phép Rửa để rao giảng "Tin Mừng" cho những ai đang mong đợi, bằng lời nói và việc làm. Có lẽ chúng ta mừng vì thấy nhiều tôi tớ Chúa đã được những ơn riêng, như chính chúng ta cũng đã được lãnh nhận những ơn đặc biệt của Chúa ban. Mỗi người trong chúng ta có ơn gọi riêng, chúng ta có công việc phải làm, vậy việc đó là gì?

Trong Thánh vịnh Ngợi Khen đáp lờI, Đức Maria mừng khen Đức Chúa, mặc dù Người là phận "nữ tỳ hèn mọn", nhưng Đấng Toàn Năng đã làm cho Người biết bao điều cao cả. Người sẽ sinh Đấng Cứu Thế, ngay cả trước khi điều đó xảy ra, Người đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Người đã cất lời cao rao điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi Người và Ngài cũng sẽ làm cho kẻ đói nghèo là những người đã kêu đến Thiên Chúa. Mỗi khi Thánh Linh Chúa đến với một người nào như Isaia và Đức Maria, người đó không nên giữ Tin mừng trong lòng mà họ phải loan báo cho kẻ khác biết.

Đó là việc mà mọi người trong cộng đoàn chúng ta phải làm. Họ đã nghe lời kêu gọi của Thiên Chúa. Họ đã được "xức dầu.. và đã được sai đem Tin mừng cho người nghèo khó", và họ đã làm việc đó. Họ tiếp giúp những người khổ đau, rao giảng lời Chúa trong các hội đoàn, ngồi kề bên những người hấp hối, an ủi những gia đình đau khổ, mang Mình Thánh Chúa đến những người già yếu và đau ốm, bênh vực những người vô gia cư, làm việc với những cơ quan giúp đỡ người vô gia cư, dạy các học sinh biết gìn giữ môi trường sống v.v..."Đem Tin mừng cho người nghèo" gồm nhiều khía cạnh cũng như cộng đoàn chúng ta vậy. Chúng ta là những thành phần đã chịu phép Rửa tội và đã được xức dầu Chúa Thánh Linh để chúng ta có thể thi hành nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã giao trong thế giới này.

"Hãy nghe đây, hãy nghe đây". Đây là cách khởi sự một phiên tòa ở Mỹ. Một lục sự hô lớn lên để cho mọi người lắng nghe và đứng lên chào vị chánh án. Phúc âm thánh Gioan mở đầu bằng việc giới thiệu thánh Gioan Tẩy Giả như lời báo tin trong phiên tòa vậy. Những người đã được nghe Tin mừng của các Phúc âm trước, đã biết về thánh Gioan Tẩy Giả. Tin Thánh Gioan Tẩy Giả sinh ra đã được báo trong Phúc âm thánh Luca. Cả ba Phúc âm trước đã nói về sự rao giảng và phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả. Thật ra Ông đã được quá nhiều người biết nên có người coi thánh Gioan Tẩy giả như một ngôn sứ còn lớn hơn cả Chúa Giêsu. Nên thánh Gioan nói về nhiệm vụ của Gioan Tẩy Giả bằng từ: "không phải là..". Ông "không phải là Đấng Kitô...không phải là tiên tri Elia...không phải là ngôn sứ". Ông chỉ là người được "Thiên Chúa sai đến để làm chứng". Ông đã được xức dầu để làm nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã sai đi: Loan báo tin Chúa Giêsu sẽ đến.

Cuối Phúc âm thánh Gioan, Chúa Giêsu sẽ bị đưa ra tòa xử, sẽ bị buộc tội và bị xử tử hình. Nhưng Phúc âm hôm nay cho chúng ta biết là chính loài người chúng ta sẽ được đưa ra xét xử. Phiên tòa đã bắt đầu và người làm chứng thứ nhất là Thánh Gioan Tẩy Giả. Ông được gọi ra để làm chứng cho Chúa Giêsu là Đấng tự xưng mình là "đường, là sự thật và là sự sống".

Thánh Gioan Tẩy Giả là người thứ nhất làm chứng cho Chúa Giêsu. Sau này sẽ có nhiều người làm chứng khác. Nhưng chính những dấu đặc biệt của Chúa Giêsu mới thật sự làm chứng Ngài là ai. Ngài sẽ cho kẻ đói ăn, Ngài là bánh hằng sống. Ngài sẽ cho kẻ khát uống, Ngài là nước hằng sống. Ngài làm cho Lazaro sống lại, chính Ngài là sự sống. Ngài sẽ mở mắt người mù, Ngài là ánh sáng thật đã đến ở thế gian. Chúa Giêsu đã thật sự đáp lại những câu hỏi về những việc Ngài đã làm. Việc Ngài chữa người què vào ngày sabat là việc chứng tỏ rằng "Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi" (Ga.5:37). Thiên Chúa cũng đã làm chứng cho chúng ta về Chúa Giêsu.

Những ai nghe Phúc âm hôm nay và nghe các chứng nhân sẽ có quyết định: Có phải Chúa Giêsu là Đấng để chúng ta đặt niềm tin vào hay không? Chúng ta theo Ngài, có dám từ bỏ những gì nhằm phục vụ cho những thỏa mãn, thèm khát trong cuộc sống đời thường không? Nếu phiên tòa đã bắt đầu và những chứng nhân đã được gọi ra, chúng ta sẽ quyết định: Có chấp nhận những điều Phúc âm hôm nay nói về Chúa Giêsu không? Nếu chấp nhận, nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta ra sao?

Lẽ cố nhiên, khi chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu bằng cách chấp nhận những chứng nhân trong Phúc âm thánh Gioan, thì chúng ta sẽ trở thành chứng nhân trong hàng ngũ các chứng nhân bắt đầu từ Thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta hành động ra sao...nói những lời gì...chúng ta là ai... Có dấu gì làm chứng là chúng ta đã chấp nhận Chúa Giêsu hay đã từ chối Ngài. Những người khác nhìn vào chúng ta, sẽ có phán quyết về chúng ta. Họ sẽ nói " Đúng là một chứng nhân thật của Chúa Giêsu, vì đời sống của họ đã minh chứng được họ là môn đệ của Chúa Giêsu."

Phúc âm Thánh Gioan dựa vào ý chính là sự làm chứng. Vì vậy, những người đã chấp nhận làm nhân chứng cho Chúa Giêsu phải sống đức tin thật của mình ở trần gian. Kitô giáo không là một tôn giáo của cá nhân, nhưng mọi Kitô Hữu phải sống xứng đáng với bí tích Rửa tội của mình, nhờ đó đã làm chúng ta trở nên "ánh sáng của thế gian". Chúa nhật hôm nay chúng ta đốt ngọn nến thứ ba trong mùa Vọng và được nhắc nhở rằng: Chúng ta đã trở nên như ánh sáng của cây nến cháy mà chúng ta lãnh nhận trong bí tích Rửa tội, và chúng ta đã được xức dầu để loan báo Tin mừng như một nhân chứng ở phiên tòa. "Hãy nghe đây hãy nghe đây".

PHẦN THÊM:

Ngày 12 tháng 12 là ngày lễ Đức Mẹ Guadalupê. Lễ này mừng ngày Đức Mẹ hiện ra cho thánh Juan Diego vào ngày 9 tháng 12 năm 1531. Thánh Juan Diego là người thổ dân đang trên đường đi dự lễ. Đức Me hiện ra dưới dạng một phụ nữ đang mang thai, mặc áo như các phụ nữ địa phương. Đức Mẹ dùng tiếng địa phương nói nhỏ nhẹ với Juan Diego, không như những người Tây Ban Nha lúc đó, họ không tôn trọng người địa phương. Ngay cả hàng giáo phẩm lúc bấy giờ cũng vậy. Đức Mẹ yêu cầu hàng giáo phẩm xây một đền thờ ở ngoài thành phố Mexico, để những thổ dân địa phương như Juan Diego có thể đến đó cầu nguyện với Mẹ sẽ nhận được sự trợ giúp của Con Mẹ. Đức Mẹ Guadalupê là bổn mạng của Mỹ Châu. Đức Mẹ chứng tỏ Thiên Chúa đã giang tay nâng đỡ những người bị áp bức.

Cha Allan Figeroa Deck, dòng Tên đã viết: chúng ta hãy nhìn kỹ, Đức Mẹ không những là một nhân chứng đã được thụ hưởng tình thương của Thiên Chúa, mà còn kêu gọi chúng ta hiệp với tình thương và uy quyền của Thiên Chúa, để đáp lại lời mời gọi các Kitô Hữu phải biết phục vụ tha nhân, hầu giúp giải thoát toàn thể nhân loại. Câu chuyện Đức Mẹ hiện ra cho Juan Diego không chỉ là mẩu chuyện về tình thương của Thiên Chúa đối với người thổ dân, nhưng còn là gợi ý cho chúng ta đáp lại tình thương Thiên Chúa qua tình thương đối với tha nhân. Lễ này đến vào giữa Mùa Vọng thật là đúng lúc để nhắc cho chúng ta biết Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc thương yêu chúng ta, ngay cả lúc chúng ta còn sống trong bóng tối của sự chết.

Lm Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.12.2008. 14:08